ĐỌC THƠ TRẠCH GẦM (Nguyễn Mạnh Trinh)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Đọc Thơ Trạch Gầm (Nguyễn Mạnh Trinh)

Có một người làm thơ đã cảm khái khi đọc xong tập thơ Trạch Gầm

Thức dậy đi – cõi mộng ta

Cuộc binh lửa chợt vỡ òa nỗi riêng

Dấu giày trận đã trăm miền

Trăng cổ sử vẫn còn nghiêng tháng ngày

Tưởng thời súng khoác trên vai

Mịt mù khói lửa dặm dài bước chân

Mấy chục năm chuyện phù vân

Giở trang thơ chợt tần ngần nỗi xưa…

thi phẩm | Thơ Trạch Gầm

 

Nhà thơ Trạch Gầm trong buổi ra mắt tập thơ “Ráng chịu” tại Thư Viện – Bảo Tàng Viện Việt Nam, 25/10/2009. (Hình: Tuấn Bà Già/ tvbtv.org)

Thơ Trạch Gầm. Là quặng nguyên sinh cuộc sống hôi hổi hơi ấm nhân sinh. Thơ tha thiết bởi những nỗi niềm ấp ủ. Dù rằng, cuộc chiến đã qua mấy chục năm, nhưng trong ký ức, vẫn đầy ắp tâm sự. Trong ngôn ngữ, có hào sảng chiến sĩ. Trong vần điệu tràn dâng chất chứa tấm tình. Một người lính, sống lại thời binh lửa mình. Một người bạn, nhớ về đồng đội cũ, người còn kẻ mất, trong thơ đồng vọng nỗi nhớ thương. Thơ Trạch Gầm, thơ của thời chiến tranh đọc trong thời hậu chiến, như dong tay trở về thời đại cũ, năm tháng xưa. Thời gian đã qua, đã coi như mất biệt trong cuộc sống nhưng vẫn còn hiện hữu trong những người cảm khái giơ û từng trang thơ. Có chút lành lạnh của đất trời len vào trong vần điệu tưởng tượng đến những ngậm ngùi thiên cổ, những giấc mơ của một thời thanh xuân đã tàn phai. Thơ không nuối tiếc nhưng đầy tràn cơn bão nội tâm dằn vặt.

thi phẩm | Thơ Trạch Gầm

“Ráng chịu” – Tập thơ Trạch Gầm.

Không hiểu sao, khi phác họa chân dung người lính, chúng ta hay thường nghĩ đến hình ảnh phảng phất men rượu, của “ bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi/ dục ẩm tì bà mã thượng thôi/ túy ngọa sa trường quân mạc tiếu/ cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”. Hình ảnh của Vương Hàn trong Lương Châu Từ đã thành một phiên bản chung. Nhưng ở thơ Trạch Gầm, men cay chỉ là một chất xúc tác, để nhắc về, và nhớ tới kỷ niệm. Không văn hoa, thơ rượu vẫn có âm vang của đời sống thực. Người lính đâu có muốn đóng vai kép độc anh hùng. Họ là một người bình thường trong cuộc chiến, yêu đồng đội coi đơn vị như mái ấm gia đình mình. Và vì thế họ chiến đấu dưới cờ, và mãi đến mấy chục năm sau vẫn còn tình còn nghĩa, như mấy câu thơ của “Nỗi nhớ vẫn y sì”:

Uống đi mày cứ làm thêm vài chén

Nhớ đừng say còn nghĩ đến Anh Em

Những thằng bạn của một thời chinh chiến

Đổi mạng mình… để lấy sự bình yên

Rượu mừng xuân , lưu vong.. mùi cũng lạ

Thiếu nụ cười đến ngơ ngác, ngác ngơ

Đâu có cảnh chụm đầu cười ha hả

Trong gian nguy mặc sống chết đợi chờ…

Rượu, có khi dành cho người vắng mặt, cho những kỷ niệm quá khứ đã xa. Ngồi một mình, úp một ly. Cho đồi Tăng Nhân Phú. Cho đồi Miền Đông đất đỏ. Cho ba cô gái gọi là Tam Nương Phú Lợi. Cho vùng ngoài Biên Giới. Cho Bình Long rực lửa. Và kết cuộc một cơn say

Úp một ly.. sao còn một ly ngửa

Phần của mày .. không đợi nổi ngày vui

Chuyện thường thôi, chuyện rất thường mày hở

Biết thế nhưng tao cứ vẫn ngậm ngùi,

Thơ tự nhiên, không màu mè son phấn. Thơ luận sự đời trong men cay, hào sảng, giang hồ. Sao trong cuộc đời này có nhiều hào sĩ. Nguyễn Bắc Sơn, Vũ hữu Định,Trạch Gầm.. Và bây giờ, có lý gì đâu quá khứ tương lai. Hiện tại phút này là nâng ly khề khà kim cổ sự…

Những địa danh, trong thơ Trạch Gầm, như những vòng nôi tưởng nhớ. Nhựng trận đánh không quên , những bạn bè anh em nằm xuống, những kỷ niệm của máu và nước mắt của một thời binh lửa. Những tên tuổi, tên vùng, tên đất , tên người , mỗi khi nhắc lại, là một nhói đau, là một bồi hồi không dứt

Tao với mầy đạp chân qua bao bến

Bến Nẩy , Bến Mương, Bến Dược, Bến Đình

Đất Củ Chi nầy… mỗi lần nhắc đến

Đã đến rồi… thằng nào lại nỡ quên

Dân đánh đấm bọn mình thường lắm bạn

Địa danh nào chẳng có đứa đâu lưng

Có lắm lúc khề khà trong lửa đạn

Lại lắm khi ngồi cạn chén rưng rưng

Vào Trung Lập lại nhớ thằng Đỗ Bảy

Địa phương quân mà mun quá là mun

Vào cõi chết ỉ ôi cùng chia chết

Cầm súng lên rồi… trời đất bằng vung

Vào Tầm Lanh lại nhớ thằng Cương Địa

Bắt tay cười Võ Trường Toản ngày xưa

Mầy mò tới đâu thì tao tới đó

Dân Trinh Sát mà – bảo sợ – còn khuya

Vào dinh quận gặp thằng Ngôn Quân Báo

Mở bản đồ tìm điểm tối ăn sương

Gót Chảng, Hố Bò, Bầu Đưng, Thái Mỹ

Kéo trăng hạ tuần làm đuốc soi đêm

Gọi tên bọn mầy nhớ ơi là nhớ

Mỗi một địa danh… ấp lẫm ngậm ngùi,

Người lính Trạch Gầm cũng có vài ba mối tình, cũng có lúc “khi lính đã yêu rừng tàn núi lở”. Nhưng , từ cổ chí kim ,tôi chưa thấy ai “mày tao” với người tình như ông thi sĩ lính này. Tuy xưng hô mộc mạc như thế nhưng tràn đầy tình nghĩa.

Ừ gặp mày lòng tao vui thật đó

Mày có bề gì tao mất người thương

Mày đã cắp của tao từng nỗi nhớ

Như sao trời ăn cắp những giọt sương

Tao ở tù lâu, mày lấy chồng cũng phải

Tao ra tù… mày bán máu… đãi tao

Miếng bông băng trên khủy tay run rẩy

Tao khóc đã đời… mày hiểu tại sao

Ngày tao tha phương mày bỏ đi mất

Tao cô đơn như con sói lạc bầy

Tao mất quê hương lòng đau như cắt

Mày buồn hơn tao, phải vậy không mày?

Tao còn sống là tao còn vẫn nhớ

Ắt hẳn là.. mày cũng vậy phải không?

Là độc giả , tôi có cảm tưởng rằng Trạch Gầm đã có một tri âm tri kỳ chứ không chỉ giản đơn là có một người thương , một người tình. Dù chuyện kết không vui, nhưng cuộc tình đó có phải là một chứng tích rõ ràng của một thời kỳ tao loạn Việt Nam?

Là người lính, ai mà chẳng có lúc xài giấy” năm trăm” hay” một ngàn” trong ngôn ngữ khi lòng nổi cơn tức giận. Trạch Gầm cũng thế, trút nỗi thịnh nộ lên những tên Cộng sản bán biển dâng đất cho Tàu cho đế quốc Bắc Phương. Có người cho rằng mang tiếng chửi vào văn chương sẽ làm hạ thấp giá trị của nó. Nhưng tôi không nghĩ vậy ở trường hợp này. Là một người đã mang dòng máu Việt Nam thì không thể nào không phẫn nộ với loài bán nước. Cái xúc động của một người đã mang áo lính với tiếng chửi thề biểu tượng cho tình yêu nước nồng nàn của một chiến sĩ bộc trực. Tâm trạng ấy dễ dàng chia sẻ với những người cùng suy tư cùng yêu dân tộc yêu đất nước:

Đụ má cho tao chửi mày một tiếng

Đất của Ông Cha sao mày cắt cho Tàu

Ngậm phải củ gì mà mày cứng miệng

Đảng của mày, chết mẹ, Đảng tào lao

Chế độ mầy vài triệu tay cầm súng

Cầm súng làm gì… chẳng lẽ hiếp dân

Tao không tin lính lại hèn đến thế

Tao rụng rời… trước tai ách ngoại xâm

Mầy vỗ ngực – Anh hùng đầy trước ngõ

Sao cứ luồn cứ cúi cứ van xin

“Môi liền răng” à thì ra vậy đó

nó cạp mầy, mầy thin thít lặng thinh

Ông Cha mình bốn ngàn năm dựng nước

Một ngàn năm đánh tan tác giặc Tàu

Thân phận mầy cũng là Lê, là Nguyễn

Hà cớ già mầy hèn đến thế sao

Chuyện mày làm Toàn Dân đau như thiến

Mầy chết rồi tao nghĩ chẳng đất chôn

Hãy tỉnh lại ôm linh hồn sông núi

Cứ đà này… chết tiệt còn sướng hơn…

Thơ tự nhiên bằng ngôn ngữ đời thường và biểu hiện được tâm tư một cách chân thực. Không bóng gió, lời thơ mạnh mẽ quất thẳng vào đối tượng như những quả đấm chính nghĩa ngàn cân.

Là người tù sau ngày bại trận, tuy cam chịu số phận nhưng vẫn ngang tàng không đánh mất tư cách chính mình. Ở Hoàng Liên Sơn, vẫn ngất ngưởng tâm tư , vẫn thơ vút cao lên trên thân phận. Thơ như một xác định chỗ đứng:

Lội suối băng rừng bao ngày mài miệt

Có mỗi quê hương ta đánh mất rồi

Nghe lời nhọc nhằn ta buông tay súng

Đứng giữa quê Cha ta khóc đã đời

Bây giờ nơi đây đất trời mù mịt

Ta tròng vào ta trăm tội vô duyên

Ngươi lải nhải đi- giáo điều mù tịt

Ta vẫn là ta… nỗi nhớ triền miên

Ta “kể” tội ra ta cười muốn chết

Ngươi như thất thần có phải vậy không?

Đúng là ta mà , ta dân Thám Kích

Đã từng rượt ngươi mờ mịt núi sông

Ta chỉ buồn ta , ta là dân Việt

Hoàng Liên Sơn này đáng lẽ của ta

Ngươi nói trăm điều: một điều không biết

Ngươi là thá gì mà… cải tạo Ta?

Những câu thơ, rồi những bài thơ, in đậm nét trong tôi những ấn tượng. Chia sẽ, có. Cảm xúc, có. Tôi hình tượng ra con đường mà thế hệ chúng tôi đã đi. Làm lính, làm người tù binh, làm người lưu lạc tha phương, chúng tôi hình như cùng nhau một mẫu số chung của dân tộc ,của đất nước. Có khi chúng tôi mượn thi ca để nói lên nỗi niềm của riêng mình nhưng là đồng vọng của số đông cùng cảnh ngộ. Thơ có khi là một cách thế để sống còn, để qua đi những cơn bão giông thời thế. Tô Thức ngày xưa trong Nam Hành Tiền Tập Tự đã từng ví von rằng ông chỉ viết khi có những điều chất chứa trong tim trong óc nếu không viết ra như một giải tỏa tâm linh thì không thể nào chịu nổi. Không biết tôi có nghĩ quá không khi cũng cho rằng thơ của Trạch Gầm , lời của Trạch Gầm. Thậm chí cả đến những tiếng chửi thề bộc trực trong diễn tả, cũng là kết quả của những điều tâm sự chất chứa trong tâm trong óc đến nỗi nếu không làm thơ viết ra thì cũng không thể chịu đựng nổi…

Nguyễn Mạnh Trinh