Hồi Ký của Nguyễn Kim Dần (Bài số 5)
Ba vấn đề nhức nhối của Đệ Nhị VNCH.
(1 tháng 11 năm 1967 – 30 tháng 4 năm 1975)
Trong cuộc chiến vừa qua (miền Nam tự vệ, chống cuộc xâm lăng của CS miền Bắc). VNCH đã bị các vị dân cử (Dân Biểu Thượng Nghị Sĩ) cũng như những hệ thống truyền thông (báo chí, radio, TV…) của Hoa Kỳ và một số Quốc gia chỉ trích 3 vấn đề :
1) Vấn đề “an trí” tại VNCH
2) Vấn đề “200.000 tù nhân chánh trị tại VNCH”
3) Vấn đề “Cải Huấn của VNCH”.
Nếu ai ở tuổỉ 55 trở lên và theo dõi tình hình chánh trị của Đệ Nhị VNCH, chắc không quên là VNCH đã bị các vị dân cử (Thượng Nghị Sĩ, Dân Biểu) của các Quốc gia trong thế giới tự do (nhất là Mỹ) cùng những hệ thống truyền thông trên thế giới, cùng giới sinh viên phản chiến ( Ngoại Quốc) đã đả kích VNCH ba vấn đề sau đây :
1) Vấn đề an trí tại VNCH, tôi xin nói qua về vấn đề này: Cơ quan an ninh của VNCH như cảnh sát, an ninh quân đội thấy người dân nào có những hoạt động cho CS (tiếp tế cho CS, như gạo, thuốc tây .v.v) hay làm tình báo cho CS; Những tội này bị cơ quan an ninh của VNCH bắt được với những bằng chứng, các người này không bị truy tố ra toà mà ra một hội đồng gọi là “Hội đồng An Ninh Tỉnh” thành phần gồm có : Ông Tỉnh Trường là Chủ Tịch, các Hội Viên gồm có, 1 Nghị Viên Hội đồng tỉnh, Trưởng Ty Cảnh Sát, Trưởng Ty An ninh quân đội và Trưởng Ty Nội An thuộc Tòa Hành Chánh, ngoài ra còn có ông Biện Lý Tỉnh làm cố vấn, nếu tỉnh nào không có toà án thì toà án qủan hạt (nghiã là ở tỉnh bên cạnh) cử ông Biện Lý tham dự. Hội đồng này nghe một Cảnh sát làm thuyết trình viên, người này đọc các văn kiện liên quan đến tội trạng của mỗi can phạm, sau đó Hội đồng phán quyết 6 tháng an trí (gọi là an trí tránh chữ đi tù) 12 tháng, 18 tháng và tối đa là 2 năm (nhưng hết 2 năm, Tỉnh có quyền xin trung ương gia hạn an trí thêm một thời gian nữa). Vấn đề này bị chỉ trích là không dân chủ, các can phạm phải do một toà án phán xét.v.v…và phải có luật sư bào chữa.
2) Vấn đề 200.000 tù nhân chánh trị. Các hệ thống truyền thông (báo chí, truyền thanh, truyền hình ngọai quốc) không biết căn cứ vào tài liệu nào, lấy con số ở đâu mà tố cáo VNCH giam giữ tới 200.000 tù nhân chánh trị. Rồi căn cứ vào tài liệu bịa đặt mơ hồ đó, các Dân Biểu, Thượng Nghị Sĩ các nước đả kích VNCH là độc tài, không có dân chủ v.v.
3) Vấn đề cải huấn tại VNCH. Cũng trong chiều hướng làm cho VNCH mất uy tín, hệ thống truyền thông ngọai quốc tố cáo chính sách cải huấn của VNCH là vô nhân đạo, các nhà tù thiếu vệ sinh, ăn uống không đầy đủ, thậm chí tụi báo chí còn nói VNCH giam giữ tù nhân vào những “Chuồng cọp” thế là cả một chiến dịch loan truyền vấn đề “chuồng cọp” được phổ biến mau lẹ (Theo trí nhớ của người viết thì tên ký giả bịa đặt này tên là Don Luce). Tất nhiên mấy ông đại diện dân ở các nước tự do tin là thật để rồi kết tội VNCH…..
Trên đây là ba vấn đề mà VNCH bị chỉ trích nặng nề nhất, giới truyền thông thì khai thác, giới phản chiến thì ủng hộ những sự bịa đặt đó, các ông Dân Biểu (ngoại quốc) thì chất vấn chánh phủ VNCH và đe dọa cắt viện trợ. Sự kiện này kéo dài cả chục năm… Người viết rất ngạc nhiên là VNCH có nhiều cơ quan có trách nhiệm phải có phản ứng để làm sáng tỏ vấn đề, thí dụ Bộ Nội Vụ, Bộ Thông Tin, Bộ Ngoại Giao, Tổng nha Cảnh Sát, Tổng Nha Cải Huấn…. nhưng không có một Bộ hay cơ quan nào viết ra được một tài liệu để phản bác, nhất là VNCH thiếu gì nhân tài, Bộ nào, Tổng nha nào cũng có chuyên viên, những lý thuyết gia, những Tiến Sĩ tốt nghiệp chánh trị, luật pháp ở các trường danh tiếng của ngoại quốc, nhất là Đại Học Mỹ, Pháp, Anh.v.v….
Cách đây vài ngày, trong một buổi tối, tôi ngồi với chiếc computer, tình cờ tôi bắt gặp một “clip” tức là một đoạn phim ngắn, nội dung là một đài truyền hình (nói tiếng Việt) nào đó phỏng vấn Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng, người cố vấn thân cận của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu (nhất là vào những giờ chót của VNCH), tôi không nghe được người phỏng vấn đặt câu hỏi như thế nào mà chỉ nghe lời Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng (với hình ảnh, tiếng nói rất rõ) nói những điều đại ý như sau : “Vào cuối tháng 2 năm 1975 thay vì trả lời thư của TT/Thiệu (vấn đề viện trợ 300 triệu dollars) Tổng thống Ford cho một phái đoàn Dân Biểu của Hoa Kỳ ước lượng độ 28 vị sang (VN) (nguyên văn) : rất ê chề thay vì viện trợ, họ ngồi thẩm vấn TT/Thiệu như ở toà án : sao bắt tù nhân chánh trị, sao xây chuồng cọp……(TS/Hưng nhắc lại nhiều lần là TT/Thiệu bị thẩm vấn như ở toà án) và TS Hưng cũng nói nhiều lần là TT/Thiệu đau đớn lắm (cũng nhắc nhiều lần chữ đau đớn), các vị Dân biểu này họp với TT/Thiệu (tất nhiên chung quanh TT/Thiệu có nhiều Bộ Trưởng, chuyên viên và các Cố Vấn, trong đó đương nhiên là có TS/Hưng . Theo lời TS/Hưng thì 28 vị Dân Biểu.( các dân Biểu đòi đi “coi chuồng cọp”, khám Chí Hòa v.v. Rồi tuyên bố, gặp gỡ với báo chí. Muốn kiểm chứng điều này có thể đánh chữ ‘ VNCH nguyen tien hung’ vào YOU TUBE sẽ xem được đoạn phim này. Tôi vừa mở xem lại trước khi viết bài này…..
Theo TS/Hưng thì TT/Thiệu có nói với TS/Hưng là phái đoàn này không có tinh thần đồng minh. Đến tối ngày 28/2/1975, có bữa tiệc khỏan đãi phái đoàn Dân Biểu về lại Hoa Kỳ, vì qúa tức giận và đau đớn. TT/Thiệu đã nói như sau (TS/Hưng nói là lời nói sau là do TT/Thiệu tự ý nói, không phải do TS/Hưng soạn trước) : “Tiếng Việt Nam của chúng tôi có câu ” của cho quan trọng, nhưng cách cho còn quan trọng hơn, xin qúy vị đem thông điệp này về Washington”. Theo lời TS/Hưng thì khi ngồi cạnh TT/Thiệu, TS/ Hưng chỉ sợ TT/Thiệu nói thêm những điều gì nặng nề thì rất bất lợi…..Rồi sáng hôm sau, TT/Thiệu có nói (đại ý) với TS/ Hưng là tuy mình nghèo, nhưng không thể ném tiền vào mặt mình như vậy được, không cần….nghèo thì nghèo.
TS/Hưng kể là cuối năm 1979 đầu 1980, nhân sắp đến ngày 5 năm CSVN chiếm được Miền Nam, có nhiều báo nổi tiếng của Mỹ, Pháp xin phỏng vấn TT/Thiệu, rút cuộc không biết ai cố vấn TT/Thiệu, TT/Thiệu chọn một tờ báo Đức, theo TS/Hưng thì TT/Thiệu chọn tờ báo Đức cốt ý là cho Kissinger đọc vì Kissinger người Mỹ gốc Đức. Trong bài báo TT/Thiệu trách Mỹ đã phản bội….Qủa nhiên vài tuần sau, Kissinger viết thư cho TT/Thiệu “Thanh Minh thanh nga; tại vì ..tại vì… Trong bài báo này TT/Thiệu có viết:” Người Mỹ chỉ thích dùng những người để sai bảo, tôi (Tổng Thống không phải là người để sai bảo, Quốc Hội VNCH không phải để sai bảo và dân tộc VN không phải là dân tộc để sai bảo….). Kissinger kết luận : Tôi công nhận sau cùng Ngài đã đúng. Sau đó TT/Thiệu có nói với TS/Hưng là không trả lời Kissinger.
Sau khi xem “clip” trên tôi rất tiếc là thực ra VNCH cũng đã trả lời 3 vấn đề nêu trên (có tài liệu từ cuối tháng 12/1974), rất tiếc là TS/Hưng và TT/Thiệu không được đọc và những người cố vấn cho TT/Thiệu không phải là những người sáng suốt, có trí nhớ tốt và không biết cách phản ứng mau lẹ. Tôi xin kể một chuyện có thực 100% và tôi không đem cái”TÔI” ra để đánh bóng cá nhân, nay, nước mất nhà tan, tuổi đời coi như vào buổi hoàng hôn rồi thì cái “Tôi” đâu có nghĩa lý gì…Nhất là câu chuyện này có nhiều nhân chứng, tôi chỉ kể sự thật:
Sau 4 năm làm Phó Tỉnh Trưởng Phú Bổn tôi xin thuyên chuyển về Bộ Nội Vụ, tôi về Bộ NV vào đầu tháng 11/1974
Giữa tháng 11 năm 1974, tôi được bổ nhiệm làm chuyên viên. Khi nhận việc, tôi cũng chẳng biết văn phòng chuyên viên ở đâu, cũng chẳng biết hết mặt các ông chuyên viên, chỉ biết vài người, bàn ngồi thì tôi thấy Nha Chánh Trị có nhiều bàn trống, lại gần cửa ra vô thì tôi ngồi ở Nha Chánh trị….Giám đốc là Trần Hồng, bạn Khóa 8 QGHC với tôi (nhưng tôi không làm việc dưới quyền Trần Hồng ); Công việc thì nhận trực tiếp từ ông Huỳnh Ngọc Diệp, Phụ Tá Tổng Trưởng. Thời gian đó VNCH đang cử những phái đoàn đi ngoại quốc để xin viện trợ, nhất là Mỹ, nhưng VNCH vẫn bị đả kích nặng nề về 3 vấn đề nêu trên (Vấn đề an trí, vấn đề 200.000 tù nhân chánh trị, vấn đề cải huấn).
Một buổi sáng khoảng cuối tháng 11/1974 ông Huỳnh Ngọc Diệp cho mời tôi lên và nói là cần phải có bài (tài liệu) trả lời những điều chỉ trích nêu trên, ông HNDiệp giao cho tôi viết một một đề tài. Chuyên Viên Sang (tốt nghiệp QGHC, Đốc Sự) viết một đề tài, còn đề tài Cải Huấn thì đương nhiên Tổng Nha Cải Huấn phải viết. Cũng xin lưu ý là theo Tổ chức HC của VNCH thì Tổng Nha là một bộ phận rất lớn của một Bộ, nhiều Nha (nhiều Giám Đốc) có đủ chuyên viên, thanh tra…tóm lại là quy tụ nhiều nhân tài.
Sau khi nhận một đề tài,…..Tôi nghĩ là phải “khoá miệng” tụi này (Dân Biểu,Thựơng Nghị Sĩ, giới truyền thông.v.v.) cho không cãi lại được. Bao giờ viết một đề tài, tôi thường nghĩ 1) Phần mở đầu (mở bài) 2)Phần giữa (đi vào điểm chính, phần này cần tài liệu chứng minh) 3) Phần phản công, đả phá những điều chỉ trích hay chứng minh chính sách của mình là đúng. 4) Phần kết luận (rất ngắn chỉ khoảng vài giòng. Tất nhiên phải đặt câu hỏi : Ai đọc tài liệu này để biết phải viết dài hay ngắn.. đã biết đối tượng sẽ đọc, tôi trù tính là chỉ viết một trang đánh máy là dài nhất, vì các đối tượng họ không có thời giờ đọc, tất nhiên tài liệu phải cô đọng và lập luận vững, sự kiện đưa ra phải chứng minh, có bằng cớ rõ ràng, mà người đọc không phản bác lại được, nhất là phần trả lời phải cho địch thủ, kẻ chỉ trích phải câm họng.
Tôi mất khoảng vài ngày để viết đề tài mà tôi nhận lãnh, dài độ một trang đánh máy. Tôi nộp cho ông Phụ Tá HNDiệP. Rồi lần lượt chuyên viên Sang, Tổng nha Cải Huấn cũng nộp bài viết cho ông HNDiệp sau tôi độ một tuần. Đề tài của tôi được ông Diệp đọc và không có phản ứng gì….nhưng khi hai đề tài do Chuyên viên Sang và Tổng Nha Cải Huấn nộp cho ông Diệp được mấy ngày thì ông Diệp cho mời tôi lên và nói : Ông chuyên viên Dần mang hai đề tài của ông Sang và của Tổng Nha Cải Huấn về sửa giùm vì họ viết dở qúa, (tôi cũng không biết nội dung hai bài viết của ông Sang và của Tổng Nha Cải Huấn).Tôi trả lời ông Diệp: Thưa ông Phụ Tá: Tôi không bao giờ sửa văn của người ta. Thế là đơn giản, ông Diệp nói : Thế thì ông Dần viết lại hai đề tài kia: Rút cuộc tôi lãnh viết cả ba đề tài, theo tôi thì ba đề tài đó không có gì là khó đối với những người có một kiến thức tổng quát khá và thuộc lịch sử cận đại đồng thời có tài liệu đầy đủ về : Vấn đề an trí, cải huấn, tù nhân chánh trị, mà rất may Bộ Nội Vụ VNCH giữ đủ tài liệu để giúp người viết.
Ba đề tài tôi thấy giống nhau ở những điểm sau : 1) Đề tài nào cũng chỉ cần viết một trang đánh máy là đủ (vì họ không có thì giờ đọc). 2) Phần mở đầu và phần kết luận cũng giống nhau, tuy nói vậy nhưng ta phải thay đổi cách hành văn một chút. Chỉ có phần giữa thì 3 đề tài có những điểm khác nhau (có sẵn tài liệu do Bộ Nội Vụ cung cấp).
1) Mở đầu đề tài bao giờ tôi cũng bắt đầu như sau: Việt Nam Cộng Hoà đã chọn đứng trong hàng ngũ các nước Tự do, và thường được gọi là tiền đồn của thế giới Tự Do, vì thế tất cả những chính sách của VNCH đều phải tôn trọng những công ước quốc tế về tự do dân chủ nhất là tôn trọng bản Quốc Tế nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, dù rằng VNCH chưa được thu nhận làm Hội viên của LHQ. VNCH cũng có bản Hiến pháp do đại diện người dân soạn thảo và bản hiến pháp cũng bảo vệ quyền căn bản của người dân (hành pháp, lập pháp, tư pháp độc lập với nhau. v. v. )
Đó là mấy giòng mở đầu cho ba bài viết, tất nhiên mỗi bài phải thay đổi một chút, nhưng ý chính vẩn giữ nội dung như vậy.
2) Phần thi hành chính sách. Có 3 vấn đề VNCH bị đả kích:
A) Vấn đề An trí của VNCH : Tôi biện luận như sau : Đây là biện pháp có tính cách Hành Chánh, người nào làm những điều có lợi cho CS hay hoạt động cho CS nếu có bằng chứng rõ ràng phải ra Hội Đồng An Ninh Tỉnh, tùy theo tội trạng nặng nhẹ người này sẽ bị gởi đi an trí có thời gian nhất định, 6 tháng cho tới tối đa 2 năm, can phạm cũng được hưởng “lưỡng cấp tài phán” (nghĩa là được cứu xét 2 lần ở 2 cấp) tại Tỉnh phán xét thời gian an trí, nhưng hồ sơ gởi về Trung ương ( Bộ Nội Vụ) để duyệt xét một lần nữa, và Hội đồng cứu xét gồm có Bộ Nội Vụ, Nha Cảnh sát, Nha cải huấn và một vị Chánh án cao cấp của Toà Thượng thẩm làm cố vấn. Sở dĩ gọi vấn đề an trí có tính cách Hành Chánh vì người can phạm không bị ghi trong hồ sơ lý lịch như khi bị toà án xét sử, nghĩa là sau khi mãn hạn an trí người can phạm lại trở lại đời sống bình thường , lý lịch không còn ghi tội phạm gì nữa (khác với Toà Án là khi bị án ở Toà, can phạm mang lý lịch xấu suốt đời, không bao giờ được bôi bỏ), và lúc nào thân nhân cũng được thăm nuôi, người can phạm không bị lao động khổ sai, có phương tiện giải trí (chơi thể thao đọc báo xem TV.v.v.) như vậy chính sách An Trí của VNCH hoàn tòan có tính cách nhân đạo.
B) Vấn đề Cải Huấn của VNCH. Dân Biểu, Thượng nghị sĩ, giới truyền thông (nhất là Hoa Kỳ) đả kích VNCH về vấn đề cải huấn : Ăn uống không đầy đủ, thiếu vệ sinh nhất là một ký giả lại bầy đặt là giam can phạm ở các “Chuồng Cọp”, vấn đề chuồng cọp đã được khai thác triệt để. Cũng may mắn cho tôi là Bộ Nội Vụ giữ đủ tài liệu : Thống kê VNCH có bao nhiêu trại cải huấn, và trong vòng 2 năm qua các cơ quan hồng thập tự đã đi thanh tra bao nhiêu lần (có ghi ngày tháng đầy đủ), tôi dẫn chứng bằng những tài liệu như vậy nên không ai phủ nhận được, còn vấn đề “chuồng cọp”, tôi thách thức ký giả nào nêu ra vấn đề đó hãy chứng minh bằng hình ảnh, nơi có “chuồng cọp” và cho biết địa điểm để Bộ Nội Vụ hướng dẫn phái đòan báo chí đến quan sát “chuồng cọp”. Tôi kết luận đây là một sự tưởng tượng của một ký giả ‘Thiên Cộng’ để bôi xấu hình ảnh của VNCH.v.v. Tôi cũng viết thêm là trong những lần thanh tra của hội hồng thập tự quốc tế trong 2 năm không có phúc trình nào chỉ trích hay khuyến cáo nào về mọi khía cạnh của các trung tâm cải huấn của VNCH do hội hồng thập tự quốc tế công bố.
C) Vấn đề 200.000 tù nhân chánh trị của VNCH. Không biết họ lấy tài liệu ở đâu giới truyền thông tố cáo VNCH hiện giam giữ 200.000 tù nhân chánh trị…. Cũng may cho tôi là tài liệu của Bộ Nội Vụ thống kê hết các trại cải huấn trên toàn quốc và sức chứa của mỗi trung tâm, kết qủa là VNCH có nhiều trại cải huấn, tuy nhiên sức chứa tổng cộng chỉ được hơn 40.000 can phạm, căn cứ vào tài liệu này, tôi đã chứng minh là những người đả kích VNCH có 200.000 tù nhân chánh trị là hoàn toàn bịa đặt và phóng đại……(tất nhiên tôi phải liệt kê tài liệu một cách chi tiết họ mới tin).
Trên đây là phần trình bầy 3 vấn đề mà VNCH bị đả kích cùng những điều phản bác rất khiêm nhường của người viết, tất nhiên sau 36 năm tôi chỉ nhớ những nét chính và lúc tôi viết tài liệu này tuổi đời tương đối còn trẻ, đang ở tuổi gìa dặn, tất nhiên cách trình bầy sắc bén hơn nhiều, nay ở tuổi trên 70 thì đã trở nên chậm chạp và trình bầy lại không thể nào bằng văn bản cách đây 36 năm, xin Bạn đọc thông cảm. Sau đây là phần phản công để “khoá mồm” tụi nó. Xin bạn đọc xem phần quan trọng nhất và xem tôi có khoá miệng được tụi nó không ?
3) Phần phản công. Đầu tiên tôi trình bầy: VNCH đang ở trong hoàn cảnh chiến tranh, chống sự xâm lăng của CS miền Bắc, cuộc chiến tranh tự vệ này đã kéo dài khá lâu. Miền Bắc được cả một khối CS quốc tế viện trợ và ủng hộ về mọi phương diện, từ súng đạn, quân trang quân dụng và kể cả lương thực…….Trong khi VNCH được Hoa Kỳ và vài nước trong khối tự do viện trợ, tuy nhiên sự viện trợ giới hạn và bao giờ cũng đi sau Miền bắc, một thí dụ là khi CSVN (dưới hình thức Mặt Trận dân tộc giải phóng miền nam) được trang bị vũ khí cá nhân tối tân là AK47 thì quân đội VNCH hãy còn dùng Garant hay Carbine….(qúa lỗi thời), ngoài ra mỗi năm VNCH như phải đi “ăn xin” Hoa Kỳ… đồng thời các báo chí Tây Phương thay vì ủng hộ VNCH lại đi phóng đại bêu xấu VNCH thí dụ : Vụ Mỹ Lai, vụ Tướng Loan bắn tên CS.v.v Trong khi thì không nhắc gì đến thảm cảnh Tết Mậu Thân ở Huế (giết khỏang 6.000 dân vô tội). Trong hòan cảnh chiến tranh, bất cứ một quốc gia nào cũng phải thi hành những biện pháp đặc biệt để bảo vệ người dân và lãnh thổ của mình, VNCH cũng ở trong hoàn cảnh đó nghĩa là phải áp dụng những chính sách tương đối khe khắt như trên đã dẫn chứng.
Nhìn lại cuộc chiến tranh thế chiến thứ 2, các quốc gia Tây phương nhất là Mỹ và Canada còn áp dụng những biện pháp khe khắt hơn, mạnh bạo hơn, tàn nhẫn hơn để bảo vệ dân tộc và lãnh thổ của họ vì đang có chiến tranh : Cô lập, bắt tập trung, tịch thu tài sản của công dân đã có quốc tịch nơi họ đang sanh sống, không phân biệt già trẻ…chỉ vì họ là sắc dân đó có liên hệ tới cuộc chiến. Hành động như vậy các nước Hoa Kỳ, Canada nay chỉ trích VNCH là một điều không công bằng, ai đả kích VNCH hãy nhìn lại những chính sách của MỶ và những nước Tây phương trong thế chiến thứ 2.
(Chú thích của người viết ; Người viết không giám nói rõ đó là người Nhật, vì sợ chạm tự ái của họ (mình đang xin tiền) nhưng ai đọc cũng hiểu, vì là tài liệu giấy trắng mực đen ta phải viết vậy, nếu là đối thoại ta có thể hỏi các Dân Biểu Mỹ về điều này thì các Dân Biểu làm sao trả lời được…..Rất tiếc là khi gặp 28 vị Dân Biểu Mỹ vào cuối tháng 2/1975, các người chung quanh TT/Thiệu không có ông nào có tài liệu mà Bộ Nội vụ đã phổ biến) và cũng không ông nào có hiểu biết về thế chiến thứ 2 Mỹ đã làm như trên với dân gốc Nhật, chỉ cần một người nhắc TT/Thiệu về thế chiến thứ 2, Mỹ đã đối sử vời dân Mỹ gốc Nhật là có thể khoá miệng tụi Dân Biểu Mỹ !!!
Đó là phần phản bác, khó mà trả lời nổi, nên tôi nói là phải “khoá miệng” tụi này…..
4) Phần kết luận. Như đã viết, phần kết luận chỉ cần vài gìong; Tôi kết luận bài viết như sau: Cuộc chiến tại Việt Nam do CSVN chủ mưu, mục đích là chiếm miền nam, VNCH, trong tư thế phải bảo vệ lãnh thổ nên VNCH cũng phải áp dụng những chính sách đặc biệt để bảo vệ đất nước. Những ai đả kích VNCH về những chính sách nêu trên hãy kêu gọi miền Bắc ngưng xâm lăng miền nam, thay vì đả kích những chính sách của VNCH, lý do đơn giản là miền bắc ngưng xâm lăng, cuộc chiến sẽ chấm dứt và khi hết chiến tranh, VNCH không còn lý do để áp dụng những chính sách như trên. Tóm lại hãy kêu gọi miền bắc ngưng xâm lăng miền nam, mọi vấn đề sẽ được giải quyết. Hết
Phần nói rõ về thời gian
Tôi xin nói rõ thêm về thời gian :1) Tôi được bổ nhiệm làm Chuyên Viên bộ Nội Vụ giữa tháng11/1974. 2) Cuối tháng 11/1974 ông HNDiệp giao cho tôi 3 đề tài nêu trên để viết trả lời. 3) Tài liệu được hoàn tất kể cả dịch qua tiếng Anh, tiếng Pháp vào cuối tháng 12/1974. 4) Phái đoàn Dân biểu Mỹ đến VN vào cuối tháng 2/1975 và TT/Thiệu có tiếp phái đoàn này cũng vào khỏang cuối tháng 2/1975 và tối ngày 28 tháng 2/1975 TT/Thiệu khoản đãi phái doàn Dân Biểu Mỹ để tiễn họ ra về (có lẽ họ về ngày hôm sau 29 tháng 2/1975) 5) Tức là tài liệu đã có trước 2 tháng phái đòan Dân Biểu Mỹ tới Saigon.
…………………………
1) Sau khi hoàn tất 3 tài liệu kể trên, ông Huỳng Ngọc Diệp rất qúy mến tôi và nói với Trần Hồng, Giám Đốc Nha Chánh Trị, cũng là bạn cùng khóa 8 QGHC, ông Diệp khen tôi hết lời, nhưng tôi không muốn nhắc lại ở đây. Từ đó ông HNDiệp biết khả năng của tôi, nhưng cũng là cái vất vả của tôi vì vấn đề gì ông cũng bắt tôi phụ trách; Đi họp Liên Bộ; Đi nghe thuyết trình rồi về Bộ thuyết trình lại, làm Trưởng ban nghiên cứu các hồ sơ can phạm trước khi Ủy Ban an ninh trung Ương họp (Tôi phải đọc hết hồ sơ và cho ý kiến).
2) Tài liệu này ngay sau đó được dịch qua tiếng Anh, tiếng Pháp, các Dân Biểu VN, các Bộ của VN nghe tin là Bộ Nội Vụ có 3 tài liệu rất hay nên kéo đến Bộ Nội Vụ xin tài liệu này.
3) Tình cờ một hôm tôi đang ngồi ở Bộ Nội Vụ (Nha Chánh Trị) tôi thấy ông anh ruột tôi làm Chủ Sự phònh Huấn Luyện Nha Cải Huấn (khoá 13 Thủ Đức được giải ngũ, VNCH có quy định, các Sĩ Quan có bằng Tú Tài, sau khi giải ngũ đương nhiên được nhập ngạch Tham Sự, anh tôi ở trường hợp này), tôi hỏi ông anh tôi đi đâu? Anh tôi trả lời là đi qua mượn tờ Stencil (VN lúc đó chưa có máy photocopy nên quay bằng stencil nếu muốn có nhiều bổn) để quay thêm về đề tài Cải Huấn mà Bộ Nội Vụ vừa viết song. Ông anh tôi nói tiếp, Đại Tá Tiếp Tổng Giám Đốc Tổng Nha Cải Huấn bị ông Huỳnh Ngọc Diêp cằn nhằn vì đề tài của Nha cải huấn mà Nha Cải Huấn không viết nổi, Đ/T Tiếp cũng tỏ vẻ bực bội với mấy ông lớn (Giám Đốc, Thanh tra, Chuyên Viên Nha cải huấn vì làm mất mặt Nha Cải Huấn, không viết nổi đề tài của mình (anh tôi chỉ là Chủ Sự đâu có khả năng viết, nên không có trách nhiệm). Tôi chỉ thị cho Chủ Sự (tên Thức) của Nha Chánh Trị tìm và trao tờ stencil cho anh tôi, đồng thời tôi cũng nói nhỏ
cho anh tôi biết là tôi viết tài liệu đó (hiện anh tôi đang cùng ở City với tôi).
4) Tôi ngạc nhiên là khi TT/Thiệu họp với 28 Dân Biểu Mỹ mà không người nào trong phái đoàn VN ngồi bên cạnh TT/Thiệu biết được tài liệu đó ? Mà nếu không có tài liệu đó thì các Cố vấn, Bộ Trưởng, Chuyên Viên của TT.Thiệu cũng phải biết những điều căn bản để cố vấn TT/Thiệu phản ứng với phái đòan Mỹ. Tại sao các sự kiện thông thường như vậy mà các ông ấy không biết, trong khi tôi chỉ là một chuyên viên tầm thường của Bộ Nội Vụ có thể trả lời được những lời chỉ trích ?
5) Tháng 5 năm 1980 tôi vào định cư tại Canada (sau cuộc vượt biên ly kỳ), Anh Trần Hồng (ở Washington DC) có gọi điện thoại cho tôi, ngoài vấn đề hỏi thăm sức khỏe v.v. Đặc biệt anh Trần Hồng nhắc lại chuyện xưa….Anh Trần Hồng nói: Ông Hùynh Ngọc Diệp vẫn nhắc tới “Toi”, “Moi” cho số điện thoại của ông Diệp để “Toi” nói chuyện với ông Diệp, ông ấy vẫn cảm mến “Toi” lắm…ông Diệp cũng ở đây; Tôi trả lời: Thôi anh Hồng ơi chuyện cũ đã qua nhắc lại làm gì……Thế là tôi không nói chuyện với ông Diệp. Đến năm 2006 khoá 8 QGHC của chúng tôi có họp Đại Hội ở Washington DC, nhân dịp này tôi gặp lại anh Trần Hồng và tôi hỏi về ông Huỳnh Ngọc Diệp, anh Hồng trả lời tôi là ông HNDiệp chết cách đây 1 năm (tức là 2005).
5) Nếu ai muốn nghe một đoạn cuộc họp báo của TSHưng thì đánh vào “You Tube ” chữ : “VNCH nguyen tien hung” là tìm ra….
6) Cách đây khoảng 6, 7 năm chánh phủ Canada mới chính thức ra môt văn thư xin lỗi người Nhật về sự tập trung, tịch thu tài sản trong thời gian thế chiến thứ 2 (Coi như 70 năm sau mới có lời xin lỗi) và hứa là sẽ bồi thường.. nhưng già, chết hết rồi còn đâu mà bồi thường.
…………………………
Một đoạn bài phỏng vấn Đại tá Noboru Masuoka (gốc Nhật), người đã đem Đại Tá Bùi Quyền, Thiếu Tá Nguyễn Quý An và nhà thơ Nguyễn Chí Thiên qua Mỹ.
NM : …… Đời tôi đã có những lúc thăng trầm, và bên Mỹ này, đời không phải lùc nào cũng tươi như hoa hồng cho người Mỹ gốc Á Châu, vào thập niên 30 và qua thập niên 40, và đặc biệt trong giai đoạn Đệ Nhị Thế Chiến. Có lúc tôi cũng bị bỏ vào trong trại bởi vì cha mẹ tôi đến từ Nhật Bản.