Ngày 17 tháng 1, 2016
Lại thêm một người dân oan tranh đấu và cũng là người tranh đấu cho dân oan vừa ra tù. Nhưng con số dân oan tù đầy không giảm. Mới đây lại còn có trường hợp cả gia đình bố mẹ con cái cùng đi tù. Cuộc tranh đấu đầy máu và nước mắt của quý vị đã kéo dài mấy mươi năm, nhưng vẫn chẳng đến đâu nếu không muốn nói là đi giật lùi vì tình trạng chiếm đất ngày càng lan rộng.
Người Mỹ có câu: “Nếu vẫn làm như cũ thì đừng mong kết quả sẽ khác đi.” Hễ làm việc gì nhiều lần mà không có kết quả thì có nghĩa là làm chưa đúng mức hay chưa đúng cách, và phải thay đổi nếu muốn có kết quả.
Lối cũ
Cuộc tranh đấu của quý vị “dân oan” trong suốt mấy chục năm qua có thể được tóm tắt là: người yếu thế mà chỉ có mỗi một ngón võ duy nhất — khiếu kiện và biểu tình.
Khiếu kiện và biểu tình đã không đem lại hiệu quả. Thậm chí quý vị đã huy động nhau từ nhiều tỉnh thành kéo đoàn về Hà Nội để khiếu kiện và biểu tình cho đông và dài ngày. Cuối cùng vẫn chỉ đón nhận sự đàn áp, đánh đập, bắt bớ. Ít người hay đông người cũng chẳng thay đổi gì về hiệu quả. Điều này cho thấy không phải là quý vị chưa làm hết mức mà là quý vị chưa làm đúng cách. Nếu cứ tiếp tục như thế thì e rằng sẽ thêm người bị hành hung hay vào tù mà đất đai, ruộng vườn, nhà cửa vẫn mất trắng tay.
Lý do của sự thiếu hiệu quả kể trên cũng dễ hiểu. Muốn tác động lên chính sách thì người dân phải lên tiếng và giới chức thẩm quyền phải lắng nghe. Quý vị đã lên tiếng, nhưng chính quyền không lắng nghe. Nếu không làm cho chính quyền phải lắng nghe thì sự lên tiếng của quý vị sẽ tiếp tục rơi vào khoảng không, chẳng đến đâu.
Cách mới
Ở Việt Nam hay ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới, một chính quyền độc tài không tự dưng lắng nghe tiếng nói của người dân. Bằng không thì đã không là độc tài. Làm cho chính quyền phải lắng nghe là yếu tố cần thiết nhưng khiếm khuyết trong cuộc tranh đấu của quý vị từ mấy chục năm qua. Muốn chính quyền phải lắng nghe, quý vị phải huy động áp lực từ nhiều hướng, nhất là từ những thành phần mà chính quyền Việt Nam đang cầu cạnh về lợi ích.
Áp lực quốc tế
Chính quyền Việt Nam đã ký 7 trong 9 công ước quốc tế quan trọng về nhân quyền và đang là thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền LHQ. Do đó họ đang bị quốc tế “chiếu tướng” hơn lúc nào hết về nhân quyền. Tiếc rằng cụm từ “dân oan” không là một phạm trù nhân quyền cho nên không thể vận động được sự can thiệp của quốc tế — bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền không có điểm nào về “dân oan”.
Thực ra, lồng trong các vụ chiếm đất ở Việt Nam đều có những vi phạm trầm trọng về nhân quyền như quyền tự do tôn giáo, quyền của người bản địa, quyền văn hoá, quyền phụ nữ, quyền trẻ em, quyền môi sinh… Để vận động sự can thiệp của quốc tế, kể cả LHQ, thì mỗi vụ việc chiếm đất phải được trình bày theo lăng kính nhân quyền phù hợp chứ không thể gọi chung chung là “dân oan”. Chẳng hạn, trong vụ chính quyền Đà Nẵng chiếm đất của Giáo Xứ Cồn Dầu, chúng tôi không trình bày như một vụ “dân oan” mà điểm danh rõ ràng những vi phạm về tự do tôn giáo và quyền văn hoá, và sự liên can đến tình trạng bắt giam tuỳ tiện và tra tấn đến chết người. Nhờ vậy mà đã có sự can thiệp và lên tiếng mạnh mẽ của Quốc Hội Hoa Kỳ, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, của hai báo cáo viên đặc biệt của LHQ về tự do tôn giáo và về quyền văn hoá, và của nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế.
Áp lực khu vực
Ngày 31 tháng 12 vừa qua, 10 quốc gia Đông Nam Á trong đó có Việt Nam đã chính thức hội nhập thành Cộng Đồng ASEAN (ASEAN là Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á). Cùng với tiến trình hội nhập thì nạn chiếm đất cũng nổi lên thành vấn đề mang tầm vóc khu vực. Chẳng hạn, một công ty khai thác lâm sản của Việt Nam đã bị cáo buộc chiếm đất rừng ở Lào, Campuchia và Miến Điện;mới đây Bộ Quốc Phòng Việt Nam bị tố giác nguỵ trang dưới danh nghĩa doanh nghiệp để chiếm 40 nghìn mẫu đất rừng ở Campuchia (xem bài viết tựa đề “Những Nhượng Bộ Lớn” — Grand Concessions — dưới đây).
Đối phó lại, người dân bị ảnh hưởng ở nhiều quốc gia Đông Nam Á đã phát động các chiến dịch chống chiếm đất. Các chiến dịch này ngày càng lan rộng và liên minh với nhau. Họ không dùng chữ “dân oan” mà dùng chữ chính xác là “chiếm đất” (land grabbing). Họ được sự hỗ trợ của người dân trong nước, cộng đồng xã hội dân sự toàn khu vực và nhiều tổ chức quốc tế. Trong bối cảnh ấy, “dân oan” Việt Nam tiếp tục đứng riêng rẽ và cô quạnh.
Áp lực đa phương
Để cứu vãn nền kinh tế èo uột, Việt Nam gần đây ký kết nhiều hiệp ước đa phương về mậu dịch. Đáng kể nhất là Hiệp Ước TPP giữa 12 quốc gia, Hiệp Ước Mậu Dịch Tự Do với Liên Âu và Hiệp Ước về Cộng Đồng Kinh Tế ASEAN giữa 10 quốc gia Đông Nam Á. Những hiệp ước này đều có những đòi hỏi về thể chế pháp quyền, mà ở mức tối thiểu là chính quyền phải tôn trọng luật quốc gia. Những đòi hỏi này mở ra cơ hội để những nạn nhân bị chiếm đất đòi công lý thông qua những định chế của hiệp ước. Chẳng hạn, trong vụ Bộ Quốc Phòng Việt Nam trá hình doanh nghiệp để chiếm đất của dân Campuchia kể trên, thì nạn nhân có thể khiếu nại với cơ chế ASEAN chứ không chỉ riêng với chính quyền Campuchia.
Cuộc tranh đấu của quý vị “dân oan” Việt Nam chưa sẵn sàng để khai thác các cơ hội đang mở ra này.
Áp lực song phương
Trong những giao dịch song phương với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam còn bị chi phối bởi luật của từng quốc gia đối tác. Chẳng hạn, luật Hoa Kỳ cho phép công dân kiện một chính quyền ngoại quốc nếu bị vi phạm tài sản cá nhân. Đây là một biệt lệ trong luật của Hoa Kỳ vì thông thường người dân của một quốc gia không có quyền kiện chính quyền của quốc gia khác.
Trong vụ Giáo Xứ Cồn Dầu, một số khu đất thuộc quyền sở hữu hay sử dụng của công dân Hoa Kỳ – đó là những giáo dân Cồn Dầu đã định cư lâu năm ở Hoa Kỳ và đã trở thành công dân Hoa Kỳ. Chúng tôi đã khai thác khía cạnh này để chặn đứng chủ trương của chính quyền Đà Nẵng dưới thời Ông Nguyễn Bá Thanh là chiếm trọn Giáo Xứ Cồn Dầu để bán lại cho các nhà đầu tư.
Áp lực lên doanh nghiệp đầu tư
Khi ký các hiệp định mậu dịch với quốc tế, chính quyền Việt Nam kỳ vọng sẽ thu hút được nhiều doanh nghiệp, công ty ngoại quốc vào Việt Nam đầu tư. Tuy nhiên, không một nhà đầu tư nào trên thế giới lại muốn dính líu vào những vụ kiện cáo nhì nhằng, có thể sẽ bị lôi ra pháp đình, và có thể bị mang tiếng và bị giới tiêu thụ trên thế giới tẩy chay.
Đến nay các khiếu kiện của “dân oan” chỉ là khiếu nại hành chánh, chứ ít vụ kiện ra toà án. Có thể là nạn nhân không đủ khả năng và phương tiện để thưa kiện, hoặc nạn nhân không cho rằng thưa kiện sẽ đạt kết quả gì. Đúng là dưới thể chế hiện hành, người dân kiện chính quyền thì chỉ là con kiến mà kiện củ khoai. Tuy nhiên trong bối cảnh Việt Nam đang mưu cầu mở mậu dịch với quốc tế, các vụ kiện lại có thể ảnh hưởng đến quyết định đầu tư hay không của các doanh nghiệp ngoại quốc, nhất là khi họ được báo động và bị áp lực bởi các tổ chức nhân quyền quốc tế.
Áp lực tổng hợp trong xã hội
Ngoài tình trạng “lỗi nhịp” và mất cơ hội với quốc tế, cụm từ “dân oan” còn tạo nên tình trạng tách biệt với ngay chính các nỗ lực tranh đấu nhân quyền đang diễn ra ở trong nước. Chẳng hạn, không ít những đồng bào Tây Nguyên, Hmong và Khmer Krom cũng bị cưỡng chế đất nhưng họ lại tranh đấu theo khía cạnh quyền người bản địa, quyền tự do tôn giáo hay quyền văn hoá. Tuy bản chất trùng khớp, nhưng cách nhìn và cách gọi tên khác nhau nên đã làm mất đi cơ hội liên minh. Cũng vậy, nhiều vụ cưỡng chế đất đã vi phạm quyền phụ nữ, quyền trẻ em, quyền môi sinh… nhưng quý vị “dân oan” chưa huy động được sự tương thân tương trợ với các tổ chức tranh đầu trong các lĩnh vực nhân quyền này.
Kết cục, quý vị “dân oan” không những không nhận được sự quan tâm của quốc tế mà còn bị cô thế ngay trong xã hội Việt Nam.
Những việc cần làm
Cho đến nay, quý vị mới chỉ làm một nửa công việc: lên tiếng. Quý vị cần tiếp tục, nhưng cũng phải làm nửa công việc còn lại vì thiếu nó thì không thể đạt kết quả: bắt chính quyền phải lắng nghe.
Muốn thực hiện nửa này thì phải làm nhiều việc, bao gồm:
– Lồng vấn đề chiếm đất vào khung nhân quyền để huy động sự can thiệp quốc tế
– Tham gia phong trào chống chiếm đất đang dấy lên ở toàn khu vực Đông Nam Á
– Liên kết và đồng hành với các công cuộc tranh đấu nhân quyền đa dạng trên trường quốc tế và ở trong nước
– Khai thác khía cạnh pháp lý đối với các hành vi vi phạm luật quốc gia, luật quốc tế, hay các hiệp định đa phương và song phương
Những việc này không quen thuộc, không nằm trong kinh nghiệm sẵn có của quý vị. Chúng đòi hỏi sự đầu tư về thời gian và công sức để học hỏi, trau luyện, và tạo năng lực. Do đó, muốn thực hiện thì cần một nhóm khởi đầu gồm dăm người “dân oan” tập trung vào những công việc kể trên trong 12 tháng tới đây. Nếu có người xung phong xốc vác và chủ động, chúng tôi sẵn sàng yểm trợ, hướng dẫn, và tạo cơ hội. Tôi tin rằng nếu làm đúng cách, những người dân mất đất sẽ đủ sức đe doạ đến lợi ích thiết thân của chế độ, và sẽ từng bước làm cho chính quyền phải lắng nghe. Lúc ấy, tình trạng chiếm đất tuỳ tiện sẽ giảm dần và cũng sẽ bớt số người tranh đấu bị hành hung hay phải đi tù.
Những việc cần tránh
Có 3 điều mà quý vị cần tránh.
Thứ nhất là tránh dùng cụm từ “dân oan” một cách tổng quát và khơi khơi. Bên cạnh hai chữ “dân oan”, mỗi vụ chiếm đất cần được nghiên cứu và trình bày trong lăng kính nhân quyền hay pháp lý phù hợp.
Thứ hai là tránh hao tổn nguồn nhân lực – tránh để thêm người bị đánh đập, bắt bớ, tù đầy, chết chóc. Trước đây, vì không lối thoát, người dân ở thế đường cùng nên phải lấy thân mạng mình ra mà kêu oan. Với cách làm mới, quý vị mở lối thoát khỏi cảnh đường cùng và từng bước nắm thế chủ động. Nguồn nhân lực cần phải được bảo vệ để vừa lên tiếng vừa ép chính quyền phải lắng nghe.
Thứ ba là tránh dính líu đến các đảng hay tổ chức chính trị. Đó cũng là cách để tránh hao tổn nguồn nhân lực do rủi ro bị bắt bớ, tù đầy. Còn một lý do quan trọng không kém: Các tổ chức và đảng chính trị có mục đích, đường hướng riêng của họ nên dễ xảy ra tình trạng mâu thuẫn về lợi ích;lúc ấy họ sẽ đặt lợi ích của đảng và tổ chức chính trị lên trên lợi ích của “dân oan”.
Thay lời kết
Tôi quan tâm và theo dõi tình trạng dân oan từ hơn chục năm qua. Cuối năm 2005, tổ chức của chúng tôi, BPSOS, yểm trợ Luật Sư Nguyễn Văn Đài trong việc trợ giúp pháp lý cho “dân oan”. Tiếc rằng chỉ hơn một năm sau, chưa kịp thực hiện các vụ kiện, thì LS Đài bị bắt, không phải vì hoạt động giúp “dân oan” về pháp lý mà vì những lý do khác. Năm 2010, BPSOS áp dụng những phương thức đã mô tả ở trên vào trường hợp Giáo Xứ Cồn Dầu để làm khuôn mẫu cho các trường hợp bị chiếm đất khác. Đến nay cuộc vận động cho Giáo Xứ Cồn Dầu đã có một số kết quả khả quan, và cuộc tranh đấu vẫn tiếp diễn cho đến khi chính quyền phải trả lại công lý cho tất cả giáo dân Cồn Dầu và bồi thường mọi tổn thương và thiệt hại cho họ.
Tôi có chia sẻ những điểm trong bài này với một số quý vị “dân oan” trong những năm qua. Tuy nhiên, có vẻ như nhiều người vẫn quen lối cũ. Cũng dễ hiểu thôi, thay đổi cách nhìn và cách làm là điều khó khăn với đa số. Nhưng nếu cứ theo lối cũ thì chắc chắn kết quả sẽ như cũ: dậm chân trong ngõ cụt.
Bài liên quan:
Grand Concessions: https://www.cambodiadaily.com/grandconcessions/
Chiến dịch Cứu Cồn Dầu: http://www.machsong.org/modules.php?name=News&new_topic=34