Phần trình bày sau tóm lược trích đoạn dựa vào nhiều nguồn, từ các văn bản của Ủy Hội sông Mê Kông (MRC), của tổ chức Stimson (Mỹ) giám sát các đập nước trên sông Mê Kông, đến các bản văn của các hãng tin Anh quốc và hãng tin của nước Qatar về tình trạng cạn nguồn nước hiện nay, do nơi thượng nguồn phía Trung Quốc ngăn chặn nguồn nước gây ra thảm họa cho các nước hạ nguồn.
✻ Báo cáo hiện trạng lưu vực 2010 của MRC
Theo bản văn công bố trên trang web của Ủy hội sông Mê Kông (Mekong River Commission / MRC): Vùng Hạ lưu vực Mê Kông có khoảng 60 triệu người sinh sống. Mặc dù tăng trưởng kinh tế liên tục được cải thiện nhưng điều kiện sống của người dân trong những năm gần đây, vẫn còn nhiều bộ phận dân cư trong lưu vực sống trong cảnh đói nghèo. Điều kiện sinh kế và an ninh lương thực của người dân sống ở đây có mối liên hệ chặt chẽ với sông Mê Kông và những nguồn tài nguyên mà con sông này đem lại. Ủy hội sông Mê Kông (MRC) được thành lập từ năm 1995 với vai trò hỗ trợ Chính phủ các nước ở vùng Hạ lưu vực Mê Kông (Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam) quản lý một cách bền vững tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan và sử dụng những nguồn tài nguyên này nhằm đưa người dân thoát khỏi đói nghèo.
Ủy hội sông Mê Kông đang phối hợp với các nước thành viên để xây dựng một chiến lược phát triển lưu vực dựa trên nguyên tắc quản lý tổng hợp tài nguyên nước nhằm một phần giải quyết các thách thức đang đặt ra trong việc quản lý tài nguyên nước tại lưu vực. Cũng như đối với các lưu vực sông khác, cần có đầy đủ thông tin để đưa ra các lựa chọn và một số những đề xuất phát triển, đặc biệt là đề xuất xây dựng các dự án thuỷ điện, còn đang gây tranh cãi. Sinh kế của hàng triệu con người phụ thuộc vào việc quản lý lưu vực sông một cách cẩn trọng trên tinh thần cởi mở và minh bạch.
• Những thách thức trong tương lai
Hệ thống sông Mê Kông phải đối mặt với một số những thách thức lớn về môi trường trong một vài thập kỷ tới. Các dự án phát triển thuỷ điện, mở rộng mạng lưới thuỷ lợi và hệ thống giao thông đường thuỷ kết hợp với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu sẽ có những tác động đáng kể lên điều kiện môi trường của dòng song, sẽ đe dọa đa dạng sinh học của các hệ động thực vật dưới nước ở vùng lưu vực và liên hệ đến sinh kế của những dân cư sống dựa vào các hệ thống sông ngòi này.
• Thủy điện
Mê Kông trở thành vùng phát triển thuỷ điện tích cực nhất trên thế giới. Ở vùng thượng lưu, Trung Quốc đang xây dựng một bậc thang lên tới tám công trình đập thủy điện (DV: đó là con số tính vào năm 2010, còn con số tính đến tháng 6.2020, theo Stimson, TQ hiện có 11 đập nước đang hoạt động, ngoài ra 1 đập đang xây cất và một đập khác dự trù xây cất). Những dự án này có thể phân bổ một lượng nước đáng kể từ mùa mưa sang mùa khô. Ở vùng hạ lưu, nhiều con đập khác đang được lên kế hoạch xây dựng cả trên dòng chính cũng như các dòng nhánh của con sông. Tiềm năng thuỷ điện vùng Hạ lưu vực Mê Công được ước tính ở mức 30.000 MW, trong đó khoảng 10% đã được khai thác từ các công trình trên các dòng nhánh của sông. Trong tổng số 124 các công trình được xác định là hiện có, đang được xây dựng và tiềm năng ở các dòng nhánh trong cơ sở dữ liệu của MRC năm 2009, hơn 70% là ở CHND Lào và 10% ở Campuchia. Trong đó, các đề xuất dự án xây dựng các công trình mới với vốn đầu tư của tư nhân bao gồm ít nhất là 11 đập trên dòng chính tại khu vực hạ lưu Mê Kông.
Ủy hội sông Mê Kông đang phối hợp với các nước thành viên để xây dựng một chiến lược phát triển lưu vực dựa trên nguyên tắc quản lý tổng hợp tài nguyên nước nhằm một phần giải quyết các thách thức đang đặt ra trong quản lý tài nguyên nước tại lưu vực. Chiến lược này được dự kiến hoàn thành trong năm 2010.
Sinh kế của hàng triệu con người phụ thuộc vào việc quản lý lưu vực sông một cách cẩn trọng trên tinh thần cởi mở và minh bạch. Báo cáo Hiện trạng lưu vực 2010 sẽ là một tài liệu tham khảo có giá trị cho việc lập kế hoạch chiến lược cho vùng Mê Kông trong vòng vài năm tới và sẽ đóng góp tạo nền tảng cho việc đưa ra các chính sách phát triển tài nguyên nước dựa trên cơ sở kiến thức. [1]
✻ Các đập tại Trung Quốc là nguyên nhân khiến sông Mekong cạn kiệt?
Câu hỏi nêu trên cũng là tựa đề bài biết của Hãng tin Anh Reuters loan tải (ngày 5.4.2010). Lãnh đạo của bốn quốc gia bị ảnh hưởng bởi mực nước sông Mekong, tuyến đường thủy dài nhất Đông Nam Á, gặp nhau hôm thứ Hai với Trung Quốc, bị các nhà hoạt động đổ lỗi vì đã siết chặt sông bằng các con đập. Thái Lan, Lào, Việt Nam và Campuchia đã bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm mực nước lớn nhất của sông Mekong trong nửa thế kỷ. Hạn hán nghiêm trọng là một phần nhưng các nhà bảo tồn nói rằng vấn đề đã trở nên trầm trọng hơn do các đập thủy điện, tám trong số đó Trung Quốc đã xây dựng hoặc có kế hoạch xây dựng.
Ủy ban sông Mê Kông (MRC) đã được thành lập cách đây 15 năm nhưng hội nghị thượng đỉnh tại thị trấn nghỉ mát Hua Hin của Thái Lan là nỗ lực quan trọng nhất của MRC để giải quyết cuộc khủng hoảng. Thứ trưởng ngoại giao của Bắc Kinh, Song Tao, tham dự cùng với các thủ tướng của Campuchia, Thái Lan, Lào và Việt Nam. Dưới đây là một số câu hỏi và câu trả lời về cuộc khủng hoảng.
• TÌNH HÌNH TRÊN MEKONG XẤU ĐẾN MỨC NÀO?
Sông Mekong là mạch máu của khoảng 65 triệu người, bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng và chảy qua các nước Myanmar, Thái Lan, Lào và Campuchia có chiều dài 4.800 km (2.980 dặm) sau đó vào Biển Đông ngoài khơi Việt Nam. Phía thượng lưu tại Trung Quốc được gọi là sông Lan Thương, chiếm khoảng 44% tổng chiều dài của con sông. Mực nước ở thượng nguồn sông Mekong tại Trung Quốc thấp hơn vào năm 1993, thậm chí thấp hơn sau đợt hạn hán nghiêm trọng trong khu vực năm 1992. Các quan chức Thái Lan đã phát hiện mức thấp nhất trong 50 năm vào vào tháng trước (3.2010) tại khu vực gần biên giới của Thái Lan-Lào.
Cuộc khủng hoảng cũng làm dấy lên lo ngại về nguồn cá sụt giảm tại một trong những ngành thủy sản nội địa đa dạng và lớn nhất thế giới. Tại Thái Lan, quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, hạn hán đã phá hủy hàng chục nghìn mẫu Tây đất canh tác, khiến các quan chức đã lên tiếng cảnh báo sản lượng gạo có thể giảm. Tại các vùng đồng bằng ở Việt Nam, mực nước ngọt thấp đã bị nước mặn xâm nhập, phá hủy đất đai.
• NGUYÊN NHÂN GÂY RA SỤT GIẢM MỰC NƯỚC?
Trung Quốc đổ lỗi cho sự sụt giảm mực nước ở hạ lưu là do hạn hán nghiêm trọng, khiến mùa mưa năm 2009 kết thúc sớm cũng như lượng mưa thấp bất thường trong các đợt gió mùa do El Nino gây ra. Nhưng các tổ chức phi chính phủ và dân làng ở hạ lưu nói rằng các con đập ở Trung Quốc đã gây ra vấn đề này và cáo buộc Trung Quốc không cung cấp đầy đủ dữ liệu thủy văn.
Các tổ chức phi chính phủ, các nhà hoạt động và một số nhà khoa học cho rằng các con đập của Trung Quốc gây ra biến động lớn về mực nước ở sông Mekong, làm xáo trộn hệ sinh thái và phá vỡ các mô hình sinh sản và di chuyển. Bắc Kinh bác bỏ cáo buộc là họ đang cắt nguồn cung cấp nước, viện cớ rằng hoạt động của các trạm thủy điện và sử dụng nước cho mục đích nông nghiệp ở thượng nguồn không ảnh hưởng nhiều đến lượng nước ở hạ lưu.
• PHẢN ỨNG CỦA TRUNG QUỐC VỀ SỰ KHỦNG HOẢNG?
Nhằm xoa dịu các lời chỉ trích,Trung Quốc đã bắt đầu cung cấp dữ liệu mùa khô hàng ngày – về mực nước, dòng chảy, lượng mưa -tại các trạm khí tượng thủy văn ở Vân Nam kể từ ngày 22 tháng 3 (2010). Các quan chức cho biết Trung Quốc sẵn sàng hợp tác nhiều hơn nhằm bảo quản tài nguyên của con sông, và đã ngỏ lời mời các nước MRC đến thăm các trạm thủy điện của họ.
Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Kasit Piromya cho biết đối thoại với Trung Quốc diễn ra tích cực và Bắc Kinh cho thấy họ sẵn sàng cung cấp dữ liệu cần thiết cho các nước láng giềng phía Nam.
Nhìn chung, các quan chức Đông Nam Á vẫn cực kỳ cẩn trọng về các động thái của Trung quốc. Tuy nhiên, các nước Lào, Campuchia, Việt Nam và Thái Lan phải phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc về đầu tư và thương mại.
• KẾT QUẢ CUộC HỌP GIỮA TQ và MRC?
Điều quan trọng nhất trong chương trình nghị sự là quản lý tốt hơn các tuyến đường thủy trong khu vực để sao cho mực nước đạt mức cao nhất trong 30 năm vào năm 2008, năm đã gây ra lũ lụt ở Lào và miền bắc Thái Lan, trước khi sụt giảm nghiêm trọng vào mùa khô năm nay (2009).
Khi các sông băng ở Himalaya co lại và nhiều đập hơn ở thượng nguồn bắt đầu hoạt động, các nhà khoa học cảnh báo tranh chấp về nguồn nước có thể trở nên tồi tệ hơn. Smith Dharma Saroja, giám đốc Quỹ Cảnh báo Thảm họa Thái Lan, cảnh báo về nguy cơ xung đột địa chính trị. “Chúng ta có thể thấy nhiều sự xung đột về nguồn nước sẽ diễn ra, đặc biệt nếu Trung Quốc tiếp tục hoạt động theo cách không minh bạch. Hạn hán đang làm nổi bật căng thẳng ngoại giao và gây khó khăn trong việc chia sẻ nguồn nước với một nước láng giềng hùng mạnh và nó sẽ trở nên tồi tệ hơn trong những năm tới ”.[2]
✻ Ảnh hưởng việc Trung Quốc khẩn cấp xả nước đối với nguồn nước ở hạ nguồn
Theo bản văn của Ủy Hội sông Mê Kông loan tải vào năm 2016, kể từ năm 1993, Trung Quốc đã xây dựng sáu đập trên dòng chính trên lưu vực Thượng lưu sông Mekong, được gọi là Lan Thương ở Trung Quốc. Hoạt động của các đập này đã làm dấy lên nhiều lo ngại từ các cộng đồng ở hạ lưu sông Mekong , vì các đập này tác động đến dòng sông và sinh kế của họ. Với hai đập chứa lớn nhất của dòng thác, Xiaowan và Nuozhadu, tác động của chúng thường được đưa lưu ý nhất. Các mối quan tâm bao gồm những thay đổi về lưu lượng nước ảnh hưởng cả đến nghề đánh bắt cá, trầm tích và sinh kế của cộng đồng ở hạ lưu.
Trong khi bức tranh mô tả các tác động chưa đầy đủ, chi nhánh giám sát sông của Ủy hội sông Mekong (MRC) chỉ ra rằng các đập của Trung Quốc có ảnh hưởng đến dòng chảy của nguồn nước ở hạ lưu vực sông Mekong. Việc xả nước bổ sung từ các đập trên Lan Thương đã làm dịu bớt tình trạng hạn hán trong khu vực năm 2016.
Tổng cộng 12,65 tỷ mét khối nước đã được xả từ hồ thủy điện Jinghong trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 5 năm 2016. Lượng nước xả này chiếm từ 40 – 89% lượng dòng chảy dọc theo các đoạn khác nhau của sông Mekong. Việc bổ sung nước khẩn cấp đã làm tăng mực nước hoặc lưu lượng dọc theo dòng chính sông Mê Kông lên mức tổng thể là 0,18-1,53m hoặc 602-1.010m3 / s.
Những năm Trung Quốc không khẩn cấp xả nước bổ sung, đã dẫn đến kết quả là dòng chảy thấp hơn 47% tại Jinghong, thấp hơn 44% tại Chiang Saen, thấp hơn 38% tại Nong Khai và thấp hơn 22% tại Stung Treng. Dòng chảy khẩn cấp bổ sung cũng rất cần thiết cho việc làm giảm tình trạng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long.[3]
✻ Mỹ giám sát các đập của Trung Quốc trên sông Mê Kông
Ngày 13.12.2020, Tổ chức Stimson (Mỹ) công bố việc giám sát các đập nước trên sông Mê Kông/ Mekong Dam Monitor. Kể ngày 14.12 (2020), tất cả thông tin về dòng chảy, mực nước của các đập thủy điện của Trung Quốc trên thượng nguồn, và lưu lượng nước chảy qua các nước hạ nguồn sẽ được cập nhật trên website này thường xuyên.
Qua hệ thống giám sát này sẽ cung cấp bằng chứng cho thấy 11 con đập của Trung Quốc ở thượng nguồn sông Mê Kông được vận hành một cách tinh vi nhằm tối đa hóa sản lượng thủy điện và kiểm soát dòng chảy sông Mê Kông, sự kiện này gây tác động lớn đến khu vực hạ lưu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của 60 triệu dân thuộc khu vực sông Mê Kông. Hệ thống giám sát dòng chảy của sông Mê Kông sử dụng dữ liệu vệ tinh của Công ty Eyes on Earth Inc. (EoE). Phía Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ hệ thống giám sát của công ty EoE của Mỹ. Kinh phí điều hành một phần do bộ Ngoại Giao Mỹ tài trợ. [4]
Ghi chú: Theo bản photo của The Diplomat đã lựa chọn các đập trên dòng chính trên thượng và hạ nguồn sông Mê Kông dựa vào bản chụp của Tổ chức Stimson. <Stimson liệt kê các đập trên dòng chính và các đập thuộc nhánh phụ sông Mê Kông>. Hình chụp trên, các đập trên dòng chính tính đến June 2020, phía thượng nguồn Trung quốc có 11 đập thủy điện đang hoạt động, 1 đập đang xây cất và 1 đập sẽ xây cất. Phía hạ nguồn sông Mê Kông, nước Lào có 1 đập đang hoạt động và có kế hoạch sẽ xây thêm 5 đập khác, nước Kampuchia có 1 đập đang hoạt động và có kế hoạch sẽ xây thêm 4 đập khác.
✻ Các đập của Trung Quốc không phải là nguyên nhân gây ra mực nước sông Mekong xuống thấp
Theo Hoàn Cầu Thời Báo (Global Times,TQ), loan tải bài viết vào ngày 1.3.2021, về việc Ned Price trong một dòng tweet vào ngày 23 tháng 2 (2021) , người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, đã nêu lên “những lo ngại về việc mực nước sông Mekong đang giảm xuống thấp”, sau khi Ủy Hội sông Mê Kông (MRC) vào giữa tháng 2 (2021) bày tỏ lo ngại rằng mực nước sông đã xuống “mức báo động” do việc kiểm soát nguồn nước ở các đập thượng nguồn tại Trung Quốc. MRC cho biết mực nước thấp hơn gây nguy hiểm cho sinh kế của người dân vùng hạ lưu.
MRC cho rằng lượng nước thiếu hụt kể từ đầu năm chủ yếu là do lượng mưa thấp hơn, thay đổi dòng chảy ở thượng nguồn, hoạt động thủy điện trên các sông nhánh và hạn chế dòng chảy từ đập Jinghong ở thượng nguồn ở tỉnh Vân Nam, Tây Nam Trung Quốc. Tuy nhiên, tuyên bố này đã không phản ánh đầy đủ các sự kiện và kết luận khoa học.
• Lưu lượng cao hơn mức bình thường
Trên thực tế, lưu lượng trung bình của Trạm Thủy điện Jinghong trong tháng Giêng này là 1.243 mét khối / giây (m3 / s), nhiều hơn 78,6% so với lưu lượng bình thường trung bình hàng năm là 696 m3 / s và hơn 16,2% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu quan trắc nước chính thức của Trung Quốc. Ngoài ra, tháng Hai cũng có xu hướng tương tự, với dòng chảy ra trung bình hàng tháng từ Jinghong đạt 1.026 m3 / s, nhiều hơn 75,1% so với dòng chảy tự nhiên trung bình hàng năm là 586 m3 / s trong tháng.
Điều này cho thấy việc Trung Quốc xây dựng các con đập trên sông Lan Thương đã làm giảm bớt tình trạng khô hạn ở hạ lưu. Dòng chảy thấp phổ biến trong mùa khô từ tháng 12 đến tháng 5 do đặc điểm khí hậu gió mùa. Lượng nước chảy vào mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 11 thường gấp 3,7 lần mùa khô.
• Không có xung đột nghiêm trọng về nguồn nước ở sông Lan Thương-Mekong
Đáng chú ý là dòng chảy trong lưu vực của Trung Quốc chỉ chiếm 13,5% tổng lượng dòng chảy của sông Mekong, với tác động rất hạn chế đến hạ lưu sông Mekong. Ngoài ra, việc suy giảm lưu lượng kéo dài trong một thời gian rất ngắn, không có khả năng gây thiệt hại nghiêm trọng đến sinh kế nông nghiệp và ngư nghiệp của các nước hạ nguồn, mặc dù một số báo chí nước ngoài đưa tin, Zhai Kun, chuyên gia về khu vực sông Mekong của Trường Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, nói với Global Times.
Zhai nói: Khi hạn hán nghiêm trọng xảy ra ở hạ lưu sông Mekong, các hồ chứa trên toàn lưu vực phải đóng một vai trò nào đó, với sự hợp tác của tất cả các nước, không chỉ Trung Quốc. Theo phân tích thành phần dòng chảy, tỷ lệ đóng góp của sông Lan Thương vào lưu lượng dòng chính giảm xuống 39,5% tại trạm Nong Khai ở Thái Lan, và tiếp tục giảm xuống 14,3% tại trạm Stung Treng của Campuchia.
Các quốc gia thượng nguồn và hạ nguồn có lợi ích khác nhau, thậm chí trái ngược nhau, trong việc phát triển và sử dụng tài nguyên nước xuyên biên giới là điều bình thường. Tuy nhiên, không có xung đột nghiêm trọng nguồn về nước ở sông Lan Thương-Mekong, trái ngược với quan điểm của một số báo cáo và học giả phương Tây, Zhai lưu ý.
Trong những năm gần đây, thời tiết khắc nghiệt ngày càng gia tăng ở khu vực sông Mekong đã làm cho MRC ngày càng khó khăn trong việc dự báo thông tin thủy văn ở cấp độ kỹ thuật. Ngoài ra, một số quốc gia bên ngoài khu vực đã thiết lập cái gọi là dự án “Giám sát đập Mekong”, gây áp lực lớn lên MRC trong việc đưa ra các kết luận khoa học hơn, Zhai lưu ý. “Áp lực này đôi khi khiến MRC đưa ra những kết luận phóng đại mà không tiến hành các cuộc điều tra và nghiên cứu dựa trên thực tế khách quan. Nhưng điều đó là đáng tiếc vì tất cả chúng ta đều quan tâm đến sinh kế của người dân ở các nước hạ nguồn”, Zhai nói.
Cái gọi là “Giám sát Đập Mekong” là một chương trình do Hội đồng Nhà nước Hoa Kỳ tài trợ do Trung tâm Stimson Đông Nam Á do Hoa Kỳ hậu thuẫn điều hành, vốn là một tổ chức luôn chỉ trích về các vấn đề sông Mekong trong những năm gần đây. Khởi đầu chương trình giám sát này từ ngày 15 tháng 12 năm 2020, chương trình theo dõi thông tin thủy văn, khí hậu và ảnh hàng không vệ tinh của 31 đập trên sông.
Giám đốc chương trình của Trung tâm Brian Eyler nhiều lần chỉ trích Trung Quốc trong các cuộc phỏng vấn trên các phương tiện truyền thông, nhưng các nhà quan sát và chuyên gia Trung Quốc đã đặt câu hỏi về các tiêu chuẩn và động cơ chuyên nghiệp của dự án, vì nó được coi là một nỗ lực nhằm kiềm chế Trung Quốc trong khu vực bằng cách thổi phồng “mối đe dọa từ các đập nước ” của Trung Quốc. “MRC, đã làm việc trong nhiều năm để thu thập dữ liệu thủy văn của sông Mekong, vẫn có sai sót dữ liệu trong kết luận của mình, có thể là do các công cụ ước tính lạc hậu. Các chuyên gia trong khu vực sông có lý do để hoài nghi về ‘Mekong Dam Monitor, “dự án được thực hiện bởi một nhóm từ bên ngoài khu vực”, Zhai nói.[5]
✻ Phóng viên hãng tin nước Qatar, Al Jazeera đến miền Tây VN khảo sát đã chứng minh ngược lại với lý lẽ nêu trên của Trung Quốc
Trái ngược với bản tin trên của tờ Hoàn Cầu Thời Báo (Global Times) nêu trên rằng: “MRC đưa ra những kết luận phóng đại mà không tiến hành các cuộc điều tra và nghiên cứu dựa trên thực tế khách quan” (!!!) Theo bản văn của hãng tin nước Qatar, Al Jazeera, đến Miền Tây của Việt Nam khảo sát tại chỗ đã chứng minh ngược lại … Nước biển chảy vào sông Mekong hàng năm như một phần của hệ thống đồng bằng tự nhiên, nhưng hiện nay nó chưa bao giờ xâm thực với cường độ mạnh như vậy. Nước biển được cho biết hàng năm vào sâu hơn trung bình từ 30-40 km trong suốt mùa khô. Người dân địa phương bày tỏ ý kiến với phóng viên Al Jazeera:
“Hãy nhìn vào mặt nước. Bây giờ nó giống như một món súp bùn, ” ông Trần nói. “Thậm chí không thể sử dụng nó để rửa chuồng heo, chứ đừng nói đến việc sử dụng nó để tưới cây.” Ông Trần nói: “Thế hệ của tôi, chúng tôi biết bơi trước khi biết đi. “ – “ Hồi đó đã kiếm ăn từ những con sông… và [có] những cánh đồng lúa, khi đi vào có thể bị lạc…” Nhưng giờ sông chết, lúa teo tóp. Gia đình ông ta phải thu hoạch sớm để dành số lúa ít ỏi còn lại.
WWF đang nghiên cứu một mô hình mới kết hợp lúa và nuôi trồng thủy sản, theo đó cả hai đều được canh tác trên cùng một vùng đất. Goichot cho biết theo mô hình này, các con đê có thể được mở ra, cho phép lũ lụt mang lại nhiều lợi ích, chẳng hạn như chất dinh dưỡng tự nhiên, kiểm soát sâu bệnh và bổ sung nước ngầm. Điều này sẽ làm giảm nhu cầu về nước, phân bón và thuốc trừ sâu. Cuối cùng, khối lượng gạo và thủy sản tuy lượng sản xuất sẽ giảm, nhưng giá trị của chúng sẽ cao hơn vì chúng có thể được phân loại là hữu cơ. .
Nhưng dù có làm đến đâu để thích ứng với xâm nhập mặn thì cũng phải giải quyết tận gốc căn nguyên của nó, nếu không tình hình sẽ tiếp tục trầm trọng hơn. Vấn đề này đã được chú ý và các nhà khoa học đã cảnh báo về nó trong thời gian dài hơn. Nếu lưu vực sông Mekong không chuyển hoàn toàn sang phát triển bền vững, thì tương lai sẽ rất ảm đạm.[6]
✻ Ủy Hội Mekong kêu gọi hợp tác quản lý nước tốt hơn khi hạn hán vẫn tiếp diễn
Theo bản văn do hãng tin Anh Reuters loan tải ngày 13.1.2022 – Ủy Hội sông Mekong liên chính phủ (MRC) hôm thứ Năm đã kêu gọi Trung Quốc và các nước Đông Nam Á phối hợp quản lý tốt hơn các đập và hồ chứa thủy điện ở Mekong sau ba năm dòng chảy thấp kỷ lục và tình trạng khô hạn càng trầm trọng thêm.
Một báo cáo mới của MRC cho thấy dòng chảy của sông Mekong giảm xuống mức thấp nhất trong hơn sáu thập kỷ từ năm 2019 đến năm 2021 do số lượng hồ chứa, đập và trữ nước khác tăng lên, tình hình khí hậu ngày càng xấu đi và lượng nước mưa thấp bất thường.
Tình trạng khô hạn trong ba năm qua đã ảnh hưởng đến giao thông đường thủy, hệ sinh thái sông và sự ổn định của bờ sông trong khu vực nơi hàng chục triệu người phụ thuộc vào sông Mekong để kiếm sống.
Ủy Hội MRC – trong đó Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam là thành viên – khuyến nghị chính phủ các nước này tăng cường phối hợp vận hành các đập thủy điện và tích nước ở lưu vực sông Mekong để giảm bớt tác động của hạn hán. “Sự hợp tác là điều cần thiết, không chỉ từ Trung Quốc mà từ tất cả các nước thành viên MRC, để cùng giải quyết vấn đề này,” An Pich Hatda, Giám đốc điều hành của MRC cho biết. Có ít nhất 13 đập dọc theo 4.350 km (2.700 dặm) sông Mekong, 11 trong số đó ở Trung Quốc.
Các nhà chức trách Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam và Trung Quốc đã không trả lời ngay lập tức (13.1.2022) yêu cầu bình luận về lời kêu gọi của MRC. Năm ngoái (2021), Ủy Hội đã kêu gọi chia sẻ dữ liệu nhiều hơn về hoạt động thủy điện giữa Trung Quốc và các nước thành viên MRC để cải thiện việc quản lý lưu vực sông.[7]
Đào Văn
Nguồn:
[1]- Ủy Hội sông Mêkông: State of the Basin Report 2010 Summary.pdf
[2]- Hãng tin Reuters: Is China to blame for the Mekong drying up?
[3]- Ủy Hội sông Mêkông:The effects of Chinese dams on water flows in the Lower Mekong Basinn
[4]- Stimson Org.: hMekong Dam Monitor
[5]- Global Times,TQ:Chinese dams not to blame for low Mekong water level
[6]- Hãng tin Al Jazeera:The great salt drought desiccating Vietnam’s Mekong Delta
[7]- Hãng tin Reuters: Mekong group urges better water management collaboration as record drought persists