CÁI CỐI ĐÁ & BÀI THƠ (Trần Trung Đạo)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Image may contain: plant

No photo description available.

Image may contain: 2 people, people standing

Chú Đồng (trái) và thầy Như Điển (phải)

Image may contain: 4 people, outdoor

Trần Trung Đạo ngồi bên phải khi ở chùa Viên Giác

Hôm qua tình cờ đọc bài viết của tác giả Nguyễn Văn Đồng trên Web Hoa Vô Ưu (hoavouu.com) viết về thời gian tác giả tu học ở chùa Viên Giác, Hội An.

Tôi nhận ra ngay, tác giả Nguyễn Văn Đồng tức chú Đồng ở chùa Viên Giác nhưng nay đã ra đời. Bài viết kể lại những kỷ niệm trong thời gian chú còn tu học ở chùa. Ngoài phần kinh kệ, chú còn kể về cuộc sống rất khó khăn vất vả của chúng tôi.

Đoạn chú viết về Hòa Thượng Thích Như Điển (Phương trượng Tổ Đình Viên Giác, Hanover, Đức) và tôi trong bài: “Trong những ngày sóc vọng chùa làm đậu khuôn để phát hành. Chú Như Điển lo phần gánh nước và bòng đậu. Lúc ấy không có máy nước như bây giờ nên Chú Điển phải gánh nước ở các giếng gần chùa mới đủ nước cung ứng cho công việc. Các em học sinh như Nhơn [tên thật của tôi], Nhiêu lo phần xay đậu với một cái cối bằng đá to …”

Đọc xong bài tôi tìm trong máy hình cái cối mà các thầy ở Viên Giác gởi tặng trước đây. Cối đá quả là to thật. Nhìn cái cối mà ngậm ngùi.

Năm đó tôi 13 tuổi nhưng ốm yếu hơn đứa bé lên mười bây giờ. Tôi không thể một mình xay nổi nên mỗi khi tới phiên tôi xay, chị Bốn, người lo việc bếp núc trong chùa, sai Nhiêu, một học trò khác, đến chùa sau tôi nhưng mạnh khỏe hơn, cùng xay với tôi.

Không phải xay một cối là xong mà phải xay hết cả thúng đậu nành ngâm từ đêm trước. Chúng tôi thường bắt đầu từ bốn giờ sáng và xay tới khi trời sáng hẳn mới xong. Ăn một chén cháo trắng hay một chén cơm với nước tương rồi đi học. Vừa đi vừa thở. Những giọt mồ hôi thấm chiếc áo trắng học trò.

Công việc của tôi nặng, nhưng công việc của các chú, các anh khác còn nặng hơn nhiều. Anh Hùng, anh Sáu lớn hơn tôi và làm hết các công việc nặng nhất trong chùa. Nếu anh chị em vào youtube và đánh chữ “Thích Giác Ánh”, sẽ gặp “anh Hùng” của tôi ngày xưa. Người anh chuyên gánh nước tưới vườn rau và cả chục luống đậu ngoài cổng tam quan chùa Viên Giác bây giờ là bậc hòa thượng uyên thâm của tông phái Phật Giáo Khất Sĩ. Thỉnh thoảng tôi vào nghe “anh” giảng với giọng Quảng Nam còn khá nặng và mỗi lần như thế tôi thường nhìn “anh” mỉm cười chào dù chỉ qua “youtube”.

Các chú tiểu, gọi chung là điệu, như chú Đức, chú Ngô phải gánh đậu khuôn xuống chợ Hội An bán. Chị Bốn chưa bao giờ sai tôi làm việc gì quá nặng. Ngoài xay đậu mỗi tháng hai ngày, các việc chính khác tôi phải làm là đánh chuông, lau bụi trong giảng đường và quét lá đa trong sân chùa. Cả ba việc, lắng nghe tiếng chuông ngân dài, tiếng lá rung xào xạc hay lau những hạt bụi trên bàn ghế đều là những công việc nhẹ nhàng, rất thiền và thi vị.

Tôi hứa với mình, tôi làm bất cứ việc gì chị Bốn sai nhưng chỉ làm bên trong chùa. Nếu chị sai tôi làm việc bên ngoài cổng chùa tôi sẽ từ chối và nếu chị bắt buộc tôi sẽ bỏ chùa ra đi. Lý do tôi không muốn ai, từ thầy cô cho tới bạn bè, biết gì về tôi. Tôi không thích ai vuốt tóc xót thương hay nói đôi lời an ủi. Tôi chấp nhận số phận và từ đó vươn lên.

Như Đức Phật dạy, khi đang ở ngoài biển khơi đầy sóng gió, công việc duy nhất tôi nên làm là bơi. Tôi bơi gần năm năm. Hầu hết bạn bè ở hai trường trung học Duy Xuyên và Trần Quý Cáp đều đang có mặt trên không gian FB này nhưng không ai biết một cách chi tiết về tôi vì tôi không kể. Tôi đi chơi, tập viết văn, làm thơ, ôm đàn hát nghêu ngao với họ nhưng rất ít khi tâm sự chuyện riêng tư. Cũng may, chị Bốn chưa bao giờ sai tôi gánh đậu khuôn xuống chợ bán.

Người tuổi cao thường nhìn lại. Khá nhiều hồi ký cũng như bài viết về thời gian đầy kỷ niệm đó. Sư phụ chúng tôi, thầy Như Điển, các thầy và cả tôi đều kể lại trong báo chí, trong sách vở đó đây nhưng năm tháng ở chùa Viên Giác không ai có thể hình dung đời mình mai mốt sẽ ra sao. Ngày đó tôi chưa biết những giọt mồ hôi bên cái cối đá kia sẽ bốc thành thơ.

Không giống như việc làm đậu khuôn mỗi tháng hai lần, hay đánh chuông mỗi tuần một lần, quét lá là công việc hàng ngày của tôi. Mùa thu lá ru như điệu nhạc êm đềm nên làm tôi nhớ mãi để rồi mười hai năm sau khi rời Việt Nam tôi viết bài thơ Nhớ Cây Đa Chùa Viên Giác.

Bài thơ đăng trên báo Làng Văn ở Toronto, Canada. Tôi không chép ra nhưng cắt cả trang tạp chí gởi về tặng sư phụ. Sư phụ rất vui khi biết đứa học trò mồ côi nay đã lớn. Giọt mồ hôi bên cái cối đá đã bốc thành hơi, bay đi và bay đi xa nhưng không quên nguồn cội.

Tôi không biết ý sư phụ hay các thầy sau này nhưng bài thơ được chép vào khung gỗ cẩn thận và trang nghiêm. Mỗi câu, mỗi dòng chữ và mỗi dấu chấm phẩy trong bài thơ là một niềm trăn trở của tôi.

Tôi chăm chỉ học và thực hành lời dạy của Đức Phật, khi đang ở giữa biển khơi thì đừng hỏi, đừng quay lưng, đừng bỏ cuộc mà hãy bơi và bơi cho tới bờ. Tôi tới bờ rồi và tiếp tục hành trình trong không gian, thời gian và hành trang nhận thức mới. Cám ơn Đức Bổn Sư và những lời dạy của ngài.

Bài thơ đã đăng trên FB nhưng vì câu chuyện chú Đồng kể nên chép lại đây.

NHỚ CÂY ÐA CHÙA VIÊN GIÁC

Tôi chưa kịp trở về thăm Viên Giác
Mười hai năm bèo giạt bến sông đời
Cây đa cũ chắc đã già hơn trước
Biết có còn rụng lá xuống sân tôi

Ðời lưu lạc tôi đi hoài không nghỉ
Ðể niềm đau chảy suốt những mùa thu
Thời thơ ấu cây đa già tri kỷ
Vẫn còn đây trong ký ức xa mù

Tôi khổ cực từ khi cha mất sớm
Nên bà con, thân thuộc cũng xa dần
Khi tôi khóc, đa đau từng cuống lá
Khi tôi cười, xào xạc tiếng quen thân

Ða làm mẹ vỗ về tôi giấc ngủ
Ða làm cha che mát những trưa hè
Ða làm bạn quây quần khi rảnh rỗi
Ða làm người chơn thật chẳng khen chê

Mỗi buổi sáng tôi một mình ôm chổi
Quét lá vàng như quét nỗi cô đơn
Lá vẫn rụng khi mỗi mùa thu tới
Như đời tôi tiếp nối chuyện đau buồn

Chùa thanh tịnh chẳng dung hồn lữ thứ
Một chiều thu tôi lạy Phật ra đi
Bỏ lại tiếng chuông chùa vang khuya sớm
Cây đa già đứng lặng khóc chia ly

Ðường tôi qua đã không còn bóng mát
Ngày nhọc nhằn mưa lũ xuống đêm khuya
Ða ở lại âm thầm ru khúc hát
Ngậm ngùi buông theo mỗi tiếng chuông chiều

Ða thân mến dẫu có vàng thương nhớ
Cũng xin đừng gục xuống dưới sân tôi
Xin cố đứng để chờ nghe tôi kể
Chuyện trầm luân của một kiếp con người

Tôi sẽ đến ngôi chùa xưa Viên Giác
Nhặt mảnh đời rơi rớt ở đâu đây
Ôi thằng bé nghèo nàn xưa đã lớn
Ði làm người du thực ở phương tây

Tôi viết nốt những bài thơ dang dở
Vá tình người rách nát thuở hoa niên
Ða sẽ hát bài đồng dao muôn thuở
Nhạc thu buồn nước mắt chảy trong đêm.

Trần Trung Ðạo