CHẮC KHÔNG CÒN LÂU NỮA ! (ĐIÊU KHẮC GIA NGUYỄN THANH THU VÀO TUỔI BÁT TUẦN)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

ĐIÊU KHẮC GIA NGUYỄN THANH THU VÀO TUỔI BÁT TUẦN

Về hình ảnh hiện tại của nhà Điêu khắc Nguyễn Thanh Thu.. ở tuổi Bát tuần ( giai đoạn “lão”.. của đời người )….. tại Saigon ….Trước đây,  Ông  ở Orange County, California… nhưng Ông quyết định trở lại quê nhà,,,, khỏang.. hơn chục năm.. trước !!

Cầu Chúc Sức Khỏe tới Ông…

 

Nguyễn Thanh Thu sanh năm 1934

tại xã Bình Hòa, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định.

 

Tốt nghiệp Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định.

Động viên vào Thủ Đức ra ngành Quân nhu.

Tác phẩm điêu khắc  tiêu biểu:
1/ Ngày về.1963
2/ Chiến sĩ vô danh. 1966 đặt ở Nghĩa trang quân đội VNCH, Gò Vấp
3/ Trung Liệt. 1966
4/ An Dương Vương. 1966 đặt ở ngã sáu Chợ Lớn.
5/ Thương Tiếc. 1966 đặt ở Nghĩa trang quân đội VNCH, Biên Hoà

Tượng  Thương Tiếc mới đầu thực hiện bằng xi măng cốt thép được đặt trên bệ cao lối vào nghĩa trang Quân Đội Biên Hoà.

Ngày 16.08.1968 được giải đặc biệt của Tổng tư lệnh tối cao Quân đội VNCH.

Ngày 01.11.1968 làm lễ khánh thành.

Cuối năm 1969 pho tượng Thương Tiếc được thay chất liệu, được đúc bằng đồng.

CHẮC KHÔNG CÒN LÂU NỮA !

Dưới đây là bức ảnh mới nhất của một ông cụ già, được chụp ngày hôm qua 12/05/2021, tại nhà riêng của ông số 176 Nguyễn Thượng Hiền, P1, Gò vấp (Cafe tượng đá) với bước đi khó nhọc, ông cụ hầu như không còn khả năng giao tiếp với mọi người nữa, do bị điếc đặc (Hậu quả của những ngày bị tra tấn sau năm 1975), và có lẽ do bị ám ảnh của những ngày tù ngục, nên bây giờ thấy ông lê những bước chân khó nhọc, tôi tính bước tới dìu ông đi, nhưng bị người thân của ông cản lại và bảo rằng :

– Ông sẽ giật mình và phản ứng lại, khi bất kỳ ai đụng vào người của ông…!

Với đôi mắt mờ đục, lạc thần, đôi tai bị điếc… khả năng nhận thức rất kém, cùng bước chân chập choạng, run rẩy… Những ngày cuối đời của ông, bây giờ là thế đấy.

Thế hệ sau này ít người biết đến ông, cuộc sống của ông trong hiện tại như đèn treo trước gió. Nhưng cuộc đời của ông đã trở thành huyền thoại, từ đỉnh cao của vinh quang và danh vọng, xuống đến tận cùng đau khổ của kiếp người….!

Bằng tài hoa của mình tác phẩm của ông đã làm lay động con tim của biết bao thế hệ, đã từng là biểu tượng cho quân đội của một chính thể, đặc tả được thân phận của người lính VNCH trong cuộc chiến vừa qua, đó là bức tượng THƯƠNG TIẾC và bức tượng đã trở thành ký ức,

     “Tình yêu và nỗi nhớ ” trong tâm tưởng của biết bao người…!

Người có khả năng làm được chuyện đó, chính là cụ già áo đỏ trong hình, cụ là NGUYỄN THANH THU, điêu khắc gia lỗi lạc và kiệt xuất của Việt Nam thời đương đại !

 

Chúng ta có hân hạnh và diễm phúc được là người cùng thời với ông, xin hãy trân trọng những khoảnh khắc này, vì nay mai theo quy luật, sự vô thường sẽ tiễn huyền thoại ấy đi về cõi hư vô, chắc không còn lâu nữa…!

Saigon ,trưa 13/05/2021 

– NT

ĐIÊU KHẮC GIA NGUYỄN THANH THU –

TÁC GIẢ TƯỢNG TIẾC THƯƠNG

TƯỢNG THƯƠNG TIẾC Ở NGHĨA TRANG QUÂN ĐỘI-

ĐỈNH DANH VỌNG VÀ ĐÁY ĐỊA NGỤC  
               Nguyễn Tuấn Khoa   


               Miền Nam Việt Nam trước 1975 không ai không biết đến điêu khắc gia (ĐKG) Nguyễn Thanh Thu, tác giả bức tượng Thương Tiếc đặt tại nghĩa trang quân đội trên xa lộ Biên Hòa năm 1966.

 Ành :Thầy Nguyễn Thanh Thu và học trò Nguyễn Tuấn Khoa.              Chính đứa con mà ông yêu quý nhất này đã đưa ông lên đỉnh danh vọng để rồi đẩy ông xuống đáy địa ngục. Ký ức tháng Tư đen cùng câu chuyện hơn 41 năm qua lời kể của thầy tôi, thật nặng nề. 

Thầy Thu tuổi Giáp Tuất (1934), dạy môn Hội Họa cho tôi, anh em tôi và những ai đã từng học tại trung học Võ Trường Toản (VTT) từ năm 1958. Ông có dáng người chắc khỏe, tầm thước, đi dạy bằng xe Jeep cao màu xanh dương, mặc áo chemise trắng, đeo cravat đỏ luồn vào trong bụng dưới khuy áo thứ 2. Cá tính rất mạnh, nghiêm khắc, khó gần. Ông dạy học trò cầm bút chì theo kiểu cầm archet khi chơi violon. Ông dễ nổi nóng và đánh đòn học sinh nào cầm bút theo kiểu viết, dùng thước “vẽ” đường thẳng. Mỗi buổi học ông chọn ra 2, 3 bài vẽ tệ nhất, dùng dây kẽm cột chổi để treo bài lên cổ người vẽ, bắt đứng trước lớp cho đến khi hết giờ. Nguyễn Minh Trí, bạn học của chúng tôi từ lớp 6/5 cũng là con trai của ông, thường xuyên bị đòn đau; lớp tôi ai cũng thương nó vì nghĩ rằng nó chịu đòn thay cho cả lớp. Có lẽ nhờ sự nghiêm khắc của ông mà trình độ hội họa của chúng tôi lúc đó như người khổng lồ so với các học sinh cấp II bây giờ? 
Ông kể rằng ông được TT Thiệu chọn thực hiện từ ý tưởng đến tượng đài tại NTQĐ. Sau 7 ngày, ông được mời vào dinh để trình bày 5 phác thảo nhưng vào cuối buổi ông nói phác thảo mà ông yêu thích nhất là phác thảo thứ 6 ông mới vẽ nháp trên bao thuốc lá Quân Tiếp Vụ trong khi chờ ngoài hành lang của dinh. Ý tưởng 6 lấy từ hình ảnh của hạ sĩ Võ Văn Hai (hiện vẫn còn sống) khóc bạn tại quán nước trước NTQĐ cũ ở Gò Vấp mà ông nhìn thấy 1 tuần trước đó. Phác thảo 6 được chọn và chỉ sau 2 tháng rưỡi, bức tượng đồng Thương Tiếc cao 9 m được hình thành, đưa ông lên đỉnh cao danh vọng ở tuổi 32 với sự kính trọng của các giới chức và quân nhân thời đó. 
Tháng Tư đen đã đẩy gia đình ông xuống địa ngục. Tháng 12/1975, tại lớp 10C5 trường VTT, Trí được lệnh rời lớp mang theo cặp lên văn phòng. Hiệu trưởng Nguyễn Quang Hồng, dân Nam tập kết, môi mỏng, đầu hói, lạnh lùng nói: “Ba em nợ máu với nhân dân, em không được học ở đây. Từ hôm nay”. Linh cảm chuyện không lành, tôi đợi Trí tại nhà xe, Trí lầm lủi, khóc nấc và nói: “Tao bị đuổi học”. Trí giấu mẹ nó vì sợ bà đau buồn, sinh bệnh mà chết. Mỗi sáng nó vẫn ra khỏi nhà, chui lổ chó vào sở thú ngồi cho đến giờ về, nhìn buồn sang trường cũ nơi có tượng cụ Võ Trường Toản do Ba nó tạc năm 1972. Hôm qua tôi nhắc chuyện Trí, thầy Thu cay đắng: “41 năm rồi, sao không ai kể cho thầy chuyện này? Tôi làm tôi chịu, sao nỡ đối xử với con tôi như vậy?”. Lần đầu tiên tôi tin rằng: “Đá cũng biết khóc”…
Trại tập trung Hàm Tân, một buổi sáng cũng khoảng thời gian Trí bị đuổi, thiếu tá Thu bị gọi lên chất vấn về thành tích không khai trong lý lịch: tượng “Ngày về” (giải thưởng VHNT Ngô Đình Diệm 1963) và tượng “Thương tiếc”. Sau ít phút lắng nghe ý nghĩa của các bức tượng, 6 tên cai ngục đã thay nhau đánh đập ông dã man trong 3 ngày, chúng dùng cánh tay hộ pháp vỗ mạnh vào 2 mang tai khiến ông chảy máu tai và điếc luôn từ ngày đó. Ông bị biệt giam trong conex, 8 tháng không thấy mặt trời.
Ít lâu sau, chúng yêu cầu ông tạc tượng HCM, suy nghĩ hồi lâu ông đồng ý với điều kiện: được về Gia Định để thăm mẹ già, vợ con và chuẩn bị vật liệu. Ngày trở về thăm mẹ tại cư xá VN Thương Tín (Hàng Xanh), trong khi người em gái ý tứ giữ chân 4 tên an ninh ở phòng khách, dưới bếp bà nghiêm khắc nói: “Mẹ đẻ ra con, mẹ hiểu giờ con muốn gì. Nếu trái ý, mẹ sẽ tự tử ngay. Cố gắng ở thêm ít năm rồi về”. Biết tính mẹ, ông đành bỏ kế hoạch trốn sau khi thăm vợ con ở Gò Vấp, trở về địa ngục, miễn cưỡng tạc tượng kẻ thù với một mật kế mới. Hàng ngày, ông nuốt vào những lời sỉ vả của chiến hữu nhắm vào ông và bức tượng đang hình thành. Những ngày cuối tháng 8 ông càng miệt mài thức khuya, chiến hữu càng ghẻ lạnh, ông càng kính trọng sự bất khuất của chiến hữu. 
Sáng ngày 01/09, cả trại tù náo loạn khi nhận ra: đây không phải tượng HCM mà là TT Nguyễn Văn Thiệu! Những ngày sau đó ông sống ở đáy địa ngục, ông chết đi rồi bị cứu sống nhiều lần để chịu tiếp những trận đòn thù hội đồng. Một ngày tháng 10, ông bị lôi ra khỏi conex lúc 4g sáng để đưa đến pháp trường. Mạng ông lớn, lệnh hành quyết được bãi bỏ ở những giây cuối cùng. Biệt giam, đòn thù, thiếu ăn… tính mạng thật mong manh nên ông được tha năm 1983 (8 năm). 
Sau 4 năm dưỡng thương, buồn cảnh gia đình tan nát, ông quyết tâm vượt biên bằng đường bộ mà trong túi không có một xu theo nghĩa đen. Hành trình gian khổ ly kỳ này (sẽ được hầu chuyện vào dịp khác) đưa ông đến Thái Lan, sau đó định cư ở Mỹ hơn 10 năm, rồi trở về VN cho đến nay. 
Ở Mỹ trong lần nói chuyện với đồng bào tại Cali, cảm kích về việc dựng tượng trong trại tù Hàm Tân, TT Thiệu đã xuống tận chỗ ngồi của ông thăm hỏi, ông rất cảm động. Giờ ông chỉ còn mong gặp lại 3 người trong đó có hạ sĩ Hai- ghé thăm gia đình ông vài lần trong lúc ông ở tù; và hai người phụ nữ mà ông mang ơn cứu mạng: cô Lan (canteen trại Hàm Tân) người giao cơm khi ông bị biệt giam với miếng thịt dấu ở đáy chén; cô Oanh- người tình của trùm du đãng xóm chài Sa Tưng (Campuchia). Ở tuổi 84, ông đang ấp ủ một việc làm cuối cùng: dựng tượng cho chính mình ngay sau khi tôi thực hiện xong album chân dung của ông. 
Cầu chúc ông sớm đạt nguyện để lớp hậu sinh sau này có dịp viếng ông, nghiêng mình thương tiếc trước một người lính VNCH can trường.                          Nguyễn Tuấn Khoa (VTT 1971)