Tưởng Nhớ cố thi sĩ Nguyễn Chí Thiện và Giới Thiệu Tác Phẩm: “Nguyễn Chí Thiện, Trái Tim Hồng”

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

 

Audio Tác phẩm ” TRÁI TIM HỒNG-NGUYỄN CHÍ THỆN -Con Người và Cuộc đời ” của Nhà văn Trần Phong Vũ  (Diễn đọc : Tâm An)

http://www.chinhnghiavietnamconghoa.com/HoiKyButKy/NguyenChiThien-TraiTimHong-TranPhongVu/index.html

Nguyễn Chí Thiện và Thơ của Ông  (Ls Trần Thanh Hiệp)

Buổi Sinh Hoạt Tưởng Nhớ cố Thi Sĩ Nguyễn Chí Thiện và Giới Thiệu Tác Phẩm: “Nguyễn Chí Thiện, Trái Tim Hồng” của Nhà văn Trần Phong Vũ, đã được khai mạc lúc 1giờ 30 chiều thứ Bảy 29 Tháng 3 Năm 2014 tại  Hội Trường Franklin-McKinley School, thành phố San Jose. Mặc dầu trời mưa gió nhưng vẫn có gần 200 quan khách và đồng hương đến tham dự.
Sau khi MC Hạ Vân giới thiệu thành phần quan khách tham dự, chương trình được mở đầu bằng nghi thức chào cờ Mỹ Việt và phút mặc niệm, đặc biệt tưởng nhớ đến nhà thơ Nguyễn Chí Thiện. Tiếp theo nhà báo Huỳnh Lương Thiện Trưởng Ban Tổ Chức, khai mạc chương trình, với bài diễn văn trích đoạn như sau:

” …17 năm tại hải ngoại là 17 năm tranh đấu không ngừng nghĩ của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện. Ông đã góp phần vào cuộc tranh đấu cho đến hơi thở cuối cùng. Ngày 01-10-2012 ông đã vĩnh viễn ra đi sau 73 năm có mặt trên dướng thế; trong đó, hết 27 năm trong lao tù Việt cộng. Ông ra đi để lại tiếc thương cho bao nhiêu người. Trong đó có nhiều người ngậm ngùi nêu thắc mắc, Nguyễn Chí Thiện đã để lại cho đời nhiều kiệt tác, nhiều bài thơ bất hủ, tại sao chúng ta không có một tác phẩm nào viết về ông?. Cái thắc mắc đo, hôm nay đã có câu trả lời. Đó là sự ra đời tác phẩm “Nguyễn Chí Thiện, Trái Tim Hồng” của Trần Phong Vũ.”
Tiếp đó phần trình bày của Nhà Báo, Giáo Sư Bùi Văn Phú cùng với phần dẫn chứng bằng trình chiếu slideshow trên màn hình lớn, GS Phú đã chia sẻ tâm tình về các sinh hoạt tại hải ngoại, nhất là trong giới sinh viên  mà GS Phú đã tổ chức hoặc tham gia, vận động cho nhà thơ Nguyễn Chí Thiện đang trong tù CSVN cũng như khi nhà thơ đặt chân đến Hoa Kỳ.

 

Sau đó, Trưởng BTC Huỳnh Lương Thiện, cựu Thiếu Tướng Nguyễn Khắc Bình, Nhà Văn Trần Phong Vũ, LS Ngô Văn Tiệp, Chủ Tịch BCH LĐCT cùng với đông đảo đồng hương tiến đến bàn thờ thắp nén hương tưởng nhớ Thi Sĩ Nguyễn Chí Thiện trong phần diễn ngâm thơ của Nguyễn Chí Thiện do ca sĩ Ngọc Lan và Đan Hùng trình bày.
Kỹ Sư Nguyễn Tấn Thọ, người Điều Hợp Tổng Quát chương trình, đã giới thiệu về Tác Giả là nhà văn Trần Phong Vũ. Trích đoạn như sau: “Nhà Văn là một khuôn mặt lớn trong báo giới. Trước năm 1975 ông từng là bình luận gia trên đài phát thanh Sài Gòn cũng như các báo Sóng Thần, Sai Gòn Thời Báo… Dầu đã ngoài 80 nhưng ông vẫn tiếp tục viết văn làm báo mà sự năng động của ông, giới trẻ cũng khó sánh bằng. Nhà văn Trần Phong Vũ và nhà thơ Nguyễn Chí Thiện là hai người bạn gắn bó với nhau ở những sinh hoạt truyền thông, văn hóa trong cộng đồng. Hôm nay, Trần Phong Vũ lại nói về người bạn tri âm của mình trong buổi sinh hoạt “Tưởng Nhớ Nguyễn Chí Thiện”, bằng cuốn sách viết về Nguyễn Chí Thiện, một Trái Tim Hồng để lại cho nhân thế…”

Ở một đoạn khác, ông nói :”Đúng vậy, chúng ta đồng cảm với NV Trần Phong Vũ khi gọi tên Nguyễn Chí Thiện,Trái Tim Hồng. Ông không chỉ gọi riêng mình, mà gọi thay tất cả những ai nghĩ về con người Nguyễn Chí Thiện, cho nhiều hơn nhận, cam chịu nhiều hơn thụ hưởng. Nguyễn Chí Thiện đã rời xa nhân thế, nhưng tên tuổi và tính cách sống của ông để lại cho chúng ta nỗi nhớ thương và lòng cảm kích lớn lao…”
Giáo sư Ngô Đức Diễm giới thiệu về tác phẩm “Nguyễn Chí Thiện Trái Tim Hồng”. Trong phần mở đầu, GS Diễm nói tác phẩm này dày 560 trang gồm 3 Phần, 12 Chương, và một phần Phụ Lục trình bày bao quát về cuộc sống, hồn thơ và chất thơ của thi sĩ Nguyễn Chí Thiện.

Qua trình tự của tác phẩm  GS Diễm có cái nhìn về thi sĩ Nguyễn Chí Thiện như sau:

– Thứ nhất, Nguyễn Chí Thiện là một chiến sĩ văn hóa:

GS Diễm dẫn lời của LS Trần Thanh Hiệp rằng: “Sự thật, ông chỉ là một nhà thơ đã dám sống chết với thơ của mình, một nhà thơ với thân hình đau ốm, với một cuộc sống mà tất cả mọi quyền đều bị tước đoạt, nhưng với một vũ khí độc nhất là ngôn ngữ, đã duy trì đuợc một cuộc đối kháng lâu dài, chống lại cả một bộ máy đàn áp khổng lồ mà không bị tiêu diệt.”
– Thứ hai, Nguyễn Chí Thiện là một dũng sĩ vung gươm trừ Ác:

GS Diễm dẫn lời BS Phạm Hồng Sơn rằng: luỡi gươm của dũng sĩ Nguyễn Chí Thiện đã chỉa thẳng vào 3 huyệt đạo cấm kỵ của cộng sản. Đó là Đảng cộng sản Việt Nam, Hồ Chí Minh và chủ nghĩa cộng sản quốc tế.

– Thứ ba, Nguyễn Chí Thiện là con người “đạt nhân”:

GS Diễm nói: “Nguyễn Chí Thiện đã luôn luôn giữ đuợc một nhân cách cao đẹp dù phải sống trong hoàn cảnh nghiệt ngã nhất” Và ông dẫn lời của LM Nguyễn Văn Lý rằng:“ Tác phong uy nghiêm chững chạc, bộc lộ một nhân cách hoàn hảo. Ăn nói đúng mức, cẩn trọng. Thái độ văn minh lịch sự như bậc hiền nhân quân tử. Đúng là một nhà trí thức vĩ đại, xứng đáng giải Nobel văn học..” LM Nguyễn văn Lý còn chia sẻ như sau: “Trong những lần đuợc thân nhân hoặc giáo dân tiếp tế, thăm nuôi, tôi thường chia cho anh em bạn tù, kể cả đám tù binh hình sự. Khi chia cho Nguyễn Chí Thiện, rất ít khi anh nhận. Anh thường từ tốn tìm cách thoái thác, hoặc chỉ nhận một phần nhỏ. Anh nói “Con ăn ít lắm. Xin cha giữ lại chia cho những anh em cần hơn.”

Đối vớc các du sinh và các ca sĩ từ Việt Nam, Nguyễn Chí Thiện cũng có cái nhìn cởi mở: “Không những chúng ta không nên có thái độ kỳ thị, chống đối hay xa lánh họ, mà tích cực hơn, theo quan điểm của tôi, cần có kế hoạch kết thân với họ..Nếu cộng đồng người Việt tỵ nạn lấy tình cảm của người đồng hương đối xử với họ thì lo gì không cảm hóa đuợc họ?”

Đặc biệt,Nguyễn Chí Thiện  cũng không tỏ ra dị ứng  với những anh em đã thức tỉnh, ly khai đảng cộng sản để gia nhập chiến tuyến dân chủ, như Bùi Tín, Vũ Thư Hiên, Nguyễn Minh Cần..Trần Phong Vũ viết “Giữa lúc bị đánh phá tứ bề như thế, nếu là người chỉ biết thủ thân một cách hẹp hòi, chắc chắn Nguyễn Chí Thiện sẽ giữ thái độ im lặng. Nhưng không! Trong một thời gian dài, mỗi khi có dịp, tác giả Hoa Địa Ngục là một trong số người mạnh dạn hết lời bênh vực các nhân vật này.”
Thế đó! Nguyễn Chí Thiện mang một Trái Tim lớn, chan chứa một tình yêu viết  hoa dành cho mẹ, cho trẻ em Việt Nam, cho những người  xấu số, cho bạn bè, và cho đồng bào và cho cả nhân loại, kể cả những kẻ thù đã nhẫn tâm đánh phá anh, bôi nhọ và phỉ báng anh. Anh đã thổ lộ với Trần Phong Vũ: “Mọi người nói sao, nghĩ sao cũng đuợc. Riêng tôi, tôi không quan tâm, vì tôi nghĩ đây chỉ là một sự ngộ nhận khó tránh..Tôi luôn luôn vững tin rằng, trước sau, sớm muộn, sự thật sẽ được bạch hóa thôi..”
GS Diễm kết luận:Thật mỉa mai, một con người sống thực như thế, trong một cuộc đời bất hạnh như thế, và với một trái tim hồng, thắm đượm tình nhà, tình nước và tình nguời tuôn chảy thành những lời thơ đanh thép tuyệt vời như thế, mà lại là nạn nhân của những xỉa xói, xuyên tạc, bôi bẩn do những ngòi bút thiếu lương thiện, những định kiến qúa hẹp hòi với những suy luận thật vu vơ! 

 Tuy nỗi oan vẫn chưa dứt, mây mù còn đó, với những nét mực thâm tím mà Bùi Minh Quốc gọi là  “một thời đểu cáng đã lên ngôi” . Nhưng chúng tôi chắc tâm rằng, những nét mực thiếu luơng thiện sẽ bị xóa nhòa, ánh sáng sẽ làm tan đi bóng tối oan khiên, để trả lại Sự Thật cho lịch sử văn học, trả lại sự trong sáng cho anh và thơ của anh, để Trái Tim Hồng mãi mãi rung nhịp yêu thương… Bên anh có Trần Phong Vũ, Huỳnh Lương Thiện, Nguyễn Tấn Thọ Đinh Quang Anh Thái, Bùi Văn Phú và chúng tôi, cùng với những người bạn ở xa như Đỗ Mạnh Tri, LS Trần Thanh Hiệp, Thụy Khuê, BS Phạm Hồng Sơn và  Jean Libby..Tất cả chúng tôi sẽ mãi ấp ủ Trái Tim Hồng! Hãy mỉm cuời đi nhé anh Thiện…”
Phát biểu của Nhà Văn Trần Phong Vũ, trước tiên ông cám ơn Ban Tổ Chức cùng những thân hữu của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện đã bỏ thời giờ công sức tổ chức buổi sinh hoạt này. Ông nói tiếp: “… Nhiều người đề cao Nguyễn Chí Thiện như là một chiến sĩ quyết liệt xông xáo trên mặt trận này nọ…Nhưng thật ra, ông là một con người đầy nhân ái, bao dung chứ không phải là một con người bị tô vẽ là chống cộng cực đoan. Nguyễn Chí Thiện chống cộng để đem yêu thương, phục hồi nhân phẩm, phục hồi giá trị nhân bản của con người Việt Nam. Nhà thơ đã nói mục tiêu duy nhất ông làm thơ là để góp phần đẩy mạnh cuộc đấu tranh.”

Ông Vũ nói tiếp:” Trái Tim Hồng  lấy từ tiêu đề của một bài thơ mà anh Nguyễn Chí Thiện đã sáng tác vào các giây phút cùng cực nhất của đời anh. Lúc mà anh nghĩ là anh không có ngày trở về, với lời thơ như:

” Ta có trái tim hồng 

Không bao giờ ngừng đập.

Căm hận đau thương

Tràn ngập xót xa

Và ta đã móc nó ra làm qùa cho các bạn.

Một trái tim hồng biết bao chan chứa

Ta đặt trên bờ dương thế, trước khi xa.”…
Phần sau cùng là phát biểu của Nhà báo Lê Văn Hải, LS Nguyễn Hoàng Duyên, nhà báo Đinh Quang Anh Thái.
Nhà báo Lê Văn Hải sau khi lượt qua một số sinh hoạt của nhóm Phát Huy Tinh Thần Nguyễn Chí Thiện đã góp phần vận động để Hà nội trả tự do cho thi sĩ Nguyễn Chí Thiện, một câu chuyện vui được nhà báo Lê Văn Hải kể và ông trao tặng cho mỗi thành viên Ban Tổ Chức một khung hình với chân dung của thi sĩ Nguyễn Chí Thiện được họa năm 1981.
Theo LS Nguyễn Hoàng Duyên, chỉ cần các vần thơ:

“Không Có Gì Quý Bằng Độc Lập Tự Do”

 Tôi biết nó, thằng nói ra câu đó 

Đồng bào miền Bắc này biết nó

Việc nó làm, tội nó phạm ra sao…

thì người thanh niên Nguyễn Chí Thiện đã đánh gục cái hình ảnh giả tạo thần thánh của cái tên được gọi là Hồ Chí Minh mà không biết có phải là Hồ Chí Minh hay không nữa.

Nhà Báo Đinh Quang Anh Thái đã chia sẻ là có lúc ông đã hỏi nhà thơ Nguyễn Chí Thiện là làm sao mà sau khi bị cộng sản đày đọa 27 năm trời mà ông có thể có được cái tâm bao dung để viết được :’

Bao nhiêu thù hận tan thành hương khói

Sống sót trở về phúc phận an thân

Kẻ bùi ngùi hối hận

Kẻ kính cẩn dâng lên

Này vòng hoa tái ngộ

Đặt lên mộ Cha Ông

Khai sáng kỷ nguyên

Tả trắng thắng cờ hồng”

 

Thì nhà thơ Chí Thiện đã trả lời là dân tộc mình không còn chọn lựa nào khác là một ngày nào đó, dân tộc chúng ta nhìn lại quá khứ một lần rồi xóa sạch nó đi. Nếu không thì cái bóng ma qúa khứ đó nó sẽ theo ám ảnh hoài dân tộc mình . Ông Thái nói tiếp:”Cái khổ đau của cá nhân ông không quan trọng, tương lai dân tộc Việt nam mới quan trọng.

Nhà thơ cũng giải thích “tả trắng” là tượng trưng cho đứa trẻ mới chào đời, trong trắng, trinh nguyên, không thù, không hận… Nó sẵn sàng đón nhận một tương lai tốt đẹp trước mắt…

Cái thông điệp của Nguyễn Chí Thiện rất rõ là dân tộc mình sẽ chỉ thành một đứa trẻ sơ sinh với “tả trắng thắng cờ hồng” với “bao thù hận tan thành hương khói” chỉ với một điều kiện là phải giải quyết cái nỗi oan khiên ngày nay của dân tộc mình là cái Đảng đang ngự trị một cách độc đoán trên dòng sống của dân tộc…”

Xen kẽ trong chương trình là phần văn nghệ với các ca sĩ Hồ Ngọc Lan, Đan Hùng, Như Hà, Ái Loan và Từ Yên. Buổi sinh hoạt kết thúc vào khỏang 4 giờ 30 chiều cùng ngày.
Mỹ Lợi tường trình từ San Jose.

Kính Mời quý vị đọc thêm bài viết sau đây:

Bài Giới Thiệu Tác Giả Nhà Văn Trần Phong Vũ của KS Nguyễn -Tấn Thọ,

 Tổng Điều Hợp buổi Sinh Hoạt Tưởng Nhớ Nhà Thơ Nguyễn Chí Thiện, tại San Jose.

                                                                  **********************************
Bài Giới Thiệu Tác Giả của KS Nguyễn-Tấn Thọ

Giới Thiệu Nhà Văn Trần Phong Vũ

Tác Giả cuốn sách “NGUYỄN CHÍ THIỆN, TRÁI TIM HỒNG”

tổ chức tại Hội Trường Franklin McKinley School,

645 Wool Creek Dr., San jose CA 95112 –

Lúc 1 giờ trưa Thứ Bảy, 29 Mar 2014

Nhà văn Trần Phong Vũ là một khuôn mặt lớn, gần gủi trong báo giới. Ông tên thật là Trần Ngọc Vân, sinh quán tại Thái Bình, Bắc Phần Việt Nam.  Dù đã ngoài 70, ở cái tuổi “Thất Thập Cổ Lai Hy” ấy, nhưng sự năng động của ông, lớp trẻ hơn cũng khó sánh bằng. Trước năm 1975, Ông Trần Phong Vũ đã từng là Bình Luận Gia đài phát thanh Sài Gòn, là Giáo Sư giảng dạy môn quốc văn tại một số trường tại Sài Gòn như Lasan Taberd, Nguyễn Bá Tòng… Ông cũng đã từng giữ mục tham luận chính trị, bình luận thời sự… cho nhật báo Sóng Thần, Sài Gòn Thời Báo….

Ra hải ngoại, ông vẫn tiếp tục viết văn, làm báo. Ông là chủ bút nhiều Nguyệt San như Đường Sống, Diễn Đàn Giáo Dân tại Nam California, và đang cùng nhà văn Uyên Thao phụ trách Tủ Sách Quê Hương từ năm 2000.

Nói về Nhà Văn Trần Phong Vũ, chúng ta không thể không nhớ đến những lời phát biểu hùng hồn, có sức thuyết phục trong các buổi thắp nến cho Tam Tòa, Cồn Dầu, Thái Hà trong những năm vừa qua khi tình hình tại những nơi ấy đang là điểm nóng v.v…

Những tác phẩm của ông xuất bản từ trong nước ra đến hải ngoại lên đến con số hàng chục, chứng tỏ sức viết đa dạng trong nhiều lãnh vực của ông. Gần nhất là hai tác phẩm “Tuyển Tập Trần Phong Vũ”, gồm các thể loại Truyện ngắn – Tâm bút – Thơ  do tủ sách Tiếng Quê Hương phát hành tại Hoa Kỳ 2012, và tác phẩm “Nguyễn Chí Thiện, Trái Tim Hồng”, một cuốn sách thuộc dạng Biên Khảo –Nhận Định cũng do tủ sách Tiếng Quê Hương tại Hoa Kỳ phát hành trong 2013.

Có một cái gì đó khiến chúng ta nghĩ đến Trần Phong Vũ, trong lòng đầy ắp những trăn trở, những tâm sự khi nói đến, viết về Nguyễn Chí Thiện, người bạn tâm giao, gần gũi với ông hơn 8 năm trời. Nhà Văn Trần Phong Vũ và Nhà Thơ Nguyễn Chí Thiện là hai người bạn gắn bó với nhau ở những sinh hoạt truyền thông, văn hóa trong cộng đồng. Họ thường có chung với nhau những buổi hội luận trên đài phát thanh hay truyền hình, và tham dự chung với nhau hầu hết các buổi giới thiệu sách khắp nhiều nơi. Chính tại San Jose này trước đây, Nhà Thơ Nguyễn Chí Thiện đã giới thiệu hai tác phẩm của Nhà Văn Trần Phong Vũ. Đó là “Phan Văn Lợi, Người Là Ai” và cuốn sách khác mang tên “Giáo Hoàng Gioan Phaolo II, Vĩ Nhân Thời Đại”.

Hôm nay cũng tại San Jose, Trần Phong Vũ lại nói về người bạn tri âm của mình trong buổi “Sinh Hoạt Tưởng Nhớ Nguyễn Chí Thiện”, bằng cuốn sách viết về một trái tim hồng để lại cho nhân thế.

Trần Phong Vũ được Uyên Thao – giám đốc nhà xuất bản Tiếng Quê Hương tín nhiệm, đề nghị viết về thân thế và sự nghiệp của tác giả “Hoa Địa Ngục.” Bởi vì như Uyên Thao nói: “Ngoài những ngày cuối đời của Thiện, ‘mày’ là người thân cận với anh ấy từ nhiều năm qua.”

Đúng vậy, khi mở đầu tác phẩm bằng hai câu thơ:

“Một trái tim hồng với bao chan chứa.

Ta đặt trên bờ dương thế, trước khi xa”

Trần Phong Vũ giới thiệu với độc giả một Nguyễn Chí Thiện kiên cường, cứng như sắt thép, đã chiến đấu không ngưng nghỉ với cái ác, với nhà tù, với bệnh tật, cho đến khi an giấc ngàn thu.

Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện đã ra đi, nhưng di sản tinh thần của ông bất diệt.

Đúng vậy, chúng ta đồng cảm với NV Trần Phong Vũ khi gọi tên Nguyễn Chí Thiện,Trái Tim Hồng. Ông không chỉ gọi riêng mình, mà gọi thay tất cả những ai nghĩ về con người Nguyễn Chí Thiện, cho nhiều hơn nhận, cam chịu nhiều hơn thụ hưởng. Nguyễn Chí Thiện đã rời xa nhân thế, nhưng tên tuổi và tính cách sống của ông để lại cho chúng ta nỗi nhớ thương và lòng cảm kích lớn lao.

Cuốn sách mà NV Trần Phong Vũ viết về Nhà Thơ NCT, mang tựa đề “Nguyễn Chí Thiện, Trái Tim Hồng”, sẽ là một dấu ấn khó mờ phai trong lòng mỗi một chúng ta. Trong suốt chiều dài của tác phẩm “Nguyễn Chí Thiện Trái Tim Hồng,” tác giả Trần Phong Vũ nhấn mạnh đến nhân cách đặc biệt của người được mệnh danh là Nhà Thơ và cũng là “Ngục Sĩ”, sẽ được GS Ngô Đức Diễm trình bày với chúng ta hôm nay.