(Giáo sư Trần Huy Bích 2024)
1. Trưởng ban văn nghệ trường Chu Văn An
Người viết gặp anh Trần Huy Bích cuối năm 1956, niên khóa 56 – 57, khi anh cùng với Ban Văn nghệ trường Chu Văn An đi các lớp để nói về tờ Đặc san Xuân của trường, và khuyến khích mọi người viết cho đặc san. Khi tờ báo in xong, tôi gặp lại anh lần thứ nhì. Anh đến lớp tôi để tuyên dương anh Nguyễn Gia Phái về bài thơ “Chu Văn An mến yêu” được đăng trên tờ Đặc san Nhựa Sống. Bài thơ của một học sinh đệ lục nói về kỷ niệm và mộng ước dưới mái trường. Tôi còn nhớ 4 câu:
Ôi! Chu Văn An, Chu Văn An
Em nghe thoang thoảng hương thời gian.
Ngày sau ai chớ lờ quên nhé,
Trong mái trường đây mộng chứa chan.
Tôi chỉ gặp anh Bích hai lần, vì đó là năm cuối cùng của anh ở Chu Văn An.
2. Hiệu Trưởng trường Trung học tư thục Thăng Long
Năm 1964 tôi gặp lại anh Trần Huy Bích ở Đà Lạt. Lúc đó anh là Hiệu Trưởng trường Trung học tư thục Thăng Long. Trường mới được anh mua lại của ông Chử Bá Anh, trước đó có tên là trường Hiếu Học. Gặp lại nhau cũng vào đầu niên khóa, nên anh kéo tôi vào phụ trách những giờ sử địa cho mấy lớp đệ nhất cấp. Từ trường Hiếu Học đổi thành Thăng Long, tôi đoán thầy Bích muốn theo gương của các ông Hoàng Minh Giám, Đặng Thái Mai và Võ Nguyên Giáp trong việc thành lập trường Thăng Long ở Hà Nội vào giữa thập niên 1930. Đi dạy được hơn một tháng, tôi thân với mấy người thân của thầy Bích:
Thứ nhất là ông Nguyễn Ngọc Hướng, thầy Bích đem từ Sài Gòn lên để làm Giám Học. Tuy là bạn thân, nhưng tính chất hai người khác nhau. Thầy Bích khiêm cung, nói năng để ý từng lời, còn ông Hướng đẹp trai, bay bướm, ăn mặc chải chuốt và rất điệu, chẳng hạn đi đâu phải mặc vest thì ông luôn ra đường mới biểu diễn thắt ca vát với cái nút rất đẹp. (Tôi học ông, nhưng mình thiếu chất bay bướm nên thắt không ra sao). Một buổi chiều, tôi với ông đứng trong sân trường cạnh đường Hai Bà Trưng nhìn theo cô gái áo dài tha thướt với chiếc áo len xanh lục, ông thốt lên: Đẹp mà quyến rũ như thế thì mình sống sao được!
Tôi cười nói: Đà Lạt nhiều giai nhân nhìn hoa là hoa rơi. Tôi sợ ông phải từ giã Thăng Long sớm.
Thứ nhì là hai ông thầy trẻ: Trần Ngọc Hoàn và Trần Công Ngà, cũng từ Sài Gòn lên. Cả hai đẹp trai, rất bay bướm và phá phách, vẫn còn nguyên chất thứ ba, sau quỉ và ma. Ngà thường hay lên nhà tôi. Có lần, tôi và Ngà đi chơi vào phía đồi núi phía sau nhà tôi ở cuối đường Huyền Trân. Trên đường về, đi qua một khu rẫy rộng, thấy một vạt, người ta mới trồng mấy chục cây chanh, Ngà vào nhổ một cây, nói: Nhiều quá, lấy bớt một cây, đem về trồng ở vạt đất phía dưới nhà ông. Một lần khác, Ngà đi vespa đem đến cho tôi một chậu hoàng lan, cười nói là hôm qua đi qua một biệt thự trên đường Lý Thái Tổ thấy họ có cả trăm chậu lan, nên đến đêm mượn chiếc xe này tới lấy bớt một chậu.
Thứ ba là chú tiểu Lê Mạnh Thát, tu ở chùa Linh Sơn, mới 20 tuổi đã thông làu Hán tự, Anh và Pháp ngữ. Chú đang học lớp sư phạm triết ở Đại học Đà Lạt và thầy Bích mời chú dạy Pháp văn cho mấy lớp đệ nhất cấp. Với chú Thát, tôi nhớ nhất là mỗi lần lên chùa chơi, chuyện trò qua giờ cơm là chú đứng dậy nói: Đi ăn cơm. Tôi theo chú xuống nhà ăn. Lần nào chú cũng lấy ra một liễn cơm, 2 bát canh, mỗi bát một trái su su nhỏ, lớn thì nửa trái, thỉnh thoảng có một đĩa nhỏ bắp cải xào hay một đĩa chao. Tôi đã ăn nhiều lần và bữa ăn nhà chùa chỉ có thế. Có lần tôi tới chú buổi chiều, chuyện trò tới khuya. Khi về chú đi với tôi ra sân, rồi đứng lại giữa sân chùa nói nữa trong khi sương đêm bao phủ mờ mịt. Trên đường về, đi trong sương dọc theo đường Yersin với rừng thông, tôi có cảm tưởng mình là hiệp khách mới từ giã một nhà sư cao thủ ở chùa Thiếu Lâm trên Thiếu Thất. Mười năm sau, khi du học ở Mỹ về, chú thành Đại Đức Trí Siêu Lê Mạnh Thát, không là cao thủ võ lâm nhưng là đại cao thủ văn lâm.
Cuối cùng là thầy Trần Huy Bích. Thầy Bích cho tôi một kỷ niệm nhớ đời là trong tháng đầu đi dạy, tôi chỉ mặc chiếc áo len dài tay, một buổi sáng tới trường, thầy Bích đã cởi chiếc áo vest dạ màu xám nhạt khoác vào người tôi. Từ đó, tôi có dáng dấp mới của người mặc áo vest. Chiếc áo ấy đã ở với tôi lâu dài. Sau này mỗi lần đi phép về Đà Lạt, tôi lại mặc áo vest dạ xám để đi phố hay vào cà phê Tùng. Có một điểm đặc biệt là trong thời gian cả niên khóa, tôi không thấy thầy Bích uống cà phê. Tôi đã vào cà phê Tùng với ông Hướng, với Trần Công Ngà, với Trần Ngọc Hoàn, nhưng chưa bao giờ tới cà phê Tùng với thầy Bích. Trong niên khóa, thỉnh thoảng có dịp đông đủ mấy người thân vào buổi tối, Thầy Bích thường mời mọi người đi ăn chè ở quán chè đầu đường Đoàn Thị Điểm và Duy Tân của cô con gái ông bà chủ nhà hàng Bắc Hương. Quán lúc nào cũng đông khách, vì có nhiều loại chè và cô chủ quán là một giai nhân của phố thị, một vưu vật của thế gian mà ông Nguyễn Ngọc Hướng rất sợ bị hóa kiếp. Tôi chỉ sống với trường Thăng Long niên khóa 64-65. Năm 1965, ông Hiệu Trưởng Trần Huy Bích và ông Giám Học Nguyễn Ngọc Hướng về Sài Gòn, trao trường cho giáo sư Đàm Quang Hưng xử lý thường vụ.
3. Du học Hoa Kỳ
Đầu năm 1986 tôi vượt biên, đến Mỹ năm 1987. Đầu năm 1989 từ Chicago, tôi qua nam California dự cuộc họp với một số văn nghệ sĩ để thành lập Hội Văn nghệ sĩ Việt Nam Tự Do. Tại đây, tôi gặp lại thầy Trần Huy Bích. Thầy chở tôi đi Bolsa ăn phở, để vào túi tôi mấy trăm và đưa cho tôi một bản tài liệu 6 trang ghi danh sách những lãnh tụ Cộng sản Trung Hoa từ trước cho tới 1989 và danh sách các tỉnh, khu tự trị và một số đô thị quan trọng, trong đó ông đã đối chiếu lối phiên âm Pinyin để chuyển sang âm Hán Việt. Thí dụ Dengxiaoping (âm pinyin) thành Đặng Tiểu Bình (âm Hán Việt). Thầy Bích cho biết là ông tới địa điểm họp không phải để dự họp mà mục đích là để phổ biến bản tài liệu. Từ đó, tôi với thầy Bích thường liên lạc với nhau bằng điện thoại rồi bằng email, và tôi biết, sau khi rời trường Thăng Long về Sài Gòn, năm 1967 ông động viên vào trường Bộ Binh Thủ Đức khóa 25, rồi được chuyển lên dạy ở trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt. Năm 1969, ông được học bổng du học Hoa Kỳ trong chương trình đào tạo giảng viên có bằng Master của trường Võ Bị. Sau khi lấy Master, ông được học bổng để học tiếp và ông đã lấy bằng Tiến sĩ về Chính trị Đối chiếu tại University of Texas, Austin.
Trong thời gian dài, qua chuyện trò, tôi chỉ biết ông làm ở thư viện đại học Nam California. Bây giờ qua bài “Giáo sư Trần Huy Bích, người nặng tình với non sông và chữ nghĩa” của nhà văn Vương Trùng Dương, tôi mới biết rõ, sau khi tốt nghiệp Tiến sĩ, ông Bích đã chuyên về giáo dục và thư viện với những chức vụ:
– Phó Giám Đốc, phụ trách chương trình hướng dẫn và huấn nghiệp dành cho sinh viên ngoại quốc tại Pasedena City College, Pasedena, California.
– Quản Thủ Thư Viện trong chương trình A.S.I.A của hệ thống thư viện công cộng, California.
– Phụ tá Quản Thủ Thư Viện, phụ trách các tài liệu về giáo dục và về Á Châu Học và Trung Hoa Học tại thư viện Đại Học UCLA (1989 – 2001) và Đại học USC từ 2002 cho đến khi về hưu năm 2007.
4. Hai sáng kiến
Trong thập niên 1990, tôi biết rõ hai việc của giáo sư Trần Huy Bích:
Thứ nhất, về tương giao cá nhân, ông đã có sáng kiến rất đẹp là cuối năm dịch thơ Đường, gửi chúc tết bạn bè. Mỗi năm tôi đều nhận được mấy bài, tập hợp thành một tập thơ Đường của Từ Mai Trần Huy Bích mà bây giờ tôi vẫn thường đọc lại. Cũng trong thời gian này ông lấy bút hiệu là Từ Mai. Khi tôi hỏi ý nghĩa, ông cho biết là bút hiệu Từ Mai đã được lấy từ mấy câu thơ trong bài Âm Vi Diệu của nhà thơ, nhà khoa học Vô Ngã Phạm Khắc Hàm:
Mười năm vách Bích Nham
Tham thiền trước sư tổ
Sư tùy duyên hóa độ
Truyền dạy: Quán vô tâm
Từ đấy ngàn năm vách lắng tai
Lời kinh vi diệu thấm linh đài
Tình thương từng giọt rơi trên đá
Thành đóa hoa Từ năm cánh Mai.
Trong số những bài thơ ông gửi, có hai bài ông ghi chú:
1. Bài Trừ Tịch của Đặng Đức Siêu với ghi chú: Thơ Đặng Đức Siêu (1750 – 1810) thất truyền hai câu 5-6. Đông Hồ đề nghị hai câu tạm thay. Trần Huy Bích chép lại tặng các thân hữu: