GIỜ THỨ 25 CỦA CÁC LỮ ĐOÀN NHẢY DÙ BẢO VỆ VÒNG ĐAI SÀI GÒN & BỘ TỔNG THAM MƯU QLVNCH (TRƯƠNG VĂN ÚT, K22A-VBĐL)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Tháng Ba sinh – tử chiến! Tháng Tư nghe lệnh đầu hàng, buông súng, trút bỏ quân phục… Nỗi hờn căm, phẩn uất bi thương, đau xé ruột gan và nổi trôi theo vận nước.

Nỗi buồn chua xót đớn đau không phải chỉ cho riêng tôi mà cho cả hằng triệu triệu Quân – Dân – Cán – Chính Miền Nam Việt Nam và thân bằng quyến thuộc, như bị nhận chìm dưới đáy nạn hồng thủy. Riêng chúng tôi là những quân nhân cầm súng, thất trận, thua thiệt, bị kẻ thù cay nghiệt trả thù, bắt giam, hành hạ, lao động khổ sai, trong tình trạng đói khát triền miên; rách rưới, lam lũ kéo dài kiếp sống lê thê tận cùng năm tháng, làm tê liệt tinh thần thể xác. Nỗi đau bị bức tử đời binh nghiệp không nguôi, thì lại thêm hệ luỵ gia đình. Vợ con bơ vơ lạc lõng giữa dòng đời mới, không có tình người, mà chỉ có thú tính lên ngôi, làm đảo lộn và băng hoại tất cả riềng mối luân lý, đạo đức, vốn là nền tảng truyền thống của dân Việt hiền hòa nhân hậu lâu đời.

Trước 30 – 4 -75, Bố vợ của tôi đang là giám đốc nhân viên của cơ quan OSCC, một cơ quan Dân Chính Kiến Tạo của Hải Quân Hoa Kỳ tại đường Hai Bà Trưng – Sài Gòn.

Vào buổi chiều ngày 25 – 4 – 75, Ông gọi điện thoại cho tôi và cho biết rất nhiều điều quan trọng liên quan đến tình hình biến động và đưa ra những dự tính của Ông đang thi hành.

Ông nói: “Bố vừa nhận chỉ thị của giám đốc OSCC thiết lập ngay danh sách tất cả nhân viên Việt Nam nào muốn đi Mỹ, (danh sách di tản) tối đa là 100 người (hai sortie Chinook CH54), mỗi người chi được mang theo một túi xách nhỏ. Bố được toàn quyền chọn lựa, nên Bố quyết định đưa cả gia đình mình đi, trong đó có con và gia đình của con. Cho Bố biết quyết định của con ngay, để Bố lập danh sách trình cho họ chiều nay…”!

Tôi suy nghĩ rất mau và trả lời ngay: “Thưa Bố, con có thể trả lời ngay là, Bố cứ lo cho Mẹ và các em, phần con và gia đình của con, con có dự tính đưa tất cả về Ông Bà Nội ở Mỹ Tho an toàn hơn, vì dù sao Vùng 4 cũng chưa đến nổi nào. Con nghĩ ra đi lúc này có nghĩa là chấm hết. Ai đi thì cứ đi, đi để chạy khỏi nanh vuốt của Việt Cộng khi Miền Nam hoàn toàn rơi vào tay Cộng Sản thì đúng, nhưng bây giờ thì chưa. Lại nữa, đi tới nơi vô định không biết ngày sau sẽ ra sao, và dù ở một nơi nào đó Bố Mẹ cũng phải gầy dựng lại cuộc đời bằng hai bàn tay trắng…

Tôi nói tới đây thì bị Bố ngắt lời hai bằng tiếng ngắn gọn: “Thôi được”, rồi Ông cúp phone.

Tôi biết Bố vợ tôi đang giận dữ vì tôi không tin những điều ông đoán và có ý trách ông, chưa chi đã bỏ của chạy lấy người!

Thật sự ông đã biết chắc chắn Mỹ bỏ rơi miền Nam và sẽ không can thiệp như lời hứa của Tổng thống Nixon trên văn bản cam kết với Chính Phủ Việt Nam Cộng Hoà. Nhưng làm sao, tôi có thể cùng vợ con và gia đình bỏ nước ra đi trong lúc nguy biến và tranh tối, tranh sáng này? Ra đi bỏ lại đơn vị và đồng đội còn đang ba-lô trên vai, tay còn cầm súng, đồng nghĩa với tội Đào Ngũ trước địch quân, tướng bỏ thành bỏ quân, trốn chui, trốn nhủi, như loài chuột bọ …

Tôi không làm được và tuy đào ngũ chỉ là “tội nhẹ”, nặng nề là sẽ danh bại, thân liệt với chữ “hèn”, mang nhục với bạn bè đồng ngũ, tha nhân thị phi khinh bỉ. Tôi tự soi “gương” một vài trường hợp nhân vật điển hình đã và đang xảy ra trong cuộc lui binh biến loạn từ miền Trung xuôi về Nam. Lúc thời bình thì hống hách với quân binh, lúc lọan ly thì khiếp sợ trước quân thù! Tôi không thể ra đi trong thời điểm, mà vận mệnh nước như chỉ mành treo chuông! Ôi! Tổ Quốc-Danh Dự -Trách Nhiệm mà từ bấy lâu nay tôi vẫn trân quý ấp ủ nó, trên chiếc mũ tôi đang đội trên đầu. Ai nói tôi là “thằng ngu” thì tôi hoan hỷ chấp nhận.

Chỉ trong vòng 2 tháng: tháng Ba và tháng Tư năm 1975, đã có bao nhiêu tin tức chiến sự loan tải chỉ gây thêm hoang mang, lo ngại cho những đơn vị còn đang trực chiến. Khởi đầu trang sử đau buồn này là Buôn Mê Thuộc thất thủ, Quân Khu I rút lui, bỏ ngõ, Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù (LĐ3ND) trên đường theo lệnh Sài Gòn thay vì không vận triệt thoái về Sài Gòn, thì được ném vào Khánh Dương để tăng cường hậu lực cho Quân Khu II. Sư Đoàn Thuỷ Quân Lục Chiến tan tác như bầy ong vỡ tổ ở cửa biển Thuận An, rồi Đà Nẵng. Hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng cùng chung số phận theo cái “chiến thuật” quái đản của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu “đầu bé đít to” như muốn phá bỏ từng vùng, theo chân Quân Khu I, Quân Khu II cũng rút lui, bỏ ngõ. Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù phải đơn độc đứng đầu tuyến lửa ở Khánh Dương, trước làn sóng ồ ạt hàng hàng lớp lớp địch quân với vũ khí, đạn dược dư thừa, hung hãn tấn công, phủ chụp xuống như trận bão lửa từ hoả ngục muốn huỷ diệt toàn thể quân dân Khánh Dương, khiến cho LĐ3ND cũng phải tử chiến đạp lên xác giặc, mở đường máu tháo lui về Nam, còn bao nhiêu hay bấy nhiêu!

LĐ2ND lại được lệnh cùng tướng Nguyễn Vĩnh Nghi dàn quân nghênh chiến tại mặt trận Phan Rang với tình trạng tiếp liệu vũ khí, đạn dược giới hạn và cạn kiệt, mà phải chiến đấu cố chận đứng Bắc Quân, cường bạo như cơn lũ lửa đạn, trên đường tấn chiếm Sài Gòn, thủ phủ miền Nam.

Đã quá trễ! Toàn bộ lực lượng Bộ Tư Lệnh Tiền Phương của tướng Nguyễn Vĩnh Nghi như rơi vào lưới lửa đã giăng sẵn, không còn thời gian tính để tìm đường sinh hay tử nữa, “Nó” như một định số bi thảm đã an bài Bắc Quân thừa thắng xông lên, cứ ào ạt tiến chiếm từng phần lãnh thổ miền Nam, căn cứ địa của chúng ta bị địch chiếm từng vùng, kéo theo hằng trăm ngàn dân chạy nạn trong cơn chiến loạn, khiến cho những nơi tương đối còn an toàn cũng lao xao hỗn loạn theo như quân cờ Domino ngã lan dần.

Rồi thì tới Phan Rang, Phan Thiết, Bình Tuy… cũng bị địch chiếm, cho tới Long Khánh là cửa ngõ của Biên Hòa thì chúng bị khựng lại trước “tường thành” thép lửa quyết tử chiến của quân ta. Bộ Tư Lệnh Quân Khu III dàn quân quyết bảo vệ Long Khánh là giữ được Sài Gòn được ngày nào hay ngày nấy, để “Chính Quyền Sài Gòn” xoay sở tìm lối thoát qua thương thuyết chính trị, chấp nhận yêu sách của Hà Nội?

Nhưng với Lê Đức Thọ lúc này chỉ có hai chữ buộc Chính Phủ Việt Nam Cộng Hoà “đầu hàng”.

Còn nước còn tát, Lữ Đoàn I Nhảy Dù được điều động vào mặt trận Long Khánh, tăng cường cho Sư Đoàn 18 Bộ Binh do tướng Lê Minh Đảo chỉ huy và chính tại nơi đây, đã mở thêm trang Chiến Sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà trong cuối mùa cuộc chiến Nam Quốc – Bắc Cộng lưu danh hậu thế: Trận thư hùng tại mặt trận Xuân Lộc: Bắc Quân đã bị chận đứng vì bị thương vong rất nhiều, mà không thể vượt qua bức tường thép lửa đạn của Nam Quân và chúng đã phải lên tiếng kêu hoảng trên truyền thông là: “Chính Quyền SàiGòn đã xử dụng bomb hạch tâm tại mặt trận Xuân Lộc…”.

Quả thật có phần “hơi” đúng, vì ngoài số bộ đội bị thương vong quá lớn do các lực lượng: Lực Lượng Xung Kích Quân Đoàn III, Sư Đoàn 18 Bộ Binh chiến đấu anh dũng tuyệt vời, đơn vị Thiết Giáp phối hợp tác chiến nhuần nhuyễn với các đơn vị bạn: Pháo Binh, Nhảy Dù, Thuỷ Quân Lục Chiến, Địạ Phương Quân, Nghĩa Quân, Biệt Động Quân… Tất cả đã gây tổn thất cho chúng, rồi chúng lại bị lãnh thêm 2 trái CBU Cluster Bomb (Daisy Cutter) do Không Quân Việt Nam Cộng Hoà thả chính xác xuống mục tiêu do các chiến sĩ Biệt Cách Dù bám theo sát đơn vị Bắc quân để theo dõi và chỉ điểm toạ độ chúng tập trung quân. Bom nổ chính xác, kinh hoàng, rúng động tầng địa chất, như cơn địa chấn đã giết chết hơn 10.000 (mười ngàn) bộ đội thuộc Sư Đoàn 3, 6,7 và 341 CS Bắc Việt…

Do vậy sau khi chúng chiếm được Xuân Lộc, chúng hèn hạ trả thù, trút cơn thịnh nộ lên thân phận dân chúng trong vùng, là lùa gom tất cả nam phụ lão ấu tập trung vào một nơi, rồi xả súng bắn giết không chừa một ai! (Quí đọc giả có thể lên Google Search tìm tài liệu và đây là một trường hợp điển hình trong nhiều hiện thực khuất lấp, hay “nói” một cách khác: đây là một hố chôn xác dân lành Xuân Lộc đã được khui khai ra trong số những hố chôn khác chưa được bốc mẻ trong cuộc thảm sát dân chúng Xuân Lộc do chính cán binh Trần Đức Thạch cựu phân đội trưởng Trinh Sát Tiểu Đoàn 8 – Trung Đoàn 266 – Sư Đoàn 341 Quân Đội Nhân Dân Việt Nam có mặt tại hiện trường sau khi các cán binh đồng đội của anh thi hành lệnh xử tử dân Xuân Lộc).

Đây là một trích đoạn: “21- 4 -1975 (9 ngày trước khi Sài Gòn thất thủ) tại ấp Phú Mỹ, xã Tân Lập, huyện Xuân Lộc (nay là ấp Phú Mỹ, xã Xuân Lập, thị xã Long Khánh), làm hơn hai trăm thường dân thiệt mạng oan khốc. Nhà thơ cựu tù nhân lương tâm Trần Đức Thạch quê ở Diễn Châu – Nghệ An là cựu phân đội trưởng trinh sát Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 266, Sư đoàn 341 QĐNDVN sau nhiều năm mới có cơ hội thăm lại người xưa, cảnh cũ, thắp nén nhang tạ tội cùng đồng bào. Rưng rưng lệ, nghẹn ngào, cựu chiến binh Trần Đức Thạch cùng nhân chứng sống là ông Đàn, hiện là Ấp Trưởng Phú Mỹ kiêm Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên Xung phong xã Xuân Lập, 34 tuổi đảng, hồi tưởng vụ thảm sát kinh hoàng. Vụ việc kinh hoàng hiện về như mới xảy ra hôm qua.

Ngày ấy, ông Đàn 18 tuổi, cũng suýt thiệt mạng oan uổng. Vụ thảm sát xảy ra trong bối cảnh Sư đoàn Bộ Binh số 18 QLVNCH vừa rút khỏi Phú Mỹ, đơn vị ông Thạch tràn vô ấp làm nhiệm vụ chốt chặn đối phương. Trước đó, trong một cuộc giao tranh khốc liệt tại Xuân Lộc, Trung đoàn 266 có hơn hai trăm rưởi bộ đội tử trận. Cấp trên tuyên truyền:”… dân chúng vùng Xuân Lộc, Long Khánh, Hố Nai, Biên Hòa… đa số là Công giáo di cư, chống Cộng khét tiếng (thực tế tuyệt đại bộ phận dân Phú Mỹ theo đạo Phật)… Lập tức, bộ đội lùa dân chúng già trẻ, trai gái trong các nhà dân hai bên đường ra mặt đường, điên cuồng xả súng bắn giết tàn bạo. Từ bìa rừng cao su, nghe tiếng súng nổ, nhanh chóng tiếp cận hiện trường, trinh sát Thạch phát hiện vô số thường dân bị giết hại, máu chảy như suối ven đường, người bị thương, người còn sống rên la thảm thiết… lập tức yêu cầu đồng đội dừng bắn và chỉ huy dân ấp chở người bị thương ra Bệnh Viện Suối Tre cấp cứu; di tản phụ nữ và trẻ em vô rừng để tránh bị sốc do hiện trường rùng rợn khủng khiếp; huy động đàn ông 18 – 45 tuổi trong ấp may mắn trốn thoát, tập trung đào hố chôn các tử thi ngay chiều cùng ngày, đào hố và chuyển tử thi ra hố trong chiều 21-4 và trưa 22 – 4 lấp hố, dọn dẹp hiện trường. Không có máy đào, máy xúc, phải dùng máy xới và người dùng xẻng đào hố sâu để chôn lấp tập thể các nạn nhân. Trừ hơn một chục tử thi được người nhà sống sót nhận diện và mai táng riêng biệt ở chỗ khác, còn lại đều lấp trong hố này… (ngưng trích).

Ngày 30 Tháng 4 Năm 1975: Lính Nhảy Dù và trận chiến cuối cùng!

Sau khi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu trao quyền lại cho Phó Tổng Thống Trần Văn Hương, Sài Gòn giới nghiêm liên tục. Ban đêm, tôi không còn nghe tiếng pháo từ đâu vọng về nữa, mà tiếng đạn pháo nổ gần quanh đây, nghe lùng bùng lỗ tai.

*Sáng ngày 27 – 4 – 1975, Tiểu Đoàn 17 Nhảy Dù Tân Lập (TĐ17ND) của tôi được lệnh điều động về bảo vệ vòng đai phi trường Tân Sơn Nhất. Hệ thống liên lạc hành quân có thẩm quyền duy nhất lúc này là Trung tá Lê Minh Ngọc – Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 4 Nhảy Dù (LĐT-LĐ4ND). Hỏa tiễn 122ly, pháo 130ly của Bắc quân rót liên tục vào phi trường và các vùng dân cư phụ cận, phi đạo chính của phi trường bị thiệt hại nặng, mặt trận Ngã tư Bảy Hiền, Lăng Cha Cả, cổng bộ Tổng Tham Mưu, Gò Vấp bùng nổ.. .và số phận của Sài Gòn đã được đếm từng giờ!

*Sáng ngày 28-4-1975, tôi và Thiếu tá Phạm Hồng Thiếp – Tiểu Đoàn Phó-Tiểu Đoàn 17 Nhảy Dù (TĐP – TĐ17ND) lái xe Jeep vào Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn Nhảy Dù để hỏi thêm tin tức, vì không liên lạc được trên hệ thống PRC 25. Nơi đây Bộ Tư Lệnh Hành Quân chỉ còn lại hai Sĩ Quan ứng trực là Thiếu tá Bác sĩ Trần Đông A và Đại úy Phạm Ngọc Đăng và một số Hạ Sĩ Quan thuộc Phòng 3 Hành Quân.

Tất cả quan lớn đều đã “ra đi” và đi đâu thật sự tôi không biết! Làm sao tôi có thể biết họ “biến” đi đâu, chỉ biết là họ không còn trong hàng ngũ giữa khi giờ phút “ba quân đang cần tay ta” hiện thời! Ba thằng bạn cùng khóa 22, Võ Bị Quốc Gia chúng tôi Thiếp, Đăng, Út… lặng lẽ nhìn nhau như thầm nói cùng nhau “thôi thế là xong”! Có niềm đau chua xót trong tâm hồn và nỗi buồn đè nặng không thốt được nên lời.

Tôi với Thiếp trở ra xe, lái về vị trí đóng quân. Liếc nhìn Thiếp, tôi thấy ánh mắt của anh như có lửa căm căm và giọt lệ cay cay trong đôi mắt hiền hòa thường ngày. Tôi biết bạn mình từ ngày ra trường, cho đến khi lên Thiếu Tá làm Tiểu Đoàn Phó, TĐ17 Tân Lập (TĐT-TĐ17TL)). Trong bảy năm dài chỉ ở chiến trường, tay ôm súng gối đầu ba lô với TĐ3ND. Thiếp nghĩ đời binh nghiệp của mình còn dài, ngờ đâu nay như gãy cánh chim bằng. Chợt Thiếp bảo tôi: “Mình ghé TĐ16 thăm Bằng một chút”. Trung tá Phạm Kim Bằng (Bằng Đui), Tiểu Đoàn Trưởng – Tiểu Đoàn 16 Nhảy Dù, cùng Thiếu Tá Ngô Xuân Vinh (Vinh Con) đang ngồi trên ghế thấp kê bằng mấy thùng gỗ chứa đạn pháo binh dưới lều căng bằng Poncho…

Sau khi nghe Thiếu Tá Thiếp kể sơ qua tình hình ở Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn, Trung Tá Bằng trầm ngâm một chút rồi chậm rải nói:

– Tôi mới liên lạc được với Khôi Nguyên (tân lữ đoàn trưởng – Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù đang đóng quân ở Biệt Khu Thủ Đô). Khôi bảo chờ, sẽ có lệnh mới, hôm nay hay ngày mai.

Tôi tự hỏi: Lệnh mới là lệnh gì? Và cũng ngày hôm nay 28-4-1975, vào lúc 16:45 chiều, Tổng Thống Trần Văn Hương đã trao quyền cho tân Tổng Thống Dương Văn Minh, với thành phần tân Nội Các hầu hết là những gương mặt “thiên Tả” và xu thời vốn đã có chủ trương “hòa giải” hoặc “thế thời phải thế” với “Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam Việt Nam”, là cánh tay nối dài của CSBV Hà Nội.

Giáo Sư Bùi Tường Huân làm Bộ Trưởng Quốc Phòng, Trung tướng Vĩnh Lộc – Tham Mưu Trưởng, nhưng rồi hèn tướng Vĩnh Lộc chuồn trước, nên Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh đôn lên thay, luật sư Triệu Quốc Mạnh làm Giám Đốc Nha Cảnh Sát Đô Thành Sài Gòn.

Chỉ cần điểm lướt qua năm ba gương mặt tên tuổi nói trên trong gánh hát bội cuối trào là biết ngay “lệnh mới” là lệnh gì và xuất phát từ đâu ra? Từ Camp David hay “Phủ Đầu Rồng”, từ Lộc Ninh của Trần Văn Trà hay từ Long Khánh của Lê Đức Thọ?

Cái “lệnh” đơn giản là “phải đầu hàng vô điều kiện, không có hòa hợp hòa giải, không có thương thuyết giải pháp này giải pháp nọ lôi thôi gì cả…”

*Trưa ngày 29 – 4 – 1975, tôi liên lạc được Trung Tá Trần Đăng Khôi (LĐT-LĐ3ND) thì được trả lời:

– Út tự lo cho “con cái”, chính tôi cũng không biết phải làm gì bây giờ…!

Tôi liên lạc với Bộ Chỉ Huy LĐ4ND thì được Đại Úy Hồ Tường – Trưởng Ban 3 Hành Quân trả lời:

-Ngọc Nga vắng mặt, chúng tôi chuẩn bị di chuyển ra Tòa Hành Chánh Gia Định, nếu Út Bạch Lan muốn thì tối nay mình gặp nhau ở đó. Lăng Ông Bà Chiểu!

Ô hay! Sao lại “nếu muốn”?

Quân lệnh ban ra là thi hành trước khiếu nại sau, bất tuân thượng lệnh thì chỉ vài giờ đồng hồ sau, trực thăng đến bốc về trình diện Tư Lệnh hay Chỉ Huy Trưởng ngay, chứ đâu bao giờ có cái lệnh là “nếu muốn”, chỉ trừ phi trong trường hợp khẩn cấp, cấp trên tiến thối lưỡng nan, không còn giải pháp nào cứu giúp thì ra lệnh ngắn gọn là “Tùy Quyền”, lúc đó cố thủ hay rút lui là quyền quyết định của Đơn Vị Trưởng trực tiếp tại chiến trận.

Trong trường hợp này “nếu muốn” mang một ý nghĩa khôi hài chua xót là muốn ở lại đó thì cứ ở, muốn theo tôi thì cứ theo, phải chăng chẳng có lệnh lạc gì cả? Như thế có nghĩa là chúng tôi, những người đang cầm súng chiến đấu tới cùng bỗng như con rắn mất đầu! Quân Đoàn không có Bộ Tổng Tham Mưu từ trên xuống dưới. Tiểu Đoàn không có Tiểu Đoàn Trưởng như TĐ17ND của tôi!

Buổi chiều cùng ngày, vào khoảng 5 giờ, bầu trời Sài Gòn rợp bóng trực thăng “sâu rọm” CH54 của Mỹ bay họp đoàn dưới cơn mưa pháo hoả tiễn 122ly và đại bác 130ly của Bắc quân!

Sau này tôi mới biết họ có đường bay riêng để đáp xuống những vị trí an toàn đã được ấn định trước qua sự kết ước ngấm ngầm của Lê Đức Thọ và Kissinger để di tản những người có danh sách (manifest) trước đó hơn 10 ngày: những nhân viên người Mỹ và những nhân viên người Việt làm việc cho các cơ quan Mỹ, như Bố Mẹ vợ của tôi…

Tôi nói với Thiếp:
-Tao muốn qua ngay Bộ Chỉ Huy LĐ4 ngay bây giờ…!

Thiếp nhanh nhẩu:
– Tao đi với mày.

Bộ Chỉ Huy và toàn bộ hậu cứ của LĐ4ND đã di tản. Trên đường về lại Tiểu Đoàn, chúng tôi ghé tạt vào cơ quan DAO, cơ quan Tùy Viên Quân Sự Hoa Kỳ.

Nơi đây đang có hằng trăm, hằng ngàn người, già trẻ bé lớn, nam nữ đủ mọi hạng tuổi đang nhốn nháo xếp hàng từng nhóm 50 hay 60 người tay dắt, tay dìu, lom khom dưới những cơn gió lốc bụi mù của cánh quạt trực thăng CH54 của Mỹ đang đáp, bốc, liên tục…

Tôi chợt thoáng thấy năm ba gương mặt quan lớn quen thuộc, mà mới vừa sáng nay, tôi vẫn nghe oang oang tiếng của họ, điều động các đơn vị trên tần số Hành Quân Nhẩy Dù.

Tôi cố nén nỗi chua xót, đắng cay đang dâng trào lên cuốn họng và nghẹn lời không bật lên thành tiếng và mãi cho tới ngày nay mỗi khi nhớ lại khung cảnh xưa, thì nỗi đau bi thương, phẫn uất vẫn còn… như mới ngày nào!

Đêm hôm đó 29 – 4 – 75, đêm cuối cùng… Buồn lắm! “Thầy trò” chúng tôi âm thầm dạ hành băng qua Sân Cù, bắt tay được với Bộ Chỉ Huy LĐ4 ND ở Tòa Hành Chánh Gia Định.

Chúng tôi chia nhau đóng quân tạm trong khuôn viên trường Cao Đẳng Kỹ Thuật và kiểm soát ngã ba Nguyễn Văn Học – Võ Di Nguy. Lại thêm một đêm không ngủ, chỉ ngồi nhìn hỏa châu lơ lững soi chút ánh sáng giữa bầu trời Sài Gòn và nghe tiếng pháo địch rơi đâu đây rất gần, trong thành phố đang chờ tai hoạ phủ chụp xuống.

Buồn quá, tôi vỗ trán mấy cái cho tỉnh táo và tự nhủ: “Có gì đâu mà lo nghĩ, còn nước còn tát mà…”.

Rồi tự trấn an và “thầy trò” bố trí phòng bị “chờ” lệnh mới?

* Ngày 30 Tháng Tư Năm 1975. Tổng Thống Dương Văn Minh ra lệnh “đầu hàng” và kêu gọi tất cả các đơn vị Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà đang chiến đấu phải buông súng và bàn giao đơn vị cho “chính quyền mới” tiếp thu!

Tôi với Thiếp ngồi cạnh nhau tại bậc tam cấp cửa ra vào một lớp học với tách cà phê nóng trên tay, tai vẫn tiếp tục dán chặt vào chiếc Radio để nghe lời “hiệu triệu” của tên Luật sư Triệu Quang Mạnh – Tổng Giám Đốc Nha Cảnh Sát Đô Thành, ra lệnh cho thuộc cấp phải phóng thích ngay tức khắc tất cả các tù binh Việt Cộng, tất cả các nhà đấu tranh chính trị chống chế độ Diệm – Nhu – Thiệu – Khiêm từ Khám Chí Hòa, từ các phòng giam giữ của các Sở, Ty, Chi Cảnh Sát Quốc Gia, dưới quyền của hắn ta.

Thủ Tướng Vũ Văn Mẫu ra lệnh cho tất cả người Mỹ và nhân viên của các cơ quan liện hệ với Hoa Kỳ, phải rời khỏi Việt Nam trong vòng 24 tiếng đồng hồ.

Tướng một sao xanh vỏ đỏ lòng Nguyễn Hữu Hạnh cứ ra rả: “quân nhân các cấp phải ở tại chỗ chờ lệnh mới…” và lệnh mới đã đến, “Tân Tổng Thống Hoa Lan” Dương Văn Minh “thượng đài” lúc 9:30 giờ sáng “tuyên ngôn”:

“Đường lối chủ trương của chúng tôi là hòa giải và hòa hợp dân tộc để cứu sinh mạng đồng bào. Tôi tin tưởng sâu xa vào sự hòa giải của người Việt Nam để khỏi thiệt hại xương máu của người Việt Nam. Vì lẽ đó, tôi yêu cầu tất cả anh em chiến sĩ VNCH hãy bình tĩnh, không nổ súng và ở đâu ở đó. Chúng tôi cũng yêu cầu anh em chiến sĩ Chánh phủ CMLTCHMNVN ngưng nổ súng. Chúng tôi ở đây chờ gặp Chánh phủ CMLTCHMNVN để cùng nhau thảo luận, lễ bàn giao chính quyền trong một trật tự tránh đổ máu vô ích của đồng bào!!

Rồi sau đó vài tiếng đồng hồ, bại tướng Dương Văn Minh đem tâm tình nói lịch sử với Tướng Trần Văn Trà: “…Ngày hôm nay, đại diện cho các anh em có mặt tại đây, tôi nhiệt liệt hoan nghênh sự thành công của Chính Phủ Cách Mạng trong công cuộc vãn hồi hòa bình cho đất nước. Với kỷ nguyên mới này, tôi mong rằng tất cả anh em có mặt tại đây, cũng như các tầng lớp đồng bào, sẽ có dịp đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng đất nước… Tôi nghĩ rằng với hành động của mình, tôi đã góp phần tránh một cuộc đổ máu vô ích cuối cùng cho Sài Gòn. Đó là phần đóng góp cụ thể của tôi trong cuộc chiến đấu này. Riêng cá nhân tôi, hôm nay tôi rất hân hoan khi được 60 tuổi, trở thành một công dân của một nước Việt Nam độc lập…”

Ôi! Còn nỗi đau đớn nào hơn! Hai mươi năm Việt Nam Cộng Hoà đã mất!

Phải chi theo gương tiền nhân như Phan Thanh Giản để ông được lưu danh sử sách muôn đời, cháu con đời đời ghi nhớ ơn ông? Tránh sự đổ máu vô ích cho đồng bào ư? Ông không biết bài học tướng Nguyễn Bình của Quốc Dân Đảng, khi Võ Nguyên Giáp đề nghị Hồ Chí Minh cho Nguyễn Bình gia nhập Đảng Cộng Sản, Hồ chỉ nói ngắn gọn: “Muốn nhuộm đỏ thì phải tờ giấy trắng, chứ không thể nhuộm đỏ tờ giấy xanh được” (cờ Quốc Dân Đảng màu xanh).

Hôm nay, những ngày cuối tháng Tư năm 2019, ngồi một mình ở sân sau nhà, trong khu “low income”, ngoại ô thành phố Houston – Texas, hồi tưởng lại những ngày tháng cũ của 44 năm về trước. Giòng tâm tưởng hiện về mơ mơ hồ hồ, tai như nghe văng vẳng đâu đây tiếng xích sắt của chiếc tank T54 nghiến trên mặt đường nhựa, lao tới, ủi sập cánh cổng Dinh Độc Lập và lũ khỉ man rợ tràn vào phố thị phồn hoa, văn minh miền Nam mà “nhân” dáng chúng còn nguyên dạng cáo rừng!

Rồi tôi chợt nghĩ đến cuộc chiến tranh Nam – Bắc Đại Hàn năm 1953 – 1954. Khi quân Bắc Triều Tiên ồ ạt tràn qua vĩ tuyến 36 tấn công Nam Hàn, cũng tương tự như tình hình chiến sự của Nam – Bắc Việt Nam hiện thời. Nam Quân rút bỏ dần về phía Nam, cuối cùng phải di tản ra đảo Phú Sơn, là cứ điểm phòng thủ cuối cùng. Nhưng sau đó, dưới tài chỉ huy thao lược của Đại tướng Mac Cathur – Tư Lệnh Thái Bình Dương (hay mưu lược chính trị ở cấp cao hơn nữa), quân Mỹ đổ bộ bất ngờ lên bãi biển Nhân Xuyên ở phía Tây Triều Tiên, cắt ngang vĩ tuyến 36, để từ đây, đánh thốc như chẻ tre, ngược lên phía Bắc, nhanh chóng tiến quân đến sông Áp Lục ranh giới của Bắc Triều Tiên và Trung Cộng. Hơn ba trăm ngàn quân Bắc Hàn còn đang xâm chiếm tại Nam Hàn phải đầu hàng, khiến cho Mao Trạch Đông trở tay không kịp.

Nếu thật sự ông Dương Văn Minh có kế sách chiến lược tương tự với sự hỗ trợ của Mỹ và quân Mỹ trở lại Việt Nam thì cục diện đã thay đổi hoàn toàn? Nhưng Dương Văn Minh chỉ có “kế sách” là đầu hàng, nên mới ra nông nỗi. Lê Đức Thọ đã cảnh cáo cựu Đại Tướng Vanuxem (Pháp) ngày 27 – 4 -1975 tại Long Khánh rằng: “ông nên chấm dứt ngay cái trò chính trị của ông, nếu không, khi tôi vào đến Sài Gòn, việc đầu tiên là tôi sẽ tống cổ ông ra khỏi Sài Gòn ngay lập tức”. Chỉ vì Vanuxem đang móc nối Bắc Kinh (Đặng Tiểu Bình) để thương lượng với Hà Nội, tìm một giải pháp trung lập thật sự cho Việt Nam Cộng Hòa cùng hòa hợp với Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam Việt Nam.

Tướng Vanuxem đã sai, vì CSBV ngang nhiên xé Hiệp Định Paris 1973, rồi xua quân vào miền Nam là thế cờ nhuộm đỏ thế giới do Nga chủ trương và là thế mạnh đương quyền tại Hà Nội, chớ không phải Trung Cộng, và hung thần Lê Duẩn vua “Cung đình Đỏ” chớ không phải Nguyễn Hữu Thọ – Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam.

Khi nghe tin phái bộ của Dương Văn Minh đi lên Lộc Ninh để gặp Trần Văn Trà, thì Vanuxem đã đưa tay lên trời mà than rằng: “Trời ơi, sao ông ta không đi Long Khánh mà lại lên Lộc Ninh”…

Vì nước Pháp qua vai trò tướng Vanuxem muốn cố vấn cho chính phủ Dương Văn Minh gặp Lê Đức Thọ có thực quyền ở thế mạnh để trao đổi, dàn xếp giải pháp Chính Trị cho Việt Nam. Bàn tay của Paris và Bắc Kinh không với và vớt vát tới nỗi ván cờ mưu lược độc địa của Hoa Thịnh Đốn và Mạc Tư Khoa trong lúc này, để đưa đến hậu quả là sau đó không lâu, Việt Nam xua quân đánh Kampuchia, Tàu đánh Việt Nam, còn Mỹ tọa sơn quan hổ đấu, xoa tay xếp ván Poker Game, ung dung chờ thu hoạch, mặc cho bọn “bad guys” cắn xé, giết nhau tận tình tranh lợi!

Suy xét cho tận cùng kỳ lý, thì cũng không thể trách ông Dương Văn Minh được? Bởi thế chính trị Việt Nam khác với Đại Hàn. “Người Mỹ” đến Miền Nam Việt Nam, rồi “Người Mỹ” cuốn gói ra đi khi quân cờ “đồng minh” Nam Việt Nam đã được xử dụng, làm con chốt thí hữu hiệu và kết quả “thu hoạch” tốt như an bài sắp sẵn, để toàn thể Quân – Dân Miền Nam chúng ta, chỉ là một con chốt sang sông được hai thập niên với sự lãnh đạo của Ngô Đình Diệm – Nguyễn Văn Thiệu; để rồi bị hy sinh, tức tưởi, oan nghiệt bởi nước cờ độc chiêu vô tiền khoáng hậu của Mỹ, từ bóng tối Siêu Quyền Lực – Đại Âm Mưu khuyết danh trên quả địa cầu này.

Nam Việt Nam bị thí trên ván cờ, thì cho dù Dương Văn Minh có được Vanuxem hay Đặng Tiểu Bình hổ trợ để thọc gậy bánh xe của Mỹ, cũng vô ích thôi! Do vậy “gấu Bắc cực” Nga và “sư tử” Tàu bị rơi vào bẫy sập vì tranh mồi, rồi cả hai bị “nhốt” vào ván cờ thế lớn hơn.

Hãy nhìn vào bản đồ thế giới chính trị, thì ngày nay cả hai con “xe” Nga – Tàu đang lâm vào bối cảnh đường bộ bị bít, đường biển bị chặn, đường không thì bị giới hạn bởi luật Không phận!

Giờ đây thế hệ anh em chúng tôi đã như quá vãng, mà vẫn tự vấn còn làm được gì cho dân tộc – đất nước và chúng tôi vẫn mong một ngày về, đóng góp công sức chung cho Quê Hương thanh bình…
Mong lắm thay!

TRƯƠNG VĂN ÚT, K22A-VBĐL