Ai chia rẽ nội bộ, gây mất đoàn kết?

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail
Tue, 09/15/2015 – 12:23 — VietTuSaiGon

Đảng Cộng sản Việt Nam luôn giữ luận điệu “Kẻ phản động, chia rẽ nội bộ, chia rẽ dân tộc, gây mất đoàn kết trong nhân dân” để chỉ “những thế lực thù địch” gồm những nhà hoạt động dân chủ, những người tìm hiểu, nghiên cứu và áp dụng mô hình xã hội dân sự cho bản thân, gia đình và thân hữu của họ. Trong thực tế, ai là kẻ chia rẽ nội bộ, gây mất đoàn kết dân tộc? Đây là câu hỏi cần được trả lời khách quan và thỏa đáng!
Thứ nhất, nói về những người mà đảng Cộng sản luôn xếp vào diện “chia rẽ nội bộ, chia rẻ dân tộc, gây mất đoàn kết…”. Họ đã làm gì? Và họ có thật sự gây mất đoàn kết hay không?
Cho đến thời điểm hiện tại, những nhà hoạt động và phổ biến dân chủ, khai thị cho nhân dân, cộng đồng khái niệm “xã hội dân sự” để từ đó, cộng đồng, dân tộc hình dung ra một xã hội mà sự tham ô, tính cửa quyền hay chuyên quyền, độc đoán và dốt nát được giảm thiểu đến mức tối đa.
Ngoài những yếu tố trên, các nhà hoạt động dân chủ còn tổ chức những nhóm thiện nguyện, giúp đỡ người nghèo, chia sẻ với trẻ em miền núi từng chiếc áo, từng ký gạo, gói mì tôm và dạy cho trẻ em cái chữ, tặng sách cho những em học sinh nghèo, thậm chí tặng ciment, xây nhà cho những gia đình không có nhà. Tất cả kinh phí để thực hiện điều tốt đẹp này đều do tự thân vận động, bằng cách này hay cách khác nhưng chắc chắn là không đụng chạm đến ngân sách của nhân dân và càng không lợi dụng nhân dân.
Ngoài ra, phổ biến ý thức dân chủ, gieo vào nhân dân tư duy dân chủ, tư tưởng dân chủ và phác họa ra một mô hình xã hội mà ở đó, con người được đối xử công bằng, giá trị phẩm hạnh được coi trọng, tinh thần thượng tôn pháp luật được đề cập, ý thức cộng đồng được nhắc đi nhắc lại nhằm nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí và phục vụ dân sinh… Đương nhiên là mô hình này không nằm trong chủ trương, đường lối của đảng Cộng sản. Chính vì vậy mà họ xếp những người hoạt động dân chủ vào thành phần phản động, gây mất đoàn kết dân tộc.
Thử nghĩ, mang gạo, vượt gian khổ, đem cái chữ, đem ánh sáng văn minh nhân loại đến cho mọi người, cùng chia sẻ và thương yêu là “gây mất đoàn kết dân tộc” thì cách nào gọi là giữ đoàn kết dân tộc?
Người Cộng sản đã giữ đoàn kết dân tộc bằng cách nào? Và đó có phải là đoàn kết?
Cuộc đấu tố của những năm giữa thập niên 1950 và kéo dài gần mười năm đã để lại hàng triệu cái chết oan khuất và lòng thù hận kéo dài từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Cuộc chiến tranh Nam – Bắc kéo dài hai mươi năm, nồi da xáo thịt, và sau đó năm mươi năm, những tấm bia căm thù vẫn tiếp tục dựng lên khắp đất nước. Những bài học về lòng căm thù Mỹ – Ngụy vẫn còn đầy rẫy trong các trang sách giáo khoa xã hội chủ nghĩa.
Sự phân chia đẳng cấp theo lý lịch và quyền lợi cơ bản của người dân cũng bị xét theo lý lịch, kiểu phân biệt “con nhà có công” với “con nhà ngụy quân, ngụy quyền” vẫn chưa bao giờ chấm dứt dưới thời đại Cộng sản xã hội chủ nghĩa.
Đó là mặt nổi, những nét rất khái quát trong cái gọi là “tinh thần đoàn kết xã hội chủ nghĩa” mà người Cộng sản đã khéo công gầy dựng. Nhưng, những thứ đó còn chưa đáng sợ bằng chiêu trò hiện tại, gọi là “lấy cây đậu nấu hạt đậu” của người Cộng sản.
Ai trấn áp những người đấu tranh chống bành trướng Trung Quốc ngoài công an và côn đồ? Đó có phải là cách lấy người Việt mang đi nhồi sọ, tẩy não để rồi khi thả ra, kẻ bị nhồi sọ quay sang cắn lại chính đồng bào ruột thịt của mình?
Vẫn chưa đáng kinh tởm bằng chuyện này, một chuyện rất phổ biến từ Bắc chí Nam. Đó là chuyện dẹp các khu chợ ở ngã ba làng. Chuyện này không phải mới xảy ra gần đây, cũng không hẳn nhà nước vô lý. Nhìn chung, những khu chợ này ảnh hưởng đến vấn đề giao thông không nhỏ.
Đó là nhìn xuôi, nếu nhìn ngược, những người bán ở chợ đầu làng thường khó khăn, không có vốn liếng và ngay cả phương tiện đi lại cũng rất chật vật. Chính vì nhiều khó khăn mà họ tìm cách mua mớ rau, con gà hay trái bí ra ngã ba đầu làng bán kiếm đồng lãi, lâu dần người ta tụ thành chợ.
Cách dẹp của nhà cầm quyền là dùng dùi cui, bình xịt hơi cay để giải tán chợ. Nhưng cách hiệu quả nhất là dùng ngay người trong làng đi dẹp chợ. Ví dụ như trong làng có những nhà chuyên vận chuyển hàng hóa bằng xe tải hoặc xe ba gác, rồi những nhà đại lý phân phối… Với các nhà này, cái chợ luôn là trở ngại lớn mỗi khi lưu thông. Thường thì nhà cầm quyền sẽ tổ chức cho những nhà này đứng ra dẹp chợ theo diện dân quân tự vệ cùng với một số thành phần bất hảo.
Vốn sẵn mâu thuẫn ngấm ngầm về quyền lợi nên chuyện dẹp chợ diễn ra nhanh chóng. Thử nghĩ, sau khi dẹp xong cái chợ thì tình làng nghĩa xóm giữa những nhà đi dẹp và nhà bị dẹp có còn? Đương nhiên là trước khi dẹp, đã có sự phân rã trong tình cảm giữa các gia đình này nhưng chưa đến mức vỡ bờ, khi nhà cầm quyền kéo họ vào cuộc mới đến độ vỡ bờ.
Câu chuyện dẹp cái chợ đầu làng chỉ là một đơn cử, ví dụ giữa hàng ngàn thứ đang xảy ra trên đất nước này. Từ chuyện mở đường cho đến cưỡng chế nhà đất, dẹp chợ, dẹp tiệm, dẹp quán, tịch thu bảng hiệu, đập phá đền đài lăng tẩm hay đập phá tịnh thất, chùa, trung tâm sinh hoạt tôn giáo… đảng Cộng sản đều lấy “cây đậu nấu trái đậu” , đều tạo ra một mối hiềm khích hoặc oán hận giữa nhân dân với nhau và họ làm như họ vô can.
Cho đến khi người dân căng thẳng, trả đũa với nhau thì họ lại đóng vai trò trung gian hòa giải để ăn tiền đút lót của đôi bên… Chuyện này đã thành cái vòng lẩn quẩn của Việt Nam. Vậy ai là kẻ chia rẽ đoàn kết dân tộc?!