CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP CỦA DANH CA THÁI THANH (1934-2020)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Danh ca Thái Thanh được mọi tầng lớp khán giả, các nghệ sĩ và giới nghiên cứu âm nhạc xưng tụng là tên tuổi lớn nhất trong số những ca sĩ của tân nhạc Việt Nam. Bà được nhà văn Mai Thảo gọi là “Tiếng hát vượt thời gian”, và danh hiệu này đã đi liền với cuộc đời và sự nghiệp của bà. Nhiều người cũng gọi Thái Thanh là “đệ nhất danh ca” của âm nhạc Việt Nam.
Ca sĩ Thái Thanh tên thật là Phạm Thị Băng Thanh, sinh năm 1934 tại Hà Nội trong gia đình có truyền thống văn nghệ. Cha của bà là ông Phạm Đình Phụng, một người rất giỏi về nhạc cổ truyền. Ông có 2 vợ, vợ trước sinh ra Phạm Đình Sỹ và Phạm Đình Viêm, vợ sau sinh ra Phạm Thị Quang Thái (ca sĩ Thái Hằng), Phạm Đình Chương và con út là Phạm Thị Băng Thanh.
Ông Phạm Đình Sỹ là cha của ca sĩ Mai Hương, còn Phạm Đình Viêm chính là ca sĩ Hoài Trung trong ban Thăng Long. Ba chị em Thái Hằng, Phạm Đình Chương, Thái Thanh đều có đóng góp rất lớn đối với nền âm nhạc Việt Nam.

Thái Thanh – Phạm Đình Chương và Thái Hằng lúc nhỏ

Năm 1946, khi được 12 tuổi, Thái Thanh cùng gia đình tản tư về vùng kháng chiến Chợ Đại – Thanh Hóa và bắt đầu tham gia ca hát khi mới được 14 tuổi. Theo bà kể lại thì khi đó nhạc sĩ Phạm Duy muốn có cớ để lấy điểm với người đẹp Thái Hằng nên đặt lời Việt cho ca khúc Dòng Sông Xanh để cô bé Thái Thanh hát mới 14 tuổi hát.
Tuy nhiên cơ duyên với âm nhạc của Thái Thanh đến từ trước đó, khi mới 12 tuổi. Lúc đó anh trai bà là Phạm Đình Chương chơi thân với ông Nguyễn Cao Kỳ (sau này trở thành phó tổng thống). Hai người là bạn học, và Nguyễn Cao Kỳ thường đến nhà Phạm Đình Chương để cùng đánh đàn. Một hôm Phạm Đình Chương đã kéo Thái Thanh ra dạy hát để 2 ông luyện đệm đàn.

Với ảnh hưởng từ nhạc cụ dân tộc của cha mình, danh ca Thái Thanh đã tự luyện âm theo lối chầu văn, hát chèo, vì thế tiếng hát của bà có sự luyến láy giống như các làn điệu dân ca vùng Bắc Bộ. Sau khi vào Nam, bà được anh rể là nhạc sĩ Phạm Duy (vốn là một ca sĩ tân nhạc nổi tiếng thập niên 1940) và anh trai là nhạc sĩ Phạm Đình Chương chỉ dẫn thêm, ngoài ra bà tự học từ sách nhạc tiếng Pháp nên tiếng hát đặc biệt của bà là hòa trộn giữa chất opera của phương Tây và chất dân ca dung dị của Việt Nam. Giới phê bình đánh giá âm vực trong lời ca của Thái Thanh độc nhất vô nhị, từ cách luyến láy da diết tình quê cho đến giọng ngân du dương sang trọng.

 

Băng Nhạc Tơ Vàng 4 – Tiếng Hát Thái Thanh

Vào thập niên 1940, có rất ít nơi dạy thanh nhạc bài bản, tuy nhiên giọng hát của Thái Thanh được đánh giá là xuất sắc nhất hoàn toàn nhờ tài năng thiên phú, cộng với việc tự học miệt mài.

Trong thời kỳ đầu của sự nghiệp, Thái Thanh thường hát chung với chị là Thái Hằng ở khắp các chiến khu của Việt Minh. Tuy là những văn công của lực lượng kháng chiến nhưng tiếng hát của Thái Thanh, Thái Hằng vẫn được phát song ở đô thị trên đài Pháp Á – một đài phát thanh do Pháp thành lập.

 

Đến năm 1951, Thái Thanh theo gia đình anh chị là Thái Hằng – Phạm Duy vào lập nghiệp ở Sài Gòn. Tại đây bà tiếp tục đi hát với các bài hát chủ đề về quê hương, tình tự dân tộc và tình cảm đôi lứa. Giọng hát của bà rất thích hợp với các loại nhạc đa dạng của nhạc sĩ Phạm Duy, từ những bài nhạc kháng chiến, nhạc quê hương, nhạc tình, nhạc xã hội, cho tới các bản trường ca đều được bà để lại dấu ấn lớn. Bên cạnh đó, Thái Thanh cũng là ca sĩ hát thành công rất nhiều ca khúc tiền chiến xưa, hay nhạc tình đương thời của các nhạc sĩ trẻ hơn. Thái Thanh cũng hát thành công nhiều ca khúc nhạc vàng như Một Mai Giã Từ Vũ Khí (Trịnh Lâm Ngân), Bài Hương Ca vô Tận (Trầm Tử Thiêng), Thôi (Y Vân – Nguyễn Long), Sang Ngang (Đỗ Lễ)…  Khi được hỏi về dòng nhạc vàng, vốn bị người khác gọi là “sến”, danh ca Thái Thanh đã trả lời thẳng thừng như sau:

Dùng chữ “sến” để chỉ những bài nhạc đó là thiếu lịch sự, và chắc chắn là tôi có hát những bài thuộc loại này. Ngày xưa, có một ông nhạc sĩ, nay đã mất rồi, tôi không nhớ rõ tác giả nào, nói với tôi thế này: “Thái Thanh ạ, nếu có một loại nhạc gọi là nhạc sến thì tôi xin làm sến, vì Thái Thanh mới trình bày một bài hát với hình ảnh đẹp đẽ quá, tươi tắn quá, và nếu tôi là sến thì tôi sẽ may cái áo thật đẹp để mặc”.

 

Có một điều đặc biệt là cái tên Thái Thanh cũng được các nhạc sĩ đưa vào trong lời bài hát: Phòng trà nghỉ chân nghe Thái Thanh ca Biệt Ly… (Giọt Buồn Không Tên – Anh Bằng) hay Đâu quầy hoa quán nhạc đêm về, đâu rộn ràng giọng hát Thái Thanh… (Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên – Nguyễn Đình Toàn).

Giọng hát Thái Thanh luôn hiện diện ở đỉnh cao kể từ khi bà lập nghiệp ở Sài Gòn từ thập niên 1950 cho đến những ngày cuối cùng của làng văn nghệ VNCH năm 1975. Tiếng hát của bà xuất hiện trên khắp các chương trình ca nhạc truyền thanh, truyền hình, các đại nhạc hội và cả phòng trà. Thái Thanh cũng thu âm trong rất nhiều dĩa nhựa và băng magnetic.

Ban Thăng Long lúc bao gồm đầy đủ các anh chị em và dâu rể: Phạm Duy, Hoài Bắc, Hoài Trung, Thái Hằng, Khánh Ngọc, Thái Thanh

Ngoài vai trò là ca sĩ độc lập, Thái Thanh còn tham gia trong ban Thăng Long – là ban hợp ca nổi tiếng của Sài Gòn trước năm 1975, bao gồm 3 ca sĩ chính là Thái Thanh cùng 2 người anh ruột Hoài Trung Phạm Đình Viêm và Hoài Bắc Phạm Đình Chương. Ngoài ra ban nhạc này còn có sự tham gia của Thái Hằng, Phạm Duy và Khánh Ngọc (vợ của Phạm Đình Chương). Thực ra, những anh chị em nhà họ Phạm này đã hát hợp ca từ khi còn ở chiến khu, và họ chọn cái tên Thăng Long – vốn là tên của quán nước/quán ăn do cha mẹ họ mở vào thời điểm đó tại vùng tản cư Thanh Hóa.

 

Sau khi vào Sài Gòn, danh ca Thái Thanh và ban Thăng Long cùng 1 số nghệ sĩ khác là Khánh Ngọc, Trần Văn Trạch, Võ Đức Thu có 1 thời gian lấy tên là ban Gió Nam (làn gió ở phương Nam) để quay ngược lại và biểu diễn tại Hà Nội trong khoảng thời gian trước năm 1954.
Cũng trong những lần trình diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội trong thời gian này, tài tử Lê Quỳnh – lúc đó còn chưa nổi danh – đã trốn vé vào xem giọng hát mà ông hằng mến mộ – Thái Thanh. Sau này di cư vào Sài Gòn, khi Lê Quỳnh đã trở thành một tài tử nổi tiếng, họ đã gặp nhau và kết hôn năm 1956. Sau khi có với nhau 5 người con, họ chia tay năm 1965, nhưng Thái Thanh cho biết mối quan hệ của họ sau ly hôn vẫn tốt đẹp, thậm chí vợ sau của tài tử Lê Quỳnh cũng rất yêu mến bà.

Băng Nhạc Tiếng Hát Thái Thanh 1 

Sau thời điểm biến cố năm 1975, Thái Thanh tạm dừng sự nghiệp ca hát của mình. Thời điểm đó chính quyền mới đã vận động và mời bà hát những ca khúc nhạc cách mạng, nhưng bà từ chối. Từ đó bà bị cấm hát trên quê hương đúng 10 năm. Đi hát là nghề duy nhất của Thái Thanh, nhưng không đi hát được thì không có tiền để mưu sinh, bà phải bán lần lượt các đồ trong nhà và nữ trang đã tích góp được trong nhiều năm trước đó để nuôi con, trong đó có người con út bị liệt nửa thân dưới.

 

Thái Thanh phải sống như vậy trong 10 năm, đến năm 1985 thì sang đoàn tụ với gia đình tại Hoa Kỳ. Từ lúc này, bà mới khởi đầu lại sự nghiệp âm nhạc lẫy lừng tại hải ngoại với rất nhiều CD nhạc được phát hành, nổi tiếng nhất là các album Thái Thanh Hải Ngoại do trung tâm Diễm Xưa phát hành. Bà cũng tham gia nhiều đêm diễn âm nhạc, xuất hiện trong các chương trình đại nhạc hội Paris By Night. Tại quận Cam, bà cùng với nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi từng mở ra một lớp dạy hát.

 

Thái Thanh được biết đến như là một đệ nhất danh ca, nhưng trong gia đình, ít người biết rằng bà là một người mẹ hết lòng vì gia đình.

 

Thái Thanh lập gia đình với tài tử nổi tiếng Lê Quỳnh và sinh liên tiếp 5 người con, 3 gái, 2 trai. Đó là: Ý Lan (1957), Lê Việt (1958), Quỳnh Dao (tức ca sĩ Quỳnh Hương – 1960), Thanh Loan (1962) và Lê Đại (1964). Họ ly hôn năm 1965, và 5 người con đã lớn lên cùng với tình yêu thương cũng như với sự nghiệp vĩ đại của người mẹ.
Trong gia đình của Thái Thanh với 3,4 thế hệ đều có nhiều đóng góp lớn cho âm nhạc Việt Nam. Cha của Thái Thanh là ông Phạm Đình Phụng là một nghệ sĩ cổ nhạc. Các anh chị của bà đều là những tên tuổi lớn của tân nhạc: ca sĩ Thái Hằng, ca nhạc sĩ Hoài Bắc Phạm Đình Chương, ca sĩ Hoài Trung Phạm Đình Viêm. Anh rể là nhạc sĩ nổi tiếng Phạm Duy. Cháu ruột của bà cũng là những ca sĩ nổi tiếng: Mai Hương, Thái Hiền, Thái Thảo… Con của bà cũng là giọng ca tiêu biểu của hải ngoại là Ý Lan.

Thái Thanh và Ý Lan

Mặc dù thành công với nhiều thể loại nhạc và rất nhiều ca khúc của các nhạc sĩ khác nhau, nhưng tên tuổi của Thái Thanh vẫn luôn gắn liền với nhạc Phạm Duy. Đã có nhiều lần nhạc sĩ Phạm Duy thừa nhận rằng Thái Thanh đã nâng bổng nhạc của ông lên cao. Nhiều ca khúc của Phạm Duy được Thái Thanh thể hiện đúng chất và đúng tầm hơn hẳn những ca sĩ khác cùng thời.

Thái Thanh hát nhạc Phạm Duy trước năm 1975 

Thái Thanh tuy không sở hữu sắc đẹp xuất sắc, nhưng dung mạo dễ nhìn cùng với giọng hát đỉnh cao của bà đã chinh phục được tất cả mọi tầng lớp, bên cạnh đó bà cũng trở thành người trong mộng của nhiều nam nhân thời đó, trong đó có 2 nhân vật nổi tiếng của văn nghệ miền Nam là nghệ sĩ Trần Văn Trạch và nhà văn Mai Thảo.

 

Đến năm 2000, Thái Thanh bị tai biến não phải nằm viện. Cho dù sau đó thuyên giảm nhưng bà quyết định giải nghệ năm 2002 sau một đêm diễn cùng với các con cháu. Mặc dù vậy thời gian sau đó bà vẫn tham gia một số chương trình ca nhạc với vai trò đặc biệt. Đó là tái xuất trên Paris By Night năm 2004 cùng với con gái Ý Lan song ca 2 ca khúc Bài Ca Sao – Nụ Tầm Xuân.

 

Năm 2005, Thái Thanh hát trong đêm nhạc thính phòng mang tên “Vinh danh Thái Thanh, tiếng hát vượt thời gian” được tổ chức tại Montreal, Canada. Năm 2006, bà trở lại là nhân vật chính trong đêm nhạc “Thái Thanh và ba thế hệ”.
Sau một thời gian dài bị đau yếu vì nhiều chứng bệnh, danh ca Thái Thanh đã qua đời vào 11h50 phút tại hạt Orange, Nam California, Hoa Kỳ với sự tiếc thương của hàng triệu khán giả hâm mộ.

Đông Kha (nhacvangbolero.com)
https://phailentieng.blogspot.com/2020/03/cuoc-oi-va-su-nghiep-cua-danh-ca-thai.html?fbclid=IwAR3XcXY-97byXMvPvNCFD6QgzE8b6KFk3IR96NOD1Sn3JWUiEgeR4MVN44Q