Nhà thơ LÊ MAI LĨNH.
Tôi biết nhà thơ Lê Mai Lĩnh qua trung gian nhà thơ Hồ Công Tâm. Nhà thơ Hồ Công Tâm gọi và đọc trên điện thoại cho tôi nghe một bài thơ của nhà thơ Lê Mai Lĩnh tức Lê Văn Chính tức Sương Biên Thùy vừa gởi cho báo Dân Chủ Mới. Tôi không biết bút danh và tên thật của ông, và cũng chưa từng nghe đến bút hiệu Lê Mai Lĩnh. Với ông và thế hệ ông tôi là kẻ vô danh. Nhưng bài thơ làm tôi xúc động. Khi báo in ra tôi đọc lại kỹ bài thơ và càng xúc động hơn.
Một mai, khi cách sống và lối sống của con người đổi thay, những bài thơ tỏ tình có tính thời trang sẽ được đưa vào thư viện. Nhưng những bài thơ gắn liền với thăng trầm của dân tộc vẫn sẽ tiếp tục sống, sống trong giảng đường đại học, trong sinh hoạt văn hóa và ngay trong những quán café dưới gốc cây me hay trên vỉa phố. Bởi vì những bài thơ đó là một phần của nền văn hóa đầy sinh động của con người trong dòng chảy không ngừng của lịch sử.
Dân tộc Việt Nam còn tồn tại hôm nay và sẽ vượt qua khổ nạn Cộng Sản bởi vì các thế hệ đi sau thường rất cảm thông với sự chịu đựng và chia sẻ tâm nguyện của những người đi trước, và đứng lên tiếp tục hành trình của họ.
Trong diễn văn nổi tiếng đọc trước quốc hội Hoa Kỳ, danh tướng Douglas MacArthur kết luận bằng cách lập lại một câu danh ngôn: “Những người lính già không bao giờ chết họ chỉ tan dần đi mà thôi”. Những người lính cầm bút VNCH còn sống hôm nay rồi cũng sẽ tan dần. Nhưng ước mơ một ngày dân tộc Việt thăng hoa phản ảnh trong thơ ca của họ sẽ sống mãi với thời gian.
Năm, mười năm sau, một trăm năm sau, hai trăm năm sau, các nhà văn học sử Việt Nam biết đâu lại chẳng đến con đường Dorchester ở Massachusetts, con đường Bolsa ở California, con đường Bellaire ở Houston v.v.. để sưu tầm dấu tích của những người cầm bút Việt Nam Cộng Hòa còn để lại sau khi đã tan đi trên đất khách.
Đêm ở nhà tôi, nhà thơ Lê Mai Lĩnh đọc bài thơ Chuyến Tàu Cuối Năm.