DŨNG CẢM MỘT CÁCH PHI THƯỜNG: TRẬN ĐÁNH ĐỒI CHARLIE

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail
Đọc sách
Nguyễn Văn Phúc
Tác phẩm: Extraordinary Valor: The Fight for Charlie Hill in Vietnam
Tác giả: William Reeder Jr.
Nhà xuất bản: Lyons Press, 256 trang; June, 2022; $27.95
May be an image of 1 person and text that says 'EXTRAORDINARY VALOR THE FIGHT FOR CHARLIE HILL WILLIAM REEDER, JR.'
Dũng cảm một cách phi thường viết về thuở thiếu thời của hai chàng trai trẻ Việt Mỹ cùng yêu thích đời binh nghiệp, do định mạng đưa đẩy, người làm cố vấn, người kia là tiểu đoàn phó cho Tiểu đoàn 11 Dù, rồi cùng tham dự, giữ một vai trò quan trọng trong trận đánh đẩm máu của tiểu đoàn tại Đồi Charlie vào tháng 4 năm 1972; mà sau trận chiến, đã đưa hai người lính chiến khác màu da trở thành đôi bạn thân, không thể xa lìa nhau.
Trong những chương đầu, tác giả William Reeder Jr. viết về tiểu sử Trung tá Lê Văn Mễ và Thiếu tá John Joseph Duffy, về đời sống quân ngũ vừa khi ra trường và về sau, cả hai cùng về Tiểu đoàn 11 Dù, người giữ giữ chức tiểu đoàn phó và người kia là viên cố vấn cho tiểu đoàn.
Tác giả phân tích rõ ràng về quân số bị thiếu hụt của tiểu đoàn, về tình hình trước trận đánh và về lịch sử, sự quan trọng của Cao Nguyên Trung Phần, và trong một trong những chương sau cùng, sau hai tuần chiến đấu đã gây thương vong cho quân địch và những kẻ chỉ huy địch phải thay đổi kế hoạch đánh chiếm Cao Nguyên ra sao.
Những chương kế tiếp, Reeder Jr. viết về trận đánh Đồi Charlie, về cái chết của người tiểu đoàn trưởng Nguyễn Đình Bảo, về những kinh nghiệm trong Lực Lượng Đặc Biệt trước kia của Thiếu tá Duffy và nhờ vào đó mà ông gọi Không Quân Huê Kỳ đến yểm trợ thả bom hay oanh kích xuống đầu quân địch.
Cùng lúc, Thiếu tá Mễ, Đại úy Đoàn Phương Hải cũng kêu gọi không yểm, được các phi công khu trục cùng các trực thăng tiếp tế, di tản thương binh của Không Quân miền Nam cũng được tác giả viết lại.
Về sau, sau nhiều ngày không được tiếp tế, tải thương vì hỏa lực phòng không vả cao xạ của quân địch quá ác liệt, Thiếu tá Mễ phải cho lịnh rút khỏi ngọn đồi, mà hai người lính rời khỏi đồi sau cùng là Thiếu tá Mễ và Thiếu tá Duffy. Sáng hôm sau, ra vùng tập trung để chờ trực thăng đến đón, nhưng phía Việt Nam lại không có trực thăng, nên thành phần còn lại của tiểu đoàn đành phải lội bộ. Và sau cùng, bị chận đánh, bị rơi vào hỗn loạn mà Duffy và Mễ chỉ dẫn được 35 người lính mà tất cả đều mang thương tích trên người, thoát khỏi vòng vây.
Tại đấy Duffy gọi trực thăng Mỹ và được một hợp đoàn bốn chiếc trực thăng vào bốc. Duffy được phi công Mỹ kêu, phải là người lên chiếc đầu, nhưng ông khẳng khái trả lời, những người lính Dù bị thương nặng đi chiếc đầu và tôi sẽ lên chiếc sau cùng. Chiếc trực thăng sau cùng gồm có Trung úy Long, Hạ sĩ Long, Đại úy Hải, Mễ và Duffy. Và, cho biết Đại úy Hải bị đạn bắn vào chưn, may mắn được Duffy nắm giữ được, không rơi ra ngoài trực thăng; cùng cái chết của người lính cơ phi Dallas Nihsen, nằm chết trong tay Thiếu tá Duffy.
Về lại được Võ Định, các viên chỉ huy cao cấp của Quân đội miền Nam ban đầu đổ tội lên đầu Thiếu tá Mễ. Thiếu tá Duffy không bằng bụng, ông cho biết Mễ là người chỉ huy gan dạ, có công trạng rất lớn trong trận đánh. Sau cùng, phía Việt Nam trao tặng huy chương cho Mễ, cho ông lên làm tiểu đoàn trưởng và thăng cấp trung tá.
Chương kế tiếp viết về hành quân tại chiếm Quảng Trị mà Tiểu đoàn 11 Dù là đơn vị tiên phuông, cùng viết về cái chết của đại úy Hùng móm, người thoát khỏi đồi Charlie sau khi bị cộng quân bắt. Rồi đến tháng Tư năm 1975, Trung tá Mễ mang gia đình chạy ra bến tàu, lên được tàu hải quân, và ra khơi. Trên biển, Mễ lại gặp Đại úy Đoàn Phương Hải cùng bác sĩ Tô Phạm Liệu có mặt trên tàu. Và đến Phi, rồi định cư Huê Kỳ.
Vê phần Thiếu tá Duffy, sau khi về lại Huê Kỳ, ông tiếp tục đời sống quân ngũ, tình nguyện sang Đông Dương cho ‘tua’ thứ tư. Duffy làm việc bên Thái Lan, có sang Miên và Lào giúp đỡ, huấn luyện cho quân đội hai nước nầy.
Chương cuối viết về việc hội nhập của gia đình Trung tá Mễ, Thiếu tá Hải cùng bác sĩ Liệu. Và về sự thành công của con cái họ, ăn học thành tài.
Cùng lúc, tác giả Reeder Jr. cũng viết về Trung úy Nguyễn Văn Lập, sĩ quan tiền sát cho Tiểu đoàn 11 Dù, ông kẹt lại Việt Nam, tù đày và phải mưu sanh cực nhọc sau khi ra tù. Trung úy Lập và gia đình cuối cùng rồi cũng được vào nước Mỹ, định cư.
Reunion giữa Mễ và Duffy. Về lại Huê Kỳ sau khi Cuộc chiến Việt Nam chấm dứt, Duffy xin giải ngũ, tiếp tục mần thơ, và thành công trong công việc thương mại. Trong cùng thời gian, ông thường kể cho bạn bè hay về trận đánh Charlie, và về tình chiến hữu với một người lính Dù Việt Nam, Thiếu tá Lê Văn Mễ. Vào đầu năm 1981, một người bạn của Duffy, sống ở Los Gatos, California ghé vào tiệm do người Việt làm chủ cùng thành phố, người nầy nói về trận đánh Charlie và người lính Dù tên là Mễ. Người chủ tiệm kêu lên, tôi biết gia đình ông Mễ, chúng tôi đã từng ở cùng một chung cư với nhau. Tôi biết chỗ ở mới của ông ta. Ngày hôm sau, Duffy gõ cửa nhà Mễ với chai rượu cognac trên tay. Tình bằng hữu của họ vẫn tiếp diễn cho đến ngày hôm nay.
Trận đánh Đồi Charlie cũng cho độc giả Mỹ biết được, người anh cả tiểu đoàn: cố Đại tá Nguyễn Đình Bảo, biệt danh Hùm Xám hay Anh Năm được những người lính cùng viên cố vấn kính trọng và quí mến ra sao.
***
Chương 1
Bên bờ tử sinh
Tiếng nổ gây đinh tai nhức óc trong bóng đêm, làm cho cả hai bị rung người; cùng lúc, chiếu sáng gương mặt dơ dáy, với những vết máu khô, đôi mắt sâu hoắm, tuyệt vọng nhưng đầy quyết tâm của họ. Thêm một vài viên đạn pháo nổ quanh, nhưng không sát gần như quả trước. Ánh sáng của từng viên pháo soi rõ thây người nằm dọc theo chiến trường, cho thấy sự khủng khiếp của trận đánh ác liệt trong mấy ngày vừa qua.
Hàng mấy trăm người nằm chết trên các tiền đồn quanh đỉnh đồi – thây của lính Nhảy Dù trộn lẫn với xác quân Bắc Việt. Cuộc chiến quá mãnh liệt làm cho lính Dù chỉ thu hồi được một ít xác của những người bạn đã tử trận. Họ chỉ quấn xác vào tấm poncho rồi đặt nằm trong chiến hào. Điều nầy là những ngày đầu trong chiến trận, trong thời điểm có được ít phút giây để hoàn trả lại chút ít cho việc tôn kính chiến hữu. Về sau, chỉ xếp đặt những người đã hy sinh theo từng hàng, mà họ đã có thể. Tuy vậy, hầu hết những thân xác khác nằm rãi rác nơi bị bắn hạ chỉ vài giờ trước đây – thân xác thủng lỗ, xé toạc thành từng mảnh vụn, hay tay chân bị bay mất; phản ảnh lạ kỳ về những giây phút cuối cùng, kịch liệt của cuộc đời họ.
Tiếng nổ ầm vang đã chấm dứt, trả lại bóng đêm, đen kịt. Chỉ còn các tiếng rên xiết của những kẻ bị thương, xuyên thấu sự lặng im trong đêm đen. Mùi hôi thối của xác chết bám đầy trong mũi hai người đàn ông cuối cùng, còn ở lại và vẫn đang chiến đấu. Khói và thuốc súng làm nghẹt phổi, nhưng họ lại chờ trong sự mong đợi, rồi nghe lịnh lạc của địch quân xuyên qua chiến trường, cảm nhận việc chuyển động khi một làn sóng tấn công mới đang tiến đến trước mặt.
Viên cố vấn Mỹ nghiêng sát bên người bạn đồng nhiệm Việt, la lên, “Đéo mẹ. Bọn chúng lại tràn tiếp lên kìa.”
Tiếng trả lời, tuy không đúng văn phạm tiếng Anh nhưng lại cương quyết, “Tôi biết. Chúng ta đánh. Chúng ta tiếp tục chiến đấu.”
Từ trong bóng đêm, quân địch lại tiếp tục tiến ra, xuyên thủng đêm đen, tiến đến hai người lính Dù trong những hình dạng mập mờ, la hét và bắn phá, thảy lựu đạn lúc chúng tiến lại gần hơn, càng lúc càng sát gần hơn. Cả viên cố vấn Thiếu tá Lực Lượng Đặc Biệt John Duffy lẫn Thiếu tá Lê Văn Mễ người sĩ quan với chức vụ cao nhứt còn sống sót của tiểu đoàn biết được đây là lần tấn công cuối cùng. Đạn bay đầy quanh họ, rồi một trái lựu đạn nổ bùm, ngực Thiếu tá Mễ bị thủng lỗ làm ông ta thở hắt, cố gắng tìm không khí.
Cá nhân John Duffy cũng bị thương nhiều lần, ông nhìn qua vai trái, gật gù, ra vẻ thích thú khi trông thấy đơn vị bị tiêu hao, hay tất cả những gì còn lại của đơn vị, đã từng là một tiểu đoàn dũng mãnh, Tiểu Đoàn 11 Dù, đang trốn thoát xuống chân đồi. John và Mễ, đoạn hậu, là những gì đứng giữa thành phần còn sót lại của tiểu đoàn và sự hủy diệt của họ.
Không còn lương khô trong nhiều ngày, không có nước trong bình toong, đạn dược gần như hết cạn, nhưng người đàn ông Mỹ cùng viên chiến hữu Việt của ông ta vẫn tiếp tục chiến đấu, và quân địch vẫn tiếp tục tràn tới. Đã không có những bàn cãi về đầu hàng, cũng chả có nói năng gì, ngoại trừ tiêu diệt càng nhiều quân thù mà họ có thể, trước khi bổn thân họ, sẽ bị bắn ngã, ngay nơi nguy khốn, trong những vị trí đã bị bỏ rơi của họ.
Lê Văn Mễ ráng sức, lên tiếng, “Đánh. Duffy. Đánh.”
Cả hai đã chiến đấu với tất cả những gì còn lại trong con tim và tâm trí, nhưng sự sống còn thì chỉ còn có khoảng vài phút giây, vì nhận thức được, họ sẽ phải tiêu vong.
***
Little Saigon/2023