Trần Đại Quang và TT Obama
Đánh dấu giai đoạn thứ 3 hợp tác, đầu tháng 7/2015 TBT Nguyễn Phú Trọng là vị lãnh đạo tối cao của Đảng CSVN đã đến Mỹ hội đàm với TT Obama. Trong cuộc họp tại phòng Bầu dục Tòa Bạch Ốc ngày 7/7/2015, TT Obama nói rằng HK hết sức coi trọng mối quan hệ với VN và đề cao vai trò của VN ở khu vực Châu Á/Thái bình Dương. Đáp lại TBT Nguyễn Phú Trọng khẳng định: coi trọng việc phát triển quan hệ với HK là chủ trương nhất quán lâu dài của VN.
Sau cuộc hội đàm, hai bên đã ra “Tuyên bố tầm nhìn chung” khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi mối quan hệ “sâu sắc, lâu bền và thực chất”. Về thương mại, hai nước cam kết sẽ cùng các bên đàm phán khác nhanh chóng hoàn tất hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP. Đặc biệt, VN cam kết “thực hiện bất kỳ cải cách nào cần thiết” để đạt tiêu chụẩn cao của hiệp định TPP.
Về tình hình biển Đông, HK và VN đều cho rằng những hành động của TQ nhằm xác quyết chủ quyền của họ trên biển Đông, đặc biệt là các công trình xây đảo nhân tạo ở Trường Sa “đã gia tăng căng thẳng, xói mòn lòng tin, và đe dọa phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định”. Hai nước công nhận “sự cấp bách” của việc duy trì các quyền tự do hàng hải và hàng không bên trên vùng biển được quốc tế công nhận, yêu cầu mọi hành động trên biển Đông phải được tiến hành “tuân thủ luật pháp quốc tế”.
Hôm nay TT Obama đang hiện diện ở VN trong ba ngày để thảo luận với giới lãnh đạo, đưa mối quan hệ đối tác Việt Mỹ lên tầm cao (hợp tác chiến lược?) với quyết định đầu tiên là Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí với VN. Trước đây vào năm 2000 và 2006, Bill Clinton và George W.Bush là hai tổng thống đầu tiên của Mỹ đã đến thăm VN. Nhân sự kiện trọng đại này người viết xin đề cập đến quyển Thời Đại Của Tôi Cuốn II: Đời Tôi Trải Qua Các Thời Biến của Giáo sư Vũ Quốc Thúc đã được chuyển dịch sang Anh Ngữ kịp thời trong giai đoạn HK-VN bước vào giai đoạn hợp tác (7/2015). Bản dịch tựa đề My Epoch Book II: My Life Through The Wars nhằm giúp Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nghiên cứu về tính khả thi của các giải pháp chính trị do Giáo sư Vũ Quốc Thúc đề nghị. Giáo sư Thúc năm nay 96 tuổi đang sống ở Paris và chứng kiến một sự kiện lớn của lịch sử dân tộc trong thời đại 100 năm qua.
Theo Giáo sư Lê Đình Thông, thuật từ “thời biến” được dịch là The Wars, chưa diễn tả hết ý nghĩa sâu xa của tác giả.Thời biến, ngoài ý nghĩa loạn thời, còn có ý nghĩa là “biến đổi”. Phải chăng khi viết “thời biến” tác giả kín đáo bày tỏ tâm nguyện được gói ghém trong sách Kinh Dịch: “Cùng tắc biến, biến tất thông, thông tắc cửu”. Cùng tắc biến, sau khi đọc hồi ký của GS Vũ Quốc Thúc đối chiếu với hiện tình đất nước, ta vững tin rằng thế nào vận nước cũng sẽ đổi thay.
Đầu tháng Chạp năm 2010, ngưòi viết hân hạnh được Gs Vũ Quốc Thúc gởi tặng quyển Thời Đại Của Tôi -Cuốn I: Nhìn lại 100 lịch sử. Thời đại của tác giả là “Thế kỷ XX -một thế kỷ trong đó lịch sử dân tộc được đánh dấu bởi nhiều biến cố cực kỳ quan trọng. Sáu niên hiệu nổi bật trong ký ức của đại đa số dân Việt: ở mỗi thời điểm đã có một biến cố lịch sử quan trọng đối với toàn thế giới -1918, 1939, 1945, 1989- hoặc riêng với nước ta -1954, 1975. Năm 1989, một biến cố không ai đoán trước đã đột ngột xẩy ra. Bức tường Bá Linh bị phá bỏ. Các chế độ Cộng sản Đông và Trung Âu theo nhau sụp đổ. Tiếp đó là sự tan rã của chính Liên Bang Xô Viết. Hoa Kỳ đương nhiên trở thành đệ nhất siêu cường, giữ địa vị bá chủ thực tế của thế giới. Khỏi cần nói là tình trạng mới nầy đã và đang tác động trên tâm trạng của nhân dân nước ta. Tương lai đất nước tùy thuộc rất nhiều ở cách suy tư cũng như xử sự của mọi người Việt, đặc biệt của những kẻ đang cầm quyền”.
Cảm kích một bậc trưởng thượng ở tuổi thượng thọ mà còn nặng tình với đất nước, người viết đã có bài giới thiệu đến quý đồng hương một tác phẩm lịch sử dày công phu và đầy giá trị của Giáo sư Vũ Quốc Thúc. Trước thảm trạng của đất nước, những ai còn ưu tư đến tiền đồ dân tộc phải tìm đọc Thời Đại Của Tôi, thời đại của chính mình, thời đại của dân tộc và đất nước mình. Nội dung bài viết khá dài, nay xin được tóm lược như sau:
Biến cố quan trọng nhất của thế kỷ XX là sự ra đời, phát triển, suy tàn và sụp đổ của chủ nghĩa Quốc tế CS ở LX. Biến cố trên đã tác động nặng nề đến dân tộc. Song đối với những người cộng sản, họ gọi đó là Thời đại Hồ Chí Minh. Họ tự hào từ năm 1920 ông HCM đã tìm thấy chân lý “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Năm 1917, Lenin lãnh đạo đảng CS Nga làm cuộc Cách mạng tháng Mười lập ra nhà nước vô sản đầu tiên. Từ đó Nga tự nhận là chỗ dựa, làm nhiệm vụ giải phóng tất cả các dân tộc bị chế độ thực dân tư bản áp bức, để xây dựng chế độ CS trên toàn thế giới. Mục tiêu này đi ngược với chủ trương của Cách mạng HK năm 1776. Họ xác định nguyên tắc bất di bất dịch của quyền tư hữu tài sản thiêng liêng và phát huy những quyền tự do căn bản của con người. Chế độ này phải trở thành một kiểu mẫu cho tất cả các nước và các dân tộc.
Vì cách mạng vô sản, năm 1950 ông HCM đã mang ảnh hưởng của TC vào VN, lấy tư tưởng của Mao Trạch Đông làm đường hướng chỉ đạo thực hiện cuộc cải cách ruộng đất đẫm máu và tiêu diệt giới trí thức đối kháng trong vụ án Nhân Văn Giai phẩm. Trước đây Pháp đã đẩy lùi ảnh hưởng Trung Hoa ra khỏi VN qua Hiệp ước Thiên Tân năm 1885 và Hiệp ước Pháp Hoa tháng Hai 1946. Nhưng ông HCM chủ trương chống Pháp để mời kẻ thù truyền kiếp, luôn có tham vọng xâm chiếm nước ta, trở lại VN. Cũng vì con đường vô sản, khi kháng chiến chống Mỹ thành công, Tổng Bí thư Lê Duẩn đưa cả nước vào quỹ đạo Xã hội chủ nghĩa thế giới, ký hiệp ước hữu nghị hợp tác” với LX. Đây là điều bất hạnh cho dân tộc. Đất nước đã thống nhất, giới lãnh đạo lại chỉ lo tìm đường lệ thuộc ngoại bang!
Vì “hợp tác toàn diện” với LX, nên lãnh tụ TC Đặng Tiểu Bình lên án CSVN là ‘phường vong ân bội nghĩa”, phải dạy cho bài học và hăm dọa còn nhiều bài học khác nữa. Nhưng khi LX sụp đổ, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và Thủ tướng Đỗ Mười đến Thành Đô xin nối lại bang giao với TC, chấp nhận sẽ “hợp tác toàn diện và lâu dài” với Bắc Kinh. Lần này TC tha hồ chèn ép, gây nhiều thiệt thòi cho VN, điển hình là mất đất mất biển, mất hai đảo Trường Sa và Hoàng Sa, vụ khai thác Bâuxít ở Cao nguyên…
Trên đây là nan đề của những người CS, cũng là mối ưu tư của đồng bào về sự an nguy của đất nước. Thời đại HCM đã tạo ra những vấn nạn lớn cho dân tộc, mà những người lãnh đạo đất nước không có khả năng giải quyết, họ chỉ biết kiên trì với tư tưởng HCM. Gs Vũ Quốc Thúc là một chiến sĩ quốc gia mà suốt cuộc đời đã dấn thân đấu tranh vì nền độc lập của đất nước, vì dân chủ tự do cho đồng bào, vì sự tồn vong của dân tộc. Tác phẩm của ông sẽ giúp những người CS và đồng bào thấy được thời đại của dân tộc diễn tiến ra sao? Nhờ đó mới có thể định hướng con đường phát triển đất nước.
Gs VQT đã chứng kiến và trực tiếp tham dự vào những biến cố lớn của thời đại. Tháng Ba 1945, với văn bằng Cử nhân Luật, ông được bổ nhiệm làm tri huyện Thanh Liêm khi chánh phủ VN độc lập đầu tiên ra đời do cụ Trần Trọng Kim làm thủ tướng. Năm 1946, ông cũng như bao người VN yêu nước khác đã tham gia Mặt trận Việt Minh kháng chiến chống thực dân Pháp. Ngày 8/6/1948, Cao uỷ Bollaert nhân danh chính phủ Pháp và Nguyễn Văn Xuân -thủ tướng chính phủ Cộng hòa Nam Kỳ, được Bảo Đại cử giữ chức vụ Thủ tướng Chính phủ trung ương Quốc gia lâm thời, đã ký thỏa ước Vịnh Hạ Long. Pháp nhìn nhận VN độc lập và tự do thực hiện sự thống nhứt quốc gia.
Nước nhà đã độc lập và thống nhất, ông Vũ Quốc Thúc rời khu kháng chiến, trở về Hà Nội được bổ nhiệm làm Công cán ủy viên Phủ thủ tướng, được TT Xuân cử sang Pháp làm việc, để tiếp tục việc học, trao dồi kiến thức để phục vụ đất nước sau này. Ông đổ bằng Tiến sĩ Luật (Doctor of Law) năm 1950 và Thạc sĩ Kinh tế (Agrégé of Economics) tại Đại học Paris năm 1952. Sau khi tốt nghiệp, ông về phục vụ quốc gia trong cương vị Tổng trưởng Bộ Giáo dục và Thanh niên trong Nội các của Hoàng thân Bửu Lộc (1953-54). Sau HĐ Genève 1954, Giáo sư Thúc đảm nhận chức vụ Thống đốc Ngân hàng Quốc gia (VNCH) trong giai đoạn 1955-56 và sau đó là Khoa trưởng Luật khoa Viện Đại học Sàigòn (1957-1963)
Năm 1960, Hà Nội thành lập MTGPMN, phát động chiến tranh xâm lược MN. Tân tổng thống HK Kennedy tiến hành ngay kế hoạch giúp VNCH chống CS nổi dậy, theo đề nghị của Cố vấn Quân sự là Đại tướng Maxwell Taylor: HK gởi cố vấn quân sự đến giúp Nam VN. Đồng thời, Walt W. Rostow -phụ tá tổng thống về an ninh quốc gia đệ trình kế hoạch “chống phá hoại”. Theo Rostow, VNCH phải chấm dứt bất công xã hội, nâng cao đời sống nhân dân về kinh tế, chính trị, văn hóa. Trong một nước nông nghiệp như Nam VN “nông dân là biển nước nuôi cá du kích” nên vấn đề chủ yếu là phải tranh thủ người nông dân, tách họ khỏi sự kiểm soát của CS, mở ra cho họ thấy những triển vọng tốt đẹp hơn ở tương lai. Rostow nhận định “Đây là cuộc chiến tranh sâu sắc, không phải chỉ đánh bằng vũ khí mà còn đánh trong tâm trí con người sống ở các làng mạc và đồi núi, đánh bằng tinh thần và đường lối của chính phủ bản xứ. Thực chất đó là cuộc tranh chấp trong phạm vi một dân tộc mà những người đứng ngoài không thể thắng được, nhưng chỉ có thể tạo ra những điều kiện để người dân bản xứ chiến thắng cuộc chiến tranh của chính họ”.
Lúc bấy giờ Gs Thúc là Cố vấn Kinh tế của TT Ngô Đình Diệm, ông đã hợp tác với Giáo sư Kinh tế Eugene A. Staley thảo ra đề án thu phục nhân tâm chống lại sự khuynh đảo của CS. Bản tường trình (Staley- Vu Quoc Thuc joint report) được đệ nạp lên TT Diệm và Kennedy hồi tháng 4 năm 1961.
Đầu năm 1965, MNVN đang bên bờ vực sụp đổ, HK phải trực tiếp đưa quân chiến đấu đến bảo vệ VNCH. TT Johnson tuyên bố mục tiêu can thiệp của HK là để áp lực Hà Nội ngồi vào bàn bàn phán để giải quyết vấn đề MN bằng con đường hòa bình. Một khi hiệp định hòa bình đã được ký kết, HK sẽ rút khỏi MNVN vô điều kiện. Từ cuối 1966, HK đã chuẩn bị kế hoạch hậu chiến cho Nam VN. Trong thời gian này (1966-1967) G/s Thúc cùng Giáo sư David E.Lilienthal là Chủ tịch Hội đồng Phát triển và Tài nguyên HK hoạch định chiến lược phát triển VN thời hậu chiến, mà trọng tâm là đồng bằng sông Cữu Long. G/s Lilienthal là bạn thân của TT Johnson, ông là một chuyên gia xuất sắc từ 1933 đã giúp TT Franklin D. Roosevelt phục hồi kinh tế HK sau thời kỳ đại khủng hoảng 1932. Để bảo đảm kế hoạch phát triển đồng bằng sông Cữu Long, hai chuyên viên kinh tế Việt Mỹ đã trù liệu sự hợp tác của bốn thế lực lớn trong vùng là VNCH, Mặt trận GPMN và hai tôn giáo Hòa Hảo, Cao Đài. Đó là chủ điểm của kế hoạch hậu chiến, thực hiện việc hòa giải dân tộc, xúc tiến chương trình Ngưòi Cày Có Ruộng, để tranh thủ nhân tâm, chiến thắng CS bằng con đường chính trị và hòa bình. (Google/vuquocthuc/ rfi/lilienthal-vuquocthuc)
Khi cuộc đàm phán bắt đầu diễn ra ở Paris (5/1968) G/s Thúc đảm nhận chức vụ Quốc Vụ Khanh đặc trách Tái thiết và Phát triển trong Nội các Trần Văn Hương và Trần Thiện Khiêm. Bản báo cáo về chính sách và chương trình hậu chiến của VN được Gs Thúc và Lilienthal đệ trình TT Thiệu và Nixon (4/1971). Không may cho dân tộc, đất nước không bước vào giai đoạn hậu chiến mà chiến tranh vẫn kéo dài đến 1989. Trong khi đó, mối quan hệ giữa VN và HK ngày càng xấu đi, dù hai bên đã ký HĐ Paris 1973.
Năm 1978 do sự vận động của người bạn cùng đậu Thạc sĩ năm 1952 là Giáo sư Raymond Barre vừa được TT Valery Giscard d’Estaing cử làm thủ tướng Pháp. Gs Vũ Quốc Thúc được chính phủ cho phép sang Pháp định cư, tham gia ban giảng huấn Đại học Paris.
Năm 1985 trong bài viết tựa đề “Tái thống nhất đất nước: CSVN thành công hay thất bại? Gs Thúc đã thẩm định khá chi tiết biến cố 30/4/1975 về ba mặt ngoại giao, kinh tế và chính trị; sau đó đưa ra kết luận:“Ta có quyền khẳng định rằng CSVN, khi mở chiến dịch HCM để tái thống nhất đất nước bằng vũ lực, đã đạt được một thắng lợi nhất thời, có tính cách chiến thuật (tactique) nhưng họ đang bị thất bại nặng nề về chiến lược (stratégique) trong dài hạn. Sự thất bại chiến lược này có thể khiến cho chế độ CS tại VN biến đổi sâu xa, nếu không phải là sụp đổ. Nhưng đồng thời nó đang làm cho dân tộc ta bị điêu đứng, nghèo khổ, gánh chịu thêm nhiều đau thương tang tóc”.
Trước thảm trạng của đất nước, Gs Thúc quyết định đặt lại vấn đề trở lại HĐ Paris 1973, tạo điều kiện giúp hai phe Quốc gia và Cộng sản ngồi lại với nhau hoàn thành việc tái thống nhất đất nước trong tinh thần hòa hợp và hòa giải, vừa góp phần giải quyết cuộc chiến đang diễn ra ở Cam Bốt, đem lại một nền hòa bình lâu dài cho Đông Dương. Ngày 23/5/1987 tại Paris, với sự hỗ trợ tích cực của Ủy ban Pháp quốc Yểm trợ Việt Nam Tự do, Giáo sư Thúc đã tổ chức một cuộc hội thảo công khai về việc trở lại HĐ Paris 1973. Nhân dịp này Ủy ban Luật gia VN đặt lại vấn đề hiệu lực của HĐ Paris 1973 (Comité de jurists vietnamiens pour le remise en vigueur des Accords de Paris de 1973) đã công bố chính thức Bạch thư (Livre Blanc) với tựa đề Guerre et Paix en Indochine (Chiến tranh và hòa bình ở Đông Dương).
Để trở lại HĐ Paris 1973 nhằm giải quyết những vấn đề nan giải của các nước ĐD, Bạch thư kêu gọi Pháp Quốc đứng ra triệu tập một hội nghị Paris mở rộng bao gồm 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo An, 4 nước nguyên là thành viên Ủy hội Quốc tế kiểm soát đình chiến Đông Dương 1954, hai phe Quốc Cộng của ba nước Việt, Lào và Cam Bốt.
Vì sự thiển cận của những người trong cuộc, hội nghị quốc tế về VN không được triệu tập trở lại. Trái lại cuộc chiến ở Cam Bốt lại được giải quyết bằng HĐ Paris 1991. Hiệp định này gần như rập khuôn HĐ Paris 1973 về hòa giải dân tộc, các thành phần chính trị tham gia cuộc tuyển cử tự do có quốc tế giám sát, quốc hội lập hiến ra đời. Cuộc tranh chấp quốc tế biến thành cuộc tranh chấp trong nội bộ dân tộc, được nhân dân Khmer tự quyết định bằng một cuộc đầu phiếu tự do.
Từ 1995, HK đã bình thường hóa bang giao với Hà Nội, VN lần lượt gia nhập khối ASEAN và APEC (1998) và chuẩn bị xin gia nhập WTO. Gs Thúc là thành viên sáng lập Phong trào Hiến Chương 2000 với mục đích tranh đấu cho một nền dân chủ đích thực tại VN, trong đó nhân quyền và các quyền tự do căn bản của người dân phải được tôn trọng. Muốn thế VN phải được chuyển hóa từ chuyên chính sang dân chủ, để dễ dàng hội nhập với cộng đồng thế giới, phát triển đất nước trong thời đại toàn cầu hóa.
Đến những năm đầu của thế kỷ 21, nhìn thấy CSVN bị Bắc Kinh khống chế nặng nề, nên Gs VQT thành lập Ủy ban Vận động Quy chế Trung lập Vĩnh viễn cho Việt Nam tại Paris (4/2006). Người viết đặt nhiều kỳ vọng vào sáng kiến này, vì cuối nửa thế kỷ trước, VN đã diễn ra cuộc đối đầu giữa ba thế lực lớn: LX, TC và HK. Để tiến tới HĐ Paris 1973 kết thúc chiến tranh VN, TT Nixon đã đi du thuyết Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa, mở ra thời kỳ hòa hoãn và hợp tác với hai cường quốc cộng sản. HK rút khỏi Nam VN và mong muốn một nước VN thống nhất đi theo con đường trung lập như các nước ASEAN với chủ trương biến ĐNÁ thành một khu vực hòa bình tự do và trung lập và phồn vinh.
Vì sự tính toán sai lầm của CSVN, mà trong mấy chục năm qua, VN trở thành nạn nhân của Bắc Kinh. Nhưng có điều may mắn, vì quyền lợi chiến lược, HK trở lại ĐNÁ để cân bằng thế lực với TC. Chủ trương của Mỹ không phải để bao vây uy hiếp TQ mà chỉ nhằm tạo sự ổn định để cùng các nước Á Châu Thái Bình Dương và Ấn Độ hợp tác kinh tế và thương mãi, phát triển khu vực này mà thôi. Đây là thời cơ tốt để VN đi vào con đường trung lập thực sự: không theo TC chống HK hoặc theo HK chống TC. Mà cùng các nước chung quanh biển Đông trong khối ASEAN đấu tranh đòi chủ quyền của mình trong khu vực này.
Qua trình bày trên, người viết rất tâm đắc với Lời Mở Đầu của tác giả: “Tương lai đất nước tùy thuộc rất nhiều ở cách suy tư cũng như xử sự của mọi người Việt, đặc biệt của những kẻ đang cầm quyền”. Đến phần kết luận, tác giả nói đến nổi thăng trầm của dân tộc trong suốt thế kỷ XX, đã tác động như thế nào đến cuộc đời của chính mình cũng như đồng bào cùng thế hệ của mình, để suy tư và tìm cách đối phó. Người kỳ vọng, sau khi đọc Cuốn I sơ lược về lịch sử, sẽ có nhiều người không còn dửng dưng trước vận nước, đứng bên lề lịch sử, mà nói lên những suy tư và cách hành xử của mình. Sự đóng góp của tác giả đối với lịch sử là một việc không phải ai cũng làm được.
Lịch sử do con người tạo ra, các sử gia dựa vào những sự kiện xảy ra theo đúng nguyên trạng rồi sắp xếp lại có suy nghĩ, để tạo thành toàn cảnh chung (tương đối) trung thực. Lịch sử khách quan, vì tính vô tính, vô tình và vô thần của nó…Nhưng con người thì trái lại: biết suy tư và hành xử. Lịch sử và Con người, Con người và Lịch sử gắn bó nhau, xã hội mới tiến bộ và tồn tại.
Xưa nay trong thời loạn, thời thế tạo anh hùng là lẽ thường tình. Có thể tìm thấy số người nầy qua các tác phẩm hoặc hồi ký: con người và sự nghiệp. Sự nghiệp đó được tạo nên, dựa trên xương máu hàng triệu đồng bào…mà ít ai nghĩ đến đất nước điêu tàn, tụt hậu, mất đất, mất biển. Còn đồng bào thì sao? Nhân tâm ly tán, đạo đức suy đồi, hận thù chia rẻ, lìa bỏ quê hương tìm tự do hoặc tha phương cầu thực…
Trong bối cảnh lịch sử như vậy, con người có liêm sĩ sẽ phải hành xử ra sao cho phải đạo? Điều bất hạnh cho dân tộc là số người có trách nhiệm đối với lịch sử rất hiếm. Với 90 tuổi đời và gần suốt cuộc đời phục vụ quốc gia dân tộc, từng giữ những chức vụ cao, tác giả có đủ tư thế viết hồi ký ghi lại sự nghiệp của mình như nhiều nhân vật lịch sử cùng thời. Nhưng tác giả đã không làm, chỉ vì không muốn nói đến “cái tôi thật đáng ghét”. Nhưng ngày nay, phải nói đến cái “tôi” chỉ vì tấm lòng đối với lịch sử, đối với dân tộc. Đó là cái tôi của kẻ Sĩ phương Đông. Người viết cầu mong sẽ có nhiều “cái tôi đáng kính” lên tiếng tiếp theo.
Trong phần kết luận, tác giả có nhắc câu nói của nhà cách mạng tiền bối Phan Bội Châu: “Ví thử đường đời bằng phẳng cả. Anh hùng hào kiệt có hơn ai? khiến người viết nhớ đến hai câu đối nổi tiếng của hai nhân sĩ Bắc Hà hồi đầu thế kỷ XIX: Ngô Thì Nhậm (1746-1803) và Đặng Trần Thường (1759-1816). Cả hai cùng sinh quán Hà Đông, song vì hoàn cảnh đất nước nhiễu nhương trong thời Nam Bắc phân tranh, nên chí hướng khác nhau.
Đặng Trần Thường sau khi phò tá vua Gia Long giành được toàn bộ quyền lực, ông đưa người bạn thuở hàn vi ra trước Văn Miếu Hà Nội để hành tội. Ông đưa ra câu đối buộc đối thủ, nay đã sa cơ phải đối đáp lại: “Ai công hầu, ai khanh tướng. Trong trần ai, ai dễ biết ai”. Ông tưởng rằng câu đối hóc hiểm, chỉ vỏn vẹn 13 chữ song có đến năm chữ Ai, thì địch thủ làm sao có thể đối lại nổi? Đó là thái độ kiêu ngạo, hạ nhục kẻ thù bại trận của một người hãnh tiến gặp thời. Nhưng ông đã lầm, Ngô Thì Nhậm ung dung đáp lại “Thế Chiến quốc, thế Xuân thu. Gặp thời thế, thế thời phải thế”.
Hai câu đối trên đã đi vào lịch sử. Ngoài giá trị văn học, đối nhau thật chỉnh cả ý lẫn lời…nó còn thâm thúy về mặt đối nhân xử thế, về nhân cách con người để hậu thế học hỏi. Xưa nay thời thế, nhất là thời loạn, tạo biết bao anh hùng…Nhưng có mấy ai biết hành xử thích nghi với tình thế, hầu mang lại lợi ích cho quốc gia dân tộc? Ai hơn ai là ở điểm này.
Tại sao đất nước vẫn còn tụt hậu, đạo đức suy đồi? Chỉ vì một sự thật đau lòng: Vắng bóng kẻ Sĩ! Vì thế người viết xin mạo muội có đôi điều cảm nghĩ, xuất phát từ lòng ngưỡng mộ một kẻ Sĩ ở tuổi đại thọ mà còn dấn thân vì đại nghĩa dân tộc.
Người xưa thường nói “Tri nan hành dị”. Quả thật, biết và hiểu sự việc trên đời rất khó. Hiểu sai tất phải làm bậy, lại cuồng tín cố chấp, không nhận sai lầm, nhứt là đối với người lãnh đạo đất nước, sẽ gây tác hại lâu dài cho dân tộc. Thời đại của tôi – Cuốn I: Nhìn lại 100 lịch sử, cho thấy tác giả phần nào đã thấu hiểu chuyện quốc gia đại sự. Và tác giả đã hành xử ra sao trong Cuốn II: Đời tôi trải qua các cuộc thăng trầm của đất nước. Cuốn I là lịch sử, cuốn II là con người trong bối cảnh lịch sử đó. Giáo sư Vũ Quốc Thúc đã “Tri Hành Hợp Nhứt”.
Ngày nay nhân vật lãnh đạo tối cao Đảng CSVN có học vị tiến sĩ Chính trị học đã tuyên bố “Tổng bí thư phải là người có lý luận và phải là người miền Bắc” khiến người viết có chút tin tưởng đất nước có cơ may sẽ thay đổi lớn. Từ trước đến nay, những người lãnh đạo tối cao Đảng CSVN đều là người ít học, cuồng tín nên đất nước tụt hậu, dân tộc chịu biết bao thảm nạn. Ngày nay VN bước vào giai đoạn lịch sử mới: hợp tác với Mỹ, tổng bí thư là người có lý luận lại là người miền Bắc có học vị cao nên người viết nhớ lại hai sĩ phu đất Bắc nổi tiếng hồi đầu thế kỷ 19 là Đặng Trần Thường và Ngô Thời Nhậm. Hai ông có những lý luận sắc bén để đối đáp nhau. Một bên ra câu đối “Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai ai biết ai”. Bên kia trả lời: “Thế chiến quốc, thế xuân thu. gặp thời thế thế thời phải thế”.
Các bậc anh hùng hào kiệt, công hầu khanh tướng, ai hơn ai là ở chỗ thức thời, biết hành xử sao cho phải đạo. Người viết kỳ vọng TBT Nguyễn Phú Trọng có thể là một sĩ phu đất Bắc hiếm hoi của thời đại nhiểu nhương ngày nay? Kẻ Sĩ đã vắng bóng từ lâu, nay tự dưng xuất hiện trong bước ngoặc của lịch sử: “Qua cơn bĩ cực, đến hồi thới lai”. Kỳ vọng ông Tổng bí thư hành xử vai trò lãnh đạo đất nước như một kẻ Sĩ, theo gương tiền nhân “Gặp thời thế, thế thời phải thế” để xoay đổi vận nước trong buổi ngặt nghèo để trở thành cứu tinh dân tộc? Thế gian thường nhắc nhở câu chuyện “Đồ tể buông dao, ngay lập tức thành Phật”.
Bài viết này xin kính tặng Giáo sư Lê Đình Thông và các cụ Giáo sư Vũ Quốc Thúc, cụ Luật sư Lê Trọng Quát, cụ Giáo sư Phạm Đăng Sum. Đầu năm mới dương lịch 2016 các cụ đã gặp nhau tại La Défense ở Paris, mượn những lời hay ý đẹp trong cổ thư để luận bàn thế thái nhân tình và quê hương đất nước. Các cụ vững tin năm Bính Thân sẽ là năm hoàng đạo cho hiện tình đất nước, là khởi điểm sự chuyển hướng. Người viết có bài này để chia sẻ niềm tin với các cụ. Kính mừng các cụ trường thọ, chứng kiến ngày lịch sử sang trang. Các cụ sẽ họp mặt Tân niên 2017 tại quê hương thân yêu, nay đã đổi mới.
Lê Quế Lâm
Theo Basam