ĐỊA DANH NƯỚC VIỆT: TRUÔNG NHÀ HỒ, PHÁ TAM GIANG (Brian Vũ)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

May be an image of nature

Khu vực Truông Nhà Hồ

May be an image of tree, monument and outdoors

Khu vực Truông Nhà Hồ

May be an image of sky, grass, tree, road and nature

Cầu Chấp Lễ, khu vực truông nhà Hồ xưa

Lâu nay, mỗi khi ngợi ca những mối tình lứa đôi thủy chung trong sáng của những người yêu nhau tha thiết và chân thành, người ta thường hay liên tưởng ngay đến những câu đại loại như “Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua”.
Nói thì nói vậy khi “cao hứng” bởi “Sông” với “Đèo” là những thước đo lòng người và có thể vượt qua được; nhưng cũng có những thứ chướng ngại vật địa lý thiên nhiên có thật và cũng vô cùng gian nguy, hiểm trở khó vượt qua để hai người yêu nhau không thể đến được với nhau. Từ đó, trong dân gian mới có những lời thở than buồn bã:
“Yêu em anh cũng muốn vô
Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang”.
Câu ca trên nêu lên hai địa danh mà cũng là hai chướng ngại vật địa lý tự nhiên mà người xưa rất e ngại; đó là: Phá Tam Giang và Truông Nhà Hồ. Vậy hai địa danh nói trên có gì ghê gớm mà người đời phải đặt thành ca dao và vẫn còn lưu truyền lại cho hậu thế đến tận ngày nay ? (Brian Vu)
Đầm phá ven bờ biển (tiếng Anh: coastal lagoon) là một loại hình thủy vực ven bờ, nước lợ, mặn hoặc siêu mặn, thường có hình dáng kéo dài, được ngăn cách với biển bởi hệ thống đê cát dạng cồn đụn và có cửa (inlet) thông với biển. Đầm phá ven bờ (coastal lagoons) khác với các vụng biển (lagoon) nằm giữa các rạn san hô vòng ngoài khơi.
Đầm phá có thể có một hoặc nhiều cửa biển, đóng mở thường xuyên hoặc định kỳ về mùa mưa lũ, có khi trên mặt đất thì đóng kín nhưng nước đầm vẫn luân lưu với nước biển phía ngoài nhờ thẩm thấu qua thân đê cát chắn. Đầm phá ven bờ có mặt ở nhiều nơi trên trái đất, chiếm khoảng 13% chiều dài đường bờ đại dương thế giới.
Theo hình thái – động lực, đầm phá ven bờ được phân thành 4 kiểu – đầm phá dạng cửa sông (estuarine lagoon), dạng mở (open lagoon), dạng kín từng phần (partly closed lagoon) và dạng kín (closed lagoon).
Theo tư liệu từ một số đề tài khoa học nghiên cứu về đầm phá thì phá Tam Giang nằm trong hệ thống đầm phá Tam Giang – Cầu Hai. Diện tích phá Tam Giang khoảng 52 km², trải dài khoảng 24 km theo hướng tây tây bắc-đông đông nam từ cửa sông Ô Lâu đến cửa sông Hương, thuộc địa phận của thành phố Huế và hai huyện Phong Điền, Quảng Điền thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế. Phá Tam Giang là một phá lớn của Việt Nam, chiếm khoảng 11% diện tích đầm phá ven bờ của cả nước.
Độ sâu của phá này từ 2–4 m, có nơi sâu tới 7 m. Hàng năm khai thác trên vùng đầm phá hàng nghìn tấn hải sản, cá, tôm các loại. Hiện nay có kế hoạch nghiên cứu đầu tư xây dựng cầu qua Phá Tam Giang để có điều kiện phát triển kinh tế và du lịch tại vùng này.
Phá Tam Giang chiếm khoảng trên 50% diện tích đầm phá Việt Nam. Phá Tam Giang là nơi giao điểm của các con sông, cửa ra biển hẹp nên có nhiều vùng nước xoáy, sóng to gió lớn dễ gây lật thuyền nên thuyền bè không dám qua lại.
Tương truyền, phá Tam Giang có sóng thần, mỗi khi tàu thuyền qua đây thường bị đánh chìm nên nhiều người rất lo lắng:
“Phá Tam Giang chắn ngay nẻo nhớ
Truông nhà Hồ làm khổ lòng nhau
Cho nên xin hẹn kiếp sau
Đổ truông Nhà Hồ, đập phá Tam Giang”.
“Truông” – theo đúng nghĩa là để chỉ một vùng đất hoang vu, có nhiều cây cỏ rậm rạp, um tùm, chưa được khai phá.
Riêng địa danh truông Nhà Hồ có lẽ ít ai biết đến mà chỉ biết nhiều đến thành Nhà Hồ. Đó là một thành đá được Hồ Quý Ly cho xây dựng năm 1397 trên khu đất rộng gần 1km2 nằm giáp ranh giữa các xã Vĩnh Yên, Vĩnh Tiến, Vĩnh Long thuộc huyện Vĩnh Lộc.
Theo sử sách để lại thì phải mất 3 năm nhà Hồ mới xây dựng xong thành. Trải qua hơn 600 năm, Thành nhà Hồ vẫn còn khá nguyên vẹn và vẫn còn là một bí ẩn đối với giới nghiên cứu lịch sử.
Về di tích truông nhà Hồ, theo một số tài liệu văn hóa dân gian miền Trung, thì vị trí truông nhà Hồ nằm ở trục giao thông xuyên quốc gia, đoạn giáp giới giữa xã Vĩnh Chấp (Vĩnh Linh, Quảng Trị) và xã Sen Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình).
Nhưng Truông nhà Hồ có cái gì đáng sợ mà làm cho người ta sợ đến nỗi không dám băng qua để đến với tình yêu như trong câu ca nêu trên? Theo cuốn “Phủ Biên Tạp Lục” của Lê Quý Đôn: “Đường vào Thuận Hóa thì chỉ từ xã Phù Tôn, H.Lệ Thủy đến xã Hồ Xá, H.Minh Linh dọc đường có quán Cát, quán Sen, quán Bụt, quán Hà Cờ, cư dân ở 2 bên, hành khách có chỗ ngủ trọ”.
Theo nhiều cụ cao niên ở thị trấn Hồ Xá kể lại thì nơi đây (thị trấn Hồ Xá) xưa kia có tên là làng Hồ Xá, vốn do một nhánh triều Hồ di dời vào đây lập nghiệp. Cũng theo các cụ cao niên này cắt nghĩa thì so sánh các gia phả tộc họ ở vùng này thì tộc Hồ là một trong số ít những tộc họ thuộc bậc tiền hiền. Ngoài ra, xét về mặt địa lý hiện tại thì khoảng cách làng Hồ Xá cũng khá gần với truông nhà Hồ.
Còn theo tìm hiểu và nghiên cứu của chúng tôi thì truông nhà Hồ không phải xuất phát từ địa danh Hồ Xá hay do người họ Hồ vào lập nghiệp. Bởi cho đến nay, ở đây người họ Hồ còn rất hiếm trong khi các làng như Cao Xá, Đặng Xá, Võ Xá, Lê Xá,… ở gần đó có các họ này rất nhiều. Từ nhà Hồ ngày xưa thật ra là dung để chỉ vùng đất của người tộc Hồ (tức dân Chiêm Thành cũ); chứ không phải của dòng họ Hồ.
Ngày nay, Truông nhà Hồ còn sót lại diện tích khá lớn, là một khu rừng thấp, cây cối um tùm rậm rạp và cũng không có một văn bia hay dấu tích lịch sử nào làm mốc nên ít người biết được đây chính là “Truông nhà Hồ”. Truông nằm trải dài hai bên Quốc Lộ I, thuộc 2 xã Vĩnh Long và Vĩnh Tú (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị). Còn Dốc Sáu Độ chỉ là một con dốc nhỏ, ranh giới giữa thị trấn Hồ Xá với 2 xã trên.
Cũng theo một số người lớn tuổi kể lại, truông nhà Hồ trước đây vốn là một vùng đất rộng mênh mông bạt ngàn, cây cối rậm rạp um tùm. Nơi đây vốn là sào huyệt của một băng cướp rất nguy hiểm và hung dữ, ai đi qua đó cũng thường bị chúng bắt bớ, giết chóc để cướp của đòi tiền mãi lộ. (Brian Vu)
Hiển Tông Hoàng Đế (Chúa Nguyễn Phúc Chu) liền sai quan Nội Tán Nguyễn Khoa Đăng vốn người nổi tiếng thông minh và mưu lược tìm mọi cách để dẹp đám thổ phỉ này cho dân chúng được yên ổn làm ăn. Theo lệnh Hiển Tông Hoàng Đế và cũng hiểu được mối lo sợ của dân chúng, ông tìm cách nghĩ mưu để đánh dẹp đám thổ phỉ này.
Theo kế hoạch, hôm đó ông cho chuẩn bị một đoàn xe chở lúa và hàng hóa qua truông. Ông cho một người lính ngồi sẵn trong thùng xe chở lúa. Khi bị cướp, người lính ngồi trong thùng xe sẽ khéo léo rải lúa ra dọc đường để làm dấu đến sào huyệt của bọn thổ phỉ.
Nhờ có dấu lúa rải này, ông đã lần ra sào huyệt của bọn cướp, và ông đã cho quan quân tràn vào tấn công bắt gọn cả băng cướp hung dữ và độc ác.
Từ đó truông nhà Hồ trở nên yên bình. Ông cũng đã lên tiếng kêu gọi và khuyến khích dân chúng đến định cư và lập các làng chung quanh truông, tạo nên các làng quê trù phú. Từ đó truông nhà Hồ không còn là nỗi ám ảnh sợ hãi của những người khách đi qua vùng này nữa. Thế nên, sau này dân gian mới có hai câu sau:
“Phá Tam Giang ngày rày đã cạn
Truông nhà Hồ, Nội Tán dẹp yên”.
Dẹp xong giặc truông nhà Hồ, quan Nội Tán lại tìm cách trị sóng thần phá Tam Giang. Một mặt ông sai người lặn xuống phá, đào bới mở rộng cửa phá để trừ sóng dữ. Một mặt ông cho loan báo trong dân chúng là quan Nội Tán sẽ cho quân dùng súng thần công bắn sóng thần trừ họa.
Nghe tin ấy ai nấy đều lo lắng và khiếp sợ; họ nghĩ rằng quan Nội Tán dám cả gan xúc phạm và đụng chạm đến thần linh, phen này chắc dân trong vùng sẽ gặp họa lớn.
Mặc mọi người khuyên can, ngăn trở, quan Nội Tán vẫn quyết định thi hành kế hoạch. Đến ngày đã định, Quan Nội Tán Nguyễn Khoa Đăng đem cho quân lính đem súng hướng ra phá Tam Giang và ra lệnh bắn. Những tiếng súng ầm ầm vang vọng cả một vùng biển, khói bốc mù mịt. Những người chứng kiến đều sợ hãi quỳ sụp xuống vái lạy Đất Trời xin tha tội chết.
Nhưng bỗng trên mặt phá, một luồng đỏ như máu từ từ loang ra. Nguyễn Khoa Đăng bảo với mọi người là sóng thần đã bị trúng đạn chết, từ nay không phải lo sợ nữa. Thực ra thì người của ông đã bí mật lặn xuống và rải phẩm đỏ cho tan dần trong nước.
Từ đó sóng thần không còn, thuyền bè qua lại trên phá Tam Giang đều bình an vô sự. Nỗi lo sợ về truông nhà Hồ, phá Tam Giang không còn nữa, nhưng câu hát xưa vẫn còn, nay được chắp thêm hai câu ghi nhớ công ơn của quan Nội Tán Nguyễn Khoa Đăng:
“Phá Tam Giang ngày rày đã cạn
Truông nhà Hồ Nội tán cấm nghiêm”.
Truông nhà Hồ về sau gắn với nhiều sự kiện lịch sử. Giặc Pháp xâm chiếm nước Việt Nam, truông nhà Hồ là trở thành nơi trú ngụ của các nghĩa sĩ Cần Vương đi theo vua Hàm Nghị và Tôn Thất Thuyết chống lại bọn thực dân xâm lược.
Ngày nay, dù đã được đưa mục từ vào tự điển, nhưng chúng ta không tìm thấy nhiều danh từ “truông” trong ca dao, tục ngữ Việt Nam. Ngoài chữ “truông” trong câu ca dao cổ nói trên, ở vùng Bình Định còn có câu: “Chiều chiều én liệng truông Mây/ cảm thương chú Lía bị vây trong thành”.
Truông Mây cũng là một địa danh, thuộc địa phận xóm Ba, thôn Phú Thuận, xã Ân Đức, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định, cách huyện lỵ khoảng 3 km. Hiện nay, tại đây còn có di tích Bờ Luỹ, miếu Mục Đồng và đặc biệt là mộ Ông Lía gắn liền với truyền thuyết dân gian
(Brian Vu)