Sài Gòn-Chợ Lớn nói riêng có rất nhiều Chùa Bà. Những ngôi chùa, ngôi miếu này hình thành từ thuở Hoa kiều sang tị nạn trên nước Việt từ giữa thế kỷ 17. Rầm rộ nhất là vào thời kỳ các Chúa Nguyễn mở đất phương Nam, người Tàu phản Thanh phục Minh trốn tránh việc bắt bớ, tị nạn đến Cù lao Phố (Biên Hoà), Mỹ Tho, Hà Tiên và vùng Đề Ngạn tức Chợ Lớn sinh sống.
Một trong những Chùa Bà thành lập khoảng năm 1760 còn nguyên hiện trạng đến hiện nay và trở thành Di tích Nghệ thuật Kiến trúc cấp quốc gia là Chùa Bà Chợ Lớn. Sách Ðại Nam nhất thống chí ghi: “Cách huyện Bình Dương 12 dặm, ở phía tả và phía hữu đường quan lộ. Nơi chợ có đường thông ra tứ phía đi liên lạc như hình chữ “điền”, nhà cửa phố xá liên tiếp thềm mái cùng nhau, người Hán, người Thổ ở chung lộn dài độ 3 dặm, đủ cả hàng hóa trăm thức … đầu phía bắc đường lớn có đền Quan Công, quán Tam Hội, xây cất đối nhau phía tả và phía hữu. Phía tây đường lớn có Chùa Thiên Hậu, gần phía tây có Ôn Lăng Hội Quán…” (Chùa Thiên Hậu được Trịnh Hoài Ðức nhắc đến ở trên chính là Chùa Bà Thiên Hậu, toạ lạc trên đường Nguyễn Trãi, quận 5 ngày nay).
Chùa Bà Chợ Lớn có kiến trúc Trung Hoa; trang trí bên ngoài, nóc mái bằng những tiểu tượng gốm Cây Mai. Theo khảo cổ trước đây, chùa được trùng tu nhiều lần. Năm 1800 là năm trùng tu lớn nhất, tiếp theo là những năm 1825, 1842, 1882, 1890, 1916 và vài lần nữa sau đó. Chính nhờ vậy nên cấu trúc ngôi chùa còn rất chắc chắn và giữ được nguyên trạng cho đến hiện nay. Chùa Bà Thiên Hậu còn những cái tên khác: người Quảng Ðông ở Chợ Lớn gọi “Phò Miếu” nguyên từ chữ “A Phò” (Ðức Bà), người Phúc Kiến và Hải Nam thường gọi “Ðại Mẫu” do vào thời nhà Tống sắc phong cho bà Mi Châu là “Thiên Hậu Thánh Mẫu”.
Bà Mi Châu quê Bồ Dương, tỉnh Phước Kiến. Thuở nhỏ đã đi tu theo Phật pháp. Theo truyền thuyết: “Cha tên Lâm Tích Khánh ngồi thuyền cùng hai anh trai của bà, chở muối đi bán tỉnh Giang Tây, giữa đường thuyền lâm bão lớn. Cả ba cùng té, lặn hụp chới với… Cùng một ngày giờ đó, trong lúc trận bão diễn ra ngoài khơi, thì Mi Châu đang ngồi dệt vải bên cạnh mẹ. Mi Châu ngồi khung cửi, bỗng nhắm mắt lại, nghiến hai hàm răng, hai tay đưa tới trước dường như trì níu một vật gì nặng lắm. Mẹ ngồi gần thoạt thấy cử chỉ lạ lùng làm vậy, phát sợ, gọi con. Ðứa con gái không ừ hử. Mẹ càng sợ thêm, đến gần con nắm hai vai vừa lắc chuyển vừa la lớn: “Sao vầy con? Trả lời đi con! Nói mau, mẹ sợ lắm”. Bà mở mắt, ư một tiếng dài như vừa tỉnh giấc chiêm bao, bỗng oà lên khóc: “Mẹ ôi! Thôi rồi, cha mắc nạn to, thuyền bị bão chìm, nay con không cứu cha được cũng vì mẹ một hai trục con về, chỉ cứu hai người anh. Âu chẳng qua cũng tại số trời!”.
Từ đó tin đồn truyền ra, xa gần đều biết Bà Thiên Hậu và mỗi khi ngoài biển thuyền bè bị đắm, gọi vái Bà là tai qua nạn khỏi. Về sau, dân gian quá ngưỡng mộ danh Bà, mỗi khi có nguy hiểm tai nạn đều van vái Bà, nhứt là những người đi biển. Truyền thuyết về Thiên Hậu trong văn hóa dân gian người Hoa có nhiều điểm dị biệt nhưng tựu trung bà sinh vào đời Tống trong một gia đình họ Lâm, mất vào năm 27 tuổi và hiển linh với lời cầu mong của người đời. Ðời Nguyên được phong Thiên Phi, đời Khang Hy nhà Thanh phong thành Thiên Hậu.
Người Hoa trốn nạn nhà Thanh giong thuyền vượt biển sang Việt Nam ngày một nhiều. Ðối mặt với nguy hiểm muôn trùng, họ luôn sợ hãi và cầu nguyện với Bà độ trì tai qua nạn khỏi. Ðến quê hương thứ hai, để biết ơn Bà, người Hoa lập chùa miễu thờ Bà và cũng là nơi hội họp người đồng hương, giúp đỡ nhau mua bán sinh sống nơi đất khách quê người.
Nhà văn Sơn Nam viết trong Bến Nghé xưa: “Chùa miễu làm nơi tụ họp hợp pháp để bàn chuyện hùn vốn, cho vay, góp tiền xây cất trường học chữ Hoa, chưa đủ sức cất trường thì tạm thời học tại chùa. Rồi từ đó lập ra bệnh viện, mua đất làm nghĩa địa. Trụ sở của Bang lúc đầu dùng ngôi chùa nói trên. Vì muốn tập trung cho dễ mua bán, họ sẵn sàng ở chật chội, mỗi căn phố nhỏ chứa đôi ba gia đình với đám trẻ con đông đúc nô đùa trong ngõ hẻm. Bù lại sự thiếu tiện nghi ấy, họ mở nhiều quán lớn nhỏ ở ngã tư đường để ăn điểm tâm, hò hẹn làm ăn, thiết tiệc mừng, làm đám cưới. Bệnh viện lại phát triển, lập nhà tang nghi quán phục vụ khi ma chay”.
Tín ngưỡng thờ Thiên Hậu có vai trò quan trọng trong đời sống của cộng đồng người Hoa và được coi là “ngôi nhà chung” nên thường được xây dựng quy mô, trang trí công phu, vừa làm nơi thờ phượng vừa là nơi họp mặt cộng đồng. Nói về các hội quán Hà Chương, Ôn Lăng của người Phúc Kiến, nhà thơ Nguyễn Liêm Phong trong Nam Kỳ phong tục nhân vật diễn ca (1909) đề thơ:
“Hà Chương Hội quán ai bì
Ôn Lăng thất phủ hạng nhì, hạng ba
Các chùa còn lắm xa hoa
Thờ ông Phước Ðức, thờ bà Thai Sanh
Thiên hậu thánh mẫu rất linh
Quan công thánh đế lịch xinh tượng hình…”
Chùa Bà linh ứng như trên đã nói là do tín ngưỡng của người Hoa tôn sùng ngay tại bản xứ từ thuở xa xưa. Khi sang định cư ở xứ Việt, họ mang theo niềm tin tâm linh để làm chỗ dựa tinh thần. Ngay cả khi bệnh hoạn ốm đau, họ cũng cầu mong tai qua nạn khỏi, nên chùa miễu được xây cất khắp nơi, hễ chỗ nào có người Hoa sinh sống thì chỗ đó có chùa Bà.
Tôi nhớ hồi còn nhỏ, một lần theo ba tôi đi thăm một người bà con làm nghề hớt tóc vỉa hè ở Chợ Cũ Sài Gòn. Từ Hoà Hưng đi xe ngựa đến ngã tư Hồng Thập Tự – Lê Văn Duyệt là bến xe thổ mộ cuối cùng (khoảng năm 1970 xe ngựa cấm vào trung tâm Sài Gòn). Ngay tại góc đường có một ngôi Chùa Bà. Ba tôi nói, ngôi chùa này không cổ kính bằng Chùa Bà trong Chợ Lớn. Chùa Bà này chắc thờ Bà Cố Hỷ hay sao? Bà Cố Hỷ là ai, tôi đoan chắc ba tôi chẳng biết. Cũng như tôi hồi đó vẫn thường nghe trong xóm mấy người lớn tuổi thường hay nói: “Chuyện Bà Cố Hỷ” để ám chỉ chuyện xưa cũ rích. Sau này lớn lên, khi đọc sách của nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển thấy có nhắc đến Chùa Bà Thiên Hậu ở góc đường Lê Văn Duyệt: “Nay thấy nền chùa thấp lé đé dưới vỉa đường mà đoán chừng chùa nầy tạo lập từ xưa lúc ấy đô thành còn ẩm thấp chưa cao ráo như ngày nay”.
Theo Vương Hồng Sển, trong chánh điện Chùa Bà Chợ Lớn có đặt tượng Bà ở giữa phía trên đề chữ “Thiên Hậu Thánh Mẫu”. Hai bên là Kim Hoa Thánh Mẫu (Mẹ Sanh Mẹ Ðộ) một nữ thần linh ứng với chuyện cầu sinh nhiều con nối dõi giống dòng và Long Mẫu Nương Nương (con vua Thuỷ Tề, người đi biển khi gặp tai nạn thường kêu cứu bà). Trong chùa Bà Thiên Hậu Chợ Lớn còn vài cổ vật, cổ tích: một đại đồng chung đề “Ðạo Quang năm thứ 10” tức làm vào năm 1830. Một bộ lư Pháp lam vĩ đại, cũng đề một niên hiệu ấy. Một tướng lịnh do tướng d’Ariès ký tên, cấm các binh sĩ Tây và Y Pha Nho (Tây Ban Nha) phá phách trong chùa cũng đề ngày lối năm 1859 hoặc 1860, tiếc thay người trong chùa không biết giữ gìn kỹ lưỡng, nên chữ đã phai mờ không đọc được. Thông tin từ các dòng lạc khoản ghi trên câu đối cho biết, kiến trúc hiện trạng và hệ thống tượng thờ, bài vị, câu đối, hoành phi, bình phong, các chi tiết trang trí ở nóc mái, mặt tiền miếu, trống, chuông, thuyền gỗ… có niên đại Quang Tự, năm Kỷ Hợi (1899). Các chi tiết trang trí mặt tiền và mặt sau miếu đặc trưng văn hóa Hoa: Tượng gốm ông Nhật bà Nguyệt, Lưỡng Long Tranh Châu…
Còn Bà Cố Hỷ cũng được gọi là Bà Thiên Hậu hay Thánh Mẫu trong tín ngưỡng dân gian của người Chăm, nguyên là một vị thần rừng.
Người Chăm di cư từ miền Trung vào sống rải rác ở miền Nam lập nên một số Chùa Bà, Miễu Bà để thờ phụng. Thiên Hậu hay Thánh Mẫu cũng chỉ là cách gọi mang tính giao thoa tín ngưỡng trong một cộng đồng chung trong lịch sử khai phá đất phương Nam.
Lễ vía Bà Thiên Hậu diễn ra hằng năm vào ngày 23/3 âm lịch. Lễ vật bắt buộc cúng dâng phải là một con heo quay, xôi, gà, bánh bao, rượu trà và hoa quả. Sau đó làm lễ khai ấn, người đi chùa cúng bái, xin dấu ấn lên khăn tắm để bà luôn theo phù hộ, bình an và gặp nhiều may mắn.
Trang Nguyên