Bút ký – THÁNG BA ĐỊNH MỆNH (Phạm Đình San)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

No photo description available.

Bãi biển Đà Nẵng trong cuộc rút lui của QĐ I ngày 28/3/1975

Mặc dầu đang sống tại các nước Tự Do trên thế giới nhưng mỗi năm cứ đến Tháng 3 và Tháng 4 về thì cả một ký ức đau buồn lại khơi dậy trong lòng Người Việt Quốc Gia Tị Nạn CS khắp nơi. Xin mời các bạn cùng tôi quay về 48 năm trước để nhìn lại những ngày đen tối của một “THÁNG BA ĐỊNH MỆNH” trên giải đất miền Nam thân yêu.
Xứ sở của chúng ta đã nằm trong tình trạng nửa-hoà-nửa-chiến kể từ 1973 khi Lê Đức Thọ mưu-mô-quỉ-quyệt và Henry Kissinger ngây-thơ-phản-trắc cấu kết ký thoả hiệp ngưng bắn Paris. Số phận miền Nam kể như đã được an bài từ đó. Và trận đánh ác liệt bùng nổ tại cao nguyên Trung phần ngày 10/03/1975 đã khởi đầu cho sự sụp đổ miền Nam thân yêu. Những gì đã xảy ra???
Ngày 17/03/1975 – Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã ra lệnh bỏ trọn vẹn vùng cao nguyên Kontum, Pleiku, Ban Muôn Thuột. Trong nỗi hốt hoảng đi tìm sự sống, dân chúng đã phải di tản dọc theo quốc lộ số 7, một con đường hiểm trở đã bị bỏ hoang từ thời kỳ Pháp thuộc.
Ngày 19/03/1975 – Tỉnh Phú Bổn và phần đất còn lại của Quảng Trị lọt vào tay cộng quân. Huế và Đà Nẵng bị đe doạ, dân chúng đổ xô về Đà Nẵng lánh nạn. Đà Lạt phải tiếp tế bằng không vận.
Ngày 20/03/1975 – An Lộc thất thủ. Trong khi đó Huế bị kẹp trong gọng kìm của cộng quân. Đã có 8/44 tỉnh thành của miền Nam bị rơi vào tay địch quân tính đến ngày này.
Ngày 21/03/1975 – Huế thất thủ. Quảng Đức, Gia Nghĩa và Khánh Dương bị cộng quân tấn công nặng nề.
Ngày 24/03/1975 – Quảng Tín, Quảng Đức, Quảng Ngãi lần lượt bị mất luôn.
Ngày 25/03/1975 – Dân số Đà Nẵng lên đến 1.5 triệu người. Tổng thống Thiệu yêu cầu thủ tướng Trần Thiện Khiêm cải tổ nội các đế đối phó với tình thế nguy ngập.
Ngày 26/03/1975 – Nhiều đơn vị quân lực VNCH bắt đầu hỗn loạn, bỏ chạy. Các ký giả quốc tế có khuynh hướng phản chiến đã ghi nhận những sự kiện tiêu cực này và loan tin đi khắp thế giới. Đài BBC ra rả loan tin bất lợi cho VNCH.
Ngày 27/03/1975 – Bảo Lộc, Lâm Đồng, Đà Nẵng bị lâm nguy. Tại Sài Gòn tướng Nguyễn Cao Kỳ xuất hiện đòi tổng thống Thiệu từ chức. Một âm mưu đảo chánh bất thành, 3 tướng lãnh, 2 nghị sĩ, 3 ký giả và 1 giáo sư đã bị bắt giữ.
Ngày 28/03/1975 – Lâm Đồng mất, Đà Nẵng hấp hối.
Ngày 29/03/1975 – Tướng lãnh và tư lệnh các quân binh chủng Vùng I Chiến Thuật lập Bộ Chỉ Huy lưu động trên cơ xưởng hạm Vĩnh Long HQ-802 tại ngoài khơi Đà Nẵng để điều động chiến trường. Ký giả phản chiến lại một lần nữa được dịp đầu độc thế giới bằng những lời chỉ trích nặng nề cho là các cấp chỉ huy QLVNCH đang tìm đường tháo chạy!
Ngày 30/03/1975 – Trong khi các đơn vị QLVNCH tại nhiều nơi còn đang giao tranh ác liệt với cộng quân và chiến đấu gan dạ để giữ từng tấc đất thì đúng 3 giờ sáng tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh bỏ Đà Nẵng.
Ngày 31/03/1975 – Ngày cuối cùng của “THÁNG BA ĐỊNH MỆNH”: Cộng quân tấn công vào Qui Nhơn, pháo kích Nha Trang. Dân chúng vùng duyên hải đổ xô về Vũng Tàu và Sài Gòn. Khối Phật Giáo Ấn Quang đã xuống đường đòi tổng thống Thiệu từ chức. Tại Paris, Cựu Hoàng Bảo Đại đã tuyên bố sẵn sàng làm trung gian để giải hoà cho hai bên (Việt Cộng và Việt Nam Cộng Hoà) tại miền Nam!!!
Những quầng mây xám của “THÁNG BA ĐỊNH MỆNH” lan rộng trên bầu trời tang tóc miền Nam đã đem đến những mất mát dồn dập trong tháng 4/1975. Và những gì đã xảy ra trong “THÁNG TƯ ĐAU BUỒN” của miền Nam sẽ được ôn lại trong phần 2 của bút ký này.