Nhiều năm, các kho lương thực Hà Nội cạn kiệt, dòng người xếp hàng kín các cửa hàng mậu dịch. Gạo mốc trộn bo bo là điều không hiếm trong những ngày cả nước chạy ăn từng bữa.
Nhắc đến thời bao cấp, những thế hệ người Việt trải qua đều có nhiều chuyện bi, hài. 30 năm trôi qua, có người không muốn nhớ lại, cũng có người luôn nhắc nhở con cháu về sức chịu đựng, ý chí vượt khó đi lên.
Xếp hàng cả ngày
Những năm 80 của thế kỷ trước, tùy thuộc vào vị trí công việc, đặc thù nghề nghiệp mà cán bộ, công chức nhà nước cũng như người dân lao động được phát tem phiếu mua lương thực, thực phẩm với chế độ riêng.
Cán bộ cao cấp hưởng tiêu chuẩn đặc biệt A1; phiếu A dành cho bộ trưởng; thứ trưởng phiếu B; trưởng các cục, vụ, viện được hưởng phiếu C và có các cửa hàng phục vụ riêng tại phố Tông Đản, Nhà Thờ, Vân Hồ (Hà Nội)… Lúc bấy giờ dân gian có câu Tông Đản là của vua quan/ Nhà Thờ là của trung gian nịnh thần/ Đồng Xuân là của thương nhân/ Vỉa hè là của nhân dân anh hùng.
Cảnh xếp hàng mua rau thời bao cấp. Ảnh: John Ramsden.
Thiếu niên Hà Nội thời bao cấp như anh Nhân ngoài đi học còn có nhiệm vụ đặt gạch ghi tên, xếp hàng giữ chỗ mua gạo, rau, thịt, cá cho bố mẹ. Tem phiếu, sổ gạo trở thành nguồn sống của mỗi gia đình, chẳng may bị móc trộm thì đói cả tháng. Mỗi lần mua hàng xong, mẹ anh Nhân lại bọc hai thứ ấy bằng mấy lượt nylon rồi cất kỹ trong buồng hoặc bỏ vào hòm khóa lại.
Anh Nhân hay đùa rằng lứa 7X lớn lên thời ấy là “thế hệ lùn đi vì gánh nước”. Cậu bé Nhân hơn 10 tuổi sau giờ học là ba chân bốn cẳng chạy về lấy thùng sắt tây đi hứng nước sạch phân phối ở vòi công cộng đầu phố. “Thời ấy, xếp hàng lấy nước là cả một nghệ thuật, miệng thì cười toe toét nói chuyện với lũ bạn, chân thì đá cái thùng của mình lên trước để lấy cho nhanh”, anh kể.
Ngày nào mất nước là hàng dãy thùng xếp ngay ngắn trên phố để “xí” chỗ mà không thấy người đâu, nhưng chỉ cần có nước là ngay lập tức đông như chợ vỡ. Ai để thùng mà không có mặt là bị chen ngang. Cảnh xếp thùng lấy nước có khi từ mờ sáng hôm trước đến nửa đêm hôm sau. Vòi nước công cộng đông nghịt người là nơi vo gạo, rửa rau của các bà, nơi tắm của cánh đàn ông và trẻ con.
Nhắc đến hai từ “bao cấp”, ông Nguyễn Xuân Thành ở 57A Hàng Bồ (Hoàn Kiếm) rùng mình nhớ lại cảnh xếp hàng cả ngày, đến đi tắm, đi vệ sinh cũng phải xếp. Nhà ông 8 người, chen chúc ở căn phòng 9,6 m2. Cả ngõ 12 hộ dân chung một khu bếp, đến giờ thổi cơm là ồn ào như chợ. Nhà đun bằng dầu, nhà nấu bằng mùn cưa, người quạt, người thổi, khói bốc mù mịt, nhóm được bếp thì mặt cũng ám đầy muội than, ho sù sụ vì khói.
Hơn 100 nhân khẩu mà có 3 nhà vệ sinh công cộng. Sáng sớm mỗi người cầm tờ báo xếp thành hàng dài. Có người chờ lâu quá không chịu nổi, chạy lên nhà xong lúc sau thấy đi làm, còn giải quyết kiểu gì thì không biết.
Cân lợn bán cho hợp tác xã. Ảnh: TTXVN.
Đồng lương không đủ sống nên công chức, giáo viên ở thành phố rầm rộ nuôi lợn, nuôi gà như một cách cải thiện thu nhập. Nhà nhà nuôi lợn, người người nuôi lợn, nhà cao tầng tập thể cũng như nhà cấp bốn xập xệ. “Thủ trưởng lợn” được nuôi trong nhà tắm, nhà vệ sinh, được chăm bẵm cẩn thận, lợn ốm còn lo hơn chồng con ốm.
Phó giáo sư Văn Như Cương khi ấy là giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội. Đi Liên Xô về, ông bảo vệ thành công luận án và trở thành phó tiến sĩ, nhận lương 74 đồng mỗi tháng. Vợ chồng ông đi dạy chật vật nuôi ba đứa con. Gạt đi sĩ diện của trí thức, ông cũng nuôi lợn. Thức ăn là cuống rau, cám, bã rượu. Ông nhịn cả nước mắm phân phối để dành cho lợn mỗi khi kém ăn.
Mỗi tháng lợn tăng được vài kg, ông “quy thịt tính ra tiền” được hơn 70 đồng, đúng bằng lương ông thời ấy. Bạn bè đến chơi, thầy Cương bảo nhà có hai phó tiến sĩ, ông là một, con lợn là hai. Phó tiến sĩ Cương thi thoảng còn kêu ca, chứ “phó tiến sĩ” kia chỉ ăn và ủn ỉn.
Hồi ấy, nhiều nơi mời đi dạy thêm nhưng ông Cương quyết từ chối vì thấy “làm tiền” quá. “Có năm gần đến ngày giỗ bố, tôi không xoay được đồng nào làm mâm cơm mời họ hàng. Hết cách, thế rồi cũng phải đi dạy thêm”, ông kể. Xoay xở mãi, ông cũng lo mâm cơm cúng có rau và thịt, tích góp từ tiền dạy thêm và tem thịt của cả nhà một tháng.
Thời cả nước ăn mặc bằng tem phiếu, gạo mậu dịch nhiều khi mốc, hôi nhưng vẫn phải ăn. Có lần vợ đi xếp hàng mua gạo quá trưa chưa về, ông vay tiền hàng xóm để đong gạo chợ. Mặc cả xong, chuẩn bị trả tiền thì vợ hớt hải chạy ra bảo mua được gạo mậu dịch rồi.
“Bà bán gạo nài nỉ bảo thầy cứ thử ăn gạo này một lần xem có khác gạo mậu dịch không. Tôi bảo không, hồi nhỏ tôi từng ăn gạo này rồi, vẫn nhớ mùi cơm thơm lắm nhưng giờ thiếu tiền nên đành ăn gạo mậu dịch. Túng thiếu đến nỗi một cân gạo ở ngoài cũng không dám mua”, thầy Cương kể.
“Đẹp trai đi bộ không bằng mặt rỗ đi Lơ”
Những chiếc xe đạp Peugeot, Favorite, Supercub, Babetta được coi là “siêu xe” thời bao cấp. Xe mua về phải đi đăng ký số khung, rồi chờ công an cấp giấy chứng nhận sở hữu, cấp biển số. Anh chàng nào đi “siêu xe” đảm bảo tán gái bao giờ cũng thành công. Những tài sản giá trị trở thành câu cửa miệng Làm trai cho đáng nên trai/ Có Pha-vơ rít, có đài thắt lưng, hay Đẹp trai đi bộ không bằng mặt rỗ đi Lơ (Peugeot cá vàng)/ Mặt rỗ đi Lơ không bằng lưng gù đi Cub…
Giấy chứng nhận sở hữu xe đạp của ông Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Lịch sử Đảng. Những chiếc xe đạp như Peugeot, Aviac… có giá trị bằng cả cây vàng nên có giấy chứng nhận sở hữu như ôtô, xe máy hiện nay. Ảnh: Hoàng Phương.
Có năm, các kho lương thực ở Hà Nội cạn kiệt, cả nước chạy ăn từng bữa, ăn bo bo thay cơm. “Khi đó tôi đi học bên Liên Xô. Bọn trẻ ở nhà đang tuổi lớn, ăn bo bo đến ám ảnh. Có cái xe đạp của Tiệp Khắc giá trị nhất, thế là bố con ông ấy phải bán đi mua mấy chục cân gạo cầm cự”, bà kể.
Bà Nguyễn Thị Bạn (84 tuổi) trước là cán bộ xã Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội) dành dụm hơn 5 năm được một món tiền, nhờ cô cháu chuyên buôn đồ trên chợ Đồng Xuân mua cho chiếc Peugeot 430 đồng, giá trị bằng một cây vàng. “Cái cảm giác đi xe máy xịn hay ôtô sang bây giờ cũng thường thôi, không sướng bằng lần đầu tiên được đi xe Peugeot hồi đó đâu”, bà nói.
Một hôm, cậu cháu trai mượn xe đi tập làm xước. Xót của, bà Bạn đem chiếc Peugeot về, lau một lượt khăn ướt, thêm lượt khăn khô rồi… đóng hộp cất đi. Cách đây 10 năm, khi Bảo tàng dân tộc học mở cuộc triển lãm Cuộc sống Hà Nội thời bao cấp, chiếc Peugeot được bán cho bảo tàng với giá 3 triệu đồng. Giờ chiếc xe đang được trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội, vẫn còn nguyên.
Với hàng triệu người, thời bao cấp là một miền ký ức vừa muốn quên đi nhưng cũng thật đáng để nhớ. “Những năm tháng ai cũng khổ như nhau nên thấy cái khổ của mình bình thường lắm. Nhớ nhất có lẽ là tình cảm trong sáng của con người thời ấy và khoảng cách giữa giàu nghèo không quá xa xôi”, PGS Văn Như Cương nói.
Với mô hình quản lý kinh tế, xã hội tập trung, bao cấp, Việt Nam trải qua nhiều khủng hoảng. Mùa đông năm 1986, Đại hội VI của Đảng diễn ra từ 15 đến 18/12, Tổng bí thư Trường Chinh ra lời hiệu triệu “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”. Ông cùng đội ngũ lãnh đạo đất nước đã quyết định “bẻ lái”. Nhân dịp này, VnExpress đăng loạt bài về một thời khó quên trước, trong và sau Đổi mới.
Hoàng Phương