CHÂN DUNG NHÀ THIÊN VĂN HỌC VIỆT KHÁM PHÁ RA VÀNH ĐAI KUIPER

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Là nhà thiên văn học người Việt nổi tiếng trên đất Mỹ, tên bà được đặt cho một tiểu hành tinh. Quá trình nghiên cứu, bà cùng đồng nghiệp khám phá ra vành đai Kuiper giúp thế giới thay đổi cách nhìn về Hệ Mặt trời… Đấy là GS. Lưu Lệ Hằng.

GS. Lưu Lệ Hằng sinh năm 1963, sang Mỹ định cư năm 1975. Đầu tiên, bà theo học ngành vật lý tại Đại học Stanford danh giá. Tuy nhiên, trong một lần đến thăm Phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực, tận mắt nhìn thấy những hình ảnh do con tàu không gian Voyager truyền về từ Hỏa tinh, Thổ tinh, GS. Lưu Lệ Hằng quyết định theo đuổi ngành thiên văn học.


GS. Lưu Lệ Hằng nổi tiếng toàn thế giới nhờ những khám phá mới cho khoa học.

Với tài năng hơn người nên ngay từ lúc còn rất trẻ, nhà thiên văn Lưu Lệ Hằng đã gặt hái được nhiều thành công. Với sự hỗ trợ của các phương tiện nghiên cứu tiên tiến nhất, GS. Lưu Lệ Hằng cùng với các đồng nghiệp phát hiện ra 31 tiểu hành tinh.

Để ghi nhận công lao của bà trong những phát hiện mang ý nghĩa khoa học lớn lao, người ta lấy họ Lưu đặt cho một tiểu hành tinh, đó tiểu hành tinh Asteroid 5430 Luu.

Tuy nhiên, đây không phải là thành tựu rực rỡ duy nhất trong cuộc đời làm khoa học của GS. Lưu Lệ Hằng. Thành tựu khiến GS. Lưu Lệ Hằng trở nên nổi tiếng khắp thế giới là việc đồng phát hiện Vành đai Kuiper. Phát hiện của bà và người thầy, GS. David Jewitt làm thay đổi quan niệm của giới thiên văn về lịch sử của Hệ Mặt trời.


Phát hiện của GS. Lưu Lệ Hằng và GS. David Jewitt đã đặt dấu chấm hết cho những nghi ngờ về sự tồn tại của Vành đai Kuiper.

Đó là năm 1987, GS. David Jewitt và GS. Lưu Lệ Hằng can đảm bơi ngược dòng dư luận để khảo sát Vành đai Kuiper. Thời điểm đó, tìm hiểu về Kuiper được xem là điên rồ.
Lý do là nhiều năm trước, phỏng đoán về sự tồn tại Vành đai Kuiper của nhà thiên văn học Gerard Kuiper bị nhiều nhà khoa học cho rằng thiếu căn cứ xác đáng, hoang đường. Làm gì có một vành đai gồm vô số những thiên thể như vậy. Nhiều nhà thiên văn học thời đấy khẳng định, ngoài rìa Hệ Mặt trời là… sạch, không có gì.

“Thời bấy giờ, hầu hết mọi người đều nghĩ những cuộc tìm kiếm của chúng tôi là không khả thi và không ai tin chúng tôi. Các hội đồng xét duyệt thời gian sử dụng kính thiên văn và các cơ quan tài trợ thường không đánh giá cao những cuộc tìm kiếm các đối tượng không được dự báo bởi lý thuyết”, GS. Lưu Lệ Hằng nhớ lại.

Nhưng hai thầy trò quyết tâm chứng minh vành đai Kuiper là có thực. Vậy nên từ năm 1987 đến 1992, GS. Lưu Lệ Hằng và thầy của mình đã đi nhiều nơi, đến những nơi có các thiết bị nghiên cứu tối tân nhất, làm việc xuyên ngày đêm, đánh vật với khối tài liệu khổng lồ để tìm ra chân lý.

Một ngày mùa thu năm 1992, khi phân tích những hình ảnh mà kính thiên văn chụp được, GS. Lưu Lệ Hằng vỡ òa trong hạnh phúc khi phát hiện ra thiên thể trong vành đai Kuiper. Ban đầu, hai thầy trò định đặt tên cho thiên thể này là Smiley, nhưng sau đó được đổi thành 1992 QB1.


Vành đai Kuiper

Khám phá của GS. Jewit và GS. Lưu Lệ Hằng đã đặt dấu chấm hết cho những nghi ngờ về sự tồn tại của Vành đai Kuiper, mở ra hướng đi mới trong việc giải thích và chứng minh sự hình thành Thái Dương hệ.

GS. Lưu Lệ Hằng cho biết, từ đó đến nay vành đai Kuiper đã hé lộ nhiều điều bất ngờ làm thay đổi đáng kể quan điểm của chúng ta về Hệ Mặt trời. Hiện, hơn 1.500 vật thể thuộc vành đai Kuiper đã được xác định…

Nhờ những đóng góp to lớn cho khoa học, GS. Lưu Lệ Hằng đã được vinh danh tại hai giải hưởng lớn: Giải thưởng Kavli được xem Giải “Nobel Thiên văn thế giới” với số tiền thưởng 1 triệu USD và Giải còn gọi là “Giải Nobel Thiên văn Phương Đông” kèm 1 triệu USD tiền thưởng.

GS. Lưu Lệ Hằng sinh năm 1963 ở Sài Gòn. Năm 1984 bà tốt nghiệp ngành vật lý tại Đại học Stanford. Sau đó, bà học tiến sĩ ở Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Từ năm 1994 bà làm giáo sư tại Đại học Harvard rồi chuyển sang Đại học Leiden (Hà Lan). Sau này, GS. Lưu Lệ Hằng làm việc tại Khoa thiên văn học, Đại học Harvard và Phòng thí nghiệm Lincoln, Viện Công nghệ Massachusetts, Hoa Kỳ.