CẬU ƠI HÃY VỀ (Anne Khánh Vân)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail
Ba mươi lăm năm trước, cũng một ngày tháng Năm, khi gia đình đi vượt biên, cậu có dẫn tôi theo. Chuyến đi không thành, hơn mười mạng trong gia đình cùng 120 người khác, vào khám.
Tôi còn nhớ như in: trong đêm tối, thuyền bị bắn lủng và lôi vào bờ; sáng ra mọi người ngồi xếp lớp, chờ đếm và cho lệnh đưa về đâu. Khi xe tải chở chúng tôi từ biển về nhà tù, xe đi ngang qua mấy xóm chài. Không khí khô mặn, sánh đặc mùi cá và nước mắm như hút hết tất cả những gì tươi sống đi ngang qua. Còn lại chỉ những khô cằn, chát mặn…
Vào tù, vì không có cha mẹ cùng đi, cậu khai tôi là con gái. Gương mặt tôi ngày xưa cũng chữ điền và rám nắng màu bánh mật, có nhiều nét giống cậu, nên ai cũng tin hai cậu cháu tôi là hai cha con.
Lên thuyền ra đi là đã chấp nhận rồi. Một là ăn cá, hai là cá ăn. Còn không thì “thoát thì nuôi má, hụt thì má nuôi,” có nghĩa là vô tù chờ má thăm nuôi. Ngày ấy tôi chỉ là con bé con ốm tong teo, đếm lịch tới ngày 90 được thả về. Nhưng cậu Nam tôi vì là thợ máy chính, có tên trong danh sách nhóm tổ chức con tàu vượt biển, nên bị tống vào biệt giam. Vậy là dù đã được thả, tôi vẫn tiếp tục lui tới trại giam vì phải đi theo bà ngoại và má để đóng vai con nhỏ thăm nuôi cha. Nói là đi thăm nuôi nhưng khi đến nơi, gia đình tôi chỉ có thể gửi những giỏ đồ thăm nuôi cho cậu chứ chẳng được gặp cậu.
Cảnh người tù bị vợ bỏ, chỉ còn đứa con nhỏ lui cui vào tù ra khám tới lui thăm viếng, có lúc làm mọi người thấy thương. Có lẽ cũng phải một năm sau, từ tù biệt giam, cậu được cho “ra tập thể” -có nghĩa là chung một khu nhà giam với mọi người tù khác- và được dùng là người sửa chữa các máy móc cần thiết trong nhà tù. Sau 4 năm siêng năng lao động cải tạo, cậu được thả.
Ra tù đã là năm 88, số lượng người vượt biên đã thưa. Nhiều đảo đã đóng cửa không nhận thuyền nhân. Cậu vẫn dứt khoát phải ra đi, vì “không có cách gì ở lại mà mà chịu nổi.” Sau gần hai tuần trôi dạt trên biển, trải qua nhiều đói khát, đối diện với chết chóc, thuyền cậu cũng đã đến được đảo.
*
Tháng Hai vừa rồi là sinh nhật 64 của cậu Nam. Cậu đã rất nôn nao và sẵn sàng cho những dự án muốn làm sắp tới. Khoảng cuối năm 2018, cậu đi khám tổng quát để kiểm tra sức khỏe chung, chuẩn bị chờ xong năm 2019 là sẽ về hưu. Kết quả chụp hình phổi cho thấy có vết đen to. Thêm những xét nghiệm cần thiết thì được biết cậu đã bị ung thư phổi ở giai đoạn cuối. Các bướu ung thư đã di căn lên vai, xuống cột sống, xuống tay, xuống chân…
Nhận tin dữ, tôi không khỏi bàng hoàng. Mới ngày nào cậu cháu tôi còn trong tù, thăm viếng nhau. Hôm nay tôi cũng lại tới lui thăm viếng cậu, nhưng không phải nhà tù Đắk Nông hay Hàm Tân mà ở một bệnh viện Mỹ tận New Jersey, khu chuyên trị ung thư. Nhìn cậu trên giường bệnh, ốm đi gần một nửa, nước mắt tôi cứ như trực sẵn để trào ra. Khi cậu mở mắt nhìn tôi cười và nói “Ah… Mimi đó hả?” bụng tôi cuộn lại, nhưng rán giục mình miệng phải luôn mỉm cười thật tươi. Ngày đi thăm cậu lần đầu tiên ở nhà thương cũng đúng là ngày sinh nhật của cậu. Tôi cùng tía má Hai Lúa, nào hoa, nào bánh, nào bong-bóng. Mọi người cũng chuẩn bị chỉ nói những chuyện vui…
Tôi kể cho cậu nghe những mầu nhiệm mình được biết. Cô bạn làm chung sở có người anh họ đang mạnh khỏe thì khám phá bị bướu ung thư trên đầu. Ngày có kết quả của các thử nghiệm, bác sĩ nói anh chỉ còn hai tháng. Bao nhiêu tiền tiết kiệm bấy lâu, anh gửi về nước Ethiopia cho cha mẹ xây nhà. Anh để dành lại 60 ngàn nhờ cô em họ giữ để chi trả tiền nhà thương và mai táng để gia đình cha mẹ không phải lo. Khi đưa tiền cho cô em họ giữ dùm, anh ta đã nói, “Tao đưa tiền mày giữ dùm nhưng tin chắc tao chưa chết bây giờ đâu. Nếu Thượng Đế đã bảo vệ cho tao bao nhiêu lần nguy khốn, sống còn sau bao năm bên Afghanistan hay Iraq, nơi khói bom lửa đạn bay vùn vụt trước mắt, thì tao chưa thể chết bây giờ được. Mày tin tao đi!”
Anh ta kiên nhẫn nhận đủ cách chữa trị, cầu nguyện và siêng năng tập thể dục. Cứ cách ngày anh ta lại chạy bộ cả chục dặm. Năm tháng trôi qua, và như anh ta đã nói, anh ta đã không thể chết dễ như vậy! Hôm nay, đã 12 năm sau, anh ta vẫn sống mạnh khỏe, đã có vợ và con trai 5 tuổi. Anh ta đã thôi lái taxi, cái nghề tạm sau khi giải ngũ. Anh đã học và ra trường ngành chụp x-quang.
Tôi nói với cậu, “Như anh bạn đó cậu không chết khi đi vượt biển thì không thể chết dễ như vầy được. Cậu sẽ đánh bại căn bệnh và khỏe mạnh lại.” Mắt cậu sáng lên sau khi nghe chuyện. Cậu có thêm niềm tin.
Tôi lại kể thêm chuyện vị thánh chủ của các bệnh nhân bị ung thư – thánh Peregrine cũng đã bị ung thư bên chân và được Chúa làm phép lạ. Trước ngày phải mổ ung thư, cưa chân, thánh Peregrine đã quỳ cầu nguyện dưới chân thập giá suốt cả đêm. Khi ngủ thiếp, ngài thấy Chúa như bước xuống từ thập giá và đặt tay lên chân, chỗ đau của ngài. Sáng ra, khi đến nơi để làm giải phẫu, các bác sĩ thấy vết thương ung thư như đã biến mất, không còn cần phải giải phẫu nữa. Thánh Peregrine sống thêm 25 năm và chết do cảm sốt vào ngày 1 tháng 5 năm 1345 ở tuổi 85. Ngài được phong thánh và được phong là thánh chủ của các bệnh nhân bị ung thư.
Giữ vững được tinh thần, nhất là khi đang đau bệnh ngặt nghèo, không phải dễ. Sự mạnh mẽ và tận tình chăm sóc của người thân xung quanh sẽ bồi thêm sức mạnh cho người đang bị vơi.
Gia đình tôi ở Washington DC, cậu ở New Jersey. Đi thăm cậu cuối tuần, có khi má tôi ở lại với cậu, tuần ở, tuần về…
Khi viết bài “I Can Only Imagine – Chỉ Có Thể Tưởng Tượng – 30 tháng Tư – Ngày Để Yêu Quý Cha Hơn” phần sau một bài cùng tên viết 13 năm trước, tôi đã đối diện với nhiều sự kiện trong cuộc đời mình. Như anh chàng ca sĩ Bart Millard, có những điều tưởng chừng chỉ có trong tưởng tượng, đã đến trong cuộc đời tôi. Những vết thương xưa đã có dịp lành để tôi có dịp hiểu và thương hơn, những người cha, người chú, người cậu… Họ cũng đã trải qua không kém những mâu thuẫn và chiến tranh nội tâm như bản thân tôi.
Viết xong bài và gửi đi, tôi và gia đình đã phải tiếp tục lo việc cho cậu.
*
Tháng Năm, tôi trở lại nhà thờ, mặc áo dài hồng nhạt. Sau lễ, lúc chia xẻ những lời cảm ơn, tôi đi lên cung thánh. Không giấy bút, mọi thứ như tuôn trào từ tim. Bây giờ ngồi đây, viết lại những dòng chữ này, từng chữ từng lời, như còn đầy cảm xúc:
“Thưa cha, thưa cộng đoàn.
Con là Mimi, con của mẹ Huỳnh, chị kế của cậu Nam…
Con không chuẩn bị để đứng ở đây. Chỉ khoảng 15 phút trước lễ, con mới được bác Nguyên sắp xếp cho ít phút để có đôi lời về cậu mình.
Cậu Nam với con có một số kỷ niệm có thể nói là… dễ thương. Ngày xưa khi gia đình đi vượt biển, cậu dẫn con theo. Lúc đó con chỉ mới 10 tuổi. Khi bị bắt và nhốt tù, cậu khai con là con gái cậu. Trong tù, khi cán bộ tra khảo tại sao hai cha con bây đi vượt biên, mẹ đâu?… thì vì đâu có mẹ thiệt nên hai cậu cháu khai đại là mẹ có bồ nhí bỏ hai cha con nên hai cha con buồn quá xách nhau đi vượt biên… (cộng đoàn cười)
Những ngày lễ tang như vầy, người Mỹ có làm hơi khác so với thói quen của người Việt Nam. Họ celebrate một cuộc đời bằng cách kể những kỷ niệm vui về người đó, những thành quả của người đó. Vì vậy con xin bắt chuớc một chút xíu như thế.
Vài tuần trước, tụi con đi câu được một con cá rất bự và đẹp. Tuần đó má con cũng đang trong nhà thương với cậu. Khi làm cá xong và kho nghệ, con chụp hình gửi cho má con xem. Cậu còn thức nên má cho cậu xem hình. Cậu nhìn nồi cá kho nghệ hấp dẫn quá bèn xin cho cậu một khứa ăn với cơm. Ngày hôm sau chúng con lái xe lên New Jersey, đem cá và cơm lên cho cậu. Con cũng có gỡ xương và cuốn thêm vài cuốn với các loại rau thơm và lá thì-là cho cậu chấm với tương Cự Đà. Cậu ăn mà cứ hít hà khen lâu lắm mới được ăn cá kho và cá cuốn thì-là ngon như vậy.
Sau tám chín tuần liên tục lên xuống thăm và thấy cậu khỏe ra, gia đình đã rất mừng. Cậu lên tinh thần, ngồi dậy được, và đi tập vật lý trị liệu. Cậu ăn có khẩu vị và muốn ăn nhiều hơn vì phần ăn trong nhà thương nhỏ quá… Mọi người đã rất mừng và có nhiều hy vọng. Sau đó cậu được cho về nhà… Rồi yếu lại, phải trở lại nhà thương…
Tối thứ Năm, đã khuya, con nhận được một cái text của má. Má con đang trong nhà thương với cậu. Má nói cậu hỏi Mimi có giận cậu gì không? Con đọc và khựng lại suy nghĩ. Tại sao cậu bỗng hỏi lạ vậy? Con nhờ má nhắn lại với cậu là con không giận cậu gì hết. Ngay từ ngày đầu tiên biết tin cậu bệnh và đi thăm cậu, con chỉ cầu xin với Đức Mẹ cho cậu được chữa lành.
Sáng hôm sau, 6 giờ sáng, má nhắn tin báo cậu đã ra đi. Con chợt hiểu ra vì sao cậu đã hỏi câu hỏi đêm hôm qua. Cậu muốn mọi người vui vẻ, mọi chuyện Ok… để cậu thanh thản ra đi.
Con đã rất hụt hẫng vì con đã đặt nhiều niềm tin trong việc cậu sẽ mạnh khỏe trở lại. Con không bao giờ nghĩ cậu sẽ ra đi sớm như vậy. Con không chấp nhận sự ra đi của cậu… Nhưng con đã suy nghĩ lại. Có lẽ cậu đã quyết định ra đi. Có lẽ cậu biết đã đến lúc và thấy như vậy là tốt nhất. Thôi thì chúng ta hãy tôn trọng và chấp nhận quyết định của cậu.
Rồi con hiểu ra thêm một điều, là sự hiện diện của chúng ta ở cuộc đời này cũng giống như đi học một khóa học. Khi mình học và chứng nghiệm đủ những gì muốn trải nghiệm thì sẽ mãn khóa.
Mỗi sự kiện đến trong cuộc đời của mình sẽ là những cơ hội giúp chúng ta trưởng thành và tốt hơn ở một lãnh vực nào đó.
Hôm nay chúng ta hãy cùng nhau celebrate cậu mãn khóa, ra trường, được lên lớp… (thành ra con không mặc đồ đen vì hôm nay con đi dự lễ ra trường của cậu)
Chúc mừng cậu đã qua được final exam hơi khó ở chặng cuối. Cậu đã pass exam không than van hay làm nó khó hơn. Cậu đã rất mạnh mẽ.
Cậu Nam là một người con rất hiếu thảo; một người anh, người em tốt bụng; một người chồng, người cha rất có trách nhiệm và thương yêu vợ con; một người cậu người bác có tình biết nghĩ đến con cháu; một người bạn tốt.
Cậu rất siêng năng chịu khó, thích việc. Cậu làm việc ca đêm, sáng về nhà vẫn tiếp tục làm việc giúp vợ con. Số giờ cậu làm việc trong suốt cuộc đời qua chắc chắn nhiều gấp bốn năm sáu lần so với số giờ cậu ngủ. Chỉ nhiêu đó thôi cũng đủ gắn cho cậu mấy cái huân chương bự.
Trong nhà, cưng cậu nhất là bà ngoại con. Đúng không bà ngoại? (cộng đoàn cười). Hôm nay cậu đã được gặp lại bố mẹ cậu, ông bà ngoại con. Họ đang vui mừng gặp lại nhau. Một ngày nào đó, chúng ta cũng sẽ gặp lại cậu và những người thân đã ra đi trước chúng ta.
Chúng ta sẽ nhớ cậu rất nhiều. Chúng ta sẽ không gặp cậu trong cái thân xác của cậu nữa nhưng linh hồn của cậu vẫn còn đó, vẫn tồn tại… Cậu sẽ vẫn biết và cảm nhận đuợc khi chúng ta thương và nhớ đến cậu.
Trong những tháng ngày qua, khi cậu nằm viện, nhiều người thân bạn bè đã thăm viếng, giúp đỡ cậu và gia đình cậu. Chỉ khi nào thật sự yêu thương, người ta mới làm được những gì cần.
Con xin đại diện cậu và gia đình, cảm ơn từng cô chú bác anh chị em về những thăm viếng và giúp đỡ. Cậu và gia đình đã rất trân trọng tất cả những chia xẻ giúp đỡ đó.
Xin cảm ơn cha, cảm ơn cộng đoàn, cảm ơn tất cả các cô chú bác anh chị và các em, ở địa phương hay đến từ rất xa, đã có mặt ngày hôm nay, để cùng “chúc mừng cậu ra trường,” và đưa cậu đi qua bờ bên kia được bình an, trong tình yêu thương của Chúa và Đức Mẹ. Amen!
Anne Khánh Vân