Nhiều bạn theo dõi các bài viết của xạ thủ BL nhiều năm nên biết mình không cuồng và làm to chuyện mấy lá cờ vàng đỏ, vì đó là chính kiến của mỗi người và cũng là thói quen họ đã sống dưới lá cờ ấy. Nhưng.
Năm 2016 trong một chuyến về Việt Nam xạ thủ muốn đi thăm Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa (VNCH) vì chưa bao giờ đến đó lần nào trong đời.
Trước chuyến đi xạ thủ tìm mua hai lá cờ vàng ba sọc đỏ ở Wahington DC để đem về Việt Nam vì thiết nghĩ những ngôi mộ của tử sỹ VNCH cần phải có lá cờ của họ phủ lên. Đó chỉ là nghi thức mà thôi, như tử sỹ miền Bắc thì có cờ đỏ sao vàng đắp lên.
Dĩ nhiên chuyện vào Nghĩa Trang Quân Đội VNCH phủ cờ vàng không dễ dàng chút nào vì có cái thằng làm việc ở cái nhà nhỏ gần cổng ra vào tỏ vẻ khó chịu sau khi thấy xạ thủ xuất trình passport Mỹ.
Sau khi xuất trình giấy tờ xạ thủ đi bộ với anh tài xế Taxi thuê đi từ Sài Gòn. Hai anh em đi bộ trong nghĩa trang để tìm những ngôi mộ vô danh hoang phế nhứt và hỏng còn bia mộ xi măng ở trên nữa. Để đắp lá cờ cho người nằm ở dưới đỡ tủi thân.
Khi đi lang thang trong nghĩa trang để tìm những ngôi mộ bỏ hoang thì cái thằng làm ở căn nhà đăng ký ở cổng ra vào đi xe gắn máy rề rề qua lại theo dõi, nên cũng hỏng dám kéo cờ vàng trong ba lô ra sợ nó xông tới làm khó dễ hay kêu công an tới bắt.
Sau được anh tài xế Taxi tốt bụng tâm sự “Chú em là lính Thủy Quân Lục Chiến (VNCH)”. Rồi ảnh tình nguyện ra đứng ở con đường mòn nghĩa trang để canh cái thằng mắc dịch kia.
Cuối cùng tìm được mấy ngôi mộ hoang phế ở một địa điểm kín đáo để làm lễ. Anh tài xế Taxi đứng xa xa với khuông mặt gay gắt hằn học nhìn qua lại quan sát. Xạ thủ đắp hai lá cờ nhỏ lên hai ngôi mộ vô danh rồi lui ra đứng nghiêm chào những người chiến sỹ vô danh. Đơn giản chỉ zậy thôi.
Trên đường dìa Sài Gòn biểu anh Taxi thả ở Bình Dương để thăm gia đình mấy đứa em họ. Tụi nó bi giờ là đại gia. Căn nhà đồ xộ mấy tầng có tường xi măng xây chung quanh. Bên trong có mấy chiếc xế xịn. Có mấy căn cho người giúp việc ở phía sau. Con trai tám chín tuổi gì đó thì được tài xế chở lên Sài Gòn học tiếng Anh ở cơ sở tư nhân có uy tín do người nước ngoài dạy.
Đứa em giờ đây là một giám đốc của một nhà máy sản xuất hàng hóa qua Âu Châu và Hoa Kỳ. Có lần mình tới coi cho biết thấy nhà máy có nhiều ống khói cao. Có khu nhà bàn cho nhân viên, có sân đá banh cho nhân công chơi sau giờ làm việc. Khi ấy cũng mừng cho gia đình đứa em đã thành công trong thiên đàng XNCN.
Nhiều năm trước thì gia đình đứa em rất nghèo. Ba nó là sỹ quan VNCH nên bị bắt đi tù cải tạo vài năm. Mấy đứa con phải đi bán khoai lang dạo sống qua ngày. Rồi dọn lên vùng kinh tế mới. Má nó là một giáo sư trung học tốt nghiệp đại học Sài Gòn trước 1975, khi ấy đã trở thành một nông gia bất đắc dĩ với cày cuốc lam lũ.
Thời gian mấy đứa em bị đói khổ, xạ thủ có nhận được nhiều thơ của tụi nó. Chúng nó rất thông minh và viết thơ rất hay, văn chương lai láng nhẹ nhàng mà thâm sâu. Nó ai oán chửi chế độ theo cách viết của người lễ giáo. Ba nó được thả trở về với gia đình cũng làm thơ đá giò lái Cộng Sản rất hay.
Năm 2013 xạ thủ về thăm Việt Nam lần đầu và có đến thăm gia đình mấy đứa em. Bàng hoàng thấy gia đình nó giờ đã thay đổi về phương diện vật chất. Có lẽ nhờ trí tuệ nên nó mới trở nên giàu có.
Những bữa ăn trưa như ăn tiệc có cao lương mỹ vị ê hề mà xạ thủ chỉ thích chén cơm rau có canh chan vào với tình cảm gia đình là đủ. Nó lấy ra mấy chai rượu vang hỏi anh thích uống loại nào làm xạ thủ ngẩn ngơ. Xạ thủ có uống rượu vang khi ăn trưa bao giờ đâu mà biết. Bỗng thấy mình quê mùa nghèo nàn trước những đại gia Việt Nam.
Có vài lần xạ thủ đề cập đến dân oan Văn Giang, các vụ bắt bớ vì chống đối, các phong trào kháng chiến v.v. Ba của tụi nó thẳng tánh nên nói toẹt ổng hỏng thích thay đổi chế độ nữa vì sợ tình hình xáo trộn sẽ làm mấy đứa con khổ. Ổng giờ đã già hết làm thơ đấu tranh mà làm thơ về lãnh vực văn hóa. Mấy đứa em họ thì lễ phép dạ thưa anh tối ngày nhưng tránh hỏng bàn tới chuyện chính trị.
Trưa hôm ấy từ Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa ghé đợi ăn trưa với gia đình mấy đứa em. Trong khi đợi mấy người giúp việc lăng xăng nấu nướng dưới bếp. Xạ thủ ngồi nói chuyện với đứa em họ và thằng quý tử của nó. Đứa em hỏi anh đi Biên Hòa dìa zui hong?
Xạ thủ kể vào Nghĩa Trang phủ cờ vàng ba sọc đỏ lên mấy ngôi mộ vô danh. Rồi bất chợt lấy ba lô kéo hai lá cờ vàng ra khoe đứa em. Sự việc diễn ra quá bất ngờ và đứa em cũng phản ứng bất ngờ không suy nghĩ. Nó vội vã lấy hai tay che mắt thằng con quý tử như thể lá cờ kia sẽ làm nhiễm độc trí óc non nớt của thằng bé.
Đứa em họ hình như biết mình đã hố trước một người anh bà con bao nhiêu năm lưu lạc từ Mỹ trở về. Nó bẽn lẽn ngượng ngùng giải thích cho cậu quý tử “Cờ của chế độ cũ đó con…”.
Xạ thủ bỗng hiểu lòng người đã đổi thay. Những lá thơ ai oán mơ ước một khung trời tự do năm xưa của nó đã chìm vào quên lãng. Niềm tự hào “gia đình của chúng ta đã xây dựng rất nhiều cho miền Nam” không còn nữa. Đồng tiền vạn năng đã biến đổi con người. Và đó là lần sau cùng xạ thủ thấy và gặp những người bà con ấy.
BÔNG LAU