CÁ CHẾT-ĐI TÌM NGUYÊN NHÂN CỦA CÁC NGUYÊN NHÂN (TMCNN)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail
Cá chết hàng loạt ở biển miền Trung. Nguồn: internet
Cá chết hàng loạt ở biển miền Trung. Nguồn: internet
Chuyện cá chết hàng loạt ven biển Miền Trung, từ Hà Tĩnh vào tới Đà Nẵng, bây giờ cả nước đều biết và nôn nóng theo dõi từng giờ. Vừa lo vừa tức.

Lo, vì sinh kế của hàng vạn ngư dân cũng như rất nhiều người khác làm việc trong những ngành nghề liên quan tới ngư nghiệp và hải sản bị thiệt hại nặng nề; lo vì cuộc sống và sức khỏe của hằng hà sa số người Việt vốn có thói quen ăn cá trong bữa ăn hàng ngày bị tác hại khôn lường. Đấy mới là cái lo trước mắt, thiết thân. Còn cái lo xa hơn, lâu dài hơn, tác động trên cả tương lai của nòi giống, của dân tộc là sự hủy hoại khó vãn hồi của môi trường sống.

Tức, vì hiện tượng cá chết bất thường đã được người dân và báo chí báo động từ đầu tháng Tư, mà tới ngày 27 – 4 – 2016 bộ Tài nguyên – Môi trường (TN-MT) mới tổ chức một hội nghị liên bộ liên ngành để tìm kiếm nguyên nhân, dù trước đó nhiều nhà chuyên môn đã xác định là cá chết không do nguyên nhân dịch bệnh.

Hội nghị kéo dài suốt gần 5 tiếng đồng hồ không nghỉ, trong sự kín đáo, riêng biệt; báo chí không được vào tham dự để đưa tin trực tiếp. Cả trăm phóng viên nhà báo sốt ruột nhưng vẫn kiên nhẫn chờ đợi ngoài phòng hội nghị, đặt tất cả hy vọng vào lời hứa của bộ TN-MT rằng sẽ có họp báo sau khi hội nghị kết thúc. Quả có họp báo thật. Nhưng thật lạ lùng, độc nhất vô nhị. Chủ trì cuộc họp báo, ông Võ Tuấn Nhân, thứ trưởng bộ TN-MT, đọc thông cáo nêu lên nguyên nhân làm cá chết, và tuyên bố không thấy mối liên hệ giữa tình trạng cá chết và hoạt động của nhà máy Formosa Hà Tĩnh và các công ty trong khu vực. Thông báo xong, ngài thứ trưởng lập tức chấm dứt buổi họp báo, không phóng viên nào kịp đặt câu hỏi. Vỏn vẹn chưa tới 10 phút đồng hồ! Ai nấy ngỡ ngàng, không kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra. Nhưng ông thứ trưởng đã đi rồi, để lại các phóng viên trong sự nhốn nháo, phẫn nộ.

Theo Tuổi Trẻ Online ngày 27 – 4, thông báo của ông thứ trưởng Võ Tuấn Nhân trước các nhà báo là thế này: Các cơ quan chuyên môn đã thống nhất nhận định trong hiện tượng cá chết hàng loạt có hai nhóm nguyên nhân chính. Một là do tác động độc tố hóa học của con người trên đất liền và trên biển. Thứ hai là do tác động của hiện tượng tảo nở hoa hay thủy triều đỏ.

Nhà Khoa học nói gì?

1) Ngày hôm sau, 28 – 4, cũng Tuổi Trẻ Online đăng video clip cuộc phỏng vấn của Tuổi Trẻ với giáo sư Tiến sĩ Khoa học Lê Huy Bá, chuyên gia độc học môi trường thuộc Viện Khoa học Công nghiệp và Quản lý Môi trường. Giáo sư Lê Huy Bá cho rằng người nào phát ngôn rằng cá chết hiện nay là do hiện tượng thủy triều đỏ là rất sai – sai hoàn toàn. Vì lẽ, để xuất hiện thủy triều đỏ hay hiện tượng tảo nở hoa, phải hội đủ một số điều kiện rất đặc biệt. Chẳng hạn đó phải là vùng nước lặng, tĩnh, ít trao đổi nước; thường gần các cửa sông để có thể nhận được nhiều dinh dưỡng từ đất liền, đặc biệt là giàu Ni-tơ và Phốt-pho; và chỉ khi nào tỉ lệ trong nước biển của hai chất đó lớn hơn 1/16 thì mới có thể phát sinh hiện tượng tảo nở hoa làm nên thủy triều đỏ. Hơn nữa thủy triều đỏ là cái có thể thấy được bằng mắt thường. Nó có thể đóng một lớp dày tới 10 phân trên mặt biển, chạm vào gây ngứa; màu sắc thay đổi từ đỏ tới nâu và xám, khi tảo chết thì có màu đen.

Mà vùng biển có cá chết từ Hà Tĩnh tới Huế không hề thấy hiện tượng thủy triều đỏ như mô tả trên đây. Hơn nữa, giả như có chuyện tảo độc nở hoa dày đặc, thì nó chỉ có thể giết những loại cá sống ở tầng nước mặt, chứ không thể “chui” xuống mà giết những loại cá sống ở tầng đáy được! Thế mà trong số cá chết dạt lên bờ có rất nhiều con thuộc loại sống dưới đáy sâu, mà lại là cá to (tới cả một, hai chục ký) và là cá quý. Cho nên không thể chấp nhận nguyên nhân cá chết là do thủy triều đỏ được.

Cũng ngày 28 – 4, Tuổi Trẻ Oline đăng tin T.Ư Hội Nghề Cá Việt Nam có ý kiến gửi Văn phòng Chính phủ, theo đó, các dấu hiệu của vụ cá chết vừa qua không thấy liên quan đến tảo nở hoa, do không có các dấu hiệu đặc trưng như xác tảo dạt vào bờ gây ô nhiễm, tảo nở dày đặc gây đổi màu nước, và cá chết tầng đáy chứ không phải tầng mặt như chết do tảo.

Và theo Hội Nghề Cá, đến thời điểm này, nguyên nhân cá chết do độc chất là có cơ sở nhất.

Giáo sư Lê Huy Bá, trong clip phỏng vấn nói trên, cũng cho rằng cá ở tầng đáy chết thường là do nhiễm độc kim loại nặng. Tuy nhiên, cá chết trắng trên một dải bờ biển dài xuyên qua mấy tỉnh như vậy chỉ có thể là do một nguồn chất độc có tải lượng rất lớn, nồng độ cao, mà phải bao gồm những hóa chất cực độc. Độc chất trong trường hợp này, người ta có thể nghĩ đến các kim loại nặng, là những chất như Chì (Pb), Thủy ngân (Hg), Arsen (As), Cadimi (Cd), Crom (Cr), …. Chỉ cần 1 gam trong 1 triệu lít nước của một trong các kim loại nặng này đã đủ làm chết người. Làm chết cá thì chỉ cần nồng độ 1 gam trong 10 triệu lít nước thôi. Bây giờ nói cá chết là bởi hóa chất độc do con người thải ra, như phát biểu của thứ trưởng TN-MT, thì phải chỉ rõ là “con người” nào. Dùng phương pháp loại trừ trong điều tra (mấy ông công an quá rành!), người ta sẽ thu hẹp dần vùng tìm kiếm và đạt đến ngay địa chỉ của thủ phạm. Trong trường hợp cá chết hiện nay chẳng có gì khó khăn cả. Chỉ có nhà máy lớn mới có điều kiện và khả năng tống ra biển các kim loại nặng cực độc, với một tải lượng lớn và nồng độ cao, khiến cá chết với khối lượng khổng lồ như vậy.

Trước đó, ngày 27 – 4, trang mạng lề dân DânLuận đăng lại bài viết ngày 20 – 4 – 2016 của giáo sư tiến sĩ Trương Nguyện Thành và các cộng sự (đang làm việc ở nước ngoài) cảnh báo về vấn đề nghiêm trọng do việc cá chết ở Việt Nam gây ra, với nghi vấn đặt vào nguyên nhân làm cá chết là bởi kim loại nặng. Bài viết có tên: “Chuyện bé như hạt gạo hay thảm họa quốc gia: Nguy cơ ngộ độc kim loại nặng ven biển miền Trung và những tác hại lâu dài” do Ths Trần Thị Thanh Thỏa, khoa Sinh học, trường Đại học Thủ đô Tokyo, Nhật bản; Thiều Mai Lâm, Viện Khoa học Cao phân tử, Đại học Kỹ thuật Virginia, Mỹ; và Gs. Ts Trương Nguyện Thành, khoa Hóa học, Đại học Utah, Mỹ.

Theo bài viết của giáo sư Trương Nguyện Thành, kim loại nặng vốn có trong lòng đất và bị khóa chặt trong cấu trúc của một số loại đá, nên vô hại khi ở trong thiên nhiên. Kim loại nặng cũng có mặt trong cơ thể các sinh vật vì nó có vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất; tuy nhiên nó hiện diện với tỉ lệ cực thấp. Trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và y khoa ngày nay, kim loại nặng lại có rất nhiều ứng dụng. Vì thế nó được khai thác nhiều. Trong quá trình khai thác sử dụng, một số kim loại nặng sẽ tồn đọng trong chất thải (thường là dạng lỏng, đôi khi dạng khí) rồi thoát ra môi trường chung quanh qua các ống thải. Bấy giờ, các kim loại ấy có thể bay trong không khí, ngấm xuống nguồn nước ngầm, hấp thụ bởi cây cỏ, hải sản và súc vật.

Mà kim loại nặng lại có tính bền vững rất cao – bài viết tiếp tục diễn giải. Một khi vào trong đất, nước hay không khí, nó sẽ tồn tại rất lâu ở đó. Nếu được hấp thụ vào trong cơ thể sinh vật, kim loại nặng sẽ tích lũy lại. Rồi sau đó tiếp tục được chuyển qua các sinh vật khác qua chuỗi thức ăn. Con người thường là mắt xích cuối cùng của chuỗi thức ăn đó. Ngoài con đường ăn uống, kim loại nặng có thể vào trong cơ thể con người qua đường hô hấp và thấm qua niêm mạc. Một khi hàm lượng tích tụ trong cơ thể vượt quá ngưỡng cho phép, kim loại nặng trở thành rất độc, tác hại lâu dài đến đời sống con người, dẫn tới các bệnh tật và biến chứng nguy hiểm như ung thư, tổn thương não, co rút các cơ, biến dạng khớp, làm người bệnh phát điên, và tử vong. Với các thai nhi, kim loại nặng có thể gây ra thai chết, dị dạng hoặc quái thai.

Cũng trong bài viết, nghi vấn về nguyên nhân làm cá chết hàng loạt được đặt nặng vào sự xả thải của nhà máy Formosa tại khu công nghiệp Vũng Áng, Hà Tĩnh. Lý do:

  • Chất có khả năng giết hàng loạt cá biển trên một diện rộng như thế phải là chất kịch độc như kim loại nặng và kể cả chất phóng xạ.
  • Kim loại nặng có khối lượng riêng lớn nên khi bị phát tán sẽ dần chìm xuống dưới nước sâu, khiến cá sống ở tầng đáy ngộ độc và chết. Sự xuất hiện nhiều xác cá thuộc loại sống ở tầng đáy trên bờ biển miền Trung là dấu hiệu biển bị nhiễm độc kim loại nặng.
  • Nước thải từ cống xả thải của nhà máy Formosa có màu vàng, rất giống với nước thải khi khai thác đá phosphorite là loại nước thải chứa nhiều ion PO4 và ion Ag cùng một số kim loại nặng, trong đó Ag (bạc) là một kim loại nặng cực độc.
  • Cống xả thải được thiết kế xa bờ tới 2 km, ngầm dưới mặt nước biển. Do đó nước thải xả ra có thể làm nên một cột nước cao vài chục mét trong nước biển. Và dòng hải lưu đủ mạnh để làm phát tán chất độc trong diện rộng từ vài trăm đến cả ngàn km một cách dễ dàng và nhanh chóng. Thực tế, khu vực cá chết đã lan ra hơn 250km bờ biển miền Trung.

Các tác giả bài viết cũng xác quyết rằng để chứng minh cá chết là do kim loại nặng thì không có gì khó cả. Các phương pháp phân tích hóa chất thường dùng trong các phòng thí nghiệm hóa học, hoặc phân tích nước, v.v… đều có thể xác định chính xác hóa chất nào gây cá chết. Thí dụ phương pháp Atomic Absorption Spectroscopy (AAS) tìm kim loại nặng hấp thụ trong cá chết, hoặc Gas Chromatography Mass Spectroscopy (GC-MS) xác định hàm lượng vết của các chất hữu cơ. Những thí nghiệm này không quá phức tạp; chỉ cần trình độ cử nhân hóa học là làm được.

“Tuy nhiên lý do vì sao cho đến giờ chưa có một báo cáo nào công bố cụ thể các chỉ số cho toàn dân biết để phòng tránh vẫn là một điều khó hiểu” – các tác giả bài viết thắc mắc đầy âu lo.

Không phải chỉ mình các tác giả đang sống ở nước ngoài cảm thấy không sao hiểu được hành vi và thái độ của nhà cầm quyền Việt Nam trước tai họa môi trường này, mà cả giáo sư Lê Huy Bá đang ở trong nước cũng vậy.

Đoạn video clip của báo Tuổi Trẻ Oline nói trên cho thấy, khi phóng viên hỏi liệu có thể phân chất mẫu cá chết và mẫu nước biển để tìm ra độc chất làm cá chết, và ở Việt Nam có đủ khả năng và phương tiện làm điều đó hay không, giáo sư Lê Huy Bá khẳng định không do dự: Việt Nam thừa sức làm được. Ông còn nêu vài địa chỉ cụ thể có khả năng làm được công việc phân tích ấy, ví dụ ở Sài Gòn có trường Đại học Công Nghiệp. Và rồi giáo sư nói như đặt một dấu chấm than cho cuộc phỏng vấn: “Chúng ta hoàn toàn làm được, chẳng cần phải đợi đem ra nước ngoài. Chỉ có điều người ta có muốn làm hay không. Và có muốn làm cho tới cùng hay không thôi!”

Tội nghiệp, anh phóng viên loay hoay suy nghĩ một lúc rồi thốt lên như một lời tự thán: “Tình trạng này thật khó hiểu và bí ẩn. Còn khó hiểu hơn cả chuyện cá chết!” Giáo sư Bá gật gật mái tóc bạc thông cảm: “Anh nói đúng!”

2) Ý kiến của giáo sư Trương Nguyện Thành và giáo sư Lê Huy Bá còn gặp nhau ở điểm này: Phải coi vụ cá chết ở miền Trung là một thảm họa cấp quốc gia. Và chính quyền không được phép để mất thời gian, trái lại, phải hành động ứng phó ngay lập tức.

Giáo sư Bá giải thích, với thảm họa môi trường quốc gia, chính quyền phải hành động nhanh, gọn; đó là vấn đề nguyên tắc. Càng để lâu, hậu quả càng sâu, càng rộng và càng tệ hơn. Và càng khó sửa chữa hay phục hồi. Đa số trường hợp, hậu quả gây ra cho môi trường hầu như khó mà phục hồi. Chernobyl (Ukraina) và Fukusima (Nhật) là những ví dụ hiện đại. Trong trường hợp biển miền Trung bị ô nhiễm kim loại nặng, nếu lớp trầm tích đáy biển hấp thu một lượng lớn loại độc chất đó thì làm sao tẩy rửa nó? Chỉ có cách hốt lớp bùn đáy biển cho vào lò nung ở nhiệt độ thật cao mới khử được! Mà có đủ sức làm không? Kế nữa, đối với việc điều tra nguyên nhân của thảm họa cũng vậy. Cũng phải tiến hành nhanh chóng. Để lâu, dấu vết để tìm ra nguyên nhân có thể bị biến đổi hoặc mất đi, thậm chí bị phi tang!

Giáo sư Trương Nguyện Thành, ngoài lời khuyến cáo chính quyền Việt Nam phải hành động khẩn cấp, còn đưa ra những đề nghị đầy trách nhiệm. Đó là chính quyền cần yêu cầu Formosa dừng ngay việc xả thải ra biển cho đến khi có kết quả điều tra chính thức. Trong khi đó người dân cần tạm ngưng tiêu thụ hải sản và không đi tắm biển. Nếu được, dân chúng trong vùng nên làm xét nghiệm mẫu nước sinh hoạt và sản xuất (giáo sư đã thận trọng cho đường link tới bài viết hướng dẫn cách lấy mẫu và gửi đi xét nghiệm). Ai có điều kiện nên dùng máy lọc nước cho nước dùng, kể cả nước sinh hoạt. Giáo sư kêu gọi hãy phổ biến cho nhiều người biết, hầu người dân được trang bị kiến thức cần thiết, biết cách tự bảo vệ mình, và nhờ đó mà an tâm, bình tĩnh.

3) Ngoài ra, cũng còn một ý kiến khác từ ông Nguyễn Minh Quang P.E, kỹ sư chuyên nghiệp (Professional Civil Engineer), sống tại California, Mỹ. Trang mạng lề dân Dân Làm Báo ngày 30 – 4 – 2016, đăng lại bài viết của Kỹ sư Quang, trong đó có đoạn:

“Có những bằng chứng vững chắc và đáng tin cậy để kết luận rằng hiện tượng cá chết hàng loạt dọc duyên hải miền Trung là do chất ammonia ở trong nước thải do nhà máy Formosa xả ra biển qua đường ống ngầm được ngư dân phát hiện và ghi hình ảnh. Ammonium [sinh ra, với lượng nhỏ, từ ammonia – chú thích của người trích dẫn], được phát hiện ở nồng độ vượt tiêu chuẩn cho phép ở Lăng Cô (khoảng 0,4 mg/L), phù hợp với dòng hải lưu và với nồng độ ammonia có thể có trong nước thải từ tiến trình luyện than coke của nhà máy luyện thép Formosa (có thể lên đến 668 mg/L). Cá rất nhạy cảm với ammonia; cá nước ngọt có thể chết ở nồng độ 0,2 – 0,5 mg/L và cá nước mặn có thể chết ở nồng độ thấp hơn….

“Công việc quan trọng và cần thiết nhất hiện nay là ngưng hoàn toàn việc xả thải từ khu kinh tế Vũng Áng và theo dõi phẩm chất của nước biển ở những độ sâu thích hợp trong những vùng bị ảnh hưởng trước đây và thông báo rộng rãi đến người dân cho đến khi trở lại bình thường như trước….

“Việc tiếp theo là … cần phải duyệt xét lại tiến trình hoạt động, phẩm và lượng của nước thải từ nhà máy luyện thép, và hiệu quả của nhà máy lọc nước thải hiện nay của Formosa. Giấy phép xả thải hiện nay cần phải được thu hồi để thay thế bằng một giấy phép mới để có thể kiểm soát những chất ô nhiễm độc hại phát xuất từ nhà máy luyện thép. Tiếp theo là duyệt xét xem nhà máy lọc nước thải hiện hữu của Formosa có thể loại bỏ các chất ô nhiễm được liệt kê trong giấy phép mới hay không. Nếu không, cần phải xây một nhà máy lọc nước thải mới….”

Kỳ 2: Nhà máy Formosa và nhà cầm quyền nói gì?

TMCNN
Theo Basam