Người dân Sri Lanka xuống đường
Nhiều người cho rằng Sri Lanka hôm nay là Lào và Việt Nam ngày mai. Đó là điều mong ước của dân tộc Việt Nam và Lào nhưng thực tế thì khác. Cần nghiên cứu tình hình chính trị và lịch sử của mỗi một nước như thế nào? Để khỏi đưa chúng ta vào ảo vọng.
Trong gần vài thập niên trở lại đây, thế giới có những cuộc cách mạng màu do người dân đứng lên thay đổi lãnh đạo. Nó xảy ra ở đâu và như thế nào?
Cách Mạng Hoa Lài:
Vào cuối năm 2010 ở Tunisia, Bắc Phi, bắt đầu cuộc xuống đường rầm rộ của dân chúng đứng lên chống lại chính quyền độc tài của Tổng Thống Ben Ali. Mục đích dân xuống đường chống nạn thất nghiệp, vật giá leo thang vượt ngưỡng chịu đựng, nạn tham nhũng, đòi tự do ngôn luận… Kết quả TT Ben Ali chạy trốn mất tích ra khỏi Tunisia ngày 14/01/2011. Cuộc cách mạng thành công đặt tên “Cách Mạng Hoa Lài” (Jasmine Revolution) khởi đi từ Tunisia.
Tháng 01/2011, “Cách Mạng Hoa Lài” tràn đến Ai Cập (Egypt), dân chúng xuống đường đông nghẹt ở Quảng Trường Tahrir tại thủ đô Cairo của Egypt để chống lại chính quyền độc tài của Tổng Thống Hosni Mubarak. Mục đích của cuộc xuống đường đòi công lý, chống lại sự đàn áp của cảnh sát, thiếu tự do chính trị, tự do dân sự, tự do ngôn luận, nạn tham nhũng, tỷ lệ thất nghiệp cao, vật giá leo thang… Tổng Thống Mubarak phải từ chức, Cách Mạng Hoa Lài ở Ai Cập thành công .
Cách Mạng Hoa Hoa Lài lan rộng đến các nước ở vùng Trung Đông như Libya, Syria, Yemen, và Bahrain. Trừ Syria có Nga chống lưng, nên nhà độc tài Bashar al-Assad đến nay vẫn còn nắm quyền. Ngoài ra Yemen, Bahrain và Lybia thì Cách Mạng Hoa Lài thành công. Tại Lybia, Tổng Thống Gaddafi bị phe Cách Mạng Hoa Lài giết chết khi trốn trong ống cống thoát nước!
Cách Mạng Da Cam:
Ukraine được độc lập từ năm 1991 khi khối Cộng Sản Liên Xô sụp đổ. Năm 2004, người dân xuống đường dùng màu vàng da cam làm biểu tượng phản đối sự thắng cử gian lận của ông Viktor Yanukovych (thân nga), và ủng hộ ông Yushchenko (thân tây phương). Mục đích cuộc biểu tình là đòi hỏi Tối Cao Pháp Viện Ukraine hủy bỏ kết quả bầu cử gian lận để bầu lại. Như ý muốn của dân, kết quả Viktor Yushchenko (thân tây phương) thắng cử TT Ukraine sau đợt bầu lần thứ hai. Cách Mạng Da Cam thành công.
5 năm sau, vào 2010, lúc đó tại Nga Dmitry Medvedev làm Tổng Thống “bề ngoài có vẻ dân chủ”, Yanukovych (thân Nga) trở lại tranh cử Tổng Thống Ukraine và chiến thắng, sau hơn 2 năm ông nắm quyền thì kinh tế và xã hội Ukraine trở nên tồi tệ, tham nhũng lan tràn. Năm 2013 người Ukraine lại làm “Cách Mạng Da Cam” lần thứ hai. Biểu tượng màu vàng xuống đường khắp nơi, đặc biệt tập trung tại Quảng Trường Độc lập (Maidan) ở thủ đô Kyiv. Trước làn sóng cách mạng nổi lên như vũ bảo, Yanukovych chạy trốn. Tỉ phú Petro Poroshenko thân tây phương được dân chúng bầu làm Tổng Thống vào tháng 5/2014. Poroshenko lên làm tổng thống trong tình trạng đất nước nội chiến với hai tỉnh ly khai Luhansk và Donetsk do Nga viện trợ và xúi dục gây chiến đòi vùng Donbass tự trị, và bán đảo Crimea bị Nga chiếm đoạt. Tại Ukraine nạn tham nhũng hoành hành khắp nơi.
Nhiệm kỳ 5 năm chấm dứt, tháng 5/2019 thì ông Zelenskyy với khẩu hiệu quyết tâm diệt trừ tham nhũng, được dân chúng tín nhiệm bầu làm Tổng Thống Ukraine với tỉ số thắng cử là 73.22%.
Đó là những chặng đường “Cách Mạng Da Cam” tại Ukraine. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Ukraine được độc lập và thành lập thể chế chính trị dân chủ. Nhìn thấy hai cuộc xuống đường của “Cách Mạng Da Cam” (2004 và 2013) với một mục đích tối hậu là loại trừ những “tổng thống” thân Nga tức thân độc tài.
Các nước cách mạng màu đã từng sống dưới thể chế chính trị dân chủ, người dân đứng lên đòi hỏi khi họ không bằng lòng với cách giải quyết vấn đề dân sinh của lãnh đạo (thường Tổng Thống hay Thủ Tướng). Nhờ sống dưới thể chế dân chủ như Ukraine mà có hai ứng cử viên tổng thống với hai khuynh hướng chính trị đối nghịch một người thân Nga và người kia thân tây phương như Yanukovych và Yushchenko; Nhờ dân chủ mà Tối Cao Pháp Viện có quyền quyết định hủy bỏ bầu cử để bầu lại vào năm 2004? Tất cả đó dưới chế độ cộng sản độc tài toàn trị như Việt Nam, Bắc hàn, Trung Cộng, Lào chỉ là những giấc mơ!
Tại Sri Lanka
Sri Lanka trước Đệ II thế chiến là thuộc địa của Anh, trong Đệ II Thế là một căn cứ quân sự quan trọng của Đồng Minh để đánh Nhật. Sau Đệ II Thế chiến, Sri Lanka được trao trả độc lập năm 1948, lập trường chính trị theo Khối Không Liên Kết của Ấn Độ trong thập niên 1960. Bước vào thập niên 1970 quân Hổ Tamil ở miền Bắc (do Cộng Sản Mao hỗ trợ và xúi dục) đứng lên đòi tự trị. Thập niên 1980 Hổ Tamil mở cuộc chiến với quân chính phủ Sri Lanka gây thương vong gần 50,000 thường dân.
Từ khi được độc lập năm 1948, Sri Lanka là một nền dân chủ đa đảng. Đến năm 2011, có 67 đảng chính trị ghi danh hoạt động. Nền chính trị dân chủ Sri Lanka có hai khuynh hướng đối lập, một bên là cánh hữu của tổ chức Hậu Duệ Đảng Tự do Sri Lanka (SLFP), trong đó có đảng Sama Samaja Lanka (LSSP) được thành lập năm 1935, một bên là trung tả Liên Minh Tự Do Nhân Dân Thống nhất (UPFA). Ngoài ra còn có phe cộng sản Hổ Tamil nhưng thế lực chính trị còn rất yếu.
Tháng 7 năm 2022, Tổng Thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa bỏ chạy tị nạn đến Singapore do dân chúng xuống đường đòi lật đổ vì kinh tế bị phá sản. Gotabaya là cựu Trung Tá quân đội Sri Lanka, hoạt động chính trị trong đảng SLPP (Sri Lanka Podujana Peramuna). Ông từng sang định cư ở Mỹ tại thành phố Los Angeles năm 1988 và đã có quốc tịch Mỹ. Năm 2005, ông trở về Sri Lanka để giúp người anh ruột Mahinda Rajapaksa tranh cử Tổng Thống. Khi người anh đắc cử, Gotabaya được bổ nhiệm Thư Ký Thường Trực Bộ Quốc Phòng. Với cương vị của Gotabaya trong Bộ Quốc Phòng, ông đã có công điều động quân đội chính phủ Sri Lanka đánh bại quân Cộng Sản Hổ Tamil vào giữa năm 2009. Sau đó, chính phủ Sri Lanka đổi tên Bộ Quốc Phòng thành Bộ Quốc Phòng và Phát Triển Nông Thôn, Gotabaya Rajapaksa được người anh ruột là Tổng Thống bổ nhiệm làm Bộ Trưởng.
Cộng Sản Mao sau gần 70 năm (1949-2019) cưu mang từ viên đạn đến hạt gạo cho phiến quân Hổ Tamil mục đích biến Sri Lanka thành nước Cộng Sản nhưng thấy khó thành công, nên Trung Cộng thay đổi chiến lược để chiếm Sri Lanka bằng bẫy nợ. Khi Gotabaya lên làm bộ trưởng Quốc Phòng và Phát Triển Nông Thôn, Trung Cộng tạo điều kiện cho Gotabaya dễ dàng vay nợ nặng lãi – gọi là “bẫy nợ” để để xây dựng hàng loạt dự án hạ tầng cơ sở cao cấp rất tốn kém. Đó là một trong những nguyên nhân đẩy Sri Lanka đến phá sản năm 2022.
Song song với “bẫy nợ”, lãnh đạo Sri Lanka cũng có những sai lầm chí tử về chính sách điều hành đất nước của dòng họ Rajapaksa, đưa kinh tế nước này đến bờ vực thẳm:
– Gia đình trị: Có đến 5 người trong gia đình dòng họ vào chức vụ tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng lãnh đạo quốc gia trong gần mấy chục năm nay.
– Bẫy nợ: Tham vọng vay tiền để xây dựng hạ tầng trên quy mô rộng lớn đã đi vào “bẫy nợ” của Trung Cộng,
– Mỵ dân: Giảm thuế không đúng lúc để lấy lòng dân, gây thất thu ngân sách quốc gia.
– Cấm sử dụng phân bón hóa học để bảo vệ môi trường khiến sản lượng nông nghiệp giảm mạnh gây nên nạn thiếu thực phẩm trầm trọng và
– Tham nhũng: Nạn tham nhũng lan tràn vì phe nhóm.
Người dân xuống đường biểu tình vì lãnh đạo Sri Lanka điều hành tồi tệ đưa đất nước đến “vỡ nợ” – đến nỗi ngân sách nhà nước không còn để nhập những hàng nhu yếu cần thiết cho dân như xăng dầu để chạy máy phát điện và xe hơi, không tiền nhập hơi gas để người dân nấu ăn, không tiền mua gạo và những nhu yếu phẩm khác cho đời sống người dân… đưa cuộc sống người dân đến khủng hoảng toàn diện… Dân đang đối diện với nạn đói, dân phải xuống đường biểu tình đòi hỏi thay thế một chính phủ khác có khả năng cứu đói cho họ.
Đối với Lào và Việt Nam có xảy ra như “Cách Mạng Hoa Lài”, “Cách Mạng Da Cam” hay Sri Lanka hay không?
Những quốc gia có cuộc “Cách Mạng Hoa Lài”, “Cách Mạng Da Cam” hay “Sri Lanka” thành công vì những yếu tố sau đây:
– Đó là những nước do chế độ thực dân Anh và Pháp và Cộng Sản trả lại độc lập. Sau khi được độc lập, người dân nước đó tiến thẳng lên thể chế dân chủ (dù dân chủ chưa hoàn hảo như các nước văn minh Âu-Mỹ) – hệ thống chính trị của họ na ná như ở miền Nam Việt Nam trước tháng 4 năm 1975, kinh tế thị trường tự do hoàn toàn, có những đảng chính trị đối lập công khai hoạt động trong quốc hội và chính phủ. Báo chí tây phương bày bán tràn ngập các cửa hàng sách báo, Internet không bị kiểm soát, truyền thông không bị cấm đoán nghiêm ngặt (dù có kiểm duyệt đôi phần), v.v… Quân đội độc lập không bị chính trị hóa.
Nền chính trị của họ có phần nào bị ảnh hưởng từ các tôn giáo (Hồi Giáo ở Trung Đông, Phật Giáo ở Sri Lanka, Chính Thống Giáo ở Ukraine). Tất cả các nước thành công cuộc cách mạng màu dân chúng nổi lên thay thế chế độ độc tài (dictator/dictatorial regime) theo kiểu gia trưởng, quân phiệt hoặc gia đình trị.
– Vì vậy “Cách Mạng Hoa Lài, Da Cam, Sri Lanka” người dân xuống đường chỉ bị cảnh sát đàn áp trong những ngày đầu đến khi quân đội tuyên bố trung lập thì cảnh sát cũng ngừng đàn áp và chạy trốn. Quần chúng xuống đường như những dòng thác. Người lãnh đạo buộc phải từ chức sớm hay chạy trốn nếu không muốn nguy hiểm tính mạng.
– Tại Việt Nam, Lào, Trung Cộng, Bắc Hàn, Cu Ba đang bị cai trị khắc nghiệt của chế độ độc tài toàn trị (Totalitarian dictatorship), do đảng Cộng Sản bao trùm. Tuyệt đối không một đảng chính trị khác được xuất hiện trước dân chúng, các thành viên của đảng không phải Cộng Sản bị tiêu diệt tận gốc rễ. Hệ thống chính quyền từ hạ tầng cơ sở xã, quận đến tỉnh và trung ương đều do đảng viên cộng sản nắm giữ. Nhà nước (Hành Pháp) – Quốc Hội (Lập pháp) – Giám Sát (Tư pháp) từ trung ương đến địa phương đều do đảng cộng sản nắm hết và thi hành công việc theo mệnh lệnh của Đảng. Những ngành chuyên môn như giáo dục, y tế, kinh tế, kiến thiết và xây dựng… cũng do Đảng cộng sản cầm đầu chỉ đạo. Sĩ quan công an và quân đội phải đảng viên Cộng sản được huấn luyện thuần thục “giữ đảng như giữ con ngươi trong mắt mình”. Thậm chí tôn giáo cũng do “tôn giáo quốc doanh” lãnh đạo. Từ trên xuống dưới, từ trái qua phải do Đảng cai trị theo hệ thống “bí thư đảng”.
Nói như vậy để nhận ra rằng thời thế và cơ hội giữa Lào, Việt Nam, các nước cộng sản đối với các nước có cuộc cách mạng màu khác nhau rất xa. Hai danh từ “dictatoral Regime” và “Totalitarian dictatorship” khác nhau xa lắm! Và còn không biết bao nhiêu công lao đấu tranh mới chuyển từ “Totalitarian dictatorship” đến “dictatoral Regime” rồi từ “dictatoral Regime” đến dân chủ (democracy) không khó lắm.
Với Lào, một nước theo chủ nghĩa độc tài toàn trị Cộng Sản như Trung Cộng và Việt Nam, dù Lào có tồi tệ về kinh tế bao nhiêu, dân Lào cũng khó thực hiện một cuộc xuống đường như Sri Lanka vì những lý do sau đây:
– Trung Cộng và CSVN ở sát bên cạnh không để cho một nước “anh em cộng sản” sụp đổ vì nó sẽ là vết dầu loang ảnh hưởng tai hại đến nền an ninh Trung Cộng và Việt Nam mà họ từng tuyên bố giữ các chế độ Cộng Sản anh em “khắng khít như răng với môi” mà “môi hở thì răng lạnh”. Điều này chúng ta thấy ở Syria, chỉ có Nga chống lưng mà chế độ độc tài của Bashar al-Assad không sụp đổ.
– Nhà nước cộng sản độc tài toàn trị có thể giết chết hàng trăm ngàn người dân xuống đường một cách dã man để bảo vệ sự tồn tại của chế độ Cộng Sản mà họ không một mảy may lo ngại. Vì chế độ Cộng Sản “không quan tâm (don’t care)” đến sự chết chóc của con người và những lên án của thế giới tự do về những hành động vô nhân đạo của họ. Chúng ta đã chứng kiến những việc làm của Putin tàn sát ở Ukraine dã man như thế nào, nhưng Putin bất chấp dư luận quốc tế đó là thí dụ một điển hình của Cộng Sản.
Vậy thì bế tắc tại Việt Nam rồi hay sao?
Không hoàn toàn như vậy, những cuộc Cách Mạng Hoa Lài, Da Cam, Sri Lanka có tác động đến tinh thần đấu tranh của những người dân trong chế độc độc tài toàn trị như Việt Nam chúng ta… Những cuộc cách mạng này mục đích là loại một hệ thống lãnh đạo độc tài và bất lực trước việc điều hành đất nước. Cứ mỗi lần có một làn sóng cách mạng trên thế giới thì nó giúp cho người dân Việt Nam một niềm tin rằng một ngày nào đó Việt Nam cũng được như vậy – trong đấu tranh cần niềm tin để nuôi dưỡng tinh thần đấu tranh. Khi tinh thần đấu tranh của người dân còn, thì tương lai của dân tộc còn.
Trên thực tế, tất cả các cuộc cách mạng trên đều nhắm đến vấn đề tham nhũng – có phải tham nhũng ở Việt Nam hiện nay là hết thuốc chữa rồi không, cần khai thác?
Mọi cuộc cách mạng màu và Sri Lanka đều bùng phát từ sự khủng hoảng “cơm áo” của người dân. Vì vậy, họ trỗi dậy mạnh mẽ vì sự đòi hỏi cấp bách của “dạ dày”. Nói chung các cuộc cách mạng trên phát xuất từ “cách mạng bao tử”. Dưới chế độc CSVN từ ăn cháo, ăn rau, ăn độn để sống nay ăn gạo trắng không phải CSVN thương dân mà để cứu chế độ của họ sống còn.
Mọi cuộc cách mạng màu và Sri Lanka thành công khi quân đội của các nước này tuyên bố trung lập, không nhúng tay vào chuyện đàn áp người dân xuống đường. Đó là tín hiệu cách mạng thành công. Tại VN, quân đội được như vậy chưa?
Các cuộc Cách Mạng Hoa Lài, Da Cam, Sri Lanka thành công vì sau lưng có những đảng chính trị đối lập thúc đẩy và phát động các cuộc xuống đường. Việt Nam chưa có đảng chính trị đối lập hoạt động công khai! Nhưng không một ai có thể ngăn cản họ hoạt động bí mật để xây dựng lực lượng sẵn sàng xuất hiện công khai khi điều kiện cho phép. Dĩ nhiên hoạt động phải tinh vi trong tổ chức và tuyên truyền. Nếu không thì “giục tốc, bất đạt”.
Chúng ta phải nuôi dưỡng tinh thần đấu tranh. Nhưng đấu tranh không thể dựa vào ảo tưởng mà thành công. Chính trị là khoa học (Political Science) là một ngành học dạy cho chúng ta chính trị và khoa học là một cặp song sinh. Do đó làm chính trị (cách mạng) phải thực tế, đi từng bước vững chắc mới mong có ngày thành tựu. Chúng ta không nên bắt chước những bước đại nhảy vọt của Mao Trạch Đông từng đưa hàng triệu dân Tàu đến chết đói, hay quá độ lên “Chủ Nghĩa Xã Hội” như Cộng Sản Việt Nam hô hào sẽ nhảy xuống hố.
Hoa Kỳ ngày 23 tháng 7 năm 2022
Lê Thành Nhân (lethanhnhan@vietquoc.org)