Chiến tranh Việt Nam – cuộc chiến tranh dài nhất thế kỉ 20 của nhân loại – đã trôi vào quá khứ. Trên tất cả những nội dung chính trị, lịch sử và tư tưởng, nó trước hết là một cuộc chiến tranh trong đó hàng chục triệu người Việt Nam – dù là người chiến thắng hay kẻ chiến bại, phía bên này hay bên kia chiến tuyến – đã phải trả giá bằng sinh mệnh, chia li, cơ cực, bằng sự hủy diệt môi trường, sự tàn phá nhân tính và bằng những vết thương thời hậu chiến. Tháng Ba gãy súng, hồi kí của Cao Xuân Huy, nguyên trung úy Thủy Quân Lục Chiến trong quân đội miền Nam Việt Nam, kể về giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến tranh ấy tại Quảng Trị-Thừa Thiên-Huế.
NHỮNG TRANG VĂN XUÔI LƯƠNG THIỆN VÀ GIẢN DỊ VỀ CON NGƯỜI (Nguyễn Xuân Hoàng)
Cuối tháng Giêng 85, cùng với một số đồng bào may mắn muộn màng khác ở đảo Bataan, chúng tôi có tên trong danh sách rời trại tị nạn Phi Luật Tân, lên đường đi định cư ở một thành phố miền đông bắc Hoa Kì, nơi tôi sẽ được gặp lại cô em út sau mười năm xa cách.
Cảnh vật mùa Ðông ở Springfield đẹp mà buồn. Cây cối trụi lá trơ cành khẳng khiu in mờ nhạt trên một bầu trời xám xịt. Mặt đất phủ đầy tuyết trắng lạnh giá. Tuy vậy, tôi còn nhớ rõ trong lòng tôi tràn ngập một niềm hạnh phúc ấm áp. Giờ đây khi bước sang mùa Ðông thứ hai, tôi nghiệm thêm một điều là không phải bao giờ tuyết cũng trắng sạch, cũng đẹp đẽ và cũng thú vị như cái cảm giác tôi đã có trong những ngày đầu. Dù sao, đó sẽ lại là một chuyện khác.
Tôi muốn nói, chính trong những tháng ngày thong thả tạm thời này, tôi có một niềm vui sướng là được đọc những trang viết đầu tay của một tác giả mà tôi chưa hề quen biết: Tháng Ba Gãy Súng của Cao Xuân Huy.
Tháng Ba Gãy Súng. Hình như tên gọi của truyện kể là điều trước tiên lôi cuốn tôi. Tựa đề của một cuốn sách vốn đơn giản. Tháng Ba Gãy Súng là sự đơn giản quyến rũ. Tháng Ba là tháng thọ nạn của miền Trung, khi cơn lốc đỏ từ miền Bắc lao xuống. Phải một thời gian sau nữa nó mới đổ ập tới Sài Gòn yêu dấu cái Tháng Tư Ðen hãi hùng và thống khổ. Cao Xuân Huy đặt câu hỏi: Ai đã bẻ gãy súng của quân đội ta, những người lính dũng cảm, có thừa mưu trí và kinh nghiệm chiến trường? Ai đã làm cho người lính chúng ta bó tay, khi súng còn đó mà đạn đã hết ở trong nòng?
Tác giả cho thấy bên dưới những người và việc là sự mất niềm tin của người lính trận trước một số cấp chỉ huy, những đàn anh “khả kính” đã dứt bỏ hàng ngũ trong cơn quẫn bách để chạy lấy thân, còn thì sống chết mặc bay!
Tháng Ba Gãy Súng vẽ lại cơn hồng thủy của một cuộc chiến không thương tiếc, phủ chụp lên số phận của cả một dân tộc. Trên bờ cát lạnh lẽo của biến cố, người ta nghe thấy tiếng động của những vòng xích sắt nghiến lạo xạo trên sọ người.
Ðó là cuốn sách chứa rất ít nụ cười nhưng rất nhiều máu và nước mắt; niềm vui thì khô cằn mà đau thương và bất hạnh thì màu mỡ phì nhiêu; tàn bạo và căm hờn là bình thường nhưng dịu dàng và thuận thảo là điều xa lạ.
Chữ nghĩa trong Tháng Ba Gãy Súng giản dị, tự nhiên và trong sáng. Nhưng người đọc biết rõ một cách mười mươi rằng để có được những dòng chữ tưởng chừng như dễ dàng đó, Cao Xuân Huy đã phải trả một giá khá đắt: sự thách đố của anh với tử thần trong những đường tơ kẽ tóc để đổi lấy phẩm giá làm người. Có thể nói Tháng Ba Gãy Súng đã được viết bằng một trái tim nóng bỏng trước khi được gọt dũa và trau chuốt bằng một bút pháp nghề nghiệp. Nhưng điều này không hề làm hạn chế sức sống của tác phẩm.
Những ai ham đọc sách đều biết rằng các nhà văn lừng danh trên thế giới như Flaubert, Hemingway, Dickens, Tolstoi… đều đã viết bằng một thứ ngôn từ tự nhiên và giản dị.
Trong một lần gặp gỡ tác giả, tôi hỏi anh tại sao lại xếp Tháng Ba Gãy Súng vào thể loại Hồi Ký mà không là Truyện Kể hay Truyện Ký, Cao Xuân Huy trả lời: “Bởi vì tôi đã không lồng vào đấy bất cứ một hư cấu nhỏ nào. Tôi viết lại hoàn toàn sự thật những điều mắt thấy tai nghe. Chỉ tiếc một điều là tôi đã không đủ khả năng để viết được tất cả những gì tôi cần phải viết”.
Thật vậy, văn chương vốn cần hư cấu, nhưng hiện thực tự nó cũng thừa sự lớn lao và sâu sắc mà một trí tưởng tượng khiêm tốn đôi khi còn nghèo nàn và nông cạn hơn. Nói cách khác, hư cấu trong một tác phẩm tuy cần thiết, nhưng hiện thực bao giờ cũng là nền tảng để từ đó hư cấu có thể thành hình và đứng vững.
Chính cái hiện thực này đã khiến cho ngòi bút của Cao Xuân Huy có được cái vẻ sắc sảo đặc biệt, đồng thời cũng làm cho Tháng Ba Gãy Súng giữ được cái vẻ tươi mát nóng bỏng mà mọi thứ hư cấu rắc rối không sao đạt được.
Và nghệ thuật của Cao Xuân Huy nằm ở chỗ làm cho tác phẩm của anh có được sức thuyết phục mạnh mẽ hơn cái nó vốn có trong thực tế.
Thích nhất là những mẩu đối thoại trong Tháng Ba Gãy Súng. Nó nguyên chất, nhưng không dư thừa và tầm thường. Nó chưa bị chảy qua cái máy lọc “văn chương triết lí” nào. Nó sống và chát. Và rất gần với chúng ta.
Trả lời câu hỏi động cơ nào khiến anh viết Tháng Ba Gãy Súng, Cao Xuân Huy nói: “Không ai là không quay lại nhìn chỗ mình vừa ngã, và cũng không ai là không quay lại nhìn đống phân mình vừa thải. Ngã là lỗi của chính mình và phân có thối cũng là phân của mình. Vậy mà tại sao cả chục năm nay vẫn không thấy ai dám quay lại nhìn cái lỗi đã làm cho mình ngã ngay trên đống phân của mình, ngoài những lời chửi bới và đổ lỗi cho người khác”.
Tất nhiên câu nói của anh còn có chỗ phải bàn thảo lại, suy nghĩ thêm, nhưng ở đây trong khung cảnh đặc biệt của Tháng Ba Gãy Súng, câu nói đó có cách lí giải riêng của nó.
Trước khi cầm bút viết lại những ngày tháng của lịch sử một trận chiến mà mình là một chứng nhân, Cao Xuân Huy đã là một sĩ quan chiến đấu thuộc một binh chủng lừng danh chiến trường mà mọi người chúng ta đều nghe tiếng: Thủy Quân Lục Chiến.
Chiến trường, sống và viết, Cao Xuân Huy có đủ những yếu tố đó để viết những trang văn xuôi nóng bỏng của mình.
Cao Xuân Huy nói: “Ðất nước ta đâu phải là một bàn cờ mà hễ đánh thua ván này thì xóa đi xếp quân làm lại bàn khác, mà tướng vẫn là tướng, quân vẫn là quân, đâu phải những con xe, con mã, con chốt đã chết đều có thể dựng đầu dậy để làm lại một trận đấu mới!”
Những suy nghĩ đó của anh không hề có ý định dừng lại ở chỗ chỉ là những điều viết ra để ngẫm nghĩ.
Khi trang cuối của Tháng Ba Gãy Súng được gấp lại, người đọc hình như vẫn cảm thấy còn một điều gì đó chưa xong chưa hết. Cái dấu chấm hết của mệnh đề sau cùng vẫn còn là một lời hứa hẹn sẽ mở ra một trang sách khác.
Dù sao những hình ảnh tàn nhẫn và khủng khiếp, những nỗi lo âu và hãi hùng vẫn còn đọng lại trong ta.
Vẫn còn đọng lại trong ta những địa danh, địa hình, địa điểm quen thuộc của một vùng đất quê hương khô cằn, cả thời tiết của đất trời mà da thịt ta vốn từng chịu đựng, và nhất là vẫn còn đọng lại trong ta hình ảnh những con người – trong đó có chúng ta – với số phận hẩm hiu cô quạnh bị bủa vây trong cơn cuồng nộ của những biến cố bạo tàn…
Tất cả những người và việc ấy chừng như mới xảy ra ngày hôm qua, vẫn còn luẩn quẩn đâu đây…
Với Tháng Ba Gãy Súng, Cao Xuân Huy đã viết được “những trang văn xuôi lương thiện và giản dị về con người”, điều mà Ernest Hemingway gọi là “trên đời này thật không có gì khó khăn hơn”.
Santa Ana, tháng Tư 1986
Nguyễn Xuân Hoàng