ĐÊM GIÁNG SINH 1976 TRONG RỪNG KÀTUM (Trần Hữu Sơn)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Sau vụ nổ kho đạn tại sân vận động Long Khánh hồi chiều ngày 23 tháng 6 năm 1976 – một ngày trước ngày bầu cử Thống Nhất Hai miền Nam Bắc – các trại tù nằm chung quanh kho đạn Long Khánh  có hồm thư 7590 N9 T9,  L9 T9….được phân chia đưa đi đến các trại tù khác trên khắp nước.

Bì thơ của người tù trại Long Khánh L9T9            Bì thơ của người tù trại Katum L2T4

 Một số  được đưa ra giam trong các trại tù ở ngoài Bắc, số còn lại vào các trại tù ở miền Trung và miền Nam.

Ngày 12 tháng 7 năm 1976, toán tù bao gồm các sĩ quan biệt phái cấp nhỏ trong đó giáo viên, giáo sư, Nha sĩ, Bác Sĩ, kỹ sư được phân chia đưa đến các trại tù Ka Tum,  phía Tây Bắc tỉnh Tây Ninh, dọc theo biên giới Việt Cao Miên.

Tôi nằm trong toán tù này. Cũng giống như các lần chuyển trại tù trước đây, một số tù nhân đổi đi các trại tù khác,…cho nên nhân số trong các đội như A, B,…được sắp xếp và bổ xung trở lại. ( A tương đương Tiểu đội; B = Trung Đội… )

Lần này, trước khi đi vào trại Ka Tum, tôi được bổ xung vào một toán 10 người, tức là lập thành 1 A mới.

 Bạn Tù

Trong A của chúng tôi có 10 người. Tôi có nhiều kỷ niệm với  các anh sau đây.

Nguyễn Sáu- Giáo sư  Kỹ Thuật tại trung tâm Huấn Nghệ Thủ Đức. Nguyễn Sáu là người Đà Nẵng, tốt nghiệp Giáo Sư Kỹ Thuật Đà Nẵng. Rất trẻ và rất khỏe. To con và rất năng động. Trong suốt thời gian ở trong tù, nhờ lớn con, khỏe mạnh , Sáu giúp rất nhiều anh em trong A trong các công tác nặng.  Vì là độc thân, gia đình ở Đà Nẵng, quá xa, cho nên suốt 2 năm, trong lúc hầu hết các tù cải tạo, ít nhất 1 lần được gia đình thăm nuôi,…thì Nguyễn Sáu vẫn là con mồ côi. Không có thân nhân thăm nuôi. Tuy vậy, Nguyễn Sáu vẫn được anh em trong tù  lấy  thực phẩm  do người nhà đem ra ăn chung.  Nhờ chuyên môn kỹ thuật mình, Nguyễn Sáu đã giúp anh em trong tù rất nhiều trong công việc chế biến các dụng  dùng trong trại. Anh em đi lượm các  thanh sắt, miếng tole, dây kẽm gai về giao cho anh chế biến thành cái lược chải tóc, các thùng đựng nước, các nồi, xoong dùng trong nhà bếp. … Thanh sắt anh Sáu  rèn, mài thành dao đi rừng, chặt cây về làm giường ngủ, chặt mây về đan giỏ….

Tháng 5 năm 1977 anh Nguyễn Sáu được phóng thích. Không biết bây giờ ra sao.

Lược nhom và giỏ mây làm trong trại tù cải tạo Katum.

 Nguyễn Ngọc Tường:  Vừa tốt nghiệp Quân Nha. Mang cấp bực Trung Úy chưa kịp ăn lương đã phải từ giã cô vợ mới cưới chưa đầy 6 tháng, với cái bầu 3 tháng.  Tường người gốc Ban Mê Thuốc, rất đẹp trai và học giỏi. Năm 1968, đậu tù tài II về Sài Gòn  thi đậu vào năm dự Bị Nha Khoa. Sau đó vào quân Nha. Lấy cô vợ cùng lớp, Nha sĩ, tốt nghiệp cùng năm. Đầu năm 1976, thư nhà báo tin cho Tường biết, Tường đã trở thành ” Bố ” của một cậu con trai…   Lúc còn ở trại Tù Long Khánh,  Nguyễn Sáu, Tường và tôi lập thành toán đào giếng  trong khối. Long Khánh vùng đất đỏ, ở độ khá cao so với mặt biển. Mực nước ngầm nằm rất sâu dưới lòng đất. Vào mùa nắng, như cầu nước rất lờn. Nhiều trại không có nước để cho tù cải tạo giặt giũ, tấm rửa. Chỉ còn cách chờ mưa. Riêng trong khối chúng tôi, 3 đứa đứng ra chịu nhận công tác này. Nơi nào cần giềng, 3 đưa đi đào. Khởi đầu bao giờ cũng khó vì chưa có kinh nghiệm. Nhưng đào đôi 3, 4 cái giếng, chúng tôi  gần như học thuộc lòng. Dễ như chơi. Như đã nói, nước ngầm vùng Long Khánh nằm rất sâu trong lòng đất, nên phải đào thật sâu có khi trên 10 m mới chạm được mạch nước. Rồi từ đó đào tiếp cho đến khi mực nước trong giếng lên đến thắt lưng. Cũng có lúc không may khi đào 5, 6 m rồi mà bỗng dưng đụng phải núi đá ngầm lớn, đành phải lấp lại… Nhờ có cái nghề đào giếng, chúng tôi thường được rảnh và tự do hơn là đi làm các công tác khác, …     Khi chuyển trại tù về Ka Tum, cái nghề đào giếng cũng còn ăn khách, nhất là những ngày đầu. Tuy nhiên ở Katum, mực nước ngầm nằm không sâu dưới lòng đất, cho nên, sau đó, trại tù nào cũng có thể tự đào giếng được. Chỉ cần 2, 3 m sâu trong lòng đất là đã đụng mạch nước rồi.  Nhưng rồi chúng tôi lại học được cái nghề mới. Chặt tre.  Cái nghề này cực lắm. Gai tre dâm nát tay chân. Nhất là các buội tre nằm sát các nhánh sống hay vũng nước, thì ở đó có cả hàng trăm con vắt bao quanh. Lội qua vũng nước để trèo lên chặt tre, là sẽ bị hàng chục con vắt chun vào quần áo, hút máu khắp nơi.

Người ta nói  ” Nhất chặt tre, nhì ve gái ” là vậy….. Cuối năm 1977, Tường được trả về và được trở lại nghề, lúc đó làm tại một phòng răng ở khu Thanh Đa- Sài Gòn. Không biết bây giờ đang ở đâu.

Nguyễn Vũ Phấn: Đại úy Bác sĩ. Một người rất chín chắn, đầm tĩnh. Là người lớn tuổi nhất trong A, anh em trẻ khác luôn luôn giúp anh Phấn trong các công tác khó khăn và nặng nhọc, như cưa cây, đốn tre, đào giếng, khiên vác gỗ…Anh Phấn lo ẩm thực…. Ra khỏi tù cải tạo, anh trở lại làm việc ở bệnh viện Nhi Đồng Quận I,  gần khu chợ Bến Thành. Về sau được một đồng nghiệp của anh cho biết anh đã vượt biên và hiện định cư tại Đức.

Trung Úy Quân Y Nguyễn Ngọc Khôi là một chàng trai trẻ tuổi như Nguyễn Sáu và Nguyễn Ngọc Tường. Cũng vừa mới tốt nghiệp Quân Y, còn độc thân. Rất khỏe và rất vui tính. Lúc nào cũng tỏ ra hào hiệp giúp anh em trong A, hay trong B…Mặc dù mới ra trường, theo tôi , anh có khá nhiều kinh nghiệm trong nghề. Chẳng là thế này.  Hồi còn nhỏ, tôi thường đi gài bẫy bắt con Dông ( con cắt ké trên bãi cát ). Ở miền Trung, dông làm hang lỗ trên các cánh đồng cát, đầy cây gai bàn chãi  ( một loại xương rồng ) Khi rượt bắt nó, tôi vấp chân té vào một buội gai bàn chải. Tay tôi bị gai đâm khắp nơi. Mấy đứa bạn tìm cách rút từng cây gai ra. Cũng may, chỉ còn có một cây đâm sâu trong da ở cườm tay phía dưới ngón tay cái bên trái. Nhìn xuyên qua lớp da, có thể thấy cây gai màu đen, rất rõ. Từ ở lứa tuổi 12, 13 cho đến lúc vào tù, cây gai bàn chải vẫn nằm phía dưới lớp da  Nó không làm độc, cũng chẳng đau đớn gì nên tôi cứ để như thế. Một hôm Khôi thấy tay tôi, Khôi hỏi chuyện gì xảy ra. Tôi kể lại. Đụng phải nghề của chàng, Khôi đề nghị để Khôi …lấy ra. Trời đất! Ở đây có gì mà Khôi dám ra tay. Khôi, dưới sự đồng ý của Đại Úy  Bác Sĩ Nguyễn Vũ Phấn, hứa là sẽ giải quyết an toàn cái gai này cho tôi. Khôi nói, chỉ đau một chút thôi. Bằng cách nào? Khôi tĩnh bơ, bằng miếng mẻ chai bén. Khôi lục trong  căn lều của A có một cái chai nhỏ. Khôi đạp ra và chọn một mảnh bén nhọn vừa ý. Nguyễn Vũ Phấn đốt lửa hơ sát trùng miếng mẻ chai. Nguyễn Sáu cầm chặt tay tôi, Tường rạch thật nhanh một lằn nhỏ trên da tay ngay nơi có cây gai. Tôi đau nhói một chút nhưng Khôi đã trấn an. Xong rồi, Sơn. Khôi lấy cây gai ra hồi nào tôi không biết. Khôi rút trong túi ra một cuộn băng nhỏ mà người nhà đã đem cho Khôi khi đi thăm nuôi, cột chặt nơi vết cắt lại. Máu chảy ra một lúc rồi tạm yên. Suốt cả tuần tôi được anh em cho nghỉ ở nhà lo bếp núc. Đốn cây, cưa gỗ, khiên vác,…các anh lo hết. …Tuyệt vời. Cuối năm 1977 Khôi được phóng thích và trở về làm tại bệnh viện Sùng Chính, Chợ Lớn. Hiện giờ không biết ra sao.

Kiến Trúc Sư Trung Úy Hải Quân Đàm Thanh Việt. Là một người rất chín chắn, cẩn thận và rất ,…nghi thức. Lúc nào anh cũng mặc bộ quân phục Hài Quân màu xanh tím nhạt, bỏ áo trong quần, rất chỉnh tề. Rất ít nói, nhưng mỗi lần Việt góp ý ,..mọi người đều tán thành. Đơn vị cuối cùng của Việt là căn cứ Hải Quân Đà Nẵng.  Trong những ngày đầu toán tù vừa được chuyển từ trại tù Long Khánh về Ka Tum, KTS Đàm Thanh Việt đã giúp cho toàn Khối nói chung và cho A chúng tôi rất nhiều. Người tù Đàm Thanh Việt đã tận dụng khả năng chuyên môn của mình về mặt kiến trúc cũng như về điêu khắc, đã giữ vai trò chính trong việc xây cất nơi cứ trú cho các tù cải tạo. Anh đã vẽ thành sơ đồ các xây các trại. Anh tính số lương gỗ, kích thức. Cách đục đẻo trụ, đòn giông, rui, mè, và cách đánh tranh.  Các toàn đốn cây, đốn theo kích thước mà anh đã tính toán; các đơn vị đia cắt tranh theo số lượng anh cần; các toán ở nhà đục đẽo, phơi tranh, chẻ tre làm đánh tranh,… Rồi toán dựng nhà xây trại….Nhờ anh, cả doanh trại lớn của đơn vị L2 T4 , chỉ trong vòng nửa tháng, đã có được các doanh trại lớn, che nắng che mưa cho cả hàng ngàn tù cải tạo.

Anh không bao giờ câu nê, phàn nàn gì hết khi trưởng toán phân chia công tác. Chuyện gì giao cho anh, anh cũng vui vẻ nhận lời và thi hành một cách nghiêm chỉnh. Đâu ra đó. Anh vẫn còn độc thân mặc dù , lúc đó anh đã qua cái tuổi 30. Gia đình của anh ở Sài Gòn. Người duy nhất thăm nuôi anh là một bà chị . Trước ngày thăm nuôi, anh đi rừng tìm hai khúc gỗ hình cong

Rồi trong những ngày nghỉ, những giờ nghỉ, anh miệt mài đi nhặt các thanh gỗ về đóng thành cái giường ngủ cho anh, rất là tân tiến. Trong khi anh em cứ nằm đại trên đất, hay lấy các thanh gỗ ghép thành cái sườn của một cái giường rồi ngủ cho qua ngày, anh Việt lại có sáng kiến khác. Anh làm thành cái giường rất có nét, đúng tiêu chuẩn của cái giường,…gỗ. Song thanh giường thẳng tấp và được cao võ sạch sẽ chu đáo. Một phần đầu giường anh làm rời ra, có thể di chuyển theo độ cao, thấp theo như ý muốn… Nghĩa là giống như mấy cái giường hiện nay,…có hệ thống tự động nâng cao hay hạ thấp cái đầu.

Một đặc điểm khác của KTS Đàm Thanh Việt là,..tình yêu dành cho loài thú.

Hôm thăm nuôi, có lẽ do anh viết thư xin, bà chị đem theo một con gà con. Anh quý con gà như chính anh. Những ngày đầu, khi đi lao động, anh đem con gà theo bên mình. Phần cơm dù có thiếu, anh cũng dành cho nó một ít. Ngoài ra, khi nào rảnh, anh và con gà đi bắt trùn, bắt dế….

Nhu cầu xây cất doanh trại và nhất là nhu cầu đốn gỗ làm củi chụm để Trung Đoàn L2 T4 bán cho dân lấy tiền quá lớn, lớn đến nỗi, cả khu rừng Katum lúc đám tù mới lên, còn rậm rạp dọc theo bên đường,….nay trống rỗng. Phá rừng không tiếc tay. Đó là lệnh của Việt cộng bắt đám tù cải tạo phải đạt chỉ tiêu.

Chỉ trong vòng 2 tháng, rừng sạch bách. Muốn có đủ gỗ để Việt cộng đem về Sài Gòn bán, đám tù phải thức dậy sớm, tiến sâu vào sát ranh giới Cao Miên để đốn gỗ.

Đốn gỗ để cho Việt cộng đem đi bán lấy tiền bỏ túi, tù cải tạo phải chọn gỗ  đúng kích thước như ban quản giáo phân chia công tác. Đường kính của gỗ phải từ 30 cm trở lên và chặt ra từng khúc dài vào khoảng 80 cm. Một khúc gỗ như vậy, có một thể tích là : 1,5 x1,5x 3,14 x 7 =  49 dm3 = 0,049 m3. Tỉ trọng của gỗ trung bình là 800 kg/m3. Tính ra, mỗi tù nhân phải vác từ rừng sâu ra ngoài đường trước trại tù, xa chứng 2 km đến 3 km…. nặng chừng 50 kg.   Cong lưng!

Đến phiên toán chúng tôi được phân phối đi đốn gỗ, trong 5 này phải giao 1 m3 gỗ cho ban quản giáo. Tính ra, phải đốn chừng 20 khúc gỗ với kích thước như trên là tạm đủ.  Mỗi ngày 4 hay 5 khúc là được rồi. Vì gỗ tương đối nặng so với anh em lớn tuổi, cho nên mỗi lần đi, 6 người  thay phiên nhau vác 5 khúc gỗ trên đường dài từ 200m đến 300 m từ trong rừng ra bãi tập trung.

Đi theo bên cạnh  của 2 tên lính cảnh vệ cầm súng trên tay, Sáu, Khôi, Tường, Phấn, Việt và tôi mỗi sáng lên đường.  Chừng 15 – 20 phút sau, chúng tôi  đến bìa rừng. Rừng ven biên giới còn khá rậm rạp. Ở đây anh em tha hồ chặt mây đem về đan giỏ. Nhưng trước hết phải tìm cho ra một cây cổ thụ, thường là cây sao, có kích thức thân đường kính vào khoảng 30 cm và con chừng 4, 5 thước để chúng tôi mới có đủ kích thước gỗ đem về giao cho Việt cộng. Vì nhiều toán đi tìm cây lớn để cho đủ chỉ tiêu, rừng một ngày một mất dần cổ thụ. Vì thế, đám tù cải tạo mỗi ngày phài đi xa và đi sâu vào rừng để tìm cây có kích thước….

Con khỉ và anh KTS Đàm Thanh Việt

Một hôm, trong lúc tiến sâu vào rừng tìm cây, chúng tôi nghe tiếng khỉ  kêu réo có vẻ  như báo động. Phân biệt dễ dàng tiếng kêu của khỉ mẹ và khỉ con. Tiếng hét của khỉ mẹ nhảy từ bên này qua bên kia, thay đổi hướng liên tục; trong khi đó tiếng con khỉ con cũng vẫn tại một hướng.  Việt là người đầu tiên lên tiếng: ” con khỉ mẹ đang báo động cho khỉ con vì mình đang tiến vào …nhà của nó…”. và đúng như anh Việt nói, khi chúng tôi tiến về hướng con khỉ con, thì con khỉ mẹ chạy nhảy la hét gần như ngay trên đầu của chúng tôi. Khỉ mẹ muốn chận đứng chúng tôi để cứu khỉ con.  Nhưng chúng tôi đã đến sát bên khỉ con rồi. Có lẽ vì mới sanh, còn yếu, nên khỉ con  không nhảy theo mẹ kịp và khỉ mẹ cũng không còn đủ thì giờ để cứu con; Nguyễn Sáu đã trèo nhanh lên cây tính chụp lấy khỉ con. Nhưng nó tìm cách thoát thân trong khi con mẹ la hét cầu cứu, dọa nạt bên cạnh. Vì chúng tôi nhiều người … nên khỉ mẹ dù rất thương con, dù rất đau lòng, cũng không đủ can đảm lao mình vào cứu con. Khỉ mẹ chỉ nhảy qua nhảy lại la hét…Con khỉ con vừa thoát khỏi tay của Anh Sáu, nhảy qua cành khác, nhưng không may, rơi xuống đất một cái bạch. Khỉ  con nằm bất động. Anh Việt đứng gần đó, vạch lá cây chung quanh, tiến tới và nghiêng mình chụp lấy nó. Anh vội vàng lấy cái nón vải mà anh thường đâu trên đầu khi đi rừng, trùm nó lại và bước ra bìa rừng….bỏ mặt tiếng kêu la thảm thiết của khỉ mẹ.

5 anh em chúng tôi tiếp tục làm công tác đốn gỗ. Sau khi tìm được một cây cổ thụ vừa ý, Nguyễn Sáu, Nguyễn Ngọc Tường và tôi …ra sức cưa, chặt, đục, đẽo,…thành 5 khúc.

Mặt trời xế bóng từ lâu, theo lịnh của 2 tên lính cảnh vệ, sáu anh em thay nhau vác củi ra về. Riêng anh Việt được anh em tán thành, chỉ vác một đi một đoạn ngắn,; phần còn lại anh lo cho con khỉ. Anh lấy nước cho nó uống và nó bắt đầu tĩnh lại. Gào thét kêu mẹ…làm cho anh Việt xốn xao.

Thuở đó ở trong trại, tù cải tạo thỉnh thoảng được phân phối sữa đặc có đường. Mỗi người 1 hay 2 muỗng để chấm bột sắn luộc ăn vào buổi sáng. Riêng phần của anh Việt, anh không ăn. Anh dành cho con khỉ. Nhờ chút ít sữa mà anh để dành nuôi nó, không bao lâu con khỉ bình phục.

Rừng Ka Tum vào cuối Đông. Gió lạnh và mưa phùn.  Đó đây trong trại có thì thầm ngày Chúa ra đời. Giáng sinh năm 1976 tại rừng Katum cũng tịch mịch như đêm Chúa sinh ra từ gần 2000 năm trước tại Thánh địa Jerusalem. Dân chúng lúc đó cũng lầm than như đám tù bây giờ.

Phần ăn của mỗi tù nhân ngày càng sa sút. Đối với Đàm Thanh Việt lại càng ít hơn vì còn phải nuôi thêm hai miệng ăn. Con gà và con khỉ. Sức anh cũng kiệt dần. Con khỉ cũng không còn đủ thực phẩm để có thể  sống qua mùa Đông. Con Khỉ con bị bịnh trở lại. Bỏ ăn mấy ngày. Nhìn gương mặt với cặp kính cận của anh Việt, thấy mà thảm thương làm sao. Anh không còn vui, lười nói chuyện, kể từ khi con khỉ bỏ ăn..

Lại có lịnh chuyển trại.  Di chuyển sâu vào phía rừng. Kế hoạch xây nhà, cất trại để tránh nắng, đụt mưa lại tái diễn,…Có một số tù nhân chuyển trại, mà cũng có thể ra về. Toán của chúng tôi lại sát nhập vào một toán tù khác. Lần này chúng tôi làm quen được bác sĩ Đại úy Lê Cảnh Tư. Theo như anh em mới tái phối trị trại lại cho biết anh Tư là một nhân vật khá đặc biệt. Lúc còn ở đơn vị quân y vùng II, hầu hết ai cũng biết tên BS Lê Cảnh Tư. Rất cứng đầu. Khi vào tù cải tạo, tánh tình không thay đổi 1 ly. Bướng bỉnh và,..gan dạ. Nghe nói anh Tư coi quản giáo không ra gì cả. Nhốt anh, chẳng làm anh thay đổi.

Tình cờ  chúng tôi và anh Tư cùng nằm trong cùng B. Một vài ngày sau khi cùng tham gia công tác, tôi mới hiểu tính của anh. Đúng như anh em cho biết. Anh rất bướng nhưng cũng rất thẳng thắn. Khi B trưởng giao công việc mà anh không nhận, anh nói rất rõ ràng, rằng anh chịu trách nhiệm. Cứ báo cáo như vậy. Anh không trách lỗi cho người khác.

Chúng tôi làm quen với nhau. Nhân tiện anh Tư biết anh Việt có nuôi con khỉ và con khỉ đang bỏ ăn, anh nói với anh Việt để cho anh chăm sóc. Bác sĩ mà….

Vững tin nghe lời bác sĩ, anh Việt bằng lòng giao con khỉ cho BS Lê Cảnh Tư….điều trị…..

Chiếc bánh bao nhưn thịt…..trong đêm Giáng Sinh 1976  

Mùa đông đã đến thực rồi. Mùa đông năm 1976 tại rừng Katum.  Màng đêm xuống thật nhanh trong khu rừng. Ngày nào các toán tù đi công tác ở bên ngoài về cũng tối sẫm. Vội vàng tắm rửa, ăn uống cho qua loa rồi phải xách cái ghế cá nhân ra sân ngồi tập hợp đúng giờ đế nghe Việt cộng đọc báo ,…Quân Đội Nhân Dân.

Đám tù ngồi, gần như người nào cũng gục đầu bất động. Một phần vì cả ngày làm việc cực nhọc; phần khác,  do cái giọng lải nhãi, lừ đừ, đọc từng chữ của mất cán bộ quản giáo. Chữ viết trên tờ báo đã nhỏ, mà anh đèn dầu lại le lói và thỉnh thoảng lại bị cơn gió lùa qua, làm mất đi ánh sáng trên tờ báo,…cho nên mấy tên cán bộ phải mò từng chữ.

Cũng có vài trường hợp báo quá cũ, do xếp đi xếp lại nhiều lần,  hàng chữ bị nằm trên vết xếp nhòa, nhìn không rõ,…nên có lúc đọc sai. Một câu chuyện vừa có vẽ hài hước,vừa châm biếm nhưng rất thật đã được truyền miệng trong trại tù về cách đọc báo ban đêm của mất tên quản giáo.

Chẳng là vào cái thời đó, hai nước ở Trung Đông gây gỗ nhau rất lớn. Chiến tranh thật sự đã diễn ra. Việt cộng lúc đó đã  toà đại sứ hai nước này. Vì hai nước thuộc  quốc gia hồi giáo, rất chống Mỹ,…cho nên đã trờ thành hai nước anh em với Việt cộng. Báo Quân đội nhân dân thường đăng các tin về hai nước này.

Một hôm, hai anh quản giáo đem tờ báo cũ, lật ra lật lại tìm một câu chuyện…quốc tế về 2 nước ban bè ở Trung Đông ra đọc và giải thích cho đám tù nghe…

Một anh đứng canh chừng, một anh lật tờ báo ra đọc.

Cái tựa đề của tờ báo không may nằm trên đường gấp của tờ báo, cho nên mấy cái chữ rất lờ mờ.  Sau khi tằn hắn lấy bình tĩnh và dưới ánh sánh le lét của ngọn đèn dầu,…anh ta bắt đầu câu chuyện:

” Hai nhà nước nhân dân anh hùng, bạn bè với chúng ta ở Trung Đông đang gây chiến với nhau. Anh Một (I ) răn và anh Một ( I ) rắc…..”.

Đám tù đang mơ màng, ngủ gà ngủ gật bỗng ngước đầu lên vỗ tay cười vang trong khu rừng…

I-răn và I – Rắc. Chữ I hoa, anh ta tưởng là số 1 nên mới đọc là một răn, một rắc…..

Những mẫu chuyện hài hước nhưng có thật đã xảy ra rất nhiều vào  những ngày đầu đám lính Bắc cộng ngớ ngẩn  khi mới chân ướt chân ráo bước vào miền Nam ấm no và văn minh.

….

Hôm qua – 25 tháng 12 –  là ngày Chúa Sinh mà đám tù có đạo không được phép làm lễ đoán mừng chúa ra đời. Tối hôm nay, chủ nhật, 26 tháng 12 năm 1976, một ngày rảnh trong tuần, toán tù thoát khỏi đêm ngồi nghe đọc báo cho nên  mặc dù đã trễ một ngày, anh em Công giáo vẫn âm thầm rủ nhau làm một cái gì đó để nhớ đến ngày Chúa ra đời.  

Trong Khối có anh Trung Úy Hiển, một tín đồ Công Giáo giữ phần nhà bếp chính và thường trực. Anh cao nhồng nhồng và  ốm như cây sậy. Trên gương mặt xương nhiều hơn thịt, treo lủng lẳng đôi kính cận thậy dày.  Anh em gọi anh là Hiển cận. Anh bị bịnh suyễn gần như kinh niên, cho nên anh em đề nghị anh không đi lao động bên ngoài. Đó là lý do mà anh trở thành , nói như VC nói – anh nuôi – của Khối. Toán nhà bếp, ngoài anh Hiển là đầu bếp chính và thường trực, còn có thêm 4 anh nữa, hằng tuần các đội thay phiên nhau gởi đến để lo phần nấu ăn cho cả trại.

Anh Hiển rất ngoan đạo. Anh nghĩ đến đêm Giáng Sinh phải có cái gì chút đỉnh để tưởng nhớ. Anh tính cả tháng trước. Mỗi ngày, anh trích ra một ít bột khoai mì ( bột sắn ) của phần ăn trộn, để dành.  Sau gần một tháng, anh thấy đủ để làm món bánh bao cho đêm hôm ấy..  Trăm hay, không bằng tay quen. Chẳng có ai có sẵn nghề cả, nhưng vào trong tù, vì sinh tồn, đã cố gắng vượt qua tất cả. Người học cái này, người tìm thêm cách khác để giải quyết cuộc sống trong tù. Anh Hiển cũng vậy. Là Trung Úy  Quân Vận , anh biết chút ít về tiếp liệu, nhưng nấu ăn, làm bánh,…thỉ mù tịt. Nay trong tình thế này, anh đã trở thành tay thợ nấu ăn có hạng. Nhờ anh biết nấu cơm với chiếc chảo lớn, đường kính gần 1 thước….không có cơm cháy cho nên phần cơm của các tù nhân trong B không bị mất. Dự tính của anh là làm một số bánh bao nướng  cho đêm đón Chúa. Anh bàn chuyện với một số tín hữu Công Giáo trong trại.  Tôi không biết BS Lê Cảnh Tư có  phải là người Công giáo hay không, nhưng anh có liên lạc với anh Hiển để cùng  làm bánh bao phụ với anh. Anh Hiển cần người phụ, cho nên rất vui khi anh Tư tự nguyện đến giúp.  Anh chia một phần bột bánh bao để anh Tư tự nhào trộn, vò thành cái bánh.

Ngoài bột ra, anh Hiển không có gì để làm nhưn. Đành làm bánh bao không nhưn… vậy.

Chiều chú nhật hôm đó, các B trưởng hợp nhau bàn chuyện, lấy lý do trời lạnh và không có giờ đọc báo, xin phép ban quản giáo cho phép anh em đốt thân gỗ khô nằm ở phía góc Tây của trại, hơ ấm trước 9 giờ tối. Đó là giờ bắt buộc tất cả tù cải tạo phải  lên giường và êm lặng. Quản giáo bằng lòng và không quên lời hâm dọa là không tụ tập để bàn chuyện phản động và phải giữ trật tự giải tán trước 9 giờ tối.

Thân gỗ khô cháy đỏ rực cả góc phía Tây của trại.  Một số anh em lớn tuổi  đã lên giường sớm hay làm vài chuyện riêng tư….số còn lại anh em tù quay quanh khá đông đủ. A của tôi  vắng một số người, trong đó có anh KTS Đàm Thanh Việt. Mấy ngày con Khỉ của anh bị bịnh, đã nhờ cho anh BS Tư chăm sóc, anh không thấy vui, cho nên hôm nay cũng vắng mặt anh.

Anh Hiển đứng giữa đám động, cạnh thân cây cháy rực, ngỏ ý vài lời thật nhỏ …về ngày Chúa sinh ra đời. Một vài anh em được đề nghị kể chuyện về Chúa, về kỷ niệm của mình trong những ngày Giáng Sinh trước đây.  Những tia nóng ấm phát ra từ thân cây cháy đỏ tỏa ra cùng với những mẫu chuyện riêng tư của một số anh em trong tù, đã làm cho cả đám tù quay quanh ấm lòng.

Một lúc sau, anh Hiển cho biết, hôm nay đón Chúa, anh có làm một ít bánh để cùng chung vui.  Rồi anh Hiển giới thiệu người phụ tá  đầu bếp hôm nay là BS Lê Cảnh Tư. Anh Tư bước ra, giới thiệu với anh em, một số bánh bao làm bột mì do anh Hiển đã  để dành mỗi ngày một ít trong phần ăn. Ý của anh Hiển không ngoài mục đích là muốn đóng góp một cái gì đó để nhớ đến ngày sinh của Chúa. Cả đám tù quay quần vỗ tay tán thưởng….

Anh Hiển chia  2 phần bánh bao riêng ra.  Phần bánh bao nhiều, do anh Hiển làm và phần kia ít hơn, là phần của anh Tư phụ giúp. Đám tù lại tiếp  vỗ tay…vui mừng. Không ngờ một tay bướng bỉnh như Lê Cảnh Tư mà cũng có biệt tài làm bánh và muốn giúp anh em.

Năm nay, mình  ở đây, ăn bánh bao nướng chứ không phải bánh bao hấp. ” Anh Hiển nói thêm.

Các chiếc bánh bao  bằng bột khoai mì ( bột củ sắn ) , màu nâu nhạt chứ không trắng như  bán ở chợ,…lần lượt được đặt trên các miếng tole nhỏ, đưa vào đặt trên đống than cháy hồng rực nóng.  Bánh bao của anh Hiển được nướng trước.  Với độ nóng rừng rực của lửa, bánh cũng phồng lên, mặc dù không nhiều vì thiếu bột nổi, như vẫn thấy hồng chín  mơn mởn.

Đợị cho cho chín xong tất cả số bánh bao đợt một  bánh của anh Hiển làm, anh em nhận mỗi người một cái bánh bao nướng.

Một phút êm lặng trước khi ăn. Anh Hiển cám ơn Chúa đã cho anh em món ăn.  Mời các anh em thưởng thức…

Tiếng vui cười thỏa thích.

Đã đời. Ngon như chưa từng ăn bao giờ. Anh em nói với nhau, ăn nhín nhín để thưởng thức vì mình không có nhiều. Vừa ăn vừa trò chuyện. Vừa ăn vừa so sánh.  Bánh báo ở chợ bà Chiểu không bằng. Bánh bao của Vĩnh Ký ở Chợ Lớn vẫn thua xa,…..

Sau đợt bánh bao của anh Hiển, đến phần bánh bao của anh Tư. Vì bánh của anh Tư làm ít hơn, không đủ chia cho mỗi người một chiếc, nên, phải chia đôi, chia ba,…

Đến khi xé chiếc bánh bao ra làm đôi làm ba, mọi người la lên, vừa kính ngạc vừa thích thú. Bánh bao có nhưn, bánh bao có nhưn…anh em ơi!!!

Anh Hiển vô cùng ngạc nhiên, nhìn anh Tư.  Mặt anh Tư không thay đổi. Vẫn lầm lừ, bướng bỉnh như thường ngày.

Một vài anh em chưa chịu ăn thử, có thể vừa e ngại mà cũng có thể muốn biết cho rõ sự tình. Mấy chục con mắt hướng về anh Tư.

Nhưn gì vậy Tư? Thịt gì vậy Tư?

Anh Tư không trả lời. Anh chỉ cười nhẹ cho xong chuyện. Ăn đi mà! không chết đâu. Thịt gì cũng được. Chết tôi chịu cho…..Anh nào không dám ăn, đưa cho tôi. Coi nè…

Anh Tư nhanh tay tét cái bánh bao ra làm hai, cắn một miếng vừa có bột vừa có thịt. Ăn ngon lành.

Và các anh em khác làm theo. Mà ngon thiệt. Mỗi người chỉ lủm được một hay miếng là hết. Ngon quá. Còn nữa không anh Tư?  Tiếc quá.

Lửa tàn, bánh bao hết, dù có nhưn hay không có nhưn. Giờ sinh hoạt cũng không còn. Sau một động tác kết thúc lễ quen thuộc ở nhà Thờ, anh Hiển cùng tất cả, ai về trại nấy mà trong lòng vẫn còn ấm ức. Thằng Tư làm nhưn  bánh bao bằng thứ thịt con gì  mà ăn ngon quá vậy?

Tuần lễ sau, Đàm Thanh Việt gặp Lê Cảnh Tư hỏi về bình tình của con khỉ. Tới đâu rồi anh Tư? Con khỉ đã bình phục được chút nào không? Nếu thấy không được, anh giao lại cho tôi. Tôi sẽ cố gắng lo cho nó. Chị tôi vừa gởi thuốc Tây cho tôi. Hy vọng có thể giúp nó….

Cứ mỗi lần hỏi  anh Tư, anh Tư nói trấn an anh Việt. Nó khắp sửa khỏe lại rồi.  Đàm Thanh Việt bỏ qua mấy lần.  Chờ mãi sốt ruột, cuối tuần hôm sau  Đàm Thanh Việt quyết đòi coi khỉ lại. Anh Tư không còn cách nào khác, đành thú thật. Nó chết từ 2 tuần trước. Nó chết hai ngày, trước ngày Chúa sinh.

Anh Việt buồn bã, trở về giừơng mình nằm đắp mền ngủ suốt ngày chủ nhật hôm đó.

Vài ngày sau anh kể câu chuyện con khi mà anh nhờ anh Tư chửa trị, đã chết trước đêm Giáng Sinh cho anh em trong trại nghe. Có tiếng thì thầm,…phải chăng anh Tư đã làm thịt con khỉ của anh Việt để làm nhưn bánh bao cho anh em ăn trong đêm Giáng Sinh???!!!

Ôi,  con khỉ mà anh Đàm Thanh Việt đã ân cần, nâng niu săn sóc, rồi giao cho anh bác sĩ Lê Cảnh Tư điều trị, nay đã trở thành miếng thịt làm cái nhưn cho mấy chiếc bánh bao mà anh em đã ăn ngon lành trong buổi chiều tối chủ nhật ngày 26 tháng 12 năm 1976 tại trại tù  Ka Tum.

Anh em chúng tôi đã thích thú  ăn cái bánh bao có nhưn thịt khỉ,….trong cái đau buồn của anh KTS Đàm Thanh Việt….

Sau Tết ĐINH TỴ – 1977, Bác sĩ Lê Cảnh Tư trốn trại cùng thời gian trốn trại với Bac sĩ Long của một trại tù bên cạnh.

Theo lời BS Nguyễn Vũ Phấn, hiện đang định cư ở Đức cho biết BS Lê Cảnh Tư trốn trại thành công, nhưng không biết hiện giờ ra sao.

Anh Lê Cảnh Tư,

Nếu anh ở đâu đó đọc bài viết này, mong anh kể lại kế hoạch trốn trại của anh cho bà con nghe.

Rất mong.

Trần Hữu Sơn.