Trong giai đoạn của những năm 1954 đến 1975, có những ca khúc được sáng tác để nói lên hình ảnh và cuộc đời của những người lính. Rộng hơn nữa là hình ảnh chung cho các gia đình miền Nam thời đó. Bởi vì hầu như gia đình cũng có ít nhất một người thân vào quân ngũ.
Trong số những thanh niên lên đường tòng quân ấy, có rất nhiều người lính “tay súng, tay đàn”. Đó là Nguyễn Văn Đông, Trần Duy Đức, Song Ngọc, Lam Phương, Anh Bằng, Trần Thiện Thanh… qua dòng nhạc lính, họ kể lại lý tưởng của một thế hệ tuổi trẻ, niềm vui, nỗi buồn, tình yêu, tình bạn, và đôi khi là cả bi kịch của thân phận con người do chiến tranh. Và thế hệ ca sĩ thời ấy như Thanh Thuý, Hoàng Oanh, Mai Lệ Huyền, Trung Chỉnh, Duy Khánh… đã rất thành công khi thực hiện những ca khúc này.
“Rừng lá xanh xanh cây phủ đường đi
Thành phố sau lưng ôm mộng ước gì
Tôi là người đi chinh chiến dài lâu
Nên mộng ước đầu tôi nghe đã chìm sâu
Từ máy thu thanh cô nàng vừa ca:
“Trọn kiếp yêu anh lính khổ xa nhà”
Giữa rừng già vang tiếng hát thật cao
Nhưng giữa già tôi có thấy gì đâu?…”(Rừng lá thấp)
Rừng lá thấp là ca khúc được ca/nhạc sĩ Nhật Trường – Trần Thiện Thanh sáng tác trong giai đoạn cao điểm của cuộc chiến tranh 1968. Có người cho rằng đây là món quà và nỗi thương tiếc, sự vinh danh mà nhạc sĩ dành cho người bạn của mình, đại uý Vũ Mạnh Trường, người đã tử trận tại cầu Bình Lợi cửa ngõ vô Sài Gòn.
Đây là một trong hàng ngàn ca khúc được ra đời trong thời điểm mà người lính là hình ảnh được khắc họa rất nhiều trong tất cả lĩnh vực thơ, văn, hội hoạ, nhiếp ảnh, và đặc biệt là âm nhạc. Hình ảnh đó đi theo với chiều dài cuộc chiến như hình với bóng, trên khắp mọi nẻo đường đất nước.
Khi ấy, cuộc đời của người lính, sự đợi chờ của những gia đình có mẹ mong con, vợ mong chồng, cùng với những giây phút khốc liệt của chiến tranh là đề tài bất tận cho người sáng tác. Dòng nhạc lính được biết đến trong thời kỳ đó như một tấm gương phản chiếu trung thực, gần gũi, và rõ nét nhất về một thế hệ tuổi trẻ.
Sáng tác của những người tay súng, tay đàn ấy chân thật, gần gũi và “đời thường” như chính cuộc đời của họ, cuộc đời người lính.
“Mẹ ơi . . . biên cương giờ đây
Trời không . . . mưa nhưng nhiều mây
Nửa đêm nghe chim muông hú trong rừng hoang
Nghe . . . gió rung cây đổ lá vàng
Sương xuống mênh mang…” (Nửa đêm biên giới)
Lúc đó, nói theo cách nói của thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên:
“Ta hỏng tú tài
Ta hụt tình yêu
Thi hỏng mất rồi
Ta đợi ngày đi…”
Lý tưởng
Đối với những người trai trẻ thời đại ấy, họ xem việc khoác áo lính là trả nợ tang bồng với núi sông, là niềm kiêu hãnh khi được bước những bước chân hành quân vào con đường chiến chinh. Họ tạm biệt gia đình, tạm biệt mẹ cha, tạm biệt người thương để dấn thân vào cuộc sống mới đầy hứng thú và nhiều ý nghĩa trong tháng năm dài khói lửa chiến tranh.
“Cùng trang cùng lứa chúng tôi cùng đơn vị thương mến nhau chung một toán
Giã từ Sài Gòn yêu nửa đêm tâm sự lính kiếp tha hương độc hành
Vui chung cuộc hành trình phong sương chưa lần bước ba tháng dài được là bao
Hỏi em em lại khóc bàn tay xin níu lại xin thời gian chưa qua mau…” (Giã biệt Sài Gòn)
Nhạc lính được dùng để chuyển tải hình ảnh của những cuộc đời luôn “ngược xuôi theo đường mây” và vương màu khói súng, Những cuộc đời vừa đúng đôi mươi phải xa biệt đô thành, “vào đời manh áo chiến lúc tuổi còn xanh”
“Thôi nhé tôi đi… áo vương bụi đường
Nhớ đêm phố phường… người ơi lúc đèn buông
Đừng ngăn gió vào thu… để rơi lá vàng khô
Reo khúc quân hành… đưa tiễn người chinh phu
Đêm… đêm ngắm trăng khuya
Nghe gió bay về…
Ôm súng cầm canh… trông sao trời lấp lánh
Tưởng về đôi mắt… cố nhân chiều xưa…” (Chiều thương đô thị)
Nhạc sĩ Hoài Linh đã sáng tác Chiều thương đô thị để tặng cho người bạn của mình, nhạc sĩ Song Ngọc lên đường tòng quân vào năm 19 tuổi.
Hiện lên trong những ca khúc viết về người lính là hình ảnh của người nghệ sĩ lãng mạn mang khí chất oai hùng, là tinh thần của người trai đang ở lứa tuổi đẹp nhất đời người. Người trai trả nợ tang bồng với núi sông bằng ước mơ bay cao, bay xa bên dãy Ngân Hà, xem chuyện đời nhẹ như những chuyến bay.
“Giữa lòng trời khuya muôn ánh sao hiền
Người trai đi viết câu chuyện Một Chuyến Bay Đêm
Cánh Bằng nhẹ mơn trên làn gió
Đời ngây thơ xưa lại nhớ, lúc mình còn thơ
Nhìn trời cao mà reo mà mơ ước như diều để níu áo Hằng Nga ngồi bên dãy Ngân Hà…” (Một chuyến bay đêm)
Tình bạn
Họ là những người trai trẻ đến từ bốn phương. Mang cùng một lý tưởng, họ gặp nhau nơi chiến trường. Tiếng gọi anh, tôi thân thiết như anh em cùng một mẹ. Những đêm tiền đồn, bao nhiêu câu chuyện được kể cho nhau nghe, không bao giờ hết.
“Vùng cao nguyên đất đỏ, trời lạnh với sương mù
Thương mến anh vượt đường xa đến đây
Mưa vẫn bay mà lòng anh vẫn say
Diệt thù bên rừng sâu khi bên suối vắng đêm thâu
Gặp anh trong phút này là mừng trong phút này
Khi chiến tranh còn gây thêm máu lửa
Thì mộng mơ xin trả hết cho đời
Quê hương này còn mãi mãi nhờ anh…”
Tình đồng đội trong ca khúc của nhạc sĩ Lam Phương chân thành và đơn giản như thế. Có lẽ cũng là người lính, nên ông hiểu lắm về những gian khổ cũng như giá trị của tình bằng hữu giữa những tháng ngày trên sa trường.
Nhạc sĩ Hoài Linh cũng thế. Tình bạn trong dòng nhạc lính của ông được xây dựng trong những tháng ngày xông pha. Tuy mỗi người rồi sẽ một nơi, nhưng dưới bầu trời bao la của miền đất Mẹ, ông và đồng đội vẫn là một thôi.
“Mình có ba người
Mà kiếp sống buông trôi
Đứa này ở ven trời
Thì đứa khác ra khơi,
Hợp xong lại tan
Trong giây lát xa không đành
Thế mới thương đời lính
Đường phố khuya rồi
Chênh chếch bóng trăng soi
Uống cạn hết ly này
Ghi nhớ mãi đêm nay
Mình ba người tuy không gian
Chia làm muôn lối
Nhưng là một thôi…” (Chúng mình 3 đứa)
Tình yêu
Dòng nhạc lính của những người nhạc sĩ ấy còn chính là những bản nhạc tình. Và cũng là nhạc quê hương. Trên những con đường hành quân khắp bốn vùng chiến thuật, sự xa cách, nhớ mong, ngay cả niềm tuyệt vọng và bi kịch tình yêu được họ ghi lại trong trang nhật ký của nhạc khúc.
“Từ KBC giá lạnh rừng sâu
Anh gởi lời thăm về em yêu dấu
Qua bao ngày chúng mình xa nhau
Chắc em để phấn son nhạt mầu
Và buồn trong cả giấc chiêm bao.
Đừng buồn em ơi! Nếu hiểu được anh
Đây miền rừng xanh bụi vương áo lính
Khi quê mình khói lửa điêu linh
Nhớ em nhiều biết làm sao thôi
Đành vùi chôn khỏa lấp chữ tình…”
Viết từ KBC của Mạc Phong Linh và Hoàng Minh là tiếng nói của những người lính vì lý tưởng mà cởi bỏ áo thư sinh, giã biệt học đường, để lại sau lưng tình yêu riêng của mình. Và cũng chính dòng nhạc lính là nơi nói lên tiếng lòng của những người ở lại, chung thuỷ đợi chờ “Cho người vào cuộc chiến”.
“Anh bỏ trường xưa, bỏ áo thư sinh
Theo tiếng gọi lên đường
Anh đi vì đất nước khổ đau
Anh đi … anh quên thân mình
Em vì anh tóc bới chẳng lược cài
Thôi điểm trang, má phấn chẳng cần dồi
Xa phồn hoa với những chiều dập dìu
Cho anh vững lòng … anh đi
Đêm rồi lại đêm, một bóng đơn côi
Em nhớ người phương trời
Tâm tư chẳng biết nói cùng ai
Đơn sơ… em ghi đôi dòng
Mong người đi giữa súng đạn chập chùng
Xin hiểu cho giữa cát bụi thị thành
Bao giờ em cũng vẫn bền một lòng
Thương anh suốt đời … Anh ơi!…”
(Cho người vào cuộc chiến)
Đã hơn 40 năm, những nhạc sĩ tay súng tay đàn ấy, có những người đã xa rời cõi tạm. Có lẽ họ cũng đã mang theo mình dấu ấn của một đời lính oai hùng, những tháng ngày cùng đồng đội xông pha vì lý tưởng. Thế nhưng, dòng nhạc lính, nhân chứng cho một thời cuộc của đất nước, tiếng nói chung cho một thế hệ thì mãi mãi sẽ là dấu ấn của một nền văn hoá âm nhạc Việt Nam.
(VongNgayXanh sưu tập hình ảnh và video)