CHIẾN SĨ TRẬN VONG (Cổ Tấn Tinh Châu)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

(Trích từ tác phẩm “Nhật Ký Lúc Chiều Tà”, tập 4, của Dương viết Điền xuất bản năm 2017).

Lễ Chiến Sĩ Trận Vong là ngày mà cả nước tưởng nhớ, tri ân các anh hùng tử sĩ đã hy sinh cho nền tự do dân chủ của đất nước và đem lại sự an bình thịnh vượng cho dân tộc Việt Nam.
Trong chiến trận, dù thắng hay bại đều có những tổn thương, mất mát, vì thế, dân tộc nào cũng có ngày Lễ Chiến Sĩ Trận Vong để tưởng nhớ đến những người chiến sĩ của mình đã nằm xuống trên chiến trường.Trong ý hướng ghi nhớ công ơn của các chiến sĩ đã hy sinh vì quốc gia dân tộc và vì lý tưởng tự do dân chủ của nhân loại, nhiều quốc gia đã dành một ngày để Tưởng Niệm rất long trọng.
Nay thì sau hơn 40 năm, tuy tiếng súng không còn trên đất nước Việt Nam, nhưng tiếng kêu than của người dân Việt vẫn không ngớt, vết thương chiến tranh Việt Nam vẫn chưa lành được trong lòng dân tộc Việt.
Ngày 30 Tháng Tư oan nghiệt đến, những nấm mồ trong các nghĩa trang quân đội bị bọn cầm quyền Cộng Sản Việt Nam tìm đủ mọi cách san bằng mong xóa đi sự hiện diện của một chế độ mà người dân còn vọng tưởng.
Ngoài việc cày mồ người chết để trả thù, VC còn hành hạ những thương phế binh, cô nhi tử sĩ bị kẹt trong nước, mà mới nhất là chiến dịch “đuổi tận, giết tuyệt” các thành phần trên, đang sống tại các chòi, dựng trong nghĩa địa Phước Bình, Sài Gòn.
Giờ đây, trước anh linh người vị quốc vong thân đang yên giấc vĩnh hằng, chúng tôi đến viếng các anh trong nỗi niềm tiếc thương, xin được kính cẩn nghiêng mình dâng lên các anh hùng tử sĩ vòng hoa tươi thắm, thắp nén nhang thơm, bày tỏ lòng tri ân đến các anh.
Trong lòng mỗi người trào dâng sự xúc động, nghẹn ngào. Đó không chỉ niềm thương tiếc, xót xa mà xen lẫn sự khâm phục, lòng biết ơn. Đồng bào tuy sinh sống ở khắp miền đất nước nhưng giữa họ có chung một hướng đi, một con đường tiến tới – đó là đường chống ngoại xâm để bảo vệ tự do dân chủ cho đất nước.
Các anh đã trở thành bất tử trong tim của mỗi người đang sống. Hàng năm ở hải ngoại, những chiến sĩ VNCH vẫn cùng đồng bào tỵ nạn cs đến dâng những nén hương và cắm cờ Vàng Ba Sọc Đỏ từng mộ bia để tưởng niệm đến những chiến sĩ VNCH đã có công đóng góp vào cuộc chiến bảo vệ miền Nam Việt Nam.
Đất trời như giao hòa giữa hai cõi âm dương. Nơi nghĩa trang ngập tràn nhang khói và cờ, hoa như sự tri ân thành kính của thế hệ người đang sống mãi mãi không quên công ơn của các anh hùng tử sĩ.
Hoạt động tri ân các anh hùng tử sĩ là dịp để nâng cao ý thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ, từ đó giáo dục truyền thống, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, xây dựng đất nước, xứng đáng với sự hy sinh to lớn của các anh hùng đã ngã xuống cho tổ quốc.
Chiến trường khốc liệt với biết bao mất mát, đau thương, mỗi tấc đất, tấc biển, mỗi dòng sông, gốc cây, ngọn cỏ đã in dấu bao chiến sĩ ngã xuống vì bảo vệ chủ quyền của đất nước và hạnh phúc của đồng bào. Để đương đầu với bọn xâm lăng, hàng trăm ngàn thanh niên Việt Nam với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ đã ra đi với quyết tâm bảo vệ miền Nam Việt Nam Tự Do.
Có những chiến sĩ trong tuổi mơ ước, đã ôm những ước mơ hoài bão, những khao khát của tuổi trẻ bước vào giấc ngủ ngàn thu, để đổi lấy tự do dân chủ cho đất nước, dân tộc có được cuộc sống an bình thịnh vượng. Vì vậy sức sống của dân tộc Việt mãnh liệt như ngày hôm nay chính là bắt nguồn từ tình yêu quê hương đất nước của những người như các anh.
Những chiến sĩ mang trên vai gánh nặng non sông, từ giã những người thân yêu nhứt của mình để ra tiền tuyến, nơi mà ranh giới giữa sự sống và cái chết là vô cùng mong manh. Trong buổi chiều hành quân cuối cùng chưa kịp chia nhau nắm gạo sấy đã ướt…Đến bây giờ các anh vẫn đói, vẫn lạnh, vẫn chưa trở về cùng đồng đội.
Ở hậu phương, bóng hình người mẹ, người vợ vẫn ngày ngày đợi chờ các anh, để rồi lại giấu nỗi đau vào tim khi được tin các anh mãi mãi không trở về. Nước mắt người Mẹ không còn, vì khóc những đứa con, lần lượt ra đi, đi mãi mãi. Thời gian trôi qua, vết thương trên da thịt đã lành theo năm tháng. Nhưng vết thương lòng, mẹ vẫn còn nặng mang…
Đất nước Việt Nam trải qua bao cuộc chiến tranh máu lửa, người mẹ chiến sĩ đã gánh cả giang sơn trên đôi vai gầy, đi suốt chiều dài lịch sử, đã mở đầu cho trang truyền thuyết về người mẹ Việt Nam. Cho dù hơn bốn mươi năm, hay ngàn năm đi nữa, mãi mãi những ký ức, những câu chuyện kể đó vẫn có sức mạnh làm rúng động từng ngõ ngách con tim hàng triệu lớp người dân Việt mỗi khi nghĩ về. Bởi lẽ, sự vĩ đại và thiêng liêng của bao thế hệ cha anh hy sinh không bù đắp được là những mất mát không lắp bằng.
Sự cống hiến, hy sinh của chiến sĩ là vô giá, không chỉ cho ngày hôm qua, hôm nay mà còn cho muôn đời của các thế hệ nối tiếp. Hãnh diện của dân tộc Việt Nam ngày hôm nay không ai khác chính các anh chiến sĩ là những người đã tạo nên. Tổ quốc Việt Nam tự hào về các anh – những người anh hùng của dân tộc!
Mỗi khi đất nước bị kẻ thù xâm lược thì các anh với truyền thống yêu nước, anh dũng bất khuất chống ngoại xâm đã đứng lên liều thân xông vào khói lửa để bảo vệ chủ quyền cho đất nước. Sự hy sinh ấy đã dựng lên một bức trường thành lẫm liệt đối diện với dã tâm xâm lược, nó sừng sững và dữ dội hơn cả những dãy núi Trường Sơn. Đó là bức trường thành của lòng yêu nước, của ý chí xả thân bảo vệ từng tấc đất, tấc biển của Tổ quốc.
Trong chiến tranh cũng như lúc thanh bình, các anh vẫn một lòng dũng cảm, dâng cả cuộc đời cho dân tộc với non sông. Các anh đã viết nên trang sử vàng chói lọi, vẻ vang của dân tộc như bản thiên anh hùng ca bất tử, đã và đang soi đường cho thế hệ trẻ tiếp bước, tiến lên. Sự hy sinh và cống hiến của các anh hùng tử sĩ sẽ mãi mãi được tôn vinh và trường tồn cùng non sông nước Việt. Tinh thần chiến đấu ngoan cường của chiến sĩ là tấm gương sáng ngời, là bài học sống động hào hùng cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Trong cuộc chiến kéo dài hơn hai mươi năm, hàng ngàn chiến sĩ đã ngã xuống trên khắp các chiến trường. Máu thịt của các anh đã thấm sâu vào lòng đất Mẹ. Đó là bổn phận của người chiến sĩ trước sự tồn vong của Tổ Quốc, là trách nhiệm của thế hệ tiếp nối đối với thành quả của tiền nhân để lại.
Vì vậy, chúng ta – những người ở lại, và cả hậu thế đều còn rất nhiều việc phải làm để đóng góp phần tri ân, hy sinh đó. Có những chiến sĩ dũng cảm kiên cường đã nằm lại nơi đây, nơi nghĩa trang này và từng tấc đất của những ngọn đồi, nắng vẫn sáng bình yên trên vai anh, hoa vẫn vàng nở dưới chân anh – những người anh hùng bất tử. Hồn của các anh vẫn muôn đời bước cùng quê hương đất nước.
Đây cũng là dịp để bày tỏ ý chí chung lòng tiếp nối cuộc hành trình bảo vệ Tổ quốc Việt Nam mà các tử sĩ còn chưa đi trọn. Chết vì tổ quốc, tổ quốc ghi ơn, chết vì đồng bào, đồng bào thương nhớ và tiếc nuối, các anh nằm xuống nơi đây là những anh hùng dân tộc và dân tộc đời đời ghi khắc vào tâm khảm.
Còn đây là những trang sử cho dù không thể nói hết vì những chiến sĩ chiến đấu đơn độc trong chiến trường tại bãi biển Thuận An…là những chiến sĩ vô danh thênh thang một cõi đi về.
Hơn bốn mươi năm qua, dòng chảy của lịch sử vẫn lững lờ trôi, nước biển và bãi cát thì vẫn còn đó, nhưng những chiến sĩ anh dũng vẫn chưa trở về đơn vị. Từng giọt máu đào rơi, từng khoảnh khắc người này ngã xuống người khác đứng lên đầy bi hùng đã để lại cho hậu thế biết bao bài học tri ân sâu sắc.
Nhớ thương nhiều lắm khi trên đất nước này thân xác các anh đã không còn nguyên vẹn, từng mảnh, từng mảnh đã hòa cùng cây cỏ, đất cát biển trời để tô thắm những trang sử vẻ vang của dân tộc.
Có nhiều anh hùng, tử sĩ đã hy sinh, bên cạnh những người mà tên tuổi đã ghi rõ trên mộ bia, được đồng đội, người thân thường xuyên thăm viếng, khói hương… nhưng xót xa thay, nhiều anh hùng ra đi không để lại một cái tên, hơn bốn mươi năm vẫn chưa tìm thấy chốn quay về. Chỉ mỗi cái tên thôi cũng không còn, tất cả, họ đã hiến dâng trọn vẹn cho non sông tổ quốc. Đó là những chiến sĩ vô danh, đã gợi lên trong lòng chúng ta niềm đau xót, tiếc thương vô hạn.
Chúng ta ai cũng có một cuộc đời để sống và một lần để chết, nhưng các anh đã sống được mọi người yêu thương, và chết được người đời ghi nhớ, xót xa và tiếc nuối.
Tiếng gió thổi, lá reo hòa cùng tiếng thì thầm của các anh nhắc nhở chúng tôi hãy sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ đi trước; hãy ngẩng cao đầu vững bước tiến tới tương lai.
Sự tiếp nối truyền thống cao đẹp này, là đạo lý quý báu của dân tộc ta; đó còn là trách nhiệm, là tình cảm thiêng liêng, là sự tri ân của chúng ta đối với các thế hệ đi trước. Một ngọn nến, nén nhang được dâng lên các anh hùng tử sĩ như là một lời hứa quyết tâm của tuổi trẻ. Hồn tử sĩ dệt thành hồn thiêng sông núi. Mỗi tấc đất, tấc biển, giấu trong mình cả một ký ức về lịch sử khốc liệt của chiến tranh mà bao đời ông cha đã kiên cường giữ lấy.
Chúng tôi tin rằng hương hồn các anh vẫn quấn quýt, vấn vương trong từng lá cây, ngọn cỏ, trong mỗi dòng sông, đỉnh núi… trên đất Chúng ta hãy tiếp tục bảo vệ các thành quả mà thế hệ ông cha đã để lại mới chính là hành động thiết thực nhứt để tri ân công ơn của các thương phế binh và anh hùng tử sĩ đã cống hiến cho đất nước này suốt hàng ngàn năm qua. Khi sống hiếu trung, nay thác đi với tâm thức anh hùng, xin hồn thiêng sông núi phù trợ cho những người sẵn sàng chết cho Tự Do Dân Chủ, cho đồng bào thương mến, để các anh được nằm yên dưới trời xanh nắng ấm, được ngắm lá cờ Vàng tung bay ngạo nghễ, được nghe tiếng hát Quốc Ca vang khắp phố phường.
California 1/2017.
Cổ Tấn Tinh Châu