HẢI SỬ TUYỂN TẬP

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Hải Sử tuyển tập do Tổng Hội Hải Quân và Hàng Hải VNCH ấn hành năm 2004, trang 136 ghi nhận: ‘Sau vụ Vũng Rô, lần lượt có thêm 13 vụ khác mà các tàu bè của CSBV bị phát giác và đánh chìm’ trong đó có ba vụ xẩy ra tại Cửa Bồ Đề.

Sông Bồ Đề là một sông nhỏ tại Cà Mâu, sông được bắt đầu tại đoạn giao nhau của hai sông Cửa Lớn và sông Đầm Dơi (tại Tam Giang, Ngọc Hiển), từ đây sôg chảy theo hướng Đông và ra biển Đông. Sông dài khoảng 10 km , hai bên bờ là rừng ngập mặn (đước, mắm, tràm, sú, vẹt…)

Chiều tối ngày 9 tháng 5 năm 1966, Tuần Duyên Đỉnh USGC Pont Grey do HQ Tr/Úy Charles B Mosher làm thuyền trưởng, thực hiện chuyến tuần tiễu thường lệ trong khu vực B ngoài khơi vùng biển phía Đông Bán đảo Cà Mâu. Chiến đỉnh đã hoạt động kéo dài thêm 5 ngày của chuyến công tác dự trù. Trời tối và mưa từng cơn như thời tiết của mùa gió mùa Tây-Bắc. Khoảng 22 giờ đêm, khi chiến đỉnh ở xa bờ khoảng 4 hải lý, thủy thủ nhìn thấy hai đám lửa lớn trên bờ, tàu vào gần bờ hơn và thấy rõ được hai vụ ‘đốt lửa trại’ tại một vị trí nằm về phía Bắc gần cửa sông Rạch Giá. Hành vi khả nghi này khiến tàu quyết định theo dõi suốt đêm và quyết định đúng này đã đưa đến một kết quả bất ngờ.

Khoảng 00 giờ 10 sáng 10 tháng 5, radar của tàu tìm thấy một đối vật, có vẻ như một tàu vỏ thép đang di chuyển theo hướng 260 độ, vận tốc chừng 10 hải lý/giờ. Point Grey tiến gần tàu lạ, đang hải hành, đèn trên tàu tắt hết; và vào lúc 01 giờ 20 ra lệnh yêu cầu tàu lạ trả lời thẩm tra bằng quang hiệu. Tàu lạ im lặng, tiếp tục chạy. Chiến đỉnh tiếp tục đến gần hơn và khi còn cách chừng 400 m, Point Grey dùng đèn pha chiếu để thấy rõ đây là một tàu cận duyên ‘vận chuyển dạng đánh cá’ dài khoảng 120 feet, vỏ tàu màu xanh nước biển xậm, không bảng số và không trương cờ quốc gia nào. Point Grey đoán chừng là một tàu đánh cá Đài Loan bị lạc và báo cáo ngay sự việc về Trung Tâm Phòng Vệ Duyên Hải (Coastal Surveillance Center) tại An Thới, cho biết tàu lạ nhiều lần thay đổi đường đi và vận tốc theo hướng Tây-Bắc. Point Grey tiếp tục theo dõi từ xa. Khoảng 02 giờ 00, tàu lạ hầu như tắt máy, trôi bồng bềnh tại một vị trí ngoài khơi gần nơi hai đám lửa đã tắt. Đến 03 giờ 15, tàu ở tình trạng trôi giạt. Point Grey bắn hoả châu từ súng cối 81 để soi sáng khu vực biển, tiến gần tàu lạ chừng 100m và hỏi thăm, nhưng không được trả lời: 3-4 người thoáng xuất hiện trên boong tàu nhưng sau đó thủy thủ đoàn hầu như tránh mặt. Khoảng 05 giờ 00, tàu lạ ở vị trí cách bờ chừng 1000 thước và giạt từ từ vào khu vực biển cấm. Do biển động nên Point Grey quyết định chờ sáng sẽ cặp tàu để kiểm soát. Lúc rạng sáng, tàu lạ có vẻ như bị bỏ hoang và nằm cách bờ chừng 400 m. Lúc 07 giờ 00, Point Grey tiến gần tàu lạ để cặp tàu và bị súng nhỏ từ trong bờ bắn ra. Chiến đỉnh bắn trả và lùi ra chừng 1500 m để chờ tiếp viện.

Các Khu Trục Hạm USS Brister (DER 327) và Trục Lôi Hạm USS Vireo (MSC 205) đang trên đường đến vị trí. CTF 115 cũng ra lệnh cho Tuần Duyên Đỉnh Point Grove đến tiếp trợ và yêu cầu HQ VNCH trợ giúp. Bộ Tư Lệnh HQ VNCH gửi ngay 5 thuyền máy võ trang của Duyên Đoàn 41, cùng Giang Pháo Hạm Thần Tiễn (LSIL 328) và Tuần Duyên Hạm Song Tử ( PGM 614) (PGM 614 được HK chuyển giao cho VNCH vào tháng 1-1966) đến khu vực hành quân. DER 327 đến vùng vào 11 giờ 25, nhưng vì mực nước cạn nên không thể tiếp cận, và thả neo ở cách bờ khoảng 7500 m. Lực lượng Mỹ-Việt tạm chờ các đơn vị đến đầy đủ trước khi cặp tàu VC, thủy triều và các điều kiện thời tiết không thích hợp cho việc cặp tàu, đánh dạt tàu VC vào cách bờ chừng 100 m, gần vùng rừng lầy ngập mặn. Các phi vụ Không Quân HK yểm trợ được gửi tới: 13 giờ 50 một phi tuần 3 chiếc F-100 oanh kích khu vực bờ bằng bom napalm và đại bác 20 ly. CTF 115 ra lệnh tiếp cận nhưng khi Point Grey đến gần bờ khoảng 200m thì bị súng nhỏ từ trong bờ bắn ra dữ dội gây cho 3 thủy thủ bị thương. Point Grey đành lùi ra ở khoảng cách chừng 300m. Ba thủy thủ bị thương được chuyển sang DER 327. Trong suốt buổi trưa, hải pháo yểm trợ bắn vào bờ để ngăn không cho VC đến gần con tàu. Đạn pháo cũng gây những vụ cháy và nổ phụ nơi con tàu. Một phi tuần 3 chiếc Skyraider của KQ VNCH cũng được gửi tới oanh kích các điểm nghi ngờ của CQ trong khu vực rừng tràm và đước. Đến 5 giờ chiều, sóng đưa con tàu dạt vào gần bờ hơn, chỉ khoảng 50 m, việc cặp tàu càng khó khăn hơn; và để tránh việc VC lên tàu để bốc rỡ hàng trong đêm, lúc 17 giờ 26 CTF 115 quyết định phá hủy con tàu và lệnh được thi hành lúc 17 giờ 50. Hải pháo từ Point Grey oanh kích với khoảng trên 20 quả súng cối 81 mm HE. Tàu VC bốc cháy. Đến 20 giờ 30, tàu phát nổ và vỡ làm hai mảnh, lửa tắt. Phi cơ thả hỏa châu soi sáng khu vực suốt đêm.

Trưa ngày 10 tháng 5, lực lượng HQ VNCH nhập vùng. Sáng sớm 11-5 cho thấy tàu VC bể làm hai và nằm nghiêng bên tà ngạn. Tình hình trên bờ yên tĩnh. Duyên Đoàn 41 ủi bãi và thiết lập một chu vi phòng thủ. Dưới sự yểm trợ của lực lượng Việt-Mỹ, Giang Pháo Hạm Thần Tiễn HQ 328 bắt đầu công tác trục vớt. Hạm trưởng HQ 328 được giao nhiệm vụ chỉ huy tại chỗ. Xế trưa, lực lượng người nhái Việt Mỹ đến nơi vừa giúp trục vớt và bảo vệ chu vi phòng thủ, tuy nhiên do tình trạng thời tiết khó khăn công việc trục vớt không tiến hành khả quan. Các đơn vị Hải Quân Việt-Mỹ (kể cả Point Grey) rút khỏi vùng ban đêm, tạm ngưng trục vớt. Phi cơ của Kế Hoạch Market Time thả trái sáng suốt đêm (USCGC Point Grey hay WPB-82324 được chuyển giao cho HQ VNCH ngày 14 tháng 7 năm 1970 và đổi thành Tuần Duyên Đỉnh HQ-723 Huỳnh Bộ).

Việc trục với tiếp tục trở lại vào rạng sáng 12-5. 9 giờ 30 sáng Chiến Hạm Tortuga (LSD 26) đến nơi chở theo toán ‘Khai Thông Hải Cảng= Harbor Clearance Team) số 1 cùng toán trực thăng chữa cháy. Khoảng 15 giờ, từ khu rừng ngập mặn VC bắn phá rối về phía lực lượng trục vớt. Phi cơ được gọi đến oanh kích. Vào 16 giờ 10, tư lệnh HQVN nhập vùng trên Hộ Tống Hạm (PC) Nhật Tảo HQ-10 và đảm nhận vai trò tư lệnh chiến trường. Việc trục vớt tiến hành suốt đêm và chấm dứt lúc 10 giờ 15 ngày 13 tháng 5. Tất cả các chiến lợi phẩm được chở về Sài Gòn trên Giang Pháo Hạm LSIL 328. Đến 16 giờ, toàn bộ các lực lượng Việt-Mỹ rời khu vực và USS Brister được giao nhiệm vụ phá hủy xác tàu còn tại vùng. Công tác hoàn tất vào 19 giờ.

Chiến lợi phẩm trục vớt được gồm:

1 đại liên phòng không 12.7 mm

3 đại liên 7.62 mm (Soviet SG-43)

1 đại bác không giật 57 mm (Trung cộng , loại 76)

1 đại liên 7.92 mm (MG-34)

Gần 15 tấn đạn dược:

Đạn súng cối các cỡ 120 mm (Trung cộng), 82 mm , 81 và 60 mm.

Đạn đại liên 12.7 mm(Tàu, sản xuất năm 1965)

Đạn SKZ 75 và 57 mm

Đạn súng nhỏ

Tiếp liệu linh tinh:

Máy chiếu phim, loa khuếch âm, phim và tài liệu tuyên truyền đủ loại.

Vụ nổ tàu tiêu hủy hoàn toàn boong tàu và phần giữa thân tàu, gây thất lạc các vật dụng truyền tin cùng dụng cụ hải hành.

REPORT THIS AD

Bảng tên của tàu do người nhái thu hồi cho thấy máy tàu được chế tạo tại Đông Đức năm 1964. Ngoài ra cũng có một số bảng hiệu ghi tiếng Pháp và Tàu. Tàu thuộc loại vỏ sắt dài khoảng 110 feet, sườn ngang 22 feet.

(HQ HK phân loại tàu này là loại SL-5, trọng tải 300 tấn, khả năng vận chuyển khoảng 100 tấn tiếp liệu, thủy thủ đoàn từ 10-15 người, trang bị 3 đại liên 12.7 mm)

Khảo sát các võ khí tịch thâu, các cơ quan tình báo Hoa Kỳ ghi nhận được sự kiện đáng chú ý là đạn súng cối 120 mm được chế tạo tại Trung Cộng năm 1965. Đây là lần thứ nhì loại đạn này xuất hiện tại vùng châu thổ sông Cửu Long. Ngoài ra một số đạn khác được sản xuất tại Trung Cộng năm 1965 cho thấy Cộng quân tại miền Nam đang thiếu đạn, và hệ thống tiếp liệu của BV tương đối hữu hiệu..

Đối chiếu với không ảnh chụp từ các phi cơ trinh sát thì chiếc tàu CSBV này là chiếc đã mưu toan xâm nhập vùng Cà Mâu vào ngày 31 tháng 12 năm 1965, bị Chiến Hạm HK USS Hissem (DER-400) theo dõi; sau đó đã phải quay trở về Bắc Việt. Khả năng vận chuyển của tàu được xem là tương đương với chiếc tàu bị đánh chìm tại Vũng Rô tháng 2 năm 1965.

Ngoài ra, tháng 10 năm 1964, một bác sĩ VC bị bắt khi xâm nhập vào vùng Cà Mâu đã vẽ lại hình dạng con tàu anh đã đi vào Nam và cho biết tàu xuất phát từ Hải Phòng, đi về vùng eo biển Hải Nam sau đó mới chuyển hướng về Biển Đông và xâm nhập vào Cà Mâu.

Tài liệu của CSBV (Đường mòn trên biển) ghi nhận con tàu bị đánh chìm này có số hiệu Tàu 100, xâm nhập dùng hải đăng Hòn Khoai làm điểm xác định vị trí và theo dự trù: ‘Nếu hải đăng Hòn Khoai không sáng, bến nhận hàng sẽ đốt lửa ở rạch Bồ Đề và tàu vào cửa Rạch Giá’…, nhưng hải đăng sáng và trên bờ cứ đốt lửa nên xảy ra chuyện.’ Vẫn luận điệu tuyên truyền, tài liệu còn ghi là VC đã chống trà và bắn chìm một LCV (giả tưởng), ngoài ra còn tháo gỡ được khẩu DKZ 57 đưa vào bờ, nhưng trên thực tế, súng chìm theo tàu và sau đó được trục vớt lên.

Trần Lý (12-2013)