GIẢI PHÁP BẢO ĐẠI VÀ SỰ THÀNH LẬP QUỐC GIA VIỆT NAM CHỐNG LẠI HỒ CHÍ MINH & ĐẢNG CSVN (Nguyễn Lý Tưởng)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Nhân kỷ niệm Ngày Việt Minh cướp chính quyền tại Hà Nội 19/8/1945 …

GS Nguyễn Lý-Tưởng trả lời các câu hỏi liên quan đến các vấn đề sau đây: 

-Giải pháp Bảo Đại và sự thành lập Quốc Gia Việt Nam chống lại Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản

-Hội Nghị Geneve và Hiệp định đình chiến 20/7/1954

-Vai trò của Trung Cộng trong trận Điện Biên Phủ từ tháng 3 đến tháng 5/1954…Ảnh hưởng của Trung cộng trong chiến tranh Việt Nam – 1965-1975

Quốc Sơn (01):  Xin Giáo Sư cho biết “Quốc Gia Việt Nam” do Quốc Trưởng Bảo Đại lãnh đạo đã ra đời trong hoàn cảnh nào?

GS Nguyễn Lý-Tưởng:

 –  Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chánh Pháp tại Đông Dương. Tất cả chính quyền hành chánh, quân sự Pháp đều đã đầu hàng Nhật, chấm dứt thời kỳ  đô hộ Pháp tại Việt Nam.

–  Ngày 11/3/1945 vua Bảo Đạo tuyên bố nước Việt Nam độc lập và tham gia khối “thịnh vượng chung Đại Đông Á” của Nhật.

–  Ngày 17/4/1945, Thủ Tướng Trần Trọng Kim trình diện Chính phủ. Nhật trả Nam Kỳ cho Bảo Đại, nước Việt Nam độc lập thống nhất từ Nam chí Bắc do Bảo Đại lãnh đạo.

–  Ngày 6/8/1945 Mỹ thả bom nguyên tử xuống đảo Hiroshima và 9/8/1945, đảo Nagazaki của Nhật.

Ngày 11/8/1945, Nga đem quân chiếm Mãn Châu, xé bỏ hiệp ước bất tương xâm đã ký với Nhật. Hồ Chí Minh là cán bộ CS quốc tế của Nga nên biết tin Nhật sắp đầu hàng và được lệnh tổ chức cướp chính quyền.

–  Ngày 15/8/1945, vua Nhật tuyên bố đầu hàng Mỹ (đồng minh)

–  Ngày 19/8/1945, Việt Minh cướp chính quyền tại Hà Nội

–  Ngày 22/8/1945, Việt Minh chính thức yêu cầu vua Bảo Đại thoái vị. Bảo Đại từ chối đề nghị của Nhật “sử dụng quân Nhật để bảo vệ hoàng gia, duy trì an ninh trật tự tại Huế… .”

–  Ngày 23/8/1945, vua Bảo Đại trả lời Việt Minh : “đồng ý thoái vị”.

–  Ngày 25/8/1945, vua Bảo Đại chính thức đọc chiếu thoái vị và trao ấn kiếm cho Trần Huy Liệu, đại diện Việt Minh.

Bảo Đại là chính quyền hợp pháp, Việt Nam đã độc lập thống nhất. Hồ Chí Minh cướp chính quyền từ tay Bảo Đại là hành động bất hợp pháp.

–  Ngày 2/9/1945, Hồ Chí Minh chính thức đọc Tuyên Ngôn Độc Lập tại Hà Nội. Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ra đời. Hồ Chí Minh mời Bảo Đại làm Cố Vấn và Bảo Đại ra Hà Nội (dưới sự kiểm soát của Việt Minh, một hình thức bị giam lỏng, mất tự do).

–  Ngày 9/9/1945, quân Tàu (phe Tưởng Giới Thạch) vào Việt Nam giải giới quân Nhật.

–  Ngày 23/9/1945, Tướng Douglas, chỉ huy quân Anh vào giải giới quân Nhật từ vĩ tuyến 16 trở vô Nam đã đồng ý cho quân Pháp đến Saigon thay thế quân Anh. Trần Văn Giàu lãnh tụ Việt Minh tại Saigon, tổ chức bắt cóc, ám sát, khủng bố người Pháp tại Saigon. Tổ chức “Nam Bộ kháng chiến ra đời”. Thanh niên Việt Nam tình nguyện vào Nam tham gia kháng chiến Nam Bộ. Các tôn giáo như Cao Đài, Hòa Hảo và các đảng phái như Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt… . . .tổ chức võ trang chống Pháp và tự vệ (trước sự khủng bố của Việt Minh).

–  Từ Saigon, Pháp hành quân chiếm các tỉnh chung quanh Saigon và thiếp lập chính quyền thân Pháp.

–  Các nhà cách mạng Việt Nam như Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh theo quân Tàu về nước. Hai tướng Tàu là Lư Hán và Tiêu Văn cũng đã nhận được chỉ thị của Tưởng Giới Thạch “giúp các nhà cách mạng Việt Nam lên nắm chính quyền.” Nhưng Việt Minh đã cướp chính quyền tại Hà  Nội trước đó 3 tuần rồi. Trước áp lực của phe quốc gia, Hồ Chí Minh đã nhượng bộ, nhường 72 ghế trong Quốc Hội cho phe Quốc Gia và  lập Chính Phủ Liên Hiệp, mời Nguyễn Hải Thần (Việt Cách: Phó Chủ Tịch Nước), Vũ Hồng Khanh (Việt Quốc: Quân Ủy Hội), Nguyễn Tường Tam (Việt Quốc: Bộ Ngoại giao), Chu Bá Phượng (Việt Cách: bộ Kinh tế), Huỳnh Thúc Kháng (không đảng phái: Bộ Nội Vụ)… . .

 .Từ hội nghị Dalat đến Fontainebleau, các cuộc thương lượng giữa Việt Minh với Pháp thất bại, Việt Minh phải ký với Pháp Hiệp Ước Sơ Bộ ngày 6/3/1946, chấp nhận cho 15.000 quân Pháp đến Miền Bắc Việt Nam như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng… . . .thay thế quân Tàu. Đại diện Pháp là Sainteny và D’Argenlieu, phía Việt Nam là Hồ Chí Minh (Chủ Tịch Nước) và Vũ Hồng Khanh (đại diện  Hội Đồng Bộ Trưởng). Phái đoàn Việt Minh (Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa) về nước trước. Hồ Chí Minh ở lại Pháp như là một hình thức “con tin” để cho Pháp không nghi ngờ gì. Nửa đêm 14/9/1946, Hồ Chí Minh gọi tel. cho Moutet, Bộ Trưởng Thuộc Địa Pháp để ký một Thỏa Ước Tạm Thời (Modus Vivendi) công nhận sự hiện diện của Pháp tại Việt Nam. Tại Huế, Việt Minh đã cho Pháp đóng quân tại trường Quốc Học, học sinh phải đi nới khác. Quân Pháp vẫn ở đó từ 1946 đến sau 1954 (Năm 1952, tôi từ Quảng Trị vào Huế học, vẫn thấy Pháp đóng quân trong khuôn viên trường Quốc Học. Ông bạn tôi hiện còn sống ở Đức quốc kể lại năm đó ông đang học tại trường Quốc Học thì tướng Nguyễn Bình của Việt Minh từ Saigon ra Hà Nội, ghé Huế vào thăm học trò. Nguyễn Bình nói với học trò “Quân Pháp ở đây chỉ là tạm thời thôi. Chúng ta đạt được thắng lợi: Trước đây Pháp gọi chúng ta là rebel (phản loạn) bay giờ thì gọi chúng ta là revolution (cách mạng) – …chơi chữ “r”.

Cái vô lý là chưa một quốc gia nào hay một Chính Phủ nào trên thế giới gọi là nước độc lập mà lại “mở cửa” rước “kẻ thù” vào như thế. Xin lưu ý: Pháp là “kẻ thù chứ không phải đồng minh”. Không phải người Pháp vào để du lịch hay làm ăn mà đây là “Quân Đội” với đầy đủ súng ống. Đây là kế mượn quân Pháp để đuổi quân Tàu của Hồ Chí Minh. Vũ Hồng Khanh là người của Việt Nam Quốc Dân Đảng tham gia Chính Phủ Liên Hiệp, đã để lại chữ ký trong Hiệp Ước (Sơ Bộ 6/3/1946) này.

Quốc Sơn (02): Thưa Giáo Sư, khi quân Pháp chưa có mặt tại Hà Nội và Hồ Chí Minh chưa tuyên bố lệnh “Toàn Quốc Kháng Chiến” ngày 19/12/1946…thì ai là người đã nghĩ đến “Giải Pháp Bảo Đại” và “đã âm thầm chuẩn bị” cho Giải Pháp này ?

 GS Nguyễn Lý-Tưởng:

Phe Trương Tử Anh không tham gia Chính Phủ Liên Hiệp. Mặt trận Quốc Dân Đảng Việt Nam hợp nhất giữa Việt Quốc và Đại Việt tan rã. Trương Tử Anh âm thầm vận động cho một giải pháp chính trị mới : “Giải Pháp Bảo Đại”.  

-Trước ngày bầu cử Quốc Hội (6/1/1946), Bảo Đại bỗng nhiên mất tích, không ai tìm thấy ông ở Hà Nội nữa. Bên Đại Việt đã nhờ ông Lưu Đức Trung, một người Việt Nam có vợ là em ruột của một tướng Tàu lập kế hoạch giải cứu Bảo Đại… . .. Lưu Đức Trung biết được hiện Bảo Đại đang bị giam lỏng ở trong một biệt thư tại bãi biển Thanh Hóa, ông liền cùng tên tướng Tàu đến gặp Bảo Đại và đưa ngài về Hà Nội. Khi thấy Bảo Đại trở về và được quân Tàu bảo vệ, thân hào nhân sĩ và thành phần đảng phái quốc gia cũng như đồng bào thường lui tới thăm viếng ngài. Ngày quân Pháp đổ bộ Hải Phòng, Tướng Tàu ở đây ra lệnh nổ súng ngăn chận. Điều đó chứng tỏ việc quân Tàu rút về còn gặp nhiều khó khăn chưa giải quyết được. Hồ Chí Minh phải cử một phái đoàn qua Côn Minh thương lượng với Tưởng Giới Thạch, mặt khác Pháp trả lại nhượng địa thời nhà Thanh cho Tàu, cho Tàu nhiều quyền lợi về thương mãi. Báo chí ở Hồng Kông bình luận: Nếu trong phái đoàn Việt Minh qua gặp Tưởng Giới Thạch mà có Bảo Đại thì sẽ thuận lợi. Vì thế, Hồ Chí Minh đồng ý mời Bảo Đại tham gia phái đoàn do Hoàng Minh Giám cầm đầu.

Nhưng khi đến Côn Minh, Bảo Đại liền tuyên bố với báo chí “Ông không phài là người đại diện Việt Minh, ông qua Trung Hoa với tư cách cá nhân, đi du lịch”.

Bảo Đại liền tách rời khỏi phái đoàn và được một ân nhân giúp đỡ đến tạm trú tại Hong Kong.

Như đã nói ở trên, việc thương thuyết giữa Hồ Chí Minh và Pháp thất bại nên Hồ Chí Minh đã dùng kế “mượn tay quân Pháp để đuổi quân Tàu” nhưng “quân Tàu đi thì quân Pháp đến”. Quân Pháp không tốn một viên đạn mà có mặt tại thủ đô Hà Nội. Hồ Chí Minh vừa rước Pháp vào rồi lại hô hào kháng chiến chống Pháp nên Pháp không còn nói chuyện với Hồ Chí Minh trong ôn hòa được nữa. Ngay khi quân Tàu rút về nước, Việt Minh liền ra lệnh bắt cóc, thủ tiêu người quốc gia “không cộng sản”. Một số thành phần đảng phái chống Cộng chạy theo quân Tàu trốn ra khỏi nước, hoặc lập chiến khu để tự vệ  để khỏi bị Việt Minh khủng bố. Ngày 19/12/1946, Hồ Chí Minh ra lệnh “toàn quốc kháng chiến”, chủ lực của Việt Minh và cán bộ Cộng Sản đã được Võ Nguyên Giáp đưa vào chiến khu và đẩy những thanh niên yêu nước, đảng viên các đảng Việt Quốc, Đại Việt… . . .ra mặt trận. Máu của những người yêu nước đã đổ và Việt Minh nói đó là máu của những người Cộng Sản. Ai không theo Việt Minh đều mang tội phản quốc, bán nước, Việt gian, theo Tây. Ai đi theo kháng chiến, cuối cùng đều bị nhuộm đỏ, trở thành cộng sản làm tay sai cho Nga, Tàu.

Tình hình trên toàn quốc sau ngày 19/12/1946, Hồ Chí Minh tuyên bố “Toàn Quốc Kháng Chiến” – Tết Đinh Hợi (22-01-1947) từ Nam chí Bắc người Việt Nam không ăn Tết – mọi người chờ đợi chiến tranh. Ngày 7 tháng 2, 1947  quân Pháp từ Đà Nẵng đổ bộ lên bến Cầu Hai, từ phía Nam tiến ra chiếm đóng thành phố Huế. TRong khi đó một cánh quân khác từ Lào qua ngõ Khe Sanh tiến chiếm Đông Hà, Quảng Trị và tiến về Huế tăng cường cho lực lượng Pháp tại đây. Pháp cử Emile Bolaert, nghị sĩ thuộc đảng Xã Hội, ngày 1 tháng 4, 1947 đến Saigon thay thế d’Argenlieu làm Cao Ủy Pháp tại Đông Dương. Từ 1946, Hồ Chí Minh đã ký chuấn thuận cho quân Pháp có mặt tại Saigon, Huế, Hà Nội,v.v. nên sau khi Bolaert đến Saigon thì quân Pháp từ Hà Nội lần lượt chiếm các thành phố miền Bắc. Lúc bấy giờ Hồ Chí Minh đã từ Pháp trở về Hà Nội. Trần Ngọc Danh đại diện Việt Minh tại Paris đề nghị ngưng bắn để điều đình. Bộ Trưởng Hoàng Minh Giám của Việt Minh ngỏ ý “sằn sàng điều đình” nhưng Pháp đòi nộp 50% khí giới và trả tư do cho những người Pháp bị Việt Minh bắt thì mới chịu thương thuyết.

Quốc Sơn (03): Thưa Giáo Sư, xin Giáo sư cho biết hoàn cảnh của những người “yêu nước chống Pháp nhưng không phải là đảng viên Cộng Sản” đã làm cách nào để sống sót gữa hai lằn đạn : một bên là Pháp và một bên là Việt Minh do Hồ Chí Minh lãnh đạo?

 GS Nguyễn Lý-Tưởng:

Trước và sau khi Hồ Chí Minh tuyên bố “toàn quốc kháng chiến” (19/12/1946) thì tình trạng khủng bố, ám sát, bắt cóc, thủ tiêu những người “không Cộng Sản” và dân lành vô tội xảy ra khắp nơi do Việt Minh chủ trương. Người quốc gia và dân lành vô tội vừa bị Việt Minh khủng bố vừa bị quân Pháp giết hại.

-Tại Huế, ngày 12 tháng 4, 1947, một Ủy Ban Chấp Chánh Lâm Thời do cụ Trần Văn Lý làm Chủ Tịch đứng ra thương lượng với người Pháp cho lập các cơ quan Hành chánh của Việt Nam để tiếp nhận những vùng do quân đội Pháp chiếm dóng và kiểm soát.

-Tại Hà Nội, cũng có một Hội Đồng An Dân (tên chính thức là Ủy Ban Lâm Thời Hành Chánh và Xã Hội) do Bác Sĩ Trương Đình Chi làm Chủ Tịch. Ngày 10/10/1947, BS Trương Đình Chị bị ám sát tại Hà Nội. Pháp đưa ông Nguyễn Hữu Trí, Tiến sĩ Luật, nguyên Tổng Đốc Hà Đông lên thay BS Trương Đình Chi. Pháp dần dần chuyển giao các thành phố miền Bắc do Pháp chiếm đóng cho Hội Đồng An Dân nầy.

-Tại Saigon, Pháp lập ra Hội Đồng Nam Kỳ tự trị và đưa BS Nguyễn Văn Thinh lên làm Thủ Tướng Chính phủ “Nam Kỳ tự trị”. Được ít lâu, BS Nguyễn Văn Thinh tự tử (?) Pháp đưa BS Lê Văn Hoạch lên thay. Ngày 29/9/1947, BS Lê Văn Hoạch từ chức. Ngày 1 tháng 10, 1947, Hội Đổng Nam Kỳ bầu Thiếu Tướng Nguyễn Văn Xuân lên làm Thủ Tướng.

Pháp đã tìm hết cách này đến cách khác để tách rời xứ Nam Kỳ ra khỏi Việt Nam nhưng đều thất bại. Bolaert kêu gọi những người trong hàng ngũ kháng chiến “không cộng sản” trở về hợp tác với Pháp để tái lập trật tự, ổn định tình hình. Pháp thành lập tổ chức “Liên Hiệp Pháp” và Bolaert tuyên bố “các nước Đông Dương tham gia tổ chức này.

Quốc Sơn (04): Thưa Giáo sư, trong năm 1947, xem như quân Pháp đã chiếm đóng các thành phố từ Saigon đến Hà Nội, Hồ Chí Minh  đã chạy vào rừng trốn tránh trong các chiến khu tại sao còn tuyên bố cải tổ Nội Các ngày 20/7/1947? Như vậy cái Chính Phủ cải tổ này đặt văn phòng ở đâu?

 GS Nguyễn Lý-Tưởng:

 Mặc dù đã thành lập Chính phủ Liên hiệp Quốc – Cộng năm 1946, nhưng khi quân Tàu do hai tướng Tiêu Văn và Lư Hán rút khỏi Hà Nội thì các lãnh tụ phe quốc gia như Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam…cũng chạy qua Tàu nên xem như CP Liên Hiệp tự động tan rã. Lúc bấy giờ Bảo Đại đã qua Hong Kong và cụ Huỳnh Thúc Kháng được Hồ Chí Minh đưa lên làm Phó Chủ Tịch thay thế Nguyễn Hải Thần cũng đã vào Quảng Ngãi (lãnh đạo kháng chiến) nhưng ngày 20/7/1947, từ trong chiến khu, Hồ Chí Minh cho công bố cải tổ Nội các, vẫn để tên cố vấn: Vĩnh Thụy (tức Bảo Đại) và còn cho người mang tiền qua Hong Kong tặng cho Bảo Đại ? Hồ Chí Minh vẫn còn hy vọng lợi dụng tên tuổi Bảo Đại cho một giải pháp chính trị nào đó trong tương lai.

Thành phần Chính phủ mới (cải tổ) của Hồ Chí Minh như sau:

-Chủ Tịch Nước:   Hồ Chí Minh

-Cố Vấn:           :    Vĩnh Thụy (đang ở Hong Kong)

-Thứ Trưởng Phủ Chủ Tịch: BS Phạm Ngọc Thạch

-Thứ Trưởng Nội Vụ: Trần Duy Hưng

-Thứ Trưởng Ngoại Giao : Hoàng Minh Giám

-Bộ Trưởng Quốc Phòng : Tạ Quang Bửu

-Bộ Trưởng Tài Chánh: Lê Văn Hiến

-Thứ Trưởng Tài Chánh: Trịnh Văn Bính

-Bộ Trưởng Tư Pháp : Vũ Đình Hòe

-Thứ Trưởng Tư Pháp : Trần Công Tường

-Bộ Trưởng Kinh Tế : Phan Anh

-Bộ Trưởng Canh Nông : Ngô Tấn  Nhơn

-Thứ Trưởng Canh Nông : Nghiêm Xuân Yêm

-Bộ Trưởng Y Tế : Hoàng Tích Trí

-Thứ Trưởng Y Tế: Tôn Thất Tùng

-Bộ Trưởng Lao Động: Nguyễn Văn Tạo

-Bộ Trưởng Cứu Tế Xã Hội: Chu Bá Phượng

-Bộ Trưởng Giáo Dục : Nguyễn Văn Huyên

-Thứ Trưởng Giáo Dục : Nguyễn Khánh Toàn

-Bộ Trưởng Cựu Chiến Binh : Vũ Đình Tụng

-Thứ Trưởng Cựu Chiến Binh : Ngô Tử Hạ

Bộ Trưởng Không Giữ Bộ Nào: Nguyễn Văn Tố, Đặng Văn Hướng Bồ Xuân Luật

Giai đoạn đầu, từ tháng Giêng 1947- 1949, quân Pháp chiếm các thành phố từ Nam ra Bắc, đuổi Việt Minh vào tận rừng sâu (chỉ trừ một vài nơi như Nghệ An , Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Bình Định, vùng biên giới Việt Bắc do Việt Minh kiểm soát gọi là An Toàn Khu. Nhưng cũng có lúc quân Pháp hành quân, Hồ Chí Minh và Trung Ương Đảng chút nữa bị bắt sống.

Quốc Sơn (05): Thưa Giáo Sư, trên bước đường lưu vong từ Hà Nội qua Côn Minh (tỉnh Vân Nam) rồi đến Hong Kong, Bảo Đại làm sao có tiền bạc để sinh sống? Lúc đó, vợ con ông ở đâu?

 GS Nguyễn Lý-Tưởng:

Trong câu (02) ở trên, tôi đã nói, trước ngày bầu cử Quốc Hội 6 th 1-1946, người ta không tìm thấy Bảo Đại ở Hà Nội nữa, không biết ông đã bị Việt Minh đưa đi đâu? Do đó, ông Trương Tử Anh đã bí mât cho người của Đảng Đại Việt đi tìm tung tích của Bảo Đại và cũng từ lúc đó, đảng Đại Việt đã nghĩ đến một kế hoạch làm sao đưa Bảo Đại ra khỏi nước để dung Bảo Đại như là một lá bài chính trị cho việc tranh đấu của phe quốc gia sau nầy. Phe Quốc Gia đã nghĩ đến giải pháp Bảo Đại, chỉ có Bảo Đại là người thừa kế chính thống Gia Long, vua của nước Việt Nam thống nhất, độc lập từ 1802… . . .Cả thế giới đều biết lập trường của Bảo Đại là “vì dân, vì nước”, không thể phủ nhận được. Ngoài Bảo Đại ra, không ai có đủ tư cách đại diện Việt Nam nói chuyện với Pháp. Nghe tin Bảo Đại đang ở Hong Kong, các tôn giáo, đảng phái, nhân sĩ trí thức Trung, Nam, Bắc  đã đến Hông Kong, ủng hộ nhà vua đứng ra tranh đấu đòi người Pháp trả lại độc lập cho Việt Nam.

Những người đầu tiên có mặt bên cạnh Bảo Đại tại Hồng Kong là các ông Lưu Đức Trung, Nguyễn Tôn Hoàn, Nguyễn Văn Kiểu, Đặng Văn Sung…đều là người của đảng Đại Việt của Trương Tử Anh. Ông Lưu Đức Trung có vợ là người Tàu, em của một Tướng Tàu trong Quân đội Tưởng Giới Thạch. Lưu Đức Trung cũng là người hoạt động kinh doanh thương mãi tại Hong Kong, có thế lực nên đã bỏ tiên ra giúp Bảo Đại. Trong giới chính trị lưu vong lúc đó có danh từ “người buôn vua” để nói về vai trò của Lưu Đức Trung với Bảo Đại. Cá nhân tôi (NLT) là người may mắn quen biết các ông Lưu Đức Trung, Nguyễn Tôn Hoàn, Nguyễn Văn Hiểu, Đặng Văn Sung…và được các ông này kể lại thời gian sống với Bảo Đại tại Hong Kong (1947 – 1949) – Khi quân Pháp chiếm Huế, Bà Nam Phương đã đưa các con từ An Định Cung chạy đến Dòng Chúa Cứu Thế Huế, nhờ các Linh Mục người Canada giúp đỡ. Sau đó, Pháp đã đưa vợ con vua Bảo Đại vào Saigon…

Ngày 6 tháng 12/1947 Bảo Đại gặp Bolaert tại Vịnh Hạ Long trong hai ngày để thảo luận các giải pháp cho Việt Nam. Sau đó, Bolaert về Pháp tường trình lại kết quả hội đàm với Bảo Đại cho chính phủ Pháp. Ngày 19/12/1947, Thủ Tướng Nguyễn Văn Xuân (Nam Kỳ) qua Hong Kong gặp Bảo Đại (sau nầy Thiếu Tướng Nguyễn Văn Xuân đứng ra lập một Chính phủ Trung Ương gồm đại diện nhân sĩ cả ba miền Trung Nam Bắc và Bảo Đại đã gửi một Thông điệp tán thành việc thành lập chính phủ này “để giải quyết vấn đề Việt Nam đối với Pháp và dư luận quốc tế” . Tháng 1/1947, Bảo Đại và Bolaert tiếp tục họp về vấn đề Việt Nam tại Geneve, sau đó còn tiếp tục họp tại Vịnh Hạ Long ra Tuyên bố chung ngày 5 tháng 6/1948…Với Tuyên Bố Chung ngày 5/6/1948 tại Vịnh Hạ Long, trước sự chứng kiến của Hoàng đế Bảo Đại, Cao Ủy Pháp là Emile Bolaert và Thiếu Tướng Nguyễn Văn Xuân (Thủ Tướng Chính Phủ Trung Ương Lâm Thời Việt Nam) với các nhân sĩ Trung, Nam, Bắc như Nghiêm Xuân Thiện, Đặng Hữu Chí, Phan Văn Giáo, Nguyễn Khoa Toàn, Đinh Xuân Quảng, Trần Văn Hữu, Lê Văn Hoạch… . .Trải qua bao nhiêu khó khăn từ 1948- 1949, ngày 8 tháng 3/1949 Chính phủ Pháp và Bảo Đại ký kết tại Elysée “Pháp công nhận nền độc lập và thống nhất của Việt Nam trong khối Liên Hiệp Pháp”.

 Một năm sau, ngày 8/6/1949, Tổng Thống Pháp là Vincent Auriol đã chính thức gởi thư cho Quốc Trưởng Bảo Đại chính thức thừa nhận nền độc lập của Việt Nam gồm 5 điểm quan trọng: 1. VN là một quốc gia độc lập, thống nhất. Pháp chính thức trả lại đất Nam Kỳ cho VN  2. VN hoàn toàn độc lập về Ngoại Giao: thiệp lập các tòa đại sứ ở các nước tự do, được các cường quốc trong thế giới tự do công nhận (35 nước) 3. VN có Quân Đội riêng  4. VN có một nền Hành Chánh: có Chính phủ Trung Ương. Thủ đô: Saigon. Tại Saigon, Huế, Hà Nội, có một vị Thủ Hiến đại diện cho mỗi miền, các cơ quan hành chánh địa phương thuộc Thủ Hiến. 5. VN có Ngân Hàng Quốc Gia: hoàn toàn độc lập về tài chánh.

Như vậy, Bảo Đại đã trở thành Quốc Trưởng của Quốc Gia Việt Nam từ 8/6/1949, ngài đã thành lập trường võ bị quốc gia Dalat, đào tạo sĩ quan hiện dịch để thay thế cho người Pháp, chỉ huy quan đội VN. Năm 1954 có 200.000 lính. Tất cả quân đội của các Giáo phái như Cao Đài, Hòa Hảo, Công Giáo (Bùi Chu-Phát Diệm) và Bình Xuyên,v.v. đều được cho nhập vào Quân Đội Quốc Gia, được trang bị và huấn luyện, được hưởng trợ cấp về vật chất. Một số cấp chỉ huy được đi học trường sĩ quan Dalat. Tuy nhiên Quốc Trưởng Bảo Đại vẫn để cho họ được phục vụ tại địa phương của mình để bảo vệ đồng bào và duy trì an ninh trật tự, ổn định tình hình. Những thành quả nầy là do Bảo Đại và phe Quốc Gia tranh đấu từ 1947-1949 mới có. Hai lần Bảo Đại đã lấy lại nền độc lập cho VN từ trong tay Pháp (lần thứ I nhờ người Nhật, lần thứ hai với hậu thuẫn của tôn giáo, đảng phái và đồng bào VN)

Quốc Sơn (06): Xin cho biết về Hội Nghị Geneve 1954? Tai sao có hiệp định đình chiến chiến ngày 20/7/1954?

GS Nguyễn Lý-Tưởng:

Hội nghi Geneve bắt đầu từ ngày 26/4/1954 và chấm dứt ngày 20/7/1954 với bản hiệp định đình chiến tại Việt Nam, Lào và Cam Bốt được ký kết vào giờ cuối cùng của ngày hôm đó (tức đã bước sang đầu giờ ngày hôm sau là 21/7/1954 nhưng trên giấy tờ vẫn ghi là ngày 20/7/1954).

Thành phần tham dự:

a/-Về phía Thế Giới Tự Do có Pháp, Anh, Mỹ và Bảo Đại

-Ông Georges Bidault (Thủ Tướng kiêm Ngoại trưởng Pháp) về sau Ông Mandes France lên làm  Thủ Tướng kiêm Ngoại trưởng, thay thế ông Bidault.

-Ông Anthony Eden (Ngoại trưởng Anh)

-Ông Bedell Smith (Trưởng phái đoàn Hoa Kỳ) và Phó Tổng Thống Hoa Kỳ, Foster Dulles kiêm Ngoại trưởng.

-Ông Nguyễn Quốc Định (Ngoại trưởng trong Chính phủ Bửu Lộc đại diện cho Bảo Đại… . . .sau khi Thủ Tướng Bảo Lộc từ chức, Tân Thủ Tướng Ngô Đình Diệm đã cử ông Trần Văn Đỗ làm Ngoại trưởng kiêm Trưởng phái đoàn Quốc Gia Việt Nam thay thế ông Trần Quốc Định).

b/-Về phía Cộng Sản có Nga,  Trung cộng và Việt Minh (Hồ Chí Minh)

-Chu Ân Lai (Thủ Tướng kiêm Ngoại trưởng của Trung Cộng)

-Molotov (Bộ trưởng Ngoại giao của Nga)

-Phạm Văn Đồng (Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao của Việt Minh)

Hội nghị họp tại Geneve (thủ đô nước Thụy Sĩ, Suizerland) khai mạc được 2 tuần thì Điện Biên Phủ thất thủ (chúng tôi sẽ đề cập đến trận Điện Biên Phủ sau). Trước khi có hội nghị nầy, Phong Trào Đại Đoàn Kết và Hòa Bình được thành lập tại Saigon,  mục đích ủng hộ Quốc Trưởng Bảo Đại và phái đoàn Việt Nam trong hội nghị Geneve. Lúc đó, Việt Nam chưa có Quốc Hội nên xem như Phong Trào nầy gồm 65 nhân vật đại diện cho các tôn giáo, đảng phái, nhân sĩ, trí thức Bắc, Trung, Nam… tạm thời thay thế Quốc Hội. . . Phong Trao đưa ra Cương Lĩnh chủ trương: -lập chính phủ đại đoàn kết quốc gia – bàu Quốc Hội, ban hành Hiến Pháp, cai tri bằng Luật Pháp, chống chia cắt lãnh thổ… . . .(Hồi ký của Bảo Đại viết bằng tiếng Pháp, người dịch gọi Phong Trào nầy là  Mặt Trận Đoàn Kết Cứu Quốc… . . .xem  “Thuyền Ai Đợi Bến văn Lâu” của Nguyễn Lý-Tưởng, tr. 445)

Hội nghị Geneve kéo dài trong thời gian hai tháng 25 ngày với nội dung bàn về vấn đề tạm thời ngưng bắn ở Đông Dương và hai bên thỏa thuận chia đôi nước Việt Nam, lấy vĩ tuyền 17 (sông Bến Hải tại Quảng Trị làm ranh giới) từ vĩ tuyến 17 trở ra Bắc thuộc Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa do Hồ Chí Minh lãnh đạo thuộc khối Cộng Sản Nga-Tàu. Từ vĩ tuyến 17 trở vào Nam thuộc Quốc Gia Việt Nam do Quốc Trưởng Bảo Đại lãnh đạo và ông Ngô Đình Diệm là Thủ Tướng được toàn quyền về Hành chánh và Quân sự thuộc khối tự do thân Mỹ và các cường quốc Tây phương (sau này ông Ngô Đình Diệm tổ chức trưng cầu dân ý, thay đổi chế độ, lật đổ Bảo Đại, lên làm Tổng Thống,  đổi tên nước là Việt Nam Cộng Hòa).

Hiệp định Geneve quy định thời hạn 02 năm sẽ có tổng tuyển cử để toàn dân tự do lựa chọn chế độ cho tương lai đất nước của mình. Tất cả quân đội Pháp và Quân đội Quốc Gia Việt Nam phải rút về Miền Nam vĩ tuyến 17; tất cả quân đội Việt Minh phải rút về Miền Bắc vĩ tuyến 17. Mọi người dân được quyền lựa chọn nơi cư trú: hoặc Miền Nam hay Miền Bắc. Cả hai chế độ Miền Nam và Miền Bắc không được trả thù những người ở lại trên quê hương mình, mặc dù trước đó họ đã từng phục vụ trong bộ máy hành chánh hay quân sự của chế độ cũ.

Ngoại trưởng Trần Văn Đỗ, trưởng phái đoàn Quốc Gia Việt Nam đã rút lui khỏi hội nghị và đã họp báo phản đối việc chia cắt lãnh thổ và giải thích lý do không ký tên vào hiệp định này. Phó Tổng Thống kiêm Ngoại trưởng Hoa Kỳ là ông Foster Dulles cũng phản đối và không ký tên vào hiệp định. Việc chia đôi nước VN là chủ trương của Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai, theo hình thức chia đôi của Triều Tiên (Bắc Triều Tiên, Nam Triều Tiên như hiện nay). Quốc Trưởng Bảo Đại cũng có mặt tại Genve để theo dõi hội nghị. Nhiều người với tư cách quan sát viên cũng đã đến Geneve. Đặc biệt có ông Võ Thành Minh là một thành viên Hướng Đạo Quốc Tế đã đến dựng một cái lều vải bên cạnh hồ Leman (Geneve), nằm thổi sáo và  phân phát truyền đơn phản đối chia cắt đất nước. Tết Mậu Thân 1968 tại Huế, ông Võ Thành Minh đã bị Việt Cộng giết vì không chịu hợp tác với chúng.

Chúng tôi xin đưa ra mấy nhận xét sau đây về tình hình Việt Nam trong thời điểm ký kết hội nghị Geneve (20/7/1954)

  1. Tháng 6/3/1946, Hồ Chí Minh đã chấp nhận cho 15.000 quân Pháp vào Việt Nam thay thế quân Tàu (Tưởng) và quân Pháp đã có mặt tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng,v.v. Nửa đêm 14/9/1946, Hô Chí Minh gọi điện thoai cho Moutet , Bộ trưởng thuộc địa Pháp ký Modus Vivendi (Thỏa Ước Tạm Thời) hợp thức hóa sự hiện diện của Pháp tại Việt Nam (tức là công nhận sự hiện diện hợp pháp của Quân Đội Pháp tại Saigon từ ngày 23/9/1945… . . .Sau đó, vào ngày 19/12/1946, Hồ kêu gọi “toàn quốc kháng chiến chống Pháp”. Việt Minh chạy vào các chiến khu, vùng rừng núi dọc biên giới Việt Bắc và Lào Việt.
  2. Từ 1947-1949, Quân Pháp chiếm đóng và thiết lập chính quyền thân Pháp tại các thành phố lớn từ Bắc chí Nam. Việt Minh không có một thành phố nào, tối thiểu là một thành phố để làm thủ đô, chứng tỏ sự hiện diện của chính phủ và chính quyền trung ương.
  3. Từ 9/6/1948, đã có Chính Phủ Trung Ương Lâm Thời tại Saigon với Thủ Tướng Nguyễn Văn Xuân (đại diện cho Bảo Đại)và một năm sau đó, 9/6/1949, Pháp chính thức trao trả độc lập cho Việt Nam (qua Quốc Trưởng Bảo Đại). Pháp trao trả Nam kỳ cho Việt Nam. Nước Việt Nam thống nhất, thủ đô đặt tại Saigon, có chính phủ Trung Ương, có các Thủ hiến đại diện Chính Phủ tại Saigon, Huế, Hà Nội. Có chính quyền tại địa phương với các tỉnh trưởng, quận trưởng…. Việt Nam có Quân Đội riêng, độc lập về ngoại giao, được 35 nước trong thế giới tự do công nhận và đặït quan hệ ngoại giao cấp bậc đại sứ, độc lập về tài chánh, văn hóa,v.v… . . .Trong khi đó, Việt Minh được xem như là một nhóm phản loạn mà thôi.
  4. Việt Minh hô hào kháng chiến chống Pháp, chấm dứt nền đô hộ Pháp trên nước Việt Nam nhưng lại đem chủ nghĩa cộng sản vào Việt Nam. Cộng Sản cũng là một hình thức của chủ nghĩa đế quốc rất tinh vi. Tranh đấu để thoát khỏi chủ nghĩa thực dân Pháp để trở thành “chư hầu” của Trung cộng?
  5. Từ 1949-1951, nhiều lần quân Pháp đã sắp tiêu diệt toàn bộ Trung ương của Việt Minh tại Việt Bắc. Và Hồ Chí Minh, Trường Chinh… . . .chỉ còn một chút nữa là bị Pháp bắt.
  6. Mao Trạch Đông thắng Tưởng Giới Thạch ở Trung Hoa (1949-1950), biên giới Việt – Trung  trở thành hậu phương của Việt Minh, nhờ vậy mà Hồ Chí Minh dần dần tổ chức lại lực lượng để phản công Pháp.
  7. Trong hội nghị Geneve, trước áp lực của Nga và Trung cộng, Pháp chấp nhận nói chuyện với Việt Minh. Mỹ cũng muốn đẩy Pháp ra khỏi Đông Dương nên không giúp Pháp trong trận Điện Biên Phủ. Trong chiến tranh Triều Tiên (1951), Trung cộng hy sinh cả triệu quân nên sợ Mỹ nhảy vào chiến tranh Đông Dương, do đó phải ngưng chiến để củng cố nội bộ của Tàu. Mao Trạch Đông giúp Hồ Chí Minh thắng trận Điện Biên Phủ để Việt Minh có điều kiện nói chuyện với Pháp.
  8. Trong thế chiến thứ II (1939-1945), Đức và Nhật thua trận, toàn bộ quân đội bị giải giới. Năm 1954, Pháp chỉ tổn that 5% quân số trong trận Điện Biên Phủ mà thôi, toàn bộ lực lượng Pháp từ Miền bắc rút vào Miền Nam vẫn hùng hậu nên Việt Minh không thể xem thường lực lượng đó được. Sự hiện diện của quân Pháp tại Miền Nam sau 1954 là một áp lực lớn đối với ông Ngô Đình Diệm. Ông Diệm có công làm cho Pháp phải rút hết quân đội về nước. (Sẽ nói thêm trong phần nói về trận Điện Biên Phủ)

Quốc Sơn (07): Điện Biên Phủ là một trận đánh khốc liệt và là trận đánh quyết định trong cuộc chiến Việt – Pháp tại chiến trường Đông Dương. Xin Giáo sư… vui lòng cho biết vai trò của Trung Cộng trong trận Điện Biên Phủ?

 GS Nguyễn Lý-Tưởng:

Trận Điện Biên Phủ bắt đầu từ ngày 13/3/1954 đến ngày 7/5/1954 thì quân Pháp đầu hàng Việt Minh. Lực lượng Pháp có khoảng 20.000 lính cố thủ trong căn cứ và Việt Minh có trên 60.000 quân bao vây bên ngoài. Vũ khí, lương thực  và các phương tiện chuyên chở đều do Trung Cộng tiếp tế từ biên giới qua.

Theo kế hoạch của Đại Tướng De Lattre De Tassigny, Tổng Tư Lệnh Pháp tại Đông Dương thì Pháp sẽ lập căn cứ Điện Biên Phủ là thủ phủ của vùng Mường Thanh của người thiểu số Thái-Mường gần biên giới Lào, Miến Điện và Trung Hoa mục đích  để làm miếng mồi cho quân Việt Minh tập trung vào đây và sẽ sử dụng máy bay ném bom tiêu diệt chúng.

Đại Tướng De Lattre de Tassigny qua Mỹ ngày 20/9/1951 để trình bày tình hình tại Việt Nam và đưa ra kế hoạch lập căn cứ Điện Biên Phủ. Ông đã đạt được những chiến thắng lẫy lừng tại   Bắc Việt, đã từng bẻ gãy chiến thuật biển người của Võ Nguyên Giáp (áp dụng chiến thuật biển người của Trung cộng tại Triều Tiên), có lúc Võ Nguyên Giáp đã hy sinh đến 15.000 lính trong một chiến dịch. Đại Tướng De Lattre là anh hùng trong thế chiến thứ II (1939-1945) tại Âu Châu đã qua Mỹ trình kế hoạch nầy để xin Mỹ giúp, cho máy bay ném bom tiêu diệt lực lượng Việt Minh sẽ kéo về đây.  Ngày 11/01/1952, Đại Tướng De Lattre chết tại Pháp. Có tin nói rằng ông bị bệnh ung thư, nhưng có tin khác nói rằng ông đi máy bay trinh sat bị Việt Minh bắn, viên đạn trúng vào một nơi không thể giải phẩu được. Ông đã chết sau đó.

Khoảng 1953, Đại Tướng Paul Ely, thay thế De Lattre lại qua Mỹ vận động cho kế hoạch tiêu diệt Viêt Minh tại Điên Biên Phủ. Khi mặt trận đến hồi gay cấn, quân Việt Minh tập trung toàn lực bao vây căn cứ Điện Biên Phủ thì Mỹ làm lơ, không cho máy bay ném bom tiêu diệt Việt Minh. Trong thế chiến thứ II, chủ trương của Mỹ là trao trả độc lập cho các nước thuộc địa, xóa bỏ chế độ đế quốc thực dân. Vì thế, khi Nhật đảo chánh Pháp tại Đông Dương (9/3/1945), Pháp kêu gọi không lực Mỹ đóng ở Côn Minh (Trung Hoa) giúp. Nhưng Mỹ từ chối không yểm trợ các đơn vị của Pháp còn chống Nhật trên đường từ Bắc Việt rút lui sang Trung Hoa. Mỹ muốn dùng bàn tay Nhật loại Pháp ra khỏi Đông Dương. Sau đó Mỹ sẽ cho Việt Nam độc lập và quan hệ kinh tế với Mỹ. Nhưng Mỹ chưa kịp trở tay thì Việt Minh đã cướp chính quyền rồi nên đã để lỡ mất một cơ hội. Trong hội nghị Geneve 1954, Mỹ và Việt Nam (phe Quốc Gia) chống giải pháp chia cắt lãnh thổ, nhưng vì Pháp muốn rút lui nên đã thuận chia đôi Việt Nam… . . .

Lúc bấy giờ Phong Trào phản chiến ở Pháp lên mạnh, đảng CS Pháp vận động vợ con biểu tình đòi trả chồng, cha của họ về cho gia đình. . .Các nước Bắc Phi (Maroc, Tunisie, Algerie . . .…phong trao CS  chống Pháp đòi độc lập, sau thế chiến thứ II, kinh tế Pháp kiệt quệ. . .Mandes France (đảng CS) lên làm Thủ Tướng thay Georges Bidault đã hứa sẽ giải quyết chiến tranh Đông Dương.. .Mao Trach Đông thúc dục Việt Minh chấp nhận chia đôi VN như Triều Tiên ..

.Trở lại vấn đề Điện Biên Phủ, trước đây ai cũng nghĩ rằng do tài chỉ huy của Võ Nguyên Giáp nên Việt Minh đã thắng trận Điện Biên Phủ. Nhưng vào năm 1979, sau khi xảy ra chiến tranh biên giới giữa CSVN với CS Trung Hoa, Trung Cộng đã công bố những bí mật về “chiến thắng Điện Biên Phủ”. Chính tướng Trần Canh và Vi Quốc Thanh, Lã Quý Ba của Trung Cộng đã có mặt trong Bộ Tham Mưu của Việt Minh và Võ Nguyên Giáp phải theo mệnh lệnh của Trần Canh. Trung cộng đã công khai cho từng đoàn xe Molotova chuyên chở súng đạn, lương thực tiếp tế cho Việt Minh. Quân Việt Minh đã sử dụng máy đào đất do Trung cộng sản xuất để đào những giao thông hào từ ngoài vào, xuyên qua các hàng rào kẽm gai đến tận Bộ Chỉ Huy căn cứ Điện Biên Phủ.

Cách tiến quân xuyên qua các địa đạonầy là một chiến thuật mới của Trung cộng được áp dụng lần đầu tiên tại Việt Nam trong trận Điện Biên Phủ. Quân bên ngoài di chuyển theo địa đạo, càng ngày càng tiến gần các công sự của lính Pháp bên trong một cách an toàn. Trong khi đó, trọng pháo liên tiếp nhả đạn, uy hiếp lính Pháp tử thủ bên trong. Súng và đạn pháo do Trung cộng cung cấp với số lượng rất lớn và rất dồi dào. Chiến thuật biển người được áp dụng trong chiến tranh Triều Tiên cũng đã được áp dụng một lần nữa tại Điện Biên Phủ. Quân Trung cộng cũng trà trộn vào quân Việt Minh, bộ đội phòng không, súng cối phần lớn do quân Trung cộng phụ trách. Khi quân Việt Minh theo địa đạo tiến vào tận Bộ chỉ huy của Tướng De Castrie lúc đó quân Pháp mới biết là toàn bộ căn cứ Điện Biên Phủ đã bị tràn ngập. De Castries chỉ còn biết giơ tay đầu hàng.

Trong chiến tranh Triều Tiên, lúc đó Mao Trach Đông mới chiếm đươc Hoa Lục chưa đầy 02 năm mà phải đương đầu với quân đội Mỹ trang bị hiện đại: máy bay, xe tăng, trọng pháo với hỏa lực rất mạnh. Với chiến thuật biển người, Trung cộng đã nước cả triệu quân và kết quả là chia hai nước Triều Tiên: Bắc Triều Tiên theo chế độ Cộng Sản chịu ảnh hưởng trực tiếp của Trung cộng. Nam Triều Tiên (sau nầy đổi tên là Đại Hàn) theo chế độ tự do chịu ảnh hưởng của Mỹ. Từ 1949, Tưởng Giới Thạch thua chạy ra Đài Loan để lại hàng triệu vũ khí, súng đạn. Mao Trạch Đông đã sử dụng chiến lợi phẩm đó để trang bị cho Hồng quân Trung cộng và viện trợ cho Việt Minh. Quân Trung cộng mạnh lên là nhờ cơ hội đó. Nhưng sau chiến tranh Triều Tiên, Trung cộng phải nghỉ ngơi nên dồn nỗ lực giúp Hồ Chí Minh thắng trận Điện Biên Phủ và chấp nhận chia hai đất nước, tạm chấp nhận có hòa bình vì sợ kéo dài chiến tranh Mỹ sẽ nhảy vào thì Trung cộng không đủ sức đánh nhau với Mỹ.

Về phần Hồ Chí Minh, sau trận Điện Biên Phủ, được một nửa nước …nên phải lệ thuộc vào Trung cộng. Để chứng tỏ lòng trung thành với Trung cộng, Hồ Chí Minh đã áp dụng 100% chương trình đấu tố địa chủ một cách dã man đã được áp dụng tại Trung cộng. Cán bộ cải cách ruộng đất từ Trung cộng qua Việt Nam  để trực tiếp hướng dẫn đúng với chủ trương, kế hoạch của Mao Trạch Đông. Những tài liệu mới đây cho biết chính Hồ Chí Minh đã trực tiếp hô hào thực hiện kế hoạch cải cách ruộng đất từ 1953 trở đi trước khi bắt đầu trận Điện Biên Phủ. Những màn đấu tố dã man không thể týởng týợng ðýợc ðã đem ra áp dụng tại Việt Nam, làm sao cho giống với Trung Hoa.s

Kể từ chiến thắng Điện Biên Phủ và nhất là sau hiệp định Geneve 20/7/1954, CSVN hoàn toàn lệ thuộc vào Trung Cộng, không làm sao thoát ra được. Thời Kruschev lãnh đạo, nước Nga có phong trào xét lại, có chuyện hạ bệ Staline thì ở Việt Nam lại chống chủ nghĩa xét lại và triệt để theo Tàu. Từ 1964, khi Mỹ cho quân đội tham chiến ở Việt Nam, vì nhu cầu chiến tranh, Hà Nội đã nhận hỏa tiễn, máy bay, xe tăng của Nga và sau 1975, Lê Duẩn triệt để theo Nga, đem quân qua lật đổ đàn em của Trung cộng là Pon Pot . . . vì thế mới có chiến tranh biên giới 1979, Trung cộng đem quân qua dạy cho VN một bài học. Sau khi Liên Sô và khối CS Đông Âu sụp đổ, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Phạm Văn Đồng chạy qua lạy lục Trung Cộng. Hội Nghị Thành Đô 1990, CSVN chấp nhận 100% các điều kiện của Trung cộng  đưa ra. Hậu quả là ngày nay, Việt Nam chuẩn bị để trở thành một tỉnh tự trị của Trung cộng như Tây Tạng, Tân Cương,v.v . . .

NGUYỄN LÝ TƯỞNG