Nhà văn Cung Tích Biền tên thật Trần Ngọc Thao, sinh năm 1937 tại Thăng Bình, Quảng Nam. Từ 1970 là giảng viên Trường Sĩ Quan Hành Chánh Sài Gòn. Ông giải ngũ năm 1973 với cấp bậc Đại úy. Sau đó làm Giáo Sư Thỉnh Giảng Viện Đại Học Cộng Đồng Quảng Đà, Đà Nẵng.
Là một nhà văn độc lập, ông có truyện và thơ đăng trên các báo từ Năm 1958, với nhiều bút hiệu khác nhau lúc ban đầu như Chương Dương, Việt Điểu, Uyên Linh trước khi có bút hiệu Cung Tích Biền.
Bút hiệu Cung Tích Biền xuất hiện lần đầu tiên trên tuần báo Nghệ Thuật tháng 3-1966 tại Sàigòn, với truyện ngắn Ngoại Ô Dĩ An và Linh Hồn Tôi.
Nhanh chóng có truyện đăng trên hầu hết các nhật báo, tuần báo, tập san văn học nghệ thuật có giá trị, trước và sau 1975, trong và ngoài nước. Cung Tích Biền đang sống tại Đồng Ông Cộ, Sài Gòn, Việt Nam.
Cuộc đời thay đổi Trong câu chuyện với chúng tôi ngày hôm nay, nhà văn cho biết hoàn cảnh sống của ông trong lúc này, tức là sau hơn ba mươi năm sau ngày 30 tháng 4:
Nhà văn Cung Tích Biền : Tôi thì tôi sống khá bản lĩnh cho nên tôi luôn luôn bình tĩnh trước mọi việc dù đó là cái ám ảnh những sự khốn nạn, ngay cả bệnh hoạn như trong tình trạng tôi bị ung thư bây giờ chẳng hạn tôi cũng có sự chế ngự riêng. Có lẽ về mặt tâm linh tôi cũng khá tôi.
Mặc Lâm : Thưa ông, xin được phép chia sẻ với nhà văn những khó khăn mà ông gặp trong đời sống hàng ngày từ nhiều năm qua. Chúng tôi cũng xin cảm ơn ông tuy rằng rất là khó khăn song vẫn chấp nhận nói chuyện với chúng tôi trong chương trình Văn Học Nghệ Thuật ngày hôm nay. Thưa ông, với những khó khăn này thì làm cách nào mà ông và gia đình có thể vượt qua được khi ông chấp nhận tiếp tục cầm viết trong chế độ không cho phép xuất bản tác phẩm của mình?
Nhà văn Cung Tích Biền : Nói về sự khốn khổ ở đây thì vô cùng! Khốn khổ về vật chất thì tôi đã từng dạy con tôi từng sống với khốn nạn, cả nhà tôi cũng nói như vậy thôi. Cái khổ đó thì với chuyện đời nó cũng bình thường thôi. Có điều cái mà nó dằn vặt về trí não, về tâm linh, cái thất vọng về mặt tư tưởng, cái đó mới đáng làm cho mình bận tâm, thưa anh ạ. Sau 75 thì hoàn toàn có cái gì gần như đổ vỡ và tuyệt vọng!
Mặc Lâm : Được biết là ông đã có kinh nghiệm về giai đoạn chín năm trong vùng kháng chiến và cũng là người sau đó có mặt tại Miền Nam với một vị trí khá cao là giảng viên của Trường Sĩ Quan Hành Chánh Sài Gòn. Ông có so sánh gì về hai hoàn cảnh sống khác nhau này ạ?
Nhà văn Cung Tích Biền : Tôi đã từng sống 9 năm trong vùng kháng chiến và chính trong thời kháng chiến tôi cũng đi đánh đàn đánh nhạc, sống trong cái tâm trạng vui của tuổi trẻ, nhưng mà sau này nhìn lại tôi thấy như một giấc mộng vậy đó. Thành ra tôi ở cái ranh giới khó về lắm chứ không phải tôi sống hoàn toàn trong vùng quốc gia.
Sau này sống trong vùng quốc gia thì vừa trưởng thành vừa được dịp đi học, được mở rộng, được đi học thì mình được tiếp cận với một thế giới khác hơn.
Cuộc chiến bắt đầu thì tôi lại lâm vào đó, tôi phải đi lính trong quân đội cũ, rồi mình cũng phải tham dự vào những chuyện gọi là lý tưởng thì cũng không hoàn toàn phải là của lý tưởng, thất vọng thì hoàn toàn cũng không phải là thất vọng, bởỉ vì hồi đó chính quyền Miền Nam có cái dung dưởng được mình và mình cũng sống trong môi trưởng tương đối tự do: tự do viết, tự do sáng tạo, tự do in ấn.
Rồi ngay trong đời sống quân đội, dù có đi lính đi nữa thì cũng có cái thoải mái của quân đội. Thật sự chế dộ cũ cũng có vài cái mà có lẽ mình cũng không nên bàn vì anh em cũ họ cũng có thấy cái đó. Anh em ở chiến trường họ cũng thấy những cái vướng mắc, những cái u bướu trong một chế độ, chứ thật sự 20 năm, 21 năm Miền Nam cũng có cái rất vui, có những cái hạnh ngộ, có những đau buồn.
Hoàn cảnh xã hội
Mặc Lâm : Trong tác phẩm mang tên Bạch Hóa ông đã chia sẻ rất nhiều những cảm nhận sau khi hòa bình lập lại, tức là năm 75. Cho tới nay thì những nhận định này có thay đổi ít nhiều gì do hoàn cảnh xã hội hay không, thưa ông?
Nhà văn Cung Tích Biền : Tôi luôn luôn nghĩ cũng như anh em hồi đó sống trong khói lửa ai cũng mơ một đất nước thống nhất và hoà bình. Đó là cái giấc mơ chung, ước mơ chung, bởi vì thật sự không ai kham nổi cuộc chiến mà nó vượt sự phi lý, một cuộc nội chiến khó giải thích về cái điểm vô luân của nó như tôi viết trong Bạch Hoá.
Thành ra cái khao khát thật sự hồi đó là mong được hoà bình và đất nước thống nhất, rồi sau đó cái gì sẽ tính sau, bên nào cũng được nhưng mà phải ngưng tiếng súng cho bớt đổ máu, cho hoà bình, đất nước một nhà.
Nhưng cái thống nhất một nhà này là do của Hà Nội chứ không phải của Sài Gòn thành ra chúng tôi lại cũng gặp thêm một khổ nạn nữa, bởi vì bất cứ ở đâu thì chúng tôi cũng là người trong hàng ngũ chiến bại, không đầu hàng cũng bắt buộc phải buông súng.
Mặc Lâm : Ông có thể cho biết những hoạt động viết lách của ông sau Năm 1975 như thế nào không ạ?
Nhà văn Cung Tích Biền : Thời gian rất dài từ 75 đến 87 thì tôi không viết lách gì hết. Tôi không viết lách gì hết nhưng trong thời gian đó tôi cũng rất cẩn thận là vì tôi cũng không viết gì nữa hết chứ không phải là không viết lách.
Riêng mình cộng tác vớí chế độ mới thì thực sự thời gian đó tôi cũng không viết, không xuất hiện gì cả.
Mười hai năm sau, đến Năm 1987 thì tôi mới viết lại và truyện đầu tiên tôi viết là Mộng, rồi loạt truyện Dị Mộng, Qua Sông, Thằng Bắt Quỷ, một loạt đó được in. Rồi sau đó tập hợp xuất bản thành tập truyện Thằng Bắt Quỷ đó.
Mặc Lâm : Như ông vừa trình bày là ông có vài tác phẩm trong giai đoạn sau năm 1987, vậy cơ quan nào nhận in ấn hoặc xuất bản cho ông những tác phẩm này, thưa ông?
Nhà văn Cung Tích Biền : Một phần lớn truyện của tôi là như truyện Qua Sông, trưyện Thằng Bắt Quỷ, Dị Mộng đăng ngay tại Việt Nam , nhưng mà có vấn đề là vì đăng rồi thì Ban Biên Tập Sông Hương với lại Cửa Việt bị phê phán nặng lắm chứ không phải êm xuôi, nhưng có điều đặc biệt là đến sau nhiều năm, sau độ mấy năm đó, bảy tám năm gì đó, thì nhà xuất bản Hà Nội họ mới in lại Tuyển Tập Truyện Ngắn Việt Nam Thế Kỷ 20 thì không biết tại sao họ lại lấy cái truyện đó họ in vào đó anh à.
Mặc Lâm : Ông có biết gì về tin tức của những nhà văn đồng thời với ông như là Nguyễn Thụy Long hay Nguyễn Thị Hoàng…thì những người này đã được nhà nước đối xử với tác phẩm của họ như thế nào ạ?
Nhà văn Cung Tích Biền : Cái lớp cũ của chúng tôi thì còn lại ở trong nước như chị Nguyễn Thị Hoàng, anh Nguyễn Thuỵ Long, anh Dương Nghiễm Mậu. Anh Nguyễn Thuỵ Long có biết lại nhiều và có đăng trên Khởi Hành, tôi có đọc một loạt truyện anh đăng trên Khởi Hành đó. Chị Nguyễn Thị Hoàng thì sau có viết lại, có in ở Việt Nam một tập dưới dạng gần như hồi ký, rồi sau đó không biết thế nào mà chị lại không viết nữa.
Đặc biệt anh Dương Nghiễm Mậu thì ảnh không viết gì cả, nhưng vừa rồi có in 4 tập truyện của anh, chăc anh cũng biết cái tình hình đó. In ra thì cũng bị đánh lên đánh xuống vậy đó. Tức là cái lớp nhà văn cũ thì người viết lại đăng ở ngoài, người viết lại rồi lại không viết tiếp, người yên lặng rồi được in lại sách, nhưng mà cuốc cùng thì cũng nói chung theo cái từ bây giờ là “cũng có vấn đề”.
Mặc Lâm : Còn các tác giả trẻ mà tiểu sử của họ không có vấn đề, nổi bật như Nguyễn Ngọc Tư chẳng hạn, thì ông nhận thấy ra sao, thưa ông?
Nhà văn Cung Tích Biền : Cái lớp anh em họ xuất hiện về sau này, tôi không có đề cập đến quý vị nhà văn nhà nước, tôi không dám đề cập đến quý vị đó. Tuy không dám thế thôi, có một ẩn dụ chứ không phải là sợ đâu, là vì quý vị đó được nói tới nhiều quá thành thử tôi không cần thiết phải nhắc tới.
Tôi chỉ nói ra ở đây cái lớp trẻ, chẳng hạn quý vị các lớp trẻ mà cũng ở trong Hội Nhà Văn, rất là trẻ ví dụ như Trần Thuỳ Mai, cô Nguyễn Ngọc Tư, trong đó tôi thấy trội nhứt là Nguyễn Ngọc Tư.Cổ là người Nam, cổ rất là còn trẻ mà bút pháp rất là sắc sảo cũng nói lên được một số tình hình xã hội ở trong nước như thế này đây, nhưng mà khi cổ in ra thì cũng bị đánh lên đánh xuống vậy. Nhưng tôi thấy đây cũng là tài năng.
Trong cái toàn cảnh này thì không có ngòi bút nào viết hết nổi đâu anh ạ, kể cả những tài năng lớn cũng không thể viết hết, bởi vì nó có nhiều cái giới hạn quá đi.
Mặc Lâm : Có một lớp trẻ khác đã chọn cho họ con đường đối kháng bằng ngòi bút với chế độ, thì ông có ý kiến gì không, thưa ông?
Nhà văn Cung Tích Biền : Các anh em trẻ như anh Nguyễn Viện, anh Trần Tiến Dũng, hoặc là nhóm của anh Bùi Chát, Nguyễn Đợi thì tôi thấy nhóm đó là một nhóm tiến bộ và thật sự họ có tài năng, cộng thêm với tài năng là họ cũng khá can đảm.
Tất cả anh em đó sống trong nước này, thay vì các ảnh nghiêng người một chút thì sống ổn định hơn, nhưng mà các anh đó thì tôi thấy là tốt đấy, cũng thẳng lưng lên để đi và có những cái gì đương đầu thì tính sau, nhưng mà họ yêu chuộng tự do, dám viết. Tôi thấy điều đó thì tôi cũng rất là mong.
http://www.rfa.org/vietnamese/programs/LiteratureAndArts/WriterCungTichBien_MLam-07282008095254.html