CÁ CƠM (Thanh Pham)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

May be an image of noodles

Chẳng biết từ bao giờ, mỗi khi thấy một bát cá cơm hay một đĩa cá cơm, là lòng tôi nôn nao khó tả. Nó làm hiện lên cả một cánh đồng thủa ấu thơ mà tôi đã được sống chung. Hiện lên những con suối nước đục ngàu phù sa của những cơn mưa đầu mùa, người dân làng tôi đứng chung quanh những bến suối nước quẩn, giương ra những cây tre thành những gọng vó mà tấm vải “màn nhà binh” đã được khâu viền vuông chắc chắn, thành những chiếc vó vợt thả xuống mặt nước, khi kéo “vó” lên là hàng chục con hoặc cả trăm con cá cơm nằm gọn trong màn lưới.
Cá cơm nhiều vô kể. Đây là những đàn cá vượt từ sông Đồng nai lên ruộng để sanh đẻ. Con nào con nấy bụng mang dạ chửa to kềnh. Khi ấy tôi đã từng đặt câu hỏi, tại sao lại vớt bắt những đàn cá đi đẻ? Mỗi cái bụng chửa kia, nếu không bị bắt, sẽ sinh ra hàng ngàn con cá cơm khác.
Người ta nhìn tôi cười rõ to, bảo “thằng này hâm”!
Quê tôi là một “cái quê” của những kẻ bị biệt xứ tha hương. Cha mẹ tôi cũng như đại đa phần người Công giáo di cư từ miền Bắc vào Nam năm 1954, đều chưa “đủ độ chín” để nhận ra nơi đây chính là “quê hương” của mình. Nó chưa đủ để “gắn bó thịt da”, để gọi là quê quán. Tất cả đều ngoái nhìn về nơi mình đã ra đi để gọi đó là quê quán, để gọi đó là nơi “chôn Nhau cắt Rốn”.
Quê tôi, vì thế, nó nhàn nhạt thế nào ấy! Nó không có cảm giác “lóc xương rỉ máu” khi nó bị ai đó dày xéo hay cướp giật đi, để người ta sống chết phải đòi lại! Mất mạng cũng phải cố giành lại.
Làng tôi có một con suối khá dài, nguồn từ gần vùng xã Hố Nai 3 bây giờ. Tôi nhớ không lầm là ở gần một họ đạo có tên là Ngũ Phúc. Từ cái mạch khởi nguồn ấy mà thành con suối lắt léo chảy về làng tôi, men theo bìa làng rồi chảy qua cánh đồng xuống tận Rạch Đông, một phụ lưu của dòng Đồng nai khởi từ Trị An, La Ngà.
Tôi là đứa bé tắt mắt. Thường tìm tòi để tự giải thích những điều mình cho là khó hiểu. Các người lớn nói về đám Việt Cộng. Họ bảo là ViCi như là ma ấy, năm thằng có thể đu tòn teng trên một cây đu đủ! Tôi 11 tuổi mò vào tận “Núi Chùa”, nơi người ta bảo rằng toàn là Việt Cộng. Đi ba bốn lần mới “gặp” một lần! Té đái cả ra quần… để hiểu ra “à , các ông ấy cũng là con người bình thường như mọi người đang sống quanh tôi”…
Những con suối dẫn qua làng, loanh quanh men gần Núi Chùa, những mùa tháng Tư ê hề là cá Cơm và cơ man nào là cá chốt cá trê cá lóc cá trắm cá bạc má… chen chúc nhau lao lên ruộng từ dòng Đồng Nai để vượt qua Rạch Đông cố gắng cật lực lên đồng để sinh đẻ…
Và dân làng tôi nườm nượp đem chài đem lưới đem vó đi đón bắt. Những con cá bụng mang dạ chửa mắt mở thao láo ngạc nhiên tột độ…
Giờ đây, nhìn những đĩa nho nhỏ đựng những con cá cơm chiên giòn sụm, từ vùng đất lưu vong lang bạt, lòng tôi dậy lên vô bờ xao xuyến.
Miếng ăn ấy, với tôi thật sự là ngon khôn kể xiết. Nó vượt qua tất tần tật các thứ sơn hào hay hải vị cao lương đắt đỏ bày ra trên bàn tiệc sang trọng. Tôi nhai thật chậm, mặc cái thèm và thói quen quê mùa ăn nhai là ngấu nghiến thô lậu.
Tôi nhai tôi nuốt, như nuốt cả mùi bàn tay ân cần của mẹ tôi khi băm nhúm lá gừng rải lên lớp cá cơm đang lẩy bẩy run lên trong nồi kho chờ tắt lửa.
Tôi ăn, lòng nhớ vô vàn về quê tôi, những chiều mưa tầm tã tháng Tư 50 về trước, có những ánh mắt tức tưởi của người dân Nam Bộ, thảng thốt nhìn bất lực những đoàn người miền Bắc nô nức đặt vó chụp chài để bắt những đàn cá vượt thác ghềnh đi tìm nơi sinh sản giống loài.
Những ánh mắt ấy, 50 năm trước, tôi không hề ngờ là đã theo tôi suốt 40 năm qua, trên khắp các ngả đường của năm châu bốn biển!
Phạm Văn Thành
Fontainbleau 10/4/2023