Tôi có hai thời tuổi trẻ, một đã gởi lại Việt Nam và một khác trong môi trường VietNet, cộng đồng Internet đầu tiên của người Việt từ hơn hai mươi năm trước.
Các thế hệ sinh viên khoa điện toán ngày nay đã vượt qua thời của chúng tôi rất xa về mọi mặt. Các cô cậu bây giờ chỉ cần ba mươi phút là có thể làm xong cho mình một blog đơn giản miễn phí hay vài giờ là xây xong cả một trang nhà thật đẹp bằng Joomla, WordPress, PHP-Nuke với một chi phí tượng trưng vài dollars một tháng. Các phương tiện kỹ thuật phục vụ Internet mỗi ngày một hiện đại hơn, tốc độ nhanh chóng hơn và cách truy cập cũng dễ dàng hơn. Dù sao, giống như những người lớn tuổi, tuy sống giữa lòng đô thị rực sáng ánh nê-ông, nhiều khi cũng nhớ lại thuở còn dắt tay nhau đi dưới ánh trăng vàng trên con đường đất hẹp.
Tôi làm cho một công ty tài chánh. Trách nhiệm của tôi là bảo quản sự chính xác và an toàn của các cơ sở dữ kiện. Tháng Tám vừa qua, ông xếp gọi tôi ghé ngang văn phòng để nhận một tấm bằng tưởng lệ dành cho các nhân viên làm việc lâu năm. Bằng nào cũng như bằng nấy đều in sẵn những lời ca ngợi sáo rỗng, ngoại trừ tên tuổi và thời gian làm việc. Thời gian của tôi là 15 năm. Nếu cộng với những năm ở Sun Microsystems và vài công ty nhỏ khác, tôi đã sống và làm việc trong môi trường điện toán được 22 năm. Đó là chưa tính mấy năm dài ngồi trước mấy màn hình VT100 trong phòng điện toán ở các trường đại học.
Chúng tôi, những nhân viên kỳ cựu, có vài phút hiếm hoi để ôn lại những kỷ niệm làm việc với nhau của những ngày đầu tại công ty này. Những đêm thức trắng để viết những chương trình điện toán nối kết các nhóm máy nhỏ vào một trung tâm điều khiển chung và xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu đầu tiên phức tạp. Chúng tôi cười thoải mái khi nhắc những công việc hôm nay dễ như một trò chơi nhưng ngày đó là cả một đề án lớn. Văn phòng chật hẹp của tôi trong tòa nhà đông đảo, chen chúc nhau bây giờ, ngày xưa rộng mênh mông, chỉ mỗi mình tôi và biển. Cứ vài giờ làm việc, tôi lại bước ra phía cánh cửa kiếng rộng cuối phòng để ngắm vịnh Boston. Biển Boston vào buổi sáng sớm đẹp như một bức tranh với những đoàn tàu đánh cá đang giong buồm ra khơi, những chiếc tàu nhỏ sơn nhiều màu sặc sỡ đưa du khách đi xem cá voi, nhưng cũng có những ngày mưa bão, những chiều tuyết rơi mù mịt, đã làm lòng tôi xốn xang khi nhớ lại những ngày còn “thuyền ơi thuyền hãy theo gió lênh đênh” trên Thái Bình Dương bát ngát.
Nhưng Internet không chỉ giới hạn trong công ty tài chánh này thôi, không phải chỉ là nghề nghiệp để kiếm cơm như phần lớn đồng nghiệp, với tôi, còn là một môi trường, một cộng đồng, nơi tôi đã học những điều hay, nơi tôi có những người bạn chân tình, nơi tôi viết những bài thơ trên vùng đất tự do, nơi tôi và bạn bè đi xin từng chữ ký để ủng hộ những nhà dân chủ bị tù đày trong nước hay chống Trung Quốc khi họ mướn công ty Creston ở Denver để thăm dò dầu khí ở khu vực Hoàng Sa, nơi tôi đi quyên góp từng đồng bạc cho bà con bị khước từ quyền tỵ nạn ở Galang, Sungai Besi, nơi có cả những cơn mưa rào và ánh trăng soi. Nói chung, từ khi học môn điện toán đầu tiên 1983 cho đến bây giờ, Internet là một phần quan trọng trong đời sống của tôi.
Internet có từ lâu lắm nhưng chỉ đến 1982 nguyên tắc nối kết các mảng độc lập thành một hệ thống liên kết (Internet Protocol hay thường được gọi là TCP/IP) giữa các máy điện toán mới chính thức ra đời. Từ đó đến nay, dù các phương tiện vi tính mỗi ngày càng trở nên tiện dụng, gọn gàng, thu nhỏ nhưng TCP/IP vẫn là nguyên tắc chuẩn cho tất cả các chương trình điện toán được viết ra dù đó là một trò chơi dành cho trẻ em hay một chương trình điều hành phi thuyền con thoi phức tạp.
Năm 1983, khi Internet đang trở thành một phương tiện dân sự, cũng là năm đầu tiên tôi bước vào ngành điện toán. Câu chuyện học điện toán của tôi cũng rất tình cờ. Sau khi rút ra khỏi ngành điện tử mà tôi nghĩ là không có tương lai ở đại học Massachusetts, tôi lang thang đi tìm một con đường sống. Mục tiêu rất rõ ràng: một ngành nghề trong phạm vi kỹ thuật, được cần nhiều trong tương lai và được trả lương tốt.
Một buổi chiều trên hành lang Boston University, tôi gặp một người Việt khoảng 40 tuổi đang ngồi đọc báo. Những năm đầu thập niên 1980 người Việt ở Boston rất ít nên gặp một người Việt đã mừng rồi, được hướng dẫn việc học hành là một may mắn lớn. Tôi bước đến làm quen. Anh ta cũng giống tánh tôi, thuộc loại người ham nói, vui tánh, dễ bắt chuyện và dễ làm quen. Anh sang Mỹ từ 1975 và đang theo đuổi chương trình Cao Học Hệ Thống Thông Tin (Master of Information Systems) ở trường này nên tỏ ra lịch lãm về nhiều lãnh vực. Khi biết tôi học kinh tế ở Việt Nam, anh cười có vẻ vừa cảm thông nhưng cũng vừa thương hại. Bản thân anh trước 1975 cũng đã học kinh tế thương mại tại Việt Nam. Anh khuyên tôi đừng nghĩ đến mấy môn kinh tế học theo kiểu từ chương ở Việt Nam nữa mà nên đi tìm một ngành khác để tiến thân. Khi được hỏi về các ngành học có tương lai và được trả lương hậu, anh giới thiệu bài báo anh vừa đọc, trong đó tác giả tiên đoán rằng đến cuối thập niên 1990, 65 phần trăm gia đình người Mỹ sẽ có máy điện toán cá nhân. Anh hùng hồn giải thích, để phục vụ cho nhu cầu của mấy trăm triệu máy điện toán cá nhân như thế, ngành điện toán phải là ngành có nhu cầu cao và đương nhiên lương bỗng cũng cao theo tỉ lệ cung cầu. Anh cũng không quên thẳng thắn cảnh cáo, ngành điện toán là ngành hoàn toàn mới, và với vốn liếng khoa học xã hội mà tôi có ở Việt Nam, theo học điện toán là một thách thức lớn lao.
Vâng, tôi biết điều đó. Tôi phải học chỉ vì tôi không có chọn nựa nào khác. Đời tôi từ lâu đã trải qua bao rặng núi dài, thêm một rặng nữa chắc cũng không sao. Tôi biết mình còn rất nhiều việc phải làm trong đời nhưng trước hết phải ổn định cuộc sống bằng một nghề nghiệp vững chắc. Nhìn từ hướng tích cực, cái hoàn toàn mới mà người anh kia cảnh cáo chưa hẳn là một thách thức mà cũng có thể là một lợi thế. Trước khoa học điện toán mọi người đều bình đẳng, không phân biệt chủng tộc hay giới tính, đến trước hay đến sau, bản xứ hay tỵ nạn, tất cả đều bắt đầu ngành học bằng các khái niệm, phạm trù, ngôn ngữ, những Fortran, Pascal, Lisp, Assembly, Prolog mới như vừa khui từ trong thùng. Sinh viên, dù giàu hay nghèo, da trắng hay da vàng, đều không có những tiện nghi riêng cho mình. Có tiền cũng không làm gì được vì ngày đó chưa có máy điện toán cá nhân. Tất cả đều phải đến trường đúng giờ, bị chi phối chung một điều lệ, được nối chung vào một IBM 370 hay một DEC VAX 11/780 nằm đâu đó ở một nơi rất an toàn.
Đúng như anh nói, môn điện toán quả là khó. Trường tôi học, mỗi sinh viên chỉ được phép dùng máy điện toán tám giờ một tuần, ngoại trừ sau mười hai giờ khuya đến sáu giờ sáng thì không tính. Để tiết kiệm thời gian, chúng tôi viết chương trình nhiều lần trên giấy thật kỹ trước khi đánh vào máy. Vì số máy quá ít, thầy dạy các lớp ngôn ngữ điện toán còn lập một chương trình để kiểm soát thời gian xử dụng bằng cách phát cho chúng tôi mỗi người 100 dollars giả. Khi đăng nhập vào máy điện toán lần đầu, chúng tôi sẽ thấy trên góc phải của màn ảnh, bên cạnh tên giáo sư, môn học, còn có con số 100 dollars xuất hiện. Số tiền đó sẽ giảm dần theo thời gian xử dụng. Nếu đánh máy theo kiểu nhất dương chỉ như tôi ngày đó thì chỉ trong một vài ngày là hết 100 dollars. Vì phải để dành tiền cho kỳ thi cuối khóa, tôi không dám xài tiền của thầy cung cấp. Cũng may, từ 12 giờ khuya đến 6 giờ sáng không tính vào thời gian xử dụng và số tiền cũng không giảm xuống nên thường sau 12 giờ khuya tôi mới đến trường làm bài. Tôi không thuộc loại thông minh. Các bạn đọc một giờ thì hiểu, tôi phải đọc hai, ba giờ mới hiểu, các bạn có gốc toán cần một giờ là viết xong một chương trình, tôi phải viết hai ba ngày mới xong. Sau này vì nhu cầu làm việc, tôi phải đi học các lớp điện toán cao hơn, tuy khó nhưng không còn lo sợ như bốn năm đầu đại học. Nhất là trong mùa thi, đêm ngủ còn thấy mặt ông thầy hăm he đánh rớt.
Không chỉ thế thôi. Đời sống cơm gạo đói no, học hành khó khăn cũng có thể qua đi nhưng đau nhức tinh thần vẫn là nỗi ám ảnh không nguôi trong bữa cơm chiều, giấc ngủ, một cơn giông bão và cả khi đang ngồi nghe thầy giảng. Hình ảnh của những em bé mồ côi cha mẹ đang chờ một gia đình Mỹ, Anh, Pháp nào đó bảo trợ ở trại tỵ nạn, hình ảnh những cô gái bị hải tặc hiếp dâm đang dưỡng thương trong một căn nhà đầy bóng tối ở góc trại Palawan, hình ảnh của những người còn sống sót trên những chuyến hải hành dài cả hai, ba tháng trời phải ăn thịt nhau để sống, đâu dễ gì phai đi trong ý thức. Mỗi ngày đều có người mới đến Boston mang theo những tin buồn về đất nước, về cuộc sống khó khăn của người dân, về nạn hải tặc đang hoành hành trên biển Đông.
Dù sao, sau vài năm, tôi cũng học xong và thực sự bước chân vào môi trường Internet. Như một nhà văn đã viết “hạnh phúc bắt đầu từ thói quen”, tôi đã quen và yêu thích ngành điện toán.
Câu chuyện Internet trong cộng đồng Việt Nam bắt đầu vào tháng 8, 1988 khi một sinh viên Việt Nam đang theo học tại Boston University, qua trung gian email đã có dịp làm quen với một sinh viên Việt Nam khác đang học tại University of California at Irvine (UCI). Ngay sau đó, một số sinh viên khác từ các trường ở Florida, Học Viện Kỹ Thuật MIT cũng lần lượt làm quen nhau. Họ và một số bạn khác đã ra trường, thành lập một nhóm nhỏ những người Việt đầu tiên trên mạng lưới Internet. Nơi gặp gỡ được đặt tên là VietNet, có khi viết còn được viết là Viet-Net. Đó là nhóm sinh hoạt trên Internet đầu tiên của người Việt hải ngoại. Một trong những người trẻ trong nhóm tên là Dung Trung theo học tại Boston University. Trong thời gian con ở Boston, Trung đi làm cho những công ty đang thai nghén (startup) với một số lương rất khiêm nhượng. Sau đó Trung về California lập nghiệp và thành công khi làn sóng Dotcom lên cao điểm.
Những người bạn khác trong thời kỳ sơ khai của Internet Việt Nam đã trở thành những chuyên gia điện toán hàng đầu không chỉ trong cộng đồng người Việt mà còn cho các công ty lớn và các cơ quan Liên Bang Mỹ. Họ đã góp phần lớn trong việc áp dụng ngôn ngữ Việt Nam vào lãnh vực điện toán. Những nỗ lực ban đầu của nhóm Tiêu Chuẩn Hóa Tiếng Việt (Vietnamese Standardization Working Group) đã giúp cho tiếng Việt được các cơ quan tiêu chuẩn điện toán quốc tế công nhận. Thế hệ Internet ngày nay có thể không biết những Bùi Minh Cương từ NSC, Tín Lê từ Sony, Hùng Hồ từ USC, Trần Văn Hải từ Mitre, Việt Anh từ MIT, Nhân Trần từ VPS, Phương Nguyễn từ IBM, Nguyễn Doãn Vượng từ Adobe, Kim Trần từ AT&T v.v.. là ai, nhưng chính những bạn đi tiên phong đó đã đóng góp rất nhiều vào việc xây các kho tài liệu kỹ thuật, viết những bài báo giái trị về Internet, làm ra những font chữ tiếng Việt vẫn còn phổ biến rộng rãi đến hôm nay. Họ không phải bao giờ cũng đồng ý nhau nhưng những bước chân của họ là những bước khai phá đầu tiên vô cùng quan trọng cho các thế hệ trẻ ngày nay trên hành trình đi vào Internet.
Hai nhóm kỹ thuật trong giai đoạn này là TriChlor Group và Hội Chuyên Gia. TriChlor Group do Kỹ Sư Bùi Minh Cương và một số chuyên viên điện toán Việt Nam thiện nguyện thành lập. Mục đích chính của TriChlor là phát triển và phổ biến các nhu liệu Việt Ngữ dựa trên tiêu chuẩn viết tiếng Việt VISCII (VIetnamese Standard Code For Information Interchange). Trong lãnh vực văn hóa, anh Bùi Minh Cương và Nhóm TriChlor đã chuyển một số thi phẩm của các thi sĩ tiền chiến nổi tiếng như Nguyễn Bính, Quang Dũng, Xuân Diệu, và các áng văn chương bất hủ như Chinh Phụ Ngâm qua dạng điện tử được gọi là Thi Tập Điện Tử. Nhóm TriChlor cũng phát thành một CD-ROM về truyện sử Việt Nam. Hội Chuyên Gia Việt Nam, ngoài bộ chữ tiếng Việt quen thuộc VPSWIN vẫn còn được dùng, đã phát triển nhiều nhu liệu có ý nghĩa về mặt văn hóa như Ca Dao, Đối Vui Để Học, Thơ Hồ Dếnh, Vần Việt Ngữ, Quê Tôi, Việt Nam Nước Tôi, cách sửa dấu Hỏi Ngã v.v.. Cả hai nhóm, tuy được thành lập bởi các kỹ sư có trình độ kỹ thuật rất cao nhưng luôn cố gắng tận dụng các phương tiện kỹ thuật để phát huy văn hóa Việt Nam ở nước ngoài.
Thời gian từ tháng 8 năm 1988 đến đầu năm 1992, VietNet là một môi trường tích cực và hữu hiệu cho giới trẻ Việt Nam khắp nơi trên thế giới quen biết và học hỏi lẫn nhau. Trong cộng đồng của khoảng 600 người Việt, trong đó có tôi, đã tạo nên một sinh hoạt Việt Nam đa diện và thân tình. Tham dự viên cư ngụ khắp nơi trên thế giới, từ California miền Nam đến tận các tiểu bang Đông Bắc như Massachusetts, Main, từ Hoa Kỳ cho đến tận các quốc gia cực Bắc xa xôi như Đức, Na Uy, Phần Lan hay các quốc gia thuộc châu Đại Dương như Tân Tây Lan, Úc Đại Lợi. Thành phần tham dự viên của VietNet là sinh viên theo học chuyên ngành điện toán từ các đại học lớn hay các chuyên viên kỹ thuật làm việc cho các công ty chuyên về điện toán như Motorola, IBM, Apple, Sony, Adobe, Xerox.
VietNet phục vụ như là một nhịp cầu trao đổi các ý kiến và ưu tư của người Việt về nhiều mặt trong cuộc sống mới. Vì số người rất ít nên chúng tôi rất gần gũi nhau. Mỗi tiểu bang có một nhóm VietNet nhỏ và rất thường hẹn nhau đi chơi chung. Khi chúng tôi đi công việc hay du lịch đều có các thành viên VietNet tại địa phương đón tiếp miềm nở và giúp đỡ những điều cần thiết. Đông nhất vẫn là Bắc California, nơi có Thung Lũng Silicon và tổng hành dinh của các hãng điện toán lớn nhất thế giới. Mỗi ngày trung bình chúng tôi nhận được khoảng 70 email được hai máy trung chuyển, một ở California và một ở Massachusetts, gởi đến mỗi thành viên của nhóm. Ngoài sinh hoạt xã hội, giáo dục, các cuộc tranh luận chính trị sôi nổi giữa các khuynh hướng chính trị khác nhau, nhiều khi mang nặng tính cách ý thức hệ cũng đã xảy ra trên diễn đàn VietNet nầy.
Cách viết duy nhất được dùng trong VietNet là VIQR, ví dụ bút hiệu tôi sẽ được viết là “Tra^`n Trung DDa.o”. Ngày đó, dạng VIQR là phương tiện thích hợp nhất và cũng là duy nhất được dùng trong việc trao đổi email mà không cần chuyển đổi. Dạng VIQR có thể khó viết cũng như đọc đối với độc giả hôm nay nhưng chúng tôi viết rất nhanh và đọc rất dễ dàng. Những email viết không có dấu thường bị phê bình, không được trả lời, mà nhiều khi còn bị đem ra thêm dấu vào để chọc quê. Thành viên VietNet, trong lúc đa số còn trẻ, một số không ít đã từng là giáo sư đại học tại Việt Nam. Dù đồng ý hay không về quan điểm, vốn liếng tiếng Việt của những vị cao niên cũng đã giúp rất nhiều cho các thế hệ trẻ có cơ hội trau dồi Việt Ngữ.
Ngày đó chưa có Hotmail, Gmail, Yahoo mail hay yahoogroups, nên email mà chúng tôi dùng là email của hãng. Trong cộng đồng nhỏ hẹp nhưng vô cùng sinh động đó, không có chủ tịch hay phó chủ tịch, không có sự phân công trách nhiệm rõ ràng nhưng mỗi thành viên đều biết việc phải làm. Trong lúc một số lớn tập trung vào các vấn đề kỹ thuật Internet, tiêu chuẩn hóa tiếng Việt, soạn thảo các bộ chữ, nhiều nhóm nhỏ khác lại chú tâm vào các sinh hoạt dân chủ nhân quyền, xã hội từ thiện hay văn học nghệ thuật hay nhiều khi chỉ vui chơi. Lịch sử VietNet để lại tên tuổi rất nhiều thành viên mà mỗi khi nghĩ đến họ không thể nín cười. Họ trẻ trung, sinh động nhưng cũng dày kiến thức trong nhiều lãnh vực. Không chỉ chuyên môn hay tình bạn thôi mà ngay cả một vài cuộc tình tha thiết dẫn tới hôn nhân cũng bắt nguồn từ những cuộc hẹn hò kín đáo trong “công viên VietNet” nầy.
Về thơ văn, khoảng một hay hai tuần tôi gởi tặng cho các bạn một bài thơ. Bài thơ đầu tiên tôi gởi ra VietNet là bài Những Ngày Ở Lại Sài Gòn. Bạn bè rất thích đọc, không hẳn vì thơ hay nhưng chắc chắn là vì gần gũi. Phần lớn chúng tôi là dân vượt biên tỵ nạn, mùi nước biển như vẫn chưa tan hết trên da thịt còn sạm nắng nên dễ bị xúc động trước những câu chuyện về ghe, biển, đảo, cây đa cũ, gốc dừa xưa, người yêu, bạn bè và cha mẹ. Nhiều khi bận rộn không viết được bài nào thì bị bạn bè gởi email qua nhắc nhở. Thơ tôi viết từ những câu chuyện thật, của tôi, của đồng bào tôi và đất nước tôi. Phần lớn những bài thơ còn sống đến hôm nay như Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười, Em Bé Việt Nam và Viên Sỏi, Người Con Gái Việt Nam Trên Đại Lộ Sri Ayutthaya, Bà Mẹ Điên, Bài Thơ Tháng Tư v.v.. đều viết trong thời kỳ VietNet. Nhiều khi tôi chỉ mong chúng trở thành một quá khứ xa xôi, nghĩa là khi đó đất nước đã đổi thay, không còn những người con gái bán dâm trên đất Thái, sống lây lất ở Miên, không còn lý do cho những bài thơ như thế được nhắc lại trong những bản tin, bài viết hay đọc lên trong những ngày hội họp.
Và cứ thế đến cuối năm 1992, khi số thơ tôi gởi ra đã khá nhiều, một người bạn gợi ý nên in những bài thơ viết đó thành một tập để phổ biến rộng rãi ra bên ngoài cộng đồng VietNet nhỏ hẹp của chúng tôi. Ý kiến của cô được đông đảo bạn bè ủng hộ và như thế tập thơ Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười là tập thơ đầu tiên được in và phát hành trên Internet do công sức của những người bạn thân thiết nhưng không biết mặt nhau. Và cho đến bây giờ, mấy chục năm sau, tôi vẫn chưa có may mắn gặp cô bạn từ NSC, người đã góp phần quan trọng nhất trong việc in tập thơ Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười. Ngày đó chưa có Unicode, các font chữ Việt còn rất ít. Khi in tập thơ, anh Bùi Minh Cương, một người bạn và cũng là một trong những sáng lập viên của nhóm VNKEY đã viết một chương trình vi tính để tạo ra font chữ mới và chúng tôi dùng font chữ đó để trình bày tập thơ. Bạn tôi cũng là người đa cảm nên đặt tên cho font chữ một tên rất buồn là U Hòai.
Nhờ VietNet mà các tham dự viên có dịp đọc các bài viết nghiêm túc có nghiên cứu của các tham dự viên trong diễn đàn, cũng như đọc các bài trích đăng từ các học giả ngoài diễn đàn VietNet. Dĩ nhiên, Internet, như một cộng đồng, cũng không tránh khỏi một số hiện tượng tiêu cực thường có trong các quan hệ xã hội và quan hệ con người, đặc biệt đối với tâm lý của người Việt sau một cuộc chiến tranh dai dẳng mấy chục năm trời.
Với con số 600 người, việc chuyển email do các máy trung chuyển trở thành một vấn đề khó khăn và chậm chạp. Với sự chấp thuận của đa số tham dự viên của VietNet, VietNet hội nhập vào soc.culture.vietnamese (SCV), lúc đó đã tồn tại song song với VietNet. Ngoại trừ một số rất ít tham dự viên vẫn phải nhận email qua trung gian các máy trung chuyển, đa số tham dự viên đã hội nhập dễ dàng vào môi trường mới của SCV. Một buổi chiều, chúng tôi bịn rịn chia tay nhau và sáng mai thức dậy sẽ vào SCV thay vì VietNet.
SCV là một trong khoảng 3000 nhóm thuộc Usenet được lưu chuyển trên Liên Mạng (Internet). Usenet là một tập thể những người trao đổi nhau các tin tức bắt đầu dưới nhãn hiệu được gọi là các nhóm tin (newsgroups). Ngày đó Usenet là môi trường gần như duy nhất cho mọi người trên khắp thế giới có thể trao đổi tin tức với nhau một cách tự do, và một trong những nhóm tin đó là soc.culture.vietnamese. SCV là một VietNet trên một tầm vóc rộng rãi hơn và đông đảo hơn nhiều. Việc liên lạc với SCV cũng dễ dàng và nhanh chóng hơn vì không nhất thiết phải qua trung gian email mà có thể đọc trực tiếp bằng các nhu liệu khác do trường học và công ty cung cấp. SCV đông đảo hơn nhiều nhưng vì thế đã loãng đi cái không khí thân mật và ấm cúng của thời VietNet. Nhiều bạn bè của tôi và chính tôi dần dần cũng ít thích tham gia SCV. Chúng tôi lập ra những nhóm riêng để sinh hoạt với nhau và chỉ xuất hiện trên SCV khi cần phải phổ biến các tin tức cần thiết.
Cá nhân tôi, từ chuyện kỹ thuật, kinh tế, chính trị, nhân quyền, tỵ nạn cho đến chuyện văn thơ, chuyện gì cũng có dính vào một chút. Ngoài việc làm cho hãng, tôi điều hành nhiều nhóm chuyên môn và cũng vừa sáng tác thơ văn. Khá đông trong số chúng tôi là những quản trị viên hệ thống điện toán (Unix System Administrator) của các công ty lớn nên chúng tôi còn xử dụng, đúng ra là lạm dụng, các phương tiện của công ty vào các mục đích riêng. Gần năm năm làm việc cho Sun Microsystems, tôi điều hành các nhóm sinh hoạt bằng các máy lớn của công ty, mỗi ngày nhận và gởi ra mấy trăm email mà không bị các xếp trên dòm ngó.
Từ năm 1994 trở về sau, Liên Mạng (Internet) đã trở nên thông dụng và nhiều phương tiện dẫn đến Liên Mạng, một trong những phương tiện đó là Mạng Nhện Toàn Cầu (World Wide Web gọi tắt là WWW). Sự xuất hiện của Màng Nhện Toàn Cầu được đánh giá như một cuộc cách mạng đã diễn ra trong lãnh vực thông tin. Cộng đồng người Việt trên Liên Mạng đã tỏ ra rất bén nhạy trước kỹ thuật mới nầy. Hàng chục trạm cung cấp (web server) đã được thành lập để cung cấp tin tức thời sự, sinh hoạt văn học, đấu tranh chính trị, quảng cáo thương mại v.v.. Con số trang nhà (homepage) cá nhân cũng đã tăng một cách nhanh chóng. Với sự ra đời của Mạng Nhện Toàn Cầu sinh hoạt trên Liên Mạng hoàn toàn đổi khác. Thành phần tham dự viên cũng phát xuất từ nhiều gốc gác khác nhau, ngành nghề khác nhau và nhiều thế hệ, tuổi tác khác nhau. Liên Mạng không còn là nơi gặp gỡ của tuổi trẻ thôi mà là của mọi giới, mọi thành phần xã hội. Các hội đoàn, các tổ chức, các tạp chí, các tôn giáo đều có trạm cung cấp trên Liên Mạng. Ngoài ra các nhóm chuyên biệt dựa vào sở thích và nhu cầu cũng đã ra đời. Về văn học các nhóm mhư Poetry Digest, Thơ Văn, Ô Thước, Nắng Mới ở Âu Châu, Âu Cơ, Về Nguồn, Xứ Việt, Nam Việt v.v.. nối tiếp nhau xuất hiện. Mỗi nhóm sinh hoạt riêng và dựa vào trạm cung cấp riêng được xây dựng công phu. Với khả năng kỹ thuật xuất sắc của cộng đồng người Việt, họ đã tạo dựng những trạm cung cấp phong phú về nội dung và đẹp mắt về hình thức.
Trong số các tạp chí điện tử chuyên về văn học cũng được lưu hành đều đặn hàng tuần trên Liên Mạng (Internet), nổi bật nhất là tạp chí điện tử Văn Học Nghệ Thuật (VHNT) đặt cơ sở trên trạm saomai.org/vhnt ra mắt số đầu tiên ngày 17 tháng 7 năm 1995. Tạp chí Văn Học Nghệ Thuật do nhà văn trẻ Phạm Chi Lan điều hành. Không giống như các tạp chí điện tử khác chỉ phổ biến giới hạn trong vòng thân hữu, VHNT đã mở ra một không gian sinh hoạt văn nghệ rất rộng, không chỉ dành cho các thế hệ sinh ra và lớn lên ở hải ngoại mà còn cho cả các nhà văn, nhà thơ đã có chỗ đứng trong văn học từ trước 1975. Hành trình của VHNT đã được hai nhà văn Lương Thư Trung và Phùng Nguyễn trình bày một cách chi tiết trên damau.org. Thời gian đó tôi đang theo đuổi một số đề án riêng với các bạn khác nên không trực tiếp tham gia VHNT, tuy nhiên thỉnh thoảng tôi vẫn gởi Phạm Chi Lan những sáng tác tôi nghĩ là thích hợp với VHNT. Dù không góp mặt thường xuyên, Phạm Chi Lan và tôi rất quý mến nhau và rất thường email qua lại. Trong một số báo VHNT Phạm Chi Lan đã giới thiệu tôi một cách ân cần, tôi xin chép ra đây như một kỷ niệm chứ không phải để khoe khoang: “Trần Trung Đạo là một tiếng thơ rất đặc biệt trên mạng thông tin. Thơ anh xuất hiện từ lâu, từ khi VietNet mới được thành lập, từ khi tôi chưa bao giờ được biết đến có một cộng đồng điện tử của chúng ta trên toàn cầu. Nhắc đến anh Trần Trung Đạo, không một “netter” nào yêu văn thơ mà không biết đến. Tôi biết đến thơ anh hơi muộn, nhưng lại hân hạnh được anh gia nhập, đóng góp bài cho diễn đàn vhnt này thêm phần phong phú. Thơ anh có nét hùng, có nét man mác của một hình ảnh rất thân thuộc, hình ảnh quê hương trong từng chữ từng câu. Thơ anh chuyên chở dùm cho chúng ta nỗi trăn trở về tình yêu, tình quê hương, tình nhân loại, tình người, và những nỗi mất mát… những điều không một ai có được vẹn toàn, ở đời sống lưu vong này.” Khi tôi chép lại những dòng này thì Phạm Chi Lan, người bạn của tôi không còn nữa, chị không phải lo âu cho số VHNT sẽ phát hành sáng thứ Hai tới, không còn phải mơ được sống trong một ngày nắng đẹp bên kia cánh cửa sổ bịnh viện và không còn đau nhức, Phạm Chi Lan đã trở về như Đinh Yên Thảo viết “với nơi đã khởi đầu” trong nhẹ nhàng thanh thản.
Nhiều người gọi Internet là thế giới ảo vì không ai biết ai, không ai gặp ai, ngay cả tên tuổi cũng là giả, vâng, nhưng liệu chúng ta gặp nhau mỗi cuối tuần, gọi thăm nhau mỗi tháng, thì đó là thế giới thật hay sao. Chưa hẳn. Trong hai mươi năm sinh hoạt trong Internet, tôi có rất nhiều bạn, có những người tôi chỉ gặp một lần rất vội vàng ở Dallas như Phạm Chi Lan và có rất nhiều người tôi chưa từng gặp và biết có thể sẽ không bao giờ gặp. Điều đó không quan trọng, trong tâm hồn tôi vẫn có một chỗ trân quý dành cho họ và nghĩ đến họ chân thành như nghĩ đến chính tôi, bởi vì nói cho cùng, gần hay xa, thực hay ảo là chuyện của tâm và biên giới giữa hai trạng thái là một sợi chỉ rất mong manh trong ý thức của con người.
Trần Trung Đạo