Tôi sinh ra vào đầu thập niên 40, giữa lúc Thế Chiến Thứ hai đang bước vào giai đoạn quyết liệt, tại một quốc gia nhỏ bé nằm bên bờ Thái Bình Dương. Khi còn nhỏ, tôi đã học nằm lòng : Việt Nam là một nước hình chử S, chạy dài từ ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau, diện tích là 326.000 cây số vuông, dân số là 25 triệu người…. Bài học địa lý ấy, đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in. Thế Chiến kết thúc, trong khi trên quả địa cầu, các nước tham chiến đang băng bó lại các vết thương, thì nơi tôi ở người dân lại từ bước từ bước tiến vào một cuộc chiến tranh khác mênh danh Chiến Tranh Đông Dương mà không phải ai cũng tình nguyện bước vào. Độc Lập, người dân nào không ham, nhưng viễn ảnh của một lý thuyết vô thần và một chế độ độc tài săt máu, chiến tranh giai cấp giữa những người cùng một màu da, một tiếng nói còn ghê rợn hơn nạn thực dân. Sau hiệp định Genève, gia đình tôi theo đoàn người di cư bỏ hết gia sản do tổ tiên để lại, bỏ hết ruộng vườn và mồ mả ông cha, để đi vào Miền Nam rất xa lạ, với bàn tay trắng để lập lại cuộc đời. Tổ Quốc của tôi thu hẹp lại, chỉ còn kéo dài từ vỹ tuyến 17 đến Mũi Cà Mau, bao gồm thêm cả hai vùng Hải Đảo là Trường Sa và Hoàng Sa.Tổ Quốc tôi tên gọi Viêt Nam Cộng Hòa.Quốc Kỳ của VN Cộng Hòa là cờ vàng ba sọc đỏ và Quốc Ca là bài Tiếng Gọi Công Dân : Này công dân ơi, quốc gia đến ngày giải phóng….
Khi vận nước đến hồi bĩ cực, năm 1975, khi Thủ Đô Sài Gòn thất thủ, thì tôi còn ở trong quân đội. Những năm tháng sau đó là tù tội, vượt biên, rồi tha phương cầu thực, thời gian ấy nên được quên đi, vì nhắc chi ngày xưa ấy, chỉ thêm buồn lòng ta !!!
Sở dĩ ngày hôm nay ngồi viết lại bài này, chỉ vì mới đây có người nói với tôi : ‘‘ Bây giờ mở Tự Vị ra tra cứu , hay vào Internet, đánh chữ Việt Nam, chỉ còn thấy cờ đỏ sao vàng, hỏi làm sao một đứa trẻ học mẫu giáo có thể nhét được lá cờ vàng ba sọc đỏ vào đầu. Có phải phi lý không với em nhỏ đó ?? Gần nửa thế kỷ đã qua, sao chúng ta không chấp nhận sự thực, dẫu đau đớn cho chúng ta ’’
Anh bạn đã nêu ra câu hỏi đó không hoàn toàn vô lý. Anh chỉ là một người rất thực tế, nói có sách, mách có chứng. Nhưng này, anh bạn, cái quốc gia mà anh nói đến đó có tên Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
CHXHCNVN không phải là tổ quốc của tôi.
Về phương diện lãnh thổ, nó không phù hợp chút nào với 2 định nghĩa tôi nói tại đoạn mở đầu, không phải là từ ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau, cũng không phải từ vỹ tuyên 17 đến Mũi Cà Mau, và quốc gia đó không có hai vùng Hải Đảo, khi Phạm Văn Đồng đã công nhận HS và TS là của China.
Về phương diện pháp lý, không một người dân trong Miền Nam nào được hỏi ý kiến khi bỗng dưng bị gán cho cái nhãn hiệu là công dân CHXHCN Việt Nam.
Người Miền Nam không phải là trường hợp duy nhất trên thế giới này bị ép buộc nhận một quốc tịch mà họ không muốn. Trước họ, đã có người Tây Tạng, người Tân Cương, người Mông Cổ. Sau họ, đã có người Hồng Kông và có lẽ sẽ có Đài Loan. Từ 70 năm nay, tuy sống trong sự kìm kẹp, người dân Tây Tạng vẫn kiên trì chiến đấu . Nhiều người dân Tây Tạng, dân Hồi Giáo Tân Cương vẫn chấp nhận hy sinh tính mạng để trút bỏ cái quốc tịch China. Mới đây, 2 triệu người dân Hong Kong xuống đường. Tại sao chúng ta lại phải chấp nhận cờ đỏ sao vàng chỉ vì lẽ Liên Hiệp Quốc hay Larousse, hay Wikipedia chấp nhận nó ??
Một người thương binh VNCH hiện còn sống trong nước đã viết cho bạn những dòng chữ này, đọc xong, thấy buồn vô hạn :
Tao bị thương hai chân.
Cưa ngang đầu gối.
Vết thương còn nhức nhối.
Da non chưa kịp lành.
Ngày ‘‘Gi ải Phóng Miền Nam ‘‘.
Vợ tao ẵm tao như một đứa trẻ sơ sanh.
Ngậm ngùi rời Quân Y Viện.
Trong lòng tao chết điếng.
Thấy người Miền Bắc mang khẩu súng AK !
Súng Trung Cộng hay súng Nga.
Lúc này tao đâu cần biết.
Tao chiến đấu trên mảnh đất Tự Do Miền Nam-Nước Việt.
….,
Lâu lắm, tao nhớ mày quá chừng
Kể từ ngày mày được đi cải tạo.
Hàng thần lơ láo-Xót xa cảnh đời.
Có giúp được gì cho nhau đâu
Khi tất cả đều tả tơi..
(Trích Thơ Trang Y Hạ)
Thế đó.Hàng thần lơ láo. Người dân Miền Nam chiến đấu cho Tự Do, nhưng họ đành chịu đầu hang dưới họng súng AK, của Trung Cộng hay của Nga, không biết. Nhưng họ ‘‘ngậm ngùi”, họ ‘‘chết điếng” khi người Miền Bắc mang súng kéo vào ngày 29 tháng 4 năm 1975. Với tâm trạng đó, thử hỏi làm sao họ tự nguyện trở thành công dân của CHXHCN- VN ??
Bởi thế cho nên anh bạn, CHXHCN Viêt Nam không bao giờ là Tổ Quốc của tôi, của chúng tôi, những người Miền Nam, chiến đấu vì hai chữ tự do. Anh còn nói : Mấy chục năm nay, không thể chối cãi là họ có làm được một số điều tốt, dân chúng có dễ kiếm ăn hơn trước, đường xá có tiện lợi hơn trước. Tôi không phủ nhận những điều anh nói khi nhìn trên internet, facebook, những hình ảnh trong nước gởi qua. Thế nhưng bên cạnh đó, cũng có hình ảnh những bà mẹ già mếu máo, những phụ nữ bị ức hiếp đến nỗi phải tụt cả quần ra để chứng tỏ sự phẫn uất, và nhất là những người dân đánh chết cán bộ rồi vào tù hay tự sát. Và hạnh phúc đâu phải chỉ được chứng tỏ bằng cơm áo. Thà sống trong nghèo nàn nhưng cả nước nghèo, vẫn hơn là có cơm no áo ấm, mà có kẻ phè phỡn chẳng phải đổ ra một giọt mồ hôi nào, tôi muốn nói đến khoảng cách giữa người thân cô thế cô trong xã hội đối với những tên các bộ hay Hoàng Tử đỏ của Triều Đình Cộng Sản Việt Nam.
Không, CHXHCN Việt Nam không là Tổ Quốc của tôi, và cuộc tranh đấu phải được tiếp tục cho đến khi một Việt Nam khác thành hình. Và Viêt Nam này nhất định không phải là CHXHCH biến dạng hay làm cho tốt hơn. Phải Xoá nó đi, và làm lại, còn nếu không, với tôi, nó cũng chỉ bất quá là một đất nước tầm thường ở một xó xỉnh nào đó trên trái đất mà thôi. Đâu phải Tổ Quốc của tôi.
Trần Mộng Lâm.