Nguyên tác: Ðức: A reporter’s love for the wounded people of Vietnam
Tác giả: Uwe Siemon-Netto
Dịch giả: Lý Văn Quý & Nguyễn Hiền
(tái bản lần thứ nhất với tựa đề: Vinh Quang của Sự Phi Lý: Tình Yêu Của Một Phóng Viên Cho Dân Tộc Việt Nam Bị Bỏ Rơi)
*****
Cuốn sách được viết nhằm tưởng nhớ vô số các nạn nhân vô tội trong cuộc xâm chiếm Miền Nam Việt Nam của Cộng sản, đặc biệt là:
- Hàng trăm ngàn đàn ông, phụ nữ và trẻ em bị tàn sát trong các làng mạc và thành phố, nhất là tại Huế;
- Hàng trăm ngàn chiến sĩ và công cán chính VNCH đã bị hành quyết, tra tấn hoặc bỏ tù sau khi chiến tranh kết thúc;
- Hàng triệu người đã bị xua đuổi ra khỏi quê hương và hàng trăm ngàn người đã bị chết đuối trong quá trình đi tìm tự do;
- Các chiến sĩ VNCH đã anh dũng chiến đấu khi đã mất tất cả và các tướng lãnh oai hùng đã quyên sinh vào những giờ phút cuối cùng;
- Các thanh niên Nam, Bắc Việt Nam động viên vào quân ngũ đã bỏ mạng trong cái gọi là “chiến tranh giải phóng” nhưng đã không mang lại tự do cho ai;
- 58.272 binh lính Hoa Kỳ, 4.407 Đại Hàn, 487 Úc; 351 Thái và 37 Tân Tây Lan đã hy sinh tại Việt Nam;
- Các đồng hương người Đức, trong đó có BS Horst-Günther và Elisabetha Krainick, BS Alois Alteköster, BS Raimund Discher, Nam Tước Hasso Rüdt von Collenberg và nhiều người khác đã đến như những người bạn và phải trả giá bằng mạng sống của họ.
Uwe Siemon-Netto là một nhà báo quốc tế người Đức đã từng tường thuật những biến cố thế giới quan trọng trong 57 năm. Ông là phóng viên chiến trường Việt Nam trong thời gian 5 năm, từ 1965 đến 1969, và trở lại một lần nữa vào năm 1972. Ở tuổi 50 ông tạm ngưng hoạt động để hoàn thành chương trình thạc sĩ tại một chủng viện Lutheran tại Chicago và lấy bằng tiến sĩ về thần học và xã hội tôn giáo tại trường Đại học Boston. Trong lúc làm nghiên cứu về thần học, ông đã phục vụ tuyên úy cho các cựu chiến binh Việt Nam tại Minnesota và đã viết một cuốn sách về chăm sóc mục vụ được nhiều người ca ngợi với tựa đề “Lời Tha Thứ của Chúa – Triết Lý Thần Học Cho Các Cựu Chiến Binh Việt Nam” (The Acquittal of God – A Theology for Vietnam Veterans). Tiến sĩ Siemon-Netto hiện đang sống tại miền Nam California như một nhà văn, một nhà giáo dục và là giám đốc sáng lập của Trung Tâm Thần Học Lutheran và Đời Công (Center for Lutheran Theology and Public Life) tại vùng bờ biển Capistrano. Ông dành một phần thời gian trong năm để cùng với vợ gốc người Anh là Gillian lui về sống tại căn nhà riêng tại miền Tây Nam nước Pháp
***
Đức, Đức & Đức
Đức là một thủ lãnh vóc dáng mảnh khảnh của một băng trẻ bụi đời vẫn thường lang thang trên vỉa hè nơi góc đường Tự Do “của tôi” tại Sài Gòn. Chúng tôi gặp nhau vào năm 1965 khi con đường Tự Do, hoặc Catinat cũ, còn mang dấu vết quyến rũ của thời thực dân Pháp với hàng me xanh tươi rậm rạp mà sau này là nạn nhân do khói thải của hàng chục ngàn chiếc xe gắn máy động cơ hai thì, và của những chiếc xe hơi cổ lỗ sĩ như chiếc Citroen màu xám đời 1938 “15 mã lực traction avant” của tôi, “chiếc xe của tụi băng đảng” trong những phim Pháp cổ điển. Chiếc xe này gần bằng tuổi tôi, một tấn khối thanh lịch trên bánh xe – và luôn luôn khát xăng; nó cho tôi tối đa được 8 dặm mỗi ga-lông xăng. Đó là nếu bình xăng không bị rò rỉ, một điều mà anh thợ máy của tôi vẫn thường giải quyết mau mắn bằng cách trét kín lại với miếng kẹo cao su Wrigley ẩm ướt móc từ trong miệng ra.
Như quý vị sẽ thấy liền bây giờ, tình bạn giữa tôi với Đức và tình yêu của tôi dành cho chiếc xe được gắn bền chặt với nhau. Sự thật, chiếc xe cũng không hẳn là của tôi. Tôi đã thuê nó từ Josyane, một cô gái người Pháp khả ái nguyên là người được hãng cho thuê xe Hertz nhường quyền kinh doanh. Sau này tôi khám phá ra cô ta đồng thời cũng là gián điệp của một nhóm tình báo Tây Âu, trong đó có BND, một cơ quan Đức tương đương với CIA của Mỹ. Tôi vẫn thường tự hỏi tại sao Josyane hay lén lút lục lọi những bản thảo trên bàn giấy của tôi mỗi lần cùng bạn bè đến dự những buổi “trà dư tửu hậu” tại căn suite số 214 của khách sạn Continental Palace nơi tôi trú ngụ. Tôi đã mơ mộng phải chăng cô ta mê cái mã Đức trẻ trung thanh mảnh và những ly rượu mạnh Dry Martini của tôi? Josyane không hề lộ ra là cô biết tiếng Đức, thế tại sao cô cứ muốn dán mắt vào những bản viết của tôi, nếu cô không hiểu chúng? Giờ thì tôi đã rõ: Josyane là một con ma sói, theo lời viên xếp bộ phận Hòa Lan có lẽ là một trong những người tình của cô. Nhưng thế thì đã sao? Tôi mê cái xe của cô còn Josyane mê những ly Martini của tôi mà cô trao cho mọi người với một dáng dấp đáng yêu tuyệt vời. Josyane có quyền đọc những bản thảo của tôi bất kỳ lúc nào, vả lại những mẩu tin này cũng là dành cho công chúng ai cũng có thể đọc được.
Nhưng tâm trí tôi lại tản mạn rồi. Chúng ta hãy cùng trở về với Đức. Em là một đứa bé tinh ranh 12 tuổi đầu với một nụ cười tinh nghịch làm tôi nhớ lại bản thân mình khi tôi cùng tuổi em. Tôi cũng từng là một cậu nhóc trong một thành phố lớn thời chiến. Sự thực tôi không bụi đời như Đức, mặc dù những chiếc phóng pháo cơ Lancasters của Anh quốc và pháo đài bay Mỹ ngày đêm dội bom Leipzig trong những năm cuối cùng của Thế Chiến Thứ Hai đã cố hết sức bắt tôi phải theo con đường đó. Giống như Đức, tôi từng là một thằng bé tinh quái thành thị đã vươn lên làm xếp sòng những đứa khác trong xóm. Tuy nhiên, Đức có những điểm khác tôi. Em là một đứa trẻ bụi đời có tinh thần trách nhiệm rất cao. Đức trông nom bảo vệ một nhóm trẻ mồ côi nhỏ hơn em sống trên khoảng đường Tự Do giữa đại lộ Lê Lợi và đường Lê Thánh Tôn. Đức báo cáo lại với một phụ nữ trung niên gọi là bà “Má” đóng đô trên lề đường bên ngoài quán La Pagode lừng danh với những món bánh Pháp, điểm hẹn nổi tiếng của đám “trẻ nhung lụa” của Sài Gòn trước thời kỳ Cộng sản. Bà Má là “trùm sò” mạng lưới phân phối báo chí của phần đất đó trong thủ đô. Bà ngồi chễm chệ trước cửa quán La Pagode bao quanh là từng chồng báo chí Anh, Pháp, Việt, Tàu; người Việt rất ham đọc báo. Đức và đám trẻ mồ côi cùng các nhóm lâu la khác được bà giao báo đi phân phối trong các khu vực lân cận.
Theo những gì tôi nhận xét được, Đức là đàn em đắc lực nhất của bà Má và là xếp sòng giao báo của góc tấp nập nhất trong khu vực của em. Giang sơn của Đức là vỉa hè giữa quán Givral, một tiệm ăn nổi tiếng với món mì Tàu và món súp hành Tây chánh hiệu nhất toàn vùng Đông Nam Á, và cổng ra vào thông qua khu buôn bán Eden, hồi đó là nơi đặt trụ sở bộ phận lãnh sự của Tòa Đại Sứ Tây Đức và văn phòng hãng thông tấn Associated Press. Tôi nghĩ tôi là một trong những khách Đức ưa thích nhất bởi vì mỗi ngày tôi mua của em tờ Saigon Daily News với tờ Vietnam Guardian, rồi tờ Saigon Post và tờ Journal d’Extrême Orient. Thỉnh thoảng tôi còn để em dụ mua một vài tờ báo tiếng Việt, chẳng phải vì tôi có thể đọc nổi nhưng vì tôi cảm thấy hiếu kỳ bởi những khoảng trống thường xuyên xuất hiện trên những tờ báo đó, trò thủ công của nhân viên kiểm duyệt trong chính phủ.
Trong một buổi chiều muộn khởi đầu của mùa mưa, tôi và Đức đã trở thành bạn hợp tác làm ăn chung. Những đám mây lớn trên bầu trời nhiệt đới vần vũ sắp vỡ tung ra. Những mảng nước đe dọa sẽ giáng xuống tôi với sức mạnh của lưỡi dao máy chém và sắp biến con đường lưu thông chính của thành phố Sài Gòn thành một dòng sông chảy siết. Tội vội vã lái ép chiếc Traction vào một khoảng đậu chật hẹp bên ngoài quán Givral, một bài tập thể dục thật cực nhọc vì chiếc xe với động cơ điều khiển bánh trước không có hệ thống lái trợ lực và chạy bằng động cơ sáu máy đúc gang rất nặng nề. Kiệt sức, tôi tắt máy xe. Đúng lúc tôi đang mơ tưởng đến một chai bia Larue trong sân lộ thiên của khách sạn Continental Palace thì Đức chận tôi lại.
Cánh cửa chiếc Traction cũ kỹ mở ra phía trước, tức là ngược chiều với tất cả những chiếc xe tối tân hơn. Trong lúc tôi đang cố gắng lách mình ra khỏi xe, Đức đứng trước mặt tôi chỉ vào miếng giấy phép dán nơi kính chắn gió mới được tòa đại sứ cấp sáng hôm đó. Tấm giấy mang màu cờ quốc gia Đức, đen, đỏ và vàng, chứng nhận tôi là “Báo Chí Đức” tức phóng viên người Đức. Điều này nhằm bảo vệ tôi trong trường hợp đụng độ với Việt Cộng chặn đường trong những lần cuối tuần thỉnh thoảng vù đi chơi Cap Saint-Jacques, nay gọi là Vũng Tàu, một khu nghỉ mát ven biển được biết đến như St. Tropez của vùng Viễn Đông. Nó thực sự đã cứu tôi trong những ngày đó. Lần nào đụng nhằm toán tuần tiễu du kích Cộng sản mặc toàn đồ đen, họ đều bắt tôi đóng thuế nhưng cũng cho tôi đi, sau khi cấp cho tôi một biên lai có đóng dấu hẳn hòi.
“Ông Đức!” Em khoái chí la lên. “Tên tôi là Đức! Cả hai người mình đều là Đức, giống như anh em với nhau!”
Chúng tôi bắt tay nhau. Bây giờ tôi đã có một thằng em tại Sài Gòn. Sau này tôi học được là câu nhận xét đó còn có một ý nghĩa sâu hơn. Đó là một cách chơi chữ. Đức tiếng Việt còn có nghĩa là Đức hạnh.
Thiết lập xong mối giao hảo, Đức vẫn chưa cho tôi đi. “Ô-kê, Ô-kê,” em nói. “Mưa tới nơi rồi, ông Đức, mưa năm bờ ten.” Tôi biết tiếng lóng dân Sài Gòn vừa đủ để hiểu là đứa em mới thân này không ám chỉ đây là cơn mưa thứ “mười.” Không, “năm bơ ten” có nghĩa là xấu nhất, các lỗ sụp, những cái gì đó phải tuyệt đối tránh xa.
“Ô-kê, Ô-kê,” Đức tiếp. “Ông Đức, ông năm bờ oan (số dách). Tôi với ông làm ăn chung nhé, Ô-kê?”
Sau đó thì em phác họa sự hợp tác giữa chúng tôi: Tôi cho phép em và đám trẻ mồ côi được trú ẩn trong chiếc Traction. Nó sẽ thành chỗ ngủ của họ, và chúng hứa sẽ giữ gìn thật sạch sẽ. Nếu tôi có muốn để lại thứ gì quý giá trong xe, chúng sẽ giữ gìn cẩn thận. Vả lại khóa xe không còn dùng được nữa, điều này Đức đã chứng minh rõ ràng rồi.
“Ô-kê, Ô-kê, ông Đức?” Em bồn chồn khẩn khoản.
Tôi gật đầu. Đức liền huýt gió và tức thì có tám đứa bé chạy túa ra từ những cánh cửa chung quanh và chen chúc vào chiếc Traction của tôi. Ba đứa cuộn vào băng sau, hai đứa khác thì nhẩy vào hai cái ghế phụ nơi chỗ để chân, mỗi đứa một bên, một bé gái chiếm ngay cái ghế trước bên phải, một đứa nữa thì chui vào khoảng trống phía dưới, còn anh chàng Đức thì đương nhiên ngồi vào đằng sau tay lái.
“Chúc ông Đức ngủ ngon, ông là năm bờ oan!” Đức nói, vừa đóng xầm cửa xe lại và quay kính lên. Ngay lúc đó, cơn mưa đổ ụp xuống tôi và chiếc xe. Những đứa trẻ đã an toàn rồi. Tôi thì ướt đẫm thấu xương chỉ trong vòng vài giây đồng hồ. Tôi chạy vội về khách sạn Continental, nghĩ bụng phải cần một cái gì đó khá hơn là một chai bia Larue mới được. Đầu tiên tôi vào phòng tắm rửa, rồi sau đó nhâm nhi một ly huýt-ky ngoài sân mái hiên. Khi màn đêm buông xuống tôi ngóng qua đường Tự Do nhìn về phía chiếc xe Traction kềnh càng với những cửa kính mờ hơi nước bên ngoài tiệm Givral. Cảnh tượng này làm tôi hài lòng. Mấy đứa trẻ đã được khô ráo và ấm áp. Trong tất cả những năm sống tại Việt Nam, tôi hiếm khi nào cảm thấy hạnh phúc như trong buổi chiều hôm đó, một cảm giác hiếm có trong cuộc đời của một phóng viên.
Tôi xin được dành cuốn sách này cho Đức bởi vì trong thâm tâm tôi, em tượng trưng cho những đặc tính đã tạo nên tình cảm và lòng ngưỡng mộ của tôi đối với người dân miền Nam Việt Nam, và sự cảm thông với họ sau khi bị bỏ rơi bởi những người đáng lẽ phải bảo vệ họ, lại còn bị phản bội bởi một số đồng nghiệp của tôi, mặc dầu không phải là tất cả. Giống như Đức, họ rất năng động và giỏi chịu đựng; họ không than vãn mà tự vươn lên được và chăm sóc cho nhau. Khi bị vấp ngã, họ lại trỗi dậy nữa và thực hiện nhiều điều đáng kinh ngạc. Tôi rất ngạc nhiên trước những thành tựu của hàng trăm ngàn người miền Nam Việt Nam sống và làm việc gần nơi tôi cư ngụ tại miền Nam California. Lòng tôi đầy cảm phục đối với các cựu thuyền nhân và những người sống sót qua những trại tù cải tạo cộng sản, các cựu chiến binh còn đang âm thầm đau khổ vì chứng rối loạn tâm thần sau chấn thương và các bệnh tật nghiêm trọng khác gây ra bởi tra tấn và chấn thương đầu trong chiến tranh.
Tôi mong mỏi tuổi thơ và cuộc sống trưởng thành của Đức cuối cùng sẽ là một câu chuyện thành công, nhưng tôi không rõ. 18 tháng sau cuộc gặp gỡ đầu tiên, chúng tôi mất liên lạc với nhau. Có khi nào em đã gia nhập quân đội miền Nam Việt Nam và có thể đã tử trận trong lúc chiến đấu? Hay là em đã theo Việt Cộng và đã mất mạng vì phục vụ cho họ? Em có trong số hàng ngàn thường dân bị Việt Cộng thảm sát trong đợt tấn công Tết Mậu Thân 1968 hay không? Hay đứa trẻ tinh quái này đã xoay sở trốn thoát ra khỏi quê hương sau chiến thắng của cộng sản năm 1975? Cũng có thể em còn sống trong lúc tôi đang viết những dòng chữ này và là một doanh nhân 58 tuổi thành đạt tại thị xã Westminster, California, hoặc một chuyên viên thành công đang sống ngay đầu ngõ nhà tôi? Có lẽ em đang đọc cuốn sách này?
Tôi nghĩ về Đức khi một cặp vợ chồng bạn Việt Nam tuyệt vời đã mời tôi phát biểu trong một buổi hội nghị của những cựu sĩ quan quân y quân đội miền Nam Việt Nam. Lâu nay họ vẫn thúc giục tôi viết lại những hồi tưởng thời chiến tranh. “Ông phải làm điều đó cho chúng tôi,” họ nói. “Cho những thế hệ con cháu của chúng tôi. Chúng muốn biết những gì đã xảy ra. Ông có sự uy tín đặc biệt vì là người Đức và không bị thua thiệt với phía nào trong cuộc chiến này.” Và rồi, sau khi nghe tôi kể lại những giai thoại, chẳng hạn như câu chuyện gặp gỡ của tôi với Đức, một số các vị bác sĩ, nha sĩ và dược sĩ đã nghỉ hưu trong số khán giả cũng thốt lên điều tương tự, và phân tán bài nói chuyện của tôi trên mạng Internet.
Tôi không mong viết lại lịch sử của cuộc chiến Việt Nam hay thậm chí tổng kết lại toàn bộ thời gian sau gần năm năm sống tại Đông Dương, trước hết với tư cách là phóng viên cho tập thể Axel Springer Group của báo chí Đức và sau đó là biên tập viên không thường trực của Stern, một tạp chí có uy tín đóng trụ sở tại Hamburg. Tôi xin các độc giả đừng trông đợi tôi đứng về phe nào trong các xung đột nội bộ của những thành phần trong miền Nam Việt Nam, phần nào vẫn còn tiếp diễn trong những cộng đồng lớn của các lưu dân Việt Nam. Khi tôi nhắc đến cựu Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ chẳng hạn, điều này không có nghĩa là tôi ủng hộ ông ta hơn là Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, hoặc ngược lại. Tôi ở đây chỉ để kể chuyện, trong đó bao gồm một số về ông Kỳ và một số khác về ông Thiệu, mà không có nhu cầu phê phán ai hết. Số mạng của họ chẳng ai ham muốn cả, nhưng họ đều đáng được tôi trân trọng vì đã dám đứng ra nhận lãnh những trách nhiệm nặng nề.
Nhưng có một điều mà tôi muốn xác định rõ ràng là tôi không hoan nghênh chiến thắng của Cộng sản năm 1975. Tôi không tin là họ xứng đáng để thành công. Tôi đã từng mục kích những hành động tàn bạo ghê tởm mà họ đã thực hiện như là một chính sách chung, là nhân chứng cho những vụ giết người hàng loạt và thảm sát của Cộng sản mà bên cạnh đó, những vụ vi phạm qui luật chiến tranh của phe Hoa Kỳ và miền Nam Việt Nam – rõ ràng không phải là một vấn đề chủ trương hay chiến lược – thật mờ nhạt khi so sánh với nhau. Tôi biết là các phương tiện thông tin đại chúng Hoa Kỳ và quốc tế, các trường đại học đã bất công, tùy tiện và ngạo mạn khi nói xấu người miền Nam Việt Nam, và họ vẫn còn tiếp tục làm điều đó. Tôi đã ghê tởm về cách đối xử của những đồng hương của tôi đối với các cựu chiến binh GIs khi họ trở về và kinh ngạc trước sự kiện là những sự đau khổ liên tục của các cựu quân nhân miền Nam Việt Nam đã không được các báo chí Mỹ đánh giá một cách xứng đáng.
Cuốn sách này là một bộ sưu tập của những bản phác thảo riêng về những sự kiện tôi đã thấy, đã quan sát, trải qua và tường thuật lại trong những năm sống tại Việt Nam. Đó là một loạt những câu chuyện xen kẽ nhau về những kinh nghiệm cá nhân mà phạm vi trải rộng từ điều khủng khiếp đến sự phi lý, từ các cuộc theo đuổi tuyệt vời đưa đến phù phiếm, từ nỗi tuyệt vọng đến niềm hy vọng. Các nhân vật được nêu ra trong cuốn sách này là có thật, tuy trong vài trường hợp tôi đã thay đổi tên nhằm bảo vệ họ và gia đình họ.
Tuy nhiên để nhắc nhở các độc giả và bản thân tôi rằng cuối cùng đây là một cuốn sách về một cuộc chiến tranh bi thảm được kết thúc bằng sự thất trận của các nạn nhân của kẻ xâm lược, cứ sau một vài chương tôi sẽ chen vào một đoạn hồi tưởng nhằm nhấn mạnh ý niệm này, bắt đầu bằng sự mô tả vụ giết người hàng loạt mà Cộng sản đã thực hiện trong cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968.
Tôi biết ơn nhiều người, đặc biệt là hai người bạn trung thành Quý và Quỳnh Châu, được biết đến là Jo, đã luôn đứng đằng sau lưng hỗ trợ về mọi mặt trong lúc tôi khổ cực hoàn thành bản thảo cuốn sách này. Mỗi lần tôi viết xong một chương, Quý đã dịch ngay lập tức qua tiếng Việt với sự giúp đỡ của người bạn Nguyễn Hiền. Anh đã thực hiện bản in, trang trí bìa và cung cấp cho tôi những lời khuyên hữu lý về các vấn đề văn hóa và lịch sử. Tôi rất hãnh diện đã trở thành một phần trong gia đình cổ truyền Việt Nam của Quý và Jo tại Quận Cam. Tôi cảm ơn anh họ của Quý là Tôn Thất Di và người vợ tên Trân là những người đã tiếp xúc với tôi khi lần đầu tiên khi tôi dọn về Quận Cam và đã giới thiệu cho tôi khối cộng đồng lớn đầy tính năng động của người Việt tại Quận Cam:
Điều hiển nhiên là tôi biết ơn Đức, người em vắng mặt, gia đình người Việt của tôi tại Quận Cam và vô số bạn bè Việt Nam, Mỹ, Pháp, Anh và Đức mà tôi đã gặp tại Việt Nam. Tôi cũng muốn cảm ơn các cựu chiến binh Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh Việt Nam mà tôi đã phục vụ họ trong cương vị một giáo sĩ tập sự tại Trung Tâm Y Tế VA ở Saint Cloud, Minnesota, và những bác sĩ tâm lý, mục sư đã cùng tôi làm mục vụ chung để giúp đỡ phần hồn cho các cựu chiến binh đó. Tôi hết sức cảm ơn anh bạn Perry Kretz đã cho phép tôi được xuất bản trong cuốn sách một số hình ảnh tuyệt vời của anh từ chuyến làm phóng sự chung tại Việt Nam vào năm 1972.
Tôi cũng cảm ơn người bạn biên tập viên Peggy Strong và, đầu tiên và quan trọng nhất, Gillian, người vợ 50 năm của tôi đã luôn sát cánh bên tôi và đã từng chịu đựng những khoảng thời gian dài chia lìa vì công vụ của tôi tại một xứ sở huyền diệu đã bị chiến tranh tàn phá mà tôi rất yêu thương.
Uwe Siemon-Netto
Laguna Woods, California, tháng 10 năm 2012
***************
… ” Truyền thông từ xưa đến nay thường khuynh đảo và dối trá , nhưng vẫn có những tiếng nói trung thực từ trái tim và tình thương của lương tâm con người . Hôm nay xin giới thiệu với các bạn một tác giả
người Đức
Uwe Siemon-Netto . Ông viết bằng tiếng Đức. Sách đã được 2 dịch giả Lý Văn Quý và Nguyễn Hiền dịch ra Việt văn. Sách mang tên ‘Đức, tình Yêu của một phóng viên cho dân tộc bị bỏ rơi’.
Tác giả là người nước Đức đã nhận tên VN là Đức. Ông là phóng viên của chiến trường VN, đã có mặt tại VN suốt chiều dài cuộc chiến, ông đặc biệt viết dài về Trận Mậu Thân 1968 và Mùa Hè Đỏ Lửa 1972…
Ông đã nhìn cuộc chiến VN bằng con mắt khác với nhóm phóng viên phản chiến Hoa Kỳ và Âu Châu. Ông gốc người Tây Đức, nước đã không viện trợ cho VNCH khí giới giết người, mà những phương tiện nhân đạo, như tàu bệnh viện Helgoland đậu ở Sông Hàn Đà Nẵng, như ban giảng huấn cho Đại Học Y Khoa Huế, những y sĩ nổi tiếng của Đức tình nguyện sang giúp VNCH. Cả nhóm giáo sư này đã bị VC giết hết trong trận Mậu Thân.
Ông có nói đến cuộc tàn sát ở Mỹ Lai và Trung Úy William Calley, tới việc Tướng Loan bắn tên VC ở Saigon, và ông nói dến việc VC tàn sát đồng bào ở Huế Tết Mậu Thân, đến các ông sư biểu tình ở Viện Hoá Đạo Saigon mà đa số là cán bộ CS vừa cạo trọc đầu.
Ông cho biết vì phóng viên báo chí Tây Phương đa phần là của phe phản chiến nên họ trưng bày những cảnh tàn sát rùng rợn và đổ nhiều tội cho lính Mỹ ở VN , do đó ở Mỹ đã xảy ra hiện tượng ‘ Hội chứng Dear John’ là hiện tượng nhiều bà vợ trẻ và nhiều bạn gái ở Mỹ đã viết thư đòi ly dị hay từ hôn với những lính Mỹ đang tham chiến ở VN , lý do :
‘vì chúng tôi thấy các anh dã man quá’ ! Toàn cuốn sách, tác giả nhìn cuộc chiến VN với một cái nhìn trung lập và công bằng . Ông xót thương dân Miền Nam đã chịu bao cảnh khổ nhục bất công. Ông cho biết ông đã thấy ngoài mặt trận những chú lính Bắc Kỳ, mặt mũi non choẹt, tuổi khoảng 16, 17, nằm chết trên vai còn đeo balô bên trong xếp rất gọn ghẽ bộ quần áo thẳng nếp.
Thế có nghĩa là gì? Thưa, VC đã bắt lính đưa vào chiến trường Miền Nam những em học sinh còn bé, mặt búng ra sữa, cha mẹ vội gấp quần áo cho con , sắp gọn vào ba lô để con kịp lên đường. Người con chưa kịp thấy giặc Mỹ Ngụy thì đã bị bom B.52 đốn ngã…
Trong quyển ‘Tình yêu của Một Phóng viên dành cho dân tộc bị bỏ rơi ’ ông Uwe Siemon-Netto cũng đã nhiều lần cho thấy sự quái dị của truyền thông Mỹ đi đôi với sai lầm trong chính sách quân sự Mỹ trong chuyện bình định nông thôn, nhất là chuyện bãi bỏ kế sách Ấp Chiến Lược của ông Robert Thompson đã đem lại chiến bại cho miền Nam.
Đây là một tác phẩm tuy muộn màng, so với năm 1965 khi ông Siemon-Netto đầu tiên đến Việt Nam (đến giờ đã hơn 48 năm).
Tuy nhiên những ý tưởng và lập luận của ông cần được làm điều tâm niệm soi rọi nhiều hơn trong làng báo Hoa Kỳ và Tây phương.
Sách đã được dịch ra tiếng Việt, quý độc giả có thể tìm mua qua trang web của ông: Vừa có tiếng Anh và vừa có bản dịch Việt . “
NGG