Nhà thơ Cao Tần kiêm nhà văn Lê Tất Điều từng nhậu với mấy chiến hữu của mình rồi làm thơ:
“Chuyện binh lửa anh em chừng cũng ớn.
Dọn tinh thần: cưa nhẹ đỡ ba chai.
Rừng đất khách bạt ngàn màu áo trận.
Xong hiệp đầu mây núi đã bâng khuâng”.
May be an image of 1 person and standing
Thưa! Nhớ xưa từ Trung tâm Huấn luyện Quang Trung, hàng chục chiếc GMC xúc các chàng tuổi trẻ (như con gà chết, chữ của Trung úy Nguyễn Văn Mẫn, Bắc kỳ 54, Đại đội trưởng đại đội 24 tiểu đoàn 2 ) đổ xuống Vũ Đình Trường trên đồi Tăng Nhơn Phú, nơi các siêu huynh trưởng khóa 1/72 (khăn đỏ) đang chờ sẵn, dàn chào ‘siêu đàn em’ để bắt đầu tám tuần huấn nhục.
Chạy, hít đất, nhẩy xổm, móc giò lên giường, máu chảy về tim, trình diện dã chiến, hay làm tù trưởng 301 (dành cho mấy huynh trưởng hổng giống ai, hơi ba gai một chút) là chuyện thường ngày ở trường Bộ Binh Thủ Đức.
Lâu dần đời mình sẽ quen! Chân cứng đá mềm, cần cổ đen thui như sơn dầu hắc là xong kiếp nạn Tân Khóa sinh.
Quỳ xuống đứng lên; với con cá trên vai để bắt đầu con đường ‘ăn hiếp’ đàn em mới vào Thủ Đức như các huynh trưởng khóa trước đã đi! Đời mà! Kiến ăn cá! Và con cá nầy ăn con kiến khác… Luật bù trừ là như vậy đó bà con ơi!
Lên Sinh viên Sĩ quan là được đi phép. Sau hai tháng, xa cái mùi mắm kho của em yêu nay trở về sao thèm quá xá!
Ngày đi một bước ho khan! Ngày về sờ thử thấy chàng ‘cứng’ ghê! (Sờ đây là sờ hai con chuột trên bắp tay rắn rỏi của anh chàng Sinh viên sĩ quan khóa 4/ 72 đó nhe bà con! Xin phụ đề thêm cho nó rõ nghĩa!)
Thưa còn tuần nào hổng được đi phép vì bị cấm trại là phải ra tuyến B để gác!
Xin lỗi bà con xứ Quảng quê mình, “En không en! Tét đèn đi ngủ!” đừng rầy là: “Chửi cha không bằng pha tiếng!”; thì tui mới dám thuật lại chuyện: Gác tuyến là phải biết mật khẩu như cái ‘password’ của máy vi tính bây giờ vậy mà.
Bất kể quan to hay quan nhỏ… Phải đáp trúng mật khẩu, là giở cổng cho qua. Bằng không thì cây AR 15 lên cò nghe cái rốp.
Nửa đêm, có chiếc xe jeep từ từ bò vào cổng, ngừng lại. Huynh trưởng xứ Nẫu quê mình hô khẩu lịnh:
“Tét đèn”
Tay tài xế xe jeep tắt đèn.
Huynh trưởng hô mật khẩu: “Bẹt đèn!”
Tay tài xế lại bật đèn lên!
Huynh trưởng lùi lại, hô: “Tét đèn!”
Tay tài xế xe Jeep lại tắt đèn.
Huynh trưởng lại hô mật khẩu: “Bẹt đèn!”
Tay tài xế nổi quạu lên: “Tắt đèn! Bật đèn hoài vậy cha nội!”
Hỡi ôi! Bẹt đèn nầy không phải là Bật đèn mà là Bạch Đằng! Tiếng Quảng quê mình là như vậy đó bà con ơi!
***
Thưa còn tui thì lại nhớ ngày đầu tiên ra bãi bắn Long Thạnh Mỹ. Chui xuống hầm bia để chờ huấn luyện viên trên đài tác xạ ra lịnh: Bia lên! Là đưa lên. Bia xuống là kéo xuống!
Thay cái hình VC bị bắn lỗ chỗ nầy bằng cái hình VC khác… để đếm lỗ mà tính điểm bài thi bắn súng trường ba tư thế đứng, ngồi, nằm.
Hai đứa cùng nhiệm vụ, tui ‘bỏ nhỏ’ cho huynh trưởng Lê Trung Tuấn giơ bia lên; kéo bia xuống. Còn tui nằm phè, dựa lưng vào vách hầm, hút thuốc vặt và nghe đạn AR 15 bay véo véo trên đầu hầm.
Lại nhớ tới bài thơ của Nguyên Sa: Sân Bắn!
“Bia lên ta thấy thân người. Thấy ta thấy địch, thấy đời lãng du. Thấy tay dư, thấy chân thừa. Thấy tai nghễnh ngãng, mắt mù óc không…Một đời phơ phất hình nhân. Thấy còn thấy hết, sau cùng thấy đau. Bia lên thấy mẹ u sầu. Giấy bồi tơi tả cúi đầu trong ta. Trời cao ngó xuống thịt da. Bia lên trông cũng vật vờ cỏ xanh. Bia lên tìm chỗ ta nằm. Non cao duỗi cẳng em còn thấy đâu. Hầm bia buồn đến mộ sâu. Nghìn cây nến thắp trên đầu đạn bay…
Rồi những bài học về chiến thuật trung đội phòng thủ, trung đội tấn công, trung đội tao ngộ chiến, trung đội phản phục kích…Những ngày đi bãi! Đồi 31, đồi Bác sĩ Tín (dầu khuynh diệp), bãi Nhà Sập, cầu Bến Nọc…
Đầu năm 73, tháng Giêng, tình hình chiến sự biến chuyển dồn dập. Hiệp định Paris bốn bên ký xong chưa ráo mực, là hầu hết các khóa sinh viên Sĩ quan Thủ Đức năm 72 lên đường đi chiến dịch. Tui về xã Tân Phú Trung, quận Bình Đại, tỉnh Kiến Hòa. Buổi chiều, giáp Tết năm 73 đó, chân mây ráng đỏ màu máu. Ngồi trên nóc hầm truyền tin của đồn nghĩa quân ấp Tân Định, lần đầu tiên mới biết uống rượu đế. Khề khà vài ly với mấy ông Nghĩa quân. Mắt ngóng về Mỹ Tho nơi có Má, có em yêu chỉ chừng 40 cây số, ngược dòng sông Mỹ Tho, sao mà xa xôi quá đổi?!
Bốn tháng chiến dịch trở về, mang theo mấy câu thơ!
“Phố chợ Tân Phú Trung buồn như mưa. Tạ ơn quán em cho bình toon rượu. Nếu không có em, đìu hiu phố chợ. Không rượu chiều nay lấy gì ta say?”
Bài học cuối cùng là Hành quân Dã trại trước khi mãn khóa để anh quỳ xuống đứng lên thành Chuẩn úy. Từ Alpha, con cá thêu trên ve áo đổi thành hai cái quai chão để chiên xù… hai con cá!
Đã lưng chừng đêm, trời đổ trận mưa to. Từ đồi 31 trở về, trùm pocho, đi âm thầm, lặng lẽ như một đoàn quân ma, qua những con đường mòn, những ngọn đồi thấp, những chồi cây. Giọt mưa theo triền nón sắt. Lấy tay che gió, mồi điếu thuốc Bastos xanh từ cái hột quẹt ‘Zippo’ leo lét cháy, hít vài hơi, khói lửa 30 giây, cho đỡ lạnh.
Đêm áp lễ ngày mãn khóa là: đêm bồng súng gác Trung Nghĩa Ðài. Mặc đồ tiểu lễ, dây biểu chương, găng tay trắng, nón ‘caskette’ có quai vòng quanh cằm, súng trên tay áp vào ngực vào vai, lưỡi lê chọc thẳng lên trời, như hai cái tượng đứng canh thức cho những huynh trưởng đã bỏ mình vì tổ quốc. Ðêm càng sâu, gió càng lạnh; thổi bập bùng những ánh đuốc!
“Hồn tử sĩ gió ù ù thổi. Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi…”
Ngày trọng đại cuối cùng đã tới! Quân phục đại lễ! “Quỳ xuống các Sinh viên sĩ quan! Đứng lên các tân Sĩ quan!” Giương cung, tên bắn bốn phương trời! Chí tang bồng hồ thỉ!
Về Nhảy dù, Thủy quân Lục chiến, Biệt động quân, Sư đoàn, Tiểu khu. Đủ cả! Trên 800 chàng chuẩn úy sữa, rải từ Quảng Trị tới An Xuyên (Cà Mau)
“Thương em, dải miền Trung, chưa mưa đã lụt! Quân anh đi tầm tã em sùi sụt, trong gió Lào bỏng cháy, rát làn da! Thương miền Trung “mô, tê, răng, rứa”
Đêm cùng em hẹn lần, hẹn lữa..
Hỏi ngày về, vời vợi : “Biết chi mô!” Mai tiểu đoàn anh ra tuyến lửa theo anh hoài câu hát thiết tha: “Răng chừ nước ráo Đồng Nai. Sông Gianh hết chảy mới phai lời nguyền” Thương người lính, miền Trung ở lại. Mãi mãi không về được chốn quê, Thân là lính, thét roi cầu Vị. Chết chiến trường, thây bọc chiếc poncho…”
Sau cuộc biển dâu đó! Chưa tới ba năm sau là miền Nam sụp đổ. Đi tù…Rồi vượt biên, vượt biển!
Thưa chiến tranh không phải là một trò đùa. Tụi tui lúc đó chừng 20, 21 tuổi . Năm 1973 năm nay 2023. Đã 50 năm rồi đó mà:
“Đường trường xa muôn vó câu bay dập dồn. Đoàn hùng binh trong sương lướt gió reo vang. Đi đi đi lời thề nguyền tung gươm thiêng thi gan tài. Đời hùng cường quyết chiến đấu đoàn quân ra đi…” vẫn còn vang vọng đêm mơ.
Đoàn Xuân Thu