Cao xuân Huy đã trở về cát bụi cách nay đúng một năm. Thân xác ông đã được hỏa thiêu sau một tang lễ vừa trang nghiêm theo nghi lễ quân cách vừa thân mật đơn giản như một cuộc chia tay trong đó có đông đủ thân nhân, đồng đội, bạn bè, bạn văn, bạn làm báo và độc giả của ông.
Hiếm thấy một người vướng vào nghiệp văn bút, báo bổ tại một vùng đất vốn được đồng hương gọi đùa là ‘gió tanh mưa máu’, nhưng lại được quí mến gần gũi tâm đắc, rồi đến lúc đau yếu nhắm mắt xuôi tay lại được nhiều người nhiều giới chia buồn phúng điếu đưa tiễn bằng lời nói bằng bài viết trên các phương tiện truyền thông hải ngoại tựu chung tỏ lòng thương tiếc sâu sắc một con người mà hồi sinh thời rất can trường trong chiến đấu, nghiêm túc trong công việc nhưng lại ‘hết mình’ trong cuộc chơi với những người vốn biết và giao lưu với ông.
Cuộc đời Cao xuân Huy mà người ta quen gọi là ‘ông Gẫy Súng’ cũng khá lạ kỳ. Nhờ vào lính mà sau này mới trở thành nhà văn, rồi từ tác phẩm đầu tay Tháng Ba Gẫy Súng người ta mới biết ông qua danh xưng ‘nhà văn’ hơn là …‘nhà binh’. Với ai khác được gọi là nhà văn chắc phải hãnh diện về thiên chức của nó, nhưng oái oăm thay ông vẫn không chịu nhận mình là nhà văn và cứ xin coi ông là ‘người lính’, môt người lính quay sang cầm bút sau khi gẫy súng để tường thuật những sự việc do chính ông trải nghiệm, đặc biệt ở thời điểm cuối cùng của cuộc chiến. Bằng ngòi bút ông viết lại một cách trung thực như những gì nó đã xảy ra, không hư cấu không vẽ vời không tô hồng không đánh bóng. Khi một người lính nói sự thật theo bản chất ‘nói thẳng như lính’ thậm chí kèm theo cả ngôn ngữ chửi thề, thì những điều ông kể ra cùng với tài viết văn tiềm ẩn tự phát chẳng ai dạy nhưng trời cho đã được người ta nhanh chóng tin ông và chấp nhận ông để từ đây giới văn bút coi ông là nhà văn, độc giả gọi ông là nhà văn, dù sau này có nghiêng về làm báo và hai mươi lăm năm sau mới ra một đầu sách mới, nhưng chỉ một Tháng Ba Gẫy Súng tên tuổi ông đã thành danh và ‘lừng lững’ đi vào dòng văn học sử hải ngoại như một bạn văn ca ngợi mới đây.
Những gì về sự nghiệp văn bút và chủ biên văn học của Cao xuân Huy đã và sẽ còn được nhiều người viết và nhắc nhớ. Tháng Ba Gẫy Súng sẽ được đánh giá như một tập hồi ký sử thi chứng nhân cho ngày tàn của cuộc chiến, nó sẽ được độc giả trân trọng như Mùa Hè Đỏ Lửa của Phan Nhật Nam và một số bút ký chiến tranh nổi bật của số ít tác giả miền Nam, thậm chí kể cả Nỗi Buồn Chiến tranh của Bảo Ninh nếu không ngại phân biệt về mặt quan điểm.
Ở đây người viết chỉ để ý một khía cạnh là không hiểu vì sao mà Cao xuân Huy cứ trăn trở chuyện xin coi ông là người lính thay vì nhà văn. Tất nhiên có những nguyên ủy của nó, mà dễ hiểu nhất thì vẫn tại vì bản thân ông…là lính! Hãy nghe ông tự sự từ đáy lòng mình về tình yêu của ông với đời quân ngũ, “Tôi yêu đơn vị tôi, tôi yêu màu mũ, màu áo tôi, tôi yêu thuộc cấp tôi và tôi kính trọng thượng cấp tôi. Tôi bình thản chấp nhận mọi thói hư tật xấu của thượng cấp và thuộc cấp, và chính tôi cũng có quá nhiều thói hư tật xấu.”
Đơn vị ông là Tiểu đoàn 4 Thủy Quân Lục Chiến, màu mũ là màu xanh của binh chủng, màu áo là màu rằn ri tựa như dấu in cọp biển, thuộc cấp là lính thuộc đại đội ông khoảng trên dưới một trăm, thượng cấp thì quá nhiều vì cấp bậc của ông chỉ là trung úy đại đội phó. Dù thượng cấp hay thuộc cấp ông vẫn yêu họ như chính mình, dù ai xấu ai tốt thì ông cũng chẳng hơn ai và chẳng dám đoán xét ai. Vào lính ở tuổi hai mươi trong một đợt tuyển quân cao điểm hồi Mậu Thân 68, trải qua các chiến trường từ Cà mâu đến miền giới tuyến, cuối cùng trụ lại làm anh lính gác giặc theo tuyến phòng thủ bảo vệ cố đô sau Hiệp định Paris trải dài từ sông Thạch Hãn qua Phá Tam giang xuống tận Thuận an và gẫy súng tại đây sau một cuộc rút quân hỗn lọan.
Trở lại chuyện của ông quả ít ai có tâm hồn luôn thiết tha với màu cờ sắc áo, sau khi gẫy súng bị bắt làm tù binh ông vẫn mặc đồ trận, người ta cũng chẳng cấp bộ đồ tù chỉ yêu cầu cởi bỏ lon lá, sau này ra hải ngoại có dịp ông vẫn mặc quân phục, vẫn đeo huy hiệu của binh chủng mình, nhưng chỉ mang bảng tên trên ngực ghi HUY 4, có nghĩa là tên & đơn vị của ông, đến khi vào quan tài thì cũng được liệm nguyên bộ đồ này. Con số 4 luôn theo chân ông, ông sống chết với nó suốt bảy năm quân ngũ, một đơn vị tác chiến cấp tiểu đoàn nhưng đã lừng danh bốn vùng chiến thuật, chính đơn vị này là đơn vị đầu tiên đã chạm trán quân chính qui Bắc Việt tại chiến trường Bình Giả miền Đông năm 1964, mở đầu cho cuộc thư hùng của những trận đánh lớn sau này. Cũng đơn vị ông trở thành mũi nhọn trong trận tái chiếm Cổ thành mùa hè 72 khiến đội quân đối nghịch khi rút về bên kia sông Thạch Hãn lúc đi đủ chục lúc về còn ba. Nói vậy chứ tổn thất trả giá cho những lần quyết tử cũng là những con số chóng mặt, chính tôi đã mục kích khăn sô trắng đầu các cô nhi quả phụ trong trại gia binh cạnh hậu cứ tiểu đoàn của ông tại Vũng Tàu để thấy cái khắc nghiệt của chiến tranh và sự hy sinh cao độ của các đồng đội của ông suốt chiều dài cuộc chiến. Tôi thiết nghĩ chính vì cứ trăn trở bởi những hình ảnh này mà Trung úy Huy người may mắn sống sót sau những trận để đời đã không ngoảnh mặt quên đi quá trình chiến đấu để nhận những phong vị khác xem ra cao trọng hơn cho tên tuổi của mình.
Dù gẫy súng ông vẫn chết với tư cách một người lính, xứng đáng được đồng đội phủ cờ hôm tang lễ vừa qua vì thực chất ông không thuộc diện đầu hàng buông súng. Ông bị gẫy súng trong tư thế đang chiến đấu và chịu làm tù binh khi các cấp chỉ huy của ông không thể xoay chuyển được chiến trường. Ông trở thành một trong những ‘người ở lại Thuận An’ và trở thành chứng nhân cho bi kịch thời đại của một cuộc rút quân Waterloo thu nhỏ tại cửa biển oan nghiệt này vào một ngày tháng ba, ‘tháng ba gẫy súng’, dự báo cho một ‘tháng tư tan hàng’, xóa sổ tức tưởi một đạo quân được coi là chiến đấu rất can trường trong quân sử Việt.
Cao xuân Huy, người ở lại Thuận an. Nhờ ‘Ông Gẫy Súng’ mà người ta mới thấy hết nét bi thương của những ngày tháng Ba, nhờ ông mà những đồng đội nằm lại vĩnh viễn trên cửa Thuận an mới có cơ hội ‘lên tiếng’. Chúng tôi trân trọng ông về điều này và xin vinh danh ông với tư cách nhà văn song hành với danh xưng người lính. Xin ông cứ nhận ông là nhà văn vì chính ông là một nhà văn đích thực, một nhân chứng chỉ biết nói sự thật, và sự thật thì sống mãi ngàn thu.
Đỗ Xuân Tê
Nguồn: Việt Báo [http://www.vietbao.com]
*
* *
Cao Xuân Huy và Hình Ảnh Tháng 3 Gãy Súng
VĨNH BIỆT “HUY RÂU” – NHẬT THỊNH
Tưởng nhớ Cao Xuân Huy (1947-2010): đọc lại và đọc thêm – Bùi Văn Phú
Cao Xuân Huy và bằng hữu (Văn) (Nhân ngày giỗ) – Ngộ Không
https://phailentieng.blogspot.com/2016/03/cao-xuan-huy-nguoi-o-lai-thuan-an.html?fbclid=IwAR1o-CC8RfPiKxcTM-3bVCMR49tgk1JrG1N26M4lWmNoEtMAUo1z3m5jGiQ