CÁI XE GỖ (Truyện của Phương Lan)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

CÁI XE GỖ

(Phương Lan)

Trời đã quá trưa rồi mà ông Năm vẫn chưa chịu dừng tay để nghỉ ngơi, ông vẫn cặm cụi làm việc ở dưới mái hiên phía sau nhà, để hết tâm trí vào việc đẽo gọt cái xe bằng gỗ do chính tay ông làm ra.  Nó chẳng đáng giá gì, thế mà trông cách ông thận trọng nâng niu, người ta tưởng như ông đang nâng niu một báu vật.  Cả tháng nay, ngày nào ông cũng say mê làm việc quên cả thì giờ, hôm nay cái xe đã thành hình đúng như ý ông mong muốn.  Ông hài lòng ngắm nghía chiếc xe có cái mui bằng vải bố màu ka ki, có thể xếp lại như cái mui của xe xích lô dùng để che nắng.  Trông toàn thể, nó giống như một cái xe kéo thời xưa với hai cái càng, nhưng lại có tới bốn cái bánh xe bằng cao su, ông đã khổ công tháo gỡ từ cái xe cắt cỏ bị hư bỏ ở sau vườn.  Ông đang chăm chú gắn các bánh xe vào hai cái trục bằng sắt, vừa làm ông vừa lẩm bẩm một mình:    

–       Bánh xe bằng cao su đặc, êm là phải biết, lại bền nữa. 

Cho nhớt vào trục xe xong, xoay thử mấy cái bánh xe thấy êm rồi, ông xoa hai tay vào nhau một cách hài lòng:

–       Bây giờ chỉ còn sơn phết và đánh bóng nữa là hoàn tất.  Tết này đem về làm quà cho các cháu, hai anh em thằng Nghĩa chắc là thích mê.

Ông sung sướng ngồi thẳng người lên, đưa tay ra sau lưng đấm đấm vài cái cho đỡ mỏi rồi lại cúi xuống tiếp tục làm việc.  Ông chợt nhớ ra là chiếc xe còn thiếu mấy cái vành dùng để chắn bùn ông phải cố gắng làm cho xong.

Khi đồng hồ ở trong nhà vừa điểm một tiếng thì đứa cháu nội của ông từ trong nhà chạy ra gọi:

–       Grandpa!  Trễ rồi, vào nhà ăn lunch đi.

Nó nói bằng một giọng lơ lớ như người ngoại quốc nói tiếng Việt.  Ông ngẩng lên mỉm cười, trán ông lấm tấm mồ hôi, trời sắp vào thu rồi mà còn nắng gớm, đuợc cái hiên nhà có mái che nên cũng đỡ.  Ông đưa tay lên quệt mồ hôi rồi bảo cháu:

–       Ông không đói, cháu và cả nhà cứ ăn trước đi!

–       Ông đang busy à? what are you doing?

–       Ừ, ông đang bận, ông cố làm cho xong cái xe này, cháu xem có đẹp không?

Ông dơ lên cho nó coi cái xe đã thành hình dạng hẳn hòi, chỉ chưa sơn phết.  Đứa bé reo lên thích thú:

–       Ồ, trông nó giống như cái xe pick up truck, nhưng sao lại có cái này, ông nội?

Nó trỏ hai cái càng kéo xe, ông lúng túng giải thích:

–       Xe truck thì chạy bằng động cơ, nghĩa là “run by motor” ấy mà.  Ông cố dùng từ tiếng Anh để cho cháu hiểu, còn cái xe này không có motor thì phải có người kéo, đây là hai cái càng để cho người kéo.

–       Ông ơi! cái xe này dùng để làm gì vậy?

–       Đây là đồ chơi ông làm cho Nghĩa, cousin của cháu ở Việt Nam.

–       Việt Nam là đâu vậy ông nội?

–       Là quê hương mình đó mà.

Thấy nó ngơ ngác có vẻ không hiểu, ông dịu dàng cắt nghĩa:

–       Là birthplace của ông và bố mẹ cháu đó.

–       Xa không, ông nội?

–       Xa lắm cháu ạ, đi máy bay phải nửa ngày mới tới.

–       No wonder, I’ve never seen  him.

–       Ừ, ở xa quá nên cháu chưa bao giờ gặp Nghĩa cả.  Ông hy vọng một ngày nào đó, bố mẹ cháu sẽ đưa cháu về thăm quê hương, và cháu sẽ gặp Nghĩa, nó ngoan lắm và cũng dễ thương như cháu vậy.  Bố cháu và mẹ của Nghĩa là hai anh em ruột, tiếng Mỹ là brother và sister…

–       Cháu hiểu rồi, thế ở Việt Nam không có đồ chơi hả ông nội?

–       Có chứ, thiếu gì… Nhưng, ông ngập ngừng, đây không hẳn là đồ chơi, mà còn là đồ dùng.

–       Đồ chơi hay đồ dùng cho trẻ con đều có bán ở tiệm.  Sao ông không mua cho Nghĩa ở Toy-R-US? 

–       Ông muốn tự tay làm lấy.  Nghĩa chỉ thích cái xe bằng gỗ to như thật để có thể chở em nó đi chơi.

–       Nghĩa crazy, ông cũng crazy! 

Nó toác miệng ra cười và bảo ông điên, ông chỉ cười và không giận, ai lại giận những lời lẽ ngây thơ của trẻ con.  Tới đây thì trong nhà có tiếng lao xao rồi Trung, con trai ông xuất hiện ở nơi ngưỡng cửa:

–       David! sao lâu thế? mẹ đang chờ. 

–       Grandpa nói he’s not hungry.

Trung quay sang cha:

–       Bố không đói hả bố? Vậy con cho tụi nhỏ ăn trước nhé? ăn xong còn chở chúng nó đi shopping. 

–       Ừ, có đi đâu thì nhớ ghé mua cho bố vài hộp sơn nhỏ.

–       Để sơn cái xe thổ tả này hả? 

–       Đừng nói thế được không?  Ông cau mày, nếu con biết cái xe này là cả tâm huyết của bố?

Ông Năm vừa nói vừa ngắm nghía tác phẩm của mình, phải công nhận trông nó chẳng đẹp đẽ lắm, nhưng cần gì, có phải để đem đi triển lãm đâu?  Ông làm cho cháu ông, thằng Nghĩa đã viết thơ khẩn khoản xin ông, và ông muốn tự tay làm cho cháu.  Chiếc xe đã gần xong, chỉ cần thêm vài nước sơn… Trung tắc lưỡi:

–       Thôi được rồi, thế bố muốn màu gì?

–       Mua cho bố ba màu: nâu, xanh lá cây và xám bạc.  À quên, còn một hộp vẹc ni nữa.

–       Con thấy bố mất thì giờ vì nó nhiều quá! 

–       Bố có việc gì làm đâu? ngoài việc đi loanh quanh trong nhà cả ngày.  Ông thở dài, bố bây giờ chỉ là một lão già vô dụng, không giúp ích gì cho ai được cả.

Ông nói một cách thật lòng, thấy con cái vất vả, còn ông thì ở không suốt ngày, dư thừa thì giờ mà không giúp gì cho chúng nó, ông cảm thấy áy náy và thấy mình quả thật là một người thừa.  Nhưng ông không biết nấu nướng, cũng không biết lái xe để có thể đưa đón các cháu đi học và có thể tự mình đi đây đi đó.  Ở Mỹ không biết lái xe thật khổ, đi đâu cũng phải nhờ con, mà chúng nó bận đi làm cả ngày, về đến nhà còn công kia việc nọ lu bù đủ thứ chuyện, ông đâu dám mở miệng nhờ vả, thành thử ông cứ phải ở nhà suốt ngày suốt tháng chẳng khác chi người ở tù.  Hồi vợ ông còn sống, có bà bầu bạn nên còn đỡ, từ khi bà chết đi, ông thui thủi một mình.  Sống giữa bầy con cháu nhưng ông vẫn cảm thấy cô đơn vô cùng, con ông đầu tắt mặt tối suốt ngày, đâu có thì giờ hỏi han đến ông.  Đứa con dâu mặt mũi lúc nào cũng lạnh tanh, khinh khỉnh.  Mấy đứa cháu thì chỉ trừ đứa bé nhất biết lõm bõm vài câu tiếng Việt, mấy đứa kia, ông không tài nào nói chuyện được với chúng nó.  Thấy ông quê mùa lại không biết tiếng Anh, chúng nó phá ra cười chế diễu, với những cái nháy mắt đồng lõa của mẹ chúng.  Trẻ con ở bên này hình như không biết lễ phép, không biết kính trọng các bậc trưởng thượng, ông chẳng thèm chấp, nhưng sao khỏi tủi thân cho kiếp sống nhờ, số phận chung của những người già ở nơi xứ người.  Không rành tiếng Mỹ, có miệng cũng thành câm, có tai cũng thành điếc, có mắt cũng chẳng thể đọc được sách báo, ông thấy cuộc đời hết còn sinh thú, và ông có mặc cảm của một người bị bỏ rơi, bị xã hội gạt ra bên lề đường.  Sống với bầy con cháu, mà ông cảm thấy lạc lõng cô đơn như sống giữa những người xa lạ.  Nhiều lúc ông ngồi im lặng hàng giờ, nhớ về người bạn đời đã mất cùng với những giấc mơ xưa. 

Trung không nhìn thấy khía cạnh tiêu cực đó của bố, hắn cứ nghĩ rằng bố không phải làm việc, được ở không ăn chơi là sướng rồi, có gì mà phải phàn nàn? phàn nàn là không biết điều.  Trung chau mày khẽ gắt:

–       Thôi xin bố đừng cay đắng nữa, bố khỏi cần phải mặc cảm như vậy, bố cứ khoẻ mạnh cho con nhờ là được rồi.

Ừ nhỉ, còn vấn đề sức khoẻ nữa, ông đã bảy mươi tuổi rồi, mấy lúc gần đây ông cảm thấy trong người yếu mệt, và tim thỉnh thoảng lại đau nhói.  Ông cũng lờ đi chẳng thèm đi khám bác sĩ, để làm gì chứ? ông đâu có muốn kéo dài kiếp sống tủi nhục của một người thừa?  Vả lại ông không biết lái xe, ông đâu có thể tự mình đi được?  Trung bận rộn suốt tuần, week end phải để cho nó nghỉ ngơi và đưa vợ con đi chơi, ông đâu dám phá đám.  Ông sợ nhất phải nghe những lời bóng gió, chì chiết của con dâu và những cái ra lườm vào nguýt.  Thôi thì mặc kệ tới đâu hay tới đó, ông không muốn là nguyên nhân của những cuộc cãi vã giữa hai vợ chồng nó.  Khổ quá, ở Mỹ mà không biết lái xe, thật chẳng khác gì người què… A nói đến què, ông lại nghĩ đến hai đứa cháu ngoại khốn khổ của ông còn ở quê nhà.  Con Lễ bị bệnh tê liệt, què cả hai chân từ khi mới lên một tuổi, tội nghiệp thằng Nghĩa, anh nó, mới lên tám tuổi đã bị giao nhiệm vụ giữ em cho mẹ nó đi làm.  Cha chúng nó đã chết trong một tai nạn xe cộ từ khi Nghĩa mới lên năm và em nó mới lên hai.  Dạo đó bà Năm còn sống, hai ông bà thương cháu nên đã đem cả ba mẹ con nó về ở chung để trông cháu cho mẹ chúng đi làm.  Cho tới ngày hai ông bà được đi Mỹ đoàn tụ, thằng Nghĩa đã phải thay ông bà để trông em.  Tội nghiệp Nghĩa còn bé quá, đâu có thể cõng được em nó đi chơi, thành ra con bé cứ bị nhốt ở trong nhà cả ngày, nó chỉ biết đến thế giới ở bên ngoài qua lời kể của anh nó.  Nó mơ ước được ra công viên hóng mát, ngắm hoa lá, chim, bướm và nhìn những đứa trẻ cùng tuổi nó nô đùa.  Nó mơ ước được đi sở thú, được đi xem hang đá ở nhà thờ Đức Bà đêm giáng sinh… Những ước mơ nhỏ nhoi đó, nhưng thật là vĩ đại đối với con bé, sẽ thực hiện được nếu Nghĩa có một cái xe, nó có thể chở em nó đi chơi trong lúc mẹ nó bận đi làm kiếm sống.  Ông Năm nói:

–       Con phải hiểu cái xe tầm thường này lại quan trọng đến mức nào đối với hai đứa bé tội nghiệp đó.

Trung gật gù hỏi cho qua chuyện:

–       Thế bao giờ bố định gởi nó về Việt Nam? 

–       Bố không gởi, mà chính tay bố sẽ đem về làm quà cho hai đứa nhỏ vào dịp Tết.  Cũng sắp tới rồi, vì vậy bố phải cố gắng làm cho xong.

–       Bố định về Việt Nam thật à? 

–       Thật chứ, bố đã để dành đủ tiền để mua vé máy bay rồi, con khỏi lo.

–       Bố định ở chơi bao lâu?

–       Chưa biết, tới chừng nào hay chừng đó, càng lâu càng tốt cho con phải không? Ông trầm giọng xuống, bố hiểu vợ con khó chịu vì sự có mặt của bố ở trong gia đình này… 

Trung cúi đầu xấu hổ, nhưng còn vớt vát:

–       Đời sống ở bên này khó khăn, mà lòng người thì hẹp hòi, nhất là lòng dạ đàn bà…   

–       Bố hiểu và bố không trách gì con cả.

Đúng ra ông chỉ tự trách mình thôi, ông trách mình đã không sáng suốt, chưa suy nghĩ kỹ càng, đã vội quyết định ra đi để rồi bây giờ dở dở dang dang, đi không được mà ở thì bực mình.  Hồi còn ở nhà, hai ông bà cứ tưởng được đi Mỹ sẽ sướng lắm.  Phải mà, nghe nói lương tối thiểu cũng sáu, bảy đô một giờ, mà thức ăn lại rẻ mạt, ông âm thầm làm một con tính nhẩm, chỉ cần đi làm một tuần thôi cũng đủ ăn cả tháng, còn thì dành dụm, trở nên giàu có mấy hồi?  Không giàu sao những Việt kiều về quê người nào cũng sênh sang áo gấm về làng, làm ai cũng thèm thuồng, ước mơ được đến cái xứ thiên đàng… Ông tưởng tượng đến cảnh đoàn tụ, con cháu xum vầy một nhà, hiếu thuận hòa hảo, ấm êm hạnh phúc, mọi người đều vui vẻ sống trong cảnh giàu sang sung sướng.

Nào ngờ thực tế lại khác hẳn, mọi người chen chúc trong một căn nhà chật hẹp, bảo là nhà mua, nhưng cũng đâu thuộc về mình, mà là thuộc về chủ nợ là nhà băng.  Thấy dâu, con vất vả, đầu tắt mặt tối suốt ngày mà cũng chỉ đủ ăn, hai ông bà chưng hửng, thì ra tất cả nhà cửa, xe cộ, đồ đạc, bàn  ghế, TV, tủ lạnh v..v.. thậm chí đến cả quần áo nữa, tất cả đều là mua nợ.  Mà đã mua nợ thì phải trả lãi, hàng tháng những hoá đơn đòi nợ gởi đến ùn ùn, đòi phải thanh toán.  Ngoài ra còn cả trăm thứ linh tinh khác, nhiều món theo ông thấy vô lý hết sức, không dùng, hoặc chỉ để phòng hờ thôi, mà vẫn phải trả, đó là các thứ bảo hiểm: bảo hiểm nhà, bảo hiểm xe, bảo hiểm sức khoẻ… Thứ nào cũng đắt tiền cả, đóng thì tiếc nhưng không đóng không được, lái xe mà không có bảo hiểm là bất hợp pháp, không trình giấy bảo hiểm, nha lộ vận không cấp bằng lái.  Mua nhà phải mua luôn bảo hiểm, không thì nhà băng không cho vay nợ, bởi vì rủi ro cháy nhà mà không có bảo hiểm thì lấy chi mà xiết nợ?  Còn bảo hiểm y tế thì lẽ dĩ nhiên phải mua, có ai dám chắc là mình sẽ không bao giờ đau ốm? nếu có chuyện gì thì tiền đâu ra để trả bệnh phí?  Đời sống ở Mỹ là thế, đã cho chân vào guồng máy thì cứ phải theo nó mà xoay tròn, không tài nào rút chân ra được.  Chẳng ai than phiền, vì vất vả mà có việc làm là may rồi, mất việc mới là thê thảm, mà ở Mỹ, mất việc là chuyện thường lắm, hôm nay đi làm chủ còn vui vẻ, ngày mai tới sở, chủ chìa ra cái giấy cho thôi việc.  Thế là khốn khổ cái thân đời, tiền nợ hai tháng không trả, nhà cửa, xe cộ sẽ bị nhà băng tịch thu, lấy lại hết, lo điên người, lo đến phát ốm…

Thương con cháu vất vả, bà tình nguyện làm một chân vú em, ở nhà coi cháu, với những công việc cho ăn, thay tã, ẵm bế, kiêm luôn nấu ăn cho cả nhà.  Ông thì phụ bếp, làm vườn và lau chùi nhà cửa… Vô hình trung, hai ông bà trở thành những người làm không công cho các con của mình, thôi cũng được đi, coi như để trả tiền ăn nhờ ở đậu.  Hàng ngày, khi dâu, con đi làm về, và những ngày cuối tuần là những lúc ông bà được nghỉ ngơi, ông đưa bà đi dạo mát ở mấy khu phố chung quanh nhà cho đỡ buồn.  Đôi khi nổi hứng, ông đưa bà đi xa hơn, tới khu chợ Việt Nam ở cách nhà khoảng non một tiếng.  Dần dà con dâu lấn lướt, coi việc đi chơi rong của ông bà là phí phạm thì giờ, nó khó chịu ra mặt, tuy không nói ra, nhưng nó tìm cách giao thêm công việc.  Những ngày cuối tuần, khi con trai ông phải đi làm phụ trội để kiếm thêm, thì con dâu cũng giao con cho ông bà giữ để đi mua sắm, ông bà thương cháu nên đành phải chịu.  Những đứa trẻ ông bà ẵm bế từ nhỏ, khi lớn lên lại trở thành xa cách, chúng được đến trường, học nói tiếng Anh, quên dần tiếng mẹ đẻ, quên luôn cả nguồn gốc và hình như chúng với bạn bè vì có ông bà nội quê mùa, xấu xí.

Sang Mỹ đuợc ba năm, ông bà xin được tiền trợ cấp cho những người già, vừa lúc đó Trung bị thất nghiệp, thấy mọi người lo lắng chỉ sợ không có tiền trả, nhà băng sẽ lấy lại căn nhà, ông bà đã đưa hết tiền già để giúp cho gia đình con qua cơn túng thiếu.  Tám tháng sau, Trung mới tìm được việc làm mới.  Thấy tình hình tài chánh của vợ chồng nó đã ổn định rồi, ông bà mới rút bớt tiền, chỉ đưa có một nửa.  Thế là sinh chuyện, con dâu xưng xỉa nói ra nói vào chưa đủ, lại nói riêng với chồng nhưng nói rõ to, cốt để cha mẹ chồng nghe thấy:

–       Hai ông bà già rồi mà còn tham quá, giữ tiền để làm gì chớ? không lẽ để khi chết đem theo xuống mồ?

Ông bà nhìn nhau, bà tủi thân ứa nước mắt, nào phải ông bà tham đâu? tiền này ông bà dành dụm để gởi về Việt Nam giúp gia đình đứa con gái nghèo khổ của ông bà.  Anh nó không dư giả gì, lại có người vợ ích kỷ, hẹp hòi nên chẳng bao giờ giúp đỡ em gái.  Sống ở Mỹ lâu năm, hình như không nhiều thì ít, mọi người đều có quan niệm “kiến giả nhất phận” người nào cũng phải tự lo lấy thân, đùm bọc nhau quả là chuyện hiếm.

Ông an ủi vợ:

–    Bà đừng buồn, cứ nhắm mắt bỏ qua.  Chúng ta cố dành dụm lấy một món tiền kha khá để mai mốt sẽ về dưỡng già ở Việt Nam, cuộc sống ở bên này không hạp với vợ chồng mình.

Bà lặng lẽ gật đầu.  Nhưng cái ngày mong đợi đó không bao giờ tới, năm ngoái bà qua đời đột ngột vì chứng xuất huyết não.  Bà ra đi thật bất ngờ, không có dấu hiệu gì báo trước, buổi chiều hôm đó tắm xong, bà than nhức đầu và bỏ vào giường nằm.  Tưởng bà chỉ bị cảm xoàng, ông đem cho bà một chén cháo hành, gừng thật ngon, nhưng bà lắc đầu nói không muốn ăn, bà mệt chỉ muốn ngủ.  Ông khép cửa, đi thật nhẹ ra khỏi phòng, rón rén không dám gây tiếng động để yên cho bà ngủ, và bà đã ngủ luôn không bao giờ dậy nữa.  Bẩy giờ chiều không thấy bà trở ra, ông vào phòng xem sao thì thấy bà nằm im lìm, mắt khép kín, ông rờ thử thấy người bà còn ấm, nhưng chân tay đã lạnh.  Hốt hoảng, ông lay gọi, nhưng bà không tỉnh, ông vội vã gọi xe cứu thương, nhưng vô ích, bà tắt thở trên đường đến bệnh viện.  Trước cái chết bất ngờ của vợ, ông Năm thẫn thờ như kẻ mất hồn, ông ra ngẩn, vào ngơ một mình, nhìn chỗ nào cũng gợi lại hình bóng của vợ, ông nhớ bà, ông xọm đi trông thấy.

Trung thương cha nhưng không có thì giờ an ủi cho cha vơi sầu, hắn còn phải đi cày tới hai job để trả nợ cơm áo, vợ hắn lại vừa sanh thêm một đứa con nữa.  Khi đứa bé vừa được ba tháng thì phải đem gởi nhà trẻ để mẹ nó đi làm, vướng nhà, vướng xe, phải hai income mới đủ.  Ông tự giận mình vô tích sự, ở không cả ngày mà không trông nổi cháu, nhưng dạo này ông yếu lắm rồi, huyết áp lúc lên, lúc xuống không thể kiểm soát, nhiều lúc ông cảm thấy xây xẩm mặt mày, tim đập nhanh một cách khác thường và thỉnh thoảng lại đau nhói, làm ông phải ôm ngực thở hổn hển một lúc mới hết.  Ông không đi bộ nữa vì chỉ một quãng ngắn đã thấy mệt, làm việc gì hơi nặng một chút là thấy chóng mặt, hoa cả mắt.  Sức khoẻ đã đến lúc suy tàn, ông mỏi mệt chẳng muốn tiếp tục bước tới, thất thập cổ lai hy, sống đến bẩy mươi đã là thọ rồi, ông chẳng ham sống lâu thêm nữa.  Nhưng trước khi chết, ông muốn được nhìn mặt người con gái út và hai đứa cháu ngoại của ông, trao tận tay cho chúng món quà mà chúng mơ ước: cái xe bằng gỗ do chính ông làm ra, chiếc xe mà ông đã đặt vào đó bao nhiêu tình thương.  Ông muốn được nhìn thấy những nụ cười rạng rỡ của hai đứa cháu.  Ôi! nụ cười của trẻ thơ mới thần tiên làm sao! đó là một món quà của Thượng đế ban cho những người già, nó sẽ làm tim ông ấm lại.  Hai đứa bé đã từng mơ ước Đức Mẹ sẽ ban phép lạ cho con bé được chữa lành đôi chân. Thằng Nghĩa hứa với em nó, nếu nó có một cái xe, nó sẽ chở em nó đi nhà thờ để cầu nguyện.  Ôi chiếc xe! chiếc xe có thể giúp hai đứa bé đáng thương đó thực hiện được ước mơ kỳ diệu, ai dám bảo việc ông làm chiếc xe cho chúng là một việc điên rồ?

T3 Gần đến Tết, trời bỗng trở lạnh, ông ho xù xụ, nhưng khỏi lo, về Việt Nam sẽ hết vì bên đó ấm lắm, ông nhủ thầm.  Vé máy bay đã mua rồi, hành lý đã được sửa soạn, ông không đem gì nhiều, chỉ một cái va ly nhỏ quần áo và cái xe!  Cái xe đã được ông o bế kỹ lưỡng, sơn phết thật đẹp đẽ, thùng xe được đánh vẹc ni láng coóng, ông còn cẩn thận dùng vải mềm quấn kỹ chung quanh đề phòng khỏi bị trầy sát.  Sau cùng, ông ràng cái xe vào một dụng cụ có bánh xe để có thể dễ dàng kéo đi trong phi trường.  Ông đã sẵn sàng để lên đường, chỉ còn hai ngày nữa thôi, ông nôn nao lắm, thời gian đi sao mà chậm hơn rùa, mãi mà chẳng hết một ngày, sốt cả ruột.

Trung cười mỉm:

–       Từ từ thôi bố!  Bố cứ đi ra đi vào cả trăm lần, thấy mà chóng cả mặt.

Ông cũng cười trả lại nhưng không nói gì cả, đâu phải chỉ mình Trung chóng mặt? ông cũng đang chóng mặt đây, người ông bừng bừng, hai tay ông run rẩy và ông còn cảm thấy hơi buồn nôn nữa.  Cố dằn xuống đi, đừng ốm nhé! ốm bây giờ là không phải lúc đâu, ai lại ốm trước một chuyến đi quan trong như thế bao giờ?  Ông cố hít vào một hơi thật sâu và cảm thấy dễ chịu hơn, có thế chứ, ai dám bảo thể thao là không có ích? 

Ông nghĩ đến ba mẹ con thằng Nghĩa ở bên nhà, giờ này chắc cũng đang sốt ruột chờ ông về.  Ở bên đó đồng hồ đi nhanh hơn bên này tới mười bốn tiếng, mười bốn tiếng chớ có ít đâu? tính ra thì chỉ còn có ba mươi sáu giờ nữa thôi, ba mươi sáu giờ tức là một ngày ruỡi… Nghĩa viết trong thơ “Cháu còn nhớ ông ngoại thích ăn bắp nướng nên cháu đã xin mẹ mua sẵn vài cái thật ngon, chờ ông về sẽ nướng cho ông ăn.”

Ông mỉm cười cảm động:

          –    Thằng nhỏ thật ngây thơ và có lòng.  Nhưng thời gian qua, mọi việc đã đổi khác rồi cháu ạ, răng ông bây giờ đã rụng gần hết, những cái còn lại thì lung lay, làm sao ông ăn được bắp nuớng? 

Ông chậm chạp đi vào nhà, lấy cái hình mới nhất của Nghĩa ra ngắm nghía, thằng nhỏ cũng thay đổi nhiều, khi ông đi nó mới lên năm, bây giờ thì đã lên chín.  Trong mấy đứa cháu, ông thương nhất anh em thằng Nghĩa.  Mấy đứa cháu nội ông không lo, vì chúng còn cha mẹ đầy đủ, nhưng thương thì ông vẫn thương.  Nhiều lúc ông muốn tỏ tình thương với cháu, nhưng chúng nó chỉ nhìn ông bằng những cặp mắt dửng dưng.  Đời sống ở bên này quá bận rộn, và thiếu tình cảm, con cháu chẳng ai để ý đến những nỗi đau tinh thần lẫn thể xác của những người già.  Phải chi bà còn sống, bà sẽ chia xẻ với ông, nhưng bà đã chết rồi…

Bỗng ông nhăn mặt đau đớn, tim ông vừa nhói lên, một cơn đau chợt đến bất ngờ làm ông phải nín thở đến vài giây, cơn đau lan từ ngực lên tới vai rồi cả cánh tay trái.  Ông lảo đảo đi vào giường nằm xuống, rõ ràng là ông ốm rồi, ốm nặng rồi, ông ôm ngực thở hổn hển:

          – Trái tim khốn khổ của ta… van ngươi đừng dở chứng ra đấy nhé?  Hãy chịu khó làm việc thêm một chút nữa, chỉ một ngày ruỡi nữa thôi… À không, còn cần một ngày đi đường nữa, là hai ngày rưỡi mới đủ.  Hãy ráng lên! cho ta có thể sống tới khi được gặp hai đứa cháu đáng thương của ta, trao cho chúng món quà mà chúng mơ ước.  Ta chỉ yêu cầu có thế, sau đó mi sẽ được nghỉ ngơi, cả ta cũng vậy.  Ta đâu có muốn sống thêm làm gì?  Nhưng ta không muốn làm tan đi cái ước mơ nhỏ bé của hai đứa cháu tội nghiệp.  Ta muốn được nhìn thấy những ánh mắt reo vui, những nét mặt sung sướng của chúng nó, và giữ mãi cái ấn tượng đẹp đẽ đó như một hình ảnh cuối cùng trước khi đi vào cõi chết… 

Ông mệt mỏi thiếp đi.  Buổi chiều, ông cố gắng ăn được nửa chén cơm, rồi vào giường đi ngủ sớm.  Nhưng không tài nào ngủ được, ông trăn trở một mình trong đêm khuya, có cái gì đó chặn nơi ngực làm ông khó thở, ông ho không ra tiếng, mồ hôi toát ra ướt đầm mặc dù trời đang lạnh và ông đang rét run.  Ông muốn lấy cái mền để ở chân giường, nhưng không sao với tới, ông muốn gọi con nhưng rồi lại thôi, chúng nó cần ngủ để mai còn đi làm sớm, ông ngại không muốn làm phiền con cái.  Ông cố gắng nhích tới từng chút một, khi tay ông vừa chạm vào cái mền, thì cả người ông lẫn cái mền đều rơi xuống đất.  Ông cố gượng ngồi dậy để bò lên giường, nhưng không thể được, tứ chi của ông không chịu theo sự điều khiển của khối óc ông nữa rồi, mặc dù ông vẫn tỉnh táo.  Ông đành cứ nằm ngửa trên sàn nhà, lắng nghe những cảm giác tê rần rật chạy tới đầu các ngón tay.  Ông mệt lắm, có cảm tưởng như bao nhiêu sinh lực của ông đang từ từ thoát ra khỏi cơ thể.

Ý nghĩ mình sắp chết làm ông kinh sợ, không phải ông sợ chết, nhưng ông không thể chết bây giờ được, ông cần phải sống để gặp cháu, đem quà cho cháu…  Lậy trời cho tôi sống thêm một ngày, chỉ một ngày nữa thôi! 

Sáng hôm sau không thấy ông ra ăn sáng, tưởng ông ngủ quên, Trung vào phòng để đánh thức, thấy cha nằm co quắp trên sàn nhà, chàng hoảng sợ kêu lên: 

–       Trời ơi! chuyện gì thế này?  Bố có sao không? con chở bố đi nhà thương nhé?

–       Khỏi cần!  Ông xua tay, bố có sao đâu, chỉ hơi mệt một tị.  Để bố nghỉ ngơi  hôm nay cho khoẻ, sáng mai còn lên đường.

Trung nhìn cha thương xót, đỡ ông nằm lên giường xong rồi mới nói: 

–       Bố không biết lượng sức mình, tình trạng này mà còn nói chuyện đi đứng gì nữa?  Bố cứ nằm nghỉ, để con ra hãng du lịch xin hoãn chuyến bay cho bố.

–       Còn có một ngày nữa hoãn đâu có kịp, thôi để bố cố gắng.

–       Bố không dậy nổi thì làm sao đi? 

–       Mày cứ nói thế chứ đâu đến nỗi, cứ để bố thử xem sao

Ông chống tay ngồi lên, nhưng chỉ được vài phút, một cơn đau ập đến làm ông nhăn mặt, lại nằm vật xuống.  Ông ôm ngực thở hổn hển, mắt ông mờ đi, một niềm thất vọng sâu xa in hằn lên nét mặt đau khổ, ông chịu thua số phận rồi, trời không thương, không để ông sống cho tới khi được trở về quê hương.  Ông lẩm bẩm:

–       Con nói đúng, không kịp nữa rồi.

Biết rằng giây phút cuối cùng cùa đời mình sắp tới, ông muốn những dự tính của ông  phải được thi hành.  Ông nằm yên chờ cho qua cơn đau rồi mới vẫy tay ra hiệu cho Trung lại gần:

–       Bố biết bố sắp chết, bố có mấy lời dặn con… Trung này! sau khi bố chết đi, con phải cưu mang em con, đừng bỏ mặc mẹ con nó, tội nghiệp hai đứa bé mồ côi cha…

Ông ngừng một lúc để thở rồi mới tiếp tục:

–       Bố có dành dụm được một số tiền là mười ngàn đô la, để trong cái túi xách tay treo ở đầu giường bố kia kìa, cái túi bố định đem theo khi về Việt Nam.  Con dùng tiền đó để làm đám ma cho bố, nhớ làm hết sức đơn giản thôi, số tiền còn lại con gởi hết về Việt nam cho mẹ con thằng Nghĩa…

Trung rơm rớm nước mắt: 

–       Bố chỉ nói dại, bố chết sao được?

–       Bố biết trong mình bố, con không cần phải an ủi, vì bố có sợ chết đâu?  Ông mỉm cười mệt nhọc, bố sắp đi theo ông bà, bố sắp gặp lại mẹ con, bố sung sướng lắm, bố không ân hận gì cả.  Nhưng… bố chưa yên tâm ra đi, vì bố có một tâm nguyện…

Ông Năm ngừng nói, nhắm mắt lại một lúc, một cơn đau dữ dội dâng lên nơi trái tim.  Khi ông mở mắt ra, ông không còn nhìn thấy gì nữa, nhưng câu chuyện cần phải kết thúc.  Ông mệt nhọc nói tiếp, giọng đã khản đặc:

–       Tâm nguyện của bố là… bố muốn làm thoả mãn ước mơ của hai đứa trẻ thơ, một ước mơ rất giản dị, tầm thường nhưng đối với chúng là một giấc mơ thần tiên… Bố muốn nói cái xe, con nhớ nhé, cái xe… tuy nó không đáng giá gì nhưng bố đã làm với tất cả tâm huyết của bố cho Nghĩa, cho em của Nghĩa, hai đứa bé đáng thương… Con nói với Nghĩa rằng ông ngoại gởi cho nó cái xe, nó có thể chở em nó đến nhà thờ để cầu nguyện… Con phải gởi ngay cho nó, con hứa với bố đi. 

Ông ngưng một lúc chờ con trả lời, không thấy nó nói gì cả, ông lại dục:

          –    Con hứa đi!

Trung gật đầu:

          –    Thôi được rồi, con hứa.  Bố đừng nói nhiều mất sức, bố cứ an tâm nghỉ ngơi, đừng lo lắng gì cả.  Bố cố ngủ đi một giấc cho khoẻ.

          –     Bố yên tâm rồi, cám ơn con.

Ông Năm thở ra một hơi dài sung sướng, ông nhắm mắt lại, một dòng lệ ứa ra nơi khoé, nhưng môi ông nở một nụ cuời mãn nguyện.  Khuya hôm đó, ông Năm trút hơi thở cuối cùng, hai tiếng đồng hồ trước khi chuyến bay về Việt Nam cất cánh.

Một tuần sau đám tang của cha, Trung dọn dẹp nhà cửa, tom góp những đồ đạc của ông Năm đem cho các hội thiện.  Chợt nhìn thấy cái xe gỗ nằm trơ trọi ở góc nhà, Trung tần ngần đứng ngắm nghía nó một lúc rồi chậc lưỡi: 

–       To quá, làm sao đóng thùng để gởi về Việt Nam được đây?

Vợ chàng đứng bên cạnh nhăn mặt, giọng bực bội:

–       Gởi làm quái gì vừa mất công vừa mất thì giờ, đem cho phứt đi cho rồi.

–       Ai mà lấy cái của nợ này? vừa nặng vừa cồng kềnh, trông lại chẳng ra cái gì cả, đồ chơi chẳng ra đồ chơi, đồ dùng chẳng ra đồ dùng, không biết để xài vào việc gì?  Thật đúng là ông già lẩm cẩm…

–       Mình nói phải, hay là ta cứ liệng đại nó vô thùng rác?

–       Đâu được!  Trung nhăn mặt, anh đã hứa với ông già là sẽ gởi cái xe này về cho thằng Nghĩa.

–       Ông già chết rồi, làm sao biết được mình có gởi hay không?

Thấy Trung không trả lời, biết chồng còn ngần ngại, vợ chàng suy nghĩ một lúc rồi bàn:

–       Em có ý kiến này, mình xem có được không?  Cái xe này chỉ đáng giá vài chục bạc, gởi về tiền cước cũng tốn hơn bạc trăm.  Thôi thì mình cứ đưa phứt cho họ tròn hai trăm đồng, đỡ phải lôi thôi, rắc rối.  Như vậy là sòng phẳng, rộng rãi lắm rồi, mình thấy sao?

Trung đồng ý liền, chàng reo lên mừng rỡ: 

–       Được lắm! có thế mà không nghĩ ra.  Rồi chàng lẩm nhẩm tính toán, số tiền mười ngàn của ông cụ để lại, lo tang ma mất hết năm ngàn, còn năm ngàn cộng với tiền cái xe nữa là năm ngàn hai, mình gởi tất cả về Việt Nam cho má con thằng Nghĩa, chẳng phải là thực tế hơn hay sao?  Có tiền tiêu là sướng rồi, con nhà nghèo đâu cần phải có đồ chơi?

Bàn bạc, tính toán xong xuôi, hai vợ chồng thở phào sung sướng, thế là giải quyết xong mọi vấn đề một cách hợp tình, hợp lý theo ý họ, lương tâm họ ngủ rất yên.  Ngay buổi chiều hôm đó, hai vợ chồng hì hục khiêng cái xe gỗ, liệng tọt ngay vào thùng rác, rồi kéo ra để trên lề đường ngay trước cửa nhà.  Ngày mai là ngày đổ rác, xe rác của thành phố sẽ đến lấy đi tất cả các rác rưởi của mọi nhà để đem đi thiêu hủy.

Ôi! tâm nguyện của một ông già, ôi hy vọng của hai đứa trẻ thơ! tất cả sắp bị hủy diệt cùng với các thứ rác rưởi khác.  Linh hồn của ông Năm nếu có linh thiêng, chắc sẽ đau lòng lắm, khi chứng kiến món quà lưu niệm của ông dành cho hai đứa cháu ngoại mồ côi cha, món quà tự tay ông làm lấy, và ông đã để hết tâm hồn, đặt hết cả tình thương vào đó, bây giờ đang nằm gọn lỏn trong thùng rác, dơ hai cái càng lên như diễu đời.

 (Truyện này được trích trong tập truyện “Còn chờ một kiếp sau” của Phương Lan)