Sau hơn 10 năm đấu tranh bền bỉ và có chiến lược, các giáo dân Cồn Dầu vừa đạt mốc cuối của chiến dịch “Cứu Cồn Dầu”: bảo vệ sự trường tồn của xứ đạo.
Nhà thờ Cồn Dầu sẽ được bảo bọc bởi 200 hộ gia đình giáo dân, tạo nên một giáo xứ thu gọn về địa lý nhưng phồn thịnh và có ảnh hưởng toả rộng hơn xưa. Chính sách của Thành Phố Đà Nẵng dưới thời của Ông Nguyễn Bá Thanh nhằm xoá sổ giáo xứ gần 150 tuổi này đã hoàn toàn bị đẩy lùi.
Đầu năm nay, chính quyền Đà Nẵng bắt đầu cấp những lô đất quanh nhà thờ Cồn Dầu cho các giáo dân quyết tâm tranh đấu bảo vệ xứ đạo. Tổng cộng có khoảng 170 lô đất được quy hoạch quanh nhà thờ cho họ. Khoảng 100 lô đã cấp cho 50 hộ, và những căn nhà mới đang được xây cất — mỗi hộ thường bao gồm nhiều đơn vị gia đình trước đây sống chung một nhà. Ngoài ra, mỗi gia đình còn nhận được 3 đến 4 lô đất ở khu tái định cư, cách giáo xứ Cồn Dầu 2 – 3 cây số. Tổng cộng trị giá của 170 lô đất quanh nhà thờ là khoảng 50 triệu Mỹ kim theo giá thị trường, và số đất nơi tái định cư là trên 120 triệu Mỹ kim theo giá thị trường.
Các lô đất quy hoạch theo hình chữ L bao quanh nhà thờ
Hộ của Bà Nguyễn Thị Hải là một biệt lệ: 5 gia đình nhận được 8 lô, 1 ở gần nhà thờ và 7 nơi tái định cư. Trị giá đất của lô gần nhà thờ khoảng 360 nghìn Mỹ kim và mỗi lô nơi tái định cư khoảng 250 nghìn Mỹ kim. Trị giá tổng cộng hơn 2 triệu Mỹ kim. Cuối năm 2018, nhân chuyến đi Hoa kỳ thăm con, Bà Hải đã được BPSOS sắp xếp để tiếp xúc với Bộ Ngoại Giao và Uỷ Hội về Tư Do Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ.
Bà Nguyễn Thị Hải ở Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, ngày 7/11/2018 (ảnh BPSOS)
Bà Nguyễn Thị Hải tại Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, ngày 7/11/2018 (ảnh BPSOS)
Có 11 hộ được cấp đất nhưng chưa chấp nhận vì số lô không đủ cho từng gia đình xây nhà sống riêng; dù còn 70 lô đã được quy hoạch mà chưa phân phối, chính quyền vẫn giằng co, không đáp ứng đòi hỏi của những hộ này.
Tái định cư “tại chỗ” là điều kiện sống còn cho giáo xứ Cồn Dầu. Khi Ông Nguyễn Bá Thanh, Tỉnh Uỷ Đà Nẵng, ra lệnh di dời toàn bộ giáo dân để lấy đất xây khu “du lịch sinh thái”, các giáo dân đồng ý trao đất cho nhà nước với yêu cầu là cho họ rút về sinh sống quanh nhà thờ để duy trì giáo xứ.
Bà Nguyễn Thị Hải trước căn nhà đang xây trên lô đất cạnh nhà thờ Cồn Dầu, ngày 19/05/2021
Ngày 4 tháng 5, 2010 chính quyền Đà Nẵng đưa lực lượng công an và cảnh sát cơ động tấn công khi cả giáo xứ đang đưa đám một giáo dân cao tuổi mới qua đời.
Trên một 100 giáo dân bị thương tích bởi bạo lực của lực lượng tấn công; 2 phụ nữ bị sảy thai; 62 giáo dân bị bắt và tra tấn nhiều ngày; 1 giáo dân bị tra tấn đến chết; 6 giáo dân bị xử án tù; gần 150 giáo dân phải chạy sang Thái Lan và Mã Lai lánh nạn.
Sau cuộc khủng bố này, 2/3 giáo dân chấp nhận di dời vì sợ hãi; 1/3 quyết tâm ở lại để bảo vệ xứ đạo trước các đòn thù liên tục của chính quyền Đà Nẵng.
Số giáo dân chạy được đến Thái Lan và Mã Lai ngay lập tức nhận được sự can thiệp của văn phòng pháp lý của BPSOS ở Bangkok và ở Kuala Lumpur.
Tháng 7 năm 2010, BPSOS cùng với nhóm vài chục gia đình giáo dân Cồn Dầu đã định cư lâu năm ở Hoa Kỳ phát động chiến dịch “Cứu Cồn Dầu”, gồm 5 giai đoạn và 3 mục tiêu: (1) bảo vệ các người Cồn Dầu xin tị nạn ở Thái Lan và Mã Lai trước mối nguy bị hồi hương, (2) ngưng các cuộc đàn áp nhắm vào các giáo dân quyết tâm bảo vệ xứ đạo ở trong nước, (3) bảo đảm sự trường tồn của Giáo Xứ Cồn Dầu qua hình thức tái định cư “tại chỗ”.
Mục tiêu thứ nhất đã đạt được sau vài năm. Trên 130 giáo dân Cồn Dầu đã định cư Hoa Kỳ; hầu hết đã trở thành công dân Mỹ. Mục tiêu thứ hai cũng đạt được rất sớm, nhờ sự quan tâm và can thiệp mạnh mẽ và bén nhạy của quốc tế — chính quyền Đà Nẵng đã ngưng hẳn các hành vị bạo lực. Mục tiêu thứ 3, là mục tiêu khó khăn nhất, nay cũng xem như hoàn tất.
Dãy nhà của giáo dân đang xây quanh nhà thờ Cồn Dầu, ngày 21/05/2021
Với 170 lô đất được quy hoạch cho giáo dân tái định cư tại chỗ, cộng thêm khoảng 30 lô mà một số giáo dân sau khi đã dời sang vùng tái định cư quay trở lại và tự bỏ tiền mua, sẽ có khoảng 200 căn nhà bao quanh nhà thờ Cồn Dầu, tạo nên một cộng đồng với khoảng 1 nghìn giáo dân, đủ để bảo đảm sự hiện hữu của giáo xứ một cách dài lâu.
Không những thế, 2/3 số giáo dân đã tái định cư đến vùng đất mới, cách giáo xứ Cồn Dầu khoảng vài cây số, vẫn đi lễ tại nhà thờ Cồn Dầu mỗi Chủ Nhật và các dịp lễ trọng. Một số giáo dân Công Giáo ở nơi khác dọn đến ở Cồn Dầu cũng đi lễ tại nhà thờ này.
Các giáo dân Cồn Dầu định cư tị nạn ở Hoa Kỳ cùng với vài chục gia đình Cồn Dầu đã định cư từ lâu tạo nên một cộng đồng Cồn Dầu ở hải ngoại khá hùng hậu. Họ đã góp phần vận động quốc tế, động viên tinh thần các giáo dân nơi quê nhà, và yểm trợ tài chánh cho công cuộc đấu tranh bền bỉ của thân nhân ở trong nước. Khá nhiều gia đình định cư ở Hoa Kỳ cũng đã nhận được các lô đất bồi thường. Họ nhận đất và giao lại cho thân nhân còn ở lại sử dụng.
Các căn nhà xây gần xong, ngày 21/05/2021
Có lẽ chính quyền Đà Nẵng biết về kế hoạch của BPSOS là kiện ra toà án Hoa Kỳ một số cơ quan hoạt động thương mại của nhà nước liên quan đến vụ Cồn Dầu. Đơn kiện, với sự hỗ trợ của Trung Tâm Nhân Quyền của Luật Sư Đoàn Hoa Kỳ, đã được thảo xong, chỉ chờ chọn hãng luật đại diện để nạp vào toà. Có thể nội dung của đơn kiện này đã bị rò rỉ.
Cuộc đấu tranh bền bỉ của 1/3 số giáo dân Cồn Dầu quyết tâm bảo vệ xứ đạo còn đạt một thành quả đáng kể nữa: Chính quyền Đà Nẵng trả lại cho nhà thờ Cồn Dầu khu đất 5 nghìn mét vuông mặt tiền, sẽ thuận tiện cho các sinh hoạt tôn giáo đông người. Trị giá của khu đất này ước tính là 12 triệu Mỹ kim theo giá thị trường.
Tuy mục tiêu cuối cùng đã đạt, giai đoạn cuối của chiến dịch Cứu Cồn Dầu vẫn chưa xong. Giai đoạn 5 này sẽ chỉ hoàn tất khi cả 11 hộ còn lại nhận đầy đủ các lô đất mà họ phải được hưởng một cách chính đáng. Trong số 11 hộ này có hộ của Bà Phan Thị Nhẫn ở Hoa Kỳ, một đương đơn trong đơn kiện đã thảo kể trên.
Cuộc vận động quốc tế vẫn tiếp tục; đơn kiện vẫn sẵn sàng để nộp vào toà.
Bài liên quan:
Chiến Dịch Cứu Cồn Dầu thắng lợi: Trả “đất vàng” lại cho dân