GỌI LÀ VIRUS VŨ HÁN CÓ GÌ SAI ? (Lynn Huỳnh)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Bài viết ngày 23 tháng 5 của hai tác giả Michael R. Gordon, Warren P. Strobel and Drew Hinshaw đăng trên tờ Wall Street Journal, cho hay báo cáo tình báo Mỹ cung cấp những chi tiết mới như số nhà nghiên cứu tại Viện Virus học Vũ Hán (WIV, China’s Wuhan Institute of Virology) bị nhiễm, thời điểm họ ngã bệnh và thực tế họ phải nhập viện để điều trị.

Cụ thể, ba nhà nghiên cứu của China’s WIV đã nhập viện tháng 11-2019, vài tuần trước khi Trung Cộng xác nhận xuất hiện ổ dịch Virus Vũ Hán (Covid-19)  tại thành phố này.

Tất cả những thông tin này có thể tăng thêm trọng lượng cho nỗ lực kêu gọi mở cuộc điều tra quy mô rộng hơn nhằm xác định liệu virus gây dịch virus Vũ Hán đã thoát khỏi phòng thí nghiệm ở Trung Cộng.

Lẽ dĩ nhiên là không ai muốn nước của mình liên quan đến một căn bệnh chết người cả.

Vào ngày 11-2-2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có cuộc họp báo, công bố tên chính thức của căn bệnh gây ra bởi coronavirus mới là “Covid-19” viết tắt của ‘dịch bệnh do chủng Coronavirus năm 2019 gây ra’.

Nhưng trước khi phiên họp báo kết thúc, Ủy ban Quốc tế về Phân loại Virus lại công bố một bài viết, theo đó đề xuất đặt tên theo bản chất của virus gây bệnh là: ‘Hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng do coronavirus lần thứ 2’’, viết tắt là Sars-CoV-2. Tên gọi này phản ánh theo nghiên cứu cho thấy virus mới đang hoành hành có họ hàng gần gũi với virus gây bệnh SARS.

Hiện tại thì Việt Nam cũng dùng Sars-CoV-2, song song với việc một số báo đài vẫn gọi là “virus corona”, và một số khác lại coi tên dịch bệnh và tên chủng virus là như nhau, sử dụng cả hai khái niệm.

Còn người dân Việt, dễ dàng tìm thấy trên mạng xã hội là họ gọi theo cách đơn giản hơn về xuất xứ: virus Vũ Hán, hay gọn hơn nữa là ‘cúm Tàu’ – kiểu như một thứ ‘ghẻ Tàu’ từng rất quen thuộc đối với con nít xứ Việt thuở nào.

Thật ra mọi chuyện cũng bình thường, chẳng mấy liên quan lắm với chuyện người Việt vốn chẳng mấy ưa các quan chức cộng sản Bắc Kinh. “Cúm Tây Ban Nha” mà đến nay vẫn hay được nhắc tới trong trận dịch năm 1918 là một dẫn chứng cho việc đặt tên từ nguồn gốc sản sinh.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hiệp- Viện lâm sàng các bệnh truyền nhiễm của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cũng gọi là virus Vũ Hán”. Bà giải thích, “Corona  phát hiện đầu tiên vào năm 1960, có 4 loại gây bệnh cảm cúm thường, có 2 loại gây ra nỗi sợ hãi là SARS –CoV và MERS CoV, loại thứ 7 là nCoV đang gây bệnh viêm phổi tại Vũ Hán Trung Cộng”.

Hồi đầu năm nay, trong bản ghi nhớ được công bố hôm 26-1 (giờ địa phương), ông Biden cho biết “các thuật ngữ mang tính chất kích động và bài ngoại đã gây nguy hiểm cho những cá nhân, gia đình, cộng đồng và doanh nghiệp người Mỹ gốc Á và Thái Bình Dương”.

“Chính phủ liên bang phải thừa nhận rằng việc này đã đóng một vai trò nhất định trong việc thúc đẩy những quan điểm bài ngoại thông qua hành động của các nhà lãnh đạo chính trị, bao gồm cả việc đề cập đến đại dịch Covid-19 theo nguồn gốc địa lý của nó.

Những tuyên bố như vậy đã làm dấy lên nỗi sợ hãi vô căn cứ và kéo dài sự kỳ thị về người Mỹ gốc Á và Thái Bình Dương, đồng thời góp phần làm tăng tỷ lệ bắt nạt, quấy rối và tội ác thù địch đối với nhóm người này” – bản ghi nhớ có đoạn như trên.

Bản ghi nhớ của Biden yêu cầu các bộ ngành trong chính phủ đảm bảo các tài liệu, tuyên bố và hành động chính thức “không thể hiện hoặc góp phần vào phân biệt chủng tộc, bài ngoại và không khoan dung chống lại người Mỹ gốc Á và Thái Bình Dương”.

Không có nhà lãnh đạo chính trị nào được nêu tên trong bản ghi nhớ, nhưng người tiền nhiệm của ông Biden là Donald Trump đã nhiều lần sử dụng các thuật ngữ như “virus Vũ Hán”, “bệnh dịch Trung Cộng” và “kung flu” khi nói về dịch Covid-19.

Giờ xem ra những ai quen dùng “virus Vũ Hán” là có cơ sở, vì theo bài báo trên WSJ, thì ngay cả ngài Anthony Fauci, Trưởng cố vấn Y tế của Nhà Trắng, cho hay ông “không bị thuyết phục” với giả thuyết cho rằng Covid-19 xuất hiện một cách tự nhiên và kêu gọi mở cuộc điều tra về vấn đề này.

Mỹ, Na Uy, Canada, Anh và những nước khác vào tháng 3 năm nay cũng kêu gọi tiếp tục điều tra về nguồn gốc dịch Covid-19, bao gồm giả thuyết rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán, Trung Cộng.

Lynn Huỳnh