ĐỪNG GÂY MỘT ĐÁM CHÁY Ở Á CHÂU (Nguyễn Đạt Thịnh)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Bài bình luận của tờ China Daily (Trung Quốc Nhật Báo) số phát hành ngày thứ Hai 5/23, khuyến cáo Hoa Kỳ “đừng gây một đám cháy ở Á Châu”; người viết cảnh cáo tổng thống Barack Obama là ông phải rút kinh nghiệm những cuộc chiến tranh chống khủng bố tại Trung Đông -nơi mà cuộc tấn công khai chiến của Mỹ diễn ra vào ngày 20 tháng Ba, 2003, tạo thành một cuộc chiến tranh mỗi ngày một lan rộng hơn, một khốc liệt hơn, và mãi cho đến giờ này -13 năm sau- Mỹ vẫn chưa chấm dứt được.

Tờ báo Tầu còn nhắc người Mỹ là, vào ngày 14 tháng Ba, 2013, trong bản kết toán 10 năm chiến tranh Trung Đông, Hoa Kỳ công bố phí tổn chiến tranh -chỉ tính bằng tiền- đã lên tới $1.7 trillion -1,700 tỉ mỹ kim- chưa kể $490 tỉ tiền lời phải trả để vay chiến phí đánh giặc.

                                                                             Việt Nam đang mạnh mẽ bảo vệ ngư dân hành nghề trn Biển Đông

Qua bài bình luận vừa kể, China Daily -tờ báo Anh ngữ của Trung Cộng- nói với thế giới bên ngoài quan điểm của Trung Cộng về chuyến thăm viếng tổng thống Mỹ Barack Obama vừa thực hiện tại Việt Nam: họ cho là ông đến Việt Nam để “đốt Á Châu” trong một cuộc chiến tranh mới.

Trước khi dùng truyền thông để tố cáo với dư luận quốc tế về nguy cơ chiến tranh, chính phủ Trung Cộng còn dùng áp lực ngoại giao nhằm thay đổi lập trường của chính phủ cộng sản Việt Nam (csVN). Áp lực bắt đầu thể hiện bằng việc Trung Cộng thay đổi đại sứ của họ tại Việt Nam

Hôm thứ Năm 19 tháng 5/2016 – 4 ngày trước ngày tổng thống Mỹ đến thăm Việt Nam, tân đại sứ Trung Cộng ông Hồng Tiểu Dũng đến trình ủy nhiệm thư với chủ tịch nước Trần Đại Quang. Ông Dũng thay ông Khổng Huyễn Hựu làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHND Trung Hoa tại Việt Nam.

Tờ Thanh Niên – xuất bản tại Hà Nội- viết, “Đại sứ Trung Quốc Hồng Tiểu Dũng khẳng định sẽ làm hết sức mình để thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc-Việt Nam tiếp tục phát triển phù hợp với lợi ích cũng như sự phát triển của mỗi nước; góp phần vào việc duy trì hòa bình, ổn định và phồn vinh trong khu vực. ”

Tại Mỹ, tờ The Diplomate ghi nhận thêm là ngay sau khi trình ủy nhiệm thư với ông Quang, tân đại sứ Trung Cộng đến gặp ông Ngô Xuân Lịch -tổng trưởng Quốc Phòng csVN. Thông tấn xã Trung Cộng XinHua loan báo là 2 chính khách Việt, Hoa này đã thảo luận và đồng ý trên nguyên tắc việc 2 nước Việt và Tầu tăng gia cộng tác trên bình diện quân sự.

Nhưng ngày hôm sau, 5/20/2016, phát ngôn viên Lê Hải Bình của bộ ngoại giao csVN lại nói với phóng viên quốc tế có mặt tại Hà Nội là Việt Nam chống lệnh Trung Cộng cấm đánh bắt hải sản trên Biển Đông.
Ông Bình nói, “Điều quan trọng tôi muốn nhấn mạnh là chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chúng tôi sẽ theo dõi mọi diễn biến trên Biển Đông, và dành quyền sử dụng mọi biện pháp pháp lý để bảo vệ quyền lợi của Việt Nam trên Biển Đông.”

Nói cách khác csVN hăm đưa Trung Cộng ra tòa án quốc tế -một thay đổi căn bản trong lập trường của csVN; trước kia chưa bao giờ họ dám nói đến việc đưa Trung Cộng ra tòa.

Sau chiến tranh, Obama là vị tổng thống thứ 3 của Hoa Kỳ đến thăm Việt Nam; kiểm điểm thành quả 3 ngày hoạt động của ông, dư luận thế giới đánh giá là ông đạt được nhiều kết quả hơn 2 vị tổng thống tiền nhiệm của ông – được người Việt Nam yêu thương hơn 2 vị đã đến trước; lý do giúp ông thành công là quan điểm “tương kính” (mutual respect), ông áp dụng với người Việt.

Ký giả Logan Connor viết trên tạp chí Globe, “Chỉ trong 3 ngày ông Obama làm người Việt Nam tin tưởng là ngư phủ của họ có thể trở ra Biển Đông hành nghề, vì họ đã có tầu chiến mua của Mỹ, súng mua của Mỹ để bảo vệ ngư dân.”

Connor đem việc ông Obama đi ăn bún chả, nói chuyện với giới trẻ Hà Nội về nhạc Việt Nam qua Văn Cao và Trịnh Công Sơn, ra so sánh với chuyến đi Hà Nội năm 2006 rất bình lặng của tổng thống George W. Bush, và chuyến sau đó của tổng thống Bill Clinton, có tiếp xúc với người Việt Nam nhưng không tạo được ấn tượng thân hữu và tin cậy như Obama đã tạo.

Giáo sư Jamie Gillen, viện đại học National University of Singapore, nhận định, “không ai phủ nhận được việc người Việt Nam ‘love Obama’; họ ‘khoái’ ổng và coi như ổng đang đứng trên chiến tuyến Việt Nam bảo vệ Biển Đông.”

là Obama đứng trong chiến tuyến Biển Đông để ngư phủ của họ có thể trở ra Biển Đông hành nghề
Thật ra người Việt Nam chưa nhận được thêm một khẩu súng hay một chiến hạm nào cả, Obama mới chỉ nói là Hoa Kỳ bãi bỏ lệnh cấm vận chiến cụ để họ mua những chiến cụ họ cần cho việc bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải.
Ông chưa cụ thể làm gì mà csVN đã tự thấy họ mạnh hơn, và Trung Cộng đã la hoảng là ông đốt cháy Đông Nam Á, trong lúc các chính khách Hoa Kỳ lên án ông “cho không, biếu không” csVN quá nhiều mà không đòi hỏi họ phải tôn trọng nhân quyền hơn.

Biểu tượng tinh thần tôn trọng tự do tôn giáo, chiều thứ Ba 24 tháng 5/2016, Obama có đến thăm 2 ngôi chùa tại Sài Gòn -mà chùa Ngọc Hoàng là một. Một vị sư trong chùa hỏi xem ông có thích cầu nguyện để xin Trời, Phật cho ông bà một cậu con trai không. Obama trả lời, “tôi thích con gái.”

Về mặt tự do chính trị, viên chức tòa đại sứ Hoa Kỳ mời nhiều chính khách đối lập với chính phủ csVN đến gặp tổng thống Obama, nhưng một số không đến được, như cô nhạc sĩ Mai Khôi và tiến sĩ Nguyễn Quang A. Ông A than bị công an chở đi “du lịch” suốt nhiều tiếng đồng hồ.

Để đừng lạc trong những chi tiết quá nhiều của chuyến viễn chinh dài 3 ngày, chúng ta hãy thử kết toán xem Obama đã làm được những gì trong 3 ngày ở Việt Nam. Trước nhất, ông thay đổi tương quan lực lượng trong 2 phe đang tranh chấp trên Biển Đông -thay đổi bằng cách đem csVN theo về lực lượng đối nghịch với Trung Cộng; thành quả thứ nhì là ông tạo thêm một số rất đông người Việt Nam yêu thương Hoa Kỳ; và thứ ba là ông trả lại ngư trường Biển Đông cho ngư phủ Việt Nam.

Nhiều người nêu lên câu hỏi: nếu Trung Cộng cứ tiếp tục đâm chìm tầu cá, tầu cảnh sát biển Việt Nam thì sao? Câu trả lời là họ sẽ không xuẩn động như vậy, vì nếu có thêm một chiếc tầu cá Việt Nam nữa bị tầu Trung Cộng đâm chìm, thì chắc chắn người Việt Nam -nhất là các ngư phủ- sẽ đòi hỏi chính phủ csVN mua chiến cụ Mỹ về võ trang cho cảnh sát biển để che chở họ.

Thêm một thắc mắc nữa là: yếu tố nào giúp Obama thành công quá lớn và quá dễ như vậy. Số lượng ‘quá lớn’ mô tả 2 thế cờ: MỘT LÀ chuyển đổi Trung Cộng đang từ thế hung hãn trên Biển Đông trở thành biết điều hơn, vì không muốn chính phủ csVN sử dụng cái offer của Obama: kho chiến cụ Hoa Kỳ; và HAI LÀ so sánh thành quả giữa 10 năm tác chiến của 500,000 lính Mỹ tại Việt Nam để rồi thất trận, gánh chịu gần 60,000 tử sĩ, và làm mất Nam Việt, so sánh với thành quả trận đột kích đơn thương, độc mã của một mình Obama, mà thành quả là tái chiếm Việt Nam, chiếm tình đồng minh của người Việt mà không phải gánh cái gánh nặng phòng thủ diện địa.

Giải thích tính chất ‘quá dễ’ có thể mượn câu ngạn ngữ Việt Nam “bất chiến tự nhiên thành”; 2 chữ ‘bất chiến’ rất đúng, vì chưa hề nghe một tiếng súng nào cả, và kho chiến cụ Mỹ cũng chưa làm phiếu xuất giao cho csVN một chiến cụ nào cả; và ‘tự nhiên thành’ là điều đang hiển hiện trên các mạng quốc tế: người Việt quốc nội nói với thế giới là họ “yêu Obama”.

 NGUYỄN ĐẠT THỊNH