Vô cùng thương tiếc khi nhận được tin buồn:
Nguyên Thiếu Tá Phi Công GIUSE ĐÀO BÁ HÙNG
tức nhà văn Đào Vũ Anh Hùng vừa mãn phần tại Dallas, Texas.
Xin thành kính phân ưu cùng Bà Quả Phụ ĐÀO BÁ HÙNG,
Khuê danh NGUYỄN THÚY PHỤNG cùng Tang Quyến.
Nguyện cầu Linh Hồn GIUSE ĐÀO BÁ HÙNG được sớm về hưởng Nhan Thánh Chúa nơi chốn thiên đàng.
Với bản tánh bình dị, nhưng cương nghị, thẳng thắn, một chiến hữu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa có một tinh thần chống Cộng sản bất khuất. Tác giả không có tham vọng chuyên chở những đoản văn tuyệt tác như các văn nhân thời danh, chỉ muốn ghi lại những nỗi niềm chứa đựng bao cảm xúc chân thật, nồng nàn của một người như mọi người Việt Nam đang sống trong thế kỷ này, qua những biến đổi của quê hương đất nước và của tình người, tình bạn…
Tác giả đến với chúng ta bằng tấm lòng trọn vẹn, một chiến hữu, văn hữu đầy chân thành trong cuộc sống thực tế để nói lên những điều mình muốn nói từ bến bờ đại dương xa thẳm vọng về chân trời góc biển của quê hương Việt Nam mến yêu.
Chúng tôi hy vọng quý độc giả sẽ lần lượt đón đọc những đoản văn của tác giả bằng tình cảm của mỗi người.
Tên thật: Ðào Bá Hùng
Sinh năm 1943 tại Hà Nội
Viết văn từ năm 1960 với bút hiệu Ðào Vũ Anh Hùng. Gia nhập làng báo năm 1964. Viết thường xuyên cho cho các báo Ngày Nay, Sống, Ðời, Sóng Thần, Hòa Bình, Truyện Hay Thứ Tư và Lý Tưởng KQ…
Tại hải ngoại, cộng tác với nhiều báo và tạp chí ở Hoa Kỳ và Âu Châu. Quản trị và điều hành ÐPT Tiếng Nói Việt Nam tại Dallas, TX. (1983-1985).
Gia nhập KQ năm 1964. Tốt nghiệp ngành phi hành tại Hoa Kỳ, 1966. Phục vụ PÐ215 (Nha Trang, 1966-1971) và PÐ245 (Biên Hòa, 1971-1975). Cấp bậc cuối cùng: Thiếu tá Phi đoàn trưởng PÐ245/SÐ3KQ.
Tại Hoa Kỳ: Hội trưởng Hội KQ Dallas-Fortworth (1990-1996).– Tổng Hội Không Lực VNCH hai nhiệm kỳ (1996-2000)
Chủ biên Ðặc san Ðường Mây và Lý Tưởng Không Quân (1990-2000).
————————————————————————–
Đào Vũ Anh Hùng: người vừa bội hứa
(Ngọc Tự)
Tháng Hai 23, 2022
Đào Vũ Anh Hùng và tác giả (Ảnh chụp: 12/2006)
(Bài viết như nén tâm hương chân thành tưởng nhớ một hiền huynh quý mến. Trong bài có nhắc đến danh tính nhiều người đã khuất. Cũng xin thành tâm tưởng nhớ).
(bài trên tạp văn)
Sáng sớm thứ bẩy tuần mới rồi, tôi nhận được tin nhắn từ thân hữu báo cho biết, anh Đào Vũ Anh Hùng vừa từ trần tại Dallas lúc 9:00 giờ tối hôm trước, thứ sáu 18.2.2022. Chỉ một thoáng xúc động thôi, vì tôi biết cái điều phải đến đã đến. Mấy năm trước đây, sau lần bị đột quỵ, rồi té ngã ngoài công viên khi đang đi bộ tập thể dục, sức khỏe của anh suy giảm dần. Và thời gian sau đó là nằm luôn trên giường bệnh, không còn có thể hoạt động bình thường như cũ. Chúa nhật tuần trước, tin từ gia đình cho biết bệnh tình anh bắt đầu trở nặng hơn theo chiều hướng xấu. Anh không còn ăn uống được gì nữa và mọi thứ chuẩn bị cho hậu sự đã được gia đình sắp xếp lo liệu. Và rồi cuối cùng, anh nhắm mắt xuôi tay yên nghỉ, bỏ lại phía sau cho đời tất cả mọi thứ, mọi chuyện.
Trong cuộc sống với những mối liên hệ, thường ra mỗi khi có một người thân quen ở đâu đó từ giã cuộc đời, đều gợi nhắc cho người ở lại những liên tưởng, hồi nhớ theo dòng thời gian với người ấy. Tôi không phải là bạn hữu ngang hàng cùng lứa với anh Đào Vũ Anh Hùng, mà chỉ như một người bạn vai em. Dù vậy, tôi được anh coi là thân thiết gần gũi, và dành cho nhiều yêu mến suốt mấy mươi năm qua. Vì thế cũng có ít nhiều kỷ niệm ân tình để ghi nhớ.
Tôi gặp và biết anh lần đầu tiên vào khoảng năm 1971, nhân dịp đám cưới một người bạn tôi. Cô dâu là em trong gia đình anh. Ngày ấy, đi theo bạn tôi đến nhà gái tại con hẻm nhỏ đầu đường Kỳ Đồng, gần ngã ba Trương Minh Giảng, để phụ giúp vài thứ việc cho đám cưới, tôi được chào hỏi và thưa chuyện đôi chút với một vị có vai vế bên nhà gái, hãy còn trẻ, nhưng nhìn rất nghiêm nghị đạo mạo, dẫu vậy lại vui vẻ cởi mở dễ gần, là anh. Thời gian đó, sau khi mãn khóa 3/69 Trường Bộ Binh Thủ Đức, tôi được chuyển về phục vụ ngành Chiến Tranh Chính Trị tại Bộ Tư lệnh Không Quân mới hơn năm, và là lính văn phòng, nên cũng chưa hiểu biết gì mấy về giới bay bổng của quân chủng có tiếng hào hoa này, cũng như sinh hoạt báo chí, văn chương chữ nghĩa của nơi chỗ tham dự mới. Trong khi ấy, anh đã là một ông quan pilot oai vệ, thâm niên quân vụ, lon lá hơn hẳn. Anh còn là một tên tuổi quen thuộc từ lâu của văn giới Không Quân, cách riêng tập san Lý Tưởng, tờ báo của quân chủng, do đơn vị nơi tôi mới về phục vụ, phụ trách việc thực hiện.Và anh là người cũng từng sinh hoạt văn nghệ báo chí nhiều năm trong làng văn xóm chữ Sài gòn, trước khi nhập ngũ.
Ấn tượng đầu tiên khi gặp anh, cho tôi có cảm nghĩ đây là hình ảnh một ông thầy giáo, hơn là một hoa tiêu trực thăng, trực tiếp đối đầu với hiểm nguy sinh tử ngày ngày nơi chiến trường. Nhưng rồi chỉ ít lâu sau đó, được thân quen gần gũi với anh, tôi mới biết rằng đằng sau cái dáng mạo như nhà giáo ấy, và bên trong bộ phi bào võ biền ấy, là một con người nghệ sĩ vô cùng tài hoa, tâm hồn thật phóng khoáng, nhưng cũng rất trực tính.
Mọi người thường quen thuộc với cái bút danh Đào Vũ Anh Hùng, hơn là tên thật Đào Bá Hùng của anh, một người gốc Hà nội thanh lịch, đất nghìn năm văn vật. Chỉ thời gian ngắn sau lần gặp gỡ đầu tiên ngắn ngủi ấy, một hôm từ đơn vị anh ghé qua văn phòng Khối Chiến Tranh Chính Trị chúng tôi để đưa bài cho tập san Lý Tưởng số sắp tới. Tình cờ lúc đó tôi đang ngồi tán gẫu với mấy anh em phụ trách điều hành và biên tập viên, cộng tác viên của tờ Lý Tưởng. Trong sự ngạc nhiên thích thú, anh nhận ra ngay khuôn mặt mới là tôi, giữa những người cũ mà anh đã quen biết ở đây từ lâu, như anh Thế Phong, Hồ Phong, Kiêm Thêm, Nguyễn Đình Thiều, Thanh Chương, Trần Kim Nho, Minh Triệu, Phạm Hồ, Hoàng Thụy Kha, Phan Lạc Giang Đông… Và rồi tôi trở nên thân quen gần gũi với anh từ những lần như thế, vẫn thường thỉnh thoảng tiếp theo là chầu cà phê đông vui dưới khu gia binh hay bên hội quán, nhiều khi với sự có mặt thêm nữa của anh Trần Tam Tiệp, hay một vài người bạn phi hành của anh.
Tôi biết mình dành được sự yêu mến của anh, là còn nhờ ở mối giao tình của anh với mấy hiền huynh thân quý của tôi trong báo giới Sàigòn ngày ấy, như anh Dương Hùng Cường, cũng cùng chung đơn vị với tôi, anh Hồ Nam (nhà thơ Vương Tân) mà anh quen biết từ hồi ở nhật báo Hòa Bình.
Cũng như mọi người, tôi biết anh gia nhập làng báo Sài gòn rất sớm khi còn trẻ và bộc lộ văn tài từ những ngày ấy. Anh cũng đã có dịp tự sự về quãng đời sôi nổi này của mình, bên cạnh các tên tuổi lớn như nhà văn nhà báo Hiếu Chân (Nguyễn Hoạt), Chu Tử (Chu Văn Bình), Nguyễn Thế Truyền, Ngô Đức Mão …qua các tờ báo đình đám một thời như: Ngày Nay, Thứ Tư tuần san, Thân Dân, Tranh Đấu, Hòa Bình, Sống… Ngoài những bài báo và nhiều sáng tác đa dạng về nội dung cũng như đề tài, được đăng tải rải rác trên các báo, dấu tích dường như duy nhất của anh thời kỳ này, may ra còn lưu lại đâu đó là tập truyện đã xuất bản “Ngày Ấy Khi Ta Yêu Nhau”(in chung với Võ Hà Anh).
Anh gia nhập Không Quân năm 1964, thuộc tài khóa 65A, rồi tốt nghiệp trường bay bên Hoa Kỳ, về nước phục vụ tại các Phi đoàn Trực Thăng, qua nhiều chức vụ, từ PĐ.215 Thần Tượng ngoài Sư đoàn 2 Không Quân Nha Trang (1966-1971), rồi PĐ.245 tại Sư đoàn 3 Không Quân Biên Hòa (1971-4/1975), mà sau cùng anh đảm nhận chức vụ Quyền Phi đoàn trưởng, khi đã thâm niên cấp bậc Thiếu tá. Anh là một hoa tiêu trực thăng dầy dạn kinh nghiệm, có mặt trên khắp các chiến trường, đã từng bay từ loại trực thăng H.34 cổ lỗ sĩ, rồi loại hiện đại UH.1. Sau trận chiến Mùa Hè đỏ lửa năm 1972, anh được bầu chọn và Quân chủng tuyên dương là Phi công Xuất sắc. Là một cấp chỉ huy mẫu mực, được sự yêu mến vị nể của đồng đội và thuộc cấp. Các thượng cấp cũng dành cho anh những tin cậy và tình cảm yêu thương. Cách riêng, với những anh em cầm bút trong gia đình văn chương chữ nghĩa Không Quân, anh luôn thể hiện sự chan hòa của tình bạn hữu huynh đệ.
Tưởng chừng đời quân ngũ sống với bay bổng, thường trực đối diện hiểm nguy và cái chết rình rập, sẽ làm thay đổi văn phong trong con người nghệ sĩ Đào Vũ Anh Hùng. Nhưng rồi như đã thấy qua các sáng tác của anh về cuộc sống, về chiến tranh và đời lính, nhất là đời phi công chiến đấu, chỉ cần giới hạn trong phạm vi đã xuất hiện trên tờ Lý Tưởng, đã cho thấy biết bao cảm xúc dạt dào, phơi trải những nỗi niềm tâm tư da diết của một người cầm bút, đồng thời cũng là một người chiến sĩ trực tiếp nơi tuyến đầu binh lửa.
Anh viết rất đều tay và sáng tác của anh xuất hiện thường xuyên trên tờ Lý Tưởng, chưa kể đến các báo ở đơn vị và các tuyển tập in chung với các văn hữu như Những Mảnh Trời Khác Biệt (9 tác giả Không Quân, Lý Tưởng xuất bản), Thơ Truyện Không Quân Thời Chiến (25 tác giả trong và ngoài Không Quân, nhà xuất bản Vàng Son), Đường Mây (in chung với ba tác giả Không Quân khác: Lê Văn Trước, Trần Viễn Phương, Kiêm Thêm).
Bút ký Không Bỏ Anh Em không Bỏ Bạn Bè của anh Đào Vũ Anh Hùng đăng trên báo Lý Tưởng trước đây (sau đó được in lại trong các Tuyển tập), nói kể cuộc tìm về sinh lộ, về với anh em, bạn bè đồng đội, sau ba bốn đêm ngày chiến đấu và vượt qua biết bao thử thách cam go, đầy hào hùng lẫm liệt bi tráng của phi công Trần Duy Nguyện hồi cuối tháng 3/1968, sau khi chiếc máy bay L.19 lâm nạn, rơi xuống giữa rừng già đồi núi chập trùng hiểm trở M’Drak, vùng Cao nguyên Trung phần; đã là một dấu ấn vô cùng đậm nét trong các sáng tác về đời lính Không Quân. Không Bỏ Anh Em Không Bỏ Bạn Bè đã trở thành quen thuộc và bất hủ. Cho đến hôm nay, mỗi khi nghe nói câu này là phải nhớ ngay đến Không Quân và tác giả của câu nói đó.
Riêng tôi, bao giờ cũng nhớ đến nét mặt của anh, lúc nào cũng như thật nghiêm nghị đạo mạo, nhưng bên trong ẩn chứa sự hồn hậu vồn vã biết bao, chỉ được biểu lộ khi cần thiết. Lần sau hết còn nhớ được, tôi bất chợt nhìn thấy anh trong thoáng vội, tất bật đầy vẻ lo âu bận rộn, giữa một đám đông người, quân nhân và gia đình, vô cùng hối hả, xô bồ lộn xộn, đang lo lắng chen chúc nhau trong việc sắp xếp để đi di tản, là vào một buổi chiều nơi mấy ngày cuối cùng của tháng Tư bi thảm ấy, trong căn cứ Tân Sơn Nhất.,
*
Đầu năm 1981, tôi trở về từ trại tù cải tạo miền Bắc, sau gần sáu năm lưu đầy biệt xứ. Nhờ có vài cơ duyên và từ anh Dương Hùng Cường, đã ra tù sớm trước đó, mà anh Trần Tam Tiệp, một hiền huynh thân thiết khác trong Không Quân ngày xưa, đã tìm lại được tôi để nối liên lạc. Khi ấy anh Trần Tam Tiệp hoạt động trong Văn Bút Việt Nam hải ngoại và là Tổng Thư ký. Thỉnh thoảng, ngoài sự tiếp tế về vật chất là thùng quà thuốc tây 2 pounds, anh còn tìm cách gửi cho mấy tờ báo xuất bản ở hải ngoại, qua đường dây riêng, kín đáo trong Bưu điện. Một lần như thế, tôi nhớ là trong bài đăng trên tờ Nhân Chứng bên Cali, nhân dịp đi uống cà phê với anh Trần Tam Tiệp, trong chuyện trò, anh Đào Vũ Anh Hùng nhắc đến tôi và nói không biết tình trạng của tôi bây giờ như thế nào, khi nhớ lại những buổi cùng đi uống cà phê với anh em huynh đệ ở khu gia binh căn cứ Tân Sơn Nhất nơi ngày tháng cũ. Thật cảm động quá.
Và rồi lại tiếp theo những dâu bể nữa của cuộc đời. Đến giữa tháng 12 năm 2006, gia đình tôi mới lên đường đi Hoa Kỳ định cư theo chương trình được mở lại lần cuối cho các sĩ quan quân đội đã bị đi tù Cộng sản. Nơi đến mà gia đình tôi chọn là thành phố Houston, Texas. Bà chị cả tôi sinh sống tại đây đã giúp cho việc thuê sẵn được một căn nhà, có thêm số điện thoại bàn để liên lạc. Tôi đã cung cấp chi tiết nơi chỗ sẽ đến này cho một vài huynh đệ bằng hữu gần gũi, trong đó có anh Hồ Nam. Chính nhờ anh, một người vẫn liên lạc email thường xuyên với hải ngoại, mà nhiều huynh đệ bằng hữu cũ của tôi bên Hoa Kỳ biết về chuyến đi của gia đình tôi.
Vừa đến Houston đâu được vài ngày, thật bất ngờ trong ngạc nhiên và xúc động khi tôi nhận được điện thoại thăm hỏi của anh Đào Vũ Anh Hùng. Anh nói đã biết tin tôi sang đây và sẽ từ Dallas xuống thăm tôi vào cuối tuần, cũng nhân dịp họa sĩ Đằng Giao, người bạn thâm giao của anh, từ Việt Nam mang tranh sang triển lãm tại trụ sở báo Saigon – Houston và đài phát thanh Radio Saigon 900AM của anh chị Dương Phục & Vũ Thanh Thủy. Và rồi anh em chúng tôi cùng có mặt trong ngày khai mạc cuộc triển làm này, Gặp mọi người thân quen, anh vồn vã chào hỏi và ân cần giới thiệu tôi. Biết bao mừng vui, hàn huyên chuyện trò đủ thứ câu chuyện, tưởng chừng không thể dứt giữa anh em chúng tôi buổi gặp lại nhau lần ấy.
Trước lúc chia tay, ngoài việc trấn an, động viên tinh thần cho tôi, anh còn dặn dò tôi nhiều điều, phải cẩn thận với tổ chức này, đoàn thể kia, phải dè chừng người này hay tránh mặt nhân vật nọ, kể cả một trong những cộng tác viên khá quen thuộc của tờ Lý Tưởng trước kia, mà anh nói là rất lèm bèm, dễ gây bực mình. Chỉ ít lâu sau thôi, tôi cảm nhận được ngay và hiểu ra rằng vì sao mà anh Đào Vũ Anh Hùng đã phải dặn dò tôi như thế. Qua một vài bài viết cũ của anh gửi cho đọc và qua đủ loại báo chí có được từ nhiều nguồn, tôi cũng phần nào biết qua về các sinh hoạt của người Việt tại hải ngoại, cách riêng là sinh hoạt của các tổ chức hội đoàn Không Quân tại nhiều nơi.
Tôi được biết đến Hoa Kỳ hồi tháng 4/1975 và sau thời gian ổn định cuộc sống, anh đã tích cực tham gia các sinh hoạt của Không Quân và từng nắm giữ các chức vụ chủ chốt như Hội trưởng Hội Không Quân vùng Dallas-Fortworth, địa phương nơi gia đình anh cư ngụ, rồi được tín nhiệm bầu làm Tổng Hội trưởng Tổng Hội Không Quân hai nhiệm kỳ liền từ 1996-2000. Tôi có được đọc mấy bài viết tâm huyết, đầy chân tình, nhưng cũng thật nẩy lửa của anh, liên quan đến các sinh hoạt tại hải ngoại.
Anh cũng là một trong những người có nhiều công sức làm sống lại tờ Lý Tưởng tại hải ngoại và làm cho Lý Tưởng đình đám một thời, trở thành niềm tự hào của Không Quân. Khi tôi sang đến Hoa Kỳ và gặp lại anh năm ấy, anh đã thôi không còn một tham dự nào nữa, từ một lý do đơn giản là do cá tính con người anh, sự thẳng thắn và bộc trực không cho phép anh chấp nhận hay thỏa hiệp với những điều thiếu rõ ràng. Dĩ nhiên, cũng đâu thể nào tránh khỏi va chạm, có người yêu kẻ ghét, nhưng dường như với anh, không phải là điều quan trọng cho lắm.
Anh Đào Vũ Anh Hùng còn đem đến cho tôi một bất ngờ khác nữa và là một trong những kỷ niệm nhớ đời nơi đất khách quê người. Câu chuyện như thế này:
Khoảng ba tháng sau ngày anh em chúng tôi gặp lai nhau, một hôm có người gọi điện thoại đến nhà xưng tên và tự giới thiệu thuộc Câu lạc bộ Trực thăng, đồng thời cũng là Trưởng ban Tổ chức Buổi Dạ tiệc Tình Chiến hữu, được tổ chức nhằm mục đích chào mừng các gia đình cựu quân nhân mới đến Houston định cư, trong chương trình như chương trình H.O. được mở lại. Anh gọi tôi là niên trưởng và chân thành xin lỗi vì không biết, nên đã không gửi thư mời gia đình tôi tham dự buổi Dạ tiệc này. Hôm nay thì cận kề rồi và chỉ còn vài ba ngày nữa là đến ngày khai mạc. Vì thế, xin được thông cảm và có lời mời trễ muộn qua điện thoại. Dù hơi ngạc nhiên và ngỡ ngàng, tôi ngỏ ý cám ơn và xin nhận lời mời. Anh đọc cho tôi ghi địa điểm và ngày giờ. Tôi cũng nói thêm rằng, tôi chỉ là sĩ quan Không Quân cấp bậc thấp và làm việc văn phòng thôi, nên Ban Tổ chức không phải bận tâm, câu nệ điều gì, nhất là về danh xưng.
Tôi đoán ra rất nhanh và sau đó hỏi ngay anh Đào Vũ Anh Hùng. Anh cười xác nhận và cho biết biết Ban Tổ chức cũng có mời, nhưng anh đã từ chối rồi, vì từ lâu không còn tham dự các sinh hoạt cộng đồng, và đã quên khuấy việc này. Bất ngờ, họ lại vừa gửi chi tiết chương trình, kèm theo danh sách các gia đình khách mời đặc biệt, là thành phần chính của buổi tiệc. Không thấy tên tôi mà chỉ có mấy gia đình thuộc Hải quân, Cảnh sát Quốc gia, Bộ binh, nên anh nói với Trưởng ban Tổ chức, người điện thoại cho tôi, cùng dân Trực thăng, thuộc khóa đàn em rất xa sau anh, rằng có một tay Không Quân thứ thiệt là tôi, cũng vừa mới đến Houston mà sao không thấy trong danh sách được mời. Thì ra là như vậy. Khi đến dự buổi Dạ tiệc này, tôi ngạc nhiên và thoáng giật nình vì số lượng người tham dự ngoài sự tưởng tượng. Dễ cũng đến hơn năm trăm người ngồi chật kín phòng tiệc rộng lớn. Biết được điều này là nhờ tôi nhìn thấy số thứ tự của bàn, đặt trên mấy bàn nơi cuối phòng, nằm sát cửa ra vào.
Ban Tổ chức đã dành cho các gia đình chúng tôi những trân trọng ưu ái, tràn đầy thương yêu quý mến của tình huynh đệ chi binh, vô cùng cảm động. Chúng tôi được long trọng giới thiệu và nhận tràng pháo tay dài chào mừng. Đây là lần duy nhất trong đời tôi được làm khách đặc biệt như vậy. Mỗi gia đình còn được nhận một Bảng Lưu Niệm trình bầy khá đẹp, có danh xưng và chữ ký của 18 vị phụ trách đương nhiệm 18 hội đoàn quân đội và cảnh sát tại Houston, kèm theo món quà vật chất là một phong bì đựng hiện kim. Chưa hết, ngay trong buổi tiệc hôm ấy, nhiều người thân quen ngày xưa đã vui mừng và vô cùng bất ngờ được gặp lại tôi. Có bạn cùng khóa về Không Quân, nhưng khác ngành. Có cả người bạn học tại trường Luật từ hồi 1966 khi tôi chưa nhập ngũ.
Và rồi những ngày tiếp theo, tôi được đón tiếp nhiều cuộc thăm viếng ân cần tại nhà, lại được nhận thêm những món quà hiện kim. Gom lại tất cả, nhiều hơn tháng lương đầu tiên của tôi tại đất khách quê người. Thật cảm động, trong số các vị khách ấy, có anh Trần Văn Nghiêm, Hôi trưởng Hội Không Quân, cựu Thiếu tá Phi đoàn trưởng một Phi đoàn Khu trục phản lực ngoài Đà Nẵng, dù rằng tôi chỉ là một anh Không Quân văn phòng hạng bét.
Thỉnh thoảng sau này, bất chợt cầm một tờ tiền Hoa Kỳ trên tay, tôi lại bồi hồi nhớ đến những đồng tiền ân nghĩa ngày mới đặt chân lên xứ lạ, và lại nhớ đến anh Đào Vũ Anh Hùng. Ai đã làm ơn cho mình điều gì dù nhỏ nhoi, thì cũng không bao giờ được phép quên lãng, đạo nghĩa làm người dậy bảo như thế. *
Và rồi theo với thời gian nơi cuộc sống, anh em chúng tôi chỉ thỉnh thoảng điện thoại thăm hỏi nhau. Thảng hoặc có dịp ghé xuống Houston, anh không quên tìm tôi và chúng tôi chỉ có chút ít thời gian gặp gỡ chuyện trò ở tiệm phở hay quán cà phê, để anh còn kịp quay về Dallas ngay. Anh vẫn hay nhắc tôi việc thu xếp để có một lần lên chơi vùng Dallas. Nhưng rồi cuộc sống nơi xứ người cũng có những khó khăn cho thân trâu già như tôi, đã chậm mà nước đục thì cũng cạn kiêt, phải lo tìm nguồn nước còn sót lại ở các vũng nước khác nữa. Quanh năm suốt tháng, tôi chỉ vùi đầu vào cuộc mưu sinh và quen với việc quanh quẩn ở một xó xỉnh thành phố, như bên trong lũy tre làng, chưa bao giờ biết đến việc đi đây đi đó. Vì thế, vẫn nhớ lời anh nhắc, nhưng chưa bao giờ thực hiện được. *
Mấy năm trước đây, không nhớ rõ ngày tháng, tôi nhận được tin anh bị té ngã do đột quỵ bất ngờ khi đang đi bộ tập thể dục ngoài công viên. May mà được mọi người chung quanh kịp thời gọi báo cấp cứu và đưa đi bệnh viện. Nhưng rồi kể từ đó sức khỏe anh suy giảm dần. Cho đến hôm nay dễ cũng ba bốn năm qua đi. Một điều ân hận khác nữa, không biết từ lúc nào và vì sao, tôi làm mất số điện thoại người bạn tôi, là vai em trong gia đình anh. Do vậy, muốn thăm hỏi trực tiếp tình trạng sức khỏe anh cũng không thể. Gọi số của anh mấy lần không được. Mọi tin tức chỉ biết gián tiếp qua các thân hữu khác, gần gũi với người thân của anh. Có người nói gia đình muốn anh được yên tĩnh nghỉ ngơi hoàn toàn và rất giới hạn việc thăm viếng, tiếp xúc. Vì vậy một lần, có người bạn từ Washington, D.C. ghé xuống, ngỏ ý rủ tôi lên Dallas thăm anh, tôi thấy ngần ngại quá nên cũng thôi. Thật là đáng trách.
Tuần lễ trước ngày anh mất, tin từ gia đình cho biết tình trạng của anh vừa bắt đầu trở nặng theo chiều hướng xấu. Và rồi cuối cùng, cái điều phải đến đã đến.
Cũng đành qua nốt phận người
Xuôi tay yên nghỉ một đời phiêu du
Đào Vũ Anh Hùng trên giường bệnh
Tôi nhìn lại rất lâu tấm ảnh chụp anh đang nằm trên giường bệnh. Ánh mắt dõi nhìn xa thẳm ấy vẫn đằm thắm quá, như thể đang thay cho lời anh muốn nói rằng anh không muốn giã từ những người thân yêu, không muốn bỏ anh em không muốn bỏ bạn bè.
Năm mươi bốn năm trước, người phi công Trần Duy Nguyện chiến đấu với cái chết chỉ có ba bốn ngày đêm. Hôm nay, người phi công Đào Bá Hùng đã chiến đấu hằng ba bốn năm trời ròng rã.
Không một ai dám trách anh về sự bội hứa này đâu, thưa anh Đào Vũ Anh Hùng. Nào ai biết được chính xác tọa độ của Thiên đường nơi vùng trời thênh thang bao la cao vời ấy. Nhưng tôi tin chắc rằng với sự dầy dạn kinh nghiệm của một hoa tiêu lão luyện, cùng với sự khôn ngoan của một con người luôn sống ngay chính, nhất định anh Đào Vũ Anh Hùng sẽ tìm được bãi đáp bình yên và được đón nhận ở nơi ấy.
Vĩnh biệt hiền huynh Đào Vũ Anh Hùng thân quý.
Ngọc Tự
(thành phố Richmond, TX 22.02.2022)
————————————————————————–
Đi, Không Ai Tìm Xác Rơi
Đào Vũ Anh Hùng
“… lúc đất nước muốn bao người con thân yêu ra đi
…. hối tiếc tấm thân làm chi …”
Tôi gọi ly cà phê sữa với đĩa pâté chaud. Vừa xoay người toan tìm kiếm chỗ ngồi; bỗng một vòng tay đột ngột quàng lấy cổ, khiến tôi giật mình,
“Hi” Hùng ! Bonjour bồ. Lâu quá mới thấy bồ, nhớ bồ quá bồ ơi. Không bay bổng gì sao mà qua đây ăn sáng vậy?”
Tôi nhận ra ngay. Lối nói ‘bồ bồ, tôi tôi’ nồng nhiệt, thân quen hết sức của Nguyễn cao Hùng. Hai đừa cùng tên Hùng, lâu lâu mới gặp nhau; Hùng nọ vồ vập lấy Hùng kia, tíu tít mừng như vớ được người yêu trong mộng. Tôi ôm lấy Cao Hùng, vỗ vỗ,
” Bonjour! … Lâu gì; mới gặp nhau đây mà kêu nhớ ? Nhớ thì… hôn đi, hôn một miếng cho đỡ nhớ ?”
Cao Hùng cười vang; ghé môi gần má tôi, già vờ hôn ‘chụt’ một cái thật kêu, rồi nheo mắt kêu lên,
” Bồ ‘đĩ’ quá bồ ơi ! nước hoa thơm lừng! “
Tội cũng kêu,
” Nhờ cậu một tí ; đĩ mà biết cạo râu? Bồ không có râu; bao giờ mới biết được Xê-Kỳ nó có ‘After Shave ‘East Jade’ “.
Như thế đấy, 2 đứa mỗi lần gặp nhau thường vui đùa; giả vờ hôn hít loạn cả lên. Kỷ niệm hồi ở Lackland. Nước Mỹ là tổ sư đồng tính luyến ái; lại làm ra vẻ ghê sợ ‘gay’ ; chứ
‘ Mít’ nắm tay, khoác vai nhau diễu phố. Bọn này bèn diễn cảnh ‘homo’ trêu ngươi mấy anh bạn đồng minh, cho bõ ghét.
Thêm 2 tên bạn cùng khóa đang cười; tiến lại– đó là thằng Tưởng khu trục, lừ đừ như chiếc Skyraider sắp vào cận tiến hạ cánh. Thằng kia là Ẩn; chìa tay bắt, xiết chặt; giọng thằng lùn oang oang, bất cần thiên hạ,
“Hi” Hùng ! Ăn gì đi ‘toa’ . Uống cái chi, nói nó đem ra luôn, ‘free’ mà ‘toa’ ; đừng
ngại …”
Tôi nắm tay Ẩn, tay kia ôm lấy Cao Hùng + thằng Tưởng khu trục,
” Xong Xong ngay ! Quý hoá quá, các bác cho em ‘đớp chùa’; em mà từ chối, thì phụ tấm lòng các bác … ! “
4 đứa thân mật dính vào nhau, hể hả. Ẩn nói,
” Đại tá đãi bữa ăn sáng; trước khi bọn ‘moa’ biệt phái Đà nẵng. 9 giờ mới có C.123 ghé, đón … Mẹ, Quảng trị đang sôi sục; tụi ‘moa’ di chuyển; kỳ nay cũng thấy hơi ‘lạnh cẳng’, không biết đi có về lại không ? Khóa mình trận này mất thêm Phan quang Tuấn, Trần thế Vinh– buồn ghê hở ‘toa’? “
Ẩn nhắc đến Tuấn khùng, đến Vinh Tô-Tô; khơi dậy trong tôi nỗi ngậm ngùi, xúc động râm ran, buốt nhói suốt từ hôm thằng Thụy Hùng báo tin thằng Vinh Tô-Tô gãy cánh.
Khóa 65 A Phi hành có 3 đứa tên Hùng: Thụy Hùng ‘inaple’ sức khỏe; ra khỏi Không quân; sau nó đi Biệt kích Delta một thời gian rồi mới trở lại Không quân; vào đúng lúc không quân bành trướng. Thụy Hùng rất thân, ở chung phòng với Vinh cư xá Bắc tiến. Tôi nhớ hôm đó là sáng thứ hai 10/ 4– bởi Vinh rời hôm chủ nhật 9/4. Tôi xách ‘helmet’ đi bay; gặp Thụy Hùng, mặt méo xệch, mếu máo,
” Hùng ơi ! mày biết tin chưa? Thằng Vinh Tô-Tô, nó rớt rồi.”
Tôi sửng sốt. Thụy Hùng ngồi lặng trên chiếc ‘vespa’ nổ máy; đôi vai run nhẹ, thẫn thờ hướng về phía cuối đường bay, đầm đìa nước mắt, trên gò má. Tôi choáng váng; toàn thân tôi bỗng lạnh toát, tay tôi run run; lời tôi nói khàn đục, như không phải tiếng của tôi nữa, hỏi lại,
” Lấy được xác nó về không ?”
Thụy Hùng cắn môi; đờ đẫn, lắc đầu. Tôi phập phồng muốn khóc. Một lát sau, hết nghẹn ngào, tôi mới nói được,
” Tao linh cảm được cái chết của Tô- Tô; ngay từ tối hôm thứ 7. Coi ti-vi; thấy thiếu tá Hùng, phi đoàn trưởng 518, hết lời ca tụng nó. Câu nào cũng; ” đại úy Trần thế Vinh chiến đấu xuất sắc, đại úy Trần thế Vinh hạ xe tăng Cộng sản nhiều nhất — và đến thứ 2 này; đại úy Vinh sẽ về Saigon, lên ti-vi, nói chuyện cùng đồng bào … “
Tao nghe; vừa khoái thằng Vinh, vừa sờ sợ … Bèn hỏi vợ tao; em có nhớ ‘Vinh Tô-Tô’ không ? Vợ tao trả lời: nhớ. Tao nói, đấy đấy, thiếu tá Hùng,. phi đoàn trưởng 518 vừa mới ‘bốc thơm’ nó đấy –” nhưng… anh nghi quá em ơi ! [nói với vợ tôi] ; phải kéo nó về sớm; chứ’ bốc’ nó nổi quá, e khó sống lâu.” Bới, nó sẽ say máu, thừa thắng xông lên; trước sau gì cũng ‘dính’ thôi. Phòng không Vi-Xi đâu có ít? Chỉ nghĩ vậy thôi; đâu ngờ nó chết thật. Nhảm quá .
Suốt ngày hôm đó đi bay; tôi như đứa trẻ mất hồn. Vinh Tô-Tô ‘bô trai’, dễ thương, bay giỏi, có tư cách; chết đi thật uổng phí. Gặp Huỳnh Hạnh Kim Hồng ở Lai khê; Hồng kể lại cho nghe về những phút sống cuối cùng rất anh hùng của Vinh To-Tô. Khi nó bay trên quốc lộ, thấy dân chạy loạn; lếch thếch, mà còn bị tụi nó bắn giết dã man — ông ‘xì-nec’. Nó bắn mình hả ? Thì mình dội bom lên đầu nó, chết bỏ. Thế là Vinh Tô-Tô hùng hục đi bay.
Thời tiết xấu tàn nhẫn. Trần mây 500 bộ. Bay ‘rasemotte’ trên mặt biển; tới Cửa Việt rẽ vào Đông hà. Đại bác trên xe tăng, bên này sông, bên kia sông ‘câu’ lẫn nhau. Vinh Tô-Tô chui dưới 2 lằn đạn; ngóc lên, bổ nhào xuống. Nó đánh bom thật trúng. Một ‘napalm’ là một ‘tăng’ bốc cháy. Tiếp theo là loạt đại bác ; Bô binh lùng xục; thiết giáp Vi-Xi ngã la liệt. Mỗi ‘pass’ đánh xong; nó chui tọt lên mây, tránh phòng không, lại rình rình nhào xuống.
Xê và Định kể : Vinh Tô-Tô đánh đạp và lì; chưa từng thấy ai bay đẹp và lì như nó– trong khi thời tiết xấu, chỉ sợ 2 phi tuần đụng nhau. Cuối cùng; nó rơi tan xác+ con tầu trúng đạn phòng không bắn trực xạ, ở cao độ thấp.
Buổi chiếu từ mặt trận An lộc về; tôi mua tờ báo Sóng thần — thấy ảnh Vinh Tô-Tô, với nụ cười má lúm ‘tí-ti đồng tiền’, dàng hiên ngang — tôi nhớ Vinh tô-tô, muốn khóc. Nhớ Vinh vào ngày đầu nộp đơn gia nhập Không quân; nó còn rất ‘sữa’. Vinh dáng người cao; mặc áo sơ mi ca-rô tay ngắn, màu vàng, quần ka-ki xám. Khám tổng quát bên Trung tâm giám định y khoa; vì huyết áp cao; thấy vẫy, cu cậu chui vao phòng tắm xối nước lạnh cho hạ ‘tension’. Ai ngờ; trúng gió, lại bị rút gân; cái đầu tự nhiên ngọeo sang một phía, cứng ngắc.
Rút cục; Vinh cũng thành phi công khu trục. Mà lại là một phi công khu trục tuyệt vời nữa. Một lần gặp VinhTô-Tô ; tôi hỏi đùa, ‘nếu đang bay ‘formation’, đầu mày ngoẹo như hôm khám sức khỏe; thì lảm sao? ‘ Vinh nháy mắt,
” Sao mày hay bới móc đời tư của cậu thế; cậu ‘vật’ cho một trận bấy giờ.”
Vinh to con, lại khỏe; tính tình đàng hoàng, rất tốt với bạn bè; và, có tư cách nữa, lại có tướng chỉ huy. Ngày ở quân trường; Vinh được cử làm trưởng toán, làm SVSQ cán bộ [sinh viên sĩ quan]– trong số mấy đứa cao lớn; để trong các ngày lễ hoặc diễn binh là có mặt. Những ngày đó, Vinh dẫn cả khoá đi học; đi ăn, cả chạy phạt v.v …; bằng giọng hô, đếm bước dõng dạc; bắt giọng cho chúng tôi vừa di chuyển vừa hát những khúc quân hành. Có bao giờ Vinh ngờ được, sẽ trở thành ‘phi công danh tiếng’ — cái chết trở thành huyền sử cánh chim tự do, hào quang sáng rỡ.
Về cái hỗn danh ‘Vinh Tô-Tô’ ; tôi muốn nhắc với các bạn khóa 65 A nhớ đến xuất xứ của nó. Ấy là; cái hỗn danh do Đỗ phụng Hoàng đặt cho Vinh; khi thấy Vinh làm dáng, viết tên mình theo lối Mỹ : VINH T.T- VINH T2 – hay VINH . — với 2 dấu chấm, sau mỗi chữ T viết tắt, như 2 chữ ‘o’ nhỏ — và, Hoàng ‘Tô-bia’ gọi đầu tiên: ” VINH Tô-Tô”.
Cao Hùng thủ thỉ với tôi,
” Vinh Tô-Tô’ chết uổng, hở’ bồ’ ? Nó bay ‘nghề’ nhất Phi đoàn; tư cách thì không ai hơn. Bữa nào rảnh; ‘bồ’ nên viết về nó một bài. “
Tôi gật đầu, trả lời : ‘ tôi cũng định, hôm nào rảnh viết cho Vinh một bài tưởng niệm.’ Không chỉ là bạn thân của Vinh; lại rất hãnh diện vì nó chết anh hùng; thật tình thương tiếc bạn tôi bất ngờ bị gãy cánh. Vinh bậy giờ đã là ‘người của cả nước’, là hào quang chói lói. Việc làm và cái chết của Vinh ngời ngời 2 chữ ‘anh hùng’; không cần đến ai đánh bóng. Không cần phải dựng lên, ” Vinh mãn khóa hoa tiêu quan sát tại Nha trang, được đi Hoa Kỳ học khóa T28, đậu thủ khoa..” — mơi xứng đáng với ‘công nghiệp Trần thế Vinh’ dâng cho Tổ quốc’. Đâu cần phải đậu thủ khoa, phải học ‘Cesna’ mới thành ‘anh hùng hạ 21 xe tăng địch’.
Tôi muốn Trần thế Vinh là Trần thế Vinh; nguyên vẹn là ‘Vinh Tô-Tô’ thân mến của chúng ta : đã bay cao, không bao giờ bị hạ cánh. Cao hùng nhắc đi nhắc lại, bắt hứa là phải viết bài tưởng niệm Trần thế Vinh — trước khi Cao Hùng chia tay tôi, lên đường đi biệt phái.
Tôi vui với sự nồng nhiệt thân thiết của Cao Hùng. Đồng thời; tôi bỗng rờn rợn, âu lo cho chuyện biệt phái hành quân ở Vùng 1 của bọn Hùng. Người vừa nằm xuống, đã có người khác lên thay nơi tuyến đầu máu lửa. Tôi quyến luyến không muốn rời gương mặt ‘trắng hồng rất con gái của Cao Hùng’. Bạn bè vẫn đùa gọi : ‘Baby Hùng môi hồng, răng ngọc, má lúm đồng tiền, toc mềm lả lời ‘nghệ sĩ’.
Cao Hùng, con nhà giầu, có thế lực, học trường tây, cốt cách phong lưu, quý phái. Hồi đó; tôi cứ tiếc cho Cao Hùng sao nó lại vào Không quân, bỏ dở học hành. Cao Hùng có nỗi khổ tâm riêng về tình cảm gia đình; tôi loáng thoáng có biết; nhưng không bao giờ hỏi han Cao Hùng. Và càng thương mến quý bạn hơn.
Những ngày Cao Hùng đi biệt phái; tôi vẫn lo lắng, hồi hộp, chờ tin bạn. Chưa bao giờ; tôi lại nghĩ ngợi đến nỗi an nguy của Cao Hùng nhiều như vậy. Nhớ hôm từ giã, Cao Hùng và Ẩn dặn tôi : ‘bay cẩn thận, chúc tôi may mắn’. Nhớ đôi má bầu bĩnh, có lúm đồng tiền sâu hoắm của Cao Hùng; nhìn gần mặt, thấy nốt tàn nhang + lông măng phơi phới. Nó thật dễ tương ! Ngày chúng tôi lên lon; Cao Hùng lấy dao găm cắt bỏ cặp mai, lon trung úy, trên vai áo bay của tôi; bảo mua tặng tôi cặp lon đại úy,” … bồ đeo lon trung úy gần 4 năm rồi còn gì? Bây giờ mang lon đại úy cho ‘gồ ghề’; đàn em nó khó rỡn mặt .’
Mấy ngày sau, Cao Hùng nhờ ban văn thư đánh máy; thị thực mười mấy bản sao quyết định thăng đại úy thực thụ; đem qua Phi đoàn cho tôi. Còn nói đùa,
” Đeo lon mới, Quân cảnh hỏi; bồ lấy cái này dán vào mắt nó cho đui luôn.”
Cao Hùng biết phái lần đó về; vô sự. Tôi gặp Cao Hùng lần cưới cùng là bữa nó lái xe hơi Florida; mặc đồ bay đen; thấy tôi, no cười, vẫy vẫy. Tôi cũng giơ tay ngoắc lại; vợi bận việc, đi luôn.
Ngày 20 tháng 5; tôi bay quần quần phía đông mạn Tân khai; chở 4 phi tuần khu trục, săn, hạ 2 chiếc xe tăng Vi-Xi đang lẩn trốn dưới gầm cầu xe lửa — và khóa ổ phòng không, dọn đường cho tôi dẫn hợp đoàn vào đáp Tân khai. Tôi bay trên 5000 bộ; theo dõi từng chiếc Skyraider nhanh nhẹn, luân phiên, đâm bổ xuống mục tiêu, thật say sưa, hào hứng. Bỗng một chiếc AD6 vừa thả xong 2 trái Napalm; bay vút ngược lên cao. Tôi nhìn thấy một tia khói cuộn lên; từ một bụi cây bên bờ con suối cạn.
Chiếc phi cơ bỗng phát nổ. Ngay trước mắt tôi; thấp hơn cao độ phi cơ tội một chút. Và; thật kinh khủng, tôi thấy một khối lửa chói lòa rực rỡ; như quả pháo bộng vun vút rơi xuống thẳng băng xuống đất.
Tôi trợn tròn đôi mắt. Miệng há hốc không kêu lên được tiếng nào. Khối lửa bắn tung tóe và đang cháy hiu hiu trên mặt ruộng; để lại không gian một sợi khói đen, theo đường rơi của chiếc phi cơ xấu số. Tôi không thấy một cánh dù bung ra. Như là bị hoa mắt; như ảo tượng trong mơ. Tôi đau thắt tim; khi nhìn thấy 3 chiếc khu trục cơ còn lại đang gầm rú điên cuồng, bay lượn trên vùng phi cơ rớt. Tôi gọi may báo Panther: 17 giờ 25- SA.7 CS bắn rơi một phi tuần khu trục tại Tân khai. Tọa độ XT … không thấy hoa tiêu nhẩy dù .. — chẳng hiểu sao, tôi lại hỏi thêm,
” Panther cho ‘ Charlie One’ biết ai bay chiếc Skyraider vừa bị bắn rớt ?”
Một giọng đầy kích động trong máy VHF : như mũi dao nhọn hoắt xói giữa tim tôi:
“… đại úy Nguyễn cao Hùng, Phi đoàn 518 !… “
Đào Vũ Anh Hùng
———————————————————————————-
TUYẾT THÁNG NĂM
(Cám ơn Lương Lệ Huyền Chiêu, đã cho tôi một tâm cảm)
Đào Vũ Anh Hùng
Tôi thích chơi đàn nhưng lười và không có khiếu học nhạc. Hồi năm lớp nhất, mỗi khi nhìn vào sách nhạc, tôi hoa cả mắt, như nhìn những hạt đậu đen, đậu trắng rơi vãi ngổn ngang trên khung nhạc. Tôi biết tên khoá Sol, biết mần mò chỉ danh các nốt, nhưng không để tâm gì đến nhịp, đến giá trị của các dấu tròn, trắng, đen, móc đơn, móc kép… Thầy Sắc dạy chúng tôi chơi đàn mandoline. Học xong cả lớp hầu như đứa nào cũng biết đờn tửng tửng, còn tôi chỉ biết vểnh tai trâu ngồi nghe và… tiếc mình sao không chịu khó để bây giờ cũng tửng tửng như ai. Năm đệ Nhị, ông Phạm Mạnh Cương dạy tôi môn Toán, nói tôi muốn học đàn thì đến nhà ông ở Trần Quốc Toản, ông sẽ dạy free. Tôi ở mãi dưới Phú Nhuận, vừa ngại đường xa vừa lười biếng nên từ chối. Thành ra sau này nhiều lúc nổi máu văn nghệ, muốn ôm cây guitar tưng tửng cho đỡ buồn mà không biết đàn nên vẫn cứ nhiều lúc buồn. Đàn mò một vài bài mình nghe có vẻ được nhưng người khác nghe thì có vẻ hành hạ lỗ tai người ta quá.
Nàng vợ tôi biết đàn. Khi còn trong thời kỳ yêu nhau, mỗi lần đến chơi, từ ngoài nghe êm nhẹ tiếng đàn, tôi dón dén nhìn qua vuông cửa sổ, thấy “Phượng yêu” của tôi tươi mát trong bộ quần áo lụa màu hồng nhạt, mái tóc còn ướt, ngồi trên divan dựa lưng vào tường ôm đàn gảy những bản tình ca, dáng chăm chú nhìn xuống phím đàn, thả hồn mơ mộng… tôi đứng ngây dại ngắm nhìn hình ảnh đẹp dịu dàng, tươi mát đó, rộn lên nỗi yêu và phục nàng kể gì.
Không biết đàn thì tôi hát. Hát là cái vốn trời cho chẳng mất công học hành gì cả. Hướng Đạo mà, lúc nào cũng hát lên cho đời tươi thắm, hát lên cho quên nhọc nhằn. Vợ tôi bảo:
– Anh có giọng tốt, hát cao và ấm, hát rất hay nhưng anh không biết nhịp để hát cho đúng, thật uổng!
Mỗi lần đi chơi xa, cho đỡ buồn trên quãng đường trường, tôi vừa lái xe vừa hát ông ổng. Nàng vợ tôi đề nghị:
– Để em đánh nhịp, tập cho anh hát theo…
Và nàng vỗ nhịp vào đùi tôi, chỉ tôi cách vào cùng cách giữ cho đúng nhịp. Tôi làm theo ngon lành, nhịp nào cũng đúng, được khen là giỏi! Nhưng sau đó nàng thả tôi bay solo, hát một mình. Không có ai vỗ vào đùi, tôi lại lăng ba vi bộ đi trật nhịp như thường lệ khiến nàng ngán ngẩm chào thua luôn. Vậy mà tôi dám chơi bạo, một lần trong đám cưới cô em, không khí thân mật vui nhộn không thể tả. Tôi cao hứng và tưởng bở, leo lên sân khấu kêu ban nhạc uýnh điệu Tango cho tôi hát bài “Tiễn Bước Sang Ngang” tặng cô dâu chú rể.
Lúc đứng trước micro, nhạc trổi lên điệu mở đầu, tai tôi tự nhiên ù tịt, mặt cứ nghệt ra không biết “vào” ở cái chỗ nào và lúc nào! Nàng thầy ngồi dưới biết tôi quíu, nhìn lên bằng cặp mắt khuyến khích, bàn tay đặt trên đùi khe khẽ đập nhịp cho tôi trông thấy. Tôi thấy chứ. Nhưng bởi nàng đập nhịp trên… đùi nàng, không phải đập lên đùi tôi nên tôi chẳng cảm được gì, mặt vẫn thộn ra như ngỗng ỉa. Cuối cùng thấy lâu quá và trơ quá, tôi lấy lại tự tin, “dzô” đại, hùng dũng cất tiếng hát. Bấy giờ đến phiên ban nhạc nghệt mặt ra, anh nào cũng lúng túng nhìn tôi rồi nhìn nhau. Đám nhảy đầm thì thay vì đi tango, có cặp đi slow, có cặp đạp lên chân nhau nhưng lịch sự không dám kêu, có cặp đứng hẳn lại ngước mắt nhìn tôi như cử chỉ ái mộ dành cho ca sĩ Nhật Trường thứ thiệt.
Lần ấy vợ tôi lại được dịp khen tôi tài hoa nhưng cù lần, thông minh mà chậm hiểu.
– Em đã đánh nhịp, đã ra dấu mà sao anh không chịu vào? Anh hát loạn cào cào!
Tôi ngoan cố:
– Loạn hồi nào? Thiên hạ cũng vỗ tay quá trời chứ bộ?
– Em cũng vỗ tay. Vỗ từ lúc anh chưa hát xong để anh làm ơn đi xuống mà anh không chịu xuống.
Lại một lần đám em tụ tập hát Karaoke, đẩy tôi nhập cuộc. Với mấy vị khán giả người nhà, tôi không quản ngại. Tôi hát một bài không tên gì gì đó của Vũ Thành An nghe cũng nồng nàn nức nở ra phết. Thiên hạ dành cho một tràng vỗ tay nhiệt liệt. Bỗng có cậu em vợ từ ngoài đi vào thật thà phát biểu:
– Nhạc nó chơi kỳ quá. Anh ấy hát hay nhưng ban nhạc đánh đàn em thấy ngang ngang thế nào ấy!
Cậu em này là tay chơi đàn guitar cũng khá. Vợ tôi cười phá lên:
– Nhạc họ chơi đúng, ông ấy hát sai tông thì có… Ông ấy không biết theo nhạc!
Tôi cười và hồn nhiên cãi phứa:
– Người hát là chính, giọng hát là chính. Nhạc là phụ. Người ta bảo hát phải có nhạc đệm, tức nhạc là phụ. Tại sao nhạc nó không theo mình mà lại bắt mình phải theo nó?
Thế đấy. Vậy mà trời ạ, một hôm tôi bất ngờ nhận được một lá thư, trong thư kèm một bản nhạc có tựa đề hẳn hoi nhưng chỉ có giòng nhạc mà không có lời. Tôi ngẩn tò te. Người gửi là ông bạn Không quân vong niên Nguyễn Văn Quý của tôi ở Denver, Colorado. Tôi thắc mắc không hiểu ông niên trưởng có biệt hiệu “Cút Vương” định “đố vui để chọc” đàn em hay sao mà gửi cho một nắm đậu đen đậu trắng phơi trên giá nhạc nhìn mà phát khiếp.
Sau phút chưng hửng, tôi đọc thư mới biết rằng anh Quý không gửi lộn và cũng không có ý chọc ghẹo anh em chiến hữu nào sất cả. Thư anh viết rất nghiêm túc, kể chuyện Denver hôm đầu tháng 5 bỗng nhiên trời đổ tuyết liên tiếp ba ngày. Tuyết rơi ở vùng cao sơn Colorado đâu có chi là lạ. Nhưng hiện tượng tuyết rơi trái mùa vào tháng 5 phải là chuyện nghịch thường khiến người ta xôn xao chú ý.
Những bông tuyết bay bay trong gió, đổ xuống từng đợt mông lung ào ạt giữa vùng không gian xám xịt, quạnh quẽ âm u đã khêu dậy trong lòng con người nghệ cảm nỗi buồn lặng lẽ, chạnh nhớ, chạnh thương, tiếc tưởng biết bao kỷ niệm trong đời. Những bông tuyết nở bung, chập chùng nhiễu loạn bay bay như hằng hà sa số cánh mai trắng từ lưng trời rơi xuống.
Anh mở đầu lá thư thế này, “Gần suốt tuần nay, Colorado đắm chìm trong tuyết lạnh. Colorado không có “tháng Sáu trời mưa” mà chỉ có tháng Năm trời tuyết. Mưa tháng Sáu ở đâu đó tha thiết níu kéo bao nhiêu (Trời không mưa anh cố lạy trời mưa…) thì tuyết tháng Năm ở đây vô duyên, lạc lõng bấy nhiêu, lạc lõng như lòng mình, vô duyên như tình đời…”
Và anh mở toang tâm sự, “…Tôi ngỡ ngàng trước sự bất ngờ này. Ngồi trầm ngâm trong nhà nhìn qua khung cửa sổ có tuyết giăng giăng mù mịt đất trời, tôi cảm thấy cô đơn thê thảm và buồn muốn khóc được. Thương mình, thương người, thương cho đời bạc, và tiếc nhớ tất cả những gì đã qua đi, đã mất, đã còn, đã lỡ dở… Ở đây hàng năm vào mùa đông tuyết đổ rất nhiều, có chi là lạ? Nhưng tuyết bỗng nhiên đổ xuống trần gian ào ạt vào tháng Năm thì thật trái mùa khiến lòng mình xốn xang bứt rứt trước cảnh tuyết rơi ngày hôm ấy và tôi không nhịn được, đã nổi hứng lấy đàn làm một bản nhạc. Tôi ngồi đàn một mình, đặt một bản nhạc và chơi đi chơi lại, lấy tựa đề “Tuyết Tháng Năm” nhưng lời thì mới chỉ bàng bạc trong đầu và tôi không vừa ý. Tôi xin gửi đến các anh chị, những người bạn thân mà tôi muốn chia xẻ… để các anh các chị đặt lời cho bản nhạc giùm tôi, biết đâu chẳng có người đặt lời hay và ý nghĩa để tôi giữ làm kỷ niệm…”
Anh gửi chung cho bốn năm người, mỗi người một bản in trên giấy trắng, trong đó có cả tôi, yêu cầu đặt lời cho bản nhạc. Tôi ngạc nhiên thú vị, không thể ngờ ông bạn vong niên củ mỉ củ mì của tôi lại “cầm kỳ thi tửu” và mạt chược đều tài đến thế. Tôi đã biết anh viết văn hay và sâu sắc nhưng anh không chịu viết. Nay lại thấy anh sáng tác nhạc nữa mới đáng nể.
Như tôi đã dài dòng văn tự ở trên, vốn liếng âm nhạc của tôi là thứ vốn liếng ăn đong, nên ngoài cái sự nể, tôi còn thích thú và phục anh sát đất. Tôi yêu và phục anh Quý từ lâu. Về tài văn, tôi đã biết và tâm phục khi anh gửi một bài ngắn đóng góp cho Lý Tưởng. Chỉ một bài kỳ đó thôi, nhưng như nhát búa Trình Giảo Kim, giáng cho một búa để đời, rồi thôi, không viết nữa. Nhưng chỉ một bài viết đó cũng đủ cho tôi nhìn thấy văn anh ý nhị và sâu sắc. Rồi lại tài thơ. Thơ anh rất hay nhưng anh khiêm nhượng, nói thơ anh làm chẳng ai khen, chỉ độc nhất nhà thơ, nhà phê bình văn học Nguyễn Mạnh Trinh khen thơ anh hay, lấy đăng báo – theo anh – có lẽ vì Nguyễn Mạnh Trinh là cháu nên khen cho ông chú vui lòng. Tôi phản đối lời khiêm nhượng đó. Tên tuổi Nguyễn Mạnh Trinh đâu phải dễ làm chuyện vì nể nang mà đăng lấy lòng những thứ thơ… thẩn chẳng ra gì? Thế rồi một hôm tôi gửi đến anh một bài thơ tôi làm lúc giận đời. Bài thơ đó được anh tâm cảm và nó đã gợi hứng để anh làm thơ san sẻ tâm sự, gửi tôi xem. Bài thơ rất hay, khiến tôi lại thêm một phen ngỡ ngàng trước thi tài của ông bạn già. Anh lấy tựa đề “Câu Chuyện Tạm Dung” để nói lên tâm sự mình trong cảnh sống tha hương, mang nhiều ý nghĩa khiến tôi rung động.
Hôm nay cầm tay vợ
Bỗng thấy thương vô cùng
Ôi, những tháng ngày mùa hạ mùa đông
Chạy ngược chạy xuôi tìm thế sống
Tôi chợt thấy
Đôi bàn tay dại khờ tê cóng
Sờ thân mình rát bỏng thịt da
Anh Quý nói đến vợ mình, bà Tú Xương thời đại, qua đây tưởng an nhàn sung sướng nhưng vẫn làm người phụ nữ Việt nam cần cù đức hạnh “vì tầm nên phải chạy dâu”, vất vả cùng chồng nuôi con ăn học, lao động miệt mài trong guồng máy xã hội văn minh… để hiếm hoi lắm anh mới có được phút giây rung động tình già “dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ” cầm đôi bàn tay vợ, dạt dào thương cảm nhìn nét phong trần tủi cực của người bạn đời chung thủy, bùi ngùi cho thân phận cầu thực tha phương. Thương người vợ làm lụng vất vả hai mươi mấy năm trường khiến những ngón tay ngà yêu dấu ngày xưa biến thể, sưng húp. Thương những đứa con, đứa cháu nói tiếng Mỹ rành hơn tiếng Việt. Thương bà mẹ đã nằm xuống ở quê nhà không có đứa con nào bên cạnh…
Con đường đi nắng sớm nhạt nhoà
Quãng đường về trời chiều tuyết đổ
Rồi đèn xanh đèn đỏ
Đợi đợi chờ chờ
Còn phút nào cho lũ con thơ
Còn phút nào cho mình cho vợ?
Tình yêu vợ thương con nồng nàn sâu đậm khiến anh đỏ hoe nước mắt trong những giây phút mủi lòng, ngay cả những lúc lái xe, ngừng trước ngã tư, trái tim nhói buốt khi nghĩ về thân phận lưu đầy cùng bao nhiêu chuyện phiền hà xảy ra ở chung quanh, khiến cho đời sống trở nên mệt mỏi cực cùng, ngao ngán cực cùng:
Nhưng nếu chỉ có thế
Chẳng nói làm chi
Tôi còn nghe, anh cũng còn nghe
Tiếng bấc tiếng chì xỏ xiên đưa đẩy
Vẫn mấy người anh em
chuyên nghề tháu cáy
Tìm cơ thọc gậy bánh xe…
Nhan nhản những con người lấy làm sinh thú, tươi cười hớn hở khi gây được khổ đau cho đồng loại. Những tên hề múa rối chạy lăng xăng, xin xỏ lăng xăng tìm chức vụ, kiếm chút danh hờ hão điểm trang cho cái đời hèn:
Trẻ không tha, già cũng không tha
Lạ quen gì bất chấp
Niềm tin yêu chân thật
Biến thành nỗi nghi ngờ
Đôi mắt nhìn nhau xa lạ ngác ngơ
Ngoảnh mặt cúi đầu câm nín
Tôi lại thấy và anh cũng thấy
Những con thoi chạy đi chạy lại
Trán bóng mặt trơ
Lăng xăng tay quạt tay cờ
Ồn ào chầu môi chĩa mỏ
Và những đấng đầu to óc nhỏ
Cúi gập mình vì miệng há mắc quai
Con trẻ ngẩn ngơ buông tiếng thở dài
(Có đứa đành hanh ngán ngẩm
Ôi, cứ tưởng là người, ngờ đâu là ngợm!)
Bức tranh đời u ám có những tảng màu nham nhở bầy trên mảnh đất tạm dung đêm ngày ám ảnh khiến anh thao thức sầu đời:
Câu chuyện tạm dung
Còn rướm máu con tim
Khắc khoải canh trường lệ nhỏ
Chuyện trẻ thơ không nói rành tiếng Mẹ
Nghe lời ru không hiểu nghĩa yêu thương
Nào biết bên kia bờ Thái Bình Dương
Có giải đất mang hình chữ S
Nơi đó là quê hương đích thực, là đất nước đích thực của anh, của những con người còn ắp đầy tình cảm thiêng liêng gắn bó, dù đã phí hoài cả tuổi thanh xuân cho cuộc tương tàn, đã khổ đau và khứng chịu nhọc nhằn lao mình vào cuộc chiến để cuối cùng phải lưu lạc tha hương, những đêm cô quạnh đầm đìa nhỏ giọt thương thân, thương người ở lại:
Chuyện đứa em tuy thoát đời tù ngục
Vẫn bàng hoàng trước đêm tối mông lung
Giấc ngủ chập chờn
Nắng sớm chiều mưa tất bật
Chuyện người Mẹ tuổi đời chồng chất
Gọi tên con qua giấc mê dài
Tiếng gọi con đòi đoạn đơn côi
Khi nằm xuống không người vuốt mắt
……
Và chuyện người em gái
Tuổi chớm đôi mươi từ buổi tôi đi
Gót nhỏ đường khuya ai đưa em về
Ai vuốt tóc thơm ru em vào mộng?
Áo trắng cổng trường chìm trong dĩ vãng
Em ước mơ gì em ơi?
Em ước mơ gì?.. Còn anh, anh chỉ có điều mơ ước nhỏ mọn và chân thành, mơ ước và van cầu con người đừng bội bạc với nhau, đừng tàn ác với nhau, nhất là trong cảnh sống và đời sống lưu đầy, cần và thèm khát những tình cảm tươi mát, êm đềm làm thăng hoa đời sống:
Xin giữ lại dùm tôi
Một chút tình nho nhỏ
Một chút tình đất lạ
Một chút tình quê hương
Và cả những đêm ngủ yên bình thường
Như những ngày nằm trên lòng Mẹ
Tiếng võng trưa hè
Điệu ru ngái ngủ
Lời Mẹ ru như “Tiếng nước tôi”
Nhưng sao hôm nay
Nghe buồn như tiếng hát dân Hời
Nhưng sao hôm nay
Nghe như còn như mất
Trời Denver tuyết rơi hiu hắt
Phố xá Denver chủ nhật vắng người
Bước tới bước lui
Chỉ thấy hàng cây lá đổ
Ngó tới ngó lui
Chỉ thấy trời cao lộng gió…
Tôi đã ứa nước mắt khi đọc những dòng thơ đầm đìa thương tủi đó. Tôi rất đỗi cảm thông, cực cùng chia xẻ cái tâm sự u buồn của người bạn vong niên, một người anh, một chiến hữu, một người đồng chí hướng có cùng tôi niềm thao thức không phải cho chỉ riêng mình mà là cho người, cho đời, cho anh em bạn hữu và cho những điều danh diện. Thương anh, tôi cũng thấy thương tôi, cái thằng tôi vô tích sự đã bao phen hăm hở “cầm vàng mà lội qua sông”… bởi quá tin người và lụy vì lý tưởng.
Cái tâm sự của tôi còn đắng cay ngột ngạt hơn anh nhiều, còn chua sót đau đớn hơn anh nhiều. Nhưng tôi đã nhủ lòng thôi hãy tìm nơi bóng mát nghỉ ngơi và lánh xa chốn hôi tanh ân oán. Tôi bảo tôi hãy quên và tha thứ. Tôi dặn tôi thôi đừng nóng giận và hãy bưng tai nhắm mắt. Tôi tập cho tôi biết mỉm cười và biết đưa lưng nhận chịu đòn thù để trả xong cái “nghiệp” mình đã lỡ lầm ngu dại khoác lên người. Tôi nhủ tôi như thế và luyện cho mình tính “nguội”. Tôi đã học được cách thản nhiên trước cảnh bất ưng, biết chịu nhịn như Hàn Tín lòn trôn thằng vô lại giữa nơi kẻ chợ mà lòng vui vẻ, thoải mái biết ngần nào. Tôi đã tìm ra hạnh phúc trong chập chùng bất hạnh và “ngộ” được nhiều điều, nhất là lẽ sắc không, sống chết, mất còn của kiếp nhân sinh, theo Phật đạo. Anh Quý với tôi có rất nhiều điểm tương đồng, tri kỷ và tôi kính trọng, cảm thông, gần gụi, chia xẻ cùng anh những vui buồn trong đời sống, những băn khoăn khắc khoải về đất nước, quê hương và cố gắng gìn vàng giữ ngọc cho cái danh dự chung bị người đang tâm chà đạp…
Anh nhờ vả gì tôi cũng sẵn sàng, nhưng đặt lời cho bản nhạc thì quả là chuyện chưa bao giờ tôi nghĩ đến. Lý do dễ hiểu là tôi không biết nhạc, nhìn vào trang giấy của anh Quý viết những nốt nhạc bằng computer, tôi mù tịt. Nhưng lá thư anh viết gửi chung mấy người bạn có những lời chí tình khiến tôi không thể xem là thường vì anh đã tín cẩn và trang trọng trao đặt tâm tư để mong được cảm thông và chia xẻ. Tôi phải góp phần mình đáp lại lòng tin cậy đó bằng cách này hay cách khác cho khỏi phụ lòng người bạn vong niên.
Tôi loay hoay mất hai ba ngày mới chợt nghĩ ra có “cứu tinh” ngay bên cạnh mà lú lẫn không để ý. Tôi hí hửng gạ nàng vợ:
– Em ơi, em lấy guitar đàn dùm anh bản nhạc của anh Quý để anh nghe và đặt lời nhé?
Nàng vợ của tôi có vẻ ngần ngại:
– Lâu lắm em đâu có cầm đến cây đàn? Móng tay em dài quá, đàn làm sao được.
Tôi cố thuyết phục. Cuối cùng nàng bảo, thôi để em thử đàn bằng piano xem. Thế là tối hôm đó, sau bữa cơm, vợ tôi ngồi đánh piano, tôi lấy ghế ngồi bên cạnh, nghe tiếng đàn để đặt lời cho bản nhạc. Tôi bảo nàng đánh từng câu, có khi đánh đi đánh lại một câu cả chục lần để tôi nghe kỹ và lựa lời cho đúng âm vận và có ý nghĩa để diễn tả tâm tình vào nốt nhạc. Tôi nghĩ đem thơ phổ nhạc có lẽ dễ hơn công việc tôi đang làm vì đặt lời cho bản nhạc có sẵn phải gò bó theo âm điệu, trong trường hợp này, còn phải theo tựa đề bản nhạc đã được tác giả nêu ra, là “Tuyết Tháng Năm”.
Hai vợ chồng tôi đêm hôm đó như đôi vợ chồng “xẩm xoang”, vợ đàn chồng viết rồi cả hai ông ổng hát lên, chọn lời, chọn chữ, tranh luận, bàn cãi để tôi gọt đẽo câu văn, hì hục đến nửa đêm mới tạm xong việc đặt lời cho bản nhạc. Trước khi làm công việc này thì ngại ngần nhưng khi bắt tay vào, tôi đầy hứng khởi, tự đặt mình vào tâm trạng ông bạn già để suy tư, cảm xúc dùm anh, bằng tâm hồn của anh, người nghệ sĩ có trái tim yếu mềm, dễ dàng xúc động…. Tôi thấy tôi ngồi trong khung cửa sổ nhà anh Quý nhìn trời giăng giăng tuyết, mông lung buồn nhớ về dĩ vãng, chạnh lòng suy tưởng đến kiếp lưu đầy hiện tại và bâng khuâng trước viễn ảnh tương lai thật cận gần của cánh chim bằng ôm hờn vong quốc trong buổi hoàng hôn cô quạnh của cuộc đời… Tôi thả hồn sống trong tâm cảnh đó, bằng tình cảm và suy tưởng của anh Quý để cho ngọn sóng lòng trôi dạt theo trí tưởng mà đặt lời cho bản nhạc. Nàng vợ tôi như cũng “say” với cơn say của tôi, hứng tình góp ý.
Tối hôm sau, hai vợ chồng “hát xẩm không tiền” lại ngồi trước dương cầm tiếp tục làm cuộc xẩm xoang. Bản nhạc đã có lời và lời thích hợp với tựa đề, tôi viết dưới khuôn nhạc bỏ trống, sửa đi sửa lại, tính scan rồi e-Mail cho anh Quý, để anh ngạc nhiên chơi vì tính từ hôm nhận được thư anh đến ngày vợ chồng tôi hoàn tất công trình “sáng tác” chỉ không đầy tuần lễ! Hai vợ chồng tôi đều vừa lòng, thích thú với lời bản nhạc. Quả thật không phải “mèo khen mèo dài đuôi” mà vì tôi đã thực sự gói ghém cả tâm trạng mình vào đó và nó đã nói lên được “tiếng lòng” của ít nhất ba người chúng tôi là anh Quý và hai nhạc sĩ xẩm xoang bất đắc dĩ là tôi và nàng vợ. Chính tôi, khi nghe nàng vợ hát lên bài hát, đã xúc động, rưng rưng nhoà lệ.
Mình ngồi nơi đây, bên ngoài tuyết đổ
Lòng sầu khôn nguôi buồn thương ngày qua
Hồn ta trống vắng đâu rồi bóng hình
Dáng ngồi ngoan hiền ngày xưa bên anh?
Saigon yêu ơi đã khuất xa rồi
Mộng đời chia phôi còn đâu ngày vui?
Mùa Xuân đã chết trong lòng chúng mình
Biết còn bao giờ gặp lại người năm xưa…
Thương ơi, bây giờ ta chỉ còn mơ
Mơ ngày về chốn quê xưa
Hôm nay trời bỗng tuyết em ơi!
Tuyết Tháng Năm buồn sũng hồn tôi
Một mình đơn côi trông trời tuyết đổ
Giọt buồn rơi rơi chạnh thương đời ta
Rồi đây héo úa chôn vùi xứ người
Ôi đời lưu đầy để lại gì nơi đây?…
Tôi nghẹn ngào, nàng vợ tôi hát xong cũng im lặng chia xẻ với tôi niềm xúc cảm. Lòng tôi thấm đẫm niềm hoài cảm mênh mang. Tôi muốn gửi ngay lời bản nhạc cho anh Quý nhưng tôi chưa hoàn toàn hài lòng vì có một hai chữ tôi cho rằng vẫn chưa ổn, không hay. Thí dụ như câu “Dáng ngồi ngoan hiền ngày xưa bên anh…”, lúc đầu tôi viết là “Dáng người ngoan hiền ngày xưa bên nhau…”, là tôi nhớ tới hình ảnh nàng vợ tôi khi mới quen, còn là cô bé học trò đang tuổi cài trâm ngây thơ, thánh thiện. Câu “Saigon yêu ơi đã khuất xa rồi”, lúc đầu là “Này người yêu ơi đã khuất xa rồi” để nhân cách hoá Saigon như người tình chung thủy của những mảnh đời xa xứ. Câu “Hôm nay trời bỗng tuyết em ơi” (hoặc “Ô hay trời bỗng tuyết em ơi”), trước đó là “Hôm nay trời tuyết giá em ơi” nghe không hay và không nói lên được cái ngỡ ngàng của tháng Năm tuyết đổ trái mùa, chỉ người Denver mới “cảm” được toàn vẹn ý nghĩa của chữ “bỗng”. Và cuối cùng, câu “Ôi đời lưu đầy để lại gì nơi đây?” đã được sửa lại từ “Ôi đời lưu đầy còn lại gì nơi đây?”. “Để lại gì” mang ý nghĩa của sự ra đi để lại tất cả, nhẹ nhàng thanh thản không đem theo gì về bên kia thế giới. Vậy thì ta phải làm điều cao đẹp để mai sau chết đi còn được đời thương tưởng và nhớ tiếc. “Còn lại gì” mang ý nghĩa của sự “bỏ sót”, đã đem đi hết nhưng còn cái gì đó bỏ sót lại cho đời và luyến tiếc.
Tôi loay hoay chọn tìm ngôn ngữ như chơi trò ô chữ. Mỗi lần nghĩ ra một chữ đắc dụng hơn, tôi mừng rỡ te tái chạy đi lấy bản nhạc để đổi lời hay ghi nhớ để về nhà sửa lại. Có khi nửa đêm tôi vùng giậy tìm bút viết lên mảnh giấy, hôm sau đem bàn với nàng vợ cho bản nhạc được đầy đủ ý nghĩa và truyền cảm hơn. Khi thấy đã tạm được, tôi gọi anh Quý, nói cho anh biết, yêu cầu nàng vợ tôi hát để anh nghe. Anh có vẻ rất thích thú, khen hay và đề nghị vợ tôi hát thêm một lần nữa cho chị Quý thưởng thức và giục tôi gửi ngay cho anh một bản.
Tôi gửi cho anh qua e-Mail. Ngay tối hôm đó tôi nhận được hồi âm của ông bạn già chiến sĩ ngày xưa, bây giờ là văn sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ và… koong sĩ tài hoa. Anh viết, “Hôm nay sau khi đưa bà xã đi làm, tôi về nhà e-mail cho anh chị rồi mang đàn ra tập hát lời nhạc anh chị viết (hát một mình và hát thầm thôi). Tôi thấy thấm thía quá. Hình như có lúc tôi đã khóc, khóc thật sự. Nước mắt chảy xuống má xuống môi, khi hát đến mấy câu cuối của bản nhạc
Một mình đơn côi trong trời tuyết đổ
Giọt buồn rơi rơi chạnh thương đời ta
Rồi đây héo úa chôn vùi xứ người
Ôi đời lưu đầy để lại gì nơi đây…?
Cám ơn anh chị đã cho tôi những giây phút tuyệt vời, trong đó tôi đã tìm thấy con người đích thực của mình…”
Tôi cũng cám ơn anh. Cám ơn tình bạn trong sáng của những người thương hiểu và quý trọng nhau. Bản nhạc được thành hình khởi từ dòng nhạc tâm tư phát xuất từ đáy hồn nghệ cảm của anh và rồi vợ chồng tôi chung góp phần kiến tạo nên tác phẩm cộng đồng này. Có thể nó chỉ “hay” và ý nghĩa đối với anh chị Quý và vợ chồng xẩm xoang chúng tôi mà thôi. Như thế cũng là quá đủ. Còn như có thêm những Bá Nha, Tử Kỳ khác cảm thông chia xẻ thì càng quý.
Anh viết cho tôi, “Tôi thật cảm kích vì không ngờ bản nhạc lăng nhăng của tôi được anh chị lưu tâm đến nhiều như thế. Sự lưu tâm của anh chị đã khiến tôi cảm thấy “Tuyết Tháng Năm” trở thành cái gì thật thân quen, gần gũi, không lạc lõng vô duyên nữa. Bản nhạc lăng nhăng này bây giờ đối với tôi cũng đã trở thành một “tuyệt phẩm” vì trong đó có tình anh, tình chị, mặc dầu bản nhạc không được chỉnh lắm về mặt nhạc lý (tôi rất lơ mơ về cả nhạc lý lẫn đàn địch)…
Qua lời viết của bản nhạc, anh chị đã thể hiện giúp tôi nói lên phần lớn nỗi niềm của mình. Điều đó khiến tôi thấy lòng ấm lại. Đây là lần đầu tiên tôi sáng tác nhạc và gửi đến vài người. Bởi vì buồn quá, nhớ quá. Buồn và nhớ đến phát khùng lên và chính cái “phát khùng” đã đưa đẩy tôi làm cái việc khùng điên này…”
Tôi hiểu vì đâu anh buồn đến phát khùng vì chính tôi cũng nhiều khi buồn và cảm thấy cô đơn đến phát khùng, muốn nổi loạn mà không phát khùng, không nổi loạn được nên cái “buồn khùng” nó càng nặng nề, thấm thía. Anh phát khùng mà sáng tác được bản nhạc như vậy là tôi phục anh hết cỡ. Có bao nhiêu người muốn “khùng” như anh Quý mà không khùng được? Trong đó có tôi.
Đào Vũ Anh Hùng.
Nguồn : Việt Hải Los Angeless