Bà Lưu Quý Liên là cư dân của thành phố Gardena, California. Bà Liên cùng chồng, hai đứa con, mẹ ruột và người chị vượt biên năm 1978, trên một chuyến tầu chở hơn 200 người và sau 2 tuần lênh đênh trên biển, tầu cập vào Bidong.
Bà Liên có 4 người em trai, lần lượt từng người đã đào thoát khỏi Việt Nam và đến được vùng đất Tự Do, cũng trên đất Mã Lai Á. Khi chuyến tầu của bà cập bãi Bidong, ngay sau đó một ngày, trong cuộc phỏng vấn của nhân viên Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc, bà biết 4 em của bà đã được chuyển vào trại trong đất liền chứ không còn ở Bidong nữa.
Tin về 4 người con đã làm mẹ bà Liên xuống tinh thần. Tội nghiệp cụ. Lúc xuống tầu, cụ những mong xum họp với các con nơi bến bờ tự do. Muộn phiền khiến cụ trở bệnh và phải đưa sang nhà thương ở Terrengganu chữa trị. Đau đớn thay, cụ đã bỏ mình nơi đất khách quê người, chỉ vài tháng sau khi thoát khỏi một chế độ tàn bạo đang cai trị quê nhà của cụ. Lúc cụ lâm chung, bà Liên không có mặt bên cạnh mẹ. Chỉ có người chị của bà Liên chứng kiến giây phút nát lòng đó.
Thi hài của cụ được chôn cất tại Terrengganu.
Năm 1982, vợ chồng anh ruột của bà Liên về lại Terengganu với hy vọng cải táng mộ mẹ, đem cốt của cụ về cùng các con đang sống bên Mỹ. Tới nghĩa trang nơi có phần mộ của cụ, người anh bốc mộ nhưng không thấy hài cốt của mẹ. Hỏi thăm dân địa phương, người anh được biết, người Mã Lai đã rời mộ bia ra chỗ khác để cất nhà ngay trên nấm đất chôn cất cụ. Bây giờ, dấu vết nơi an nghỉ cuối cùng của cụ đã bị xóa nhòa, không cách nào tìm được.
Trước hoàn cảnh xé ruột xé gan như thế, anh của bà Liên đành tiến hành nghi thức tôn giáo, dùng vải đỏ quấn tấm bia mộ của mẹ, rồi mướn thuyền ra khơi thả tấm bia xuống lòng đại dương bao la. Người anh của bà Liên trước khi rời Terengganu, đã hốt đem về Mỹ một nắm cát để thờ phụng với lòng mong mỏi là hồn thiêng của mẹ sẽ luôn hiển linh bên các con.
Sáng ngày 22 tháng Ba, 2005 tại khu mộ tập thể vô danh của 137 thuyền nhân xấu số được chôn cất tại một trong bốn nghĩa trang ở Terrengganu-Mã Lai Á, bà Liên khóc nấc lên khi nghĩ đến mẹ. Bà bảo, cho dù biết trước là sẽ không nhìn thấy mộ mẹ, bà Liên vẫn về đất Mã cùng các Tăng Ni với lòng tin rằng, lời tụng niệm của các Tăng Ni sẽ giúp mẹ của bà siêu thoát nơi cõi Niết Bàn.
Khóc bên mộ chồng lạnh tanh hương khói.
Bà Trần Thị Tiên hiện định cư tại Úc. Bà đến đảo Galang năm 1985, 7 tháng sau chuyến vượt biên của chồng. Hai người đoàn tụ trên cùng hòn đảo của Nam Dương.
Ba năm mỏi mòn trên đảo chờ được nhận đi định cư, những tưởng sẽ được sống với nhau suốt phần đời còn lại, không ngờ nửa đường đôi chim di gẫy cánh. Chồng bà Tiên bỏ bà năm 1988. Ông nằm lại tại nghĩa trang trên đảo Galang, chung quanh là 502 thuyền nhân bất hạnh khác.
Từ ngày rời đảo đến nay, bà Tiên không từ bỏ mong ước cải táng mộ chồng và xem hài cốt chồng về với bà nơi đất Úc. Nhưng vẫn chưa được, vì chưa có giấp phép của chính quyền Nam Dương.
Hai giờ trưa ngày 24 tháng Ba, dưới cái nắng thiêu đốt của đảo, bà Tiên mọp bên mộ chồng. Khóc ngất.
Trước mộ phần chồng bà Tiên, Linh mục Nguyễn Hữu Quảng cùng các tín đồ Công giáo làm Thánh lễ. Sau đó, các Tăng Ni Phật Tử tụng kinh cầu siêu.
Không khí rờn rợn, như trong lời thơ của Đinh Hùng:
“Trời cuối Thu rồi anh ở đâu
Nằm trong đất lạnh chắc anh sầu
Thu ơi đánh thức hồn ma dậy!
Ta muốn vào thăm nấm mộ sâu”.
******
Kể từ khi đất nước bị quy về một mối, dưới ách cai trị bạo tàn của chế độ cộng sản, hàng triệu người Việt Nam đã đành đoạn phải gạt lệ bỏ quê nhà ra đi. Trên đường đào thoát tìm Tự Do, nhiều người đã vùi thân đáy biển. Một số người tới được cửa ngõ của Tự Do là các trại tỵ nạn ở Đông Nam Á, nhưng bất hạnh thay, đã thác nơi đất khách và xác thân chôn tại quê người.
Số thác oan là bao nhiêu, không ai biết chính xác. Nhưng chắc là nhiều lắm.
Tại Thái Lan, tại Phi Luật Tân, tại Hongkong, tại Macau, tại Nam Dương, tại Mã Lai Á, nơi nào có trại tỵ nạn Việt Nam, nơi đó có nghĩa trang của thuyền nhân.
Tại đảo Galang ở Nam Dương, số mộ phần thuyền nhân là 503.
Trên đảo Bidong ở Mã Lai Á, nghĩa trang thuyền nhân vẫn còn đó.
Riêng tại tiểu bang Terrengganu trên đất Mã Lai, có 4 nghĩa trang, nơi đó người bản xứ, người Hoa gốc Mã, và người tỵ nạn Việt nằm an nghỉ cạnh bên nhau. Ngoại trừ một nghĩa trang chỉ có 4 mộ phần thuyền nhân, ba nghĩa trang còn lại, mộ phần người Việt rất nhiều. Nhiều ngôi mộ có bia đề tên tuổi người chết. Nhưng cũng có những mộ phần không tên tuổi. Hai trong 4 nghĩa trang tại Terrengganu có 4 ngôi mộ chôn tập thể những thuyền nhân chết oan khuất trên Biển Đông.
Những người có công trong việc vớt xác thuyền nhân Việt Nam là dân bản xứ người Mã và người Mã gốc Hoa, trong đó có ông Alcoh Wong Yahow. Ông và các đồng bào người Mã gốc Hoa của ông đã chôn cất và vun xới các khu mộ tập thể của thuyền nhân tại Terrengganu.
Theo lời ông Yahow, khoảng 4 giờ sáng ngày 30 tháng Tư năm 1979, trong lúc ông đang ngủ thì có người đập cửa và báo cho biết là có một chiếc tầu chìm ngoài khơi Mereng thuộc Terengganu. Cả hai ngày sau đó, ông và đồng bào ông cùng một số người Mã bản xứ dùng thuyền nhỏ đi vớt xác những người chết trên biển. Tổng số đem vào được đất liền là 137 thi thể đã tím ngắt. Không một nạn nhân xấu số nào có giấy tờ tùy thân.
Sau đó, chính quyền địa phương đã đem chôn những người chết tại một nấm đất ở Terengganu. Nấm mồ tập thể đó, mãi tới năm 2003 mới được dựng một tấm bia ghi ngày tháng chôn cất những người dưới mồ. Và việc làm mộ bia cũng do sự vận động quyên góp của nhiều người bản địa và người Mã gốc Hoa.
Ông Yahow nói, “Chỉ dịp Tết Thanh Minh, chúng tôi mới có chút hương đèn tảo mộ những người chết tức tưởi đó. Còn ngày thường, ai cũng bận kiếm sống, dù nghĩ đến những nấm mồ không hương khói, chúng tôi cũng đành bó tay”.
Không chỉ vớt và chôn cất thuyền nhân, ông Yahow còn lập một trang web với mục đích cung cấp một số thông tin ông đang có để gia quyến những người chết có thể tìm được mộ phần người thân của mình.
Tình người của dân Mã Lai và cộng đồng ngưồi Hoa tại Terengganu đối với những thuyền nhân xấu số là một mẫu mực cho thấy, trước nỗi đau của con người, mọi biên giới chủng tộc và mầu da đã bị xóa nhòa, chỉ còn lòng thương cảm vô biên.
Về thăm Galang
Chiếc tầu tốc hành Wavemaster rời bến Tân Gia Ba được một lúc thì mắt của nhiều người trên tầu đã đỏ hoe.
Đoàn 150 người tham dự chuyến về thăm đảo Galang, hầu hết đã trải qua kinh nghiệm sóng dữ trên biển Đông khi đào thoát tìm Tự Do, nên đều mang tâm trạng bồi hồi, xúc cảm khi sắp được nhìn lại hòn đảo từng là nơi dung chứa họ.
Không bồi hồi xúc cảm sao được, khi dõi nhìn lại những bến bờ cũ. Đến Galang là đặt chân vào cửa sinh, bỏ lại sau lưng cửa tử.
Đoàn xe bus 4 chiếc di chuyển mất 35 phút thì bắt đầu tới con đường rẽ vào Galang. Trước kia, khi còn là trại tỵ nạn, muốn đi từ Singapore đến Galang, người ta phải dùng tầu biển để cập vào cầu Jetty. Từ 5 năm qua, con đường ngắn hơn vì tầu biển cập bến Batam rồi dùng đường bộ vượt 6 cây cầu mới xây để vào Galang.
“Ex Camp Vietnam”: Tấm bảng làm nhói tim những người từng ở Galang.
Galang ngày xưa không còn nữa! Những barrack biến đâu cả rồi, chỉ thấy cây cỏ mọc chi chít, xanh um.
Con đường từ Galang 1 dẫn vào Galang 2, những con khỉ dạn dĩ ra tận đường tráng nhựa, ngơ ngáo nhìn đoàn người về thăm lại vùng đất từng là nơi họ tạm dung. Trước kia làm gì có cảnh đó, vì thuyền nhân ra vào tấp nập trên con đường này.
Xưa kia, Galang 1 dành cho những người mới đến đảo và chờ làm thủ tục giấy tờ, đồng thời chờ được các phái đoàn phỏng vấn để đi định cư. Galang 2 là nơi dành cho những người đang chờ ngày rời đảo sau khi đã được nhận đi định cư ở các quốc gia thứ ba. Còn “Galang 3” là cách gọi của dân tỵ nạn để nói về khu nghĩa trang chôn cất những người xấu số bỏ mình trên đất khách.
Galang 1 không còn một dấu vết nào của những barrak một tầng trước kia. Thay vào đó là những cây rừng chi chít, phủ kín cả những con đường đất mà trước kia dập dìu người tỵ nạn. Phòng Thông Tin, Văn phòng Cao Ủy Tỵ Nạn, tòa soạn báo Tự Do, trụ sở Hướng Đạo cũng biến mất. Các quán cà phê dọc con lộ cũng bị thiên nhiên xóa nhòa. Khu tỵ nạn của người Khmer, thời 1984 đã đổ nát lắm rồi, bây giờ chẳng còn lưu lại vết tích nào cả.
Galang 2 thì chỉ khu “Zone Mỹ” – khu dành riêng cho những người được đi Hoa Kỳ – là còn một vài barrak, nhưng trần long, mái lở, vách siêu, tường vẹo như chỉ cần một cơn gió lớn là ngã chúi xuống. Nơi đây những ngày cũ, biết bao người đã từng sống dưới sức nóng chẩy mỡ tỏa xuống từ mái tôn, nhưng sao mà vẫn hạnh phúc, vì trước mắt là tương lai thênh thang tại một xứ sở giàu đẹp, tự do.
Galang 3 thì còn. Còn trong cảnh lạnh tanh không chút hương khói. Nghĩa trang có 503 ngôi mộ của những chết vì bệnh tật, chết vì rắn cắn, chết vì sốt rét, hoặc vì tự tử với nhiều lý do khác nhau, trong đó có nỗi tuyệt vọng vì không được quốc gia nào nhận.
Người cũ nay còn đâu?
Người cũ còn chăng là anh Abu, một người Nam Dương từng sống trên đảo suốt thời gian có thuyền nhân Việt Nam tạm dung nơi đây. Abu nói tiếng Việt bằng giọng lơ lớ:
“Tôi nhớ người Việt lắm. Từ ngày đảo đóng cửa năm 96, nhiều lúc, tôi nói tiếng Việt với chính mình cho đỡ nhớ”.
Người dân Nam Dương thật nồng nhiệt. Dĩ nhiên, cũng có một số lính và cảnh sát trông coi đảo rất “cường hào ác bá” với dân tỵ nạn, nhưng đó không phải là tình cảm dân hải đảo.
Phái đoàn vừa bước ra khỏi tầu Wavemaster đã được các viên chức và các thiếu nữ xinh đẹp của Batam chào đón. Mười người đại diện phái đoàn được các thiếu nữ choàng vòng hoa. Những người còn lại, ai cũng được một cánh hồng do các “bông hồng” Nam Dương xinh đẹp trao tặng.
Đoàn xe đi ngang khu nghĩa trang và một lần nữa, các viên chức Nam Dương đón phái đoàn tại Youth Center. Tại hội trường, một biểu ngữ nội dung chào đón phái đoàn căng ngang sân khấu. Ban vũ người Malay trình diễn một vũ điệu, sau đó từng cô, theo nghi lễ cổ truyền tượng trưng cho lòng thành kính đối với khách, hai tay dâng tặng Hòa thượng Giác Nhiên, Linh mục Nguyễn Hữu Quảng, ông Trần Đông những cánh hoa tươi đủ mầu sắc.
Sau phần phát biểu chào mừng của đại diện chính phủ và đại diện phái đoàn, chủ và khách cùng tham dự bữa cơm trưa với những món hải sản nấu đúng hương vị dân bản xứ. Dừa tươi được mọi người yêu thích nhất. Nước dừa mát lạnh đã hạ được cơn khát do sức nóng hầm hập táp vào da mọi người.
Buổi lễ khánh thành bia tưởng niệm thuyền nhân diễn ra rất trang trọng ngay tại địa điểm có 4 con tầu từng là phương tiện để thuyền nhân vượt biển tìm tự do. Một trong 4 con tầu đã mục nát, chỉ còn những khung gỗ. Đây là sáng kiến của chính quyền Nam Dương nhằm lưu lại dấu tích của một giai đoạn lịch sử trên đảo Galang, khi hàng trăm ngàn người Việt Nam lao vào sóng dữ để trốn chạy một chế độ tàn bạo hòng tìm đất sống đúng với nhân phẩm con người.
Ngoài 4 con tầu nói trên, chính quyền trên đảo còn xây một nhà thờ Công Giáo, ngay trước sân là tượng Đức Mẹ Maria đứng trên một con thuyền bằng xi măng, biểu tượng lòng biết ơn của những người tỵ nạn được Đức Mẹ Nhân Từ cứu vớt trên biển Đông. Cạnh nhà thờ là ngôi chùa Phật Giáo với ba bức tượng Đấng Chí Tôn, trong đó một bức Tượng Phật Nằm trông hiền hòa, khoan thứ. Trên đỉnh đồi trong khoảnh đất từng là Galang 1 trước kia, một ngôi chùa khác, kích thước to lớn đã hoàn tất công trình xây dựng và do một số Tăng Ni người Hoa chủ trì.
Theo lời một Ni Sư, Galang có nhiều hiện tượng linh thiêng, nên rất nhiều du khách từ Trung Quốc, Đài Loan, Hongkong, Nhật đến đây, mang theo nhang đèn để cầu phước.
Những phụ nữ còn rơi lại nơi cầu Jetty.
Vài phút trước khi đoàn người rời Galang để lên tầu về lại Singapore, tin tức về một số phụ nữ Việt Nam đang sống tại cầu tàu Jetty trên đảo khiến mọi người xốn xang. Làm sao bây giờ? Làm sao đi thăm đồng bào mình, vì chiếc Wavemaster đang chờ để rời bến.
Theo lời Linh mục Cornelius Habakuk, một người Nam Dương gốc Hoa đã từng giúp thuyền nhân Việt Nam tại Galang nhiều năm trước, thì khi chính quyền quyết định đóng cửa trại tỵ nạn năm 1996, lúc đó còn khảng 100 phụ nữ bị rớt thanh lọc đang chờ ngày bị trục xuất về Việt Nam. Trước tình cảnh đáng thương đó, Linh mục Habakuk đã giúp những phụ nữ này lấy chồng người Nam Dương. Nhờ vậy, một số đã theo chồng qua các đảo khác sống, còn một số hiện buôn thúng bán bưng ngay cầu tầu Jetty. Linh mục Habakuk còn nhờ các cơ quan truyền thông Việt Nam loan báo tin này và tin về ông với hy vọng từ đó, ông có thể bắt lại được liên lạc với những thuyền nhân trước kia từng quen biết ông nhưng hiện nay đang sống rải rác ở các nước thứ ba.
Trời tối mịt, con tầu rú máy lao ra khơi, để lại Galang chìm lỉm phía sau trong bóng đêm âm u của rừng, của núi.
Đứng ở đuôi con tầu, kẻ viết bài tưởng chừng như vẫn nghe vang vọng đâu đây tiếng hát của một giọng nữ ngày nào trên đảo, bài tỵ nạn ca của Trần Quốc Bảo:
. . . . . . . . . . .
Đêm nay mưa trên đảo nghe nhớ quê nhà
Đường tạm dung, một mình ta lặng lẽ
Khẽ kêu tên ai nước mắt tuôn trào
Ôi Galang mưa rơi lạnh lòng
Trùng dương nào chia cách đôi ta…/.
ĐINH QUANG ANH THÁI
(Tháng ba/2005)