BÀN VỀ CÁI HÈN KHÔNG RIÊNG GÌ CỦA CA SĨ TUẤN NGỌC (Bùi Chí Vinh)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

March 09th. 2023

May be an image of 1 person, standing and text that says 'Trời vào thu... CHIỀU NAY buồn lắm em ơi!'

Về vụ ca sĩ Tuấn Ngọc đổi lời bài hát TÌNH BƠ VƠ của nhạc sĩ Lam Phương từ “Trời vào thu Việt Nam buồn lắm em ơi” sang “Trời vào thu chiều nay buồn lắm em ơi” thì quả không có gì biện minh được, ngoài chữ “hèn”. Bởi Tuấn Ngọc đã từng hát bài này nhiều lần ở hải ngoại mà không đổi lời, nhưng về Việt Nam hát kiếm danh kiếm tiền thì lại sửa lời trơ trẽn cho vừa lòng quan chức nào đó đang duyệt bài hoặc ngồi nghe phía dưới.
Coi, nước Việt Nam từ xưa tới giờ lúc nào mà không buồn. Trước 1975 thì buồn về nội chiến tương tàn, sau 1975 buồn vì thù trong giặc ngoài gặm sạch tài nguyên đất nước bỏ mặc cho dân tình đói khổ. Mà thí dụ nước Việt Nam không xảy ra những cảnh nồi da xáo thịt chó đẻ đó thì nỗi buồn của nhạc sĩ Lam Phương phải được giữ nguyên cho ông, tại sao lại sửa lời để nịnh bợ bưng bô ?
Xét về mặt nịnh bợ bưng bô thì không chỉ có trong âm nhạc mà các ngành nghề nghệ thuật khác cũng đều tự nguyện. Vừa qua cũng ngay trên FB này, tôi đã từng viết bài “GIẢI MÃ MỘT GIAI THOẠI VỀ TRỊNH CÔNG SƠN” chửi thẳng vào thái độ “hai mang” của ông ta khi ông ta đề nghị tôi tặng ông 4 câu thơ trong ngày sinh nhật ông, để ông treo lên tường nhà. Trời đất, tôi là một nhà thơ “bẻ kiếm ngang trời” đâu có chuyện ca ngợi một nhạc sĩ nhân cách tầm thường đổi màu từ nhạc vàng sang nhạc đỏ nhanh như chớp. Bởi vậy tôi đã đọc ông 4 câu về CHẤT ĐỘC HÓA HỌC khiến ông suýt ngất xỉu được bè bạn đem vô trong cạo gió. 4 câu như sau:
Gã nhạc sĩ VÀNG
Chơi ghi ta ĐỎ
Âm nhạc từ đó
Biến thành DA CAM !
Khỏi phải nói, ai cũng biết trong hội họa thì màu vàng pha màu đỏ sẽ biến thành màu da cam. Mà chất độc màu da cam trong âm nhạc tác hại lâu dài ra sao thì miễn bàn.
Qua cái hèn của Trịnh Công Sơn trước đây và Tuấn Ngọc bây giờ, chúng ta càng thấy người nghệ sĩ, người cầm bút cần phải giữ mình hơn bao giờ hết, chứ đừng vì ba cái bã hư danh mà bán rẻ tài năng (nếu có) và lòng tự trọng.
Cũng khỏi phải nói đâu xa mà nói ngay trường hợp chính tôi. Đó là chuyện xảy ra trong một bữa tiệc mừng huân chương lao động của Nhà Xuất Bản Kim Đồng cách đây khá lâu. Trong tiệc, tôi và vợ tôi ngồi cùng bàn với ông Nguyễn Thắng Vu, nguyên Giám đốc NXB kiêm Chủ tịch Hội đồng xuất bản hiện thời. Sau màn tay bắt mặt mừng, ông Nguyễn Thắng Vu mời bà Phạm Phương Thảo, Phó Bí Thư Thành Ủy kiêm Chủ tịch Hội Đồng Nhân Dân TP đến gặp tôi tại bàn. Qua vài câu chào hỏi xã giao, ông Vu chửi thẳng vào mặt bà Thảo trước mặt các quan chức: “Bà bảo Bùi Chí Vinh là thằng có tư tưởng phản động không có lợi cho NXB. Bà không cho phép tôi được sử dụng Bùi Chí Vinh. Nhưng qua những gì Bùi Chí Vinh đã làm việc và tự vươn lên để nổi tiếng thì tôi thấy Bùi Chí Vinh không phải như những gì bà đã áp đặt cho chúng tôi. Bùi Chí Vinh không có NXB Kim Đồng vẫn tiếp tục lừng danh với hàng loạt kịch bản phim nhựa ra mắt toàn quốc và quốc tế, được công chúng lẫn dư luận trong và ngoài nước thừa nhận. Vậy bà và các đồng chí của bà nghĩ sao ?
Trước phát biểu của ông Nguyễn Thắng Vu, bà Phạm Phương Thảo quay sang tôi đánh trống lảng “Bùi Chí Vinh cứ tiếp tục viết truyện thiếu nhi, và chỉ nên viết truyện thiếu nhi thôi, đừng nên viết những gì khác”.
Hai phát biểu của hai nhân vật đã nói lên khá nhiều điều. Tôi bừng tĩnh hiểu mối quan hệ tỉnh cảm của tôi với NXB Kim Đồng cứ phai nhạt dần, vì sao bộ truyện NĂM SÀI GÒN đang phát hành trôi chảy đến tập 40 bỗng bị NXB yêu cầu tác giả ngưng viết (cho dù trên thị trường sách cả nước lúc đó, bộ NĂM SÀI GÒN đang là bộ sách bán chạy nhất). Tất cả chỉ vì NXB Kim Đồng quá sợ quy chụp tư tưởng của bọn quan chức đầu não địa phương. Cũng may, vâng, cũng may khi về hưu ông Nguyễn Thắng Vu còn một chút đởm lược và dũng khí, còn dám chửi thẳng mặt một trong vài kẻ gây tai họa cho tôi và cho văn học nước nhà.
Tối thiểu thì ông Vu cũng không hèn như Trịnh Công Sơn hoặc như Tuấn Ngọc:
Trăm năm bia đá thì mòn
Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ !
BÙI CHÍ VINH