Thực tế nếu đọc Phạm Thị Hoài thì đừng nên quá chấp nê với những hình ảnh chị ấy dùng. Chúng chỉ là bề nổi của những tảng băng. Những tảng băng khủng lộ và nặng trĩu trong một đại dương mênh mông. Đại dượng ấy là xã hội, là chính trị, là lịch sử, là văn hoá, và quan trọng nhất, là nhận thức. Bánh chưng hay chuyện gốc với rễ chỉ là vấn đề của timing–của thời cơ, của sự đúng lúc. Bánh chưng cũng như đứa trẻ trong nhà bị vạ lây vào nhũng lúc cha mẹ không vui với nhau. Bớt chấp nê và bỏ cái tôi tự ái mang tính cá nhân và cộng đồng cho là cần phải được bảo vệ thì Phạm Thị Hoài luôn cho chúng ta sự trái chiều rất cần thiết để suy nghĩ, dù có hoặc không đồng ý. Có lẽ khi ấy chúng ta mới thật sự cùng nhau trưởng thành.
Nói chung đọc về bánh chưng của Phạm Thị Hoài làm mình liên tưởng đến Nhân Văn Giai Phẩm, đặc biệt là tập Giai Phẩm Mùa Xuân do Minh Đức-Thời Đại của Trần Thiếu Bảo xuất bản tại Hà Nội vào ngày 5 tháng 2, 1956 (tức 24 tháng chạp năm Bính Thân). Mọi người bớt dận Phạm Thị Hoài vì dù sao chị ấy vẫn còn kiêng nể và để mọi người gói, nấu, rồi thoả mái ăn no bánh trong ba ngày Tết rồi chị ấy mới cúng vua Hùng. Nhóm Nhân Văn Giai Phẩm thì không. Không kiêng nể gì ai mà cũng không kiêng cữ. Một tuần trước Tết Nguyên Đán (12 tháng 2, 1956 dương lịch) họ lập bàn thờ cúng vua H* cùng các thần với những “Nhất Định Thắng,” “Mỗi ngày mỗi lớn – Gửi kế hoạch nhà nước 1956,” và “Lão Rồng.
Công nhận, nếu có nể thị Hoài 9 thì cũng kính Nhân Văn 10.
*************************************************************
SÁCH TẾT ĐINH ĐẬU 1957:
ẤN BẢN NHÂN VĂN GIAI PHẨM CUỐI ?
Cuối tháng 12 âm lịch năm Bính Thân, 1956, nhà xuất bản Minh Đức cho xuất bản một tác phẩm với tựa Sách Tết 1957, đánh dấu sự cố gắng cuối cùng của phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm.
Đến nay đã là một chu kỳ 60 năm. Hầu như không mấy người còn biết đến tác phẩm này và ý nghĩa đặc biệt của nó đối với phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm. Với một bìa in màu bức tranh các thiếu nữ đi chợ Tết, tập sách gồm 28 trang ruột ở khổ 27x39cm có thể được xem là ấn phẩm cuối cùng của nhóm Nhân Văn-Giai Phẩm.
Nhân Văn-Giai Phẩm là một chủ đề lớn, một sự kiện lịch sử quan trọng cần nghiên cứu và phân tích sâu nên khó lòng có thể bàn hết trong không gian hạn hẹp này. Nhưng để hiểu thêm về sự hình thành của tập Sách Tết 1957 và mối liên quan của nó đối với phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm, bài viết này xin giới thiệu sơ lược đôi nét về bối cảnh lịch sử và liệt kê một số thông tin cơ bản về các tác phẩm đã tạo nên phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm.
Nhân Văn-Giai Phẩm là phong trào đòi hỏi thi hành tự do dân chủ được khởi xướng bởi một số văn nghệ sĩ và trí thức sống ở miền Bắc dưới chính quyền Việt Nam Dân Chủ Công Hòa. Mầm mống đưa đến phong trào này bắt đầu ở những năm 1954-1955, từ sự bất mãn của một số văn nghệ sĩ trong quân đội đối với lề lối kiểm soát khắt khe trong văn nghệ nhằm mục đích phục vụ quân đội và các chính sách của chính quyền đưới sự lãnh đạo của Đảng Lao Động Việt Nam. Tuy nhiên, năm quan trọng nhất đánh dấu phong trào này là năm 1956.
1956 là một năm đầy hỗn loạn trong thế giới cộng sản. Khởi đầu với bài diễn văn gây chấn động của nhà lãnh đạo Xô Viết, Nikita Khrushchev, đả phá Stalin và tệ nạn sùng bái cá nhân. Kế đến là chiến dịch “Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng” của Mao Trạch Đông, theo đó là cuộc biểu tình vào tháng 6 ở Poznán, Ba Lan (Poland), và cuộc nổi đậy chống chính phủ ở Hungary vào cuối tháng 10. Tại Việt Nam, chương trình cải cách ruộng đất đã đến hồi kết thúc, chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thừa nhận có sai lầm trong thi hành cải cách ruộng đất và bắt đầu chuyển sang sửa sai. Tuy nhiên, việc thừa nhận sai lầm và thi hành chính sách sửa sai cũng không kìm được sự phẫn nộ của dân, đưa đến cuộc nổi dậy ở Quỳnh Lưu, Nghệ An vào tháng 11.
Nhân Văn-Giai Phẩm nổi lên trong bối cảnh nêu trên và phần nào cũng bị ảnh hưởng bởi những thay đổi trong và ngoài nước. Phong trào được biết đến bởi hai tờ báo mang tên Nhân Văn và Giai Phẩm. Nhân Văn được xem là cơ quan ngôn luận của phong trào, là một tờ báo văn hóa, xã hội, và chính trị. Giai Phẩm là một tạp chí văn học nghệ thuật, chú trọng trong việc sáng tác nhằm phản ảnh xã hội và thời cuôïc. Tuy tờ Nhân Văn được xếp đầu trong tên gọi của phong trào, nhưng tạp chí Giai Phẩm mới chính thức là tác phẩm được ra mắt đầu tiên và gây nên những tranh cải trong dư luận từ đầu năm 1956.
Với tựa Giai Phẩm Mùa Xuân, tập Giai Phẩm đầu tiên được in bởi nhà in Xuân Thu và xuất bản bởi Minh Đức-Thời Đại tại Hà Nội vào ngày 5 tháng 2, 1956 (tức 24 tháng chạp năm Bính Thân), một tuần trước Tết Nguyên Đán (12 tháng 2, 1956 dương lịch). Ở khổ 16x24cm, tập Giai Phẩm Mùa Xuân có tổng cộng 48 trang ruột và được bán với giá 1,000 đồng một bản. Số văn nghệ sĩ góp phần trong tập này gồm có Văn Cao, Hoàng Cầm, Lệ Đạt, Nguyễn Sáng, Phùng Quán, Trần Dần, Sỹ Ngọc, Tử Phác, và Tô Vũ. Tập Giai Phẩm đầu có 9 bài thơ, 2 bản nhạc, và 2 truyện ngắn, và được biết nhất với bài “Nhất định thắng” của Trần Dần. Tập Giai Phẩm mở đầu cho phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm với lời nói đầu như sau: “Trong dịp đầu xuân 1956 chúng tôi vui mừng giới thiệu giai phẩm này với bạn đọc. Đây là những tác phẩm nho nhỏ về văn, thơ, nhạc, họa, nội dung nhằm góp vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, thống nhất hiện nay, đồng thời cũng cho chúng ta thấy những tìm tòi mới trong sáng tạo văn nghệ.”
Tuy xuất bản vào dịp Tết nhưng nội dung của Giai Phẩm Mùa Xuân lại là một nghịch lý với lời lẽ tạo nên hình ảnh về một miền Bắc buồn bã ảm đạm thay vì sự hứng khởi của niềm vui đầu năm. Đây có lẽ là mục đích của việc xuất bản tập Giai Phẩm này ngay trong dịp Tết, vì để đạt mục đích phổ biến rộng qua việc độc giả sẽ mua tặng, đọc và thảo luận trong những ngày viếng thăm gia đình, người thân và bạn bè. Cái âm điệu ảm đạm tối tăm là để gây sốc và khích động ý thức và lương tâm của người đọc trở lại với thực tế khó chịu ở Bắc Việt vào thời đó. Có thể cũng chính vì những yếu tố trên nên chỉ vài ngày sau Tết thì tập Giai Phẩm Mùa Xuân bị tịch thu, không cho tiếp tục phổ biến. Sự kiện này đánh dấu khởi đầu của việc gây đàn áp đối những người khởi xướng tập Giai Phẩm. Điền hình là việc Trần Dần bị kết tội chống phá cách mạng và bị giam 3 tháng tại nhà tù Hỏa Lò. Sự đàn áp kéo dài mãi đến cuối tháng 8, 1956. Câu hỏi thú vị ở đây là vì sao chính quyền quyết định đàn áp và cấm nhóm khởi xướng tập Giai Phẩm xuất bản trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 8, 1956?
Lý do quan trọng nhất là hiệu ứng gợn sóng tạo nên bởi bài diễn văn mật của Khrushchev tại đại hội đảng lần thứ 20 của Đảng Cộng Sản Liên Xô, ngày 25 tháng 2, 1956. Bài diễn văn đả phá tệ nạn sùng bái cá nhân và kêu gọi nới lỏng tự do trực tiếp tạo thành mối lo sợ cho giới lãnh đạo của đảng và chính quyền Hà Nội, đặc biệt đối với hình tượng Hồ Chí Minh. Phản ứng tự nhiên của giới lãnh đạo là cấm các tác phẩm có nội dung như trong Giai Phẩm Mùa Xuân cũng như kiểm soát các thông tin về những sự việc liên quan đến bài diễn văn của Khrushchev. Hai lý do khác có tác động đến những quyết định của chính quyền miền Bắc là việc kết thúc chiến dịch cải cách ruộng đất và việc chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử vào ngày 20 tháng 7, 1956, như ấn định trong điều lệ của Hiệp Định Geneve. Vì lo ngại và không biết nên phải làm thế nào với đường hướng mới từ Moscow, cũng như không muốn những thông tin xấu về tình hình ở miền Bắc được loan truyền làm ảnh hưởng đến cuộc tổng tuyển cử, lãnh đạo chính quyền đã tiếp tục kìm chế và kiểm soát trong khi họ đợi những phản ứng thiết thực từ Liên Xô và Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (Trung Quốc). Giai Phẩm Mùa Xuân bị vùi dập trong sự chờ đợi này.
Tháng 4, Liên Xô phái Anastas Mikoyan, một trong những nhân vật chủ chốt trong việc đả phá Stalin, sang Trung Quốc và Việt Nam để giới thiệu đường lối mới của Liên Xô. Tháng 5 tình hình bắt đầu thay đổi theo hướng có lợi hơn cho giới trí thức khi Mao Trạch Đông đọc bài diễn văn hô hào chiến dịch “Trăm hoa đua nở, Trăm nhà đua tiếng” nhằm phần nào đáp ứng đường lối từ Moscow, nhưng quan trọng hơn là để đạt được hai nhiệm vụ. Thứ nhất là để khôi phục Đảng Cộng Sản Trung Hoa bằng cách tập trung chú trọng và khuyến khích giới trí thức khoa học để cải thiện các điều kiện công nghệ và kinh tế của Trung Quốc. Thứ nhì là để phân biệt và loại bỏ những nhân vật bất đồng quan điểm với mình ra khỏi đảng.
Bài nói chuyện của Mao không được đăng tải nhưng được Lục Định Nhất, bộ trưởng tuyên truyền Trung Quốc, phân tích trong một bài diễn văn được loan truyền trên tờ Nhân Dân Nhật Báo ra ngày 13 tháng 6, 1956. Qua đó giới trí thức miền Bắc tìm đọc bài diễn văn của Lục Định Nhất và bắt đầu cổ vũ phong trào “Trâm hoa đua nở, trăm nhà đưa tiếng.” Điển hình là việc giáo sư Trần Đức Thảo— người sau này góp phần khá quan trọng trong phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm với loạt bài đả kích sự lạm quyền của đảng và kêu gọi mở rộng dân chủ–nhờ người dịch bài phát biểu của Lục Định Nhất để in trong tạp chí của Đại Học Hà Nội. Hoặc việc Trương Tửu trích lời của Lục Định Nhất trong bài “Văn Nghệ và Chính Trị” đăng trong Giai Phẩm Mùa Thu, tập III, in vào cuối tháng 10, 1956.
Chính quyền Hà Nội cũng từ đó nới lỏng kìm kẹp và tạo điều kiện cho việc xuất bản. Nhóm khởi xướng tập Giai Phẩm và nhà xuất bản Minh Đức tái xuất hiện với Giai Phẩm Mùa Thu, tập I, vào ngày 29 tháng 8, 1956, 6 tháng sau khi tập Giai Phẩm Mùa Xuân bị tịch thu và cấm lưu hành. Cũng giữ nguyên khổ 16x24cm, tập này có tổng cộng 64 trang và bán với giá 1,500 đồng một tập. Số văn nghệ sĩ đóng góp bài viết gồm có Nguyễn Bính, Hoàng Cầm, Trần Duy, Quang Dũng, Phan Khôi, Hữu Loan, Trần Lê Văn, Phác Văn, Huy Phương, Lê Dại Thanh, và Hoàng Yến. Họa sĩ Sỹ Ngọc phát họa bức vẽ của hình bìa. Nỗi trội nhất là bài “Phê Bình Lãnh Đạo Văn Nghệ” của Phan Khôi. Khác với tập đầu, Giai Phẩm Mùa Thu có một khung riêng thông báo rằng tập Giai Phẩm Mùa Thu sẽ ra thành nhiều tập và liệt kê tên những văn nghệ sĩ và trí thức sẽ góp phần. Danh sách gồm có Đào Duy Anh, Tạ Thúc Bình, Hoàng Cầm, Trần Công, Quang Dũng, Trần Duy, Việt Dung, Hoàng Đạo, Thu Ha, Phan Khôi, Nguyễn Viết Lãm, Hữu Loan, Hồng Lực, Hoàng Tố Nguyên, Chu Ngọc, Sỹ Ngọc, Nguyễn Tư Nghiêm, Huy Phương, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Trương Tửu, Nguyễn Văn Tý, Lê Đại Thanh, Trần Lê Văn, Phác Văn, Tô Vũ, Phan Vũ, Hoàng Yến, và một số nhà văn mới.
Sau tập I Giai Phẩm Mùa Thu, ngày 30 tháng 9, 1956, Minh Đức xuất bản Giai Phẩm Mùa Thu, tập II, gồm có 72 trang ruột và sự góp phần của Hoàng Cầm, Trần Duy, Trần Công, Trần Duy, Quang Dũng, Hoàng Huế, Phan Khôi, Hồng Lực, Hữu Loan, Sỹ Ngọc, Bùi Xuân Phái, Phùng Quán, Trương Tửu, Lê Đại Thanh, Tô Vũ, and Trần Lê Văn. Hình bìa do Sỹ Ngọc trình bày. Số bài tiêu biểu trong tập này là bài “Bệnh Sùng Bái Cá Nhân Trong Giới Lãnh Đạo Văn Nghệ” của Trương Tửu và bài “Ông Bình Vôi” của Phan Khôi. Tập này cũng có một thông báo ghi thêm tên của một số người sẽ đóng góp bài. Danh sách gồm có Nguyễn Bính, Trần Dần, Nguyễn Hữu Đang, Hoàng Huế, Trúc Lâm, Lương Xuân Nhị, Tử Phác, Phùng Quán, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Hoàng Thao, Quế Lâm.
Đáng chú ý là vào ngày 8 tháng 10, 1956, nhóm Nhân Văn-Giai Phẩm và nhà xuất bản Minh Đức tái xuất bản tập Giai Phẩm Mùa Xuân, tập Giai Phẩm ra mắt đầu tiên bị tịch thu vào đầu năm 1956. Sự khác biệt lớn giữa tập đầu và tập tái bản là việc nhà xuất bản đã thay đổi trọn vẹn lời nói đầu của tập xuất bản vào tháng 2 và thay thế nó với đoạn văn sau: “Tập ‘Giai Phẩm Mùa Xuân’ xuất bản đầu năm nay không kịp đến tay bạn đọc—Từ đó đến nay, những sự kiện về phong trào tự do tư tưởng, tư do sáng tác đã dồn dập xảy ra chung quanh tập sách đó. Theo ý chúng tôi, vấn đề chính cần thảo luận hiện nay là vấn đề tự do sáng tác, trong đó có những câu hỏi cần nêu lên: Quyền hạn người làm văn nghệ được biểu hiện thực tế đến mức độ nào? Người làm văn nghệ cần trung thành với thực tế như thế nào? Trách nhiệm của người làm văn nghệ trước Đảng, trước nhân dân thế nào? Văn nghệ phục vụ chính trị ra sao? Chúng tôi tin chắc rằng rồi đây, các bạn văn nghệ sĩ và những người quan tâm nghiên cứu các vấn đề của văn học nghệ thuật sẽ thảo luận để thống nhất với nhau về đường lối, đồng thời sẽ nảy ra nhiều quan niệm, nhiều phương pháp sáng tác khác nhau, đẩy mạnh phong trào trăm hoa đua nở. Vì lẽ đó, chúng tôi cho in lại tập sáng tác này, để các bạn đọc cùng nghiên cứu góp phần xây dựng cho phong trào.”
Đây là một thay đổi lớn so với lời nói đầu của ấn bản đầu, đánh dấu sự thay đổi về thái độ của nhóm Nhân Văn-Giai Phẩm đối với việc đòi hỏi tự đo trong sáng tác. Không còn mịt mờ che giấu, nhóm nêu rõ những vấn đề cần thảo luận và cần giải quyết. Họ dựa vào cái đà của phong trào nới lỏng tự do khởi đầu từ Liên Xô để gây ảnh hưởng và định hướng quan điểm của công chúng về những vấn đề họ đưa ra, với hy vọng những yêu cầu và lo ngại về tự do dân chủ sẽ được giới lãnh đạo chính quyền quan tâm và đáp lại.
Ngày 30 tháng 10, 1956, Minh Đức xuất bản Giai Phẩm Mùa Thu, tập III. Với tổng cộng 68 trang, tập III được in thành 3,200 bản được và bán với giá 1,500 đồng một bản. Số người góp phần trong tập này gồm có Đào Duy Anh, Bùi Quang Đoài, Mai Hạnh, Phan Khôi, Chu Ngọc, Phùng Quán, Trương Tửu, và Nguyễn Mạnh Tường. Hình bìa cũng vẫn do Sỹ Ngọc thiết kế. Khác với các tập trước, số thông báo trong tập này lên đến 3. Thông báo thứ nhất giới thiệu Giai Phẩm Mùa Thu số IV với những sự góp phần từ Hoàng Cầm, Trần Công, Trần Duy, Nguyễn Dậu, Nguyễn Hữu Đang, Hữu Loan, Sỹ Ngọc, Tử Phác, Trần Đức Thảo, Trương Tửu, Trần Lê Văn. Thông báo thứ nhì mời độc giả đón đọc tác phẩm Đất Mới, tập I: Chuyện Sinh Viên. Thông báo thứ ba mời người đọc đón đọc tác phẩm Tự do Diễn đàn: Nghị luận – Sáng tác -Phê bình, tập I.
Tuy nhiên, thay vì xuất bản tập IV trong loạt Giai Phẩm Mùa Thu như đã dự định, Minh Đức đã đổi tên và cho ra tập Giai Phẩm Mùa Đông, tập I vào ngày 28 tháng 11, 1956. Tập này gồm có 72 trang ruột, được in tổng cộng 3,100 số và cũng bán với giá 1,500 đồng. Số người góp phần gồm có Hoàng Cầm, Trần Duy, Trần Công, Trần Duy, Quang Dũng, Hoàng Huế, Phan Khôi, Hồng Lực, Hữu Loan, Sỹ Ngọc, Bùi Xuân Phái, Phùng Quán, Trương Tửu, Lê Đại Thanh, Tô Vũ, và Trần Lê Văn. Những bài nỗi bật đề cập thẳng về vấn đề tự do là bài “Tự do tư tưởng của văn nghệ sĩ và sự lãnh đạo của Đảng CS Bôn-Sê-Vích” cửa Trương Tửu và bài “Nội dung xã hội và hình thức tự do” của Trần Đức Thảo. Ngoài ra, tập Mùa Đông còn đăng hai khung quảng cáo tiểu thuyết Vỡ Đê của nhà văn Vũ Trọng Phụng. Giai Phẩm Mùa Đông, tập I là tập cuối với tựa là Giai Phẩm. Tổng cộng Giai Phẩm ra mắt 5 tập cộng với một tập tái bản.
Trong khi Giai Phẩm ra mắt tập đầu vào đầu năm 1956 thì mãi đến ngày 20 tháng 9, 1956 số thứ nhất của báo Nhân Văn mới xuất bản. Nhân Văn được Nguyễn Hữu Đang khởi xướng với Phan Khôi nắm vai trò chủ nhiệm và Trần Duy làm thư ký tòa soạn. Mỗi tờ Nhân Văn gồm tổng cộng 6 trang, in theo khổ 38x55cm và bán với giá 300 đồng một tờ. Số đầu của Nhân Văn được xuất bản với tổng số 2,000 bản. Số 2 xuất bản vào ngày 30 tháng 9 với 6,000 bản, số 3 xuất bảo vào ngày 15 tháng 10 với 7,000 bản, số 4 xuất bản ngày 5 tháng 11 với 12,000 bản, và số 5 xuất bản ngày 20 tháng 11 với khoảng 20,000 bản.
Tuy xuất bản dưới dạng một tờ báo nhưng mục tiêu chính của Nhân Văn không phải để đưa tin. Ngược lại những bài viết trong Nhân Văn thường là những tiểu luận, những câu chuyện, những bài thơ, và những bài phỏng vấn với nội dung phê bình đường lối của đảng và chính quyền, đặc biệt về khía cạnh tự do dân chủ. Các tiêu đề điển hình trong các số Nhân Văn gồm có: “Chúng tôi phỏng vấn [luật sư Nguyễn Mạnh Tường và nhà sử học Đào Duy Anh] về vấn đề mở rộng tự do và dân chủ,” “Tiến tới xét lại một vụ án văn học: con người Trần Dần,” “Chống bè phái trong văn nghệ,” “Phấn đấu cho trăm hoa đua nở,” “Nỗ lực phát triển tự do dân chủ,” “Thành thật đấu tranh cho tự do dân chủ,” “Con ngựa già của chúa Trịnh,” “Bài học Ba-Lan và Hung-Ga-Ri,” “Hiến pháp Việt Nam 1946 và hiến pháp Trung Hoa bảo đảm tự do dân chủ thế nào,” “Không có lý gì mà không tán thành trăm hoa đua nở”.
Ngoài năm số đầu trong thời gian hai tháng từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 11, Nhân Văn cũng có chuẩn bị xuất bản số thứ 6, nhưng trước khi số này được in và phát hành thì đã bị đình bản và hủy. Kể từ đó Nhân Văn và Giai Phẩm trong phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm đều được xem như đã bị đóng cửa hẳn và cấm xuất bản. Có vài lý do ảnh hưởng quyết định đình bản hai tác phẩm này. Thứ nhất là thông tin được loan truyền về các cuộc nổi dậy ở Ba Lan vào mùa hè và ở Hungary vào đầu tháng 11, 1956 làm cho giới lãnh đạo chính quyền ở Hà Nội trở nên lo ngại về khả năng của những sự việc tương tự có thể xảy ra tại Việt Nam. Mối lo ngại này trở nên nghiêm trọng hơn khi những sai trái và đàn áp trong cải cách ruộng đất đã đưa đến tình trạng đồng bào ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, phải nổi dậy biểu tình chống chính quyền trong những ngày từ 11-14 tháng 11, 1956.
Hai sự kiện này đã trở nên mối lo ngại lớn nhất của chính quyền Hà Nội lúc bấy giờ. Vì lẽ đó nên việc đảng và chính quyền cần phải làm nhất để kìm hãm những sự việc tương tự có thể xảy ra là kiểm soát và cấm hết tất cả những thông tin và tác phẩm mang tính cách phê phán và chỉ trích chính quyền. Trong bối cảnh chính trị đó thì không thể nào Nhân Văn và Giai Phẩm được phép tiếp tục xuất bản. Đặc biệt là với Nhân Văn, vì khác với tạp chí Giai Phẩm, Nhân Văn có số lượng người đọc lớn hơn và vì vậy nên có tầm ảnh hưởng rộng hơn so với các tập Giai Phẩm. Ngoài ra, Nhân Văn đã va chạm trực tiếp đến sự lo ngại của chính quyền Hà Nội trong giai đoạn nhạy cảm này khi cho đăng một bài vào ngày 20 tháng 11 về những bài học có thể rút ra từ những cuộc nổi dậy ở Ba Lan và Hungary. Lý do Nhân Văn số 6 bị cấm trước khi được in và ra mắt độc giả có thể vì một thông báo nhỏ ở Nhân Văn số 5, khi hứa “sẽ đăng nhiều tài liệu quan trọng về Ba Lan” trong Nhân Văn số 6.
Trong bối cảnh rối bời cuối năm 1956 thì không thể nào chính quyền Hà Nội có thể cho Nhân Văn và Giai Phẩm tiếp tục tồn tại và lưu hành. Hậu quả trực tiếp là việc đình bản và cấm, nhưng kể từ đó thì đa số các nhân sự liên quan đến Nhân Văn-Giai Phẩm đều bị truy nã, quấy nhiễu, và giam cầm. Nhưng có phải Giai Phẩm Mùa Đông và Nhân Văn số 5 là hai tác phẩm cuối cùng được nhóm Nhân Văn-Giai Phẩm trực tiếp xuất bản? Thông báo trong Nhân Văn số 5 và nhiều sử liệu cho biết là Nhân Văn số 6 đã được chuẩn bị xuất bản nhưng bị cấm hoàn toàn. Vậy còn Giai Phẩm thì thế nào sau tập Giai Phẩm Mùa Đông và điều gì xảy ra đối với tờ Nhân Văn?
Đọc kỹ Giai Phẩm Mùa Đông, xuất bản ngày 28 tháng 11, tập cuối cùng lấy tên Giai Phẩm, sẽ thấy ở trang 21 có một thông báo đầy thú vị. Thông báo với giòng chữ: “Đón đọc: Giai Phẩm Mùa Xuân 1957, phụ bản thiếu nữ đi sắm Tết của Lương Xuân Nhị, tranh bìa Tết của Sỹ Ngọc, Minh Đức Xuất Bản.” Thông tin này cho thấy trường hợp giống tờ Nhân Văn số 6, nhóm Nhân Văn-Giai Phẩm đã có chuẩn bị một tập cho dịp xuân Đinh Dậu, 1957. Nhưng có lẽ sau vụ đình bản tờ Nhân Văn thì tập Giai Phẩm Mùa Xuân 1957 cũng bị ảnh hưởng tương tự và vì vậy cho đến nay không nhiều người nhắc đến và cũng không có sử liệu nào cho thấy có một tập gọi “Giai Phẩm Mùa Xuân 1957”.
Tuy nhiên điều đó không có nghĩa nhóm Nhân Văn-Giai Phẩm đã lập tức ngưng hoạt động ngay sau lệnh cấm xuất bản. Tìm mò sử liệu ở Thư Viện Quốc Gia và Trung Tâm Lưu Trữ tại Hà Nội cho thấy vào khoảng tháng 1 năm 1957, Minh Đức có xuất bản một đặc san Tết với tựa đề Sách Tết 1957. Vậy Sách Tết 1957 có liên quan gì với nhóm Nhân Văn-Giai Phẩm, và đặc biệt với tạp chí Giai Phẩm? Trong mục lục tìm sách ở Thư Viện Quốc Gia, năm 2008, tập Sách Tết 1957 được xếp cùng một ký hiệu (J 696) với báo Nhân Văn. Điều này cho thấy rằng trong hiểu biết của người làm thư viện đương thời, Sách Tết 1957 là một tập của báo Nhân Văn hoặc ít nhất là một tập có liên quan và cần phải được phân loại cùng với báo Nhân Văn, tức nhóm Nhân Văn-Giai Phẩm. Rất khó có thể đoán được đây có phải tập Giai Phẩm Mùa Xuân 1957 được chuyển đổi tựa sang thành Sách Tết để tránh bị cấm sau sự cố đình bản hoặc là một tập sách Tết mà nhóm Nhân Văn-Giai Phẩm đã chuẩn cho báo Nhân Văn. Tuy nhiên, với những gì được biết thì Nhân Văn chỉ mới dự định xuất bản Nhân Văn số 6 chứ chưa đề cập đến đề tài Tết. Ngược lại Giai Phẩm Mùa Đông đã giới thiệu với độc giả về Giai Phẩm Mùa Xuân 1957 như là một tập đặc san Tết khi thông báo chủ đề tranh bìa và phụ bản là Tết và thiếu nữ đi sắm Tết.
Xem kỹ tập Sách Tết 1957 thì tranh bìa là một bức tranh rực rỡ sắc màu của Tết với các cô thiếu nữ ăn diện đi sắm Tết, rất giống tiêu đề “thiếu nữ đi sắm Tết” được thông báo ở tập Giai Phẩm Mùa Đông. Xem các bài vở và cách thiết kế hình và chữ trong tập Sách Tết 1957 cho thấy nhiều điểm tương đồng với những tập Giai Phẩm hơn là với các số Nhân Văn. Các tác giả góp phần trong đặc san này hầu hết là những người đã từng tham gia trong các tác phẩm Nhân Văn và Giai Phẩm hoặc sau bị liệt kê có dính dấp với nhóm này. Số tác giả gồm có: Quang Dũng, Trần Lê Văn, Huy Phương, Lệ Đại Thanh, Hoàng Tích Linh, Tô Vũ, Tử Phác, Thanh Châu, Hữu Loan, Lưu Quang Thuận, Trần Công, Trần Dần, Hồng Lực, Trần Thịnh, Trúc Lâm, Tạ Hửu Thiên, Lông Chương, Hoàng Huế, Phan Khôi, Sỹ Ngọc, Cao Nhị, Trần Huyền Trân, Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Khắc Dực, Nguyễn Sáng, Hoàng Lập Ngôn, Hoàng Cầm, N., và một vài tác giả giấu danh dưới bút hiệu “Bút Mới”.
Trang cuối tập Sách Tết 1957 có một khung nhỏ ghi: “Vì tập sách này số trang có hạn nên còn một số bài và tranh để lại, và sẽ đăng trong: Tập Truyện Đầu Năm, bìa của Dương Bích Liên, phụ bản Nguyễn Tư Nghiêm, phát hành trong tháng giêng Đinh Dậu, Minh Đức Xuất Bản.” Tuy nhiên, Tập Truyện Đầu Năm không được xuất bản như dự định. Đoạn thông báo này cùng với tập Sách Tết 1957 tuy không được biết đến nhiều nhưng là hai thông tin sử liệu rất cần thiết để hiểu thêm về phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm. Sự hiện hữu của tập Sách Tết 1957 và dự định sẽ xuất bản thêm nhiều bài trong Tập Truyện Đầu Năm cho thấy tinh thần can trường của nhóm Nhân Văn-Giai Phẩm trước sự đàn áp của chính quyền Hà Nội.
Bài viết này không nhằm mục đích lý giải tất cả sự kiện lịch sử tạo nên phong trào và vấn đề Nhân Văn-Giai Phẩm, vì đó là một công trình lớn cần nhiều thời gian và cố gắng. Nhân dịp xuân Đinh Dậu 2017 tác giả mong được chia sẻ một số thông tin và sự kiện chung về tạp chí Giai Phẩm và báo Nhân Văn. Nhưng đặc biệt hơn là để giới thiệu đặc san Sách Tết 1957, được nhóm Nhân Văn-Giai Phẩm xuất bản sau khi chính quyền Hà Nội đình bản và cấm tờ Nhân Văn và tạp chí Giai Phẩm, hầu để ngày xuân người đọc còn nghĩ đến tinh thần quật cường của những văn nghệ sĩ và trí thức góp phần tạo nên phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm. Nghĩ đến Nhân Văn-Giai Phẩm là nghĩ đến những người đi trước và cái giá họ phải trả để đòi về cái quyền tự do và dân chủ.
Alex-Thái Đ. Võ
Việt Báo, Đinh Dậu 2017