CHUYỆN VỀ NHỮNG HẬU DUỆ VÀ TRUYỀN THỐNG GIA TỘC (Đoàn Thanh Liêm)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Từ xa xưa cha ông chúng ta vẫn thường nói: “Cha mẹ hiền lành để đức cho con”. Và trong dân gian, người ta cũng hay nhắc đến câu “Phúc đức ông bà”, hay câu “Nhờ âm đức tổ tiên” v.v… Những câu nói thông dụng này đều mang một ý nghĩa nòng cốt là: Lớp hậu sinh tức là người đến sau thì thường được thụ hưởng những điều tốt lành do cha mẹ, ông bà để lại cho thế hệ của mình. Vì thế mà có nhiều gia đình đã có những đóng góp lớn lao tích cực cho xã hội và được người đời xưng tụng là “danh gia vọng tộc”.
Ngược lại, cũng có trường hợp mà cha mẹ lại là người ăn ở bất lương thất đức, thì con cái sẽ phải gánh chịu những hậu quả xấu xa, tệ hại – như được diễn tả trong câu tục ngữ “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”. Nhiều gia thế lâm vào cảnh lụn bại thảm thương, mất hết uy tín trong xã hôi bởi vì có những người con gây ra những điều tàn bạo độc ác đối với bà con lối xóm. Do đó mà họ bị người đời khinh chê ghét bỏ và gọi đó là những thứ “nghịch tử”, “phá gia chi tử”.
Nhân dịp đầu xuân Bính Thân 2016 năm nay, tôi xin được góp phần trình bày về chuyện liên hệ giữa lớp hậu duệ với truyền thống gia tộc – dựa vào những tài liệu cụ thể qua những sách báo đã được phổ biến xưa nay.
Trước hết, xin kể chuyện về vài gia tộc đã định cư lập nghiệp lâu đời qua nhiều thế hệ trên đất Mỹ. Sau đó sẽ trình bày về một gia tộc ở Việt nam.
I – Về gia tộc của hai người Mỹ sinh sống cùng thời là ông Jonathan Edwards và ông Max Jukes
Jonathan Edwards (1703 – 1758) là một vị mục sư, học giả tinh thông cả khoa học, triết học lẫn thần học mà lại có một đời sống tâm linh đạo hạnh rất sâu xa vững chắc. Ông được sự quý trọng của giới trí thức đương thời ở Mỹ vào nửa đầu của thế kỷ XVIII. Qua đến thế kỷ XX, ảnh hưởng tinh thần đạo đức của ông vẫn còn có sức lôi cuốn đặc biệt đối với phong trào canh tân Thiên chúa giáo theo truyền thống Tin lành ở nước Mỹ.
Cha của ông là Timothy Edwards cũng là một vị mục sư ở Connecticut và mẹ của ông là Esther Stoddard cũng là con gái của vị mục sư Solomon Stoddard ở Massachusetts.
Bà vợ của ông là Sarah Pierpont thì là con của ông James Pierpont là người sáng lập Đại học Yale. Bà Sarah cũng còn được tiếng là một người rất đạo đức lành thánh. Ông bà Edwards có tất cả 11 người con.
Đặc biệt là ông bà để lại cho xã hội nước Mỹ một lớp hậu duệ gồm nhiều người vừa có tài năng nổi trội, vừa có đức hạnh đáng quý. Xin ghi chi tiết như sau đây.
11 – Hậu duệ của ông bà Jonathan Edwards
Vào năm 1900, tức là sau gần 150 năm kể từ ngày ông Edwards qua đời, thì  một tác giả tên là Albert E Winship cho ấn hành một cuốn sách có nhan đề là: “Jukes-Edwards: A Study in Education and Heredity”.
Trong cuốn sách này, tác giả cho biết đã tra cứu tìm hiểu đến 1,400 hậu duệ của ông bà Edwards và tìm thấy có đến hàng mấy chục vị là giáo sĩ, 13 vị làm Viện trưởng Đại học, 65 vị là giáo sư cùng nhiều vị có thành tích nổi trội khác nữa.
Xin kê khai một vài danh tính: Aaron Burr cháu ngọai là vị Phó Tổng Thống thứ ba của nước Mỹ phụ tá cho Tổng thống Thomas Jefferson, các nhà văn O. Henry và Robert Lowell, Đệ nhất Phu nhân Edith Roosevelt của Tổng thống Ted Roosevelt, các Viện trưởng Đại học Timothy Dwight, Jonathan Edwards Jr, và Merrill Edwards Gates v.v…
12 – Hậu duệ của ông bà Max Jukes.
Trái lại, tác giả cũng tìm hiểu 1,200 hậu duệ của một “nhân vật phản diện” là người cùng thời với ông Jonathan Edwards, đó là ông Max Jukes người gốc Hòa Lan ở New York. Xin chú ý: Cái tên “Max Jukes” này do tác giả đặt ra để thay thế cho tên thật của một người thuộc lọai xấu xa “tội lỗi” (guilty) – nhằm tránh gây bối rối phiền muộn cho gia tộc của chính đương sự. Và cũng vì thế mà tác giả đã không hề nêu rõ danh tính của bất kỳ người nào trong gia tộc của nhân vật “Max Jukes” này nữa. Tác giả chỉ ghi rõ bằng tiếng Anh thế này: “Max Jukes, a New York Dutchman”
Trong số hậu duệ của ông “Max Jukes” này, thì có đến trên 300 người thuộc lọai “nghèo khó chuyên nghiệp” (professional paupers), 50 phụ nữ xấu xa trắc nết (women of ill repute), 7 kẻ sát nhân (murderers), 60 trộm cắp thường xuyên (habitual thieves) và 130 tội phạm bị kết án khác nữa (convicted criminals) v.v…
Để bạn đọc có thêm ý niệm nhằm so sánh với các nhân vật có danh tiếng khác mà cũng sinh sống vào thế kỷ XVIII như Jonathan Edwards – tức là cách nay đã đến 3 thế kỉ – thì tại Việt nam phải kể đến nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, học giả Lê Quí Đôn; tại Pháp có những văn hào Rousseau, Voltaire, Montesquieu; tại Anh có triết gia David Hume, kinh tế gia Adam Smith v.v…
Sau 300 năm, thì số hậu duệ dàn trải trong 15 thế hệ (bình quân mỗi thế hệ cách nhau là 20 năm) của mỗi người trong các nhân vật này có thể lên đến hàng nhiều ngàn người. Nếu các nhà nghiên cứu mà ra công sức tìm kiếm các chi tiết về hậu duệ của những nhân vật xuất chúng đó, thì chắc chắn sẽ tìm ra được nhiều điều rất bổ ích lý thú vậy.
Tiếp theo, xin trình bày về một gia tộc ở Việt nam chúng ta.
II – Về ba thế hệ trong gia đình của nhà ái quốc Phan Châu Trinh tại Việt nam (1872-1926).
Vào đầu thế kỉ XX, lúc nước ta còn bị thực dân Pháp đô hộ, thì có hai nhà ái quốc rất nổi tiếng và được tòan dân kính phục mến chuộng, đó là các cụ Phan Bội Châu gốc ở Nghệ An và Phan Châu Trinh gốc ở Quảng Nam. Đã có rất nhiều tài liệu sách báo viết về hai nhân vật kiệt xuất này rồi, nên trong bài này, tôi chỉ viết riêng về ba thế hệ trong gia đình của cụ Phan Châu Trinh mà thôi.
21 – Thế hệ thứ nhất: Ông Bà Phan Châu Trinh và Lê Thị Tỵ.
Hai ông bà cưới nhau vào năm 1896 và sinh hạ được ba người con gồm một  con trai và hai con gái. Bà Lê Thị Tỵ sinh năm 1877 thua ông 5 tuổi, nhưng bà mất sớm vào năm 1914 ở tuổi chưa đến 40 – giữa lúc đó thì ông và người con trai lớn đang ở bên Pháp, còn hai người con gái thì hãy còn nhỏ tuổi. Được tin bà mất, ông Phan Châu Trinh vô cùng xúc động và làm một câu đối khóc bà bằng chữ Hán được dịch nghĩa như sau:
“Hai mươi năm cầm sắt vắng teo, dãi gió dầm mưa, nhìn ảnh làm chồng, một mực nuôi con lau lệ nóng.
Dưới chín suối bạn bè han hỏi, dời non lấp biển có ai giúp tớ, nhìn lo mình lão múa tay không”.
Ông cũng làm một câu đối thay cho con trai đang ở với ông để “khóc mẹ” giọng điệu thật là lâm ly thống thiết nguyên văn như sau:
“Con tưởng mẹ, mẹ ơi! Mẹ đau con chẳng biết, mẹ mất con chẳng hay, biển rộng trời cao, nghìn dặm luôn trông tin mẹ mạnh; 
Mẹ thương con, con rõ! Con ở mẹ nhọc lo, con đi mẹ nhọc nhớ, ơn dày nghĩa nặng, trăm năm đành để nợ con mang”.
Một người cháu trong gia đình có kể lại rằng: “Hồi cụ Phan còn đang làm quan trong triều đình tại Huế, thì đã có ý định cưới thêm một bà vợ khác theo như tập tục đa thê vẫn còn thịnh hành vào thời kỳ đó. Thế nhưng có lần ông cụ về thăm gia đình vẫn còn sinh sống tại miền quê ở Quảng Nam, thì thấy cụ bà đi làm ruộng về rất trễ, mà quần áo thì lấm lem xộc xệch, coi bộ thật lam lũ tất bật vất vả. Thấy vậy, ông cụ đâm ra cảm thương, mủi lòng và nhất quyết từ bỏ cái chuyện đi cưới thêm một bà vợ lẽ nữa. Vì thế mà ông cụ chỉ có một dòng con duy nhất mà thôi…”
22 – Thế hệ thứ hai: Những người con của ông bà Phan Châu Trinh.
Ông bà có tất cả ba người con gồm một con trai và hai con gái. Xin ghi chi tiết về từng người con như sau:
A – Con trai đầu Phan Châu Dật (1897 – 1921)
Vào năm 1911, ở tuổi 14 cậu Dật theo cha sang bên Pháp. Tại đây, cậu được đi học và nhờ siêng năng nên học hành tiến bộ, đã thi đậu văn bằng Tú Tài và còn chịu khó đi làm việc thêm để giúp cha nữa. Nhưng không may, cậu bị lao phổi và tuân theo lời cha vào năm 1919 thì về lại Việt nam để chữa bệnh và qua đời tại đây năm 1921. Cậu Dật chưa kịp lập gia đình, nên ông bà Phan Châu Trinh đã không có cháu nội.
B – Con gái lớn là Phan Thị Châu Liên (1901 – 1996)
Trong gia đình, bà Châu Liên còn có tên là Cô Đậu. Bà lập gia đình với giáo sư Lê Ấm là vị thày giáo nổi tiếng dạy học lâu năm tại Huế và Quy Nhơn. Bà là người sống thọ nhất (95 tuổi) trong số 3 người con của cụ Phan.
Vào năm 1914 khi bà cụ Phan Châu Trinh mất, mà ông cụ và anh trai Châu Dật còn ở bên Pháp, thì cô Đậu mới được 13 tuổi, ấy thế mà sau ít năm cô Đậu đã có thể lấy được tấm chồng danh giá là vị giáo sư được nhiều người tôn vinh là ông Đốc Ấm. Ông bà Lê Ấm sinh được nhiều người con, tất cả đều được học hành tươm tất.
Suốt thời kỳ của chính quyền quốc gia, ông bà vẫn ở miền Nam và không ai nói gia đình bà Châu Liên có gặp khó khăn gì với cơ quan an ninh cả – mặc dầu trong nhà ông bà lại có mấy người con lớn đi ra miền Bắc họat động cho cộng sản. Ông Lê Ấm mất ở Đà nẵng năm 1976 vào tuổi 80.
C – Con gái út là Phan Thị Châu Lan (1904 – 1944).
Bà con gái út Châu Lan này còn có tên là Cô Mè. Bà lập gia đình với ông Nguyễn Đồng Hợi gốc cũng ở Quảng Nam và là một tham tá công chánh (agent technique). Cũng giống người chị Châu Liên, bà Châu Lan mới được 10 tuổi khi mẹ mất vào năm 1914 và cha thì ở mãi bên nước Pháp – ấy thế mà sau này bà cưới được người chồng có trình độ chuyên môn và nghề nghiệp danh giá như ông Hợi – với việc làm bảo đảm trong cơ quan chính quyền Pháp ở Nam kỳ và Cambodia cho đến năm 1945. Ông bà có đông con mà sau năm 1954, thì hầu hết các con đi theo cha tập kết ra miền Bắc. Không may bà Châu Lan mất sớm vì bệnh vào năm 1944 lúc mới có 40 tuổi.
Còn ông Hợi, thì có tài liệu ghi là ông được kết nạp vào đảng cộng sản năm 1947 lúc còn ở miền Nam. Ông mất ở Hà nội năm 1969 vào tuổi 70.
23 – Thế hệ thứ ba: Các người cháu của ông bà Phan Châu Trinh.
Cụ Phan chỉ có 3 người con, nhưng mà lại có đến tất cả là 13 cháu ngọai là con của 2 người con gái Châu Liên và Châu Lan. Xin ghi ra những chi tiết về các người cháu ngọai này như sau.
A – Những người con của bà Phan Thị Châu Liên và ông Lê Ấm.
Ông bà Lê Ấm có tất cả 7 người con  gồm 1 trai và 6 gái với tên theo thứ tự lớn nhỏ như sau đây: Lê Thị Khoách, Lê Thị Kinh, Lê Thị Lộc, Lê Khâm, Lê Thị Sương, Lê Thị Chi và Lê Thị Trang.
Trong số này, có 3 người tập kết ra miền Bắc mà đặc biệt 2 người được nhiều người biết đến qua những việc làm và tác phẩm để lại. Ba người đó là bà Lê Thị Khoách, Lê Thị Kinh và Lê Khâm.
*Bà Khoách chị cả là giáo sư sinh ngữ ở Đà nẵng sau năm 1954. Do họat động theo cộng sản bị bại lộ, nên phải chạy ra ngòai Bắc và sau năm 1975 thì về làm trong ngành giáo dục ở Quảng Nam. Bà đã qua đời từ ít lâu nay.
*Bà Kinh sinh năm 1925, còn lấy tên là Phan Thị Minh đã giữ chức vụ Đại sứ tại Italia vào thời gian 1982 – 1990. Hiện nay đã nghỉ hưu. Bà được nhiều người biết đến gần đây vì là tác giả bộ sách lớn với nhan đề “Tuyển tập Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới” xuất bản vào năm 2000 – 2002.
*Ông Lê Khâm người con trai độc nhất, sinh năm 1930 là một nhà văn với bút hiệu là Phan Tứ. Ông lấy tên Tứ, vì hồi nhỏ trong nhà vẫn gọi ông là Bốn tức là người con thứ tư sau ba người chị. Nhà văn này được biết đến qua nhiều tác phẩm đã được xuất bản ở Hà nội. Ông qua đời năm 1995 ở Đà nẵng.
Còn lại 4 người con gái khác, thì họ vẫn ở miền Nam với cha mẹ và sinh họat làm ăn bình thường, tất cả đều phục vụ trong ngành Y tế của chánh phủ Việt nam Cộng hòa – mà không nghe nói có họat động gì liên hệ với cộng sản cả. Trong số này, hiện có bà Lê Thị Sương cùng gia đình định cư tại Mỹ theo người chồng là cựu sĩ quan của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
B – Những người con của bà Phan Thị Châu Lan và ông Nguyễn Đồng Hợi.
Ông bà Nguyễn Đồng Hợi có tất cả 6 người con gồm 2 con gái và 4 con trai với danh tính theo thứ tự lớn nhỏ như sau: Nguyễn Châu Sa, Nguyễn Đông Hà, Nguyễn Đông Hải, Nguyễn Châu Loan, Nguyễn Đông Hồ và Nguyễn Đông Hào.
Châu Sa sinh năm 1927, tên Sa là vì sinh ra ở Sa Đéc. Đông Hà, tên là Hà vì sinh ra ở Hà Tiên. Còn lại, thì tất cả đều sinh ở Cambodia. Hai người con lớn đều là cán bộ cộng sản có tên tuổi thường được khen tụng trong các sách báo tuyên truyền của chế độ cộng sản.
Đặc biệt là bà Nguyễn Châu Sa sau này đổi tên là Nguyễn Thị Bình với nhiều chức vụ lớn như Bộ Trưởng Ngọai Giao, Bộ Trưởng Giáo Dục và Phó Chủ Tịch Nhà Nước. Bà Châu Sa thành hôn với ông Đinh Khang cũng là một sĩ quan cán bộ cộng sản cao cấp trong quân đội (1923 – 1989). Hai vợ chồng có hai người con nay đều đã trưởng thành.
 Còn Nguyễn Đông Hà nằm vùng ở miền Nam và bị bắt giam ở Côn Đảo cho đến ngày 30/4/1975. Đông Hà đã qua đời ít lâu nay trong thập niên 1990.
Còn lại những người con khác trẻ hơn, thì họ đều theo cha ra ngòai Bắc và có người còn được đi du học ở ngọai quốc nữa.
Vào năm 1995, bà Phó Chủ Tịch Nước Nguyễn Thị Bình có đến thăm trại tù Z30D ở Hàm Tân, Phan Thiết. Nhưng cán bộ ở đó đã bố trí không đưa bà đến chỗ giam giữ tù nhân chính trị chúng tôi – mà chỉ đưa bà đến khu dành riêng cho các tù nhân phụ nữ mà thôi. Đó là lần duy nhất mà tôi trông thấy rõ mặt bà Bình từ khỏang cách chừng 30 mét.
Một nhà báo kỳ cựu có thuật lại rằng: Khi nói chuyện riêng với bà Bình, thì bà tỏ ra có tinh thần cởi mở, phóng khóang. Nhưng đến khi đưa micro ra để ghi lời phát biểu của bà, thì bà lại nói y chang như lập trường quan điểm chính thức của đảng cộng sản. Thật đúng là người cán bộ cộng sản nào thì cũng làm cái trò “chuyên môn đóng kịch” như vậy thôi. Họ luôn có “lối sống hai mặt” – che dấu suy nghĩ và tình cảm riêng của mình trước công chúng.
Bà Bình đã nghỉ hưu từ lâu và năm 2012 bà có cho xuất bản cuốn Hồi ký với nhan đề “Gia Đình, Bạn Bè, Đất Nước” – kèm theo rất nhiều hình ảnh vừa đen trắng, vừa có màu. Cuốn sách này mới được dịch sang tiếng Anh và được ấn hành ở Việt nam vào giữa năm 2015.
III – Để tóm lược lại.
1 – Vì khuôn khổ của bài báo có giới hạn, người viết chỉ cố gắng trình bày sơ lược ngắn gọn về ba thế hệ của nhà ái quốc Phan Châu Trinh mà thôi. Tác giả không tìm hiểu đến thế hệ thứ tư, thứ năm trong gia tộc cụ Phan (tức là lớp con, lớp cháu của thế hệ thứ ba là cháu ngọai của cụ). Mặc dầu qua đến thế kỷ XXI hiện nay, thì lớp người này cũng đã trưởng thành và có người đã ở vào lứa tuổi 50 – 60 và đã có thành tích sự nghiệp nào đó nữa rồi.
2 – Như đã ghi ở trên, trong gia tộc cụ Phan thì có người con rể là ông Hợi và nhiều người cháu đều họat động theo cộng sản. Những người này về mặt khách quan mà xét, thì rõ ràng là họ đã ra sức tiếp tay góp phần vun đắp cho cái chế độ độc tài toàn trị hủ lậu hiện nay. Đúng là mấy hậu duệ đó đã không tiếp nối cái lý tưởng Dân quyền nhân bản và Dân chủ khai phóng của cụ Phan Châu Trinh. Đó là một điều thật đáng tiếc lắm lắm vậy.
 Dầu sao, thì cái thực tế khách quan phũ phàng như thế đó đã là một chuyện dĩ lỡ của lịch sử, đã vuột khỏi tầm tay của chính các đương sự đó rồi.
Bây giờ, thì chỉ còn lại hy vọng ở lớp người thuôc thế hệ thứ tư, thứ năm và sau nữa – với tinh thần cởi mở tiến bộ và tấm lòng nhân ái đôn hậu – thì họ có thể có những đóng góp tích cực tốt đẹp hơn cho đất nước và dân tộc Việt nam chúng ta mà thôi.
3 – Về mặt tài liệu tham khảo, thì ngòai các tư liệu có sẵn trên Internet, còn có hai cuốn sách đáng chú ‎ý sau đây:
A – Jonathan Edwards – A Life
By George M. Marsden
Yale University Press ấn hành năm 2003
Sách dày trên 600 trang, bìa cứng.
B – Nguyễn Thị Bình – Hồi Ký
Gia Đình – Bạn Bè – Đất Nước
Nhà xuất bản Tri Thức ấn hành năm 2012
 Sách dày trên 400 trang, bìa giấy.
Costa Mesa California cuối năm Ất Mùi 2015
Đoàn Thanh Liêm