*(Trích sách “Giải Mã Những Bí Ẩn của Chiến Tranh Việt Nam” của Bùi Anh Trinh).
Vài lời chân tình của tác giả :
Trưởng ban hành quân của Tiểu đoàn 231 ĐPQ chính là tôi, Trung Úy Bùi Anh Trinh. Hiện nay Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Duy Hoàng, Đại úy Đại đội trưởng ĐĐ chỉ huy Lương Văn Thông và tôi đang sinh sống tại Little Saigon, Cali.
Thiếu tá Nguyễn Xuân Hớn đang sinh sống tại Boston USA. Trung tá Ngô Quý Hùng lâu nay sinh sống tại VN, ông từ chối đi Mỹ mặc dầu ông trải qua 13 năm trong trại tù. Ông vừa mới mất ngày 10 tháng 7 năm 2016.
Tiểu đoàn chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ cầm chân quân CSVN từ Ban Mê Thuột tràn xuống Nha Trang. Thành công này là do chiến thuật “Pháo binh + Trinh sát bộ binh” của Thiếu tướng Phạm Văn Phú. Quân CSVN bị chặn lại trong 5 ngày vì pháo binh và phi cơ chứ không phải vì 1 tiểu đoàn ĐPQ.
Người ngoài quân đội khó mà hình dung được tầm mức khủng khiếp của những tràng đạn đại bác mà chúng tôi đã sử dụng tại chiến trường Khánh Dương. Nhưng có một cách để so sánh dành cho người ngoài quân đội :
Đó là năm 1954, trong suốt 2 tháng của trận Điện Biên Phủ, 36 khẩu đại bác 105 ly của quân CSVN đã bắn tất cả 20.000 trái đạn vào quân Pháp tại ĐBP. Trong khi đó tiểu đoàn chúng tôi chỉ trong 1 ngày, như ngày 19-3, đã gọi tất cả 900 tràng, tức là 10.800 trái đại bác 105 và 155 ly vào đội hình tấn công của quân CSVN !
Từ trước tới nay trong sách hay các bài viết của mình tôi không bao giờ đề cập đến chiến tích của cá nhân mình bởi vì tôi tự thấy không hay ho gì nếu đem đặt bên cạnh cái chết của 250 ngàn chiến hữu VNCH và 58 ngàn chiến hữu Hoa Kỳ.
Riêng đối với gia đình của 304 chiến hữu trong Tiểu đoàn 231/ĐPQ đã nằm lại tại chiến trường Khánh Dương thì là một tội lỗi quá lớn của chính tôi.
Trong những năm tháng u ám ở trong tù tôi có dư thì giờ để hối hận. Lúc quyết định chấp nhận hy sinh mạng sống của mình tôi đã quyết định hy sinh mạng sống của 376 chiến hữu khác. Rốt cuộc thì chúng tôi đã làm được gì?
Tại sao tôi lại phải sống trong khi 304 người khác đã chết vì quyết định vô ích của tôi ? Tệ hơn nữa, cái chết của 304 người kéo theo 304 gia đình ! Nếu ngày đó tôi dẫn nguyên Tiểu đoàn bỏ chạy trong ngày đầu tiên thì kết quả cũng đến như thế này mà thôi.
Tháng Tư năm 2012 trong một buổi ngồi nói chuyện ngoài quán cà phê với Thanh Toàn, phóng viên của đài SPTN, Thanh Toàn đã bất ngờ hỏi tôi : “Anh đã làm gì trong những ngày tháng Tư năm 1975”. Tôi trả lời ngay mà không kịp suy nghĩ : “Tôi chỉ biết hết lòng hết sức làm theo những gì mà cấp chỉ huy của tôi mong nuốn. Và tôi nghĩ tôi đã làm hết sức của mình rồi”.
Không ngờ lúc đó Thanh Toàn đã bật máy thu hình mà tôi không biết bởi vì tánh tôi không ưa xuất hiện trước công chúng. Và rồi Thanh Toàn cũng đã lén đưa đoạn phim đó lên truyền hình mà không hỏi ý kiến của tôi. Sau khi phát hình xong, Thanh Toàn đưa cho tôi dĩa DVD và cười giả lả : “Bởi vì em thấy anh trả lời dễ thương quá, bỏ qua rất uổng”.
Trước đó cũng tại quán cà phê đó tôi thường ngồi nói chuyện với nhà văn Cao Xuân Huy, chiến hữu TQLC. CXH thường thúc tôi viết lại trận Khánh Dương nhưng tôi nói với anh là tôi sẽ không viết bởi vì nếu viết thì trước tiên tôi phải vạch mặt những người đâm sau lưng chúng tôi. Đó là những người bận áo lính ngồi lê đôi mách chuyên môn bươi móc hoặc bịa đặt những điều xấu xa trong quân đội VNCH.
Hoặc những người bận đồ lính ngồi trong văn phòng thổi ống đu đủ, bơm chúng tôi thành những ông thánh, những anh hùng không biết sợ chết là gì. Và hễ chúng tôi thua trận hoặc hơi lùi thì họ cho là chết nhát (sic). Trong khi sự thực chúng tôi là con người cho nên chúng tôi cũng ham sống, sợ chết như ai. Đã đánh trận thì có khi thắng có khi thua chứ không ai cầm thanh gươm mà nói chắc là mình luôn luôn thắng.
Cao Xuân Huy cũng có kinh nghiệm buồn về cuốn sách “Tháng Ba Gãy Súng” của anh. Có nhiều người ở trong quân đội VNCH nhưng chưa bao giờ được hân hạnh bắn một phát súng đã kết tội CXH là “Chuyên môn nói xấu các cấp chỉ huy”, “Nó làm như chỉ có mình nó là anh hùng, còn tất cả là hèn nhát”, “Tại sao lại viết về mặt trái không đẹp của VNCH”, “Thua trận rồi đổ cho cấp trên làm gì nữa” v.v…Trong khi CXH chỉ nói lên sự thật chua xót của những người lính bị bỏ rơi.
Tôi không sợ sẽ bị hiểu lầm như Cao Xuân Huy, nhưng tự sâu xa trong đáy lòng tôi rất ngại phải khơi gợi lại một lỗi lầm mà mình đã cố chôn vùi từ lâu. Ngoài ra, có thể người ta sẽ cho rằng tôi là một sĩ quan cấp nhỏ muốn đổ hết trách nhiệm cho “bọn to đầu” để cho sự thua trận của mình khả dĩ “coi được”.
Tuy nhiên sau khi xem lại đoạn băng nói chuyện với Thanh Toàn tôi mới nhận ra là ngày đó mình không còn một lựa chọn nào khác, cho dù kết quả rất bi đát nhưng mình đã làm đúng. Ngược lại, nếu giờ đây tôi chôn vùi câu chuyện này vào dĩ vãng thì cái chết của Tướng Phú và 304 chiến hữu của tôi sẽ trở thành oan uổng. Từ đó tôi mới có ý định viết lại trận đánh với tất cả mặt trái đen tối của nó.
Nhưng rồi năm nay tôi được làm quen với người bạn nhỏ tuổi hơn là Châu Xuân Nguyễn. Châu đã nói với tôi : “Cái cần là anh là người trong cuộc chiến, anh chỉ kể những huy hoàng và “amnesia” ( tự nhiên mất trí nhớ ) về mặt trái thì ai trách anh đâu”. Nghe lời Châu tôi quyết định xóa bỏ những đoạn có dính dáng đến mặt trái đau xót mà tôi đã viết xon
Cho Người Nằm Xuống Trên Quê Hương
-Phan Nhật Nam
Cảm giác Sự Chết vốn sẵn có từ lâu qua thân phận Người Lính trên Quê Hương Miền Nam Việt Nam. Đấy là Năm 1965, với cơn mưa u uất mùa hạ Miền Nam, nơi Nghĩa Trang Quân Đội Gò Vấp. Mưa không đủ lớn, không dài lâu để cho ta có cảm giác được tẩy rửa, cuốn trôi. Mưa âm âm, ngột ngạt làm bốc dầy thêm mùi xác chết của những đơn vị gồm Tiểu Đoàn 2, Trung đoàn 7 Sư đoàn 5 Bộ Binh; Tiểu Đoàn 52 Biệt Động Quân; và Tiểu Đoàn 7 Nhẩy Dù với những người lính mà sức chịu đựng dường như vô hạn dưới khối nặng của thùng đạn, ba-lô, nón sắc, vũ khí họ mang trên vai, vác lên lưng, để từng ngày cúi gầm mặt bước xuống vùng sình lầy mênh mông, trèo lên dốc đá núi thăm thẳm, lội xuyên rừng rậm ngút ngàn không tiếng nhỏ than van, ghìm lại hơi thở dài nặng nhọc… Tất cả những người lính cao thượng khắc kỷ vừa kể ra vào những ngày của tháng 6 năm 1965 ấy đã là những xác chết căng cứng, da tím sẫm bốc mùi xanh xao tanh tưởi… Những khuôn mặt, dạng người tinh anh tươi trẻ của tuần, tháng trước biến dạng thành những khối thịt ủng lầy máu sẫm, đất bùn đỏ, nhầy nhụa thêm bởi thấm mưa của bao ngày nằm nơi đụng trận, một chốn gọi là xã Đồng Xoài, Quận Đôn Luân, Tỉnh Bình Dương, nơi chỉ xa Sài Gòn khoảng năm-mươi cây số đường chim bay.