CHÍNH BIẾN 1-11-1963 & TT NGÔ ĐÌNH DIỆM (Ngô Đình Châu)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Kính thưa quý Diễn Đàn.

Càng gần đến ngày giỗ thứ 47 của vị cố T.T Ngô Đình Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu, thì lũ người hèn mạt, xấu xa, hiểm ác, càng ra sức bôi bẩn cố T.T Ngô Đình Diệm, Người đã có công xóa sổ chế độ phong kiến, đã ngự trị trên đất nước Việt Nam từ ngàn xưa, để thiết lập nền tảng VNCH có Nhân Quyền- Tự Do – Dân Chủ .

Trong tác phẩm ” CHÍNH BIẾN 1-11-1963 & TT NGÔ ĐÌNH DIỆM”, tác gỉa Ngô Đình Châu đã nhận định rằng: Trong suốt hơn chín năm dưới sự lãnh đạo của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, người dân miền Nam được sống trong cảnh thanh bình, thịnh vượng, tương đối đầy đủ tự do và cơm no áo ấm.  Ông là một vị Tổng Thống hết lòng vì nước vì dân, không ham vinh hoa phú quý.  Trong quá khứ, ông đã từng rũ áo từ quan, lao thân vào đường gian nan nguy hiểm.  Khi nắm chức vụ Tổng Thống, ông đã dứt khoát  không chấp nhận làm vừa lòng ngoại bang, mà chỉ một lòng mưu tìm Tự Do Hạnh Phúc cho dân tộc Việt Nam, theo cách thức Việt Nam.

Sau đây, xin kính mời quý vị đọc “CHÍNH BIẾN 1-11-1963 & TT NGÔ ĐÌNH DIỆM”, bắt đầu với chương I:

Tiểu Sử Tổng Thống NGÔ ĐÌNH DIỆM

Tổng Thống Ngô Đình Diệm sinh ngày 03 tháng 01 năm 1901 tại làng Đại Phong, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, con của Cụ Nhiếp Chánh Đại Thần Ngô Đình Khả và cụ bà Phạm Thị Thân.  Tổng Thống là người con thứ Ba trong gia đình có 6 trai và 3 gái.

Sáu trai là:

NGÔ ĐÌNH KHÔI

NGÔ ĐÌNH THỤC

NGÔ ĐÌNH DIỆM

NGÔ ĐÌNH NHU

NGÔ ĐÌNH CẨN

NGÔ ĐÌNH LUYỆN

Ba gái là:

NGÔ ĐÌNH THỊ GIAO

NGÔ ĐÌNH THỊ HIỆP

NGÔ ĐÌNH THỊ HOÀNG

Cụ cố Ngô Đình Khả nổi danh là một vị khoa bảng xuất chúng. Thời đó, tại Việt nam rất hiếm có người được hấp thụ cả hai nền giáo dục Đông và Tây, như cụ cố Ngô Đình Khả.  Lúc thiếu thời, Cụ theo Nho học, sau đó vào chủng viện học chương trình Pháp, rồi được gửi sang Đại chủng viện Penang để học Triết học và Thần học bằng tiếng Pháp và tiếng La Tinh.  Cụ là một chủng sinh rất xuất sắc, nhưng vì không có ơn gọi để trở thành linh mục, Cụ đã xin trở về cuộc sống thế tục.

Cụ Cố Ngô Đình Khả còn nổi tiếng là một vị quan thanh liêm, cương trực, đức độ, một nhà ái quốc chân chính, là bạn thân của các nhà cách mạng nổi danh thời đó như các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Kỳ Ngoại Hầu Cường Để.  Thành tích đáng kể nhất của cụ cố Ngô Đình Khả là nổ lực thành lập Trường Quốc Học tại Huế, một trường công lập đầu tiên giảng dạy theo chương trình học thuật Đông Tây tại Việt Nam. Và chính Cụ là vị đại thần duy nhất đã can đảm công khai chống lại thực dân Pháp đã phế bỏ và đầy vua Thành Thái sang Phi Châu sống lưu vong.  Sau đó Cụ đã xin rũ áo từ quan về quê làm ruộng.

Gia đình Tổng thống Ngô Đình Diệm rất trọng lễ giáo. Hằng năm vào dịp Tết Nguyên Đán, mọi người trong gia đình tụ họp đông đủ ở Phủ Cam – Huế.  Việc chúc thọ và chăm sóc cụ bà Ngô Đình Khả, được giao cho người con trai áp út Ngô Đình Cẩn, săn sóc chu đáo ngày đêm.

Ông bà Ngô Đình Khả có chín người con: 6 trai, 3 gái. Trưởng nam là  Tổng đốc Quảng Nam Ngô Đình Khôi, chết năm 1945 vì bị Việt Minh bắt giữ và xử tử.  Cùng bị bắt giữ trong đợt này còn có ông Phạm Quỳnh, và con trai ông Ngô Đình Khôi là Ngô Đình Huân, cựu Thanh tra Lao động trong chính phủ bảo hộ của Pháp.  Sau khi bị xử tử, xác của ông Ngô Đình Khôi và ông Phạm Quỳnh được chôn chung trong một hố.

Sau ngày ông Ngô Đình Khôi qua đời, Tổng giám mục Ngô Đình Thục, trở nên người anh cả “quyền huynh thế phụ”. Đức cha được kính nể và có nhiều ảnh hưởng đối với TT Ngô Đình Diệm. Ông Quách Tòng Đức cho biết, lúc còn ở Vĩnh Long, Giám mục Ngô Đình Thục cứ vài tuần thì về Sài gòn cư ngụ trong Dinh. Còn ông Ngô Đình Luyện là con út trong gia đình, nhận làm đại sứ ở Luân Đôn, năm khi mười hoạ mới về nước nghỉ phép, hay để dự các phiên họp của Hội Đồng Tối Cao Tiền Tệ, mà ông là một thành viên.

Ba người con gái là bà Ngô Đình Thị Giao tức bà Thừa Tùng, bà Ngô Đình Thị Hiệp tức bà Cả Ấm, thân mẫu của Đức Hồng y Nguyễn Văn Thuận, và bà Ngô Đình Thị Hoàng tức bà Cả Lễ, nhạc mẫu của Nghị sĩ Trần Trung Dung.

Cứ theo phần lớn tài liệu viết về TT Ngô Đình Diệm, sau ngày lên nắm chính quyền ở Nam Việt Nam, thì ông sinh vào ngày mồng 3 tháng 1 năm 1901 tại Phước Quả, Thừa Thiên (sát Thành Phố Huế).

Nhưng theo kết quả sưu khảo của Nguyên Vũ tại các thư viện của Pháp, thì có một tài liệu của Nha Giám Đốc Các Sở An Ninh Pháp Tại Đông-Dương (Direction des Services Français de Sécurité en Indochine) tóm-tắt tiểu-sử của ông Ngô Đình Diệm, thực-hiện vào tháng 7 năm 1954, ghi rõ là ông Ngô Đình Diệm sinh ngày 27 tháng 7 năm 1897 tại Đại Phương, Quảng Bình.

Lúc thiếu thời, ông Diệm đuợc theo học dưới sự dạy dỗ rèn cặp của một vị cha tinh thần, cũng nổi tiếng về kiến thức quảng bác, đức độ và lòng yêu nước. Đó là Quận Công Nguyễn Hữu Bài, quan Thượng Thư dưới triều vua Duy Tân. Ngài là vị đại thần duy nhất chống lại việc người Pháp tham lam muốn đào ngôi mộ vua Tự Đức để lấy vàng bạc châu báu. Vì thế dân chúng miền Trung thời đó vô cùng cảm kích, ngưỡng mộ nên đã có câu truyền khẩu:

“Đày vua không Khả.  Đào mả không Bài”.

Ngoài sự hấp thụ những đức tính cao đẹp và lòng yêu nước nồng nàn của thân phụ và nghĩa phụ, ông Diệm còn chịu ảnh hưởng sâu đậm của nền giáo dục Nho Giáo và Thiên Chúa Giáo.  Thực vậy, nếu Nho Giáo đã hun đúc ông Diệm thành một con người thanh liêm, tiết tháo và cương trực, thì nền giáo dục Thiên Chúa Giáo, đã đào tạo ông Diệm thành một con người đầy lòng bác ái, vị tha và công chính.

Về đường học vấn, lúc nhỏ ông theo học tại trường Pellerin Huế.

Năm 1913, lúc 12 tuổi, ông thi vào trường Quốc Học Huế, dạy theo chương trình tổng hợp bằng Việt Ngữ và Pháp Ngữ.

Đến năm 1917, lúc 16 tuổi, ông đỗ hạng thứ nhì trong kỳ thi tốt nghiệp Trung Học. Vì số tuổi quá trẻ mà lại đạt thành tích xuất sắc, nên chính quyền thực dân Pháp đề nghị cấp học bổng cho sang Pháp du học, nhưng ông đã từ chối.

Năm 1918. Lúc mới 17 tuổi, ông đã được mời làm giáo sư Trường Quốc Tử Giám, một trường dành riêng cho con cháu các quan trong triều đình.

Đến năm 1919 (18 tuổi), ông đủ tuổi để vào học trường Hậu Bổ, một trường tương tự như Học Viện Quốc Gia Hành Chánh sau này. Trong suốt ba năm học, ông luôn luôn là một sinh viên xuất sắc trong các ngành hành chánh, chính trị, luật pháp.  Do đó ông đã tốt nghiệp thủ khoa.

Năm 1923, lúc 22 tuổi, ông được bổ nhiệm làm Tri Huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên, rồi Tri Phủ Hải Lăng tỉnh Quảng Trị.

Năm 1930 với thành tích tận tụy phục vụ đồng bào, ông được đề cử làm Tuần Vũ tỉnh Bình Thuận, Phan Thiết, khi vừa tròn 29 tuổi.

Năm 1932, Hoàng Tử Vĩnh Thụy sau thời gian du học tại Pháp trở về nước, lên ngôi Hoàng Đế lấy hiệu Bảo Đại. Để thực hiện một cuộc cải tổ sâu rộng. Nhà vua đã mời ông Ngô Đình Diệm, lúc đó mới 31 tuổi, đang làm Tuần Vũ tỉnh Phan Thiết, đảm nhận chức vụ Thượng Thư Bộ Lại, một chức vụ đứng đầu Nội Các, tương đương Thủ Tướng ngày nay, và kiêm nhiệm chức Tổng Thư Ký Hội Đồng Hỗn Hợp PHÁP-VIỆT vào ngày 2 tháng 5 năm 1933.  Lúc đó ông Diệm vừa tròn 33 tuổi.

Với chức vụ quan trọng này, ông Diệm đề nghị thi hành các kế hoạch canh tân xứ sở, như bãi bỏ hai chức Thống Sứ Bắc Kỳ và Khâm sứ Trung Kỳ, đồng thời sát nhập hai kỳ Trung Bắc lại và bổ nhiệm một Thống Sứ cho cả hai miền, như cho phép Viện Dân Biểu được lo những vấn đề quốc sự giống như Quốc Hội. Nhưng, đề nghị của ông Diệm không được Toàn Quyền Pasquier chấp thuận.

Ngày 12 tháng 7 năm 1933, ông Diệm đệ đơn lên Hoàng Đế Bảo Đại xin từ chức. Việc từ quan của chí sĩ Ngô Đình Diệm đã làm chấn động Triều Đình Huế và Chính Phủ Pháp thời đó.

 

Sau khi dứt khoát từ bỏ quan trường, ông Diệm lui về nhà làm dân thường.  Sau này khi được Hoàng Đế Bảo Đại chấp thuận, ông Diệm về dạy học tại trường Providence Huế.

 

Trong khi lui về dạy học, ông Diệm âm thầm nghiên cứu các sách vở và thường xuyên liên lạc với các nhà ái quốc như Cụ Kỳ Ngoại Hầu Cương Để, Cụ Phan Bội Châu và những nhà ái quốc cách mạng chống Pháp, hiện đang hoạt động tại Nhật Bản và trong nước, để mưu cầu dành Độc Lập Tự Do cho đất nước.

Đến năm 1939-1945, Toàn Quyền Đông Dương là Thủy Sư Đô Đốc Jean Decoux ra lệnh cho Khâm sứ Trung Kỳ là Émille Grandjean, bắt ông Diệm đưa đi an trí tại Xieng Khoang, Lào. Nhưng nhờ có ông Nguyễn Bá Mưu làm Thông Phán tại Tòa Khâm Sứ biết được, đã vội vàng mật báo cho ông Diệm biết. Ông Diệm muốn trốn đi Phan Thiết, nhưng luôn bị Pháp truy lùng ráo riết, may nhờ có ông Trần Văn Dĩnh đang làm Hiến Binh cho Nhật, đã đưa được ông Diệm vào Sài gòn lánh nạn. (Sau này khi ông Diệm chấp chánh, đã cử ông Dĩnh làm Tổng Lãnh Sự tại Miến Điện, Tuỳ Viên Toà Đại Sứ rồi Xử Lý Thường Vụ Tòa Đại Sứ VNCH tại Hoa Thịnh Đốn).

Lánh nạn ở Sài gòn một thời gian, ông Diệm trở lại Huế để thăm mẹ già, và ông đã bị Việt Minh chặn bắt tại Tuy Hòa. Chúng giải ông ra Hà Nội .  Ông bị Hồ Chí Minh đưa đi an trí tại Thái Nguyên. Nhưng sau đó nhờ giới Công Giáo do Linh mục Lê Hữu Từ lên tiếng phản đối quyết liệt, buộc lòng Hồ Chí Minh phải trả tự do cho ông lại còn mời ông giữ chức Bộ Trưởng Nội Vụ.  Nhưng ông Diệm cương quyết khước từ.

Tháng 8 năm 1950 ông Diệm cùng người anh là Giám Mục Ngô Đình Thục rời Saigon đi La Mã dự lễ Năm Thánh. Trên đường đi ông Diệm ghé qua Đông Kinh, thủ đô Nhật Bản. Tại đây ông có tiếp xúc với một số người Mỹ, trong đó có Giáo sư Wesley Fishel. Ông Fishel khuyên ông Diệm nên sang thăm Hoa Kỳ.  Cũng trong dịp này ông Diệm đã ghé thăm các nước Bỉ, Thụy Sĩ, Pháp và sau đó ông sang Hoa Kỳ theo gợi ý của giáo sư Wesley Fishel.

Tới Hoa Kỳ, ông Diệm tạm trú trong nhà Dòng Mary Knoll, ở Lakewood thuộc tiểu bang New Jersey và ở Ossining  tiểu Bang New York. Thời gian ở Hoa Kỳ, ông Diệm chú tâm trau giồi Anh Ngữ và được mời đến các trường Đại Học ở miền Đông và miền Trung Tây Hoa Kỳ để diễn thuyết về các vấn đề Việt Nam, Á Châu và hiểm họa Cộng Sản.

Tại Hoa Kỳ, ông Diệm được gặp Đức Hồng Y Francis Spellman, Tổng Giám Mục Nữu Ước, vì Đức Hồng Y Francis Spellman là bạn thân của Giám mục Ngô Đình Thục từ lúc 2 người cùng học tại La Mã.  Ông còn giao tiếp với một số nhân vật trong chính giới Mỹ  như các ông Mike Mansfield, Clement J. Zablock, J. McCormack, Dân biểu Walter Judd, William Douglas…

Vị Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện William Douglas, đã đưa ông Diệm đi ăn trưa với TNS Kennedy. Trong khi Đức Hồng Y Spellman cũng quen biết với đại sứ Joseph Kennedy (đại sứ Mỹ tại Anh Quốc).

Theo ông Robert Amory (phó giám đốc CIA) cho biết,  ông đã từng nghe đến tên tuổi ông Diệm, qua thẩm phán Tối Cao Pháp Viện William Douglas trong một buổi tiệc.

Trong buổi họp tiếp theo, ông Robert Amory đem chuyện ông Diệm ra nói với giám đốc Allen Dulles và phó giám đốc Frank Wisner. Lúc này CIA có vẻ chọn lựa bác sĩ Phan Quang Đán làm người thay thế vua Bảo Đại. (Theo William Gibbons, “The US Government and Vietnam War”, trang 261).

Sau đó, ông Diệm được Hoa Kỳ ủng hộ, khi ông về Việt Nam làm Thủ Tướng trong chính phủ Bảo Đại, sau Hiệp định Genève, rồi làm Tổng thống Đệ nhất Cộng Hòa Việt Nam.

Người có ảnh hưởng rất lớn trong việc đưa ông Diệm về chấp chính là Hồng Y Francis Spellman. Tác gỉa John Cooney (1985) đã viết: “Tuy rằng không có mấy người biết điều này, nhưng chính Hồng Y Spellman đã đóng một vai trò rất quan trọng trong việc tạo nên sự nghiệp chính trị, của một người đã ở trong một Trường Dòng ở New York trước đây, vừa trở thành Thủ tướng của miền Nam Việt Nam là ông Ngô Đình Diệm. Ở Diệm, Spellman nhìn thấy những đặc điểm mà ông ta muốn có trong một người lãnh đạo: Công giáo nồng nhiệt và chống Cộng đến cùng.” [1]

Các ông William, Douglas và Kennedy rất tán thưởng đường lối và quan điểm của ông Diệm và đồng ý là Việt Nam, phải Độc Lập với nước Pháp ,và cần phải cải cách xã hội. Đến tháng 6 năm 1954, tình hình quốc nội rối ren, Hoàng Đế Bảo Đại chính thức mời ông Diệm về nước, giữ chức vụ Thủ Tướng toàn quyền về Dân Sự và Quân Sự. Ông Diệm về nước ngày 24 tháng 6 năm 1954, và chấp chánh quyền hành.

@ Xin đón coi tiếp bài  Cuộc đời thường nhật của Tổng Thống NGÔ ĐÌNH DIỆM

Trân trọng quý vị đã bỏ thời gian đọc. Xin cảm ơn quý vị và cụ tác gỉa Ngô Đình Châu !

Trần Hữu Phái

(ĐNQ)

Lẽ ra tôi gửi tiếp theo bài như đã @ Xin đón coi tiếp bài “Cuộc đời thường nhật của Tổng Thống NGÔ ĐÌNH DIỆM”. Nhưng nhận thấy trên các diễn đàn, bọn gian trá đang vu khống, xuyên tạc sự thật về ông Ngô Đình Cẩn, nên kính mời quý vị đọc trước bài viết về ông Ngô Đình Cẩn, của tác gỉa Ngô Đình Châu, đăng trong quyển “Chính Biến 1-11-1963 & T.T Ngô Đình Diệm” nơi trang 105 như sau:

Ông NGÔ ĐÌNH CẨN

Ông Ngô Đình Cẩn sinh năm 1912 tại nguyên quán làng Đại Phong, Huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Ông là em trai út của ông Ngô Đình Diệm, là vị tổng thống đầu tiên của Việt Nam Cộng hòa. Ông Cẩn có thói quen chân đi guốc gỗ, miệng nhai trầu bỏm bẻm, nên có hỗn danh là “Cố Trầu”, hoặc là “Lãnh chúa Miền Trung”. Còn các nịnh thần thì thường gọi ông Cẩn bằng “cậu Cẩn”.
Ông Ngô Đình Cẩn được giao làm cố vấn Trung phần, phụ trách miền Trung và vùng Tây Nguyên. Tổng hành Dinh của ông đóng gần nhà thờ Phủ Cam, nay thuộc phường Phước Vĩnh, thành phố Huế và một khu biệt thự khác ở ấp Ngũ Tây làng An Cựu, nay thuộc xã Thuỷ An, thành phố Huế, gần khu di tích chín hầm nỗi tiếng.
Bản thân ông Cẩn rất tôn trọng các vị Phật Giáo tu hành ở Huế, vì một lẽ rất dễ hiểu là việc theo đạo Thiên Chúa của gia đình ông, chỉ mới bắt đầu có từ đời thân phụ ông là cụ Ngô Đình Khả. Và nhiều người đã nghĩ sai, cho rằng theo đạo Thiên Chúa thì không được thờ ông bà trong nhà, không được đặt bát nhang. Nhưng gia đình ông Ngô Đình Cẩn đã thấm nhuần Nho giáo khá sâu sắc, nên họ không thể từ bỏ việc thờ cúng tổ tiên và đã nhờ chùa Từ Đàm thờ cúng giùm, và cứ tới mỗi kỳ kỵ giỗ, gia đình ông đều được nhà chùa lo giúp hết mọi việc. Những khi ông Cẩn có dịp tiếp xúc với các vị sư trên chùa, thì bao giờ ông cũng rất niềm nỡ, kính trọng. Sư Thích Trí Quang là người hay lui tới với ông Cẩn nhất.
Ông Cẩn là người rất quê mùa, cách xử sự không xa mấy so với các ông lý trưởng, chánh tổng ngày xưa. Sau nầy khi đời lên hương, và hằng năm khi có lễ lược gì đó, “cậu Cẩn” cho vật trâu bò, hạ heo gà mời nhiều người đến ăn. Ông mời từ các cán bộ Xã, Ấp cho tới hàng Bộ trưởng, Thứ trưởng ở Trung ương. Cán bộ xã ấp, ai được mời tới ăn cỗ nơi nhà cậu, được coi như là điều vinh hạnh, và đi khoe với người khác rằng cậu Cẩn mời tới. Dĩ nhiên, những người nầy thì đông, ngồi quanh hai ba dãy bàn dài, có gia nhân của cậu Cẩn bưng thức ăn, chén đũa ra đến tận nơi ngồi mời rất lịch sự. Cũng lắm người tuy là khách, nhưng thích xông xáo nhào vào bưng dọn mong được cậu để mắt tới. Trong khi khách ngồi ăn thì cậu Cẩn mặc quần lụa, cởi trần, tay cầm quạt giấy quạt phành phạch, miệng nhai trầu bỏm bẻm, đi quanh từng bàn, hỏi thăm chung chung:
– “Răng? Ăn ngon không? Rán ăn no hí?”.

Sau 1-11-1963 khi nói về ông Ngô Đình Cẩn, dư luận thưòng chê bai ông: nào là học dốt, ươn hèn, nhút nhát, hách dịch, kỳ thị Nam-Bắc v.v…
Nhưng sự thực thì khác hẳn với những lời đồn đại đầy ác ý có chủ mưu đó. Mặc dầu trình độ văn hóa, bằng cấp so ra với mấy ông anh, thì ông Cần không bằng. Nhưng không phải vì thế mà ông Cẩn không biết tính toán công việc chu đáo và ông cũng không bao giờ tỏ ra hách dịch với ai, hoặc phân biệt Nam-Bắc. Trái lại ông là người nhiều tình cảm, có tâm hồn phóng khoáng, chuyện trò cởi mở, và ông cũng không ươn hèn hoặc nhút nhát như những lời đồn đãi ác ý gán ghép cho ông.

 

Và dù thương hay ghét, những người sống gần ông Cẩn ai cũng phải công nhận rằng ông là một người con rất hiếu thảo, ông không tham gia chính quyền là để có trọn thời giờ sống bên cạnh, và đích thân lo lắng chăm sóc thân mẫu tùng bữa ăn, giấc ngủ. Với đời sống độc thân, ngoài thời gian chăm sóc mẹ ra, ông Cẩn chỉ thích đi câu cá và trồng bông trồng kiểng quanh nhà trông thật tươi đẹp.

 

Cũng chính vì cái thú thích đi câu này mà ông đã bị bọn “điếu đóm” làm ông mang tiếng không ít. Ở Huế ai cũng biết câu nói truyền miệng của người dân rằng “Công An thì Hoát. Cảnh Sát thì Vang”. Vì hai tên này rất ác ôn côn đồ, cậy oai cậy thế, cáo mượn lốt hùm  gây ra nhiều điếu bất mãn cho người dân, khi chúng lợi dụng công việc bảo vệ an ninh cho ông Cẩn mà làm nhiều điều trái tai gai mắt, để nịnh bợ tâng công.

 

Chẳng hạn như mỗi khi ông Cẩn đi câu, nhân viên canh gác nhà ông Cẩn liền báo cho chúng biết, theo lời dặn. Thế là bọn công an, cảnh sát chúng cho xe Jeep hộ tống và kéo còi hụ inh ỏi để xua đuổi những người ngồi câu gần đó, trước khi ông Cẩn tới câu, vô tình làm cho ông Cẩn bị mang tiếng rằng đi câu mà cũng tiền hô hậu ủng.
Cũng như các vị Tướng Tá khi ra Hué cũng thường ghé đến thăm ông Cẩn, và họ cũng bị bọn tay chân Hoát,Vang làm khó dễ  vì bọn chúng biết rằng các vị đó đến thăm ông Cẩn không ngoài mục đích lấy điểm  với Tổng Thống, hoặc nhờ xin xỏ điều chi, nên chúng cũng giở trò làm khó dễ các vị đó để kiếm tiền. Các vị đến hỏi cho vô gặp ông Cẩn thì chúng trả lời:

– Cậu đang ngơi!

Nhưng khi các vị biết ý câu trả lời của chúng mà xoè bao thư ra, thì bọn chúng trả lời mau lẹ rằng:

– Để tui vô coi Cậu đã dậy chưa?

Và một lát sau chúng chạy ra nói rằng:

– Cậu đã dậy xin mời vô!

Sự thực ông Cẩn cũng chẳng ngủ hay bận làm gì cả, bọn chúng chỉ âm thầm chạy ra chạy vô kiếm cớ khó dễ, để moi tiền mà thôi.

 

Tôi nhớ lại hồi 1956 hay 1957 gì đó, ông Huỳnh, nguyên là Trưỏng Cảnh Sát Thương Khẩu, thấy những cảnh ngang tai chưóng mắt quá, nên khi về Saigon ông Huỳnh tìm mua được một con Nhồng (con Yểng) biết nói tiếng người, đem ra Huế biếu ông Cẩn và ông Cẩn cũng rât thích con Nhồng này. Thích nhất là ông Huỳnh chỉ dạy cho con Yểng nói chỉ một câu, mỗi khi thấy người lạ đến nhà ông Cẩn đó là câu:

– Ê! Đồ điếu đóm!

 

Và và cũng chính vì con Nhồng này đã làm cho  các Tướng Tá điếu đóm nhột nhạt vô cùng, và họ đã có dịp trả thù ông Cẩn sau này.
Bản tính ông Cẩn thích trò chuyện, hiếu khách nên thường có nhiều khách đến thăm. Nhưng khổ một nỗi vì bọn gia nhân chúng hay làm tiền, gây khó khăn cho khách và gây tai tiếng không tốt cho ông Cẩn. Nhưng công tâm mà nói, thì chính các vị khách, không mời mà tới lợi dụng ông Cẩn, đã tạo cho bọn gia nhân thói quen làm tiền xấu xa, để mang tai tiếng cho ông Cẩn.
Cũng như bản tính ông Cẩn ưa sạch sẽ, gặp bọn gia nhân biếng nhác nhất là biếng nhác trong công việc lau chùi nhà cửa, nên khi khách khứa bước vô nhà, thì chúng bèn rỉ tai nói khẽ:

– Xin quí vị cởi giày ra! Tất  nhiên là “quí vị” nghe theo lời chúng răm rắp! Còn tôi đã nhiều lần vô nhà ông Cẩn, tôi thường mang đôi botte de saut còn dính đầy bùn đất và cứ đi thẳng luôn vào nhà. Bọn gia nhân thấy vậy chúng nhìn tôi đăm đăm, tôi biết ý chúng song tôi bèn nói:

– Nếu thấy bẩn thì lau cho sạch đi!

 

Nghe tôi nói vậy, thì bọn chúng lẳng lặng đi nơi khác.

Nói tóm lại lúc ông Cẩn đương thời thì đủ mặt văn võ bá quan, tai to mặt lớn ra vô xum xoe khúm núm, đến khi ông Cẩn ngã ngựa, thì họ xúm nhau vào bới lông tìm vết mà vạch ra các tội, mà họ đã tự ý làm đem gán cho ông Cẩn.

Những người tập họp quanh cậu Cẩn lúc ấy, một số thuộc bên văn, đỗ đạt trước 1945 như các ông công chức Võ Như Nguyện, Ngô Đình Thảng, Nguyễn Đôn Duyến, Nguyễn Đình Cẩn, Ngô Ganh (nhạc sĩ)… Bên quân sự có Thái Quang Hoàng, thiếu úy Pháp, tốt nghiệp trường sĩ quan quân sự TON, Nguyễn Ngọc Lễ, gốc là hạ sĩ quan, lính Khố Đỏ Pháp. Hạ sĩ quan lính Khố Xanh có Đỗ Mậu, Phùng Ngọc Trưng, Đinh Sơn Thung. Trần Hữu Điểu, Đội trưởng lính Khố Vàng, bảo vệ Đại Nội, Kỳ Quan Liêm, Huỳnh Hữu Hiến… Ông Lê Khương, tốt nghiệp trung học thời Pháp thuộc, khi quân đội Quốc Gia thành lập, ông được đồng hóa đại úy, cùng trong nhóm với các ông Đỗ Mậu, Đinh Sơn Thung…
Các vị nầy, trước khi cụ Ngô Đình Diệm về cầm quyền, thường lui tới nhà cậu Cẩn, nhất là trong các dịp lễ tết. Họ chỉ ủng hộ vậy thôi, chớ không có hoạt động gì mạnh, ngoại trừ vài lần rải truyền đơn trong Đại Nội hoặc tại thành phố Huế. Hoạt động của họ bị hạn chế vì số đông là công chức hoặc quân nhân, sĩ quan trong Quân Đội Quốc Gia thời Bảo Đại. Tuy nhiên, khi việc tranh chấp giữa thủ tướng Ngô Đình Diệm và Trung tướng tham mưu trưởng Nguyễn Văn Hinh đã trở nên gay gắt, thì họ đứng hẳn về phe thủ tướng Ngô Đình Diệm, chống lại Nguyễn Văn Hinh và chống cả quốc trưởng Bảo Đại. Đặc biệt, ông Thái Quang Hoàng lúc đó là thiếu tá, đã kéo quân lính lên phía tây Phan Rang, lập chiến khu Sầu Đâu để chống lại phe tướng Hinh. Ông Lê Khương lúc ấy đeo lon Thiếu tá, cũng chống tướng Nguyễn Văn Hinh và bị bắt đưa vào Saigon để xử tội. Nửa đường, ông trốn thoát được.
Ngày 1 tháng 11 năm 1963, các tướng lãnh phản bội làm đảo chính, lật đổ chính phủ do Tổng thống Ngô Đình Diệm cầm quyền, phe đảo chính đã giết chết Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông cố vấn Ngô Đình Nhu. Trước chính biến này, ông Ngô Đình Cẩn đã chạy vào ẩn náu trong Dòng Chúa Cứu Thế, sau đó xin tỵ nạn ở tòa lãnh sự Hoa Kỳ ở Huế. Nhưng không may, ông đã bị tòa lãnh sự Hoa Kỳ chuyển vào Sài Gòn, trao lại cho Hội đồng quân nhân cách mạng. Và ông Ngô Đình Cẩn đã bị kết án tử hình và bị xử bắn lúc 5 giờ chiều ngày Thứ Bảy ngày 9 tháng 5 năm 1964. Ông được chôn táng tại nghĩa trang trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, về sau phần mộ được qui tụ về nghĩa trang Lái Thiêu (Bình Hòa, Thuận An, Bình Dương) nằm chung với hai anh Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu và thân mẫu Phạm Thị Thân.
Và để có được bản án tử hình giành cho ông Ngô Đình Cẩn, tướng Nguyễn Khánh đã phải điều động cho đại tá Nguyễn Văn Mầu, đương quyền Giám Đốc Nha Quân Pháp lúc bấy giờ, được biệt đãi đưa lên làm Bộ Trưởng Bộ Tư Pháp. Trong khi chức Bộ Trưởng Tư Pháp thường phải được tuyển chọn trong số những thẩm phán hay luật sư chuyên ngành Tư Pháp tài giỏi, đạo đức, được mọi người, nhất là giới luật sư kính nể. (Trong khi Nguyễn Văn Mầu chuyên ngành về Quân pháp)
Sở dĩ có việc chọn Bộ trưởng Tư Pháp tréo cẳng ngỗng như vậy, là vì chỉ có đại tá Nguyễn Văn Mầu mới chịu làm theo lệnh của Tướng Nguyễn Khánh, cho dù lệnh có sai nguyên tắc luật pháp.
Vì thế qua sự  ‘làm việc” của Bộ Tư Pháp, do ông chuyên ngành Quân pháp đứng đầu, đã có được Sắc Luật số 4/64, theo đúng tinh thần “Cách Mạng” cho Tướng Nguyễn Khánh ký và ban hành ngày 28-2-1964.
Và Sắc luật số 4/64 này, đã là vòng vây khép chặt của luật pháp “cách mạng “, ông Cẩn không thể nào sống sót, qua mấy điều mới điển hình như sau:
Điều 5 cấm toà án cách mạng không được quyền giảm khinh, cũng như không được phạt án treo.
– Điều 15 quy định rằng Toà Án Cách Mạng tuyên án liền sau phiên họp nghị án, không đình hoản. Những án khuyết tịch coi như đương tịch.
Điều 16 cấm các bị cáo không được kháng cáo hoặc thượng tố.
Nhận xét về khả năng của ông Ngô Đình Cẩn, Phạm Xuân Ẩn đã nói: “Ngô Đình Cẩn là một người rất tài giỏi, nếu anh em Diệm – Nhu nghe lời Cẩn thì chưa chắc chế độ Ngô Đình Diệm đã sụp đổ lúc đó”.
Sau hơn 40 năm, khi ôn lại lịch sử phiên Tòa đã xử ông Cẩn, nhà báo Lữ Giang đã viết hỏi:

– “Đại Tướng Khánh có biết ông Cẩn đã nhìn các sĩ quan được Đại Tướng cử làm phụ thẩm quân nhân tại Toà Án Cách Mạnh như thế nào không? Luật Sư Võ Văn Quan người biện hộ cho ông Cẩn, cho biết khi nhìn mấy tên phụ thẩm quân nhân ngồi xét xử, ông Cẩn đã nói với Luật sư Quan:

-“Luật sư biết không, lúc mấy tên đó tới lui tại nhà tôi, khúm núm xưng “con”, xin xỏ, cầu cạnh. Bây giờ bọn nó tiếp tay để ngồi phiên xử này xử tôi, mặc dầu họ có thể từ chối. Đúng là một lũ phản phúc…” 

 

Luật sư Quan cho biết thêm, lúc ở phiên toà, ông Cẩn ngồi dựa vào ghế, nhìn thẳng vào các phụ thầm quân nhân. Một vài phụ thẩm quân nhân, khi nhìn xuống, chạm phải mắt ông Cẩn, liền quay về hướng khác.
Còn Tướng Nguyễn Khánh thì sao?

Đại Úy Nguyễn Văn Minh, người phụ trách về an ninh của ông Cẩn lúc đó, có kể lại chuyện vào năm 1956, sau khi nhận chức Tư Lệnh Sư Đoàn I Bộ Binh ở Huế, Tướng Khánh đến xin được vào chào ông Cẩn, nhưng không hiểu tại sao ông Cẩn không tiếp. Đại Tá Khánh liền áp dụng chiến thuật “lì”. Từ hôm sau, mỗi buổi sáng, đầu giờ làm việc, Tướng Khánh đều mặc quân phục chỉnh tề, tự mình lái xe đến đậu ngay trước nhà ông Cẩn. Sau khi yêu cầu nhân viên gác cổng vào trình xin cho ông được gặp, ông trở ra ngồi trên xe đợi hàng tiếng đồng hồ. Không được gặp, hôm sau Tướng Khánh lại lái xe đến và làm như thế, liên tiếp trong ba bốn buổi sáng. Cuối cùng, ông đã được ông Cẩn tiếp.
Luật sư Quan đã kết luận bài biện hộ cho ông Cẩn như sau:
“Trong cuộc cách mạng năm 1789 của Pháp, quốc hội gọi là Convention National, bầu trong thời kỳ La Terreur (Khủng Bố) gồm đa số là những người do tên độc tài khát máu Robespierre dùng áp lực để đưa vào. Trước khi đem vua Louis XVI ra xét xử tại Quốc Hội, Robespierre đã tuyên bố là phải cho án tử hình. Trong phiên tòa đặc biệt đó, nhiều người của Convention National đã cật vấn hằn học, mạt sát thậm tệ vua Louis XVI, cho biết trước rằng họ sẽ bỏ phiếu tuyên án tử hình. Khi đứng lên biện hộ cho vua Louis XVI, Luật sư Sège đã can trường nói thẳng với họ: “Je viens ici chercher des juges, mais je ne trouve que des bourreaux.” (Tôi đến đây tìm những vị thẩm phán quan, nhưng tôi chỉ gặp những tên đao phủ thủ). 


          Trong lịch sử tư pháp Việt Nam, chúng tôi chưa thấy có luật sư nào dám xúc phạm các quan tòa như vậy. Nhưng vì những điều Luật Sư Quan nói là sự thật nên các “phán quan” chỉ ngồi chịu trận chứ không có phản ứng nào. (trích trong bài Yêu cầu Tướng Khánh trả lời trước lịch sử của Lừ Giang)

Trong lúc ông Cẩn đang bị giam giữ, thì Cụ Cố Ngô Đình Khả tức cụ bà Phạm thị Thân được di chuyển từ Huế vào Sài Gòn sống ở nhà anh Nguyễn Linh Tuyên, và được ít lâu sau thì Cu. Cố từ trần. Tôi được gia đình anh Tuyên báo tin buồn này sớm nhất. Khi tôi và anh Tuyên đang bàn bạc cùng ông bà Ấm và Đức cha Thuận, sắp đặt công việc cho buổi lễ an táng cụ cố, thì ông bà Trần Trung Dung đến cho biết:

-“Hội Đồng Tướng Lãnh” ấn định chỉ cho phép quàn trong  24 tiếng thôi, đến 5g30 sáng hôm sau thì phải di quan ra khỏi nhà. Việc mai táng tôi đã giao cho nhà hòm Tôbia lo liệu mọi việc.

Nghe nói vậy, tôi mới hỏi ông bà Dung:

– Việc di quan thì anh chị  tính chuyển linh cửu cụ cố bằng phương tiện nào?

Ông Dung Đáp:

– Tôi bảo họ dùng xe hơi.  Mọi người có mặt im lặng, nhưng  tôi gạt phăng đi và nói:

– Không! Để tôi gọi Tobia thay xe hơi bằng xe ngựa, mà phải là 4 ngựa kéo cho trang trọng, chứ không phải chỉ có 2 ngựa kéo là đủ.

Ông Dung nói:

– Nhưng Hội Đồng Tướng Lãnh nói phải di quan ra khỏi nhà lúc 5g30 sáng. Tôi đáp:

– Tôi đồng ý di quan ra khỏi nhà theo đúng giờ qui định, và chỉ xin cho thay phương tiện di quan mà thôi. Sở dĩ tôi yêu cầu được di quan bằng xe ngựa là có lý do: vì xe ngựa đi chậm rãi, thong thả từ nhà anh Tuyên đến nhà thờ dòng Chúa Cứu Thế, cốt là để chờ đồng bào từ các họ đạo kịp đến nhà thờ dự đám táng và dự lễ cầu nguyện cho cụ cố.

 

Nghe tôi nói vậy, ông bà Ấm, Đức cha Thuận đều đồng ý với tôi. Sau đó tôi hỏi anh Tuyên:

– Hà Di đâu mà chưa thấy đến chụp hình?

Anh Tuyên cho biết:

– Tôi đã gọi, song Hà Di sợ liên lụy nên từ chối.

Nghe vậy, tôi nói anh Tuyên để tôi đi thông báo cho các họ Đạo và báo chí biết tin này. Đồng thời tôi chạy vội đến Tòa Báo Sàigòn Mai của Ngô Quân. May quá, tôi gặp nhà báo Nguyễn Bảo Sỹ em tướng Nguyễn Bảo Trị làm ở đây. Gặp Sỹ tôi nói:

– Có tin sốt cho cậu đây.

– Tin gì thế?

– Tin thân mẫu cố Tổng Thống mới từ trần

– Ở Huế hay ở đâu?

– Ở tại Sàigòn này và cậu có muốn theo tôi đến chụp hình, lấy tin không?

– Trời ơi, muốn lắm chứ!

Thế là tôi đưa Sỹ đến nhà anh Tuyên chụp hình, và hai đứa tôi đưa phim ra ngay tiệm chụp hình Kinh Đô, trên đường Phan Đình Phùng rửa hình cấp tốc, để Sỹ đưa lên báo cho kịp giờ phát hành. Sau đó tôi đến các nhà thờ Chợ Quán, Huyện Sĩ,… thông báo tin thân mẫu cố Tổng Thống đã qua đời, đồng thời cũng cho tin đến các ông: Stuart, Bryan Mills, v,v… để họ đến chia buồn.

Và thật đáng tiếc, những tài liệu tôi đưa cho Sỹ đăng báo và những hình Sỹ chụp linh cửu Cụ Cố tại nhà anh Tuyên đưa đăng báo, đã bị “bà kiểm duyệt” tàn nhẫn cắt bỏ một cách bỉ ổi, chỉ rộng lượng cho đăng vài dòng tin “Cáo Phó” ngắn ngủi thôi.

Khi Cụ Cố mất, bà Nguyễn Văn Ấm khuê danh Ngô Đình Thị Hiệp có làm đơn xin Hội Đồng Tướng Lãnh cho phép ông Ngô Đình Cẩn về chịu tang mẹ, nhưng họ đã ác độc và còn sợ vía ông Cẩn nên không chấp thuận. Sau đó tôi đích thân lái xe đưa bà Ấm lên gặp Đức Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình xin can thiệp song cũng không được.

Rốt cuộc ông Cẩn phải lãnh cái án Tử Hình, khiến cho dư luận rất bất mãn và cho tới lúc bản án Tử Hình được áp dụng, thì thiên hạ mới thấy lòng can đảm của ông Ngô Đình Cẩn, ông không hèn yếu, nhút nhát như dư luận được hướng dẫn, nên thưòng chê bai ông.

 

Cứ theo như luật tử hình thì trưóc khi xử tử, tội nhân phải được bịt mắt, nhưng ông Cẩn đã không chịu bịt mắt, vẫn ngang nhiên, dõng dạc nói:
– Không, khỏi cần bịt mắt tôi, để tôi đưọc nhìn quê hương tôi lần chót.
Và ông mỉm cười sẵn sàng đợi nhận những viên đạn vô tình và oan nghiệt, do những kẻ trưóc đây đã từng quị lụy, xin hàm ơn mưa móc của ông, nay đã cố tình ra lệnh giết ông.
Chung qui, ông Cẩn phải lãnh án tử hình, cũng vì chúng nghĩ ông có nhiều tiền, mà lại không chịu đem tiền bỏ vào túi tham của Tướng đảo chánh Nguyễn Khánh, khi hơi tiền đã làm mờ mắt, che lấp cả lưong tri của những kẻ đang có quyền hành, họ chẳng nghĩ gì đến Đạo lý, Nhân nghĩa cả.

 

Tin xử Bắn Ông Ngô Đình Cẩn

Báo Chính Luận số ra ngày 10-5-64 đưa tin:

      * 5 giờ chiều thứ Bảy 9-5-64 xừ bắn ông Ngô Ðình Cẩn tại khám đường Chí Hòa

      * Tử tội Phan Quang Ðông bị bắn ở Huế

 

SÀIGÒN – Nguồn tin thông thạo cho biết tử tội Ngô Ðình Cẩn sẽ bị hành quyết ngày 9-5, tại Trung tâm Cải huấn Chí Hòa vào lúc 5 giờ chiều. Cũng theo nguồn tin trên, Phan Quang Ðông cũng sẽ bị hành quyết tại Huế cũng nội trong ngày thứ Bảy.
Theo tin chánh thức thì mỗi một tờ báo ở Sàigòn được cử một ký giả theo dõi. Và theo lời hứa của Thủ tướng thì cũng có cả đại diện dân chúng ở Huế được chứng kiến. Hiện giờ, chung quanh khám Chí Hòa sự canh phòng trở nên rất nghiêm ngặt. Ngô Ðình Cẩn sẽ được xử bắn tại đây.
Còn theo tin thông thạo thì có lẽ Phan Quang Ðông được xử bắn, vì Việt Nam chỉ có một máy chém. Trung Tướng Khánh sẽ đi Huế dự cuộc biểu tình vĩ đại và sẽ tuyên bố đôi lời với quốc dân đồng bào.
Những tiết lộ mới chung quanh vụ án Ngô Ðình Cẩn
Theo tin của tờ báo Quân Ðội Mỹ “Stard and Stripes” thì Ðại sứ Mỹ Lodge có tìm cách cứu Cẩn khỏi chết.
Nhiều nguồn tin Mỹ khác còn xác nhận rằng Tòa Ðại Sứ Mỹ ở Sàigòn “đã làm đủ mọi điều có thể làm được trong mấy tuần qua để cứu Cẩn”.


       Thêm nữa, những nguồn tin trên cũng còn nói rằng Ðức Hồng Y Spellman ở Nữu Ước cũng xin giùm cho Cẩn, và Hội Ðồng Quân Ðội Cách Mệnh cũng nhận hàng chục lá đơn xin ân giảm cho Cẩn từ các tư nhân và các tổ chức Mỹ gửi tới.

Ðại sứ Lodge còn phủ nhận tin đồn trước đây Hoa Kỳ đã từ khước không cho Cẩn tỵ nạn chính trị và trao Cẩn cho Hội Ðồng Quân Nhân Cách Mệnh, Ðại sứ giải thích rằng nếu Cẩn đã xin tỵ nạn tại Sứ Quán Mỹ thì Ðại sứ đã cho Cẩn được hưởng quyền tỵ nạn rồi, như là Ðại sứ đã cho các vị Thượng Tọa tỵ nạn dưới Chính Phủ Diệm. Nhưng Cẩn lại vô Tòa Lãnh Sự tại Huế và Tòa Lãnh Sự không có quyền cho tỵ nạn.
Ðại sứ Lodge còn cho biết rằng Hoa Kỳ đề nghị chở Cẩn bằng phi cơ đi Ma Ní nhưng Chánh phủ Việt Nam không cho phép, và máy bay đã đưa Cẩn vào Sàigòn.
Bà Trần Lệ Xuân thỉnh cầu Giáo Hoàng can thiệp cho Cẩn
SÀIGÒN (VTX) – Theo một nguồn tin của hãng thông tấn Reuter, Trần Lệ Xuân vừa gởi đến Giáo Hoàng Phao Lồ VI một bức điện thỉnh cầu Giáo Hoàng can thiệp với Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa để xin ân xá cho em chồng là Ngô Ðình Cẩn sẽ bị hành quyết tại Sàigòn một ngày gần đây.
Trong bức điện gửi Ðức Giáo Hoàng và được công bố tối ngày thứ Tư vừa qua, quả phụ của Ngô Ðình Nhu có nói: “Tôi sợ rằng sự im lặng của Giáo Hoàng sẽ gây ảnh hưởng không hay cho thái độ của tín đồ Thiên Chúa Giáo và những người ngoại giáo đối với Tòa Thánh Vatican.”

Hết