Cảnh chiến tranh ở Ukraine
Ngày 24 tháng 2 năm 2024, tròn 2 năm trên đất Ukraine hứng đầy bom đạn cũ mới của Nga, từ những loại bom đạn còn lại từ Đệ II thế chiến, đến bom đạn tàng trữ trong Chiến Tranh Lạnh và bom đạn tối tân nhất mới chế tạo của Nga hiện nay, thay nhau thả xuống vùng đất bất hạnh Ukraine.
Hình ảnh trên báo chí và truyền hình quốc tế cho thấy những làng mạc bị thiêu rụi, nhà bị cháy đen loang qua các khung cửa, những giao thông hào đầy máu me, công sở bị san bằng, chó mèo không lai vãng. Vậy, con người làm sao có thể sống sót được!
Thỉnh thoảng tại những vùng chiến tranh đổ nát thấy một ông già, bà lão người Ukraine quần áo lem luốc, đôi mắt vô thần đứng nhìn căn nhà đổ nát của mình với tâm trạng đau xót cùng cực; họ bước loạng choạng trên đống gạch vụn từ một bức tường bị tàn phá bởi hỏa tiễn của Nga rồi bước đi lững thững trong niềm xót xa vô định… đi đâu, về đâu…?
Hôm 24/02/2024 mặc dù thủ đô Kiev của Ukraine đang bị Nga pháo kích. Thế mà các lãnh đạo Tây Phương không ngại nguy hiểm đến Kyiv để cam kết và hỗ trợ Ukraine nhân kỷ niệm hai năm cuộc chiến giữ nước:
Thủ tướng Ý bà Giorgia Meloni và thủ tướng Canada Justin Trudeau vào ngày 24/02/2024 đến Kyiv và tuyên bố ủng hộ Ukraine, đồng thời cả hai đã ký hiệp ước an ninh với Ukraine.
Thủ tướng Alexandre De Croo của Bỉ và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, Ursula Von Der Leyen cũng tới thủ đô Kyiv vào đêm bằng chuyến tàu lửa từ Ba Lan để bày tỏ sự ủng hộ Ukraine chống lại sự xâm lược của Nga.
Cộng với ba cường quốc Châu Âu khác Anh, Đức và Pháp cũng đã ký hiệp ước an ninh với Ukraine trước đây. Như vậy là có 5 trong 7 nước G7 ký hiệp ước an ninh với Ukraine (Mỹ và Nhật chưa ký). Có thể đây là tiến trình hình thành một liên minh mới đối đầu với Nga xem ra dễ dàng hơn NATO mà Ukraine muốn gia nhập lúc này thì quá khó khăn.
Nhiều yếu nhân trên quốc tế đến Kyiv đều có nội dung tuyên bố gần giống nhau: “Sự hiện diện của họ hôm nay là thông điệp mà họ muốn gửi tới chính phủ… và người dân Ukraine là họ không chiến đấu đơn độc. Tôi muốn các bạn biết rằng chúng tôi vô cùng biết ơn”. Bên cạnh đó còn có nhiều người dân các nước Âu-Mỹ biểu tình ủng hộ Ukraine.
Còn TT Mỹ Joe Biden và các thành viên của 7 nước giàu nhất thế giới (G7) đã họp qua trực tuyến để lấy quyết định chuyển 300 tỉ USD tịch thu của Nga cho Ukraine. Tin nhận được mới nhất, dù G7 đã có những tuyên bố hết lời ủng hộ Ukraine, nhưng không thể chuyển số tiền xấp xỉ $300 tỉ USD cho Ukraine được vì làm như vậy sẽ gây ra:
– Tình trạng “cạn tàu ráo máng” chặn đường đàm phán với Nga sau này.
– Quốc tế chưa có luật lệ nào được phép làm như vậy. Nếu G7 quyết định chuyển tiền tịch thu của Nga cho Ukraine thì phải thêm luật mới. Điều này sẽ tạo tiền lệ về sau cứ mỗi lần có chuyện gì thì thêm một luật mới, như vậy không ổn.
Trong khi thế giới đang lên tiếng bênh vực cho Ukraine một nước yếu bị xâm lược, là niềm cổ vũ mạnh mẽ cho Ukraine thêm sức mạnh tiếp tục đánh đuổi quân Nga. Thì
Ngược lại không có một nước nào (dù là thuộc phe Nga) có một lời ủng hộ nước Nga. Trái lại Nga nhận được một món quà bẩn thỉu, chứng tỏ sự khinh bỉ đó là nhân dịp tròn hai năm xâm lăng Ukraine vào ngày 24/02/2024, tại lối đi vào Đại Sứ Quán Nga ở Ba Lan có người đã tặng 2 tấn phân bò (1) bốc mùi hôi nồng nặc làm nhân viên Sứ Quán Nga nghẹt thở không thể làm việc được, phải bỏ chạy!
Không như chiến tranh tại Việt Nam và Afghanistan trước đây, khi Mỹ quay lưng thì các đồng minh của Mỹ đều bỏ chạy không nhìn lại. Tại Ukraine sự dùng dằng 61 tỉ USD viện trợ quân sự cho Ukraine mà phải chăng là một “hoạt cảnh” của chính trị lưỡng đảng hoặc là sự mặc cả bầu cử 2024 trên xương máu của người Ukraine. Tại Ukraine khi Mỹ lừng khừng thì có các cường quốc khác vẫn viện trợ cho Ukraine để cầm chân quân Nga. Ukraine chưa rơi vào hoàn cảnh tuyệt vọng như Việt Nam Cộng Hòa và Afghanistan trước đây! Họ đang gặp khó khăn nhưng chưa chết!
Hoa Kỳ ngày 24 tháng 2 năm 2024
Lê Hoành Sơn
Chú thích: