Danh Nhân Nước Việt: DANH SƯ VÕ TRƯỜNG TOẢN (Việt Thái)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Sinh tiền giáo huấn đắc nhân, vô tử nhi hữu tử.
Một hậu thịnh danh tại thế, tuy vong giả bất vong.

Có nghĩa là:
Lúc sống, dạy dỗ được người, không con mà như có.
Tiếng tăm để lại, thân xác tan biến mà danh vẫn còn.

Đó là hàng chữ trên đôi liễn trong Văn miếu Vĩnh Long để tưởng niệm người thầy mang tên Võ Trường Toản của các môn sinh tại miền Nam VN.
Võ Trường Toản quê quán ở miền Trung, vào Đồng Nai, Gia Định, lập nghiệp theo làn sóng di cư kể từ năm 1623.

Võ Trường Toản hiệu là Sùng Đức, sinh năm 1709, mất ngày 27/7/1792. Không chỉ là nhà giáo, ông còn là một nhà thơ. Do những biến cố lịch sử, những sáng tác của ông hầu như bị thất lạc, chỉ còn lưu giữ một bài phú “Hoài cổ” với 24 đối câu.

Khi giảng với học trò về sách Đại Học, trong Tứ Thư, ông nói: “Sách Đại học có một nghìn bảy trăm chữ, tán ra gồm vô số sự vật, tóm lại còn 200 chữ, tóm nữa thì còn một chữ, tóm lại nữa, một chữ cũng không”.

Đại ý ông căn dặn học trò rằng, cần thấu triệt nội dung của cuốn sách, chứ không nên học từng câu, từng chữ như con vẹt. Cách dạy này gọi là “Tri ngôn dưỡng khí”. Tri ngôn là hiểu lời, còn dưỡng khí là nuôi dưỡng khí phách, muốn có được khí phách phải lập nghĩa, tức là làm việc nghĩa cống hiến cho đời.

Ông được xem là một nhà giáo Việt Nam nổi tiếng “học rộng, có thực tài và đức hạnh hơn người” vào thế kỷ thứ 18. Lúc mất, ông được vua Gia Long ban danh hiệu là “Gia Định xử sĩ, Sùng Đức Võ tiên sinh” để ghi lên mộ. Hiện trong Tụy Văn Lâu nằm trong khuôn viên Văn Thánh Miếu Vĩnh Long có đặt bài vị thờ ông.

Và vào năm 1852, chuẩn theo lời tâu của cụ Phan Thanh Giản, vua Tự Đức ban chỉ “lập đền thờ, cấp ruộng để lo nhang khói, mỗi năm cúng tế” tưởng nhớ công lao của Võ Trường Toản.

Lúc đầu, ông được an táng tại Hòa Hưng nhưng sau khi Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông vào năm 1862, vì không muốn để mộ ông nằm trong vùng cai quản của quân Pháp nên

cụ Phan Thanh Giản, Nguyễn Thông, Phạm Viết Chánh và nhiều sĩ phu quyết định cải táng, đưa hài cốt ông về Ba Tri, Bến Tre vào ngày 28 tháng 3 (âm lịch) năm 1867 và đích thân Nguyễn Thông, Đốc học Vĩnh Long thay mặt các nho sĩ làm chủ lễ.

Khu mộ của ông được người ở xã Bảo Thạnh gọi là “khu mộ ông Hậu Tổ”, vì ông là người có công truyền dạy luân lý đạo đức ở vùng đất Đồng NaiGia Định.

Trước năm 1975, ở miền Nam có nhiều con đường và trường học mang tên Võ Trường Toản để tưởng nhớ một người có công đào tạo nhân tài cho đất nước.

*****

Gia Định tam bảo là 3 người nổi tiếng ở cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19 đều là học trò của Võ Trường Toản gồm Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhơn Tĩnh. Thơ văn của 3 người này được in thành sách Gia Định tam gia thi tập còn lưu truyền đến hôm nay.

Trong khi đó, nhóm thi văn Tao Đàn Hội Sơn ở Sài Gòn ngày xưa cũng từng là học trò của ông gồm có: Chỉ sơn Trịnh Hoài Đức, Hối sơn Phạm Ngọc Uẩn, Nhữ sơn Ngô Nhơn Tĩnh, Kỳ sơn Diệp Minh Phụng. Từ những học trò đỗ đạt cho đến những người thế hệ sau như Nguyễn Đình Chiểu, Huỳnh Mẫn Đạt, Phan Văn Trị, Bùi Hữu Nghĩa, Trương Định, Nguyễn Hữu Huân.v.v. đều chịu ảnh hưởng về đạo đức, sĩ khí của ông nên đã giữ tròn tiết tháo khi nước nhà bị xâm lược.

Trong bài phú Hoài cổ, nhà giáo Võ Trường Toản muốn ký thác quan niệm về đời, về người, mà ông đã chứng kiến trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động. Ông muốn “ôn chuyện cũ” để giáo huấn người đời về “lòng nhân nghĩa” với ý niệm “trong sự thăng trầm, biến đổi xã hội, chỉ có lòng nhân nghĩa mới là cái trường tồn đích thực”.

Trong thời gian bị thực dân Pháp đô hộ, triều đại nhà Nguyễn tuy bị phê phán khá nặng nề, nhưng ít nhất vẫn có nhiều điểm sáng chói hơn tập đoàn lãnh đạo Cộng Sản hiện nay đã đẩy đất nước vào sự lạc hậu, băng hoại về đạo đức và suy đồi về mọi lãnh vực.

Tệ hơn thế nữa là giới quan lại cộng sản đã cấu kết với các gian thương Tàu Cộng để bóc lột giới nông dân và công nhân tàn bạo gấp trăm lần thời Pháp thuộc, đây là một bất hạnh lớn cho dân tộc.

Thê thảm hơn nữa là chẳng những đảng CSVN không mở mang thêm được một tấc đất nào cho đất nước mà còn ươn hèn lén lút dâng hiến hàng loạt đất đai và biển đảo cho phương Bắc.

Thay vì dùng lòng nhân nghĩa như nhà giáo Võ Trường Toản để kêu gọi toàn dân vùng lên chống Tàu Cộng, mang lại nền tự chủ cho dân tộc, triều đình thối nát cộng sản ở Ba Đình lại nhẫn tâm đẩy nước Việt vào vòng Bắc thuộc mới!

Với truyền thống chống ngoại xâm và ý chí sinh tồn của dân tộc, người dân Việt hiện không còn có sự lựa chọn nào khác hơn là cùng vùng lên, nhanh chóng lật đổ chế độ độc tài cộng sản mới tránh được thảm họa mất nước đang cận kề.

Việt Thái