Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin đến dự một cuộc họp giữa Hoa Kỳ với các nước Đông Nam Á bên lề Đối thoại Shangri-La ngày 02/06/2023, Singapore. AP – Vincent Thian
Hôm nay, 02/06/2023, Đối thoại An ninh châu Á Shangri-La khai mạc tại Singapore và kéo dài cho đến Chủ Nhật 04/6. Theo giới quan sát, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc chi phối hội nghị, vì đây là dịp để hai siêu cường tranh giành ảnh hưởng tại châu Á-Thái Bình Dương.
Đối thoại An ninh Shangri-La do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tổ chức hàng năm tại Singapore, với sự tham dự của giới lãnh đạo quân sự, chính trị, ngoại giao, các tập đoàn sản xuất vũ khí và các nhà phân tích an ninh quốc tế.
Theo Reuters, thủ tướng Úc Anthony Albanese có bài diễn văn quan trọng đầu tiên vào tối nay, trước khi bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin và tân bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc có những bài phát biểu được dự báo là sẽ “đả kích” nhau vào cuối tuần.
Diễn đàn năm nay đặc biệt diễn ra trong tình hình quan hệ Mỹ – Trung đã xuống đến mức thấp nhất trong nhiều thập niên do những bất đồng sâu sắc trong nhiều sự việc, từ vấn đề Đài Loan, gián điệp mạng, cho đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Hy vọng hội nghị là dịp để Mỹ-Trung đối thoại, giảm căng thẳng đã gần như bị dập tắt vào tuần trước, khi bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc, bị Mỹ trừng phạt, đã từ chối gặp đồng nhiệm Mỹ Lloyd Austin, theo đề nghị từ phía Washington.
Cạnh tranh Mỹ – Trung đẩy ASEAN vào tình thế khó khăn, như nhận định của thông tín viên RFI trong khu vực, Juliette Piétrachefski:
“Căng thẳng xung quanh đảo Đài Loan, hay tình hình ở Miến Điện, Những hồ sơ này sẽ được tất cả mọi người tham dự diễn đàn Shangri-La quan tâm. Đó là những chủ đề mà ASEAN nỗ lực áp dụng “nguyên tắc vai trò trung tâm của vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương”. Một nguyên tắc đang được Indonesia, chủ tịch luân phiên của ASEAN, bảo vệ, theo như nhận định của bà Delphine Allès, giáo sư ngành Khoa học Chính trị và Quan hệ Quốc tế, nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Đông Nam Á.
Bà giải thích: “Khó khăn cho nhiệm kỳ chủ tịch của Indonesia, hiện vẫn chưa vượt qua được, đó là tạo ra tầm mức chính trị cho khái niệm Ấn Độ – Thái Bình Dương. Nhưng cho đến thời điểm hiện tại, người ta buộc phải thừa nhận rằng các đề xuất của Indonesia, và nhất là những đề xuất nhận được một chút sự chú ý của các đối tác, lại là những đề nghị phi chính trị, trong lĩnh vực kinh tế, phát triển, chứ không phải là sự khẳng định lập trường chính trị thật sự sắc bén so với đề xuất từ nhiều nước khác.”
Nếu như diễn đàn Shangri-La là một sự kiện có tính chất bán ngoại giao, thì sự hiện diện của các quan chức, đại diện chính phủ, như mọi năm, góp phần thu hút sự quan tâm đối với sự kiện này.”
Theo Minh Anh /RFI